Thiên tượng (11)

“Cuộc đời là cái xảy ra lúc ta đang bận thực hiện những kế hoạch khác.”
- John Lennon

Lúc đầu người ta cứ tưởng Hang Dơi là một tiểu hỏa sơn. Cho đến lúc đợi mãi, đợi mãi, mà vẫn không thấy lửa phun ra. Chưa bao giờ thấy lửa phun ra. Chỉ có những luồng gió nóng. Có gió trong hang, dù là nóng, mát, hay lạnh, thì lô-gích là hang phải có ít nhất hai lối không khí vào ra khác nhau và liên thông với nhau. Nhưng tìm mãi, tìm mãi, mà vẫn không thấy lối khác. Chưa bao giờ thấy lối khác. Cho nên những luồng gió nóng ấy đến bây giờ hầu như mặc nhiên đã nhận được sự đồng thuận chung coi là gió “thổi”, hay là “bốc lên”, “phả ra”, thế nào đó, từ dưới lòng đất.

Hang Dơi sâu, và rộng lớn. Rộng tới mức có cả rừng cây mọc ở trong đó. Có cây mọc, thì lô-gích là phải có ánh sáng. Nhưng để ý mãi, để ý mãi, mà vẫn không thấy ánh sáng. Chưa bao giờ thấy ánh sáng. Hang Dơi, từ lúc người ta gặp nó, vẫn luôn luôn tăm tối.

Khởi thủy, sự sống có liên quan mật thiết với ánh sáng, ánh sáng là sinh khí. Hang Dơi, có lẽ vì tăm tối quá, cho nên sau một thời gian gây được một niềm tò mò nhất định cho những người đầu tiên, thì dần dần không còn được ai để ý, cũng như không có ai buồn để ý đến tiền đồ của chị Dậu. Nhưng đấy là ngày xưa. Ngày đấy, người ta tăm tối cả về vật lý, cả về tâm sinh lý, cho nên, một cách tự nhiên, thích sáng.

Cho đến khi do một sự, rồi vài sự tình cờ, tức là phải qua một thời gian cũng dài, người ta chợt phát hiện ra rằng những luồng gió nóng trong hang hình như có công dụng bổ dưỡng thế nào đó đối với sức khỏe và tinh thần. Đang oặt oẹo mà vào đấy ngủ nghỉ một hai đêm, đến lúc ra tự nhiên đã cảm thấy phấn khởi hưng phấn vô chừng. Kể từ giờ phút này, bọn suối nóng luộc trứng còn phải gọi Hang Dơi bằng cụ. Hang Dơi bắt đầu có người đến chơi, nhưng cũng như suối nóng, cũng chỉ lác đác thôi. Vì đấy là ngày xưa. Ngày đấy, người yếu thường chết rất nhanh. Còn người khỏe, thì lại rất khỏe. Nên cả suối nóng và Hang Dơi đều ế.

Còn bây giờ là bây giờ.

Bây giờ có nhiều thứ phát sáng hơn, nên phần vì tò mò thật, phần vì đời nhạt nhẽo, phần vì a dua, nhiều người thích đi tìm cái gì đó khác, tăm tối hơn bình thường.

Bây giờ, người yếu cũng khó chết ngay, còn người khỏe, cũng ít người thật sự khỏe, nên Hang Dơi rất bị để ý.

Hang Dơi bây giờ luôn đông đúc những người đến chơi, đến mức đã phải đăng ký, xếp hàng.

Cho đến khi có Hơi Thở Rồng.

Tự nhiên nó xuất hiện. Nó thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm. Nó là một dạng tiểu cuồng phong. Dông tố ở trong hang. Lúc đầu chỉ quật nát vài cái lều du lịch. Nên từ sau người ta đã mang vào đấy những cái lều kiên cố hơn. Được một hồi, nó lại quật nát tiếp. Rồi nó còn quật đến nỗi đã có người chết và đi viện.

Đến thế thì đám đông Hang Dơi tự tan. Tất nhiên, lẻ tẻ, cũng vẫn còn những tín đồ kiên cường nhất của trường phái tìm cảm giác mạnh; bọn vô công rồi nghề, dửng mỡ, và lút-dơ mặc định vẫn luôn là một cảnh quan cố hữu trong tổng thể bức pa-nô-ram-ma “loài người”; nhưng giờ đây, một cách toàn cảnh nhất: có lẽ chỉ còn lại một sự tò mò dân gian.

- Khỏe người thật hả anh?

- Ừ, đại khái thế. - Trời hôm nay trong veo, nên đầy sao tỏa sáng, mặc dù ngôi sao to có tên là “trăng” thì mỏng tang một cách không đáng kể. Anh đang nằm chân co chân duỗi ở trên mái nhà, phần mái gần bờ suối, nghiêng về phía sân nhỏ bên trong, đầu gối lên cánh tay gấp chéo, ở gần sống nóc nhà, ngắm sao, cô ngồi cạnh, bên trái, gần giống như lúc họ nằm, ngồi ở ngoài bờ biển, chỉ khác là anh đã cẩn thận gối lên tay trái.

- Nếu mình làm kịp, em sẽ vào đấy với anh. - Giọng cô có vẻ quả quyết.

- Anh xin ngụm. - Cô không quay lại, chỉ dang tay đang cầm chai rượu vang, anh đón lấy, tợp một ngụm nhỏ, rồi khẽ ngân nga -

“Vì sao của tôi không cần suy xét
Mệt mỏi hay là tìm kiếm sự bình yên.
Nó không hề biết bình yên là gì,
Mà có biết hay không thì cũng thế.
Hàng đêm nó sẽ nằm mơ
Thấy ngôi nhà,
Thấy khói cay mắt,
Thấy chè đắng ngắt...”

- Em đang bảo anh là…

- Bài hát hay quá… huýt huýt… huýt huýt…

- Em đang bảo là em sẽ vào trong đấy với anh. - Anh vẫn hí hửng một cách cố tình, huýt sáo theo giai điệu bài hát, thì cô đã ngồi xoay ngược hẳn lại, mái nhà dốc xuống nên bây giờ cô phải cúi người nhiều hơn. Cô đang nhìn thẳng vào mắt anh.

- Em vào làm gì? Anh… em biết, thân thủ anh cũng tàm tạm, mình anh vào là đủ. Có phải đi chơi đâu?

- …

- …

- Đào Phi.

- …

- Thái độ… Tình cảm của anh đối với em như thế nào? - Trừ chỗ chọn từ lúc đầu, thì câu hỏi đã đơn giản, lưu loát, ngắn gọn và dứt khoát.

- Như bình thường thì có thể gọi là tình yêu. - Anh đã ngồi dậy ngay ngắn, giống như cô, hơi “chéo cánh”. Giọng anh đều đều, chăm chú, giống như đang kể chuyện. - Nhưng anh với em thì khác.

- Khác thế nào?

- Anh với em, anh nghĩ chúng mình chả tội gì.

- Chả tội gì?

- Như thế này tốt mà em. Cái đấy… thoái hóa. Ừ… Yêu ấy.

- Thoái hóa?

- Ừ, em cứ nhìn xung quanh, cả nhìn lại những tình cũ ấy. Lúc đầu là “trí tưởng tượng lấn át hiểu biết”, rồi sau đó là “hy vọng lấn át kinh nghiệm”, ai nhở, hình như là Oscar… ừ Oscar Wilde bảo thế. Lúc đầu nồng nhiệt lắm, sau rồi… văn minh thì chịu đựng, phàm phu thì đánh chửi, đưa nhau ra tòa…

- Nhưng đâu phải tất?

- Ừ, nhưng xác suất cũng gần một.

- …

- …

- Như thế này… nhưng… - cô đưa tay, sờ sờ má anh.

- … - anh đưa tay mình ấp lấy bàn tay cô, nghiêng nghiêng thêm má về bên đấy, giụi giụi, rồi hơi xoay mặt, khẽ hôn vào lòng bàn tay ấy. - Em, ừ, em không nên.

- …

- …

- Hồi còn ở biển anh cũng bảo đời người thoái hóa, nhưng anh vẫn theo được cách anh muốn. Chuyện này sao không thế?

- Có khác nhau một tí, ngay từ đầu. Chuyện em với anh có mặt trên đời, mình không chủ động được. Còn chuyện này, có, ngay từ đầu, bây giờ, thì… còn được.

- …

- …

- Nhưng còn chuyện… hậu… còn trẻ con?

- Cái này thì anh rất nhớ, - anh cười, - Bernard Shaw bảo: “Tuổi trẻ là một thứ kỳ diệu. Thật là trọng tội nếu phí phạm nó vào việc trông trẻ.”

- Tuổi trẻ… - cô phì cười - ba sọi rồi còn tuổi trẻ?

- Mới hai tám. - Anh cũng cười vui vẻ, vui vẻ thật. Chiều hướng câu chuyện như thế này, anh thấy ổn. - Ừ, hai người xinh xẻo, tố chất tốt, phát triển cũng tốt… lô-gích thì nên lắm chứ.

- Ùh…

- Mà… anh nghĩ cái đấy thật sự nó chả phụ thuộc vào mình. Nếu như anh đã đủ "nhẹ" để lên trên kia, - anh chỉ lên vòm trời đầy sao ở trên đầu - lên một lần, lên tuốt, hoặc đã đủ "nặng" để xuống dưới kia, - anh đảo chiều ngón tay, nhăn nhăn mặt vẻ khó chịu, - xuống một lần, xuống tuốt, thì người ta - anh lại chỉ lên - sẽ chẳng dùng anh để đầy thêm người xuống, hoặc vớt thêm người lên chỗ này. Còn nếu như người ta muốn, hừ, hai mươi tám trừ đi mười ba, hay mười lăm… anh chả nhớ nữa, đại khái mười lăm, hay mười ba… Trong mười ba, hay mười lăm năm liền, em nghĩ Chúa thực sự không thể làm rách mấy cái bao cao su?

“Ai lôi nhau lên mái nhà làm rách bao cao su thế?!” Cô vừa mới cười thành tiếng, thì đã nghe một giọng nói hơi khê khê. Một cái đầu bờm xờm thò lên ở giữa hai cái đầu càng thang, cái thang tre anh đã bắc ở chỗ ngay cạnh chỗ mái nhà cao bên cạnh để trèo lên đây. Một tí, thằng bé bi-a đã đến ngồi lom khom ngay giữa sống mái nhà, gần chỗ cô đang ngồi, cách ra một tí.

- Sao rồi, Dương Trung? - Anh hỏi. Tên thằng bé là Dương Trung.

- Xong hết rồi. Chú Văn quả nhiên là kỳ tài võ học, hầm máy của chú ấy… - Giọng thằng bé trầm trồ, không dấu được vẻ thán phục. - Chú ấy đã đặt mua trên mạng luôn tất cả những vật liệu cần thiết, thanh các bon với những cái gì, những phần mà chú ấy đã bổ xung thêm… toàn hàng đỉnh, chắc chỉ vài hôm là dựng thử lên được luôn. - Nhị vị… còn định ngồi lâu không? Em tranh thủ ngủ đây luôn một lúc, mát quá. Để ý để em khỏi rơi. Khiếp, chưa bao giờ thức khuya với ôm máy tính liên tùng tục như thế, mà chú Văn mới kinh…

Mát thật, thức lâu quá thật, nhưng sao sáng quá, nên mặc dù sáng sao không chói mắt nhưng lại chiếu sáng thế nào đó về tinh thần khiến cho người ta rất khó ngủ. Chắc vậy. Anh thấy thằng bé nằm dài ra gối đầu lên sống mái nhà, nghiêng qua trái, một tí lại nghiêng qua phải, rồi nằm ngửa ra, lót thêm tay xuống gáy, mở mắt thao láo.

- Em biết hát ru không Linh ơi, - anh cười khúc khích, bảo cô, - ru cu Trung phát.

Cô cười, nhoài người vò tóc nó, bảo “để em thử một đoạn keo-tích xem…”

Nhưng cô còn chưa kịp chọn bài, thì nho nhỏ, nhưng rõ ràng, lẫn trong tiếng cây, tiếng gió nhẹ, đã chợt vẳng có tiếng đàn như gần, như xa.

“Tửng… tưng tưng tưng… từng…”

Không quạt chả, không rải. Không có hợp âm. Không phải dây đàn sắt. Chỉ có những nốt được gảy thong thả, lần lượt, “mềm mềm”, hơi rời rạc. Rồi có tiếng người, vừa giống như hát, vừa giống như ngâm thơ, vừa giống như tự nói tự nghe, vừa buồn buồn, vừa dấm dứt, vừa thoáng vẻ ai oán…

“Người chẳng thấy
Sông Hoàng Hà ngọn nước lưng trời kia
Đổ xuôi ra biển chẳng quay về

Lại chẳng thấy
Tóc bạc trước gương sầu chẳng xiết
Sớm như tơ xanh chiều như tuyết
Đời người thỏa ý nên thật vui
Chớ để chén vàng xuống dưới nguyệt
…”

Thằng bé có vẻ thiu thiu. Cô hơi nhúc nhích, ngồi dịch lên, rồi nhoài người ngả đầu sang vai anh, anh nghe mùi tóc thơm thơm, bất giác hít hít.

“…
Vì người, ta hát một bài
Vì ta, người hãy lắng tai nghe cùng

Quý gì yến ẩm đỉnh chung
Cốt sao đừng tỉnh say đùng mới vui
Thánh hiền xưa vắng lặng rồi
Chỉ chàng say để muôn đời tiếng thơm
…”

Tiếng hát đã dứt, đàn vẫn thong thả, rời rạc, buồn buồn, chơi tiếp, chắc là ngẫu hứng. Đến lúc tiếng đàn cũng tắt hẳn thì anh nghe tiếng cô thì thầm:

- Hay thật, nhưng buồn quá. Chú Văn dường như có nhiều tâm trạng. - Cô đã nhận ra giọng chú Văn, chắc ở ngay chỗ hàng hiên, phía dưới.

- Ừ… - Anh cắn môi, khẽ thở dài. Bất giác, anh đưa tay vuốt nhẹ tóc cô. Thằng bé trở mình, rồi lại nằm im, thở phì phì.

Cô khẽ giụi giụi đầu, rồi tì cằm lên vai anh. Lúc cô nói, anh nhận thấy có một sắc thái khác trong giọng nói của cô, cách cô đang nói bây giờ làm anh hình dung thấy ngay đôi môi kiểu trẻ con tập nghiêm nghị làm người lớn:

- Anh cậy có trí khôn, nên nói cái gì cũng có đầu có đuôi lắm, kiểu như là anh làm gì thì cũng có vẻ hoàn toàn hiểu tại sao mình làm thế.

- …

- Mấy chuyện vừa rồi, chắc em không bắt bẻ được anh. Mà em bắt bẻ làm quái gì. Em chỉ đơn giản là chả tin… Ừ… anh muốn nói thế nào cũng được, em chả tin. Sao em lại phải…

- Cái đàn của chú Văn khó đánh lắm, - Anh thấy mình lẩm bẩm, - anh chưa bao giờ thấy nhạc của nó được chép vào khuông.


(còn nữa)

Đã có 2 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Nhật Linh bi bô...

@PL: The whole week I've tried to write what you drew to me and eventually have solved that I can not. It's actually not that simple as I at first thought.

Anonymous bi bô...

Anh thích cái này của Long nên làm pdf để in ra mang lên giường đọc. Nhân thể anh post file lên đây luôn ai thích thì lấy về

http://rapidshare.com/files/301279363/Thien_Tuong_pdf.pdf.html

Chắc Long không phản đối.

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...