Lập Trình Viên II (52)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Nhất thời chưa thể hình dung chuyện gì thực sự đang xảy ra, còn đang hồ đồ, thì tôi thấy bốn bề có nhiều người đang chạy vượt lên, nhiều trong số họ đều cầm vật gì đó nho nhỏ trên tay.

Nhà Trắng và khách sạn — hình như là — năm sao U-krai-in-na, một trong bảy tòa "Đỉnh cao Xta-lin" (cùng một loạt với tòa nhà Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp) kỳ vĩ của Thủ đô, nằm ngắm nhau qua dòng sông Mát-xcơ-va. Cứ theo ngoại hình cũng như thuộc tính chức năng mà ví von thì khách sạn giống gái, còn Nhà Trắng giống giai hơn; có điều ở đây cô gái thì lại ngắm nhìn chàng trai một cách thẳng thắn trực diện, còn chàng trai thì lại nhìn cô gái bằng kiểu nhìn xeo xéo qua phải, và chiếc xe tăng mà tôi đang nói nằm lấn vào tầm nhìn đó, cho nên lúc tôi tới gần — trong lúc đó đã có những người khác nữa vội vàng leo thêm lên xe tăng, giờ đến hơn chục người cả thảy, ở gần giữa nhóm này có một người giơ hai tay trương lên một lá cờ ba vệt màu trắng, xanh da trời, đỏ — thì chiếc tăng và nhóm người đứng ở trên đó đang tạo nên một cận cảnh rất đẹp trên nền hậu cảnh là khách sạn U-krai-in-na cao vút trong khung trời.
Nhưng chỉ có hai người đứng quay về phía tôi, vẻ như đang canh chừng, còn lại họ đều đứng quay mặt ra bờ sông, cho nên tôi vội vàng chen ngay về phía ấy.
Tôi len được đến gần sát xe tăng, thì bác đứng ở giữa trên đấy — chính là người mặc bộ com-lê màu tro tím, đã cúi xuống bắt tay chú bộ đội — đang thò tay phải vào túi ngực bên trong áo vét, rồi móc ra một tờ giấy gập tư nữa (tay trái bác cũng đang cầm một tờ, không gập). Nhìn ngay gần thì bác này tuổi đã cao, tóc bạc nhưng khá tốt, lại rẽ ngôi từ bên phải, khung người thuộc loại cao to, nhưng tương đối béo, mặt mũi bác hơi nhăn nhó, cà-vạt bác đeo đồng tông nhưng sẫm hơn màu áo vét, và có điểm những vảy hình lá màu trắng; đứng kề ngay bên trái bác, là một bác khác, trẻ hơn, chỉ trạc ngoài bốn mươi, thấp hơn, có phần béo và tròn trĩnh hơn, diện bộ com lê màu ghi sáng, cà vạt xanh cô-ban, mắt nheo nheo, tay trái cầm cái khăn mùi xoa, lau mấy phát lên vầng trán hói, rồi đút vào túi áo vét bên trái.
Những vật nhỏ mọi người cầm trên tay vừa nãy, giờ đang được tới tấp giơ lên xung quanh tôi, hóa ra đấy là những thiết bị khác nhau nhưng đều có chức năng thu âm, — tôi đang lọt giữa một bầy phóng viên.
Phải thôi: bác tóc bạc, com-lê tro tím, đang chập hai tờ giấy vào nhau, cầm bằng cả hai tay và đưa ra trước mặt, không ai khác, chính là Tổng Thống nước tôi — ông Ba-rít Nhi-ka-lai-ê-vích En-txin.
Tổng Thống En-txin, thì những người com-lê cà-vạt kiểu như bác hói cà vạt xanh cô-ban đang vây quanh ông hẳn là những người "nghiệp vụ" rồi, nhưng tôi vẫn có một cảm nhận hớ hênh rất rõ ràng và đầy lo âu... nói toẹt, thì tâm lý tôi đang chờ một chuyện mà nếu tôi là một nhân vật của "phía bên kia", thì kiểu gì cũng sẽ phải xảy ra: Một phát bắn tỉa!
Có đám "nghiệp vụ" vây quanh, nhưng từ phương diện chuyên môn của xạ thủ bắn tỉa chuyên nghiệp — mà tôi nghiên cứu được trong tương đối nhiều phim tôi đã xem — mà nói, thì Tổng Thống, vào thời điểm này, mà lại tơ hơ ra thế kia...
— Vì họ không cho dùng truyền hình, không cho dùng phát thanh, nên tôi sẽ tuyên đọc. — Lời nói của Tổng Thống đã cắt ngang ý nghĩ của tôi.

"Gửi các công dân nước Nga.
"Vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng Tám năm 1991 Tổng Thống của quốc gia, người đã được bầu theo luật pháp, đã bị phế bỏ quyền lực. Cho dù việc phế bỏ này có được biện minh bằng những lý do nào đi nữa, chúng ta cũng đang phải đối mặt với hành động đảo chính trái với hiến pháp, và phản động, của cánh hữu...

"...

"Liên quan đến những hành động của một nhóm người, tự xưng là Ủy ban Quốc gia về Tình trạng đặc biệt, tôi quyết định:
"Coi tuyên bố của Ủy ban này là trái với hiến pháp và xem hành động của những người tổ chức ra nó là đảo chính, không gì khác hơn, là một hành động tội phạm chính trị.
"Mọi quyết định, được công nhận nhân danh cái gọi là Ủy ban về Tình trạng đặc biệt, bị coi là bất hợp pháp và không có hiệu lực trên lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Nga...

"Hành động của các nhà chức trách, thực hiện các quyết định của Ủy ban nói trên, sẽ bị xét xử theo Bộ luật Hình sự của Cộng hòa Liên bang Nga, và sẽ bị truy tố theo pháp luật.
"Sắc lệnh này có tác dụng kể từ thời điểm ký."

Ông En-txin này quả là lợi hại!
Và rất may mắn nữa, — đã không có phát bắn tỉa nào.
Và cái "Sắc lệnh" mà hiện tôi cũng chưa hình dung ra là nó sẽ làm thế nào để có thể "có tác dụng kể từ thời điểm ký" này được mọi người chia nhau — và được ném từng xấp từ các cửa sổ và ban công tầng trên Nhà Trắng xuống — để phân phát. Lọt được vào bên trong cái chiến lũy "hạng gà" của anh Nhi-ka-lai, tôi cũng làm một tệp mỏng và vừa đi vừa phát cho những người tôi gặp trên lộ trình đến chỗ điểm danh, — không thấy anh chị nào của tôi gần xe tăng, tôi đang nóng lòng muốn kể cho họ nghe, nhất là chuyện tôi đã ở ngay đấy, thậm chí có thể sờ được vào ông En-txin, — và trong số những người tôi gặp, có những người vội vã xua tay lia lịa không nhận "truyền đơn", thậm chí còn quay hẳn mặt qua một bên và tránh người để không chạm vào tôi; trong lúc ngoái cổ nhìn theo một người hơi lạ lùng như thế, tôi trông thấy anh A-li-ô-sa tôi.
Tòa Nhà Trắng, nếu theo kiểu xếp hình lê-gô thì có thể tách làm hai khối chính. Nếu bay trên trời mà nhìn thẳng xuống, thì khối thứ nhất sẽ giống như một chữ "D", nhưng viết vuông các góc ở lưng, và chĩa hẳn hai cái càng ra một đoạn khoảng thêm một nửa chiều rộng, — hai cái càng này hướng một cách cân xứng vào dòng sông; — khối này cao sáu tầng tính từ chỗ tôi đang đứng, tức là bảy tầng tính từ mặt đất. Khối thứ hai giống như một cái bình in-nốc đựng rượu bẹt và phẳng (bình rượu kiểu này thường có bề mặt hơi cong cong), — loại mi-ni bỏ túi, tính cả nút (cắm thêm lên nút một lá cờ), — rộng vừa bằng, và được cắm áp sát bề mặt vào nét sổ của chữ "D", từ phía trong; khối này cao thêm mười một tầng tính từ nóc khối kia (đoạn bị che lấp trong lòng chữ "D" được phân tầng thế nào thì tôi không biết).
Cả chữ "D" lại nằm gọn trong một mảnh sân rộng gần như vuông, — thừa ra ngoài chữ này thêm một khoảng rộng cỡ hai xe tránh nhau, phía trước đi lên sân bằng những bậc thang qua chiến lũy của anh Nhi-ka-lai, phía sau lên bằng hai lối đi thoai thoải từ hai bên mép góc nhà, — mưa đã tạnh nhưng nắng chả có và trên phần sân rộng trước mặt Nhà Trắng mọi thứ trông đều rất ướt át, đến nỗi số lượng người đông đảo và láo nháo bất thường hôm nay dường như cũng không thể khiến cho quang cảnh bớt được đi phần nào vẻ ảm đạm. Sân phẳng đều, nhưng nếu hình dung là từ cái chiến lũy của anh Nhi-ka-lai có một lối đi thẳng vào cửa Nhà Trắng (giữa nét sổ của chữ "D"), thì đối xứng hai bên lối đi này, giãn cách đều và nằm trong phần diện tích bị bao vây bởi hai càng chữ "D", có hai cái ao nhân tạo hình vuông có bờ viền thấp bằng đá nâu tương đối rộng có thể ngồi lên được, trong ao hình như bố trí đài phun nước. Có một dãy ô-tô con xếp nối đuôi, không thật thẳng tắp lắm nhưng gần như sát sàn sạt, chắn ngang hết khoảng trống giữa hai cái ao, — nối liền hai góc ao gần nhau nhất và gần tòa nhà nhất.
Tôi tạt qua phải để đi theo sườn nhà bên trái ra phía sau, nên lúc này từ chỗ tôi đứng, nhìn qua cái ao ở gần tôi, tôi thấy anh A-li-ô-sa đang đứng giữa một đám các anh khác ở gần chân tòa nhà, chỗ đối diện với cái ao đằng kia, — hơi xa, nhưng tôi nhìn không nhầm, — nhóm đấy trông rất ra dáng là "bộ đội chủ lực" của khu vực phòng thủ này.
Mặt anh A-li-ô-sa trông như thiếu máu, không hiểu là vì lao động nhiều hay vì căng thẳng, có thể cả hai; tôi vịn vào tay, anh mới biết là tôi đến, — các anh đang chăm chú vào một anh khác, anh này mặc bộ quần áo lao động màu xanh công nhân đã cũ và hơi nhom nhem, giống quần áo mấy bác khuân vác thỉnh thoảng tôi vẫn gặp bên những chiếc ô-tô chở hàng đỗ cạnh cửa hàng thực phẩm ở ngoài bến tàu điện ngầm chỗ tôi, nhưng anh này tóc sẫm và bóng, mềm mại xõa dài đến vai, có bộ ria rất là quý tộc, mặt xương xương, hao hao anh Kốt-xchi-a, nhưng rõ là từng trải và cứng cỏi hẳn hơn, và không đeo kính cận; anh này không phải anh Nhi-ka-lai, nhưng có vẻ đang là "đại ca" ở đây.
— Trật tự trật tự, anh em! Chú ý nghe tôi nói! — Nhịp nhịp hai bàn tay trước ngực, bằng giọng nói phải thừa nhận là có chất "chỉ huy" thật, anh vừa nói vừa mở to mắt, gật gật đầu nhấn mạnh vào các trọng âm, rồi hơi xoay người, tay phải ra dấu về phía sau. — Gặp ai ngoài chiến lũy thì cũng thông báo ngay. Hiện tại, như bây giờ, chưa có gì đặc biệt xảy ra, thì chúng ta cứ tùy tiện hoạt động một cách bình thường. Nhưng, — bàn tay phải anh nắm vào, chỉ chừa lại ngón trỏ và ngón cái, — thật chú ý đây! — Anh xoay hẳn người, với tay lên, chỉ về phía chiến lũy. — Chỉ cần có chuyện ở ngoài kia một cái, thì phải làm sao, lập tức, để trên chiến lũy sẽ không còn một ai cả! — Anh chỉ xuống chân. — Chúng ta cần phải ở ngay đây. Và, tôi nhắc lại để mọi người đều nhớ này! Nếu có súng nổ ở ngoài kia, — anh đầm hai bàn tay xuống, — tất cả phải nằm xuống! Việc của chúng ta sẽ bắt đầu khi nó có thể có ích nhất, và theo hiệu lệnh chung!
Anh ngửa bàn tay phải, những ngón tay để van vát theo chiều ngón trỏ, đưa lên và dừng lại lửng lơ như một câu hỏi, mắt anh mở to nhìn những người đứng gần mình nhất; các anh khác chung quanh, người gật đầu, người cất giọng vui vẻ, hoặc nghiêm túc:
— Rõ rồi! Nhất trí!..
Anh "đại ca" quay người bỏ đi rồi, tôi mới thấy trong tay anh A-li-ô-sa đang có một xấp bánh mì kẹp thịt; anh giữ lại hai kẹp, còn đưa cả cho tôi.
Chưa về tới chỗ tập kết thì tôi đã chén sạch, nên lúc anh A-li-ô-sa đưa bánh cho Vê-rôn-na và A-nhi-a, thì tôi hơi ngượng... nhưng cảm giác ngượng ngùng ấy lại chuyển sang tiếc rẻ ngay, — Vê-rôn-na, tóc mai dính má, vừa cười thành tiếng, vừa chỉ xuống chân mình: hai chị tôi không hiểu đã kiếm được ra ở đâu một chiếc túi du lịch to bát xụ, trong đựng đầy những đồ uống và bánh trái ngon lành; tôi hiểu đấy là "căng-tin" của "công đoàn", nhưng mấy kẹp bánh bút-te-brốt mà A-nhi-a để dành cho tôi lại ngon hẳn hơn bánh của anh A-li-ô-sa, có điều "ba mặt" với "hai suất bánh" thế này, mà cứ cố "ăn thêm vài con cá, dăm bảy cái chột nưa" thì e rằng sẽ không khỏi ít nhiều trơ tráo... tôi chả còn cách nào khác, là phải âm thầm cắn răng, nặn ra một nụ cười nhẹ nhõm như một bông tuyết đang hồn nhiên rơi, bảo chị tôi:
— Em vừa mới ăn xong.
Nhìn A-nhi-a, lòng tôi xót xa lắm, — Vê-rôn-na là một vận động viên thiên bẩm, còn những giọt mồ hôi trên gương mặt xinh đẹp của A-nhi-a, chúng đang làm ướt "hai hàng tóc mai" óng ả của một nàng... đúng là một nàng "tiểu thư" thật đấy, lại còn trong một bối cảnh loạn lạc như thế này.
Chị chăm chú nghe tôi sôi nổi kể chuyện chiến lũy, xe tăng, ông En-txin, với một vẻ quan hoài sâu xa, rồi chị bảo tôi về ký túc xá; nhưng có một điều mà bản thân tôi cũng hơi lạ, là vào lúc ông En-txin đứng lên nóc xe tăng và giở giấy ra, thì khát vọng "tẩu vi thượng sách" đang cháy bỏng trong tôi đã nguội lạnh ngay lập tức; vả lại không khó để hiểu là về bây giờ, có nghĩa là sẽ về một mình, — một mình lủi thủi chắp tay sau đít rời khỏi chiến địa hoang tàn Oa-téc-lô, ngay có là Hoàng Đế Nã-phá-luân, e rằng tình cảnh cũng không khỏi hết sức là tội nghiệp.
Tôi đưa mắt nhìn anh Kốt-xchi-a, anh lặng lẽ nhìn lại tôi, — từ lúc gặp lại, tôi thấy anh có vẻ lặng lẽ hơn bình thường, — đôi mắt màu hổ phách trong veo sau mắt kính thủy tinh chớp nhẹ một cái, rồi mở to ra; rồi rướn lông mày một cái, anh chả nói gì cả.
Anh Xéc-giô — mồ hôi mồ kê, áo sơ mi bẩn nhom nhem đã cởi hết cúc, phanh ra — thì chỉ thò tay xoa đầu tôi.
Nên tôi bảo A-nhi-a là các anh chị ở đâu thì tôi sẽ ở đấy, hơn nữa — ý này đến bất chợt, có lẽ do động cơ tìm lý do của tôi, nhưng lại quá là hợp lý và thực tế — chuyện này chắc không chỉ một ngày mà xong được, tối nay tôi sẽ đưa mọi người về nhà tôi ở gần đây hơn, thì sẽ tiện hẳn hơn là về ký túc xá; còn bây giờ, (trong đầu tôi hiện ngay ra khuôn hình "bố cục đẹp" của người đã nhìn tôi ở đầu dốc bên cầu), tôi còn có một cuộc hẹn với một chú bộ đội xe tăng ở phía bên kia chiến tuyến.
Đúng là tôi đang có chuyện phải hỏi thật.
Và chú bộ đội của tôi giống hệt như là vẫn ngồi nguyên ở đấy như thế để đợi chờ tôi, — tôi đi đến từ hướng tôi đã đứng lúc sáng, thì ánh mắt chú vẫn ở sẵn đấy, vẫn y như thế.
Nhưng tai chú thì hẳn không còn giống như thế được nữa, — bên cạnh chú đang có một người vừa nhấp nha nhấp nhổm, vừa bàn tán những chuyện gì đó có vẻ hết sức là sôi nổi.
Người này mặc bộ quần áo bò, loại bò Tàu, túi quần sau may chìm và có nắp cài cúc, màu quần gốc là xanh chì nhưng đã được mài bạc phếch; trong mặc cái áo phông cổ bẻ, màu cá vàng; tuổi khoảng trên ba mươi, hơi béo, đeo kính cận mắt to gọng kim loại mảnh, nét mặt thật thà theo kiểu đặc trưng của người béo, tóc đen cắt cao nhưng có mái chải ngôi ngay ngắn, — ở trường Phi Long thì đây là kiểu mặt điển hình của "cộng tác viên giữ phòng thí nghiệm", không phải loại "làm nên bản chất của môi trường" như bác Đét-lam.
— Đều quân đội cả... — Tôi trèo lên ụ pháo thì chú bộ đội xe tăng nhìn tôi chăm chú hơn, và trên môi chú rõ ràng có một nụ cười, dù không có dấu hiệu gì cho thấy là nó sẽ nở ra; còn chú béo thì đang nhiệt tình kể lể. — Bố tớ là sĩ quan, mẹ tớ ở trong quân lực, còn ông tớ... — Có vẻ đây là kiểu chủ động ngắt câu, để nhấn mạnh tầm quan trọng... — Ông tớ ngày xưa từng là bảo vệ riêng của I-ô-xíp Vít-xa-ri-ôn-nô-vích Xta-lin...
Xta-lin thì rõ là một trọng số đĩnh đạc rồi, có điều... Tôi lẳng lặng ghé vào tai — thực ra là ghé gần về phía tai thôi, vì nó ở trong mũ xe tăng — chú bộ đội của tôi, và hỏi nhỏ:
— Chú ơi, cái chiến lũy... thật sự thì cái chiến lũy này có chặn được xe tăng không?
Chú béo vàng da cam cháu ông cựu bảo vệ riêng của Xta-lin nhìn tôi với vẻ phật ý không giấu giếm, — chú bộ đội đưa tay vén cái tai mũ bên trái ra một chút, nghe tôi nói, rồi quay hẳn về phía tôi.
Tuổi họ chắc sàn sàn nhau, nhưng chú bộ đội trông người lớn hẳn hơn chú béo, mặt chú xương xương — nhất quán cùng vóc người, — đường nét đơn giản, căn bản, chân thực, và hiền lành. Sống mũi chú hơi nhăn lại một chút và một lát, và trong đôi mắt nâu (không trong như mắt anh Kốt-xchi-a, nhưng những gì được biểu hiện ở đấy gây nên một ấn tượng rõ rệt và trực tiếp hơn) đang nhìn tôi, tôi nhận ra một vẻ đồng cảm "đợi sẵn", — tự chú hẳn cũng đã phải nghĩ ngợi tương đối về chuyện này.
Nhưng chú không nói gì với tôi cả; lặng lẽ, chú lắc đầu, trong lúc lắc thì nhắm mắt lại, tới mức nhíu mày, một tí, rồi mở mắt, chú thở nhẹ ra, — là thở dài, nhưng đã được nén lại.
— Xê-rô-ga, cậu là một chàng trai rất ổn, cậu phải đứng ra bảo vệ ai là Tổng Thống hợp pháp chứ? — Chú béo cố chuyển lại hướng sự chú ý.
— Tớ làm theo lệnh Chỉ huy Sư đoàn. — Chú Xê-rô-ga trả lời một cách lãnh đạm.
— Nhưng mà Tổng Thống... thì là chỉ huy tối cao nhất, còn cao hơn Chỉ huy Sư đoàn của cậu, tức là ở đây hoàn toàn không có gì là vi phạm quân lệnh hết. — Tôi bắt đầu thấy có thiện cảm với chú béo, trong cách chú nói, hoàn toàn không nhận thấy thái độ bắt bẻ, ý kiến ý cò, đối kháng, muốn thỏa mãn nhu cầu nói lý lẽ, không có gì giống như thế cả, mà ngược lại, ở đây là một sự nhiệt thành, thân thiện, và thái độ xây dựng. — Cậu quay ụ pháo lại đi, ít ra cũng không làm cho mọi người sợ. Hãy cùng bảo vệ những gì là dân chủ. Chả nhẽ cậu vẫn còn ngại những gì đó liên quan đến chi bộ?..
— Cậu ngon đấy, Xê-rô-ga. Nhưng ai biết, đùng một cái, lại từ Lu-bi-an-ka đến thì sao? — Chú Xê-rô-ga bộ đội phảy nhẹ tay một cái, cười hiền lành; hóa ra cả hai chú đều tên là Xéc-gây.
Trụ sở cơ quan an ninh Ka-ghê-bê tọa lạc tại quảng trường Lu-bi-an-ka.
Chú Xê-rô-ga béo dường như lúng túng... rồi chú đưa tay lên túi ngực áo bò, túi hơi chật nên chú phải đưa thêm tay nữa mới móc được ra bao thuốc Winston màu đỏ nâu có vệt trắng ngang ở giữa, đưa mời chú Xê-rô-ga gày một điếu, rồi vẫn để nguyên bao thuốc ở phía đấy, chú nhìn tôi vẻ lưỡng lự, — chắc đang nghĩ có nên mời hay không, — thì tôi thấy tay mình đã tự động giơ ra: thuốc này tôi chả hút bao giờ, nhưng không phải tôi muốn thử thuốc, mà đúng là tôi đang muốn một điếu thật, thuốc gì cũng được.
Cách hút thuốc của chú Xê-rô-ga béo hơi "lớt phớt", — không kéo những hơi đậm đà như tôi và chú Xê-rô-ga gày, người đang nhìn tôi với một sự đồng cảm vui vẻ.
— Thế nếu bây giờ... — Chú Xê-rô-ga béo thở mạnh một cái (nhưng ngay cả thế, cũng không có khói bay ra từ mũi), giụi tắt điếu thuốc còn dài nghêu trước ánh mắt đầy phê phán của chú Xê-rô-ga gày. — Nếu không phải tớ... Nếu là chính En-txin ra lệnh, cậu sẽ tuân lệnh chứ?
— Ờ, nếu là En-txin, thì đương nhiên rồi. — Chú Xê-rô-ga gày nhún vai, thở khói ra mũi, cười hiền lành, nhưng ít nhiều có một vẻ hài hước.
Như sực nhớ ra chuyện gì đó, và có lẽ vội, chú Xê-rô-ga béo đứng nhổm lên, giúi bao thuốc vào tay chú Xê-rô-ga gày, bảo "Để hút!", vỗ vai người bạn mới quen này một cái, nhìn tôi, cười, gật đầu khẽ, rồi loay hoay leo xuống khỏi xe tăng, bỏ đi về hướng tôi vừa đến.
Đến khoảng bảy giờ tối, người buôn bán nhỏ Xéc-gây Brát-trích-kốp, tức là chú Xê-rô-ga béo, đã trở lại chỗ xe tăng cùng với một người nữa, tuổi chừng bốn mươi, mang quân hàm trung tá, và là Đại biểu Quốc Hội.
Đại biểu Quốc Hội, trung tá Xéc-gây I-u-sen-kốp đã bảo với thiếu tá Xéc-gây Ép-đa-ki-mốp, tham mưu trưởng Tiểu đoàn tăng thuộc Sư đoàn bộ binh cận vệ cơ động Ta-man, tức là chú Xê-rô-ga gày:
— Có thể mời anh vào Nhà Trắng được không? Tổng Thống muốn gặp anh.
Vào trong đấy, chú Xê-rô-ga đã nhận được lệnh bảo vệ Nhà Trắng từ Tổng Thống En-txin thật.
Tiểu đoàn — gồm ba đại đội — của chú Xéc-gây đã nhận nhiệm vụ hành quân về Mát-xcơ-va theo đường quốc lộ Min-xcơ từ tám giờ sáng. Tiểu đoàn trưởng cưỡi xe bọc thép đi trước, chú Xéc-gây cưỡi tăng đi sau, theo sau chú còn gần ba mươi chiếc tăng, với một đám hậu cần, chở theo vũ khí quân trang.
Đến đường vành đai của Mát-xcơ-va, Tiểu đoàn trưởng giao cho chú Xéc-gây nhiệm vụ chỉ huy Đại đội tăng số hai phong tỏa cầu Ka-li-nhin. Chú Xéc-gây bèn cử Đại đội trưởng Đại đội hai giữ bốn chiếc tăng ở lại khách sạn U-krai-in-na, sẵn sàng phong tỏa cầu từ phía bên ấy, còn chú tự dẫn sáu chiếc tới cầu Ka-li-nhin.
Trên cầu có cảnh sát giao thông, chú Xéc-gây bảo:
— Tôi đã nhận nhiệm vụ phong tỏa cầu.
Cảnh sát bảo:
— Giờ thì chả phong tỏa được đâu, phải giải tán hết xe cái đã. Giải tán, rồi sẽ chặn cầu.
Nên chú Xéc-gây mới đánh xe tăng xuống bên cầu chờ đợi.
Nếu bây giờ A-nhi-a và Phi Long, mỗi người sẽ bảo tôi làm một việc, mà hai việc này lại chống lại nhau, thì tôi sẽ phải làm thế nào?
Chắc tay trái tôi sẽ làm việc của A-nhi-a, còn tay phải làm việc của Phi Long, — hai tay đánh nhau; như thế hoặc là giống lão ngoan đồng Châu Bá Thông, tôi sẽ tự chế được ra một môn võ công thượng thừa, hoặc tôi sẽ tự làm mình bị thương; khả năng thứ hai gần như chắc, nhưng đâu còn cách khác?
Chỉ là, không cần biết thế nào, thì tôi vẫn hoàn toàn có thể làm như thế thật, chứ chú Xéc-gây thì làm sao mà chia mỗi bên ba xe, rồi lại tự bắn vào nhau?
Nhưng hẳn là trên đời sẽ chả có vị Chỉ huy Sư đoàn nào dạy chú Xéc-gây nói tiếng mẹ đẻ, còn ông En-txin thì có bao giờ lại coi chú như là em ruột chứ? Có điều nếu tôi cãi Phi Long, hay A-nhi-a, hay thậm chí cãi cả đôi, thì tệ nhất cũng chỉ đến dỗi nhau là cùng, mà dỗi đương nhiên cũng rất tạm thời thôi. Còn chú Xéc-gây thì khác đấy, — sai một li ở đây, có thể đi thẳng ra tòa án binh... mà cục diện này, nếu là trong phim, thì một loạt đạn bắn hạ ngay tại chỗ sẽ là một thực tế hiện hữu hẳn hơn.

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Lập Trình Viên II (51)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Nhưng vừa quyết định dứt khoát là sẽ về chỗ tập kết ngay... thì ngay trước mặt tôi đã là cái ngã tư mênh mông rải rác những cột đèn cao áp một ngọn cong cong cao nghêu và gầy guộc, nằm ở góc bên trái, phía trước, khu vực Nhà Trắng.

Đại lộ Ka-li-nhin phóng thẳng một lèo từ trung tâm thành phố — khu Tường thành Krem-linh — đến trước mặt tôi thì đổi hướng chạy xiên sang bên trái khoảng một phần ba góc vuông, chuyển thành Cầu Ka-lin-nhin, rồi lao thẳng qua sông, tới bờ thì nối tiếp vào Đại lộ Ku-tu-dốp. Đường bờ sông bên này, tiếp tục là đường bờ sông, âm thầm chui qua dưới gầm cầu.
Nếu không xiên trái, mà xiên phải, cũng cùng một góc như vậy, thì nó sẽ chạy thẳng về phía tôi, — con đường nhỏ dưới chân tôi, và con đường vuông góc bên tay trái (viền bên trái Nhà Trắng), cùng với Đại lộ Ka-lin-nhin, và Cầu Ka-li-nhin, hòa vào nhau ở chỗ này, làm thành một cái "quảng trường" ngã tư (vì không có xe qua lại) rộng lớn.
Không có xe, không phải vì không dành cho xe chạy, mà vì xe không thể chạy vào được. Không phải chỉ hiện giờ không được, mà đến lúc đánh nhau, thậm chí đánh nhau to, chắc là vẫn không vào được.
Vì nói gì thì nói, mặc dù trên cái "quảng trường" ngã tư đang ướt át và tương đối âm u này hiện tại toàn là những người phục trang xuề xòa dễ dãi — nhiều trong số đó giương ô, xách túi; đi riêng lẻ hoặc níu kéo nhau thành những đám manh mún — đi đi lại lại một cách hơi dáo dác, và không khỏi ngơ ngáo với một vẻ hiếu kỳ của khách tham quan, nhưng xét về vị trí chiến lược, thì đây đối với Nhà Trắng lúc này mà nói, hoàn toàn không khác so với làng Bô-ra-đin-nơ đối với Mát-xcơ-va, hay là huyện Xuân Lộc đối với Sài Gòn, ngày xưa.
Và cũng không rõ là trong số những người đang hò nhau đồng lòng tìm cách "cố thủ" — thậm chí "tử thủ" — ở chỗ này thì có bao nhiêu người sẽ ít nhiều có được một hình dung ở tầm "chiến lược" như tôi, nhưng chắc là phải còn rất nhiều những lý do khác có thể khiến cho một người cảm nhận được tầm quan trọng của khu ngã tư này trong tổng thể những gì rất có thể sẽ xảy ra, — mọi thứ trong phạm vi nhận xét bằng mắt của tôi, một cách sơ bộ, đều nói lên điều đó.
Vị Thống Soái một mắt huyền thoại ở bên kia cầu mà chịu qua đây thật, liệu "chiến trường" ngã tư này có độc đáo hẳn đi không thì tôi không rõ, còn vắng ông, — vắng Thống Soái Ku-tu-dốp, — thì mọi người ở bên này đều đang nghĩ theo cách của tôi: để phòng thủ chỗ này, phải bịt đầu đại lộ và đầu cầu lại.
Và dù mặt cầu có khi còn to hơn mặt đại lộ, nhưng theo hình dung "chiến lược" của tôi, thì bịt đại lộ sẽ khó hơn bịt cầu, nên chân tôi, một cách tự động, đang hướng về phía đầu đại lộ Ka-li-nhin. Trong lúc vẫn lưu ý để trông mình không bị giống như một "khách du lịch", thì ý nghĩ ở trong đầu tôi không hiểu sao lại hướng ngay đến những chuyện mà bình thường chả bao giờ tôi lại nghĩ... thậm chí chả mường tượng được là mình sẽ có lúc lại đi nghĩ đến nữa.
Theo số liệu tôi từng xem ở đâu đó, thì ở nước tôi một năm có khoảng triệu sáu, triệu bảy người chết, — đại khái cứ nghìn chú thì chết khoảng hơn chục chú. Mỗi ngày chết khoảng bốn nghìn rưởi, — cứ nghĩ thế thì chuyện sống chết đúng là như ngóe. Hay tại nước tôi ít dân — mỗi cây số vuông chỉ lơ thơ đâu đó chừng tám mống — nên tôi thấy thế? Không hiểu nhung nhúc như Tàu khựa thì cảm giác thế nào, — ở đấy hình như những hơn trăm chú một cây số vuông, chắc họ đẻ không cần nghĩ?.. À mà... Tàu khựa đã là gì, — quê ngoại tôi, tức là nước Việt Nam của Phi Long, mỗi cây số vuông, nếu tôi nhớ không nhầm, có tới trên hai trăm chú.
Bớt đi thêm một người, vào một ngày mưa buồn, ở một ngã tư, giữa một thành phố lớn, trong một trận binh biến, — chuyện này tuyệt đối có thì cũng thế mà không có thì cũng thế, khi mà hoàn toàn chẳng cần phải binh với biến gì sất, quanh đây, cùng một loại với tôi, kiểu gì cũng vẫn sẽ có bốn nghìn rưỡi người chết, đơn giản là chết, chết đều đều... hôm nay đến giờ này đã chết thêm được hơn hai nghìn...
Hơn hai nghìn người, nhiều trong số đó vừa mới đấy, có khi chỉ vài phút trước, còn đang đi lại hệt như tôi và những người quanh tôi đây, đi trên đường nhựa, đại lộ, ngã tư, cầu qua sông... mà đường xá cầu cống này, phải cả một thành tựu loài người tiến hóa kinh lắm mới có, và tôi sinh ra đã ở luôn đấy rồi, chứ không phải cởi truồng cầm que nhọn đi đâm gà vịt trong rừng hoang... Chân phải tôi bất giác giậm giậm chiếc giày Ý mấy phát lên mặt đường nhựa ướt mưa, cùng với một nhận thức rất nghiêm túc về cảm giác ở bàn chân. Tự nhiên bây giờ, hoàn toàn có thể thế, bụp phát, không chỉ đường xá cầu cống, giày Ý, mà ngay que nhọn để đâm gà vịt, cũng sẽ chả còn liên... tuyệt đối chả còn liên quan quái gì nữa, một chút mảy may cũng không, dù là chúng vẫn cứ tiếp tục ở đó, vẫn y như thế, hoàn toàn trơ trơ vô cảm đối với những chuyện thêm ai bớt ai đang diễn ra rất bặm trợn ở quanh đây... Mà tôi, và tất cả những người đang ở đây, nếu bụp phát thật, thì cũng người bụp người không, và theo một cách cực kỳ ngẫu nhiên... Anh Lý Tử Long mà ở đây liệu có gì khác không? Chắc cũng thế thôi! Đại bối cảnh như đây giờ, chắc phải tầm Dương Quá... mà bên có súng bên không, phải Tiểu Lý Phi Đao "lệ bất hư phát" có khi mới ít nhiều khả dĩ...
Hồi mới quen, có lần xem Phi Long kể chuyện Tiểu Lý Phi Đao cho Vê-rôn-na nghe (một người kể truyện chưởng, một người nghe, hai người này có thể nằm với nhau và làm việc này suốt đêm, thậm chí suốt đêm này qua đêm khác), tôi đã lăn ra cười, — hôm ấy thì không phải đêm, Vê-rôn-na ngồi nghe, bó gối trên giường, thái độ rất là chăm chú, lo âu, và căng thẳng, còn Phi Long ngồi bên cạnh, thò một chân xuống đất, kể lể (và vừa giải thích, bằng mồm và tay) một cách thật nghiêm túc:
— Ở phía trước chùa Thiếu Lâm có một phiến đá to, khắc chữ... đại khái là "Ra vào xuống xe, xuất trình giấy tờ, cởi vũ khí ra", Lý Tầm Hoan bèn giắt hộ chiếu và phi đao vào bẹn, rồi lẳng lặng tiến vào...
Và cái này đúng là chiến lũy!
Phải tầm vóc như thế mới gọi là chiến lũy, — không như thứ kê ngáng đường ở bên kia.
Mải nghĩ ngợi linh tinh, tôi đã đến đầu đại lộ Ka-li-nhin. Nhưng chiến lũy không ở đây, — một đại lộ lớn, mở vào một ngã tư lớn và lủng củng, còn có cả đường trên đường dưới, đương nhiên là chỗ mở vào này sẽ gồm luôn những khoảng trống hớ hênh, láo nháo, van vát nối vào từ cả hai bên, và nếu dựng chiến lũy lên ngay đây, tất cả chúng tôi sẽ giống như đang công diễn một vở hài kịch cho Thống Soái Ku-tu-dốp ngồi xem, từ phía bên kia cầu; tôi đã hình dung ra ông sẽ dùng cái ống nhòm một ống dài kéo ra kéo vào yêu thích của mình, vừa xem vừa cười, bỏm bẻm cặp môi đầy đặn, đỏ như môi trẻ con, giống kiểu đang nhai giầu, hay là nhai kẹo cao su.
Nhưng đi dấn vào đại lộ thêm một quãng, thì bên tay trái sẽ là tòa nhà cao vút hình cuốn sách mở (sách dày, nhưng bìa mềm, dựng đứng lên, mở trúng giữa, rồi bẻ uốn đều sang hai bên) của Hội đồng Tương trợ Kinh tế, còn bên phải vẫn còn có thể chạm tới (nó kết thúc ở đấy) mặt nhà dọc phố của một tòa nhà cao hơn chục tầng, — dựng chiến lũy ngay quãng này là đẹp nhất.
Và đã có một chiếc tờ-ra-lây-bút màu trắng viền xanh lính thủy đánh bộ, đỗ — hoặc là bị đẩy đến — chắn ngang, đầu xe giúi vào vệ đường bên phải. Nó, mặc dù chắc là loại tờ-ra-lây-bút dài nhất thành phố rồi (có hộp xếp "ắc-coóc-đê-ông" bằng cao su đen nối ở giữa thân), nhưng cũng chỉ chắn được khoảng hơn hai phần ba mặt đường nhựa (đại lộ quả nhiên là đại lộ), cho nên sát cánh với nó từ phía bên kia, còn có thêm một chiếc nữa giống y, nhưng viền xanh da trời và nằm giụi đít vào lề đường bên trái, — hai chiếc nối so le, vậy là kín mít.
Sự che chắn đầy đủ này gây ngay được một cảm giác yên tâm, nhưng vừa yên tâm xong, lại thấy bán tín bán nghi ngay, rằng đấy chỉ là ấn tượng thị giác, — cái chiến lũy "hộp rỗng", lại có cả bánh xe như thế thì làm sao mà chống được xe tăng, nếu như xe tăng thực sự có thể làm được những việc mà tôi vẫn thấy trong các phim về Chiến tranh Vệ quốc?
Và những người lớn chắc xem phim cũng chăm chú, — nếu nhìn kỹ thì thấy các bánh xe hình như đều đã bị xịt hơi, còn ở phía trước (tức là ở phía sau nếu xe tăng theo đại lộ tới đây) hai chiếc tờ-ra-lây-bút, họ đã dựng thêm lên một dãy lổng chổng kéo dài hết mặt đường, cũng là các loại tủ nhỏ, hộp, khung, các loại thanh gỗ, thanh sắt (được cái chủ yếu là thanh sắt)... cắm xiên xẹo lên nhau; vì toàn que là chính nên trống hoang hoác, nhưng được cái to và cao hẳn hơn (cao bằng người) cái chiến lũy "chướng ngại vật" ở đầu đường phía bên kia.
Có năm người, trong đấy ba người hình như — lại — là phóng viên, đứng trên nóc chiếc tờ-ra-lây-bút viền xanh da trời, và chủ yếu họ ngó nghiêng về phía đại lộ, nên tôi cũng muốn xem xem có những gì đang diễn ra ở phía bên đó; nhưng theo chiều đỗ và so le hơi "van vát" của hai chiếc tờ-ra-lây-bút "chiến lũy" thì mọi người có vẻ sẽ đi qua bên kia từ đầu chiến lũy phía bên trái, mà trước mắt tôi thì số người đang đi qua phải lại đông đảo hẳn hơn, nên tôi đứng nhìn họ một tí, rồi đi theo.
Chiến lũy "gậy sắt" bò lên khỏi mặt đường nhựa một đoạn thì gặp phải bờ đá đen vững chãi cao tới mông làm thành một hình chữ nhật ba cạnh dày dặn vây lấy những bậc thang đi xuống lòng đất của lối ngầm qua đường, và ngay ở chỗ gặp ấy có một đôi đã sắp hết tuổi thanh niên đang đứng hôn nhau trông hết sức ngứa mắt; nhưng ngay bờ bên kia lối xuống đất lại có một đống to, xếp dài dọc theo hè phố, toàn là bê tông tấm to và dày, trông mới ngon mắt làm sao, — cảm giác "ngon" này của tôi, và cũng phải là của nhiều người khác, là vì liên quan đến suy nghĩ đang định hướng "chiến lũy" trong mỗi người mà. Tiếc là mặc dù đống này "ngon" và nằm lù lù ngay bên cạnh, nhưng trên chiến lũy vẫn tuyệt chả có một mảnh bê tông nào, — bê tông này mỗi tấm đều nặng lắm, và cá nhân tự phát thì hẳn là đơn giản hơn nhiều so với vài chục người cùng nhau tự phát một cách có tổ chức.
Và chỗ này thực ra là ngã năm chứ không phải ngã tư như tôi đang nghĩ, — ở giữa đầu đại lộ và đầu cầu là đầu một đường phố đi dốc từ phía dưới lên, cho nên lúc bình thường nhìn từ đằng kia lại thì không nghĩ ở đây là đầu phố. Nửa bên trái đầu phố này — cũng — bị một chiếc tờ-ra-lây-bút viền xanh da trời nằm chênh chếch (một cách chểnh mảng hẳn hơn hai chiếc kia) cản đường; đối xứng với nó ở bên phải, tức là về phía cầu, là một cái xe, hoặc cái máy, vàng vàng như cái xe lu nhỏ, nhưng bánh xe là bánh cao su thông thường; cái máy này ngắn, chỉ chắn được một đoạn, nên giữa nó và chiếc tờ-ra-lây-bút lại có một dãy "chiến lũy" láo nháo gậy sắt nữa.
Nên có thể trông thấy bên kia.
Và ở bên đấy có nhiều xe tăng!
Trên con đường nhỏ trước mặt Nhà Trắng cũng đã có mấy chiếc xe tăng giống hệt như vậy, — chắc chúng là cùng bên, và mấy chiếc đấy đã lỏn được vào từ sáng sớm, lúc các chiến lũy còn chưa được dựng lên, — ban nãy tôi đã phải cố tình lờ bọn tăng này đi, vì kế hoạch của tôi là sẽ thị sát các chiến lũy, rồi mới đến tăng.
Đấy là cách làm có hệ thống, tôi thích thế.
Nhưng tôi cũng thích xe tăng lắm.
Nên lại gặp — nhiều — xe tăng ở đây thì tôi lưỡng lự, nửa muốn qua bên kia chiến lũy để xem tăng, nửa muốn tiếp tục nghiên cứu chiến lũy ở đầu cầu theo kế hoạch đã đề ra. Nhưng vừa định bước về phía trước — tức là đi xem tăng, — thì tôi nhận thấy có người đang nhìn tôi.
Thực ra khó phân biệt rõ đấy là nhận thấy, hay là cảm thấy, — chỗ này tương đối đông, và mọi thứ đều láo nháo theo một bản chất bất ổn và bất an, tôi nhìn mọi người, mọi người nhìn tôi, tất cả nhìn lẫn nhau... và trong bối cảnh ấy, nếu bỗng có một thứ gì thật sự yên lặng, thì nó không còn là bối cảnh, và dù muốn dù không, nó sẽ làm người ta chú ý.
Và chú bộ đội này ngồi rất im.
Vẫn phân biệt được bộ đội là "quân nó", nhưng nhất thời tôi chưa hề thấy có chút ác cảm nào. Mặc bộ quân phục màu cỏ úa — Phi Long chắc sẽ gọi là màu nước dưa, nhưng tôi chưa nhìn thấy nước dưa, — đội chiếc mũ lính tăng màu đen các-bon có tai buộc (hình như trong tai buộc này có tai nghe thì phải) nhưng không buộc, chú bộ đội này ngồi bệt trên ụ pháo (ngay cạnh nòng) chiếc đầu tiên trong dãy xe tăng, nên chân chú không co hẳn lên như khi ngồi trên mặt đất, cũng không "thoai thoải" như ngồi ghế; cùi tay phải chú chống lên đầu gối, bàn tay nắm lại, và tì vào phía dưới miệng; cùi tay trái cũng để đối xứng bên gối trái, nhưng cánh tay và bàn tay buông thõng tự nhiên, xiêu xiêu về phía trước, — "bố cục đẹp", theo cách nói của Phi Long.
Gây cảm giác là một bộ phận được gắn vào chiếc xe tăng, ngồi theo hướng nòng pháo, và đầu hơi cúi, chú nhìn về phía tôi — chênh chếch (chỉ bằng mắt) sang trái. Không hiểu sao kiểu nhìn này khiến tôi có cảm giác là chú "nhìn thấy" sự phân vân muốn thay đổi kế hoạch của tôi, nên chân tôi đã tự động hướng về phía đầu cầu.
Ở đầu cầu có hai chiếc tờ-ra-lây-bút và hai chiếc xe buýt màu vàng bí ngô — nhưng một dài một ngắn (không có cao su nối "ắc-coóc-đê-ông") — được bố trí không hiểu sao lại theo một cung cách lộn xộn như thế, nhưng đại khái vẫn chắn kín được mặt cầu. Không thấy chiến lũy "que sắt", — chuyện này làm tôi hơi tiếc vì đã không tìm hiểu ngay, và trong lúc hướng về phía Nhà Trắng để bắt đầu nghiên cứu xe tăng một cách có hệ thống từ đấy, tôi dự định sẽ tham khảo ngay ý kiến của các chú bộ đội tăng ở chỗ ấy về khả năng chống tăng của hệ thống chiến lũy theo kiểu hiện có, chuyện đang làm tôi lo lắng nhất.
Tại vì bên cạnh niềm tò mò "khí giới", thì thoạt nhìn thấy xe tăng, tôi đã phải hết sức cố gắng để gạt ngay ra khỏi ý nghĩ hình ảnh một người mặc sơ-mi trắng, xơ-vin, đứng đơn độc chắn đầu một đoàn xe tăng, — Thiên An Môn năm 1989, mấy ngàn sinh viên Trung Quốc đã bị chết ở đấy.
Châu chấu, ngay có là sơ-mi trắng xơ-vin, thì cũng đá thế quái được xe?!
Tóm lại, xem nốt xe tăng, hỏi nốt các chú bộ đội về chiến lũy chống tăng, rồi thì "Thứ Hai là ngày đầu tuần, bé hứa cố gắng chăm ngoan...", "Tam thập lục kế: Tẩu vi..." — về thôi!
Đúng theo mong muốn của tôi, trên chiếc xe tăng đỗ hơi chếch một chút sang phải lối vào chính diện Nhà Trắng đang có hai chú bộ đội đội mũ lính tăng đứng thò nửa người ra khỏi hai lỗ ụ pháo (trước giờ tôi vẫn tưởng trên ụ pháo chỉ có một lỗ để chui ra chui vào), — sau lưng chú bên phải (xe tăng đỗ dọc con đường nhỏ trước mặt, nòng pháo hướng thẳng về phía bên phải Nhà Trắng) có một nòng súng máy tương đối to, chắc là đại liên, hướng chênh chếch về phía tôi, chắc loại xe đời mới bây giờ có một chú chuyên thò lên để bắn súng máy, còn chú kia sẽ quan sát hoặc làm gì đó khác, cái này hình như không giống tăng T-34 trong phim, mà sao súng máy lại bắn về phía sau?..
Nhưng còn chưa tới nơi, thì tôi thấy có bốn người bỗng — gần như — nhất loạt leo lên xe tăng. Cả bốn người đều láng coóng com-lê, cà-vạt, sơ-mi trắng, nhưng mỗi người lại một màu com-lê riêng. Người đứng ngoài cùng bên phải — từ hướng tôi nhìn, — com-lê xám đậm, xách một chiếc cặp số loại phổ biến, sơn đen nẹp nhôm trắng, kích thước trung bình; người tiếp theo, com-lê trắng sữa, đứng vịn tay trái vào cái nắp ụ pháo mở dựng lên trước mặt chú bộ đội "súng máy"; người thứ ba, com-lê màu tro tím, cúi xuống bắt tay chú này; người thứ tư, com-lê màu ghi sáng, đứng sừng sững ngay sau lưng chú bộ đội "quan sát".
Nhất thời chưa thể hình dung chuyện gì thực sự đang xảy ra, còn đang hồ đồ, thì tôi thấy bốn bề có nhiều người đang chạy vượt lên, nhiều trong số họ đều cầm vật gì đó nho nhỏ trên tay.

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Thủy Tinh gửi Sơn Tinh (giải nhất UPU 2013)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đội trời chung của ta!

Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này vì xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay, ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng.
Chả là, ta thấy xưa nay con người bao giờ cũng yêu mến, quý trọng mi hơn ta. Ngay cả vua Hùng anh minh là thế cũng muốn chọn mi làm rể nên đã ra yêu cầu sính lễ toàn là những thứ chỉ có ở giang sơn của mi. Chuyện ấy làm ta cay cú vì thực ra, trong cuộc thi tài ngày ấy mi với ta có ai thắng ai đâu. Mi có tài xây thành chuyển núi thì ta có tài hô mưa gọi gió. Sức mạnh chúng ta đều đọ ngang trời đất. Hàng năm, ta dâng nước trả hờn mi cũng chỉ vì "ngứa ghẻ đòn ghen" mà thôi, ta đâu ngờ nó lại khiến cho loài người khốn đốn. Song, bây giờ ngồi ngẫm lại, ta thấy con người bị liên lụy cũng không oan vì họ chỉ tung hô mi, chỉ thấy mi là quý mà không biết rằng Thủy Tinh ta cũng đáng quý biết bao!
Ta hận loài người vì họ được tiếng là thông minh mà sao lại không nhận ra được giá trị to lớn của ta? Chính ta đã làm nên mọi sự sống cho hành tinh này, điều hòa nhiệt độ làm cho khí hậu mát lành. Nếu không có ta, muôn vật cùng cỏ cây sẽ chết khô chết héo và con người không sống quá năm ngày. Tất nhiên, khi ấy mi cũng trở thành nghĩa địa.
Đối với loài người, ta là sự sống của họ vì ta chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể và tham gia vào quá trình trao đổi chất giúp con người sống và tồn tại. Ta còn giúp cho họ cái ăn, cái mặc, làm chạy tuốc-bin nhà máy, tham gia vào rất nhiều ngành nghề sản xuất, tạo ra nguồn của cải vật chất dồi dào. Trong đời sống, ta luôn đồng hành thân thiết với con người mọi lúc mọi nơi: khi ăn uống, lúc rửa ráy, tắm táp, vệ sinh... Không có ta họ không chỉ chết khát mà còn chết đói nữa, thậm chí có muốn khóc họ cũng chẳng khóc được vì không có nước mắt.
Chưa hết, ta còn góp phần tạo nên những vẻ đẹp thiên nhiên, huyền diệu, nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa. Hình ảnh vua Thủy Tề, nàng Tiên Cá, Lạc Long Quân... đã từ lâu đi vào huyền thoại mà người đời chẳng thể nào quên. Nhờ thế, đời sống tinh thần của con người thêm phần phong phú và vui vẻ.
Nói một cách công bằng thì cả hai chúng ta đều có công lao to lớn đối với con người. Chúng ta là Cha là Mẹ sản sinh ra họ, hết lòng nuôi dưỡng họ, nhưng sao họ lại chỉ nhớ ơn và quý trọng mi thôi, còn đối với ta họ hết sức coi thường. Ngày trước, tuy họ không về phe ta nhưng đối xử với ta cũng còn chút thân thiện, còn ngày nay thì lãng phí ta như thể là một thứ xoàng xĩnh, nhiều vô kể. Lắm kẻ còn ngang nhiên xả rác rưởi, nước thải bẩn làm cho ta bẩn thỉu, hôi hám, nhiễm bệnh mà chết dần chết mòn. Thậm chí, họ còn giở âm mưu thâm độc, chặt hết cây rừng để ta không còn nơi trú ngụ, khiến những ao hồ, sông suối cạn khô.
Ta thấy ngày nay con người thật dại dột. Chẳng lẽ họ không biết tới quy luật "Trạng chết thì Chúa cũng băng hà", hủy hoại ta thì một tương lai đen tối cũng đang chờ đón họ: tới năm 2035, gần nửa dân số trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thủy Tinh sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật...
Ta nói thật nhé, thiên tai bão lụt ngày nay đâu phải do ta muốn trả thù mi mà là do loài người gieo gió nên phải gặt bão, chứ ngày nay ta cũng đã già rồi, hơi sức đâu mà ghen tuông nữa.
Trong lúc ta không biết làm sao để mọi người hiểu ra vấn đề thì bỗng nhiên nghe tiếng trẻ em vừa tắm biển vừa xôn xao bàn tán về đề tài cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 "Tại sao nước lại quý?". Ha ha ha! Ta rất vui vì có ngày con người tỉnh ngộ, biết quan tâm đến ta. Nhưng vẫn còn rất nhiều người quay lưng ngoảnh mặt với ta nên ta quyết định viết thư này, gởi qua đường UPU để mọi người hiểu rõ giá trị của ta và không oán thù ta nữa.
Ta muốn họ hiểu rằng những hành động hủy hoại nguồn nước cũng chính là hủy hoại đi nguồn sống của chính họ và Mẹ Trái đất. Vậy, các Chính phủ phải sớm đề ra kế hoạch thường xuyên chăm sóc và bảo vệ nguồn nước ngọt, trồng thêm nhiều cây rừng để ta có chỗ trú thân, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức cho người dân biết cách bảo vệ ta bằng những hành động giản đơn như khóa ngay công tắc vòi nước sau khi dùng, sử dụng ta thật tiết kiệm, tránh lãng phí...
Ta nghĩ, chỉ cần loài người yêu quý ta như đã từng yêu quý mi và cùng chung tay quyết liệt hành động ngay từ bây giờ thì cuộc sống của họ sẽ bình yên và ta cũng chẳng còn lý do gì mà gây ra lũ lụt nữa.

Chào mi!
Thủy Tinh

(Đào Thụy Thùy Dương, lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, — giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU, chủ đề "Hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý")

Blogs theo chủ đề: Bài kiểm tra Lịch sử độc nhất vô nhị của teen lớp 11 - Tin tức 24h

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

BLOG THEO CHỦ ĐỀ "Bài kiểm tra Lịch sử độc nhất vô nhị của teen lớp 11 - Tin tức 24h"
(Thứ Bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2013, 10h10'26" sáng)

Bài kiểm tra Lịch sử độc nhất vô nhị của teen lớp 11 - Tin tức 24h
6 days ago by admin
Em xin lỗi cô”, đó là cách một học sinh trả lời trong bài kiểm tra môn Lịch sử vừa được chia sẻ trên mạng. Vừa qua trên trang mạng xã hội xuất hiện một bài kiểm tra Lịch sử “lạ”. Đề bài gồm 2 câu: Kết cục của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai...

Định kiến môn Sử | KÊNH22.NET
2 hours ago by Huyền Trang
08:02. Huyền Trang - Định kiến môn Sử. KENH22.NET -Sáng 10/5, một lần nữa, các nhà nghiên cứu lịch sử, những người làm giáo dục lại ngồi bàn về "số phận" của môn lịch sử trong trường phổ thông và đề xuất bỏ những định kiến lệch lạc.

HSG quốc gia: Em bị cô chê vì học thuộc làu làu - Hay365
5 days ago by manhlq@gmail.com
Trong buổi lễ tuyên dương những học sinh giỏi môn Lịch sử được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm 4/6, 5 gương mặt tiêu biểu nhất đại diện cho các trường THPT trên toàn quốc được vinh danh, trong đó 2 học sinh khiến nhiều...

Cần một cuộc “cách mạng” cho SGK Lịch sử | Giáo Dục
8 hours ago by admin
Phần lớn các thảo luận sáng nay đều tập trung giải mã các vấn đề như quan niệm về SGK; Phân bổ môn Lịch sử theo các cấp học của hệ thống giáo dục phổ thông; Cấu trúc SGK Lịch sử; Bố cục và trình bày SGK; Tổ chức biên soạn SGK.

Hàng trăm chuyên gia, nhà giáo họp bàn về SGK Lịch sử | Tin tức...
2 hours ago by admin
Trước thực trạng vị thế của môn Lịch sử hiện nay đang bị xã hội xem nhẹ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đứng đầu là GS. NGND... Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước xã hội về sự sa sút của môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay.