Việt Nam - Nhà giàu và những đứa con chưa ngoan

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

VIỆT NAM — NHÀ GIÀU VÀ NHỮNG ĐỨA CON CHƯA NGOAN
(Nghe đồn là bài viết của một du học sinh Nhật Bản)


Thời sự Trung Ương: "Hà Nội có đường sắt (sách) và đường goa (hoa)"
Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục — ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.

Tôi có một nước Nhật để tự hào

Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất”. Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có một nước Nhật như thế”.
Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước, mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự trọng cao ngời.
Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết.

Bạn cũng có một nước Việt để tự hào

Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa... Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.
Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” — đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?
Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.
Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa.
Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng... mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi... Vì đâu nên nỗi?
Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?


Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt — khó lắm! Thật vậy sao?

Bauxite Tây Nguyên: Độc giả bức xúc to tiếng...

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Hà Anh tổng hợp
Ảnh bên:Nhiều độc giả đã truy trách nhiệm của Bộ Công thương và đề xuất dừng việc khai thác bauxite. 

Là nội dung phản hồi của độc giả sau loạt bài phỏng vấn TS Nguyễn Thành Sơn Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin, TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật
Việt Nam về dự án Bauxite Tây Nguyên sau khi Bộ Công thương báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao, cùng với nhiều kiến nghị xin giảm thuế môi trường, không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn...


Hồ sơ đẹp quá, lãi nhanh...giờ nát bét!

Độc giả có nick name Nhân Dân cho rằng Bộ Công thương không nên đứng ra bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp do bộ quản lý mà phải nhìn nhận khách quan công tội dựa trên lợi ích của người dân đóng thuế: Bộ Công thương là bộ chủ quản, đáng ra các ông phải đứng ra bảo vệ môi trường và quyền lợi của người dân, tài sản của quốc gia...đằng này ông suốt ngày đi bảo vệ quyền lợi của Doanh nghiệp cho dù là doanh nghiệp nhà nước. 

Còn độc giả Nguyễn Tuấn nói rõ bài toán kinh doanh là bài toán lỗ lãi rõ ràng, minh bạch, không thể nhập nhằng được: Nguyên tắc làm kinh doanh là phải có lãi còn không lãi không làm. DN tư nhân thì họ xem nguyên tắc này như "kim chỉ nam" riêng DN Nhà nước thì không và hậu quả như thế nào thì ai cũng biết.

Dưới bài phỏng vấn "Bauxite Tây Nguyên: Bộ Công thương ép lỗ có ra...lãi?", độc giả Trần Thanh Bình bày tỏ quan điểm, kính trọng và cảm ơn TS Nguyễn Thành Sơn vì ngay từ đầu dự án ông đã có nhiều ý kiến phân tích, phản bác và khuyên can không nên làm. 

Không chỉ ông mà còn rất nhiều chuyên gia, chính trị gia và những bậc lão thành... rất tiếc TKV và bộ ngành "bỏ ngoài tai" và quyết làm bằng được. Hồ sơ đẹp quá, lãi nhanh, giờ nát bét, thua lỗ.... 

Độc giả Bình đặt câu hỏi: "Bộ Công Thương quên mất vụ "Nhà máy Xi măng lò đứng" và "Nhà máy đường" rồi ư? Xem ra không kỷ luật và truy cứu mà cứ "kiểm điểm, rút kinh nghiệm" nên tiền của dân vẫn "trôi" theo dòng tư duy với vẩn và lợi ích nhóm của các ông ấy thôi. Đào tài nguyên lên bán mà còn lỗ. Xin lỗi đứa con nít còn làm giỏi hơn, tệ lắm là hòa vốn - không đào, để đó mai kia "lớn" rồi làm".

Nga sẽ chẳng bao giờ giống chúng ta

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Anne Applebaum
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Chúng ta mất 20 năm gắng biến Nga thành một nước phương Tây. Vô ích.


Từng có những giây phút mặn nồng: Bill Clinton và Boris Yeltsin ôm nhau thắm thiết; George W. Bush nhìn vào mắt Vladimir Putin và “hiểu được tâm hồn của ông”; Hillary Clinton nhấn “nút tái khởi động”.[i] Cũng từng có những lúc đắng cay. Thế nhưng ở phương Tây luôn có một luận thuyết phổ biến về Nga trong hơn hai mươi năm độc lập của đất nước này.


Dù công khai hay ngấm ngầm, từ năm 1991 giới lãnh đạo phương Tây hành xử với giả định rằng Nga là một nước phương Tây còn khiếm khuyết. Có lẽ trong thời Xô Viết, nước này đã trở nên khác hẳn, thậm chí bị biến dạng. Nhưng chẳng chóng thì chầy, đất nước của Tolstoy và Dostoevsky, quê hương của ba-lê cổ điển, sẽ trở về với cái mà Mikhail Gorbachev, lãnh tụ Liên Xô cuối cùng, đã gọi một cách cảm động là “ngôi nhà Châu Âu chung của chúng ta”.

Trong những năm 1990, nhiều người nghĩ rằng để Nga về với ngôi nhà đó chỉ cần có các chính sách mới: Với những cải cách kinh tế đúng đắn, chẳng chóng thì chầy Nga sẽ giống chúng ta. Có người lại nghĩ rằng nếu Nga tham gia Hội đồng Châu Âu, và nếu chúng ta biến G-7 thành G-8, chẳng chóng thì chầy Nga sẽ hấp thu các giá trị phương Tây. Các đặc quyền như vậy thậm chí chưa bao giờ được dành cho Trung Quốc, một cường quốc kinh tế và chính trị lớn hơn nhiều. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta chưa bao giờ tin rằng Trung Quốc sẽ là “phương Tây”. Nhưng trong thâm tâm chúng ta đã tin rằng một ngày nào đó nước Nga sẽ cùng hội cùng thuyền với chúng ta.

Lại cũng có người nghĩ rằng để nước Nga tiến lên cần có một kiểu ngôn ngữ phương Tây nhất định, một cuộc đối thoại tốt hơn. Khi mối quan hệ đó xấu đi, Tổng thống Bush trách Tổng thống Clinton. Tổng thống Obama trách Tổng thống Bush. Và tất cả chúng ta trách cứ lẫn nhau. Hồi năm 1999, Tạp chí New York Times đăng bài chính lên trang bìa với nhan đề “Ai đã đánh mất Nga?” (“Who Lost Russia?”) Được bàn luận nhiều lúc đó, bài báo này cho rằng chúng ta đã đánh mất Nga “vì chúng ta theo đuổi những nghị trình sai bét đối với nước Nga” và đã tư vấn kinh tế sai lầm. Tuần trước, Jack Matlock, cựu đại sứ Mỹ ở Nga, gợi nhớ lại ý của Putin và cho rằng Mỹ chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay vì đã “xem Nga là kẻ thua cuộc”.

Những lập luận này chỉ là suy bụng ta ra bụng người: Chính trị Nga chưa bao giờ “liên can đến chúng ta”. Thực tình mà nói chúng ta chẳng có ảnh hưởng gì đến chính trị nội bộ Nga kể từ năm 1991, ngay cả khi chúng ta hiểu họ. Những thay đổi quan trọng nhất – sự chuyển giao ồ ạt dầu và khí từ nhà nước sang giới chính trị quả đầu (oligarchs), sự trở lại nắm quyền của những người được KGB nhào nặn, sự loại bỏ tự do báo chí và đối lập chính trị – đã diễn ra bất chấp lời khuyên của chúng ta. Các quyết định quân sự quan trọng nhất – các cuộc xâm lược Chechnya và Georgia – đều bị chúng ta phản đối. Tuy nhiều người dường như nghĩ khác, mục đích chính của cuộc xâm lược Crimea cũng không phải là để khiêu khích phương Tây. Như một bình luận viên Nga sắc sảo đã nhận xét, những câu quan trọng nhất trong bài phát biểu sáp nhập [Crimea] của Putin trong tuần này nhìn chung không được chú ý đến: ông nhắc đến “lực lượng phá hoại ngầm” và “những kẻ phản bội” Nga được phương Tây tài trợ mà nay sẽ bị dập tắt. Putin xâm lược Crimea vì Putin cần một cuộc chiến. Trong thời buổi tăng trưởng chậm hơn, và với một tầng lớp trung lưu ngang ngạnh, có thể ông cần thêm vài cuộc chiến nữa. Lần này quả thực không phải liên can đến chúng ta.

Pút-tin: Về với bến cảng quê hương!

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Tổng Thống Pút-tin nói trong buổi Hòa nhạc — Mít-tinh "CHÚNG TA CÙNG VỚI NHAU!":

"Krưm và Xê-vát-xtô-pôn về với bến cảng quê hương!"

Tổng Thống Pút-tin kêu gọi nhân dân Krưm và Xê-vát-xtô-pôn làm việc để giải quyết những vấn đề cấp thiết trước mắt. "Chúng ta đã cùng nhau làm được nhiều việc, nhưng sẽ còn phải làm nhiều hơn nữa, sẽ còn phải giải quyết nhiều vấn đề hơn nữa", — Tổng Thống nói trong buổi "Hòa nhạc — Mít-tinh" ở Quảng Trường Đỏ. "Nhưng tôi biết, tôi tin tưởng, là chúng ta sẽ vượt qua tất cả, sẽ giải quyết được tất cả, vì chúng ta cùng với nhau", — ông nói thêm.
Tổng Thống nhận xét: "Hôm nay là một ngày hội vui mừng". "Sau một cuộc bơi lội kiệt sức kéo dài nặng nề, Krưm và Xê-vát-xtô-pôn trở về với bến cảng quê hương, tới bến bờ thân thương, về hải cảng vốn luôn được đăng ký trong giấy tờ, — về Nước Nga", — ông tuyên bố.
Tổng Thống Pút-tin cảm ơn nhân dân Krưm và Xê-vát-xtô-pôn "vì lập trường kiên quyết trước sau như một, vì sự biểu hiện rõ ràng nguyện vọng được cùng với Nước Nga". "Chúng ta đã rất lo lắng bất an vì họ; Nước Nga đáp lại họ bằng sự nồng nhiệt, quay lại với họ và cởi mở tấm lòng của mình, cởi mở cả tâm hồn của mình", — Tổng Thống nói.
"Chúng ta rất đau lòng vì những gì xảy ra ở U-kra-in, nhưng tôi tin, rằng U-kra-in sẽ vượt qua mọi khó khăn", — ông Pút-tin nói, — "Chúng ta không đơn giản chỉ là hàng xóm, chúng ta là những người bà con họ hàng gần gũi nhất, và thành công trong tương lai của chúng ta sẽ phụ thuộc vào chúng ta — cả vào Nước Nga, cả vào U-kra-in".
Người đứng đầu Nước Nga đặc biệt đánh giá lòng dũng cảm của nhân dân Xê-vát-xtô-pôn và Krưm, cảm ơn họ "vì đã không phản lại lòng tưởng nhớ đến tổ tiên, để mang theo tình yêu quê hương của chúng ta, — Nước Nga, — qua những năm tháng, những thập kỷ".
Đến lượt mình các nhà lãnh đạo đơn vị hành chính mới của Nước Nga — Cộng hòa Krưm và Xê-vát-xtô-pôn — từ sân khấu gửi lời cảm ơn tới nhân dân Nga, và riêng tới Tổng Thống Vla-đi-mia Pút-tin, vì sự ủng hộ và tính nguyên tắc.
"Đừng bao giờ đem tặng chúng tôi cho ai nữa, chúng tôi thể nào cũng sẽ quay trở về", — Chủ Tịch Xô-viết Quốc gia Krưm Vla-đi-mia Kôn-xtan-chin-nốp nói.
Thủ Tướng nước cộng hòa Xéc-gây Ác-xê-nốp nhận xét, rằng nhân dân Krưm "một cách vật lý đã cảm nhận được sự ủng hộ của nhân dân Nga". "Krưm đã trở về nhà! Cảm ơn các bạn!" — ông nói với đám đông nhiều nghìn người.
Chủ Tịch được ủy toàn quyền của thành phố Xê-vát-xtô-pôn Alếch-xây Tran-lưi cũng chân thành cảm ơn Chính phủ và mỗi người dân nước Nga vì sự giúp đỡ và ủng hộ. "Chú chó giữ nhà của Nước Nga — Xê-vát-xtô-pôn — đã giật đứt sợi xích ràng buộc nó và trở về nhà, và sẽ không làm cho chủ nhà phải bực mình", — ông xác nhận.

Obama đang sống trong sợ hãi

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Một xướng ngôn viên hàng đầu của một đài truyền hình nhà nước Nga ngày 16/3 mô tả Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng biến Mỹ thành “tro hạt nhân”.

“Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới thật sự có khả năng biến Mỹ thành tro hạt nhân”, - Dmitry Kiselyov nói trong một chương trình tin tức hằng tuần trên đài Rossiya 1, theo AFP.
Kiselyov đưa ra phát ngôn trên nhằm bảo vệ quan điểm của ông cho rằng Mỹ và Tổng thống Mỹ Barack Obama đang sống trong sợ hãi trước Nga do Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng đầu giữa lúc căng thẳng ở Ukraine.
Chương trình tin tức của Kiselyov được phát khi kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea được công bố ngày 16/3, với 95,5% cử tri ủng hộ Crimea ly khai Ukraine, sáp nhập Nga.
Trong chương trình này, Kiselyov đứng trong phòng thu trước một bức ảnh đám mây khói bụi hình nấm khổng lồ sau một vụ tấn công bom hạt nhân.
“Bản thân người Mỹ cũng xem ngài Putin đầy quyền lực hơn là ông Obama”, - ông Kiselyov vừa nói vừa chỉ vào màn hình có thể hiện kết quả một cuộc khảo sát.
Kiselyov nổi tiếng với chương trình tin tức hằng tuần phát vào giờ vàng buổi chiều chủ nhật trên đài Rossiya 1, theo AFP.
AFP cho biết ông Putin hồi năm ngoái bổ nhiệm Kiselyov vào vị trí giám đài truyền hình Russia Today (Nga) với mục tiêu xúc tiến hình ảnh nước Nga thông qua các phương tiện truyền hình.
Kiselyov cho rằng Nga có thể bắn các tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, biến Mỹ thành “tro hạt nhân”, trong khi đài Rossiya 1 chiếu cảnh tên lửa Nga bay đến Thái Bình Dương và Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Sự thật Thanh niên (Nga), ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, nói rằng ông Vladimir Putin sẽ không hề tiếc nuối việc các đối tác trong nhóm G-8 loại Nga ra khỏi nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, coi đó là biện pháp trừng phạt nếu Nga sáp nhập nước cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine.
Trả lời câu hỏi liệu nhà lãnh đạo nước Nga có chút tiếc nuối nào về việc G-8 có thể loại Moskva, ông Peskov nói: “Không, không hề.”
Trước đó, báo Tấm gương của Đức ngày 15/3, cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine đe dọa khiến Nga mất quy chế nước thành viên nhóm G-8. Bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới hiện đã sẵn sàng cho một hội nghị mà không có Nga.
Báo trên dẫn các nguồn tin chính phủ ở Berlin cho biết Chính phủ Anh đã đề xuất chọn London là địa điểm họp thay thế cho Hội nghị thượng đỉnh theo kế hoạch diễn ra tại thành phố ở Sochi của Nga vào tháng Sáu tới và điều này đã được Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada, Italy và Pháp ủng hộ.
Cũng theo các nguồn thạo tin, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không lùi bước trong cuộc khủng hoảng ở Crimea, Berlin cũng sẽ hủy cuộc tham vấn chính phủ hai nước Đức - Nga dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới ở thành phố Leipzig, Đức.

Đã khuya rồi, vẫn ngồi đếm... view

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Đã khuya rồi, vẫn ngồi đếm... view 
Tác giả: Theo Fb Mạnh Quân
Làm báo thời này có sái sướng là công nghệ: máy tính, smart phone, máy ảnh... đầy rẫy, có nhiều cái thuận tiện. 
Nhưng khổ nhất là sức ép về view. Làm báo chăm chăm câu view. Nhà nhà câu view. Người người câu view. Ở nhiều báo, View là chỉ tiêu quan trọng nhất để oánh giá hiệu quả của nhà đầu tư với tờ báo, của tòa soạn với từng ban, của từng ban với từng phóng viên...
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Trên mạng
Vì thế cho nên nhiều báo câu view bằng mọi giá. Nên có phải có những bài, thậm chí bịa đặt ra để có view cao, chấp nhận bị chịu phạt, bị đồng nghiệp chửi, bất chấp cả luân lý, đạo đức... như dạng bài: con cắt chân, tay mẹ; kiều nữ Hải Dương... Bài kiều nữ Hải Dương, chỉ trong nửa ngày, 1 triệu view. Kinh hoàng.

Cho nên, mấy ông ban Tuyên giáo bảo: nhiều báo đăng bài, dở ra thấy tanh tưởi, tởm lợm, bẩn thỉu... chẳng có oan tí nào.

Khổ nhất là mấy anh báo kinh tế, view thấp. Hôm trước, có anh bạn ở một tờ báo kinh tế rất có uy tín sang chơi. Khen bài anh mới viết hay qua. Anh cười như mếu bảo:

- Bài đó có 2 view. Một của tớ, một của... thư ký tòa soạn. Còn view cậu vừa mới xem chắc là view thứ 3! (phóng viên trong báo còn ko thèm đọc).

Có một báo mới đưa ra chính sách: một tháng, phóng viên phải đạt trên 200 ngàn view. Nếu ko đạt, phóng viên chỉ có lương, ko có nhuận bút. Đạt thì lương x2. Các phóng viên khóc dở mếu dở. Vì có phải lĩnh vực nào cũng câu view dễ như lĩnh vực nào đâu. Bảo pv kinh tế làm cho view bằng pv viết cướp giết hiếp có bằng đánh đố. Ngu thế!

Nhưng cũng có pv lanh, đi nhờ, đi thuê mấy cậu làm IT cài phần mềm, hack, làm cho view tăng cao ngất ngưởng. Có khi chỉ viết vài bài củ chuối, rồi khoanh tay ngồi chơi game, ngó mấy anh em đang vất vả chạy bài, cười hê hê! Có phóng viên ra các trung tâm game, cho các em miêt jmaif chơi game, chạy hết máy nọ, máy kia, kick cho một lúc, view răng cũng khá..

Tòa soạn biết mà chẳng làm gì được.

Các phóng viên bây giờ, trước “báo nạn” câu view, yêu thương nhau hơn. Đầu giờ sáng ngồi đọc báo, tích vào bài của bạn một cái, kèm theo cái nhắn tin:

-Có tiền ăn sáng chưa? Tao tích cho bài của mày vài cái.

Thế nên, nhà thơ Lưu Khùng buồn tình mà làm bài thơ về view. Thơ rằng:

Mẹ ơi, view là gì hả mẹ?
Mà bố suốt ngày phải đi câu
Hôm nao cái cần nó tụt
Mặt bố rầu ơi là rầu!


http://kimdunghn.wordpress.com/2014/03/10/da-khuya-roi-van-ngoi-dem-view/

(Bài viết của tác giả Lai Tran Mai)

Pút-tin: Chúng ta có quyền sử dụng mọi phương tiện!

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook


(Yến Lan dịch)

(0:00) Cuộc gặp hôm nay không phải như là "phỏng vấn", mà như là trò chuyện, nên đề nghị các vị cứ nêu cho thật nhiều câu hỏi, tôi sẽ đánh dấu lại, rồi cố gắng, trong khả năng của tôi, trả lời chúng. Rồi sau đó, chúng ta sẽ trao đổi tiếp, một cách chi tiết hơn.


(3:25) Thứ nhất, là đánh giá. Chỉ có một sự đánh giá: Đảo chính trái với hiến pháp, và vũ trang cướp chính quyền. Về chuyện này chẳng có ai phải tranh luận cả. Ai sẽ tranh luận chứ?
(4:08) Câu hỏi thế này: Họ làm thế để làm gì? (...) (4:54) Tổng Thống I-a-nu-kô-vích đã ký thỏa thuận, theo đó thì ông ấy thực tế đã "giao nộp" quyền hành của mình. Ông ấy đã đồng ý với tất cả những gì phe đối lập đòi hỏi: đồng ý bầu Quốc hội trước thời hạn, bầu Tổng Thống trước thời hạn, đồng ý quay trở lại với Hiến pháp 2004 (việc mà phe đối lập muốn). Ông ấy tán thành cả yêu cầu của chúng ta, cả yêu cầu của phương Tây, và trước hết là theo quan điểm của mình: không sử dụng vũ lực. Quả thật ông ấy đã không ra một lệnh nào trái pháp luật cả, - như là việc bắn vào người biểu tình. Hơn thế, ông ấy còn chỉ đạo đưa lực lượng cảnh sát ra khỏi thủ đô, và họ đã làm theo lệnh đó.
Nhưng ông ấy vừa đi Khác-cốp công tác, thì thay vì phải giải tán khỏi các trụ sở công đã bị chiếm, thì những người biểu tình lại chiếm luôn dinh Tổng Thống và tòa nhà của chính phủ.
Vì sao tôi lại đặt ra câu hỏi này? Vì tôi muốn hiểu: Họ làm thế để làm gì? Ông ấy, một cách mặc định, đã giao nộp toàn bộ quyền hành. Và, - tôi cho là thế, và tôi đã nói với ông ấy như vậy, - ông ấy chẳng có một cơ hội nào nếu bầu cử lại. Và tất cả những người đồng nhiệm mà tôi đã trao đổi trong những ngày cuối qua điện thoại cũng đều đồng ý như vậy.
Vậy thì phải thực hiện những hành động phạm pháp và đi ngược lại hiến pháp, đưa đất nước, lôi kéo đất nước vào sự hỗn loạn mà nó đang rơi vào như bây giờ, để làm gì? - Đến hiện giờ vẫn có các chiến binh đeo mặt nạ đi lại với vũ khí trong tay.
Câu hỏi này đơn giản là không có câu trả lời.
Họ muốn hạ thấp ai đó, muốn thể hiện sức mạnh của mình..? Theo tôi đấy là những hành động tuyệt đối ngu ngốc! Và đã đạt được những kết quả - theo tôi - trái ngược với mong đợi. Vì bằng những hành động này, ở một mức độ đáng kể, họ đã làm rung động miền đông và đông nam U-kra-in.
(11:58) Có 03 cách, theo đúng pháp luật của U-kra-in, để tước quyền Tổng Thống: chết, tuyên bố của cá nhân về việc từ bỏ quyền hành, và bị tòa án kết tội, - kết tội có văn bản được ký hẳn hoi; đây là chuẩn mực pháp luật, và phải có sự tham gia của tòa án lập pháp, tòa án tối cao,.. đấy là một thủ tục phức tạp và kéo dài, và thủ tục này chưa hề được thực hiện.
Đằng này, chính phủ lâm thời còn ra quyết định giải tán cả tòa án, - chuyện không hề có trong khuôn khổ pháp luật cả ở U-kra-in, cả ở châu Âu. Mà không chỉ giải tán tòa án một cách phi pháp, họ thậm chí còn, - các vị hãy suy nghĩ về từ này, - "ủy quyền", ủy quyền nhé, cho Chánh án Tối cao khởi tố vụ án. Đấy là cái gì vậy? Cái đấy gọi là quyền tự do xét xử à? Sao lại có thể "ủy quyền" khởi tối vụ án chứ?
Nếu như có việc vi phạm pháp luật nào đó, có hành vi tội phạm, thì các cơ quan hành pháp tự phát hiện và phải tự phản ứng, chứ ủy quyền khởi tố vụ án, - đấy là chuyện bậy bạ, đấy là "ủng luộc lòng đào" (thành ngữ, nghĩa na ná như "nói nhịu" - người dịch).
Bây giờ, nói về việc hỗ trợ tài chính cho Krưm. Chúng ta đã thông qua quyết định tổ chức công việc ở các vùng miền của nước Nga để sẵn sàng một sự hỗ trợ tương ứng cho Krưm, nơi đã đặt vấn đề với chúng ta về sự giúp đỡ nhân đạo, và chúng ta, tất nhiên, sẽ làm việc đó.
Về chuyện sử dụng quân đội, thì hiện tại chuyện đó chưa phải là cần thiết, nhưng, khả năng như vậy thì có. Nhân thể, tôi có thể nói luôn là việc tập trận chúng ta mới vừa tiến hành là không hề liên quan đến những sự kiện xảy ra ở U-kra-in. Chuyện này đã được chúng ta lên kế hoạch từ trước, nhưng không được thông báo, hiển nhiên thôi, vì đây là kiểm tra đột xuất mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội có liên quan; còn kế hoạch thì đã được lập từ lâu, có giấy tờ văn bản của Bộ Quốc phòng.
Như các vị đã biết, cuộc tập trận đã kết thúc, và hôm qua tôi đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị trở về nơi đóng quân.
Chuyện gì có thể trở thành lý do để sử dụng quân đội? Chuyện này, tất nhiên, phải là lý do vạn bất đắc dĩ, trường hợp vạn bất đắc dĩ.
Thứ nhất, về tính hợp pháp. Chúng ta có đề nghị trực tiếp của Tổng Thống đương quyền hợp pháp của U-kra-in I-a-nu-kô-vích về việc dùng quân đội để bảo vệ tính mạng, tự do, và sức khỏe của các công dân U-kra-in.
Chuyện gì làm chúng ta bất an hơn cả? Chúng ta đã chứng kiến sự hoành hành hung bạo của những người theo chủ nghĩa quốc xã mới, những người dân tộc chủ nghĩa, những người bài Do thái, sự hoành hành hiện đang diễn ra ở một số vùng của U-kra-in, - và, trong số đó, ở Ki-ép.
Qua phương tiện thông tin đại chúng, chắc các vị đã thấy, một trong những quan chức chính phủ bị trói bằng xích, bằng còng tay, trên quảng trường, mùa đông, trong khoảng thời gian lạnh lẽo của một ngày, bị giội nước, rồi bị lôi xuống hầm nhà và bị tra tấn ở đó. Đấy là cái gì vậy? Đấy là cái gì, dân chủ à?
Còn lúc họ chiếm tòa nhà trụ sở Đảng, ở đấy nói chung đã không có một Đảng viên nào. Có hai, ba nhân viên bước ra, một nhân viên kỹ thuật - là kỹ sư - nói: "Các bạn, hãy để cho phụ nữ ra, tôi là một kỹ sư, tôi không liên quan gì đến chính trị cả." Và ngay trước mặt đám đông, họ bắn anh ấy luôn, còn người thứ hai, cũng là người làm kỹ thuật như vậy, thì họ lôi xuống hầm nhà và ném chai đựng rượu cốc-tay vào, rồi đốt sống. Đấy cũng là biểu hiện của dân chủ hay sao?
Và khi chúng ta chứng kiến những chuyện này, thì chúng ta hiểu được chuyện gì đã gây bất an cho các công dân U-kra-in, - cả người Nga, cả người U-kra-in, nói chung là những cư dân nói tiếng Nga, đang sinh sống tại những khu vực ở miền đông và miền nam U-kra-in. Sự hỗn loạn đúng như vậy khiến cho họ lo lắng.
Và nếu chúng ta thấy, là sự hỗn loạn đó sẽ bắt đầu ở các vùng phía đông, nếu người dân đề nghị chúng ta giúp đỡ, - còn đề nghị chính thức của Tổng Thống hợp pháp thì chúng ta đã có, - thì chúng ta có quyền sử dụng mọi phương tiện hiện có để bảo vệ những công dân này, và coi chuyện này là hoàn toàn hợp pháp.
Đấy là biện pháp bất đắc dĩ. Và hơn thế nữa, chuyện này tôi muốn nói với các vị, chúng ta đã, đang, và sẽ coi U-kra-in không chỉ là hàng xóm, mà còn là anh em. Còn quân đội của chúng ta, đấy là những người bạn chiến đấu, nhiều người trong số họ quen biết nhau. Tôi tin chắc, tôi muốn nhấn mạnh là tin chắc, rằng binh lính U-kra-in và binh lính Nga sẽ không ở hai phía, mà ở cùng một phía của chiến tuyến. Tôi muốn các vị chú ý, là, ơn Chúa, ở đó chưa hề có một phát súng, và một nạn nhân nào. Chuyện gì đang xảy ra ở đó? Người dân đến bao vây căn cứ quân sự, và thuyết phục binh lính thuận theo đòi hỏi và mong muốn của nhân dân sống trên lãnh thổ này. Tuyệt không có đụng độ, không có ai bắn cả, không có một phát súng nào.
Và như vậy, tình hình căng thẳng ở Krưm, gắn liền với khả năng sử dụng quân đội, nó sẽ tự hạ nhiệt; không cần thiết phải quân sự.
Chỉ có một việc cần thiết duy nhất, và cũng là việc mà chúng ta đã làm: Chúng ta tăng cường bảo vệ các cơ sở quân sự của mình, vì chúng luôn luôn bị đe dọa, và chúng tôi đã thấy, là đã có các binh sĩ của các tổ chức dân tộc chủ nghĩa đang kéo đến Krưm. Chúng ta đã làm thế, và đã làm đúng và kịp thời - (19:43).

Tuyên bố Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.


Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình.

Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo.

Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.

Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn.

Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.

Hoạt động của Văn đoàn độc lập Việt Nam nhằm vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

-         Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước;

-         Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ;

-         Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.

Sắp nghỉ hưu, ông Truyền bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở TTCP

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Câu kết này rất đúng, và hậu quả thì nhãn tiền (bộ máy nhà nước càng ngày càng thối nát, tham nhũng): "Ở nước ta, thường vào cuối nhiệm kì, lãnh đạo các bộ, chính quyền các địa phương thường diễn ra xu hướng chạy đua, khi người đứng đầu còn có quyền ngày nào, tranh thủ cất nhắc, bổ nhiệm cũng là cách tranh thủ “thu hoạch”, điển hình cho khuynh hướng đó là ông Trần Văn Truyền ở TTCP trước đây".
Liên quan đến thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, Khóa XI: 
Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ
Tổ chức, nhiệm vụ của TTCP và…
Trong lịch sử 68 năm (23/11/1945 - 23/11/2013) ngành Thanh tra Chính phủ có lẽ ông Tổng TTCP Trần Văn Truyền (nhiệm kì 2007 - 2011) là vị “Tư lệnh ngành” chiếm kỉ lục, giành ngôi “quán quân” về làm công tác cán bộ trước khi về hưu. Chỉ trong một thời gian ngắn ông kí ồ ạt quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Vụ (và tương tương), nhiều người không có quy hoạch…
Ông Trần Văn Truyền.
Theo Website thanhtra.gov.vn, hệ thống cơ quan TTCP có tổng số cán bộ, công chức (hưởng lương ngân sách) ước khoảng 550 - 600 người. Bộ máy lãnh đạo có Tổng Thanh tra, các Phó Tổng Thanh tra, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Cơ quan, Công đoàn viên chức cơ quan, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan; hầu hết cán bộ, công chức là đảng viên.

Hệ thống cơ quan TTCP có gần 20 đầu mối trực thuộc, bao gồm:

- 7 vụ chức năng: Trong đó 4 vụ thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) gồm: Vụ I (Vụ Kinh tế ngành), Vụ II (Kinh tế Tổng hợp, Tài chính - Ngân hàng), Vụ III (Vụ Văn xã), Vụ IV (Vụ Giám sát Thẩm định sau thanh tra), Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế và Vụ Tổ chức Cán bộ.


- 4 cục: 3 Cục Thanh tra và giải quyết KNTC khu vực gồm miền Bắc (Cục I), miền Trung (Cục II), miền Nam (Cục III) và Cục Chống tham nhũng (Cục IV).

- Các đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập: Văn phòng, Trường Cán bộ, Viện Khoa học, Trung tâm Thông tin, Báo, Tạp chí, v.v…

Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lí nhà nước cao nhất về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng, công cụ sắc bén của Đảng, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng thể chế bảo đảm cho bộ máy quản lí Nhà nước trong sạch, minh bạch, là tổ chức “thượng phương bảo kiếm” mà mỗi cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chuyên ngành phải là một “Bao Thanh Thiên” của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ là yếu tố con người. Ở TTCP, nhiều cán bộ tốt, có bản lĩnh, giữ được nhân cách, thanh đức (đạo đức thanh tra), trung thực, tinh thông nghề nghiệp, song do chính sách tuyển dụng, sử dụng còn tồn tại khuynh hướng lệch lạc, dễ dãi của người đứng đầu, quản lí cán bộ lỏng lẻo, xem xét đánh giá đơn giản, một số cán bộ, công chức kém tu dưỡng, rèn luyện nên cũng xuất hiện “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lí, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI chỉ ra. 

Điển hình nhất gần đây là Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh kí bổ nhiệm chức danh Vụ trưởng Vụ I đối với ông Lê Sỹ Bảy để lại quá nhiều tai tiếng. Trước hết ông Lê Sỹ Bảy tín nhiệm thấp, lại là người đang có nhiều đơn thư tố cáo vạch rõ những sai phạm nghiêm trọng trong tác nghiệp ở một số cuộc thanh tra. Quá trình thăng tiến ông Bảy bộc lộ nhiều bất cập về bằng cấp, niên hạn bổ nhiệm các chức danh, ngạch công chức. Đặc biệt, cách làm độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, áp đặt của 2 ông Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh và ông Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh gây bất bình trong nội bộ, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo gửi tới lãnh đạo cấp cao và cơ quan báo chí.

Cách làm đó là sự lặp lại, nối tiếp “kiểu bổ nhiệm” cán bộ thiếu quy hoạch, không khoa học, tùy tiện mà người tiền nhiệm của ông Huỳnh Phong Tranh là ông Trần Văn Truyền phạm sai lầm mang tính “lịch sử”.

Sai lầm của “ông Tổng”

Làm Tổng TTCP nhiệm kì trước, một hai năm đầu ông Trần Văn Truyền nổi bật là một vị “Tư lệnh ngành” có bản lĩnh, quyết liệt trong công việc, xử lí hậu quả dư âm về vụ thanh tra dầu khí, vụ án tai tiếng trước đó. Tuy nhiên, càng về sau ông Truyền càng bộc lộ sự chao đảo có phần khó hiểu qua xử lí không ít vụ việc thanh tra ở nhiều doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đất đai ở một số địa phương (ngâm lâu rồi mới chỉ đạo kí). Trong nội bộ cơ quan TTCP, ông phạm không ít sai lầm về công tác cán bộ, đặc biệt là trước khi nghỉ hưu (năm 2011) ông kí ồ ạt bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều người không có quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Trần Văn Truyền không còn được tái ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, biết mình sau kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII sẽ rời khỏi “Phủ Khai Phong” ở đất Thăng Long, ông chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) cấp tập, dồn dập làm nhân sự một cách ồ ạt. Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người.

Chấm dứt quyền vẫn “cố” kí bổ nhiệm


Theo lịch của Quốc hội tại kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII, ngày 3/8/2011 chương trình Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Đúng 9 giờ hôm đó, Chính phủ mới (Khóa XIII) đã ra mắt, ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng TTCP, vậy mà chiều và tối hôm đó ông Trần Văn Truyền còn “cố đấm ăn xôi” kí bổ nhiệm cho một loạt người mà trước đó ông đưa vào tầm ngắm, ông chờ đợi “niềm tin và hi vọng” của số người này khá lâu. Vậy là cuối chầu, ông Truyền “ưu ái” cho hàng loạt người từ chuyên viên bỗng trở thành cán bộ cấp vụ. Chỉ trong ngày 3/8 “lịch sử” ấy, ông kí bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng ở Văn phòng, 3 hàm Phó Vụ trưởng ở Trường Cán bộ Thanh tra, 3 hàm Cục phó ở Cục III, 2 hàm Phó Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Cục I, 2 hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Tạp chí, nhiều Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, hàm Vụ trưởng, hàm Phó Vụ trưởng ở các cục, vụ, đơn vị trực thuộc. Các cục, vụ, đơn vị có đủ cấp trưởng, cấp phó rồi thì ông đưa chuyên viên lên cấp “hàm” mà cấp này chưa thấy quy định điều khoảng nào trong Luật Cán bộ, công chức.

Việc bổ nhiệm tràn lan trước khi ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu tạo ra không khí “cởi mở”, một trào lưu “chạy” cuống quýt ở rất nhiều người, Vụ Tổ chức Cán bộ bò ra làm ngày làm đêm. Hậu quả là bộ máy phình to, quỹ lương tăng đột biến. Hiện tượng tranh quyền (làm Trưởng, Phó đoàn Thanh tra), đố kị, kèn cựa nhau không hiếm. Đáng chú ý là sau khi ông Truyền kí bổ nhiệm nhiều người không có trong quy hoạch, ông thấy “giật mình” liền kí Quyết định số 2100/QĐ-TTCP ngày 3/8/2011 về bổ sung quy hoạch nhằm hợp thức hóa việc làm trái với quy trình, quy chế về công tác cán bộ của chính TTCP. Việc làm trên của ông Truyền là chống lại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007. Tại Điều 15 Nghị định này quy định cấp cục, vụ, đơn vị thuộc bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, sau đợt ông Truyền bổ nhiệm năm 2011, nhiều cục, vụ, đơn vị ở TTCP có từ 4 - 6 cấp phó. Cục I có 7 cấp phó và 1 hàm cấp phó. Có một sự thật là, một số cán bộ ngay sau khi được ông Truyền quyết định bổ nhiệm đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III, v.v…

Dư luận xôn xao rằng, những người được ông Truyền để mắt tới đều biết mình phải làm gì, “chạy” như thế nào để tới đích, điều mà ai cũng thấy “cực kì khó nói ra”. Đó là một sự thật.

Ở nước ta, thường vào cuối nhiệm kì, lãnh đạo các bộ, chính quyền các địa phương thường diễn ra xu hướng chạy đua, khi người đứng đầu còn có quyền ngày nào, tranh thủ cất nhắc, bổ nhiệm cũng là cách tranh thủ “thu hoạch”, điển hình cho khuynh hướng đó là ông Trần Văn Truyền ở TTCP trước đây.

Nhóm PVĐT

(Bài viết của tác giả Lai Tran Mai)