Đệ Nhất Nét Việt - Truyện cười TTVN-FPT (2)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook











TRUYỆN CƯỜI TTVN-FPT

(3 phần)











PHẦN II

(100 truyện)











Có chú chết được Thượng Đế bảo:



— Con ta sống tốt lắm, ta cho con lên Thiên Đường!



— Thế ngoài Thiên Đường còn những chỗ nào khác nữa ạ?



— Còn Địa Ngục.



— Thế hai chỗ đấy khác nhau thế nào ạ?



Thượng Đế lục ngăn kéo lấy ra hai bức tranh đưa cho chú xem.



— Thế thì khác gì nhau ạ? Bức nào cũng vẽ một cô cởi chuồng ngồi cạnh một thùng bia cả!



— Con phải nhìn cho kỹ. Ngược với trên Thiên Đường, ở dưới Địa Ngục, thùng bia thủng một lỗ ở đít, còn cô gái thì không..!





o0o



Lê-nin hỏi Crúp-xkai-a:



— Tôi mất cái quần đùi, bà có biết ở đâu không?



— Có, Viện Bảo Tàng Cách Mạng vừa sang xin mất rồi.





o0o



Download bản "Truyện cười TTVN-FPT (Phần II)" đầy đủ (102KB):

http://www.mediafire.com/?mxcza53nv4mrfwp

http://www.megaupload.com/?d=WPJTLI0V



Hướng dẫn cách dùng tủ sách của me(): Tủ sách của Chương trình me()

Thi lịch sử, Vô-va trả bài trước, được 5 điểm, Pết-ka hỏi:



— Câu hỏi thế nào?



— Câu hỏi "Trình bày về cách mạng Nga", tao trả lời "Cách mạng Nga xảy ra lần đầu năm 1905, do Nga Hoàng đàn áp nên thất bại, đến 1917 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản mới thành công. Câu thứ 2 "Ai lãnh đạo cách mạng", trả lời "Chủ yếu là Lê-nin, ngoài ra còn có Xta-lin, Ki-rốp". Câu thứ 3 "Nhận xét về điều kiện của cách mạng năm 1905", trả lời "Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng điều kiện đã chín muồi, nhưng riêng tôi cho là chưa đủ".



Pết-ka liền vào thi, giáo sư hỏi:



— Anh sinh năm nào?



— Em sinh năm 1905, nhưng do Nga Hoàng đàn áp nên mãi đến năm 1917 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản mới thành công.



— Bố mẹ em là ai?



— Chủ yếu là Lê-nin, ngoài ra còn có Xta-lin, Ki-rốp.



— Đồ ngu!



— Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng như vậy, riêng em thấy chưa đủ.

"Nguyên" hay "Cựu"?

3 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Các vị, trước em không để ý lắm, nhưng hôm nay đọc tin tức, vì hai mục tin này nằm ngay cạnh nhau và đều là tin trên báo, nên em thấy thắc mắc về cách dùng từ, cụ thể là:



Cựu hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn bị phạt tù



Với hành vi bị khép vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Trần Tín Kiệt (cựu hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn) vừa phải nhận án 15 tháng tù... Nguồn: Xã luận


Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn lãnh án 15 tháng tù



TT - Ngày 25-8, TAND tỉnh Bình Định đã phạt bị cáo Trần Tín Kiệt (61 tuổi, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn) 15 tháng tù, Trần Xuân Cảnh (53 tuổi, nguyên trưởng phòng bảo vệ nội trú) 15 tháng tù, Lê Văn Phúc (62 tuổi, nguyên phó phòng bảo vệ nội trú) 12 tháng tù... Nguồn: Tuổi trẻ


Em gú-gồ về chuyện này thì tìm được cách giải thích (có vẻ) đầy đủ nhất như sau:



"Nguyên" là từ để chỉ chức vụ của một người được thay đổi chức vụ trong cùng một nơi hoặc đã chuyển nơi công tác.



Ví dụ: khi nói "Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt" thì nghĩa là ông Kiệt vừa làm thủ tướng, giờ đã được chuyển thành chức danh khác.



"Cựu" là từ để chỉ chức danh cũ của một người, khi họ đã nghỉ làm hoàn toàn hoặc bị lấy mất chức danh ấy.



Ví dụ: nói "Cựu vô địch thế giới" nghĩa là người này trước là nhà vô địch, giờ không là gì nữa.



Nguồn: Yahoo! hỏi đáp


Câu hỏi: Từ giờ cứ dùng theo cách giải thích như vậy là được phải không?



(Tức là tin trên báo kia phải dùng "Cựu" hiệu trưởng)

Thủ Khoa có phải là Nhân Tài không?

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Đề: Em hãy chứng minh Thủ Khoa là Nhân Tài.

Chú thích: Thủ Khoa ở đây là thủ khoa thi vào đại học.





Bài làm:



(1)

Hỏi: "Thủ khoa có phải là người không?"

Trả lời: "Có!"



(2)

Hỏi: "Công việc chính của thủ khoa là gì?"

Trả lời: "Thủ khoa đang tuổi đi học, việc chính của thủ khoa là học tập và tích lũy kiến thức."



(3)

Hỏi: "Thủ khoa học tập và tích lũy kiến thức đạt kết quả được xếp loại giỏi nhất trong số những người cùng làm việc ấy ở một quốc gia gần 100 triệu dân, như thế có phải là tài không?"

Trả lời: "Đương nhiên là tài rồi!"



(1), (2), (3) => Thủ Khoa là Nhân Tài!



Nhỏ nhắn xinh xắn, thông minh học giỏi và là thợ làm kẹo Cu Đơ có tiếng - đó là Đậu Thị Thu, cô học trò nghèo vừa giành ngôi thủ khoa ĐH Y Hà Nội với 29,25 điểm (làm tròn thành 29,5), đồng thời cũng là á khoa ĐH Dược Hà Nội với 28,5 điểm.



Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cả bố và mẹ đều làm nông nghiệp và nghề làm kẹo Cu Đơ tại xã Đức Thịnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nên Đậu Thị Thu không có nhiều điều kiện để học tập như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác. Một buổi đến trường còn thời gian còn lại em phải cùng bố mẹ làm nghề sản xuất kẹo. Cuộc sống vất vả, khó nhọc nên tự nhỏ các chị em Thu đều xác định rõ chỉ có con đường học mới thoát khỏi cảnh nghèo khó.



Nhìn vào ngôi nhà chật hẹp đâu đâu cũng thấy những tờ giấy khen của chị em Thu. 12 năm liền, Thu em luôn là học sinh giỏi, lớp 2, và 5 là học sinh giỏi tỉnh cả hai môn Văn và Toán. Lớp 9 em đạt giải 3 học sinh giỏi Hóa, giải nhì Toán. Lớp 11, 12 liên tục em đều giành giải nhất tỉnh môn Toán. Ngoài ra, Thu còn được nhà trường, huyện, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh tặng nhiều giấy khen khác.



Khi chúng tôi hỏi vì sao lại chọn thi trường Y dược, Thu chia sẻ: “Từ nhỏ em ao ước trở thành một bác sĩ giỏi vì hồi đó em thấy nhiều người nghèo nơi thôn quê bị bệnh nhưng không có tiền để chữa. Do đó em đã quyết tâm học thật giỏi để sau này được vào trường Y để học bác sĩ cứu người”.



Khi hỏi về những dự định trong thời gian tới như thế nào, Thu tâm sự: “Khi ra Hà Nội học có lẽ em phải tìm việc làm thêm để đỡ đần cho bố mẹ phần nào”. (nguồn...)

Người Việt Nam ngu xuẩn 2011 (3)

4 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Danh sách này đang có 02 thằng, giờ đã có thêm thằng thứ 03:

NSƯT Phạm Ngọc Khôi (giữa), Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Sau rất nhiều lần Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định không nhận được công văn này, chiều 22-8, lần đầu tiên, ông Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên hội đồng xét giải cấp cơ sở của hội này, thừa nhận có nhận được văn bản này. Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng công văn là công văn, còn xét thưởng phải có hồ sơ. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) là nơi chỉ đạo cuối cùng. Hội đồng cơ sở chỉ xét giải trên hồ sơ chứ không xét trên công văn. “Chúng tôi không có quyền”- ông Phạm Ngọc Khôi khẳng định một cách căng thẳng.

Sự thừa nhận của lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã dẫn đến một vấn đề khác, đó là sự thờ ơ không chấp nhận được của lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam trước quyền lợi của hội viên, đặc biệt là một hội viên đã 82 tuổi, có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng. Có thể nói, với độ tuổi 82, nhạc sĩ Phạm Tuyên khó có thể chờ đợi lâu hơn nữa để chạm được đến Giải thưởng Hồ Chí Minh... (nguồn...)



Những ổ bánh mì mê hoặc

3 ý kiến, và ý kiến từ facebook






NHỮNG Ổ BÁNH MÌ MÊ HOẶC

(O. Henry)






Cô Mác-ta Mi-cham có một hiệu bánh mì nhỏ ở góc phố (cái cửa hiệu mà bạn bước lên ba bậc thang, và chiếc chuông kêu leng keng khi bạn mở cửa).


Cô Mác-ta đã bốn mươi tuổi, trong sổ tiết kiệm của cô có một khoản tiết kiệm hai nghìn đô-la, và cô có hai chiếc răng giả và một trái tim dễ xúc động. Nhiều người đã kết hôn, khi cơ hội của họ để làm thế còn kém hơn cô Mác-ta nhiều.


Hai hay ba lần một tuần có một khách hàng đến, người mà cô Mác-ta bắt đầu để ý đến. Ông ta là một người trung niên, đeo kính, và bộ râu màu nâu được xén tỉa thành một chòm nhọn chỉn chu.


Ông nói tiếng Anh với khẩu âm Đức nặng. Quần áo ông đã sờn cũ và bị vá ở vài chỗ, và nhăn nhúm và lùng thùng ở vài chỗ khác. Nhưng ông trông trang nhã, và lịch thiệp.


Ông luôn mua hai ổ bánh mì cũ. Bánh mì mới ra lò thì năm xu một ổ. Bánh cũ thì năm xu hai ổ. Ông chưa bao giờ yêu cầu thứ gì khác ngoài bánh mì cũ.


Một lần cô Mác-ta nhìn thấy những vết bẩn đỏ và nâu trên ngón tay ông. Từ đó cô tin chắc rằng ông là họa sĩ và rất nghèo. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông sống trên gác xép, chỗ mà ông vẽ tranh và ăn bánh mì cũ và nghĩ đến những đồ ăn tốt ở hiệu bánh của cô Mác-ta.


Thường khi cô Mác-ta ngồi với sườn lợn và bánh mì xốp và mứt và nước chè của mình cô hay thở dài, và mong người họa sĩ lịch thiệp ấy có thể chia sẻ với cô bữa ăn ngon lành thay vì ăn vỏ bánh mì khô của mình trên cái gác xép bị gió lùa ấy. Trái tim của cô Mác-ta, như đã nói với bạn, là một trái tim dễ xúc động.


Để quyết định kiểm tra lại điều phỏng đoán của mình về nghề nghiệp của ông khách, một hôm cô đem từ phòng mình ra một bức tranh cô đã mua ở chỗ bán đấu giá và đặt nó lên kệ phía sau quầy hàng.


Bức tranh vẽ một quang cảnh ở Vơ-ni-dơ. Một cung điện đá hoa nguy nga (trên bức tranh ghi như thế) đứng cận cảnh trên nền — hoặc đúng hơn: trên nước. Còn phần còn lại có những chiếc thuyền đáy bằng (với một quý cô kéo lê tay mình trong nước), những đám mây, bầu trời, và rất nhiều những khoảng tương phản. Không họa sĩ nào có thể bỏ qua không nhận thấy bức tranh đó.


Hai ngày sau ông khách bước vào.


— Hai ổ bánh mì cũ, nếu bà vui nòng.


— Bà cóa một pức tranh đẹp, thưa bà. — Ông nói khi cô gói bánh mì.


— Thật ạ? — Cô Mác-ta nói, thích thú vì sự mưu mẹo của chính mình. — Tôi rất mê nghệ thuật và (không, sẽ không nói "các nghệ sĩ" sớm như thế được)... và những bức tranh, — cô thay từ khác. — Ông cũng nghĩ đây là một bức tranh đẹp ạ?


— Kí sự cân xứng, — ông khách nói, — được vẽ không tốt. Kí phối cảnh xa gần của nó không đúng. Trào buổi sáng, thưa bà.


Ông cầm bánh mì của mình, cúi chào, và bước vội ra.


Đúng rồi, ông ấy phải là một họa sĩ. Cô Mác-ta đem bức tranh trở lại phòng mình.


Ánh mắt ông sau cặp kính mới dịu dàng nhân hậu làm sao! Vầng trán ông mới cao chứ! Nhìn bức tranh một cái đã nhận xét được ngay về phối cảnh, — vậy mà phải sống bằng bánh mì khô! Nhưng các thiên tài hay phải vật lộn để sinh tồn trước khi thế giới công nhận họ chứ!


Nghệ thuật và kĩ thuật phối cảnh sẽ được lợi biết bao nhiêu nếu con người tài năng này được sự hỗ trợ của hai nghìn đô-la tài khoản ngân hàng, một cửa hiệu bánh mì, và một trái tim dễ xúc động... Nhưng cô Mác-ta ơi, cô lại bắt đầu mơ mộng hão huyền rồi!


Bây giờ mỗi lần đến hiệu bánh mì, ông khách thường đứng lại vài phút ở quầy hàng để nói chuyện với bà chủ. Rõ ràng sự niềm nở của cô Mác-ta làm ông vui lòng.


Ông vẫn tiếp tục mua bánh mì cũ, không hề mua gì khác ngoài bánh mì cũ, không bánh ngọt, không bánh rán, cũng chẳng hề mua bánh quy đường ngon tuyệt vời của cô.


Cô Mác-ta cảm thấy gần đây ông gầy đi và trở nên rầu rĩ. Cô rất muốn giúi thêm cái gì đó ngon lành vào cái gói nghèo nàn của ông, nhưng lần nào cô cũng không đủ can đảm làm điều đó. Cô không dám xúc phạm đến ông. Các họa sĩ vốn rất kiêu hãnh mà.


Cô Mác-ta bắt đầu xuất hiện sau quầy hàng trong chiếc áo chẽn lụa chấm xanh da trời. Ở phòng trong, cô điều chế một hợp chất bí ẩn từ hạt mộc qua và hàn the. Nhiều người hay sử dụng chất này để làm trắng da.


Vào một ngày đẹp trời, ông khách lại ghé vào hiệu bánh như thường lệ, đặt đồng năm xu lên quầy hàng và mua hai ổ bánh mì cũ muôn thuở của mình. Lúc cô Mác-ta vừa đưa tay lên giá lấy bánh thì ngoài phố chợt vang lên tiếng còi rú, tiếng bánh xe, và một chiếc xe cứu hỏa phóng vụt qua cửa hiệu bánh mì.


Ông khách vội ra cửa để xem, như bất kỳ ai sẽ làm. Trong đầu cô Mác-ta bỗng loé lên một ý nghĩ tuyệt diệu và cô đã lợi dụng ngay được sự việc này.


Trên kệ phía sau quầy hàng có một miếng bơ người bán sữa vừa mang đến cho cô mười phút trước đây. Cô lấy dao cắt đôi những chiếc bánh mì khô và đặt vào trong mỗi cái bánh một lát bơ khá lớn, rồi cô kẹp chặt hai nửa lại.


Khi ông khách quay vào thì cô Mác-ta đã kịp gói bánh mì vào giấy.


Sau vài phút chuyện trò ngắn ngủi nhưng đặc biệt thú vị, ông rời cửa hiệu, và cô Mác-ta im lặng mỉm cười, mặc dù lúc đó trái tim cô đang đập bồn chồn.


Cô liều lĩnh quá chăng? Ông ấy mếch lòng thì sao? Nhưng chắc là không đâu. Không có ngôn ngữ của thức ăn. Bơ không phải biểu tượng của sự sốt sắng thiếu nữ tính.


Hôm đó cô Mác-ta suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Cô hình dung thấy ông khách phát hiện ra cái mưu mẹo láu lỉnh vô tội của cô như thế nào.


Này nhé, ông ấy xếp bút vẽ và bảng pha màu lại. Trên giá vẽ là một bức tranh được phối cảnh rất hoàn hảo. Ông chuẩn bị bữa sáng bằng bánh mì cũ và nước lã. Ông cắt bánh mì ra và... ái chà!


Hai má cô Mác-ta ửng hồng. Ông có nghĩ đến bàn tay người đã cho bơ vào bánh mì không nhỉ? Ông có muốn...


Chuông cửa bỗng réo lên giận dữ. Có ai đó bước vào, và nói gì đó rất ầm ĩ.


Cô Mác-ta vội ra ngoài. Có hai người đàn ông ở đó. Một người trẻ tuổi đang hút tẩu — người cô chưa từng nhìn thấy trước đây. Người kia là ông họa sĩ của cô.


Mặt ông rất đỏ, mũ ông lật về sau đầu, tóc ông bù xù. Ông siết chặt hai nắm tay và rung chúng một cách giận dữ về phía cô Mác-ta. Ngay vào cô Mác-ta.


— Dummkopf! — ông quát cực to; rồi quát tiếp, — Tausendonfer! — Hoặc cái gì đó như vậy bằng tiếng Đức.


Người trẻ tuổi cố kéo ông đi.


— Tôi xẽ không đi, — ông nói giận dữ, — nếu tôi chưa bảo cô ta.


Ông đã biến quầy hàng của cô Mác-ta thành một chiếc trống cái.


— Bà đá nàm hại tôi, — ông hét, cặp mắt xanh của ông long lên sau cặp kính. — Tôi xé nói với bà. Bà là đồ mèo già... ế chồng!


Cô Mác-ta yếu ớt tựa lưng vào ngăn để bánh mì và đặt một tay lên chiếc áo chẽn lụa chấm xanh da trời của mình. Người trẻ tuổi túm lấy cổ áo người kia.


— Thôi nào, — anh bảo, — ông nói đủ rồi. — Anh lôi kẻ đang nổi giận từ cửa ra ngoài vỉa hè, rồi anh trở lại.


— Chắc là bà nên được biết, thưa bà, — anh nói, — chuyện om sòm này là về việc gì. Đấy là ông Blum-bơ-gơ. Ông ấy là người vẽ đồ án kiến trúc. Tôi làm việc cùng văn phòng với ông ấy.


"Ông ấy đã làm việc vất vả trong ba tháng để vẽ đồ án cho tòa thị chính của thành phố. Đấy là một cuộc thi để tranh giải. Ông ấy đã hoàn thành bản vẽ đường nét vào hôm qua. Bà biết đấy, một người vẽ thiết kế luôn làm bản vẽ của mình bằng bút chì trước. Khi đã hoàn thành anh ta sẽ tẩy những nét chì bằng một nắm ruột bánh mì cũ. Nó tốt hơn tẩy cao su.


"Ông Blum-bơ-gơ thường mua bánh mì ở đây. Vâng, hôm nay... vâng, bà biết đấy, thưa bà, chỗ bơ ấy không... vâng, bản đồ án của ông Blum-bơ-gơ giờ không còn dùng làm gì được nữa ngoại trừ cắt ra để lót bánh xăng-đuých."


Cô Mác-ta trở lại phòng trong. Cô cởi chiếc áo chẽn lụa chấm xanh da trời ra và mặc chiếc vải xéc nâu đã cũ cô vẫn thường mặc vào. Rồi cô hắt hỗn hợp hạt mộc qua và hàn the qua cửa sổ vào thùng rác.

Gà và Chó

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Gà sống cùng với ông bà già, ông bà già không có nhiều tiền, và họ sống khá vất vả. Một hôm Chó đến bên hàng rào, nói chuyện với Gà ở trong vườn.



— Gà ơi, hãy đi với anh đi, đi luôn bây giờ, — Chó đưa mắt nhìn quanh, — chứ sống thế này, em sẽ mòn mỏi mất.



— Thì đi, — Gà cũng đưa mắt nhìn quanh, — đằng nào thì cũng không thể tệ hơn được nữa.



Thế là Chó dẫn Gà đi lang thang suốt cả ngày. Trời tối dần, Chó dắt Gà rẽ khỏi đường cái và đi vào một khu rừng. Ở trong rừng, Chó dẫn Gà đi loanh quanh cho tới lúc tìm được một cái cây to có hốc cây, rồi Chó bảo:



— Gà ơi, đêm đang xuống, đã sắp tới giờ muông thú săn mồi, em hãy cố bay nhảy lên chỗ cành cây cao um tùm kia, ở đó em sẽ được sống đúng tuổi của mình và có một giấc ngủ ngon.



Chó đứng nhìn lên cho tới lúc Gà đã cố lên được tới chỗ cành cây cao, rồi Chó chui vào trong hốc cây; đi lang thang cả ngày, nên họ ngủ rất nhanh.



Buổi sáng, nắng bừng lên, không khí mát mẻ, sương long lanh trên lá; Gà tỉnh giấc, phấn khởi ra đứng ở đầu cành, cảm thấy mình bây giờ thật là tự do, đến nỗi quên mất, định gáy "Cúc cù cu", nhưng chỉ kêu lên: "Tác tác!"



Nhưng kêu như thế cũng đủ cho một con Cáo ở trong rừng nghe thấy. Cáo bèn bước từng bước khoan thai đến dưới gốc cây và bắt đầu ca ngợi Gà:



— Gà thế này mới gọi là Gà chứ! Gà mà đẹp quá thế, anh thật, anh chưa bao giờ gặp đấy! Nhìn kìa! Lông của em mới đẹp làm sao, thế này thì khác gì lông công cơ chứ?! Lại còn mào nữa, mào kia thì có khác gì mào gà trống?! Còn giọng nói của em... ôi, anh sợ anh không có đủ từ để diễn đạt mất... à, cả đời anh chưa bi giờ mà lại được nghe một loại âm thanh trong trẻo đến như thế! Người đẹp ơi, em hãy bay xuống đây đi, để anh được ngắm em gần thêm một chút, dù chỉ một phút thôi, là anh cũng thỏa lòng mong mỏi lắm rồi!



— Ngắm em xong, anh sẽ làm gì? — Gà hỏi.



— Nếu em thích, anh sẽ mời em về nhà anh chơi. Anh vừa mới đuổi thằng Sói đi và chiếm được ngôi nhà to của nó, em đến chơi luôn đi, anh sẽ mời em rất nhiều ngô và thóc nếp.



— Thích quá, — Gà bảo, — nhưng em không thể đến nhà anh một mình, em còn có một người bạn.



"Cái này gọi là Hạnh Phúc mỉm cười hay sao?!" Cáo nghĩ thầm. "Thay vì một con Gà, sẽ có hai con."



— Như thế càng vui hơn! — Cáo hồ hởi. — Bạn của em đâu? Anh sẽ mời cả bạn em.



— Bạn ấy ngủ ở trong hốc cây ấy. — Gà nói.



Cáo vừa ngó nghiêng vào hốc cây, thì bị Chó bất ngờ xông ra cắn cổ chết tươi.





Dân ta dốt Sử cũng thời có sao?

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

"Bộ Trưởng Giáo Dục Việt Nam,

Điểm Không môn Sử phải làm sao đây?"

Bộ Trưởng Giáo Dục trình bày:

"Điểm Không môn Sử ngày nay: Bình thường!

Việt Nam phải học bốn phương:

Hoa Kỳ họ cũng coi thường Sử thôi,

Xu hướng thời đại thế rồi,

Dân ta dốt Sử cũng thời có sao?"




Cho bạn nằm lại trên bụng: Lợi không ngờ!

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Nằm lại trên bụng sau khi lẹo, - hành động tưởng chừng đơn giản này có thể đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho giai bạn đấy!

Trong cuộc nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Xít-ni (Úc), 667 chàng giai lần đầu tiên lẹo nhau được một y tá chăm nom ở giai đoạn trước khi lẹo và vào các thời điểm lẹo nhau đã được 1 tháng, 3 tháng, 5 tháng, 9 tháng, và 12 tháng.

Mục đích của cuộc nghiên cứu là thu thập bằng chứng về hiệu quả của các biện pháp can thiệp sớm nhằm chống lại bệnh béo phì ở đàn ông.

Ông Đào Phò, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu: "Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng khi có đến 81% giai lớn và 78% giai choai choai bị thừa cân hoặc béo phì".

"Có vẻ như nếu chúng mình mà can thiệp sớm, chúng mình thực sự có thể tạo ra sự khác biệt về lâu dài!" - Ông nhấn mạnh.

Các cô gái cho giai nằm lại trên bụng mình sau khi cho bạn lẹo có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh béo phì trong những năm về sau. Theo trang tin Top News, việc cho giai nằm lại trên bụng sẽ giúp củng cố cử động cổ và vận động cơ lưng của chúng, vốn là cực kỳ quan trọng đối với những động tác phức tạp như ngồi, lăn, và bò.

Ông Phi Long, một nghiên cứu viên độc lập, ghi nhận là những cô gái mà quen nuôi giai tại nhà thường thì đều biết cách tăng cường cho giai nằm lại trên bụng hằng ngày và bắt đầu hoạt động này từ rất sớm.

Các bạn giai "nằm lại trên bụng" trong cuộc thử nghiệm sẽ được theo dõi tiếp trong 5 năm.

Hải Quân Việt Nam

2 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Chiếc tàu khu trục thứ hai thuộc dòng "Ghe-pát 3.9" đã đến Việt Nam

Chiếc tàu khu trục thứ hai thuộc dòng "Ghe-pát 3.9", được đóng ở nhà máy Sông Đông Xanh mang tên Goóc-ki, đã đến Việt Nam, cập bến Quân Cảng Cam Ranh vào ngày 25 tháng 7.

Theo thông tin ARMS-TASS có được từ bộ phận báo chí của xưởng đóng tàu, chiếc khu trục hạm đã được đưa lên tàu vận tải chuyên dụng "EIDE Tờ-ran-xpót-tơ" vào ngày 25 tháng 5 năm 2011 sau những thử nghiệm thành công về khả năng vận hành và kiểm soát kỹ thuật, kiểm tra các hệ thống vũ khí và bảo đảm điều kiện sinh hoạt, và ngày 26 tháng 5 năm 2011 đã lên đường đến Việt Nam.

Theo những mong muốn của khách hàng, đã được đưa ra sau khi giao cho Việt Nam chiếc khu trục hạm đầu tiên, có những cải tiến đã được thực hiện nhằm cải thiện nội thất của con tàu. Theo đánh giá của các chuyên gia, chiếc khu trục hạm thứ hai này bây giờ càng dễ dàng hơn nữa trong việc bảo dưỡng và khai thác sử dụng, tất cả máy móc, các hệ thống và những vũ khí của con tàu đều tương ứng với các thông số trong hợp đồng và dự án kỹ thuật đã được phê duyệt, - nguồn tin cho biết.

Theo thông số của nó, chiếc khu trục hạm này được công nhận là loại khu trục hạm tiêu chuẩn của năm 2011.

Việt Nam sẽ xây dựng Hạm đội Tàu ngầm trong sáu năm

Hạm đội Tàu ngầm của Hải quân Việt Nam sẽ hình thành đầy đủ trong sáu năm tới. Việc này, theo như Defense News đưa tin, đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố. Theo lời ông Bộ trưởng, việc mua tàu ngầm không phải nhằm mục đích "đe dọa các nước láng giềng"; tất cả các vũ khí và thiết bị quân sự được trang bị chỉ hoàn toàn nhằm mục đích tự vệ.

Cuối năm 2009, Việt Nam đã mua của Nga sáu chiếc tàu ngầm thuộc Dự án 636 "Va-rờ-sa-vi-an-ka". Tổng thỏa thuận lên tới 1,8 tỷ USD. Việc hoàn thành đơn đặt hàng sẽ do "Xưởng đóng tàu Tư Lệnh Hải Quân" Xanh Pê-téc-bua chịu trách nhiệm. Đầu tháng 7 năm 2011 đại diện của "Rốt-áp-ba-rôn-ếch-xpót", ông A-lếch A-di-dốp đã cho biết là Việt Nam sẽ nhận được chiếc tàu ngầm đặt hàng đầu tiên vào năm 2014. Tiếp theo, bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam sẽ nhận hai chiếc tàu ngầm mỗi năm.

Hiện tại, Việt Nam chưa có hạm đội tàu ngầm; những chiếc tàu ngầm thuộc Dự án 636 sẽ là những chiếc đầu tiên như vậy trong trang bị vũ khí của đất nước. Những tàu ngầm này có khả năng tăng tốc độ lên tới 20 hải lý, và thời gian hoạt động tự chủ của chúng là 45 ngày đêm. Tàu thuộc dự án 636 có 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, các ống này cũng có thể dùng để đặt thủy lôi và khởi động tên lửa hành trình.

Bảng chữ cái Tiếng Việt mới: F, J, W, Z

6 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Kính gửi vị Quản lý ngành Jáo zục của loài người ở Việt Nam.



Tên tôi là Quách Tuấn Ngọc Hành, hiện là Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin — một cục thuộc ngành Jáo zục của các loài Động Vật chúng tôi.



Tôi viết công thư này để đề đạt một vấn đề vô cùng quan trọng, ngõ hầu giải quyết một khiếm khuyết rõ rành rành đã lâu của Bảng chữ cái Việt Nam, vốn là vẫn được sử dụng theo cuốn "Từ điển An Nam — La-tinh" đã được xuất bản từ năm 1838 ở Xcốt-len, do một ông mục sư tên là Gioan Lu-uýt Te-bẹt đã sống từ thế kỷ trước-trước nữa biên soạn, và suốt từ bấy tới giờ, bảng này vẫn chưa hề từng được bổ sung nâng cấp một lần nào.





Tôi cũng gửi kèm theo công thư này bản thông tư đã được soạn thảo sẵn để ký... à để xin ý kiến các nhà Ngôn ngữ học của loài người, để tiếp tục hoàn chỉnh và ban hành chính thức, để đưa vào sử dụng chính thức, (và áp chế sử dụng — nếu cần), cho loài người ở Việt Nam.



Nội dung cụ thể tóm tắt mà tôi đề đạt thì thế này:



(1) Theo ý kiến của riêng tôi, và đã được sự thảo luận đồng thuận nhất trí cao của các Nghiên cứu viên loài Chó:



Loài người ở Việt Nam cho đến giờ vẫn phiên âm hoàn toàn không đúng ngôn ngữ của loài Chó chúng tôi!



Chúng tôi sẵn sàng đặt một chân trước lên Ngọc Hành trái mà thề: Once upon a time, now, and forever, trước giờ và mãi mãi, khắp trên quy hoạch Hà Nội mới này, khắp trên An nam Đại quốc Họa đồ này, và khắp trên thế gian do Chúa bày đặt ra này, chưa từng, chưa hề, chưa bi giờ, và mãi mãi cũng sẽ không khi nào, không thể mà, có một con chó nào mà lại sủa "Gâu gâu" hết cả!



Âm thanh trung thực mà chúng tôi sủa, tôi thề, phải là "Wâu wâu".



Dùng chữ "G" để thay thế cho chữ "W" như vậy là đã phức tạp hóa và làm méo mó sự thực, là không quá ngọn cỏ, là khiến cho Tiếng Việt khó hòa nhập với Tiếng Chó nói riêng, và khó hòa nhập quốc tế.



(2) Theo ý kiến của Giáo sư Tiến sĩ Khoa Học, Viện trưởng Viện nghiên cứu cao cấp về Tin, ứng cử viên giải Fields sắp tới, và đã được sự thảo luận đồng thuận nhất trí cao của các Nghiên cứu viên loài Bò:



Loài người ở Việt Nam cho đến giờ vẫn phiên âm hoàn toàn không đúng ngôn ngữ của loài Bò!



Họ — các Nghiên cứu viên Bò — sẵn sàng đặt một chân trước lên cà trái mà thề: Once upon a time, now, and forever, trước giờ và mãi mãi, khắp trên quy hoạch Hà Nội mới này, khắp trên An nam Đại quốc Họa đồ này, và khắp trên thế gian do Chúa bày đặt ra này, chưa từng, chưa hề, chưa bi giờ, và mãi mãi cũng sẽ không khi nào, không thể mà, có một con bò nào mà lại kêu "Ò ò" hết cả!



Âm thanh trung thực mà loài bò kêu, họ thề, phải là "Fò fò".



Vì không dùng được loại chữ kép đã bị phức tạp hóa là chữ "Ph" — chắc vì phát âm nặng quá, thiếu chính xác — để ghi âm tiếng, mà đành phải chấp nhận cắt bớt đi, làm như vậy là không quá ngọn cỏ, là thực tế khiến cho loài bò nghe thấy đã phải đỏ sừng vì nhục không biết bao nhiêu lần, là khiến cho Tiếng Việt khó hòa nhập với Tiếng Bò nói riêng, và khó hòa nhập quốc tế.



(3) Theo ý kiến của Nữ Viện sĩ Hàn lâm, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, và đã được sự thảo luận đồng thuận nhất trí cao của các Nghiên cứu viên loài Lợn:



Loài người ở Việt Nam cho đến giờ vẫn phiên âm hoàn toàn không đúng ngôn ngữ của loài Lợn!



Họ — các Nghiên cứu viên Lợn — sẵn sàng đặt một chân trước lên cùi trái (vì đại diện là nữ) mà thề: Once upon a time, now, and forever, trước giờ và mãi mãi, khắp trên quy hoạch Hà Nội mới này, khắp trên An nam Đại quốc Họa đồ này, và khắp trên thế gian do Chúa bày đặt ra này, chưa từng, chưa hề, chưa bi giờ, và mãi mãi cũng sẽ không khi nào, không thể mà, có một con lợn nào mà lại kêu "Ụt ịt" hết cả!



Âm thanh trung thực mà loài lợn kêu, họ thề, phải là "Zụt zịt" trong ngữ cảnh thông thường, và "Jụt jịt" vào những lúc mà nứng.



Do thiếu chữ cái phù hợp mà phải ghi âm tiếng Việt theo cách gần đúng như trên là rất là sai, là đáng cười, là không quá ngọn cỏ, là khiến cho Tiếng Việt khó hòa nhập với Tiếng Lợn nói riêng, và khó hòa nhập quốc tế.



Tuy nhiên, trong cộng đồng người sử dụng máy tính thì các ký tự F, J, W, Z đã trở nên quen thuộc. Vì vậy việc thừa nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái tiếng Việt là cần thiết để thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt-Chó-Bò-Lợn trên môi trường máy tính và sách giáo khoa.



Nếu thông tư hướng dẫn về tiếng Việt-Chó-Bò-Lợn trên môi trường sách giáo khoa và máy tính được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 ký tự.



Xin gửi tới quý Quản lý lời chào trân trọng

Wâu wâu!

Quách Tuấn Ngọc Hành



PS: Vì tôi là Đề xuất viên trưởng, nên nếu như mà thông tư được ban hành (mà chắc là ban hành thôi), nếu như không có gì trở ngại (mà có gì đâu?), xin hãy đặt tên cho Bảng chữ cái Tiếng Việt đời mới (Việt-Chó-Bò-Lợn) hoành tráng là:



Bảng chữ cái



"NGỌC HÀNH BA BA"











Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt



TT - Đó là đề xuất đã được đưa vào dự thảo thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính của Bộ GD-ĐT.



Tối 8-8, ông Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), người trực tiếp soạn thảo thông tư trên - cho biết dự thảo sẽ công bố trong tháng 8-2011 để xin ý kiến các nhà ngôn ngữ học, tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến ban hành chính thức vào tháng 10-2011.



Giải thích về việc bổ sung các ký tự trên vào bảng chữ cái tiếng Việt, ông Ngọc cho rằng chữ viết của VN hiện nay được sáng tạo trên việc sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt nhưng đã phức tạp hóa bằng các chữ kép thay thế cho nhóm ký tự F, J, W, Z khiến cho tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế.



Tuy nhiên, trong cộng đồng người sử dụng máy tính thì các ký tự trên đã trở nên quen thuộc, chủ yếu phục vụ việc gõ các ký tự riêng của tiếng Việt là ă, â, ê, ơ, ư. Vì vậy, việc thừa nhận nhóm ký tự trên trong bảng chữ cái tiếng Việt là cần thiết để thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt trên môi trường máy tính và sách giáo khoa.



Dự thảo thông tư trên còn một nội dung khác là làm rõ xung quanh chữ “y” và “i” trong những trường hợp phát âm giống.



Nếu thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trên môi trường sách giáo khoa và máy tính được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 ký tự.



(Nguồn: Thêm ký tự F, J, W, Z...)

Cánh gà nướng cam

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tình yêu đến và đi, còn tình bạn có thể kéo dài mãi, giống như rượu vang lâu năm.



Không biết có phải ngẫu nhiên không, nhưng các bạn trai mà em chơi lâu được đều thích ăn cánh gà. Em nói thế theo nghĩa so sánh phân loại thôi, vì em vẫn chia các bạn trai mà em chơi với thành ba loại: loại thích ăn ức, loại thích ăn đùi - chân, và loại thích ăn cánh.



Chắc một phần tại chuyện này, nên em cũng thích làm các món cánh gà hơn các món làm từ những bộ phận khác.



Em một lần vui chuyện kể với bác Đào Phò (không phải lúc đang ăn cánh gà), bác ấy cười bảo đại ý là cái chuyện đấy chẳng qua là do em thiên vị thôi, và do thiên vị nên em đối đãi với bọn cánh gà tốt hơn mặc dù em không để ý, nên chúng đáp ứng tốt hơn, nên là thành chơi lâu được. Bác ấy còn bảo bác ấy nói thế là cực khách quan và công bằng thôi, thậm chí còn không có lợi cho mình, vì bản thân bác ấy lúc ăn cùng với các bạn gái, nếu phải chọn giữa các bộ phận của con gà, thì bác ấy cũng luôn luôn chọn cánh; nhưng không phải vì cánh ngon hơn các bộ phận khác, mà hoàn toàn vì một lý do khác: do cấu trúc thịt xương "đặc chủng", nên gặm cánh gà trông nó thật sự sexy hơn so với ăn các bộ phận khác, "lý thuyết dạy thế", đại khái nó cũng như các bạn gái ăn kem hay ăn chuối ấy; và đấy cũng chính là lý do tại sao em thiên vị bọn cánh gà hơn bọn đùi, ức.



Bác Đào Phò nói thì thật giả khó lường, nhưng thế nào thì em vẫn nghĩ chuyện em kể nó phải có lý do thế nào đó khác.



Yến Lan nhắc, nên em giới thiệu món cánh gà "tấm tắc" này.



Chuẩn bị đồ:

- 1 thìa canh đường vàng.

- 1 thìa canh mật ong.

- 3 thìa mứt cam.

- 3 quả cam.

- 2 quả ớt xanh, loại cay, (quả dài ấy).

- 5 củ hành xanh.

- 1 cân cánh gà.

- Tương ớt (tùy khả năng ăn cay).

- Hạt tiêu bột (cũng thế).

- Muối (không có cũng được, ăn chấm).



Bước thứ nhất:

- Mỗi cái cánh gà cắt làm 3 đoạn: đùi cánh, bầu cánh, đầu cánh.

- Đổ tương ớt và rắc hạt tiêu (và muối) vào, bóp đều và để riêng ra.



Bước thứ hai:

- Thái nhỏ một quả ớt và hành xanh và cho chung vào một cái bát (để nguyên một quả ớt).

- Vắt hết cam, đổ mứt cam, đường vàng và mật ong vào bát đấy và trộn kỹ.

- Đổ cả bát vào xoong và đun hơi nóng một chút cho đến lúc cạn còn khoảng phân nửa.



Bước thứ ba:

- Cho cánh gà vào xoong, trộn đều, rồi vớt riêng cánh gà ra.

- Thái nhỏ nốt quả ớt, rắc lên cánh gà, và cho vào lò ga nướng cho đến khi vàng ươm (khoảng 5-6 phút).

- Lấy cánh gà nướng ra khỏi lò, đổ lại vào xoong nước xốt, rồi vừa đun vừa đảo khe khẽ đến khi nào trông giống như trong ảnh là được.



Gợi ý: Uống bia rất hợp!

Hai chiếc lưỡi cày

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Hai cô lưỡi cày đã được làm ra từ hai thỏi sắt giống nhau, ở trong cùng một xưởng sản xuất.


Một cô rơi ngay vào vòng tay một anh nông dân, và phải ra đồng phơi nắng, và cày ngay tắp lự; còn một cô được nằm mát rất lâu ở trong cửa hàng.


Một thời gian sau, tình cờ hai cô gặp lại nhau.


Cô cày ở ngoài đồng với anh nông dân trông sáng lấp lánh, như bằng bạc, và thậm chí còn tốt hẳn hơn so với lúc vừa mới ra khỏi xưởng sản xuất; còn cô nằm mát ở trong cửa hàng, thì thâm đen đi, và bắt đầu có những vết mốc gỉ sắt.


— Sao mà ấy lại sáng bóng như thế? — Cô mốc hỏi.


— Là nhờ lao động đấy, ấy ạ. — Cô sáng bóng trả lời. — Còn như ấy đang bị mốc gỉ, và thâm đen hơn hồi xưa, thì đấy là vì trong suốt cả quãng thời gian quý báu vừa qua, ấy đã không chịu cày cuốc gì cả.

Cáo và dê

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Cáo chạy, mải nhìn theo một con quạ, — và rơi xuống giếng nước.


Giếng không sâu, nhưng vẫn đủ sâu để gọi là giếng; và nước ở trong giếng cũng không nhiều, nhưng vẫn đủ nhiều để ướt hết chim.


Tóm lại: không thể chết đuối được, và nhảy ra cũng vậy.


Cáo ngồi phệt ngâm chim trong nước, lòng cảm thấy vô cùng đau thương...


Chợt có một con dê cái đi ngang qua, một cái đầu lanh lợi hiếu kỳ nghênh nghênh; đi, bộ râu rung rung, hai sừng lắc lư; nhìn, vì chả có việc gì để làm, vào trong giếng, và thấy cáo, và hỏi:


— Cái gì mà anh đang làm ở đó vậy, hả anh cáo?


— Anh đang nghỉ ngơi, em thân mến ạ. — Cáo đáp. — Ở trên đó thật là nóng quá đi, nên anh trèo xuống đây. Úi chà, ở đây mới mát mẻ, và dễ chịu làm sao! Nước mát ơi mát, muốn mát bi nhiêu thì mát bấy nhiêu!..


Còn dê cái thì lại đang khát, đã khát từ ban nãy.


— Nước... có trong không vậy? — Dê cái hỏi.


— Trong trên cả tuyệt vời! — Cáo bảo. — Trong veo, mát lạnh! Nhảy xuống đây đi, nếu mà em muốn; dưới này có thừa đủ chỗ cho cả hai chúng mình.


Dê cái không thể mà nhịn được, bèn nhảy ào luôn xuống giếng, xuýt thì đã đè cả vào cáo. Và cáo bảo nó:


— A... cái đồ rậm lông ngu ngốc! Đến nhảy cũng không biết cách, làm đục mẹ cả bùn lên rồi...


Rồi cáo nhanh nhẹn nhảy trên lưng dê, từ lưng lên sừng, rồi từ sừng tót ra khỏi giếng.


Dê cái xuýt chết đói ở dưới giếng; người ta đã phải tóm lấy sừng nó và dùng sức để lôi nó lên.

Giống Chuột Bắc Kinh

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Hôm qua, nhà phát triển hàng đầu về hệ thống bảo mật máy tính, công ty McAfee của Mĩ đã cho biết việc phát hiện ra một loạt các cuộc tấn công lớn nhất so với các cuộc đã từng được ghi nhận từ trước tới nay của hách-cơ, - các cuộc tấn công có tên mã là "Chuột Náu Mình".

Trong số các nạn nhân trong suốt 5 năm vừa qua có 72 cơ cấu, bao gồm các mạng máy tính của Mỹ, Ca-na-đa, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan, của Liên Hiệp Quốc, Ủy ban Ô-lim-pích Quốc tế, và hàng chục công ty, trong đó có các công ty của quân đội. McAfee tuyên bố rằng đằng sau các cuộc tấn công có một "Thủ phạm Quốc gia".

Các chuyên gia đều tin rằng, McAfee đang nói về Trung Quốc.

Về việc phát hiện ra một loạt các cuộc tấn công mạng, ngày hôm qua Phó Chủ tịch Nghiên cứu Hiểm họa An ninh Đờ-mi-tờ-ri An-pe-rô-vích đã thông báo trên blog của công ty McAfee. Đồng thời, McAfee, một trong những nhà phát triển phần mềm chống vi-rút và các hệ thống bảo mật máy tính hàng đầu thế giới, đã đăng một báo cáo dài 14 trang về việc phát hiện ra chiến dịch, được gọi tên ở trong công ty là "Chuột Náu Mình" (RAT (chuột) cũng là viết tắt của "Công cụ Quản lý Từ xa" - Remote Administration Tool). Theo lời ông An-pe-rô-vích, các dấu vết của chiến dịch tấn công đã được các chuyên gia của McAfee tìm thấy vào tháng Ba năm nay. Những hành động đầu tiên trong khuôn khổ "Chuột Náu Mình" đã được tiến hành vào tháng Bảy năm 2006. Như vậy, chiến dịch này đã diễn ra gần 5 năm.

Các nạn nhân của cuộc tấn công hách-cơ có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại này đã là mạng máy tính của 72 cơ cấu, trong số đó có trang oép của Chi nhánh Giê-nê-va của Liên Hiệp Quốc, các trang oép của các chính phủ Mỹ, Ca-na-đa, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan, của ASEAN, Ủy ban Ô-lim-pích Quốc tế, Cơ quan Chống sử dụng đô-pinh Toàn cầu, và cả hàng chục công ty, trong đó có 11 chủ thầu của Lầu Năm Góc.

"Chúng tôi thậm chí đã kinh ngạc vì tính đa dạng của các tổ chức bị trở thành nạn nhân và sự xấc xược của những kẻ chủ mưu!" - Ông An-pe-rô-vích cho biết. Theo lời ông, "Chuột Náu Mình" - thuộc loại hiếm, nhưng không phải là một ví dụ đơn lẻ về việc tấn công mạng có tổ chức và việc ăn cắp các dữ liệu bí mật. "Tôi muốn phân chia các công ty trong danh sách của Fortune Global 2000 thành hai loại: những người đã biết có kẻ đột nhập vào mạng của mình, và những người vẫn chưa biết." - Ông nói.

Theo quan điểm của McAfee, đứng sau các cuộc tấn công là một "Thủ phạm Quốc gia", nhưng tên của quốc gia đó, công ty có ý không đề cập đến.

Nhân thể, vào tháng Hai, McAfee đã tuyên bố về việc phát hiện ra một cuộc tấn công tương tự, có tên mã là "Rồng Đêm" - nạn nhân của nó là năm công ty dầu mỏ toàn cầu lớn nhất. Lúc đó, McAfee đã cho biết các vụ tấn công đã được tiến hành từ các máy tính đặt trên lãnh thổ Trung Quốc. Và mặc dù thực tế này vẫn không chứng minh được sự tham gia vào các cuộc tấn công một cách chính thức của Bắc Kinh, hay ngay cả của các hách-cơ Trung Quốc, nhưng phương tiện truyền thông đại chúng thế giới khi đó đã "để bụng" hàng loạt các cuộc tấn công tương tự, mà đằng sau chúng họ đều đoán là có bàn tay của Bắc Kinh.

Giật gân nhất trong số chúng - là cuộc đột nhập năm ngoái vào cơ sở hạ tầng của Google, mà kết quả của nó là những hách-cơ ẩn danh đã cướp được quyền truy cập vào hộp thư của một số nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, và chính người khổng lồ Internet đã phải bác bỏ việc kinh doanh ở Trung Quốc.

Các chuyên gia hoạt động độc lập cũng tin rằng chính Chính phủ Trung Quốc đã đứng đằng sau chiến dịch "Chuột Náu Mình" - việc đó là rõ ràng thậm chí theo danh sách các mục tiêu đã rơi vào các cuộc tấn công của hách-cơ. Theo lời một chuyên gia về an ninh mạng ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Gim Lê-uýt, một bằng chứng tương đối rõ chỉ ra sự can dự của Trung Quốc là các cuộc tấn công vào các máy chủ của Ủy ban Ô-lim-pích Quốc tế, Cơ quan Chống sử dụng đô-pinh Toàn cầu, và một loạt các Ủy ban Ô-lim-pích Quốc gia ở châu Âu và châu Á, ngay trước Ô-lim-pích mùa hè 2008 ở Bắc Kinh.

Các nhà chức trách Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì đối với các cáo buộc chống lại mình.

Dù thế nào, không ai còn nghi ngờ việc Trung Quốc là một trong những nước đang sở hữu những nguồn tài nguyên hùng hậu nhất để tiến hành các cuộc chiến tranh điều khiển học. Trong bản báo cáo "Các khả năng của Trung Quốc để tiến hành chiến tranh điều khiển học và sử dụng các mạng máy tính", được hãng Nót-thờ-rốp Gờ-rum-man chuẩn bị vào tháng 10 năm 2009 cho Quốc hội Mĩ, đã có nhận định, là trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa có tồn tại cả một học thuyết về việc áp dụng những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng mạng của đối phương. Trong Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Hoa hiện đã có các đơn vị, mà sẽ có nhiệm vụ tiến hành những hành động này trong trường hợp có xung đột. Thành phần về số lượng của các đơn vị này là bí mật, nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, có thể phải đến không dưới 30 nghìn người. Nhiệm vụ phối hợp hành động trên không gian mạng được giao cho Cục 4 của Bộ Tổng Tham Mưu, là nơi chịu trách nhiệm về chiến tranh điện tử viễn thông. Có khả năng, các chuyên gia của bộ phận này đang thao luyện cả các hoạt động gián điệp trên môi trường điều khiển.

LẬP TRÌNH VIÊN (31)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






...


— Rốt cuộc nó chơi Siêu Oanh Kích kiểu gì, Kốt-xchi-a? — Xéc-giô đang nửa đứng nửa ngồi, tì mông vào mép bậu cửa sổ ở phòng ngoài, hai tay khoanh trước ngực, vừa ngẫm ngợi, vừa lúc lúc lại ngoái cổ nhìn ra ngoài, bộ điệu sốt ruột, lắc lắc đầu, dẩu môi, hỏi.


— Chịu!.. Thấy nó xào bàn phím rào rào, mà... hệ thống của mình làm sao... kiểu gì hỗ trợ mấy câu đấy? Cả câu cuối cũng không hề có dữ liệu liên quan. — Kốt-xchi-a đang ngồi cạnh thày giáo ở chỗ bàn xa-lông, cũng lắc lắc đầu, trầm ngâm. — Mà kể cả nó tìm được dữ liệu gì ở đấy, thì cũng không thể nhanh thế.


Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (31)" đầy đủ (815KB):

http://www.mediafire.com/?apnrpiu3d7rivo3

http://www.megaupload.com/?d=6PXGDLNY


Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN": Sách "Lập Trình Viên"

— Ầy, kia rồi!.. — Xéc-giô khẽ reo. A-li-ô-sa đang ngồi trên giường vội vàng nhảy xuống, phi ngay ra cửa.


Cửa mở, thày Đét-lam đứng giữa, Kốt-xchi-a, Xéc-giô, mỗi người một bên, đang chuẩn bị chào đón anh chàng Siêu Oanh Kích, thì thấy A-nhi-a, khuôn mặt mệt mỏi, hai mắt thâm quầng, nhưng ánh lên những tia vui tươi, lóng lánh, nụ cười nhún nhẩy trên môi, bước vào trước: "Thày... mọi người hôm qua lúc nào mới về ạ?", rồi đến A-li-ô-sa, tay phải sách cái cặp số, tay trái cầm cái bút bi xanh.


— Quá nửa đêm. Phi Long đâu? — Thày Đét-lam xòe hai bàn tay.


— Người hâm mộ xin chữ ký ạ. — Nhận ra mình vẫn cầm cái bút, A-li-ô-sa giơ giơ tay lên, quay người nhìn lại cánh cửa mở, rồi nhún vai, giắt bút vào túi ngực áo sơ mi. — Hai người hâm mộ, xinh lắm, quen nhau, còn đang hàn huyên ở dưới kia ạ.


"Nếu anh ta đi cùng với bạn, như bước vào trận đánh,

Đứng trên đỉnh cao, say sưa, -

Tức là có thể tin cậy anh ấy,

Như tin vào chính mình.


Huýt huýt huýt..."


Phải đến một lúc sau, qua khe cửa vẫn để mở, mới nghe thấy có tiếng hát nghêu ngao và tiếng huýt sáo ở ngoài hành lang, rồi cánh cửa bị đẩy ra, anh chàng Siêu Oanh Kích, áo vét không cài cúc, cổ áo sơ mi trắng không cà vạt phanh ra, tay phải thò lên vai, ngón tay trỏ móc vào móc cổ chiếc áo khoác lủng lẳng sau lưng, mặt mũi hí hửng, bước vào.


— Thày... — Anh chàng bỏ tay, kệ cái áo khoác tụt xuống sàn, chạy đến quàng tay, ấp ấp đầu vào một bên vai thày giáo.


— Cừ lắm, cậu bé. — Người thày bảo.


— Hai đứa Lê-na với Nát-xchi-a... ở trên tàu ấy ạ, gửi lời chúc mừng “Quý ngài đội trưởng”. Cái câu cuối cùng, cụ thể thế nào ạ?


— Giám trận bưng ra hai cái chai, — thấy thày đưa mắt, bảo "Xéc-giô", Xéc-giô hăm hở kể, vừa kể vừa mô tả bằng cả hai tay, — một cái đựng đầy nước lạnh, một cái rỗng, với một sợi dây thừng nhỏ, dài, và hỏi là các chiến sĩ ở ngoài mặt trận dùng những thứ đấy để làm cái cốc uống chè như nào? Xong rồi...


— Từ từ đã... — Phi Long vội giơ bàn tay, thì A-nhi-a, treo xong cái áo dưới sàn lên móc, lúc ấy đã đến đứng ngay cạnh, đặt tay lên vai anh, giọng nghiêm nghiêm: "Phi Long!"; anh hình như giật mình, nhìn cô, rồi bảo — Ừ, xong rồi sao, Xéc-giô?


— I-go huyết dụ bên kia trả lời trước, bảo là...






Nhận thấy gì đó trong cái nhìn của Kốt-xchi-a lúc nói đến "Siêu Oanh Kích", Phi Long hơi ngớ ra, rồi nhìn sang Xéc-giô, A-li-ô-sa...


— À... Cái này... — Cuối cùng anh quay về phía thày giáo, khuôn mặt đã trở thành đăm chiêu, trán nhăn, mày nhíu, đầu lắc lắc... — Mọi người phải giúp em. Em hiểu được phần nào, nhưng... em cũng không biết là nên phải tin thế nào, không biết nên như thế nào nữa... — Anh từ từ quay trở ra, cẩn thận khép lại cửa phòng, còn cài cả móc xích, chốt cả bên trong.


Lúc đấy Xéc-giô đến chỗ cửa sổ, nhòm nhòm ra ngoài, rồi cẩn thận kéo kín hết rèm cửa, lùi lại một bước, ngắm nghía, sửa lại chỗ rèm cửa giao nhau cho thật kín hẳn. Ở trong kia, A-li-ô-sa cũng vội vàng làm y như vậy. Căn phòng tối om, Xéc-giô lại chỗ công tắc, bật đèn chùm, ngước mắt nheo nheo, rồi lại tắt đi, cuối cùng bật lên hai ngọn đèn tường, một ở ngoài, một ở trong, ánh sáng vàng, yêu yếu.


Tất cả những việc này có lẽ liên quan đến một thứ linh tính tình huống thế nào đấy. Những người khác chỉ ngồi yên, không ai có ý kiến gì.


Trong lúc ấy Phi Long đã ngồi xuống chỗ bàn nước, chầm chậm mở chiếc cặp số, lấy ra quyển vở bóp gáy, để trước mặt, rồi tự nhiên ngồi rũ đầu xuống, thở không nặng nhưng thành tiếng, dáng vẻ thiểu não. Những người khác chỉ yên lặng nhìn, mặc dù không biết cái gì, thế nào, nhưng có lẽ đều cảm thấy có gì đó giống như thông cảm.


Một lát, Phi Long đưa bàn tay trái bấu bấu chỗ ngay bên dưới huyệt Ấn Đường ở giữa chân mày, rồi ngước nhìn thày giáo, giọng anh không thật ổn định, nhưng cũng không hẳn là run, và rõ ràng:


— Năng lượng không tự sinh, không tự mất, chỉ chuyển dạng. Ý nghĩ liệu có phải năng lượng không thày?.. Liệu nó có khối lượng không? Ý nghĩ của thày, chuyển thành những ý nghĩ, không chắc thật giống nhau, của bọn em, rồi có liên quan đến những ý nghĩ đấy, lại sinh ra thêm những ý nghĩ khác, rồi một phần tất cả những ý nghĩ này chuyển thành chương trình máy... ý nghĩ của máy tính. Tất cả những cái này, chúng nó có theo quy luật nào?.. Thật sự bây giờ, — bất giác mặt anh nhăn nhó, mắt nhắm lại, mày rướn lên, thở nặng nặng, — ngày nào cũng... hàng ngày em luôn phải cố để rứt ra khỏi những ý nghĩ này. Nó rất... ám ảnh...


Anh nhìn sang những người khác, hai cùi tay tì lên chỗ gần hai đầu gối, cổ tay ngửa lên, vặn vẹo, bàn tay, các ngón tay lóng cóng nắm vào, duỗi ra... Rồi anh khẽ nhún vai, lại nhún nữa, rồi hướng ánh mắt về phía trước, nhưng không vào ai cả, hình như cũng không vào đâu cả, thở một cái, rồi chậm chạp nhưng dứt khoát, bắt đầu câu chuyện kỳ quái của mình.


Những người khác im lặng lắng nghe; mặc dù có giọng kể đều đều của Phi Long, nhưng cảm giác nếu lúc đấy có con ruồi, thậm chí con muỗi thôi, bay ở tít trên trần, hay ở tít trong góc, thì tiếng nó bay vẫn sẽ bị nghe thấy rất rõ; và không biết ở ngoài kia trời có tự nhiên râm đi không, nhưng ở trong phòng, cảm giác đã giống như vẫn có ánh sáng trời, và đã có một đám mây kéo qua, che đi, và làm trời tối lại...


...






Anh yêu em!

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Anh yêu em!


Khi một con người có lòng tự trọng mà trong lòng bị bất an, liệu anh ta có sẵn sàng chia sẻ nỗi lòng mình với người khác không?


Khồng! Đương nhiên là không rồi!


Một con người có lòng tự trọng có bao giờ ngửa tay xin tiền người khác không?


Không đời nào! Không bao giờ! Ngay cả khi trong túi không có nổi tiền để đi một bến xe buýt, hay mua một cốc trà đá.


Nhưng liệu có ai lại không một lần trong đời nói với người khác (và khác giới — nói chung): "Anh yêu em!"?


Người ta xin xỏ ở khắp mọi nơi, bằng mọi thứ tiếng khác nhau: "Ai lớp viu!", "I-a liu-bờ-lu chê-bi-a!", "Anh yêu em!", thậm chí... "Ngộ ái ni!"


Và người kia hoặc sẽ tức thì, hoặc sẽ cố tình (có thể chính đáng, có thể đơn thuần là mưu mô) dền dứ trong một khoảng thời gian nào đó (nói chung sẽ ngắn, vì cũng sợ) trước khi, hoặc cũng có thể (ví dụ khi người nói cái câu trên quá rách rưới, quá xấu trai, quá bé) không bao giờ, nói lại một câu tương tự: giống y, có hoán vị đại từ nhân xưng (cái này phụ thuộc vào thứ tiếng), có thể sẽ thêm vào một hay một số từ phụ nào đó (ví dụ, thường là: "thu", "tô-gie", "cũng")...


Nói xong, thì thường sẽ chìa ra một thứ gì đó: một bàn tay, hai bàn tay, bờ môi, bờ răng (nếu vổ, hay sướng quá không thể mà nhịn cười được), thân thể (có hoặc không mặc quần)...


Và trong khoảnh khắc đó, khi thứ đó chạm vào một thứ gì đó tương tự: giống y, không giống lắm, hoàn toàn không giống nhưng giống chỗ, có thể thêm bớt một hay một số phụ kiện nào đó.., — hai người sẽ truyền cho nhau hơi ấm tình người.


Rồi sau đó, một người trong hai người lại sẽ gặp một người xa lạ, hoặc một người xa lạ lại sẽ gặp một trong hai người, và lại nói: "Anh yêu em!"


Và lại sẽ có một thứ gì đó được chìa ra, và trong một giây phút, hai thứ của hai người xa lạ lại chạm vào nhau.


Và sẽ mãi mãi như thế chừng nào mà trên trái đất này vẫn còn có người biết nói: "Anh yêu em!" Từng chút hơi ấm tình người nho nhỏ cứ truyền từ người này sang người khác đi khắp mọi nơi trên thế gian, bởi vì ở đâu mà chẳng có người biết nói "Anh yêu em!", dù là ở Châu Âu, Châu Á, Châu Úc, Châu Mĩ, hay thậm chí... Châu Phi.


Và chừng nào mà còn có một thứ gì đó được chìa ra, và chạm vào một thứ tương tự, gìn giữ chút hơi ấm tình người nho nhỏ, thì trên hành tinh này chắc hẳn sẽ bớt đi phần nào những điều xấu xa.


Có lẽ vì lý do ấy mà tôi vẫn sẽ tiếp tục nói: "Anh yêu em!" — Vì biết đâu, một lúc nào đó, lại chẳng có một người xa lạ sẽ đến, rụt rè, đỏ mặt, căng thẳng, hoàn toàn thiếu tự tin, hỏi tôi:


— Anh có yêu em không?