LẬP TRÌNH VIÊN (10)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

...


Anh giơ tay chào hỏi đồng bọn, bảo "máy bay mô hình" xong, ngồi xuống hơi chênh chếch đối diện phía bên trái cô, vừa mới ngồi xuống, lại loay hoay chuyển sang phía bên phải, để cái máy bay lên bàn, chống tay giống như cô, nhưng bò ra mặt bàn, ngắm nghía cô.


— Máy bay đẹp không?


— Như cái ca-nô.


— Thủy phi cơ.


Cô nhìn anh, anh nhìn cô. Cô cố đọc những biểu hiện trong mắt "Không, Không, Không" của anh. Cô hơi tò mò không hiểu anh đang đọc thấy gì trong mắt cô. Một lúc, hoặc là đọc đã xong, hoặc là đã chán đọc, hoặc là cố tình không đọc nữa, anh ngồi thẳng người lại, nhìn xuống mặt bàn...






— Thế vẫn chưa đủ, — giọng Phi Long đã hoàn toàn nghiêm túc, tay vẫn lật lật cái cánh nhỏ — căn bản, cái này vẫn cần phải dựa vào cái cánh to. Cần thêm một lớp dữ liệu đệm có cấu trúc chi tiết khác để làm bản lề, nó phải tự chế lại được một phần dữ liệu từ cái đống to kia theo kiểu nào đấy, để cho thằng lưới này có thể sử dụng lại thật nhanh.


— ...


— Cái lớp này ít nhiều tao đã có hình dung. Bây giờ A-nhi-a hệ thống lại những nội dung đã làm của mọi người để về sau viết quyển. Tất cả sắp tới tập trung học thi. Tao làm việc chi tiết với Xéc-giô thêm một ít nữa, hình dung hết cái đống tĩnh mình đang có. Thi xong tao tập trung giải quyết nốt. Lúc nào xong thì mình thử lại.


— Mai chiến luôn, Phi Long. — Xéc-giô hứng khởi.


— Khồng, Phi Long này ngày mai còn bận chơi Pink Floyd ở nhà văn hóa. Ở đấy sẽ có rất nhiều các nữ sinh ngoại quốc xinh tươi cởi mở thôi rồi...


Phi Long nhún vai, xòe hai tay, vừa định nhổm dậy thì đã thấy A-li-ô-sa nghển người lên...


— À... người quen của nghệ sĩ thì có vé mời. — Phi Long cười...






— Em cứ như vũ công ấy. — A-li-ô-sa bảo Vê-rôn-na. Hôm nay cô mặc một bộ váy áo bằng vải mềm bay bay màu địa lan hơi bàng bạc. Cổ không hẹp không rộng sâu vừa vừa, vải áo không tay phủ nhè nhẹ xuống quá vai. Váy dài quá gối một chút xẻ hai bên, cũng cao.


Cô chỉ cười cười, không nói gì. Anh A-li-ô-sa hôm nay tóc đỡ bù xù hơn, diện cái sơ mi màu trắng ngà có cổ bẻ rộng, mở phanh thoải mái, quần âu cắt may vừa vặn màu sô-cô-la sữa hơi sáng, xơ vin, giày da mềm, nâu nhạt. Diện thế này thì đẹp trai hơn Einstein. Bây giờ những đèn chùm đã tắt, chỉ còn ánh sáng loang loáng chiếu từ những đâu đó. Có một số chùm sáng quét tập trung vào quả cầu gương đã được bật mô tơ đang quay tròn chầm chậm ở trên cao, làm nó vãi ra xung quanh những hột sáng lốm đốm chạy lung tung khắp nơi. Vào những dịp như thế này, sinh viên ngoại quốc lại hay thích những giai điệu cũ ở đây. Đang là một bản Van-xơ, theo như lời trong bài hát, thì là "xưa cũ".


Có một cặp cũng đang nhảy Van-xơ xưa cũ, bước nào ra bước ấy, nhưng trông vẫn không được Van-xơ lắm, xưa cũ thì lại càng không. Chàng trai thì đầu tóc gôm dựng ngược lên, quần bò xanh chì, áo vải bông màu trắng đục kẻ ca rô to vệt xám xám vệt xanh nước biển, đuôi tôm, bỏ thoải mái ngoài quần, cổ áo mềm, ngực phanh ra, vạm vỡ. Cô gái vóc dáng khỏe mạnh thì mặc mỗi cái may ô đen lỏng lẻo dài đủ che hết ngực, bằng chất liệu gì đó bóng bóng với nhiều những sợi vải cũng màu đen tua rua xuống đến gần rốn, quần bò bạc phếch, bó, dài đến quá nửa bắp chân, thắt lưng đen to bản với hàng đinh khuy kim loại cũng to, ống quần bò đầy những vệt xé ngang, đùi bên phải chỗ gần bẹn còn xé hẳn một miếng chữ nhật to, mái tóc vàng nâu, sẫm, xõa gần đến ngang lưng, khít theo vòng cổ là một sợi dây đen mỏng rộng cỡ ngón tay có gắn một bông hoa to năm cánh trắng đính chi chít nhiều hạt nhỏ lóng lánh ngay chỗ hõm dưới yết hầu. Xéc-giô đang mê say phăng, tê cô bạn mới quen.


“Bạn anh sẽ chuẩn bị đánh "Chiếu sáng em kim cương điên khùng" bây giờ.” Kốt-xchi-a — hôm nay chơi nguyên một cây đen xì bó sát người từ cổ đến chân, sơ mi dài tay cài kín cổ, kín măng-sết, nhét vào trong quần nhung tăm — trịnh trọng bảo cô gái da ngăm ngăm tóc vàng sậm xõa hết sang một bên vai theo chiều vũ điệu, dài quá ngực; mặc một cái áo hai dây ngắn màu đen, bó sát, quần tụt màu lông chuột có cái dây nhỏ đen đen ở thắt lưng, hở rốn.


Lúc Phi Long xách cây đàn Phen-đơ của Đim-ma ra sân khấu thì quả cầu gương ở trên cao đã ngừng quay. Nhìn lên trên sân khấu tối, A-nhi-a hơi ngạc nhiên. — "Tiểu thư" từ đầu vẫn ngồi ở mé bên trái hàng ghế áp chót lô ghế bên trái, chỉ hút nước phan-ta và xem sân khấu thôi chứ không tham gia nhảy nhót. Ai đấy đưa cho Phi Long cái giắc cắm, anh vừa cắm nó vào đàn mình thì mấy anh chàng đánh đàn đang ở trên sân khấu lúc đấy lại lục tục xếp đàn, kéo nhau xuống hết. Ở trường có nhiều người đã biết ngón đàn và những trò náo nhiệt của Phi Long, giờ có vẻ cũng thấy là lạ, nên kéo nhau đến đứng ở phía sau mấy dãy ghế ngồi, ngóng lên sân khấu.


Có một quầng sáng trắng nhợt nhợt hắt xuống chỗ mi-cờ-rô chiếu sáng quá nửa người Phi Long. Anh mặc một cái áo phông sẫm màu cổ khoét rộng có in những hình loằng ngoằng gì đấy ở ngực, bên ngoài khoác một cái sơ mi lụa in nhiều hình hoa nhỏ nhỏ chi chít, màu cá hồi, màu nâu, màu san hô đỏ, đuôi tôm, lõng thõng, không cài cúc. Quần bò màu đen, cứng, thô. Đàn ghi-ta đeo trễ xuống tận bụng dưới, nghếch cần lên khoảng ba mươi độ. Tay phải gần như buông thẳng trước mặt đàn, cổ tay đeo một cái trông như cái vòng lục lạc với những hột tròn, to, nâu nâu. Anh nói vào mi-cờ-rô:


— Hôm nay Sắc-xô-phôn bị đau răng, chúng tôi không chơi "Tỏa sáng lên em..." được, tôi sẽ chơi bài khác, tên bài lặp lại ở điệp khúc.


Tiếng dây đàn kim loại xước xước, khều khều, mấy dây bên dưới, khe khẽ, chuyển giữa những hợp âm ngang ngang...


"Anh đã nghe thấy hợp âm bí hiểm,

Mà Đa-vít đã chơi, và làm vui lòng Đức Vua.

Nhưng em không quan tâm đến âm nhạc lắm, phải không?.."


Không la hét thì sôi động. Mà không sôi động thì cũng nhiệt tình vui vẻ. Trước giờ luôn thế. Hôm nay Phi Long ngoài chuyện đứng mỗi mình trên sân khấu, thì từ giới thiệu, cho đến đàn, hát, cứ y như đang lọ mọ làm cái gì đấy một mình. Rất một mình. Mắt thì nhắm, hát thì đúng như đang lẩm bẩm tự nói cái gì đấy với mình. Đàn cũng nhỏ nhẹ, lẩm nhẩm, lẩm nhẩm theo. Được cái bài hát hay, giọng hát dễ nghe, đàn chơi “chất”, và lạ lạ, người chơi vẫn được các bạn thích, nên vẫn thu hút được người nghe. Trước cô có hỏi anh là sao nói tiếng Anh thì tệ thế, mà hát lại được, anh bảo chỗ nào cần thì cố học tử tế, tự hát, thu vào băng, bật nghe lại, rồi sửa những chỗ "phô" ngoại ngữ. Cô bảo sao phải thế, anh bảo thu vào rồi nghe nó hoàn toàn không giống như tự nghe từ "bên trong". Cô bảo "giọng em thế nào", anh bảo "thứ hay nhất mà anh từng nghe". Cô bảo "khéo nịnh", anh vội "thì một trong những thứ hay nhất mà anh từng nghe". Cô có biết bài hát này, nhưng chưa bao giờ thấy anh hát. Bài hát kể chuyện Đa-vít — người đã đánh thắng Gô-li-át — chơi đàn hạc cho vua Xa-un nghe, chuyện Đa-vít nhìn thấy nàng Bát-sê-ba tắm, rồi chuyện Sam-sơn bị cắt mất mớ tóc...


Tự nhiên, cô thấy anh hát sang một lời khác của bài hát, lời hát này thì cô không biết.


"Em yêu, anh đã từng ở đây trước đây.

Anh đã thấy căn phòng này, đã đi trên khuôn sàn này.

Anh đã quen sống một mình trước khi anh biết em..."


Lời hát "một mình". Giọng hát một mình. Tiếng đàn một mình. Người hát một mình. Một mình.


"Tình yêu không phải khúc khải hoàn,

Nó lạnh lẽo và vụn vỡ.

Chúa kính yêu ơi."


...






Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (10)" đầy đủ:

http://www.mediafire.com/?6mws9ckjif1vvbc

http://www.megaupload.com/?d=WCEBRN5P


Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN" (với những người chưa biết):

http://philong58.blogspot.com/2010/08/lap-trinh-vien-2.html

Đọc "Luận Ngữ" (2)

28 ý kiến, và ý kiến từ facebook

論語

Luận Ngữ






为政第二

Vi chánh đệ nhị

THỨ HAI — VI CHÁNH






『⒉1』子曰:“为政以德,譬如北辰居其所而众星共之。”

Tử viết:“Vi chánh dĩ đức, thí như bắc thần cư kì sở nhi chúng tinh cung chi.”


Khổng Tử nói: "Làm chính trị lấy điều tốt làm trọng, ví như sao Bắc Đẩu ở một chỗ mà muôn sao cung kính."






『⒉2』子曰:“诗三百,一言以蔽之,曰:‘思无邪’。”

Tử viết:“Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: ‘Tư vô tà’.”


Khổng Tử nói: "Kinh Thi ba trăm bài, một lời có thể khái quát hết được, là: 'Suy nghĩ không lệch lạc'."






『⒉3』子曰:“道之以政,齐之以刑,民免而无耻;道之以德,齐之以礼,有耻且格。”

Tử viết:“Đạo chi dĩ chánh, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách.”


Khổng Tử nói: "Cai trị dùng chính trị, chỉnh đốn dùng hình phạt, dân thoát tội mà không biết hổ thẹn; cai trị dùng điều tốt, chỉnh đốn dùng phép tắc, biết hổ thẹn lại vào khuôn phép."






『⒉4』子曰:“吾十有五而志于学,三十而立,四十而不惑,五十而知天命,六十而耳顺,七十而从心所欲,不逾矩。”

Tử viết:“Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ.”


Khổng Tử nói: "Ta được mười lăm tuổi thì chú tâm vào việc học, ba mươi thì đúng đắn, bốn mươi thì không còn nghi hoặc, năm mươi thì biết được quy luật trời vận hành sự vật, sáu mươi thì tai nghe thông suốt, bảy mươi thì theo lòng mình muốn, mà chẳng vượt khỏi khuôn phép."






『⒉5』孟懿子问孝。子曰:“无违。”

樊迟御,子告之曰:“孟孙问孝於我,我对曰,无违”

樊迟曰:“何谓也?”

子曰:“生,事之以礼;死,葬之以礼,祭之以礼。”

Mạnh Ý Tử vấn hiếu. Tử viết: “Vô vi.”

Phàn Trì ngự, Tử cáo chi viết: “Mạnh Tôn vấn hiếu ư ngã, ngã đối viết, vô vi”

Phàn Trì nói: “Hà vị dã?"

Tử viết: “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ.”


Mạnh Ý Tử hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử nói: "Không làm trái."

Phàn Trì đánh xe, Khổng Tử bảo rằng: "Mạnh Tôn hỏi ta về đạo hiếu, ta trả lời, không làm trái"

Phàn Trì nói: "Là thế nào vậy?"

Khổng Tử nói: "Sống, phụng dưỡng theo phép tắc; chết, chôn cất theo phép tắc, thờ cúng theo phép tắc."






『⒉6』孟武伯问孝。子曰:“父母唯其疾之忧。”

Mạnh Vũ Bá vấn hiếu. Tử viết: “Phụ mẫu duy kì tật chi ưu.”


Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử nói: "Cha mẹ chỉ mỗi chuyện ốm đau là phải lo."






『⒉7』子游问孝。子曰:“今之孝者,是谓能养。至於犬马,皆能有养;不敬,何以别乎。”

Tử Du vấn hiếu. Tử viết: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng; bất kính, hà dĩ biệt hồ.”


Tử Du hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử nói: "Hiếu thảo bây giờ, tức là nuôi được cha mẹ. Đến như chó ngựa, đều nuôi được cả; bất kính, thì lấy gì để phân biệt ru."






『⒉8』子夏问孝。子曰:“色难。有事,弟子服其劳;有酒食,先生馔,曾是以为孝乎?”

Tử Hạ vấn hiếu. Tử viết: “Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kì lao; hữu tửu thực, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?”


Tử Hạ hỏi về đạo hiếu. Khổng Tử nói: "Sắc mặt là khó. Có việc, con em làm việc vất vả; có rượu và đồ ăn, người trên xơi, bèn lấy thế làm hiếu à?"






『⒉9』子曰:“吾与回言终日,不违,如愚。退而省其私,亦足以发,回也不愚。”

Tử viết: “Ngô dữ Hồi ngôn chung nhật, bất vi, như ngu. Thoái nhi tỉnh kì tư, diệc túc dĩ phát, Hồi dã bất ngu.”


Khổng Tử nói: "Ta cùng trò Hồi nói chuyện cả ngày, không phản biện, như người ngu. Nhún nhường mà tự xem xét riêng, cũng đủ để tấn tới, trò Hồi đâu có ngu."






『⒉10』子曰:“视其所以,观其所由,察其所安。人焉廋哉?人焉廋哉?”

Tử viết: “Thị kì sở dĩ, quan kì sở do, sát kì sở an. Nhân yên sưu tai? Nhân yên sưu tai?”


Khổng Tử nói: "Nhìn kỹ việc làm của người, xem xét nguyên do của người, giám sát sự yên lòng của người. Người làm sao dấu diếm được đây? Người làm sao dấu diếm được đây?






『⒉11』子曰:“温故而知新,可以为师矣。”

Tử viết: “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ.”


Khổng Tử nói: "Ôn lại cái cũ mà biết cái mới, có thể làm thày vậy."






『⒉12』子曰:“君子不器。”

Tử viết: “Quân tử bất khí.”


Khổng Tử nói: "Người quân tử chẳng phải đồ dùng."






『⒉13』子贡问君子。子曰:“先行其言而后从之。”

Tử Cống vấn quân tử. Tử viết: “Tiên hành kì ngôn nhi hậu tòng chi.”


Tử Cống hỏi về quân tử. Khổng Tử nói: "Trước làm điều mình nói rồi sau hẵng nói."






『⒉14』子曰:“君子周而不比,小人比而不周。”

Tử viết: “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu.”


Khổng Tử nói: "Người quân tử rộng lượng mà không bè phái, kẻ tiểu nhân bè phái mà không rộng lượng."






『⒉15』子曰:“学而不思则罔,思而不学则殆。”

Tử viết: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.”


Khổng Tử nói: "Học mà không suy nghĩ thì lúng túng, suy nghĩ mà không học thì nguy hiểm."






『⒉16』子曰:“攻乎异端,斯害也己。”

Tử viết: “Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ.”


Khổng Tử viết: "Làm điều quái lạ, thì có hại thôi."






『⒉17』子曰:“由!诲女知之乎!知之为知之,不知为不知,是知也。”

Tử viết: “Do! Hối nhữ tri chi hồ! Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã.”


Khổng Tử viết: "Do! Phải dạy anh về sự biết ru! Biết thì làm là biết, không biết thì làm là không biết, thế là biết vậy."






『⒉18』子张学干禄。子曰:“多闻阙疑,慎言其余,则寡尤。多见阙殆,慎行其余,则寡悔。言寡尤,行寡悔,禄在其中矣。”

Tử Trương học can lộc. Tử viết: “Đa văn khuyết nghi, thận ngôn kì dư, tắc quả vưu. Đa kiến khuyết đãi, thận hành kì dư, tắc quả hối. Ngôn quả vưu, hành quả hối, lộc tại kì trung hĩ.”


Tử Trương học cầu bổng lộc. Khổng Tử nói: "Nghe nhiều, nghi ngờ thì bỏ trống, nói những thứ còn lại cẩn thận, thì ít bị lỗi. Thấy nhiều, sợ thì bỏ trống, làm những thứ còn lại cẩn thận, thì ít phải hối hận. Nói ít bị lỗi, làm ít phải hối hận, bổng lộc ở trong đó vậy."






『⒉19』哀公闻曰:“何为则民服?”

孔子对曰:“举直错诸枉,则民服;举枉错诸直,则民不服。”

Ai Công vấn viết: “Hà vi tắc dân phục?"

Khổng Tử đối viết: "Cử trực thố chư uổng, tắc dân phục; cử uổng thố chư trực, tắc dân bất phục.”


Ai Công hỏi rằng: "Làm sao để dân phục tùng?"

Khổng Tử trả lời rằng: "Tiến cử người ngay thẳng bỏ những người lươn lẹo, thì dân phục tùng; tiến cử người lươn lẹo bỏ những người ngay thẳng, thì dân không phục tùng."






『⒉20』季康子问:“使民敬、忠以勤,如之何?”

子曰:“临之以庄,则敬;孝慈,则忠;举善而教不能,则勤。”

Quý Khang Tử vấn: “Sử dân kính, trung dĩ cần, như chi hà?"

Tử viết: "Lâm chi dĩ trang, tắc kính; hiếu từ, tắc trung; cử thiện nhi giáo bất năng, tắc cần.”


Quý Khang Tử hỏi: "Khiến cho dân kính trọng, hết lòng làm bổn phận lấy sự chăm chỉ làm trọng, làm như thế nào?"

Khổng Tử nói: "Trên mà trang nghiêm, thì dân kính trọng; hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương con cái, thì dân hết lòng làm bổn phận; tiến cử người giỏi mà dạy dỗ người bất tài, thì dân chăm chỉ."






『⒉21』或谓孔子曰:“子奚不为政?”

子曰:“书云:‘孝乎惟孝,友于兄弟,施於有政。’是亦为政,奚其为为政?”

Hoặc vị Khổng Tử viết: “Tử hề bất vi chánh?"

Tử viết: "Thư vân: ‘Hiếu hồ duy hiếu, hữu ư huynh đệ, thi ư hữu chánh.’ Thị diệc vi chánh, hề kì vi vi chánh?"


Có người bảo Khổng Tử rằng: "Khổng Tử sao không ra làm chính trị?"

Khổng Tử nói: "Kinh Thư nói rằng: 'Hiếu thảo ư chỉ có hiếu thảo, hòa thuận với anh em, làm việc một cách có nền nếp' Thế cũng là làm chính trị, sao cứ phải ra làm chính trị thì mới là làm chính trị?"






『⒉22』子曰:“人而无信,不知其可也。大车无輗,小车无軏,其何以行之哉?”

Tử viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kì hà dĩ hành chi tai?"


Khổng Tử nói: "Người mà không đáng tin cậy, không biết khá vậy. Xe lớn không có ách lớn, xe nhỏ không có ách nhỏ, làm sao dùng để đi đây?"






『⒉23』子张问:“十世可知也?”

子曰:“殷因於夏礼,所损益,可知也;周因於殷礼,所损益,可知也。其或继周者,虽百世,可知也。”

Tử Trương vấn: "Thập thế khả tri dã?"

Tử viết: "Ân nhân ư Hạ lễ, sở tổn ích, khả tri dã; Chu nhân ư Ân lễ, sở tổn ích, khả tri dã. Kì hoặc kế Chu giả, tuy bách thế, khả tri dã."


Tử Trương hỏi: "Sau mười triều đại có thể biết được không?"

Khổng Tử nói: "Nhà Ân dựa theo phép tắc của nhà Hạ, nếu bớt thêm, có thể biết được vậy; nhà Chu dựa theo phép tắc của nhà Ân, nếu bớt thêm, có thể biết được vậy. Ai đó tiếp theo nhà Chu, dù trăm triều đại, có thể biết được vậy."






『⒉24』子曰:“非其鬼而祭之,谄也。见义不为,无勇也。”

Tử viết: “Phi kì quỷ nhi tế chi, siểm dã. Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã.”


Khổng Tử nói: "Chẳng phải ma quỷ mà cúng tế, là nịnh bợ vậy. Thấy việc giúp người mà không làm, thì không phải là người mạnh vậy."

Hạnh phúc?

5 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tôi còn hạnh phúc được không?


Yêu là một thứ phức tạp vô cùng. Dù lời yêu không khó đánh vần. Nhưng mọi người luôn làm nó phức tạp đến vậy. Hay chỉ là tôi có vấn đề như vậy trong quan hệ? Hay anh đã không phải người ấy và chúng ta đã gặp nhau không đúng lúc?



Tiền là vấn đề hàng ngày. Không có tiền, hôn nhân có thể kéo dài không? Không có tiền, lấy nhau sao được? Lập gia đình xong cần phải xây dựng nó. Không có tiền mua tã, mua sữa? Rồi cái gì tiếp theo? Cãi nhau và đánh nhau. Rồi sao nữa? Ly dị???


Hay tôi "vật chất" quá? Nhưng, tôi thà đối mặt trực tiếp ngay lúc này còn hơn để tới lúc sự đã rồi. Tới lúc đó sẽ thương tổn nhiều hơn.


Các cặp đang yêu nhau ơi, đừng để bạn trai luôn luôn trả tiền. Đừng coi anh ấy như chiếc máy ATM. Không có gì sai khi các quý cô trả tiền vé hoặc tiền ăn. Trừ phi anh ấy hoặc "bố cháu" giàu như Bill Gate.


Còn một cô gái đang đau khổ? Phải sống tiếp thôi. Đấy là cuộc sống và các giai đoạn của nó. Chúng ta có thể làm gì được? Số phận chơi trò chơi của nó? Vì thần ái tình muốn bạn gặp không phải "người đó" trong cuộc đời? Đã mấy tuổi rồi? Có ai không từng đau khổ không?




Thời gian chữa lành mọi vết thương. Mọi chuyện đều sẽ thay đổi. Bánh xe may mắn vẫn quay. Những chu kỳ của cuộc sống và của trái tim sẽ nối tiếp nhau.


Thành thật thì tôi đang bị một nỗi ám ảnh vu vơ. Hay tôi ngốc?


Nếu người ấy là của bạn, hãy để người ấy đi. Nếu người ấy quay lại. Người ấy là của bạn.

LẬP TRÌNH VIÊN (9)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






IV






— Sắp sang xuân rồi, tuyết sẽ tan, nhưng trời vẫn lạnh. Em cứ dùng tiếp cái này.


Hai người ngồi cạnh chiếc bàn to ở dưới hầm máy, A-nhi-a đang cầm tay Mai Phương, đặt vào đấy một cái hộp tròn bèn bẹt màu xanh công nhân, trên nắp có chữ trăng trắng. Cô và Mai Phương cùng với Xéc-giô vừa làm việc suốt buổi chiều, "người mẫu" đã có vẻ thấm mệt.


"Cái lưới" của Phi Long không dùng được, bây giờ mọi người quyết định phải nỗ lực gia tăng phần dữ liệu tĩnh. Mỗi lần Phi Long xuống hầm máy, nhìn thấy phai dữ liệu to lên, là lại đi đi lại lại, vò đầu bứt tai, nhấp nha nhấp nhổm.


"Hơn hai mươi người, làm hơn hai mươi cái mô hình tĩnh." Anh chàng lẩm bẩm nhắc lại "chiến tích" làm láp ngày xưa. "Xéc-giô, sao lần này mình làm đếch được?"


Xéc-giô lúc đấy đang ngồi gõ lọc cọc, cười cười không nói gì; A-li-ô-sa xen vào: "Đại kiện tướng học gạo, cái gì... à sống đúng tuổi của mình đê! Sao càng ngày lại càng lười thế?!"


Phi Long ngồi nhoài khuỷu tay trái ra mặt bàn, tì cằm lên, gãi đầu như khỉ, ngước mắt mệt mỏi: "Là tao ngu, nên làm khổ bọn mày."


— Dạo này Phi Long đi đâu hả chị? — Mai Phương chợt hỏi.


— Chị tưởng... — Cô hơi ngơ ngác.


— Phi Long đã dạy em hết một số nội dung chính ở lớp cuối phổ thông, bảo là đang chuẩn bị cho em một "chuyên ngành" riêng. Mà dạo này mất hút. À... thời gian này "em đang học tiếng của chị". — Cô gái chợt nói rõ ràng như đánh vần, không dùng tiếng Anh.


— Phi Long giờ chỉ đêm mới mò xuống đây. Ban ngày y rúc trong thư viện ở đây, hoặc bên trường tổng hợp, không thì ở văn phòng khoa chỗ thày Đét-lam. Hôm trước y bảo "cái lưới" đấy... — Kốt-xchi-a nghe bập bõm được câu hỏi của Mai Phương, quay sang đang giải thích, thấy cô đặt một ngón tay lên môi, đánh mắt về phía Mai Phương, vội thôi.


Cô đang thuật lại cho Mai Phương hành tung của Phi Long thì Đim-ma nãy giờ vẫn ngồi im lặng, chăm chú ghi ghi chép chép ở bên cạnh chợt hỏi:


— Thi vào trường này có khó không, anh Kốt-xchi-a? — Hôm nay nó vác cả ba lô sách vở xuống dưới này, bày la liệt ra cái bàn to, ngồi học có vẻ rất nghiêm túc.


— Bọn anh thì bình thường, anh Phi Long thì khó. — Kốt-xchi-a, bây giờ râu, tóc, kính giống hệt John Lennon, bảo nó.


— Là sao?


— Miễn là chú đừng dốt hơn... A-li-ô-sa, thì thi vào đây không có vấn đề. Còn Phi Long, y bảo y phải luyện thi y như gà chọi.


— Sao lại... gà chọi? — Cô tò mò.


— Y không kể..? — Kốt-xchi-a có vẻ hơi ngạc nhiên, tiếp. — Có quyển giáo trình vật lý, tất cả các bạn đi thi ở đấy đều phải cố học thuộc lòng cả quyển. Ở quê y ngày xưa có một ông trạng đi ngang qua một cái bia đá đầy chữ dựng ở bãi biển đúng lúc thủy triều đang lên nhanh. Để đọc kịp chữ trên bia, ông này bèn đọc ngược từ dưới lên theo nước thủy triều và nhớ hết nội dung. Phi Long tính toán là ông này vì bị thủy triều ép phải đọc ngược nên sẽ phải huy động thật lực bộ nhớ, nhờ đấy mà nhớ nhanh hơn lúc đọc bình thường. Y bảo bây giờ y vẫn còn có thể đọc ngược cả quyển vật lý kia từ chữ cuối cùng đến chữ đầu tiên. Nếu Phi Long không mải học đánh đàn, chắc y đã đi thi toán quốc tế, và bây giờ đang học bên trường to bên kia, ở trên đồi. Y bảo luyện thi cái đấy thì còn nhục nữa.


— Em tưởng Vê-rôn-na dạy Phi Long đánh đàn?..






Thánh Kinh bảo rằng Chúa Trời đã ngồi nặn đất, nặn xong thì ông bèn hà hơi chín chuối vào để làm ra chúng ta. Sau này, có một chúng ta tên là Darwin lại làm được cho rất nhiều chúng ta khác một lòng tin tưởng rằng chúng ta chính là khỉ đã bị rụng bớt lông rồi bèn đứng thẳng lên bằng hai chân (hoặc là đứng lên trước rồi rụng sau, cũng được).


Thật sự thì cho đến giờ vẫn có người tin thế này, có người tin thế kia, cũng chưa thể mà biết được là ai đúng ai sai, ai tin đúng ai tin sai, cũng chưa thể hiểu là nếu đúng, nếu sai thì vì sao chúng ta lại không bị giống như gốm sứ Bát Tràng, hay là tại sao mà đến tận giờ thì khỉ (chưa rụng lông) vẫn cứ la liệt ra.


Tuy nhiên nói chung thì bao giờ cũng luôn luôn đã phải tồn tại những sự chấp nhận đại khái nào đó của số đông, gọi là những quan niệm chung. Ví dụ như là đa phần chúng ta đều mặc định quan điểm là ở vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy khi mà chúng ta mới có thì chúng ta ngoài chuyện rụng lông và đứng hai chân thì thực chất cũng không khác mấy so với khỉ bây giờ.


Một trong các thứ không khác khỉ mấy đấy là lúc bấy giờ chúng ta chưa hề có tiếng nói. Tiếng nói mà chưa có thì phải nói là chúng ta hiểu không sai ý nhau đã là chuyện điên rồ, sao còn mơ lên tận trời xanh?


May mà vào một chuỗi ngày đẹp trời, tiếng nói đã hình thành.


Tiếng nói lúc đầu còn ít thì chúng ta nói ít, sau thì bắt đầu nói nhiều dần lên. Và đến một thời điểm khi mà sự nói nhiều đã đạt đến một cấp độ đáng nể nào đó thì chúng ta bắt đầu bị tiến hóa theo hai hướng khác nhau. Khoảng non một nửa chúng ta đến lúc đấy tự nhiên thì bắt đầu nói ít dần đi, và nói có chất lượng hơn. Già nửa còn lại, dường như không thể đạt được sự thỏa mãn, thì vẫn tiếp tục nói càng ngày thì lại càng nhiều hơn; ngày nói, đêm đang ngủ bỗng thức dậy nói; nói về đời sống nội tâm, nói về những khát vọng mê say mơ ước của em thời còn trẻ, nói về tất cả những cái mà không cần phải nói thì ai ai cũng đều đã biết cả rồi; não vẫn còn chưa kịp nghĩ xong thì mồm đã bắt đầu tự động nói... — nghĩa là số lượng nói thì ngày càng nhiều không thể tả còn chất lượng thì càng ngày lại càng vô cùng thê thảm.


Và hai xu hướng này đã tiếp tục tay trong tay hai người đồng chí dẫn nhau đi cho đến tận hôm nay và ngày nào cũng vẫn đang tiếp tục tay trong tay không ngừng nghỉ.


Nhưng dù sao thì mặc dầu là nói nhiều hay nói ít thì nói gì nói cũng vẫn hơn là không biết nói. Thông tin bắt đầu trở nên dễ được trao đổi hơn. Hiểu biết của người này bắt đầu trở nên dễ chuyển được sang người khác hơn. Và mỗi chúng ta nhờ đó mà có thể khôn lên nhanh hơn.


Chúng ta dần dần hiểu thêm được nhiều thứ và trong các thứ mà chúng ta hiểu thêm đó có một thứ là chúng ta hiểu là ở chính chúng ta có nhiều sự không ổn định và thiếu tin cậy một cách khó hiểu. Chúng ta nhớ nhớ quên quên, hiểu không hiểu, hiểu tưởng không hiểu, không hiểu tưởng hiểu, hiểu đúng hiểu sai, nói với người khác được đúng cái mình hiểu đúng đúng cái mình hiểu sai, hoặc là lại nói sai chính cái đó... Cái này làm cho thông tin bị loạn xì ngậu theo số lượng những người truyền đạt, và nhược điểm hơn nữa là bị nhố nhăng và thất truyền theo trục thời gian.


Có một đoàn khảo cổ nào đó tìm thấy những ký tự nào đó ở trên vách đá một cái hang xưa cũ nào đó, và không thể nào hiểu nổi ý nghĩa nào đó của chúng, hoặc là tưởng là hiểu được rồi thật là hay quá trên cả tuyệt vời... thì lại hiểu sai. Ví dụ, có những chỗ đã hoàn toàn tin tưởng là cổ nhân tả cảnh chăn bò bèn sắp chuyển sang nghiên cứu về bãi cỏ thời rất xa, hóa ra cái đấy lại là một kiểu kinh thư Kamasutra của các người ngày xưa. Tức là đang có rất nhiều những thứ mà chúng ta ngày xưa biết còn chúng ta bây giờ không biết, tìm thấy xuộc rồi vẫn tiếp tục không biết, hoặc là có khi còn tệ hơn: biết sai.


Cái cơ chế hiệu quả nhất trong việc truyền đạt thông tin theo trục thời gian này, khi đó, vì vậy, hóa ra cuối cùng lại chính là cơ chế mà tự nhiên đã làm sẵn cho chúng ta, thông qua một phân tử có thể nói là phức tạp nhất trong các loại phân tử. Cái phức tạp này đã ra đời cách bây giờ khoảng ba tỉ rưỡi năm và mang tên là Đê-ô-xi-ríp-bon-nu-cờ-lê-íc A-xít.


Tên này quá dài nên thường được gọi ngắn lại là DNA. DNA nằm ở trong mỗi tế bào của mỗi chúng ta.


Phân tử DNA là một cấu trúc có hai dây xoắn kép nếu phóng thật to hoành tráng thì trông sẽ na ná như là một cái cầu thang xoắn ốc. Hai dây của xoắn kép được dính vào nhau bởi các cặp ba-giơ, tương tự như những cái song sắt ở thành cầu thang nối cái tay vịn cầu thang với cái bờ trôn ốc ở phía dưới.


Có vài loại cặp ba-giơ khác nhau, và thứ tự tổ hợp sắp xếp các loại cặp ba-giơ khác nhau này xác định những thông tin di truyền được lưu trữ khác nhau.


Phân tử DNA tự sao chép từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Trong khi sao chép, có thể có lỗi xảy ra làm thay đổi thứ tự tổ hợp sắp xếp các cặp ba-giơ. Đa phần những lỗi kiểu này sẽ tạo ra các phân tử DNA dặt dẹo hơn so với nguyên bản. Bọn dặt dẹo này sẽ tự bị đào thải một cách đau thương.


Nhưng xuân xít thế nào, trong một số ít ỏi trường hợp, lỗi sao chép vô tình lại tạo được ra những phân tử DNA hùng tráng hơn so với DNA gốc. So với bọn hùng tráng này thì bọn gốc lại chính là bọn dặt dẹo. Đấy là cách DNA tiến hóa và thông tin nó mã hóa ở bên trong tăng độ phức tạp.


Chúng ta sẽ chỉ việc sống, học tập, làm việc, và chờ đợi những lỗi may mắn sẽ làm ra chúng ta tốt hơn, Mẹ Thiên Nhiên sẽ an bài cho chúng ta, chúng ta yên ổn và vô can...


Tiếc là có một chút đáng tiếc lớn, đấy là thời gian của chúng ta hoàn toàn không giống như của Mẹ.


Nếu theo thời gian của chúng ta thì Mẹ làm bất kỳ cái gì cũng tột cùng thong thả và cầu kỳ đến quá sức sốt ruột. Ví dụ, Mẹ đã cho hàng ti tỉ ti tỉ ti tỉ... những vi sinh vật sống ký sinh trên một loại cây san hô ngầm ở dưới đáy biển. Bọn vi sinh này ngày nào cũng tổ chức liên hoan cơ man nào là những của ngon vật lạ ở trong nước biển và ị ra đá vôi. Những hòn đảo danh lam thắng cảnh rồng chầu hổ phục xếp loại di sản văn hóa thế giới của chúng ta bây giờ đã dần dần nhô lên từ dưới đáy biển sâu sau một quá trình ị liên tục không biết mệt mỏi tầm khoảng hai trăm ngàn năm gì đó của bọn liên hoan kia.


Hai trăm ngàn năm cũng lâu. Nhưng nếu thi đi xe đạp chậm, thì bọn liên hoan còn phải gọi DNA bằng cụ. Trong khoảng hai tỉ năm đầu DNA cứ sau một trăm năm thì mới tăng thêm được một bít thông tin. Tốc độ liên hoan gọi bằng cụ đó có được cải thiện dần cho đến vài triệu năm trước thì vẫn chỉ tăng thêm được một bít, nhưng trong một năm. Chúng ta bèn sốt ruột. May mà chúng ta đang sốt ruột lắm thì bỗng vào khoảng tám ngàn năm trước đã xảy ra một sự đột phá quan trọng tên là “Chữ Viết”.


Biết viết, chúng ta đã có một kênh thông tin với băng thông vô cùng hoành tráng để truyền thông tin từ thế hệ tới thế hệ.


Kể từ đây, một cuốn truyện bìa mềm diễn tả sinh động chuyện tình gái ngẫn, hay thể hiện sâu sắc nội tâm chã ngọng... cũng chứa được một lượng thông tin nhiều bằng sự khác nhau trong DNA giữa một con khỉ to và một nhà văn. Nếu bây giờ viết tất cả thông tin từ DNA của bất kỳ một trong số chúng ta ra giấy, đại khái sẽ không thể dài hơn được, cùng lắm là bằng, tất cả truyện chưởng của võ lâm tiền bối Kim Dung.


Còn tốt hơn nữa, là ngoài chuyện băng thông hoành tráng, kênh thông tin này còn cực dồi dào về tốc độ cập nhật. DNA sẽ miệt mài đá vôi gọi bằng cụ để thêm được một bít dễ thương nào đó trong một năm, còn cũng trong năm đó, sẽ có khoảng hai trăm ngàn cuốn sách mới được xuất bản, tức là vào khoảng trên một triệu bít một giây.


Cũng cần nói thêm là cũng na ná như cái quy luật nói nhiều mà chúng ta đã nói nhiều ở trên thì thông tin nhiều như thế thì đa phần sẽ là vô cùng vô bổ. Mặc dầu vậy, chỉ cần có một bít trong một triệu bít là hữu bổ thì thế đã là nhanh gấp hàng trăm ngàn lần so với DNA đá vôi gọi bằng cụ rồi...






Lúc bắt đầu học ngoại ngữ để chuẩn bị đi học nước ngoài, anh đã học rất chăm chỉ. Không phải tại anh thích học ngoại ngữ, mà lúc đấy anh nghĩ là nếu học thật cẩn thận một cái, thì sẽ dựa vào đấy lập được ra một số công thức chung, và anh có thể dùng những công thức đấy để suy ra nhiều ngoại ngữ khác một cách tương đối nhanh, đơn giản và khỏi mất công.


Kết quả là đã không lập được những công thức chung khả dĩ có thể thỏa mãn được nhu cầu lười, không những thế, từ đấy anh còn càng không thích ngoại ngữ hơn. Có nhiều người cùng tham gia phát triển cái này quá, ai cũng tham gia được, ngôn ngữ, anh kết luận, rốt cuộc đã thành một hệ thống "không được thông minh lắm".


Anh thích những công thức đẹp. Với anh, những thứ có công thức đẹp mới là những thứ thông minh. Nên lúc nhìn thấy "cái lưới", anh bèn mê mẩn lập tức.


Thật tiếc là nó đẹp như vậy, nhưng lại không khả thi.


"Đỏ năm mươi", "Xanh lục tám mươi", "Xanh dương ba mươi". Anh đã giành trọn một buổi chiều đầu mùa đông có nắng, mặc áo da lông sùm sụp cả mũ ngồi trên bậu cửa sổ rộng mở tung, đong đi đong lại, pha phách, thêm bớt, so sánh, nhòm ngó những màu sắc thật được quấy bằng bút lông trên bảng pha màu bằng gỗ dán, cuối cùng tin tưởng được công thức đấy. Năm, Tám, Ba.


— Anh sẽ không bao giờ hình dung sai màu mắt em. — Anh phấn khởi. — Mai có nắng, anh sẽ kiểm tra màu tóc.


— Không!.. Em cấm anh!


"Ừ, màu tóc rồi sẽ thay đổi..."






Chiếc máy bay cứ nhằm thẳng phía trên cao, vừa tự xoay tròn, vừa vun vút lao lên theo một đường thẳng đứng.


"Thiên nga bay thẳng lên những tầng mây,

Gián đoạn bài ca.

Và, bình thản khép chặt đôi cánh,

Rơi xuống đất."


"Lòng chung thủy của thiên nga". Thiên nga cái bị bắn chết. Thiên nga đực hát bài ca buồn bã, rồi bay thẳng lên những tầng mây... Đã có một truyền thuyết như vậy, sau được làm thành bài hát hẳn hoi.


Vẫn chưa có truyền thuyết về lòng chung thủy của máy bay. Bay lên đến điểm cao nhất, máy bay bèn lộn nhào cắm đầu lao thẳng xuống. Nếu cứ lao cắm đầu như thế đến đất, thì thiên nga còn phải gọi máy bay bằng cụ. Nhưng mới cắm được một đoạn, máy bay bèn lượn một vòng điệu nghệ theo đường chu vi phía dưới của một vòng tròn dựng đứng tưởng tượng. Ngóc lên đến gần ngang với tâm của vòng này, nó bèn nghiêng cánh sang phải, vẽ tiếp một đường tròn nằm ngang với cùng bán kính. Được đúng nửa vòng, nó lại nghiêng cánh sang trái, vẽ tiếp một đường tròn nằm ngang nữa, cũng cùng bán kính. Nó đã vẽ được kín vòng này. Bình thường thế, ai cũng sẽ tưởng nó sẽ vẽ tiếp số tám. Nhưng chỉ vừa kín vòng, thì nó bèn bay thẳng. Phía trước đã là một hồ nước dài. Nó bèn hạ nhanh độ cao rồi chúi thẳng xuống hồ. Mặt nước đã ở ngay phía dưới. Không có phao thủy phi cơ. Không có bánh xe. Cũng không thấy càng mở ra. Đến gần mặt nước, tưởng nó sẽ bị đập bụng xuống, thì lại thấy nó ngóc ngay đầu lên. Hình như động cơ bị ngắt, không còn lực đẩy, chỉ còn quán tính, ở tư thế đấy, cặp cánh rộng trông hơi giống cánh F117 của nó đè vào không khí theo hướng đang bay. Nó khựng lại...






Không khí mùa xuân, vào lúc chiều đang xuống chầm chậm, có mùi đất, mùi cỏ, mùi cây, mùi hơi ấm còn vương vấn của nắng. Họ vừa ngồi xuống thì chỗ vỉa hè ngoài mặt phố có một tốp mấy thanh niên đi chơi rong ngang qua, một anh chàng vác cả cái máy cát-xét màu đen to tướng trên vai. Tiếng kèn Sắc-xô-phôn xa vắng, day dứt trên nền trống tay. Nhạc đi theo chân người, — âm thanh lập thể. Cô hát khe khẽ theo tiếng nhạc: "Hãy cầm đàn ban-giô gảy tôi nghe vào phút chia ly..." — Ban nhạc có cái tên bắt đầu bằng tên con tàu nổi tiếng của thuyền trưởng Nê-mô.


Anh nghếch miệng vại bia, phát triển tiếp chủ đề "Nau-ti-lút Pôm-pi-lút": "A-lanh Đờ-lông, A-lanh Đờ-lông không uống A-đê-ca-lôn. A-lanh Đờ-lông, A-lanh Đờ-lông uống bia Giu-gu-li. A-lanh Đờ-lông nói toàn ngoại ngữ..." — Anh xuyên tạc.


— Dạo này học hành thế nào? — Anh hỏi. Thời gian vừa rồi anh ít về ký túc xá.


— Đều đều. Lớp em không có loại... nhố nhăng như anh.


Anh nhâm nhi ngụm bia, ngắm nghía những sợi tóc mềm mượt màu hạt dẻ sáng, vừa chấm vai, những ngọn tóc hơi uốn móc câu về phía trước, ôm lấy khuôn mặt trái xoan, lớn rồi mà trông như mặt trẻ con.


— Con gái lớp em... có bạn nào xinh... có nhiều bạn xinh không?


— Nhiều. Xvét-ka thỉnh thoảng vẫn kể về anh đấy, các bạn thích lắm. Anh có cần em giới thiệu... — Xvét-ka bị sốt cao mãi mới khỏi, đúp mất một năm, giờ đang học lớp cô.


— Anh sống ở ngay cạnh bạn xinh nhất lớp, giới thiệu nữa làm gì?


— Xinh nhất á, xinh nhất thì phải: "Em sẽ không bao giờ quên màu mắt của anh: Không, Không, Không" cơ. — Cô nhại khẩu ngữ châu Á của anh.


— H... — Anh cũng phải tự phì cười, thò tay phải, còng còng ngón tay trỏ định cốc vào đầu cô; tay đến gần, nghĩ thế nào, lại thả ra, vuốt vuốt phần lưng mấy ngón tay xuống tóc cô, cô hơi nghiêng đầu vào tay anh.


— Bọn anh dạo này nhiều việc lắm hả? Cả A-nhi-a cũng không thấy qua.


Anh ậm ừ... Một lúc, anh hỏi:


— Vê-rôn-na, những lúc buồn em hay làm gì?


— Em cố xếp nó nằm yên một chỗ... làm những việc không buồn khác.


— Nếu không có việc không buồn khác?


— Không biết. Em chưa bao giờ bị thế... — Cô nhún vai — Lúc nào chả có những việc không buồn? Lái máy bay, hoặc là ban ngày... — cô cười — tắm truồng giữa công viên.


— Em...


— À, — cô sực nhớ ra — ở khoa ngoại ngữ nhắn là cuối tuần này có văn nghệ gì đấy của sinh viên ngoại quốc khóa anh đấy...






Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (9)" đầy đủ:


http://www.mediafire.com/?i4q1b9429c0u8nb

http://www.megaupload.com/?d=U67YT1GW



Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN" (với những người chưa biết):

http://philong58.blogspot.com/2010/08/lap-trinh-vien-2.html

Bánh Trung Thu

13 ý kiến, và ý kiến từ facebook

BÁNH TRUNG THU


Bánh nướng vỏ mỏng, nhân dày,

Bánh dẻo, ngược lại, phải đầy vỏ thơm.

Bánh dẻo tròn — bánh nướng vuông,

Trên trời — dưới đất, ngát hương lá cành:

Bánh nướng cục tác: "Lá chanh!"

Bánh dẻo: "Hoa bưởi, phải dành cho tôi!"

Cảnh thu đã nửa đêm rồi,

Trời cao trăng sáng gấp đôi hằng ngày.

Lầu nam phá cỗ mê say,

Tiếng tơ, tiếng trúc, vui vầy, thanh tao.



Bạn tôi làm quan. Hồi mới tìm cách đi làm quan, anh bảo tôi:


— Tao có muốn làm quan đ' đâu, nhưng ở đây... tao làm đ' còn cách nào khác?!


— Đến ở nhà tao, mà nghĩ.


— Nhưng ở đây... tam thập nhi lập, ở mãi với mày thế đ' nào được..?


— Chữ "lập" không phải thế.


— ...


Chuyện đấy lâu rồi. Còn bây giờ, anh đang sốt ruột vừa bấm chuông, vừa bấm còi, ở trước cửa nhà tôi.


— Tao vội, không vào đâu, Trung Thu đây.


— Bánh sang quá. — Tôi khen.


— Nhưng ở đây... biếu mà, ê chề... à đ' phải, ê hề, lấy nữa không? — Anh hỏi, câng câng, thò tay bẹo má tôi, — Trung Thu đến. — Rồi anh đi.


Bạn thân, nên chúng tôi chẳng ai bảo ai vẫn cùng yêu quý một số nền nếp. Trung Thu anh sẽ ở đây, chúng tôi sẽ uống trà, sẽ trò chuyện, sẽ ăn những thức Trung Thu khác, cả bánh Trung Thu, tất nhiên, nhưng cũng là bánh khác.


Còn bánh này, năm nào anh cũng mang đến cho tôi để tôi "ăn cho vui".


Hộp bánh là hộp cứng, — chắc bằng gỗ mỏng tang, — vuông vắn, màu đỏ thắm, trên nắp có hình trăng và rồng — cả hai đều vàng óng ánh trang kim, — bên trong có hai chiếc bánh dẻo, hai chiếc bánh nướng, gói trong những hộp giấy cũng trang kim vàng óng ánh với họa tiết theo phong cách cổ, để so le nhau, trong những khuông được lót chung một tấm lụa vàng tơ mềm mại. — Bánh này không phải (và đắt hơn nhiều so với) loại bánh "phổ thông".


Chuyện đấy không lâu bằng. Anh lần đầu mang bánh "quan lộc" đến cho tôi, sốt ruột vừa bấm chuông, vừa bấm còi, ở trước cửa nhà tôi.


— Tao vội, không vào đâu, Trung Thu đây.


— Bánh sang quá. — Tôi khen.


— Được biếu mà. — Anh câng câng, thò tay bẹo má tôi, — Trung Thu đến. — Rồi anh đi.


Bạn thân, nên chúng tôi chẳng ai bảo ai vẫn cùng yêu quý một số nền nếp. Trung Thu anh ở đây, chúng tôi uống trà, trò chuyện, ăn những thức Trung Thu khác, cả bánh Trung thu, tất nhiên, nhưng là bánh khác.


— Bánh tao mang... — Anh nhướng mắt nhòm tôi.


— Tao để dành trong tủ bánh kẹo. — Tôi có một cái tủ như vậy, được thiết kế riêng, còn to hơn tủ rượu và giá sách; anh là một trong những đứa vẫn mặc định là mình có quyền thoải mái lục lọi chỗ ấy.


— Nhưng ở đây... Hôm nay... — Thân nhau, nhưng không hiểu sao anh cứ luôn coi tôi là loại người "nhiều ý tứ", nên có lúc có những thứ muốn hỏi, anh lại không hỏi hết, cứ lúng túng như ngại.


Tôi bảo "Chờ tao", rồi tôi vào lục tủ bánh kẹo bửu bối (tự dưng tôi lại bị nhiễm cái từ "bửu bối" này ở đâu không biết nữa), mang bánh ra.


— Còn hộp này..? — Anh lại nhòm tôi, thấy tôi đặt xuống hai cái hộp.


— Bánh đại lục đấy.


Bánh đại lục không phải bánh Việt Nam.


Bánh "quan lộc" không phải (và đắt hơn nhiều so với) loại bánh "phổ thông".


— Hì... ăn... mùi vị chả khác đ' gì nhau! — Anh toét miệng cười... chợt ngó nghiêng, rồi bỗng gọi to, — Tít Tít!..


— Tít cái gì?! Không ăn để tao ăn dần. — Tít là tên con chó nhà tôi.


— Không phải ăn... tự nhiên tao muốn vung tay vung chân... ném nó phát cho vui.


Bạn thân, nên chúng tôi chẳng ai bảo ai vẫn cùng yêu quý một số nền nếp. Trung Thu anh sẽ ở đây, chúng tôi sẽ uống trà, sẽ trò chuyện, sẽ ăn những thức Trung Thu khác, cả bánh Trung Thu, tất nhiên, nhưng cũng là bánh khác.


Còn bánh này, năm nào anh cũng mang đến cho tôi để tôi "ăn cho vui".


Vì ừ, anh với tôi, hai chúng tôi có phải là người Tàu, như anh nói: "đéo đâu?!"






Chú thích: Bài thơ ở trong bài này tác giả nhờ Đào Phò làm hộ, bốn câu cuối Đào Phò ăn cắp thơ Đỗ Phủ:


秋景今宵半, (Thu cảnh kim tiêu bán,)

天高月倍明. (Thiên cao nguyệt bội minh.)

南樓誰宴賞? (Nam lâu thùy yến thưởng?)

絲竹奏清音. (Ti trúc tấu thanh âm.)


Câu cuối cùng trong nguyên bản "làm hộ" đã bị xuyên tạc thành: "Tiếng đàn, tiếng gái, vui vầy, thanh tao." — Tác giả lại phải sửa lại theo ý trong bài thơ gốc.

Ngõ nhỏ phố nhỏ

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

NGÕ NHỎ PHỐ NHỎ


"Phi Long sinh ra ở Hà Nội, luôn có một phần Hà Nội ở sẵn trong Phi Long.


Đim-ma không sinh ra ở Hà Nội, nhưng cũng luôn có một phần Hà Nội ở sẵn trong Đim-ma. Ở nhà, Đim-ma có một quyển an-bom cũ, trong đấy có nhiều những bức ảnh trắng đen. Có lần, trong giấc mơ, nó được mẹ dắt đi chơi. Đi qua một cái đầm có những chiếc lá to lớn xòe rộng là là che kín mặt nước và những nụ hoa hình búp to bằng hai bàn tay úp vào nhau, đi qua một dãy hàng quán tấp nập, mẹ đưa nó tới một cái sân rộng. Trong sân này có một cái cây to có tán lá rất rộng nhưng không cao. Đặc biệt là có nhiều những đoạn không hiểu là cành hay là thân, đâm thẳng từ cành cây xuống đất. Mẹ đốt lên những que lửa nhỏ bốc khói nghi ngút rồi hai mẹ con cùng đi cắm những que đấy ở những chỗ này, chỗ kia; nó còn bắt chước mẹ chắp tay đứng trước làn khói mờ mờ ảo ảo. Xong rồi mẹ đưa nó đến ngồi ở một chỗ đẹp đẽ ngay bên bờ một hồ nước mênh mông và ăn những chiếc bánh tròn tròn nho nhỏ. Nó nhìn ra mặt hồ bát ngát không thấy bờ, hỏi mẹ hồ này là hồ gì, không thấy mẹ trả lời, nó quay lại thì đã không thấy mẹ đâu...


"Là Hồ Tây." Phi Long đã nói với nó, giọng hơi run. Anh còn bảo là lá sen có màu xanh thẫm, nụ sen màu hồng, bánh tôm vàng rộm và ròn thơm, ở trên có đính một con tôm nhỏ, cây trong sân là cây đa, những đoạn kia thực ra là rễ, những que lửa là những que hương, chỗ hai mẹ con đi chơi là Phủ Tây Hồ.


Giấc mơ chỉ có hai màu đen trắng. Cũng chưa lần nào lặp lại."


Trên bờ-lốc tôi chơi, có một người đã viết như thế, ở trong một câu chuyện chắc là dài có tên là "Lập trình viên", ở trong một chương trình phần mềm có tên là "me()" — cái tên giống như một hàm số.


Mấy đứa con gái cùng chơi ở trên bờ-lốc lúc đầu thì đợi chờ, sau thì cay cú, to nhỏ — chắc là với nhau, rồi với tôi: "Lão tác giả này đúng là trọng nam khinh nữ!" Tôi cười: "Tên anh cũng có đâu?" Thì chúng đồng thanh: "Tên anh thì nói làm gì, dao_hoa_daochu có phải là tên người đâu?!"


Mới đây lại vừa có một cô gái bụ bẫm mặc áo hồng vào bờ-lốc chơi, và mới bốt một bài về món bánh xèo ở Đinh Công Tráng, Sài Gòn. Bánh này những lúc ở Sài Gòn tôi cũng thường ăn, nên tôi đọc bài thấy thích và thèm, nhưng đến cuối bài, cô nhắc đến nem, và chợt nhắc đến Hà Nội.


Cảm giác của tôi lúc đó giống như đang ngồi vui vẻ hỉ hả giữa một đám bạn gái, bỗng có ai vô tình đả động đến một chi tiết nào đó khiến cho tất cả các bạn xinh tươi vây quanh bỗng thành phim trắng đen, còn trong tâm tưởng mình chẳng biết từ đâu nữa bỗng ập đến, sống động, một mối tình đầu.


Không phải tôi hành văn không chặt chẽ khi viết là "một" mối tình đầu, — vì đầu chỉ có một, — mà căn bản tôi có một số mối tình với tôi là sâu sắc và tôi nhớ là trong số đó có một mối là mối tình đầu nhưng lại không thể nhớ là mối nào, mà chuyện này tôi thật tình không muốn gọi sót, nên tôi buộc phải gọi tất cả những mối mà sâu sắc ấy là mối tình đầu, và hy vọng đến một lúc nào đấy tôi sẽ có thể bỗng nhớ ra mối tình đầu thật.


Mối tình đầu thì không giống như một mối gái mú thông thường. Có ai nhớ rõ được một bữa cơm đã ăn trong tháng? Cũng có ai nhớ rõ được một bữa cỗ đã ăn trong năm? Trừ phi là... Có thể là một món ăn lạ, mà với ta là rất ngon, hoặc rất không ngon. Có thể ta đã cắn cà phọt vào mặt người đối diện. Cũng có thể đấy là cái bữa mà trong lúc lơ đãng ta đã nghĩ bát ớt bột chỉ thiên là bát ruốc hay bát muối vừng.


Tình yêu của tôi với các bạn gái mang tính thời điểm và luôn đổi thay một cách ổn định.


Tháng Ba, các bạn bất an, dễ phản ứng, cáu giận vô cớ, — tôi mang những lời ngọt ngào đường mật an-pen-líp-be chan vào tai các bạn.


Tháng Bảy, các bạn ít đố kỵ, — tôi mang các bạn đi rong chơi khắp nơi, đi bụi đi bặm đi như trong truyện Kim Dung, để các bạn vào trong những bố cục khác nhau, giữa những khung cảnh, những con người khác nhau, và xem các bạn yêu thương thế giới.


Cuối tháng Tám, — tôi bất an, nghĩ ngợi về những gì mình đã làm với các bạn.


Tháng Mười, các bạn u uẩn câm nín, — tôi lặng lẽ mở vài khung cửa nho nhỏ để các bạn nhìn sâu vào trong tâm hồn tôi, còn tôi nhìn vào các bạn, như nhìn vào những tấm gương: "Gương kia ngự ở trên tường..."


Cuối tháng Một, đầu tháng Hai, các bạn có nhiều nhân tính nhất, — tôi mang các bạn về nhà, các bạn đi chợ, nấu ăn, tôi đi mua quà về tặng các bạn, uống rượu, nghe các bạn bi bô, rủ các bạn đọc sách, và ôm nhau ngủ.


Tình yêu của tôi với Hà Nội cũng vậy.


Tháng Ba, trong mắt tôi vương vấn nhiều cánh hoa nhỏ, to, trắng, tím, đỏ... khác nhau, mũi tôi nồng nồng.


Tháng Năm, tai tôi nghe thấy cây cối cựa mình thay lá râm ran, và môi tôi thơm mang máng một cái hôn Việt Nam đầu tiên, — lại "một" cái đầu tiên.


Tháng Tám, tôi nôn nao toàn thân.


Có khác chăng, thì một mối tình đầu của tôi luôn giống như một bản nhạc hay, với đầy đủ cung bậc; một mối tình khác thì nhiều khi chỉ là một âm lơ lớ, tức là chưa tròn nốt; còn Hà Nội, Hà Nội là Âm Nhạc.


Lâu rồi tôi không nghe nhạc; gần đây tôi có thử chơi lại mấy bài ghi-ta, ngón út và ngón áp út bàn tay trái của tôi đã hơi ngơ ngáo; nhưng không quan trọng; có thể sẽ có lúc tôi quên hết nhạc và lời, quên hết cách chơi đàn, nhưng trong những loại vật chất tạo thành tôi bây giờ, tôi biết đã có một loại có thể là đã có ngay từ đầu, có thể đã được hình thành dần về sau, có thể là cả hai, mà có nguồn gốc từ âm nhạc.


Và nó sẽ luôn ở đấy, cùng tôi.

LẬP TRÌNH VIÊN (8)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

"Sau cơn mưa trời lại sáng."


Câu này hay được dùng để động viên tinh thần những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn.


"Sau cơn sáng trời lại mưa."


Lẽ ra cũng phải có câu này để chuẩn bị tinh thần cho những người đang gặp hoàn cảnh thuận lợi.


Tuyết rơi đậm. Giờ là thời điểm rét nhất trong năm. A-li-ô-sa và Kốt-xchi-a bắt đầu được sống đúng tuổi của mình và có những giấc ngủ ngon, thì ở tầng hầm trung tâm điện toán lại xuất hiện hai con ma cà rồng mới. Phi Long cả Xéc-giô phải mất nguyên một tuần mới hì hục đưa được cái lưới nhiều nút của mình vào máy tính. Nó vừa hoạt động thì Thuyền trưởng Nê-mô và Nét Len lập tức cảm thấy mình đang ở trên Ti-ta-níc: bỏ những dữ liệu cài sẵn đi rồi, nó phải mất hơn ba tiếng mới nhận ra cái "ghế tựa bốn chân". Và... không phải lần nào nó cũng nhận ra.


Cặm cụi mày mò thêm hai tuần nữa thì Phi Long gần như tuyệt vọng...






"Tết" là năm mới truyền thống theo lịch mặt trăng của người Việt. Ký túc xá nhưng các phòng đều mở cửa và cửa phòng nào cũng treo đầy các mẫu hàng hóa quần áo là trung tâm thương mại của người Việt. Còn lâu mới Tết nhưng dường như đã bắt đầu tấp nập hơn.


A-nhi-a đang ở trong một phòng bán hàng ở trên tầng năm một trung tâm như vậy...






...đúng lúc ấy có những tiếng bước chân chạy gấp gáp ở ngoài hành lang. Có ai đó nói to cái gì, thất thanh. Cô nghe lơ lớ có từ "đặc nhiệm". Anh Chung vội chạy ra cửa. Phi Long cũng nhổm ngay dậy, thò đầu ra ngó.


Một lát anh Chung vội vàng trở vào thì nét mặt vừa mới rồi vui vẻ đã trở thành tái mét. Anh lo lắng nhìn Phi Long, nói gì đó. Hình như Phi Long hỏi lại, thấy anh Chung giơ mấy ngón tay. Phi Long với tay giật ngay cái túi vuông vuông màu tím có quai xách, — loại túi đi chợ, đang treo làm hàng mẫu ở trên khung cửa, — xuống. Anh Chung lại nói gì đó. Phi Long nhìn anh. Anh Chung lập cập móc chùm chìa khóa, lập cập mở khóa ngăn kéo cái tủ con — loại tủ đầu giường ở trong ký túc xá sinh viên — ở trong góc, móc ra mấy cọc cô kịp nhận ra là tiền đô, nhét vào cái túi vừa mở sẵn trong tay Phi Long. Phi Long đã nhét đè ngay lên trên một bộ quần áo trẻ con, cái sơ mi trắng, cái sơ mi hồng giật vội ở mắc hàng gần đấy.


Cô đã khoác cái túi một bên vai... Cô thấy có một dãy người Việt đang phải đứng úp mặt vào tường, một số khác bị bắt nằm sấp ngay trên sàn nhà. Bốn năm cảnh sát đặc nhiệm mặc đồ rằn ri, mũ len đen, giáp chống đạn đen, ghệt đen, giày cao cổ, dùi cui lủng lẳng một bên hông, tay cầm súng có băng đạn cong cong, đang đi lại, quát tháo kiểm soát tình hình...






Cô cảnh sát nhanh chóng và có phần thô bạo rà soát khắp người chị kia, đột ngột thọc tay vào ngực, giật ra một tập không vuông vắn nhưng chắc là tiền. Người phụ nữ kia giậm bành bạch hai chân xuống đất, vừa khóc vừa kêu cái gì đó, bị đẩy trở vào. A-nhi-a chợt rùng mình...






Có những ai đó chắc là vừa đi học về, gọi nhau í ới phía đầu cầu thang. Có tiếng bước chân ngang qua cửa phòng rồi xa dần về phía đầu hành lang đằng kia.


— A-nhi-a ơi, anh làm hỏng hết mọi thứ rồi. — Bây giờ đến giọng anh run.


— ... — Cô lùa bàn tay vào trong tóc anh.


— Mai Phương nó có một ước mơ. Anh đã động vào. Anh đang làm hỏng.


— Cái đấy không phụ thuộc...


— Anh chỉ nghĩ nếu anh sẽ cố gắng... Nhưng bây giờ, nó ảnh hưởng đến người khác...






Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (8)" đầy đủ:

http://www.megaupload.com/?d=UCZW77P0

http://www.mediafire.com/?hp6p81gphvhv693


Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN" (với những người chưa biết):

http://philong58.blogspot.com/2010/08/lap-trinh-vien-2.html

Bánh xèo

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Mỗi lần về Sài Gòn, nếu đủ thời gian, tôi luôn đi ăn bánh xèo ở Đinh Công Tráng.



Có sự khác nhau giữa "thường", và "luôn". Tôi không biết sao lại thế, sao cứ ở Sài Gòn và có thời gian là tôi lại nhớ ngay đến lớp vỏ mỏng tang, như trong trong, thơm, giòn, nhớ thịt lợn, nhớ tôm, nhớ giá đỗ... và nhất là nhớ những lá cải xanh to rộng. Cùng một loại bánh như vậy, có chăng khác một ít về kích cỡ, tên gọi, tôi đã ăn ở Hà Nội, ở Huế... nhưng cái nóng Sài Gòn và những tàu cải xanh ở quán bánh xèo không hiểu sao vẫn làm tôi nhớ nhất.



Ở Ấn độ, có lần tôi dẫn các bạn đi ăn đô-sa. Các bạn tôi đều hồ hởi với món ăn lạ, còn tôi lúc đấy lại thẫn thờ ngồi nhớ Sài Gòn, nhớ bánh xèo.



Quán ăn ngoài trời, những chiếc bàn kim loại dài, những chiếc ghế nhựa, và bầu không khí nhộn nhịp xôn xao, những người chạy bàn nhanh nhẹn, vui vẻ, biết cách phục vụ "Việt Nam" hơn (cũng nghĩa là tốt hơn, với một người Việt, và thú vị hơn, với một người tây) so với ở nhiều nhà hàng cao cấp khác ở trong thành phố. Có một lần tôi rủ một cô bạn ngoại quốc đi cùng, quên mất là cô ấy ăn kiêng, và hàng quán đã vui vẻ làm cho cô chiếc bánh không có thịt và tôm, chỉ có giá đỗ và vài thứ rau xanh, pha riêng cho cô một loại nước chấm không dùng nước mắm. Và cô bạn tôi đã thề đấy là một trong những món bánh ngon nhất cô từng ăn! Tôi cười bảo cô đấy sẽ là bánh ngon nhất nếu cô ăn cả thịt, tôm, và nước mắm.




Thỉnh thoảng tôi cũng ăn nem rán ở đấy, vì nhớ Hà Nội, nhưng nem Hà Nội ngon hơn.