Ở đây có bán cá tươi

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Một cửa hàng bán cá vừa treo cái biển:

Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI

Một người đến mua:
— Bán cá ươn sợ người ta biết à, mà phải treo biển "CÁ TƯƠI"?

Cửa hàng bèn xóa ngay chữ "TƯƠI":

Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ

Một người đến mua:
— Sợ người ta sang hàng hoa mua cá à, mà phải treo biển "Ở ĐÂY"?

Cửa hàng bèn xóa ngay chữ "Ở ĐÂY":

CÓ BÁN CÁ

Một người đến mua:
— Chả bán thì bày cá ra làm gì, sợ người ta đến xem cá cảnh à, mà phải treo biển "CÓ BÁN"?

Cửa hàng bèn xóa ngay chữ "CÓ BÁN":


Một người đến mua:
— Từ đầu phố đã nghe mùi cá rồi, đến gần thì cá bày la liệt, ai chả biết là cá, mà phải treo biển "CÁ"?

Bèn hạ biển.

Thanh Hóa quê ta (phiên bản chính thống)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

THANH HÓA QUÊ TA
(Phiên bản chính thống)

Thanh Hóa quê ta
Khu Bốn đẩy ra,
Khu Ba đẩy vào;
Bèn bỏ sang Lào,
Lào không thèm nhận;
Nhân dân uất hận,
Lập chính phủ riêng.
Thủ Đô thiêng liêng,
Là miền Nông Cống;
Quốc ca chính thống:
"Dô tá dô tà!"
Nông nghiệp nước nhà,
Là trồng rau má;
Biển khơi lắm cá,
Mười mẻ một cân;
Nức tiếng xa gần,
Nem chua toàn lá.
Còn công nghiệp hóa,
Là phá đường tàu,
Đục ống dẫn dầu,
Cắt dây điện thoại.
Thiên nhiên ưu đãi,
Lũ lụt triền miên.
Phong phú nhất miền,
Là đất pha cát.
Rừng xanh bát ngát,
Là rặng phi lao.
Gió thổi rì rào,
Gió Lào nóng hổi.
Công trình nổi trội,
Vượt cả núi non.
Cây cầu con con,
Gọi là Cầu Bố;
Đồi cây lố nhố,
Gọi là Rừng Thông;
Núi to bỏ ông,
Gọi là Núi Chẹt;
Núi bằng cái mẹt,
Gọi là Núi Voi.
Ai đến mà coi,
Quốc gia Thanh Hóa.
Dựa vào núi đá,
Bắn được tàu bay;
Đàn lợn thả ngày,
Kinh tế hiện đại;
Mấy bà đứng đái,
Thủy lợi tưới tiêu.
Làng xóm tiêu điều,
Rau không kịp mọc.
Trẻ con đi học,
Thường nắm đuôi trâu,
Tiết kiệm xăng dầu,
Bơi qua sông Mã.
Quốc gia Thanh Hóa,
Ai đến mà coi.

Trên từng cây số - Tập 5

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TRÊN TỪNG CÂY SỐ
(Tập 5)
Bộ phim "Của Một Thế Hệ"

DANH SÁCH DOWNLOAD TẤT CẢ CÁC TẬP PHIM
(định dạng mp4)

01. Chiếc xà lan
02. Hai cây đàn Ghi-ta
03. Chiếc đồng hồ chuông
04. Ba dấu chấm than
05. Những đoàn tàu ngược chiều
06. Tám giờ kém mười
07. Lối đi của con lừa
08. Cô gái di-gan
09. Trên từng cây số
10. Lễ Phục Sinh
11. Người chết sống lại
12. Cây thập tự Hiệp sĩ
13. Ngày đầu tiên

Những đoàn tàu ngược chiều — Phần 1/4

Dịch phụ đề: Bạn gái Đào Phò (Bun — Anh), Chương trình me(), Đim-ma
Dàn dựng, kỹ xảo: Nhật Linh, Thanh Thư
Giám đốc sản xuất: Yến Lan

Những đoàn tàu ngược chiều — Phần 2/4

*
Những đoàn tàu ngược chiều — Phần 3/4

*
Những đoàn tàu ngược chiều — Phần 4/4

Vé trúng số

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






VÉ TRÚNG SỐ
(A.P. Trê-khốp)






I-van Đmi-tờ-rích, một người thuộc hạng trung lưu, gia đình hàng năm tiêu chừng một ngàn hai trăm rúp, thường rất thỏa mãn với số phận của mình, có lần sau bữa ăn tối ngồi vào đi văng và bắt đầu đọc báo.

— Hôm nay tôi quên liếc qua tờ báo, — bà vợ ông vừa dọn bàn vừa nói. Mình xem xem báo hôm nay có đăng kết quả xổ số không?

— Có, có đăng. — I-van Đmi-tờ-rích đáp, — thế vé số của mình không bị ký quĩ đấy chứ?

— Không, hôm nay thứ ba tôi lấy lãi phần trăm ra.

— Thế vé số của mình thế nào?

— Xê-ri chín nghìn bốn trăm chín mươi chín, vé số hai mươi sáu.

— Được để xem nào... chín nghìn bốn trăm chín mươi chín và hai mươi sáu.

I-van Đmi-tờ-rích không tin vào vận may xổ số, nếu vào một lúc nào khác thì chắc chắn là ông đã chẳng buồn ngó vào bản kết quả xổ số, nhưng lúc này vì không có việc gì làm và hơn nữa, báo lại nằm ngay trước mắt — ông đưa ngón tay từ trên xuống dưới theo cột số xê-ri. Liền ngay đấy, như là để giễu cợt nỗi hoài nghi của ông, ngay dòng thứ hai từ trên xuống, con số 9499 nổi rõ đập vào mắt ông! Không kịp nhìn tiếp số vé còn lại, không kịp kiểm tra lại, ông vội vàng đặt tờ báo xuống gối như có ai té nước lạnh vào bụng, ông cảm thấy lòng dịu lại đầy thú vị, vừa buồn buồn như có kiến bò, vừa sờ sợ, vừa ngọt ngào mê ly!

— Ma-sa, đúng chín nghìn bốn trăm chín mươi chín rồi! — Ông nói, giọng lạc hẳn đi.

Bà vợ nhìn lên bộ mặt hốt hoảng đầy kinh ngạc của ông và hiểu rằng ông không đùa.

— Chín nghìn bốn trăm chín mươi chín à? — Bà hỏi lại, mặt tái đi, tay đặt chiếc khăn đã gấp lại xuống bàn.

— Đúng, đúng thế... Thật thế đấy?

— Thế còn vé số, ừ nhỉ, còn vé số nữa. Nhưng mà thôi... hãy khoan đã. Thì cứ trúng phần xê-ri đã! Thì cứ thế đã, mình hiểu không? . . .

I-van Đmi-tờ-rích nhìn vợ há hốc miệng cười vô nghĩa hệt như đứa trẻ vừa được người lớn cho xem một vật gì kỳ lạ. Bà vợ cười, cũng như ông chồng, bà cảm thấy thú vị khi ông mới chỉ đọc số xê-ri chứ chưa vội biết đến số vé may mắn. Tự dày vò và trêu trọc mình bằng hy vọng có thể giàu to — điều ấy thật ngọt ngào, êm dịu và đáng sợ biết bao?

— Vé mình trúng phần xê-ri rồi. — I-van Đmi-tờ-rích nói sau hồi lâu im lặng. — Có nghĩa là chúng ta có khả năng trúng số. Chỉ là khả năng thôi, nhưng mà là có thể. Thôi, bây giờ mình đọc tiếp đi.

— Khoan đã. Muốn thất vọng cũng còn kịp, sẽ còn có dịp thật chán. Đây là dòng thứ hai từ trên xuống, vậy giải thưởng sẽ thuộc loại bảy mươi lăm nghìn rúp. Đó không phải là tiền bạc nữa, mà là sức mạnh, là vốn liếng làm ăn to? Nhỡ bây giờ tôi nhìn lại bảng kết quả và số vé là hai mươi sáu thì sao! Hả? Mình nghe này, nếu quả thực là chúng ta trúng số thì sao?

Hai vợ chồng cười phá lên và im lặng nhìn nhau rất lâu. Khả năng phát tài to làm cả hai choáng váng, không còn biết mơ tưởng thế nào nữa, không mở miệng ra mà nói được xem cả hai cần đến số tiền 75,000 rúp kia làm gì, họ sẽ mua sắm gì, đi những đâu. Hai vợ chồng chỉ còn nghĩ đến những con số 9499 và 75,000, hình dung chúng ra trong óc, còn về cái hạnh phúc hết sức gần gũi kia thì không hiểu sao họ lại không nghĩ đến.

I-van Đmi-tờ-rích cầm tờ báo trong tay đi đi lại lại trong phòng, và khi đã bình tâm trở lại sau ấn tượng ban đầu, ông mới bắt đầu mơ ước.

— Nếu chúng ta trúng số thật thì sao? — Ông nói. — Đó là cả một cuộc đời mới, một bước ngoặt dữ dằn. Vé là của mình, nhưng nếu nó là của tôi thì tất nhiên trước tiên tôi sẽ bỏ ra khoảng hai mươi lăm nghìn để mua một bất động sản như trang ấp chẳng hạn, khoảng mười nghìn để chỉ dùng ngay vào những ngày này: sắm sửa đồ đạc... đi du lịch, giả nợ và v.v... Bốn chục nghìn còn lại sẽ gửi vào nhà băng lấy lãi...

— Đúng rồi, mua trang ấp là phải lắm, — bà vợ vừa nói vừa ngồi xuống và đặt hai tay lên đầu gối.

— Mua ở mạn tỉnh Tu-la hay A-ri-ôn ấy... Thứ nhất là không cần phải có nhà nghỉ ngoại ô nữa, thứ hai là đằng nào cũng có hoa lợi.

Trong trí ông nối tiếp nhau hiện lên những cảnh tượng khác nhau, cảnh sau êm ái, thơ mộng hơn cảnh trước, và trong tất cả những cảnh ấy bao giờ ông cũng tự thấy chính mình là người no nê, bình thản, khỏe mạnh nhất, ông cảm thấy ấm lòng, thậm chí nóng rực cả người lên nữa! Này đây, sau khi ăn xong đĩa xúp mát lạnh như băng, ông nằm ngửa bụng trên bãi cát nóng ven bờ sông nhỏ hoặc nằm trong vườn dưới bóng cây đoạn... Trời nóng quá... Đứa con trai và đứa con gái ông thì bò bên cạnh, nghịch cát hay bắt cào cào châu chấu trong đám cỏ. Ông nằm thiu thiu, không nghĩ ngợi một điều gì hết, ông cảm thấy rõ ràng ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia, không bao giờ ông phải đi làm. Và khi nằm đã phát chán, ông bỏ ra chỗ cắt cỏ hay là đi vào rừng hái nấm, hay là xem bọn nông phu kéo lưới bắt cá. Khi mặt trời lặn, ông lấy khăn bông, xà phòng rồi lững thững đi ra bãi tắm, ở đấy ông từ từ cởi quần áo ra, lấy tay xoa xoa bộ ngực trần của mình rất lâu rồi đầm mình xuống nước. Dưới nước, bên những đám bọt xà phòng đùng đục, đàn cá nhỏ bơi tung tăng, những sợi rong xanh khẽ đung đưa. Sau khi tắm sẽ uống nước chè với kem và bánh mì sữa vòng... Buổi tối thì đi dạo hay là đánh bài với mấy ông hàng xóm.

Phải đấy, cứ mua một trang ấp là hơn, — bà vợ lên tiếng, bà cũng đang mơ tưởng, nhìn vẻ mặt cũng có thể thấy rằng bà đang say sưa với những ý nghĩ của mình thế nào.

I-van Đmi-tờ-rích vẽ ra cho mình cảnh mùa thu với những cơn mưa, với những buổi chiều lạnh và với mùa hè rớt. Vào thời gian này cần phải cố ý đi chơi lâu hơn trong vườn, bên bờ sông cho đến lúc người cảm thấy ớn lạnh rồi hãy về nhà và sau đó, uống một cốc vốt-ka thật to, nhắm với nấm mầu hung muối hoặc dưa chuột muối rồi lại uống tiếp cốc nữa. Bọn trẻ con chạy từ ngoài vườn vào tay cầm cà-rốt, củ cải còn thơm hương đất... Sau đấy thì đặt mình xuống đi văng, chậm rãi lật xem một tờ họa báo nào đó, một lúc sau phủ tờ họa báo lên mặt, cởi khuy áo đi lê ra và thiêm thiếp ngủ...

Sau những ngày hanh nắng tiếp đến là những ngày u ám mưa lai rai. Mưa rơi ngày rơi đêm, những thân cây trần trụi khóc than, gió ẩm ướt và lạnh. Chó, ngựa, gà tất cả đều ướt át, ủ rũ và sợ sệt. Chẳng có chỗ nào mà dạo chơi, không thể nào đi ra khỏi nhà được, suốt ngày cứ phải đi đi lại lại trong phòng từ góc phòng này đến góc phòng kia và ngán ngẩm nhìn ra ngoài khung cửa sổ u ám. Thật là buồn I-van Đmi-tờ-rích đứng dậy và nhìn vợ.

— Mình biết không, Ma-sa, tôi cũng muốn đi chơi nước ngoài một chuyến, — ông nói.

Và ông bắt đầu nghĩ thật là thú vị nếu có thể đi ra nước ngoài vào cuối mùa thu này, chẳng hạn đi về miền Nam nước Pháp, đi Ý... hay đi Ấn Độ!

— Tôi thế nào cũng phải đi ra nước ngoài, — bà vợ nói. — Nào, mình nhìn tiếp số vé xem sao?

— Khoan đã, chờ một chút đã nào... — Ông đi lại trong phòng và tiếp tục nghĩ ngợi. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu ông, nếu quả thật vợ ông cũng đi ra nước ngoài thì sao? Đi du lịch như thế chỉ thú vị khi nào đi một mình hoặc hơn nữa là đi với đám phụ nữ nhẹ dạ vô tư chỉ biết có giây phút hiện tại chứ không phải là với loại người đàn bà suốt dọc đường chỉ nghĩ và nói đến chuyện con cái, thở dài thườn thượt, luôn sợ hãi và tính toán chi li từng kô-pếch. I-van Đmi-tờ-rích hình dung ra vợ mình trong toa tàu với đủ thứ bọc, bị, túi xách; bà ấy buồn rầu nghĩ ngợi điều gì và than vãn rằng bà bị đau đầu trong chuyến đi và tiêu tốn quá nhiều tiền, mỗi khi tàu dừng lại ga là lại chạy đi mua nước uống, bánh mì kẹp xúc xích... Bà ta không thể ăn bữa trưa cho đàng hoàng được vì như vậy thì tốn tiền nhiều...

"Thế nào bà ấy cũng lại tính với mình từng kô-pếch cho coi," — ông nhìn vợ và nghĩ. — "Vé là của bà ấy, đâu phải của mình! Nhưng mà bà ấy đi ra nước ngoài làm gì? Chắc lại ngồi lì trong buồng khách sạn và chẳng chịu thả mình đi đâu cả... Mình biết thế nào mà..."

Và lần đầu tiên trong đời, ông để ý thấy rằng vợ ông đã già đi nhiều, trông thô ra, người thì đầy mùi bếp núc, trong khi ông thì còn trẻ, tươi khỏe, giá có lấy vợ nữa cũng còn được.

"Tất nhiên tất cả chuyện ấy là lặt vặt và ngu xuẩn," — ông nghĩ, — "nhưng... sao bà ta lại muốn đi ra nước ngoài kia chứ? Ở bên ấy thì bà ấy có thể hiểu được gì? Thế mà lại đi đấy... Thử hình dung xem... Thực ra thì đối với bà ấy Nê-a-pôn hay Kờ-lin cũng đều là một thôi. Đi thế chỉ làm phiền cho mình. Mình sẽ bị mất tự do và bị phụ thuộc vào bà ấy. Mình biết tỏng là bây giờ mà bà ấy lĩnh được tiền thì lại vội cất ngay vào tủ khóa sáu, bảy lần như mấy mụ đàn bà vẫn thường làm... Bà ấy sẽ giấu không cho mình biết... sẽ ban phát cho họ hàng bên ấy, còn đối với mình sẽ tính từng đồng kô-pếch cho mà xem."

I-van Đmi-tờ-rích nhớ đến họ hàng của mình. Tất cả những thứ anh em, chị em, cô dì, chú bác ấy, sau khi biết nhà ông trúng vé số thế nào cũng mò đến, xin xỏ, nhăn nhở cười giả dối, uốn éo. Thật là bọn người vô sỉ, ti tiện đáng khinh. Nếu cho họ tiền thì họ sẽ lại xin thêm nữa cho mà coi; nếu từ chối không cho thì họ sẽ rỉa rói, đặt điều nói xấu, cầu cho nhà ông gặp đủ mọi điều không may. I-van Đmi-tờ-rích nhớ lại những người ruột thịt ấy, những người trước đây ông nhìn bằng con mắt lãnh đạm thì nay trở nên thật khó chịu, đáng ghét.

"Thật là bọn người tởm lợm!" — Ông nghĩ bụng thế.

Và cả bộ mặt của vợ ông nữa cũng thành đáng ghét khó chịu. Lòng ông sôi lên một nỗi căm tức bà, một ý nghĩ độc ác đầy khoái trá đến với ông:

"Bà ấy có biết giá trị của đồng tiền là thế nào đâu vì lúc nào cũng keo kiệt. Nếu bà ấy trúng số thì chắc là chỉ cho mình một trăm rúp, còn lại bao nhiêu nhét vào tủ khóa lại hết."

Ông không còn cười cười và nhìn vợ như lúc nãy nữa, nhìn bà bây giờ ông chỉ còn thấy thâm thù. Bà cũng nhìn ông, và cũng nhìn với cảm giác thâm thù, căm tức. Bà có riêng những giấc mơ rực rỡ sắc cầu vồng, những dự kiến, những tính toán riêng của mình. Bà biết ai sẽ là kẻ đầu tiên chìa tay ra với món tiền trúng số của bà.

"Mơ tưởng bằng tiền của người khác bao giờ chẳng thích!" — Cái nhìn của bà lộ rõ ý ấy. — "Không, không, ông đừng có hòng".

Người chồng hiểu ra cái nhìn của vợ, nỗi căm tức dồn lên ngực ông, và để làm cho vợ cụt hứng, ông cố tình làm trái ý bà, liếc nhanh vào trang tư tờ báo và cao giọng đọc với vẻ đắc thắng:

— Xê-ri chín nghìn bốn trăm chín mươi chín, vé số bốn mươi sáu! Chứ không phải hai mươi sáu!

Niềm hy vọng và nỗi căm ghét cùng lập tức biến mất, và ngay lúc đó, cả I-van Đmi-tờ-rích lẫn vợ ông đều cảm thấy rằng những căn buồng của họ tối tăm, chật hẹp, thấp bé, rằng bữa tối vừa ăn chẳng làm cho họ no mà chỉ thêm cồn cào trong dạ dày, rằng những buổi tối này sao mà dài lê thê và buồn tẻ đến thế...

— Có quỉ mà biết được. — I-van Đmi-tờ-rích nói, bắt đầu đỏng đảnh. — Đặt chân vào đâu cũng thấy giấy lộn, rác rưởi đầy ra! Các phòng có lẽ không bao giờ được quét? Đến phải bỏ cái nhà này mà đi thôi, quỉ tha ma bắt tôi cho rồi! Bỏ nhà mà đi rồi treo cổ lên cành dương nào cho xong?

Top 15 ứng dụng Android

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






TOP 15 ỨNG DỤNG ANDROID






Hà Nội.

Mùa Thu.

Buổi sáng.

Anh Lãn đang ngồi nhấm nháp cà-phê ét-xprét-xô, hút xì-gà, nhìn lá rơi, ngâm nga:

Rượu ngon, thì sẵn đấy,
Gái xấu, đã làm sao?
Đèn tắt, ngói gianh lẫn,
Chả yêu, cũng thích nào!

Và loay hoay dùng chiếc kéo cắt xì-gà để sửa móng tay — đã qua rồi thời gào thét gây ồn ào bằng đàn điện và phơ, nhưng giờ y vẫn cần một ít móng tay phải, để thỉnh thoảng chơi một hai bài ghi-ta cổ điển, cho đỡ nhớ, nhưng những móng này nếu dài quá một chút thì lại gây phiền hà cho y khi gõ máy tính, — thì tôi đến chơi.

Tôi đến y, đại khái cũng như về nhà. Khâu chào hỏi xã giao từ lâu rồi đã được bỏ qua; như lúc này chẳng hạn, tôi sẽ ngồi xuống và chờ y — tiếp tục nhấm nháp, như là tôi không hề đến — thưởng thức xong cà-phê của y, tắt xì-gà; rồi y sẽ thong thả đẩy hộp xì-gà bằng gỗ bá hương về phía tôi, đứng lên và tự đi làm cho tôi một tách cà-phê ét-xprét-xô giống hệt như của mình, — bản thân y không uống được cà-phê người khác pha, có cố uống, cũng chỉ là xã giao.

— Cho nên bạn thích hẳn hơn khách. — Có lần y bảo. — Khách mà đến, thì cà-phê với xì-gà, của cả khách và anh, đều sẽ hỏng cả.

Nhưng hôm nay khác.

Hôm nay tôi không đến một mình.

Lan Cải về chơi, đến thăm, và mua làm quà cho Lãn một chiếc điện thoại thông minh.

Lãn mừng lắm, xuýt xoa không ngớt: "Máy xinh quá!", vội vàng tháo sim lắp vào máy mới, gọi liền mấy cú, chuyện trò và khoe điện thoại mới, xong trầm trồ: "Tiếng trong thật đấy!"

Lan Cải mới về nước nên nhiều hẹn, ngồi đong đưa và ngắm nhau với Lãn một lúc rồi đi.

Lan vừa đi, Lãn bèn hì hục tháo sim lắp trả vào máy cũ, nhìn thấy mắt tôi, Lãn phảy tay:

Lập Trình Viên II (35)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

— Kệ nó, gái điếm đấy anh. — Tôi đang định quay kính xuống, thì anh lái xe bảo tôi. Anh lái xe tuổi đứng hơn tôi, chắc đã khoảng hơn ba mươi, có lẽ hơi nhăn nheo so với tuổi, hình như mồ hôi dầu vì mặt bóng lên trong ánh đèn đường lấp loáng; anh có một ít ria mép thưa, trông anh lành lành, tử tế; chắc anh cũng thấy tôi "tử tế".

Nếu là lúc khác, thế nào tôi cũng sẽ hỏi thêm anh về chuyện "gái điếm" đấy; tôi đang nghĩ đến chuyện hỏi này thật, nhưng cũng lại cảm thấy ngay là hoàn toàn không có một chút hứng thú nào; thêm cả chuyện "mất hứng" này, thì tôi vẫn không hình dung rõ được, nhưng đã phần nào ước lượng được mức độ nhốn nháo trong tâm trạng của mình.

Anh Trung Anh bảo "Ở bển ngủ không ngon!".

"Bển", tức là bên Thụy Điển, — anh đã bắt đầu quen với từ vựng địa phương.

Nên anh về nhà.

Nhưng nhà ở Hà Nội, ở nhà việc thở với một lá phổi từng bị "ốm" nặng, đúng như các bác sĩ Liên Xô đã cảnh báo, đã có nhiều lúc rất là căng thẳng, nên anh vào đây; ơn giời, ở đây anh thở tốt, nhưng bối cảnh như vậy, đúng như anh đã vừa cười vừa diễn đạt: "Chung thân!"

Anh Trung Anh giữ ảnh vợ ở trong ví, và lấy ra cho tôi xem; vợ anh người An Giang, trông không giống Dung; anh chị hiện ở nhà thuê, và chưa tính chuyện sinh con, — không hiểu hai chuyện này có nhất thiết phải liên quan với nhau không nữa? Vợ anh Trung Anh mở hiệu cho thuê băng vi-đi-ô ở nhà; anh Trung Anh quản trị mấy chiếc máy tính — "mảng IT" — ở một công ty tư nhân nhỏ, tối đi hát (theo xkê-đun) ở quán, và phụ trách "mảng kỹ thuật" cho cửa hàng thuê băng của vợ.

Không biết người khác nhìn thấy tôi thế nào, còn tôi, khi nhìn những người thích đàn hát kiểu như anh Trung Anh, chẳng hiểu có phải một phần là do định kiến hay không, nhưng tôi luôn nhận thấy ở họ có những nét, ít nhiều giống như ngơ ngác, một kiểu ngơ ngác rất dễ mến.

Tôi vẫn thấy anh Trung Anh ngơ ngác, còn ngơ ngác hơn ngày xưa, nhưng lại không hẳn là cái ngơ ngác mà tôi đã biết; còn khác gì, và sao lại khác, thì tôi không nhìn ra.

— Anh cho em xuống đây được rồi. — Tôi bảo anh tắc-xi; mới đến đầu phố, nhưng tôi muốn đi bộ.

Xác định là "về tạm", nên tôi ít giao du, — không biết có phải một phần vì thế không, nhưng trong hình dung của tôi vào lúc này, cuộc sống đang có một vẻ nham nham nhở nhở và vô cùng láo nháo. Dường như nó, theo một cách cố tình nào đó, đang muốn đặt vào ý nghĩ của tôi nhận thức về một sự vô nghĩa; nếu là thế thật, thì cách này phải rất tinh vi, vì cảm nhận thì rất rõ ràng, nhưng sự vô nghĩa thì lại quá khó để có thể mường tượng. Nếu coi khả năng để suy nghĩ của tôi giống như không khí để thở, thì hiện tôi đang ngạt thở ghê gớm! Nên tôi hết sức khó chịu, bực bội, và bứt rứt, — cái này không hẳn giống như một cơn giận, nhưng nó cũng hoàn toàn có đủ khả năng để khiến một người đập, ném, đạp, gây đổ vỡ những gì ở trong tầm tay, chân.

Hồi trước, hồi thế kỷ mười lăm, Xê-xi-li-a, — người đàn bà được sủng ái của quận công thành Mi-lan, — là một phụ nữ thượng lưu có học thức, biết tiếng la-tinh, am hiểu nghệ thuật, thi ca, và quan tâm đến triết học. Nàng có một nhóm bạn hữu, — những người như vậy; — gặp nhau, họ thường trao đổi về những tác phẩm văn học Hy-lạp, La-mã, đọc thơ, thưởng thức âm nhạc... Trong một lần đấy, danh họa Lê-ô-nác-đô Đa Vin-tri đã bắt được một khoảnh khắc đẹp, lúc nàng Xê-xi-li-a đang ngồi ôm một con chồn con màu trắng, và chăm chú nghe một bản nhạc thất huyền cầm — do một nhạc công nổi tiếng mới sáng tác, và chơi, ở nhà nàng, — và nhà danh họa đã vẽ nên bức chân dung "Người đàn bà với con chồn", — bức này lưu danh.

Còn Mô-na Li-da là một người đàn bà chỉ đơn giản là có chồng và bố đều giàu sụ, và nàng sống cuộc sống không phải lo nghĩ nhưng nhạt nhẽo; với những hình thức giải trí: váy áo, tóc tai, móng tay chân, đàn đúm, tào lao đôi mách; ăn, ngủ, và ngáp. Nhưng Lê-ô-nác-đô Đa Vin-tri đã vẽ nàng rất lâu, và trong suốt thời gian vẽ, nàng phải hàng ngày đến xưởng vẽ — một chỗ gần giống như phòng thí nghiệm: cùng với giá vẽ còn có chai, lọ, bình thủy tinh, hình vẽ giải phẫu, tiêu bản động thực vật... — của ông; ở đấy ông thuê bọn hề, bọn nhào lộn đến làm trò cho nàng xem, thuê nhạc công đến chơi đàn cho nàng nghe; và ông trò chuyện với nàng, kể nàng nghe, nói với nàng chuyện này, chuyện khác. Và bức họa "Mô-na Li-za" không chỉ lưu danh, mà đã trở thành một trong những đỉnh cao tót vời trong cả lịch sử hội họa nói riêng, và lịch sử nghệ thuật nói chung, của loài người.

"Lê-ô-nác-đô Đa Vin-tri đã nói gì với Mô-na Li-da?"

Có lần Xéc-giô bạn tôi — trong một bối cảnh nhuốm màu nghệ thuật do A-nhi-a, A-li-ô-sa, và chủ yếu là tôi, dấy lên — đã chợt cảm thấy mình là một người sâu sắc, nên đã đi đi lại lại trong phòng, vò tóc đầy gàu, và bức xúc thành tiếng, tự vấn ở tầm vĩ mô, như vậy.

Kốt-xchi-a, lúc ấy đang ngồi đọc sách ở bàn, bèn ngẩng lên nhìn bạn bằng cái nhìn độ lượng, thong thả sửa lại gọng kính trắng trên sống mũi, rồi rành rẽ giải thích:

— Còn nói gì nữa? Toàn bộ sự bí ẩn mê hoặc lòng người, trong nụ cười của nàng Mô-na Li-da, là ở chỗ... Lê-ô-nác-đô Đa Vin-tri là một bậc đồng tính luyến ái, và ông đã tìm thấy ở Mô-na Li-da nét đẹp tuyệt vời của một người đàn ông.

Tôi từng bảo với Kốt-xchi-a, mấy đứa chúng tôi là cùng một thứ người; không biết chúng nó có đang gặp phải những sự vướng víu khó hình dung ở trong tâm trí, đến mức gây khó chịu, như tôi lúc này hay không? Trong cả bọn, Kốt-xchi-a sâu sắc hơn, A-li-ô-sa vững vàng hơn, còn Xéc-giô thì thân thuộc gắn bó trực tiếp với cuộc sống hơn; không biết có đứa nào, từ góc độ của mình, đã nhìn thấy được cái gì đó tường minh và thật sự có một giá trị nhận thức, trong cái đống "cuộc sống" láo nháo, với rất nhiều thứ không hiểu tại sao lại diễn ra như thế, mà chúng nó — chắc cũng như tôi — đang gặp phải, hay không?

Nếu tất cả lắng xuống, có phải sẽ dễ nhìn hơn?

Nhưng tôi đã được học về những quá trình, mà một khi đã được bắt đầu, thì cách duy nhất để "lắng xuống" là chạy cho đến hết. Tất cả, đương nhiên không thể nào lắng xuống được.

Nếu tự mình lắng xuống, có phải sẽ dễ nhìn hơn?

Những người như ông Giác Ni — tôi muốn gọi ông là ông, nhưng lại vẫn thích gọi bằng pháp danh — có phải là đã chọn cách như vậy?

"...bây giờ ông chỉ cảm thấy trong lòng cực kỳ buồn bã... và tất cả dừng lại ở đó." — Tôi vẫn còn nhớ như in nét mệt mỏi trong giọng nói của ông khi đó.

Vậy là sao?

Nếu đúng là thế thật, thì cái đấy là chung cho mọi người, hay mỗi người lại sẽ khác so với những người khác?

Lô-gích, thì phải khác.

"Cái lưới" dữ liệu trong cái chương trình máy tính đang chạy ở thư viện trường tôi, tôi đã nghĩ ra nó trong một lúc cực kỳ chán đời vì yêu và thiếu vắng A-nhi-a, — nó được sinh ra với một xuất phát điểm buồn.

Hay như Ô-ten-lô chẳng hạn, trong một lúc quẫn trí vì ghen tuông, thậm chí đã tự nhủ: "Người đàn bà này hẳn phải có một trí não kỳ dị và những thị hiếu hư hỏng, nên mới chọn một anh chàng da đen như ta!" — Nếu để Ô-ten-lô làm ra bất kỳ cái gì lúc ấy, thì khả năng rất lớn, là giao diện của nó sẽ có màu rất đen.

Con người chắc cũng thế thôi. Mỗi người xuất hiện ở đây, ở trên đời này, là từ một xuất phát điểm riêng, nói chung sẽ không giống với những người khác; nhưng tất cả đều như nhau ở những nét tổng thể nào đó, — cho nên mới cùng là người.

Người đã biết xây nhà cao tầng, có những nhà cao tầng được dùng làm trụ sở công ty, tôi đang vào trụ sở công ty và về "nhà" tôi bằng hầm, — một đơn vị kiến trúc trong một tổng thể lủng củng "hầm, trệt, lửng, bốn lầu, sân thượng, — đúc bảy tấm" theo cách diễn đạt của Mai Phương, chủ ý giới thiệu từ vựng địa phương với tôi, nhưng tôi chỉ nhớ như một con vẹt, mà chưa bao giờ có hình dung cụ thể về nghĩa của từ cả.

"Nhà" tôi ở trên sân thượng.

Lúc tôi hỏi về căn phòng để không ở trên sân thượng, cô Lan xua tay:

— Trên đấy phơi nắng suốt cả ngày, làm sao mà cháu ở được?

— Tối cháu mới lên ngủ, có cái quạt máy là được mà.

Nhưng lúc tôi dọn về "nhà" mới, thì ở đấy đã mắc điều hòa nhiệt độ; nhưng tôi gần như chẳng dùng, — ở trên đấy lộng gió, và luôn đầy ánh trăng những lúc trời có trăng, tôi cứ mở toang hết cửa ra mà ngủ.

Tôi hay đi qua tầng hầm, rồi về "nhà" bằng cầu thang bộ.

Tầng hầm rộng và tối, ở góc xa bên trong, về phía bên phải, có bóng đèn vàng yêu yếu, và mấy chiếc xe máy, — có những người đang đi công tác, đại để là theo kiểu đột xuất. Bác Thành bảo vệ đang ngáy đều đều trong màn, ở ngay cạnh cửa ra vào. Tôi móc bao thuốc lá ba số — nó vẫn đậm đậm trong tay — định để lại cho bác; nhưng nhìn trước nhìn sau, thì chẳng biết phải để nó vào đâu, — không thấy chiếc ghế nhựa màu thiên thanh có tựa mà mọi khi bác Thành vẫn để ở đầu giường, làm bàn ngủ, đâu — nên tôi lại đút lại nó vào túi.

Đang đi lên đoạn cầu thang chắc khoảng thứ ba, hay là thứ tư, tôi bỗng ngửi thấy một mùi rất quen... nói thế sẽ không thật chính xác, đúng, thì phải nói là một mùi mà tôi rất nhớ: mùi thuốc lá Malboro đỏ.

Và lập tức, mặc dù hoàn toàn đang ý thức được, ý thức rõ, là chẳng có bất kỳ một lý do nào cả, nhưng tôi vẫn chạy hai bậc một, và càng lúc càng nhanh, về "nhà", — tôi thật sự đang rất muốn có mặt ngay ở đó. Chỉ đến những bậc thang cuối, tôi mới tự thấy hơi buồn cười về mong muốn hoàn toàn thiếu lô-gích này của mình.

Nhưng lý do để vội về "nhà" hóa ra lại có thật, chỉ là tôi không biết: đúng là có người đang đợi tôi.

Đang đứng chênh vênh ở mép sân thượng, có thể là nhìn trời, nhìn trăng, có thể là nhìn đường phố ở sâu bên dưới, anh Ngạn gần như quay lại ngay, cùng lúc tôi mở cánh cửa ra sân thượng, và chẳng chào hỏi, nói năng gì, cứ cắm cúi đi thẳng về phía tôi.

— Đi với anh. — Vẫn không ngẩng lên, anh nói khi đi ngang qua tôi, vừa nói vừa đưa cánh tay phải chênh chếch ra sau lưng, búng mẩu thuốc lá hút dở bay vù xuống nền gạch.

Tôi dốt đường; tôi đã nghĩ ngợi về chuyện này và suy luận là tư duy của tôi về các cấu trúc vật lý vĩ mô có vẻ không được tốt lắm. Tôi ở trong ngôi nhà trụ sở này như vậy là cũng tương đối lâu, nhưng ngoài sân thượng và phòng làm việc ra, đại khái tôi cũng chả có hình dung thêm gì về nó cả. Cho nên tôi đã có một cảm giác lạ lùng khi anh Ngạn lẳng lặng dẫn tôi đi theo một hành lang dài được chiếu sáng yếu và thưa thớt — từ lúc anh Ngạn bật công tắc trên tường, — ở ngay tầng dưới (dưới sân thượng, tức là tầng trên cùng của ngôi nhà).

Anh Ngạn dừng lại ở cuối hành lang, trước một cánh cửa sắt cùng màu và bằng phẳng với mặt tường, ở bên trái, — ánh sáng yếu, nhưng tường ở đây có vẻ cũng cùng một màu be với tường ở phòng làm việc, nhưng những cánh cửa ở dưới kia là cửa gỗ dán, phẳng, màu véc-ni nhạt.

Cánh cửa sắt này có đến ba ổ khóa, — phân bố đều, dọc theo mép cửa bên trái, cái tay nắm cửa nằm ở gần phía dưới ổ khóa ở giữa, — và theo những âm thanh đĩnh đạc vang lên trong khung cảnh tôi tối và vắng, lúc anh Ngạn rút chùm chìa khóa lần lượt mở từng ổ, thì chúng đều là loại khóa "đáng kính" cả.

Cánh cửa này dày và có vẻ nặng, nhưng mở ra — mở ra phía ngoài — rất êm. Bên trong tối om, và vẫn tiếp tục tối mờ mờ khi anh Ngạn đã bật đèn, nhưng tôi lập tức bị ấn tượng ngay với những gì mình nhìn thấy trong điều kiện chiếu sáng không tốt — đối với một người mới đến đây — ấy.

Căn phòng nhỏ và hơi dài, nên mặt tường đối diện với cửa ra vào không rộng... mà thực ra đấy không phải là một mặt tường, vì mặt tường theo nghĩa từ vựng thì chắc không phải là một mặt được lát bằng các màn hình ti-vi.

Những màn hình to bằng nhau, cỡ khoảng mười bốn inh, có khi còn nhỏ hơn (nếu như có loại nhỏ thế), khung đen bóng; theo cách dàn hàng dọc ngang kín kẽ và đều tăm tắp và những gì mà thị giác của tôi có thể nhận thấy được ở khu vực nút bấm phía dưới mỗi màn hình, — nhất là những chữ số to, màu trắng, mà dù tôi chưa nhận ra một quy luật thứ tự nào, nhưng vẫn giống như để đánh số thứ tự, — thì chắc đây không phải là những màn hình ti-vi dân dụng.

Sát chân bức tường "màn hình" là một chiếc bàn — chắc sẽ được gọi là bàn điều khiển — rộng; trên mặt tường bên trái bàn điều khiển có treo chênh chếch một chiếc ti-vi to; có những thiết bị có lẽ là thiết bị hình tiếng, nhưng trông khác nhau, rắc rối và đều hầm hố, xếp chồng lên nhau và dàn hàng ngang ở trên mặt bàn bên dưới ti-vi; trên bàn còn có một chiếc máy tính, và mấy chiếc bảng sẫm màu — chắc là xám — viền trắng, trông như đã được gắn cố định vào mặt bàn, trên mỗi bảng đều đầy những nút bấm, chủ yếu là vuông, và có nhiều màu sắc.

Có vẻ phức tạp hơn tất cả những thứ phức tạp nhất mà tôi từng biết, — có hai thứ như vậy: hầm máy tính, và cái mích-xơ ở nhà văn hóa, đều ở trường tôi.

Anh Ngạn đẩy cho tôi một chiếc ghế ở gần bàn, — loại ghế văn phòng thông thường, là ghế xoay, màu xám, chân năm ngón gắn bánh xe, — rồi lại phía dưới cái màn hình to, đưa tay phải nhặt một cái băng vi-đi-ô để ở trên đống thiết bị nghe nhìn, tay kia bấm nhanh mấy cái nút ở mặt ngoài đống đấy, — theo cách bấm, là đã quen tay, — đút cái băng vào, và với tay bật ti-vi.

Màn hình đầy những đốm nhiễu trắng kêu xẹt xẹt, loáng loáng vài vệt vằn cheo chéo, nhoáng qua mấy màu sắc quang phổ... tôi nhìn nó chăm chú, vì tò mò; nhưng khi khuôn hình đầu tiên hiện lên một cách chỉn chu, thì tôi nghệt ra.

Có mà gõ vào đầu tôi, cũng chẳng thể nào mà lại nẩy được ra ý nghĩ là cả khu vực làm việc của tôi ở phòng làm việc dưới kia đều lọt vào trường quan sát của một cái máy quay phim.

Nhưng tôi không nhìn thấy tôi.

Có ngày tháng ở góc màn hình... phải rồi... bất giác tôi thấy mình thở phào, và cùng lúc lại có một cảm giác rất khó chịu về chuyện thở phào này, — lúc đó tôi đang ở Cà Mau.

Còn thời gian, là gần năm giờ chiều.

Anh Ngạn — cũng đã ngồi xuống chiếc ghế xoay ở cạnh bàn, và hướng vào màn hình ti-vi — hơi nhoai người về phía trước, lăn chiếc ghế lại gần, thò tay bấm nút, khuôn hình hơi uốn éo, hình ảnh hấp tấp, và phát ra những tiếng chít chít...

Anh Nghạn bỏ tay ra thì số người ở trong khuôn hình đã vơi đi quá nửa; lặp lại như thế một lần nữa thì mọi người đã về hết.

Chỉ còn lại một người.

Người này nhổm người lên một chút, hơi ngả qua một bên, dướn cổ ngó về hướng cửa chính một lát; quay trái, rồi quay phải, ngoái nhìn khắp xung quanh một lượt; rồi tắt máy tính, và — chắc phần vì vội, phần vì không yên tâm, nên các động tác trông tương đối thiếu tự nhiên — bưng cái màn hình trên thân máy xuống, rồi vặn vít, gỡ vỏ máy tính để xuống đất.

Hơi kiễng người lên, lại lặp lại dãy động tác quan sát tương tự như ban nãy xong, dáng vẻ đã tự nhiên hơn, người ấy bước nhanh qua chỗ bàn làm việc của tôi.

Máy tính tôi đang dùng cũng là máy Compaq, loại thân nằm, nhưng tôi không để màn hình lên trên thân máy, nên không cần phải bưng màn hình xuống, vả lại dòng máy này ốc vít được thiết kế để có thể tháo lắp hoàn toàn bằng tay, ngay cả ổ cứng cũng có thể cắm rút bằng tay, hoàn toàn không cần tuốc-nơ-vít, còn người thì đã bình tĩnh hơn, nên lần này mọi chuyện diễn ra một cách tương đối "thoải mái".

Người ấy gỡ ổ cứng ở máy tôi, cắm qua máy mình, chăm chú — chắc là — sao chép gì đó, rồi — lại vội vàng — lắp lại mọi thứ, không quên nghiêng ngó bàn làm việc của tôi một lượt, chắc để yên tâm là mọi thứ đều đã như cũ...

Khung hình dừng lại, — anh Ngạn đã với tay ra, bấm nút, rồi xoay hẳn ghế lại, nhìn tôi chăm chú:

— Em biết chuyện này không? Ý anh là, biết đâu... đã có trao đổi trước... trước khi em đi.

— Không, — tôi lắc đầu, — không nói trước. Nhưng em có biết.

— ...

— Đi về, em bật máy, thì không bút được... Lúc cắm ổ này sang máy khác để cóp dữ liệu thì phải cắm lại một cái giăm ở trên ổ đĩa, — tôi cầm ngón cái và ngón trỏ tay phải vào nhau, làm động tác rút ra, cắm vào, — đến lúc lắp lại vào máy em, thì lại phải giăm lại, nếu không thì máy không nhận được ổ cứng có hệ điều hành...

— Tóm lại... là tự ý mở máy?

— Thì... vâng. Nhưng chuyện này... bình thường thôi anh. Có khi cần vài phai hệ thống o-ri-din để sửa lỗi hệ điều hành, hoặc cần một trình ứng dụng thông dụng nào đấy, ai cũng hay để vài bộ cài kiểu như thế vào một thư mục riêng trên ổ cứng của mình, nhiều chương trình còn không cần cài, cứ cóp nguyên xi là chạy... À... vâng, nếu lớn hơn dung lượng đĩa mềm...

— Tóm lại... không cần đuô... có cần phải xử lý... về nhân sự không?

Cô gái ở trong băng vi-đi-ô tên là Tú.

Do tính chất công việc tôi định làm, tôi với Mai Phương có một chỗ làm việc riêng ở đây, — một "phòng thí nghiệm" nhỏ. Nhưng — cũng do tính chất công việc đó — tôi vẫn cần một chỗ làm việc ở khu vực chung kia. Tôi đến, thì Tú đã ở đấy rồi, nhưng tuổi cô kém tôi. Cô không phải người miền Bắc, không phải người miền Nam, có lẽ cũng không phải người sống ở thành phố, thị xã, thị trấn; cô hay nói to, nói nhiều, và luôn nói ngay vào hầu như tất cả mọi chuyện đang được nói ở trong tầm tai. Ở một chỗ văn phòng mở, một người như thế rất dễ nhận ra, nhưng sẽ khó có cảm tình.

Một cảm giác ái ngại tương đối lủng củng, làm tôi thấy rất không thoải mái; vừa cười vừa nhăn mũi, tôi bảo anh Ngạn:

— Về chuyện ổ cứng, thì em nghĩ là không.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Trên sông truyền hịch

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






TRÊN SÔNG TRUYỀN HỊCH
(Tiểu thuyết lịch sử - Hà Ân)





I





Trần Quốc Tuấn sực tỉnh dậy từ cuối canh tư. Ông nằm yên lặng trong khung cảnh thân thiết quen thuộc.

Ngoài kia, trời còn tối. Gió từ rừng Yên Tử thổi về tràn ngập hương xuân. Trong căn phòng, mùi trầm đốt đêm trước vẫn còn thoang thoảng gợi lên một phong vị tết sắp tàn. Trần Quốc Tuấn từ từ ngồi dậy. Vị tướng già nghiêng đầu lắng nghe. Gà chưa gọi sáng, nhưng côn trùng đã thôi rền rĩ từ lâu. Xa xa, dòng Lục Đầu đưa vẳng lại tiếng nước thủ thỉ mùa sông cạn. Không gian thanh bình làm cho Trần Quốc Tuấn bất giác thấy khoan khoái hẳn người. Ông kéo tấm chăn trùm hờ lên ngực và rung đùi ngâm khe khẽ:

Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành Mai

(Thơ của nhà sư Mãn Giác đời Lý, viết bằng chữ Hán. Ở đây tác giả dùng bản dịch của Ngô Tất Tố để các em hiểu được. Một số câu thơ văn trong tập này cũng dùng các bản dịch với tinh thần như vậy.)

Trần Quốc Tuấn ngâm lại hai câu thơ cuối. Ông đặt cả tình cảm của mình vào từng tiếng thơ buông chậm rãi... Trần Quốc Tuấn mỉm cười, vươn vai. Ông bước xuống sập, với tay lấy chiếc áo cừu trắng, khoác hờ lên vai và lại gần cửa số đẩy tung hai cánh ra. Vị tướng già say sưa ngắm đêm xuân Vạn Kiếp thăm thẳm, trong khi ông triền miên nhớ lại ba ngày tết dọc đường vừa qua.

Từ nhỏ đến giờ, đã năm mươi tư lần tết đến với Trần Quốc Tuấn. Tết đến với ông ở Phụng Kiền trong thành Thăng Long, tết đến với ông ở trang trại An Sinh, ở thái ấp Vạn Kiếp. Những cái tết đến với ông giàu sang nhàn nhã của đời sống một vị thân vương quyền bá bậc nhất đất nước. Nhưng ba ngày qua, Trần Quốc Tuấn không đón xuân trong khung cảnh quen thuộc từ tấm bé của mình. Đêm trừ tịch, vị tướng già rời kinh thành về Vạn Kiếp. Ông ăn tết dọc đường. Mặc dù đoàn quân hộ vệ của ông đông hàng trăm người, mặc dù voi ngựa trẩy nườm nượp làm huyên náo cảnh quê, Trần Quốc Tuấn vẫn nhận ra nhiều điều mới lạ về cảnh tết và đời sống của trăm họ ở các làng xóm ven đường cái quan từ Thăng Long về Vạn Kiếp qua lộ Khoái, lộ Hồng. Những điều mới nhận thấy ấy đã khiến ông ngẫm nghĩ thâu đêm.

Trần Quốc Tuấn đẩy cửa phòng, bước xuống sân. Vị tướng già khoan khoái hít một hơi dài, hai mắt lim dim. Ông nhận thấy một cảm giác là lạ chuyển dần dà trong cơ thể, và nhựa sống như lan ra tới chân lông, kẽ tóc. Ông vươn mạnh vai, gỡ chiếc áo cừu vắt lên bụi hoa mộc và bước thẳng ra giữa sân, xuống tấn dạo một bài quyền. Đó là bài quyền múa mỗi sáng đã thành nếp từ lâu. Trong bóng đêm đang tàn, Trần Quốc Tuấn say sưa với từng thế võ. Ông múa liền hai bài và đột nhiên, bằng tất cả niềm tự hào của một võ tướng tài ba, Trần Quốc Tuấn dạo sang bài võ cha truyền con nối của hương Vạn Kiếp. Chưa bao giờ Trần Quốc Tuấn dạo quyền say sưa đến như thế này. Ông sung sướng thấy mình vẫn bền bỉ và đường quyền đi rất chính xác, bay bướm... Múa hết bài quyền, Trần Quốc Tuấn thu tay về. Ông chống nẹ, đứng ngửa mặt ngắm ngôi sao Mai sáng lấp lánh. Sao thế nhỉ? Chẳng lẽ ông đã già mà sức khoẻ vẫn tăng lên ngược với lẽ tự nhiên của trời đất! Không! Chắc chắn rằng không phải thế.

Trần Quốc Tuấn khẽ lắc đầu mỉm cười. Có lẽ ông sảng khoái vì lòng ông đã gỡ được những nỗi mắc míu sâu kín nhất! Ông nhớ lại buổi đi Bình Than dự cuộc triều hội của vương hầu. Ngày ấy đến giờ thấm thoắt đã hai năm.

Khi chân bước ra khỏi cổng thái ấp Vạn Kiếp ông thấy bâng khuâng vô hạn. Ông nghĩ nhiều về mối bất hoà giữa ông với người em con chú con bác là Trần Quang Khải. Trần Quang Khải lúc bấy giờ vừa giữ chức Thái sư vừa giữ chức Thượng tướng quân, nắm cả quyền tướng văn tướng võ trong triều, coi sóc mọi việc nước, việc quân. Còn ông thì đã lui về thái ấp từ lâu, ngày xem hoa, săn bắn, đêm đọc sách, ngâm thơ. Hình như ông và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là hai vị tướng tài không thể cùng đứng ngang hàng. Có thể nói cả nước biết có mối bất hoà ấy, nhưng khi gặp nhau những ngày hội thề đầu năm ở đền Đồng Cổ phía bắc kinh thành, hai người đều tỏ vẻ vồn vã vui mừng. Thật ra, thiên hạ ít người hiểu đến nguồn gốc sâu xa của mối bất hoà ấy. Người ta đồ chừng hai ông gờm nhau về tài cầm quân hoặc so bì chức tước hơn kém. Có người cho rằng hai ông chỉ ganh nhau tiếng hiếu khách mà thôi. Lần ấy, rời hương Vạn Kiếp đi Bình Than, Trần Quốc Tuấn nghĩ rằng mình cũng sẽ phải trở về ngay thái ấp. Ông cho rằng Quan gia sẽ tin lời Trần Quang Khải, Thượng hoàng cũng sẽ tin lời Trần Quang Khải bởi vì Chiêu Minh vương là em ruột Thượng hoàng.

Cuộc họp vương hầu diễn ra khá sôi nổi. Thượng hoàng đem việc lớn của xã tắc ra hỏi. Thế giặc Nguyên rất lớn, vua Nguyên Hốt Tất Liệt đã sai sứ sang ép triều đình ta, một là dâng biểu xin hàng, hai là nếu muốn chống cự thì “sửa sang binh mã” đi. Ý giặc đe là hàng thì hàng ngay; bằng không, chúng phát quân sang làm cỏ nước Việt! Thượng hoàng phán hỏi các vương hầu: thế giặc mạnh như vậy, thì nên đánh hay nên hàng. Thế giặc ai cũng biết là mạnh. Chúng đã đánh bại bao nhiêu nước: Liêu, Kim, Tây Hạ, Nam Tống, Hồi Hột, ấn Độ... Vó ngựa cuồng loạn của chúng đã giày xéo bình nguyên Hoàng Hà, Dương Tử, giẫm nát tuyết Nga La Tư, cày lên cát ven biển Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ... Lần này sứ giặc đến nước Việt ta làm cho những người Việt yêu nước vừa căm thù vừa lo lắng. Các vương hầu đều bày tỏ ý riêng của mình. Một số người bàn rằng thế ta yếu, đành nộp biểu xưng thần, như vậy may ra mới cứu được tông miếu xã tắc khỏi bị giày đạp, trăm họ mới khỏi điêu linh. Ý kiến nộp biểu xưng thần này thực ra là ý xin hàng. Thượng hoàng và Quan gia im lặng, nhíu mày. Một số người khác nêu kế sách trá hàng. Thế giặc mạnh như vậy, âu là tạm xin dâng sổ bạ tịch quân dân, định ngày nộp cống, chờ dịp khác lấy lại nước.

Thượng hoàng và Quan gia vẫn im lặng, nhưng nhiều vương hầu khác đã khảng khái xin cho đánh. Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải cũng xin đánh. Hai người cùng bàn đánh, tuy cách đánh như thế nào thì khác nhau đôi chút. Sau đó là những buổi tâm tình thâu đêm giữa hai anh em trên một con thuyền thả lơ lửng giữa sông Lục Đầu. Đến bây giờ thì giữa hai người không còn chút nghi kỵ nào nữa và kế đánh của hai người được hầu hết các vương hầu họ Trần coi là xác đáng rồi cùng tin theo.

Ngay trong hội nghị Bình Than, Thượng tướng quân Trần Quang Khải tâu vua xin nhường quyền Tiết chế chư quân cho Trần Quốc Tuấn. Tan hội Bình Than, Trần Quốc Tuấn phò vua về thẳng kinh thành Thăng Long. Quan gia làm lễ bái tướng trong điện Thiên An, trao ấn, kiếm nguyên soái cho ông. Công việc sắp đặt tướng tá và luyện quân sẵn sàng chống giặc khá bận rộn. Công việc đã lưu vị tướng già ở lại kinh thành luôn hai mươi sáu tháng và cho đến hôm kia, đêm mồng ba tết, ông mới về Vạn Kiếp.

Trần Quốc Tuấn về phòng ngủ. Ông khêu to đĩa đèn trên án sách và quầng ánh sáng lung linh đó quyn luôn sự suy nghĩ của ông vào những việc ngổn ngang trăm mối bên lòng... Ra quân dẹp giặc, chỉ một lần truyền hịch! Câu nói này của Tôn Tử thường được các danh tướng xưa nay ghi nhớ.

Đến một lúc cần thiết nào đó, ông sẽ viết hịch, một bản hịch truyền đi làm nức lòng tướng sĩ. Nhưng để truyền hịch, xuất quân thì kế đánh giữ phải lập xong rồi. Binh pháp có câu: “Quân chiến thắng xuất đi như nước đổ từ cao nghìn nhẫn xuống”. Trần Quốc Tuấn đã ngẫm nghĩ nhiều về câu nói đó. Cái quan trọng là có được một thế nước cao. Trong cuộc chiến tranh chống giặc lần này, cái gì là gốc rễ của cái thế cao nghìn nhẫn ấy? Tướng quân Trần Khánh Dư nói: quân mạnh tướng giỏi thì thắng. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải quả quyết rằng ý chí trăm họ là gốc của xã tắc, nhưng Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc lại nói: trăm họ là giông bão có thể nhận chìm thuyền giặc, nhưng cũng có thể thổi tan vườn tược mùa màng. Trần Quốc Tuấn suy nghĩ về những ý đó. Ông trở về với câu nói nổi tiếng của Tôn Tử. Nhưng làm thế nào để tích tụ được thế nước cao hàng nghìn nhẫn ấy?

Trần Quốc Tuấn bất chợt ngồi thẳng người lên. Ông hiểu vì sao sáng nay lòng ông sảng khoái. Ba ngày tết dọc đường đã giúp ông hiểu về ý chí trăm họ. Quy tụ được ý chí trăm họ về một mối phải chăng là công việc ông phải làm để tạo cho Tổ quốc thế thắng cao nghìn nhẫn ấy?...

Có tiếng chân người ngoài hiên...

Download truyện "Trên sông truyền hịch" — Bản đầy đủ (421KB):

Hướng dẫn cách dùng tủ sách của me(): Tủ sách của Chương trình me()