Lập Trình Viên II (38)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

"Suốt dọc đường, mọi cơ chế suy đoán trong bộ máy thần kinh cơ trí của Tư Thiên đều được ngấm ngầm vận động tối đa, nhưng chỉ tới khi A Chính thật sự xáp mặt Bảy Viễn, thì cơ sự mới được làm sáng tỏ.
"Buổi chiều đó, khi Tư Thiên lại mải ngắm kỳ kinh bát mạch, thì A Chính bận tiếp một người khách trẻ; trẻ lắm, chỉ quãng mười tám... không quá đôi mươi. Mặc bộ đồ xá-xẩu..." — chú Phiên duỗi nhẹ hai tay, rồi xoay mũi bàn tay phải chỉ chỉ vào bộ đồ mình đang mặc. — "bộ đồ đã cũ, màu đã phai... thậm chí vải đã sờn, nhưng trông tinh tươm, vai khoác một chiếc bị cói nát, đó là một chàng thư sinh hay cười, nụ cười tươi tắn nhưng có phần rụt rè, thậm chí rút rát, trên gương mặt xương xương nhưng hiền lành, trắng trẻo nhưng xanh xao; nom như một cậu bé dễ thương lần đầu được mẹ dắt tới trường."
Rõ ràng có một cảm nhận gì đó rất dễ chịu trong giọng nói và nụ cười của chú Phiên, tôi kịp thoáng nhận ra, nhưng nghĩ không kịp về nó.
— Sau một loạt đánh cầm chừng, tới ván quyết định... à họ đấu nhau bằng bài cào... — Nhìn thấy tôi khẽ gật đầu, chú Phiên mới tiếp. — Chiếc bị cói đựng tiền khoác vai hồi nãy đã dốc ra sạch, A Chính tự bắn đáy cho mình một tụ bài chín nút, nhưng người thanh niên chẳng bóp chẳng nặn, lẳng lặng lật bài mình, cười rụt rè:
"— Có vậy thôi, cào.
"Trên chiếu là hai lá Bồi, — Cơ, Chuồn, — và một lá Đầm Bích. Ngay cả A Chính cũng động dung. Y ngó sững đối thủ, rồi không mở bài mình, nhận thua.
"— Đệ ấy đi rồi. — A Chính nói với Bảy Viễn. — Nó không muốn lưu lại danh tính. Kỳ nghệ nó cao lắm. Ngộ thua lần này là cam bái hạ phong...
"Y xua tay trước cái nhìn của Bảy Viễn:
"— Bữa nay là ngộ thua rồi, cái hẹn hôm tới thì thôi khỏi đấu nữa. — Y nhìn Tư Thiên, rồi nhìn Bảy Viễn. — Nên là không cần dằng dai. Giờ cái nị muốn xử ngộ sao cũng được, ngộ nếu có nửa lời...
"Tư Thiên còn đang tính nói đỡ vài lời, xin giúp cho người bạn bất đắc dĩ, mà sau một hoàn cảnh tiếp xúc, y nếu không muốn nói là quý mến, thì cũng khó thể nói là không có chút cảm tình, thì đã thấy Bảy Viễn vỗ vai A Chính:
"— Hết chuyện rồi, thôi bỏ đi.
"Rồi rủ A Chính ra bờ hồ xem cá sấu ăn."
Chú Phiên ngừng lời, đưa mắt nhìn kiểu không nhìn vào đâu cả. Tôi có điều muốn hỏi nhưng nhất thời lại chưa muốn hỏi ngay. Một lát, ánh mắt chú Phiên mới quay trở lại:
— A Chính muốn rời Sài Gòn ngay hôm sau. Buổi sớm, y tới ngồi cà-phê vỉa hè với Tư Thiên ở ngã ba trước cổng Đại Thế Giới. Ban mai, vỉa hè Sài Gòn vừa mát mẻ, lại vừa có nắng ấm, cà-phê vỉa hè là nơi có nhiều dư luận, người ngồi đó nhâm nhi, còn bên đời xe ngựa bắt đầu ngược xuôi, — với nhiều cư dân thành phố, nó là một niềm vui cố định mỗi ngày. Một chiếc xe Thrắc-xông màu đen nhấn ga chạy ngang, quẹo tay mặt, ôm sát cua, cách chỗ hai người đang ngồi có vài mét; từ băng sau có một nòng tiểu liên chĩa ra, đạn vãi xối xả; cả hai đều chết ngay tại chỗ; án mạng không tìm ra thủ phạm.
Anh Ngạn rót thêm rượu cho đầy các chén, nhưng cả tôi và anh đều không động tới chúng; chú Phiên để bàn tay cạnh chén rượu, ngón cái và ngón trỏ với lên, xoay cái chén một cái, rồi lại xoay một cái... Một lát, chú mới tiếp, không ngắt quãng câu chuyện một chút nào về ngữ điệu:
— A Chính chết, Tư Thiên chết, Bảy Viễn sau đó thua trận chạy qua Pháp, rồi chết lưu vong ở ngoại ô Pa-ri. Hồ cá sấu không còn, trên nền đất cũ của Đại Thế Giới đã mọc lên một công trình công cộng khác. Người chết, vật chết, nhưng những câu chuyện thì không có hồi kết. Mọi câu chuyện đều không bao giờ kết thúc, — lúc nào chúng cũng tiếp tục, chỉ chuyển chỗ, lúc thì qua bên này, lúc thì qua bên kia vạch ranh giới giữa trong và ngoài sự chú ý. Mà câu chuyện như vầy, thì đâu cần phải nói sâu xa, — theo cách hiểu đơn giản nhất cũng không khó nhận ra là nó không thể kết thúc ở loạt tiểu liên trên vỉa hè trước cổng Đại Thế Giới.
"Đưa xác A Chính ra khỏi Việt Nam không phải thân quyến, mà là huynh đệ đồng môn.
"Sư phụ của A Chính trước đây từng là một con bạc rất danh tiếng trong giới đổ bác Á Châu. Trong một ván đấu sinh tử, không ngờ gặp phải đối thủ biết dùng thuật thôi miên, ông ta bị thua, và phải uống thuốc độc; may có người bạn thân, là người có uy tín lớn trong đổ giới, đứng ra nhận làm kẻ thế mạng — tức là bán mạng cho người thắng, — xin cho, ông ta mới không phải tự tận. Nhưng thói đời đánh kẻ ngã ngựa, sát phạt lên được tới đỉnh cao, ngã thì càng thê thảm. Ông ta đã phải lưu lạc khắp nơi; sau do một chuyện tình cờ, bảo vệ được một cô bé con, lại là con gái của vị thủ lĩnh nhóm I-a-ma-gu-chi Gum-mi, một băng đảng I-a-ku-da có địa vị rất lớn ở Nhật Bản, ông ta mới yên ổn lưu lại được ở Nhật trong một thời gian; ở đó, ông ta đã khổ luyện được phương cách khắc chế bài thuật thôi miên. Được I-a-ku-da chống lưng, ông ta trở về Hồng-kông, phục thù và lấy lại được địa vị của mình... Sao cơ?" — Chú Phiên nhìn tôi.
— Dạ, I-a-ku-da... — Tôi rụt rè.
— À, I-a-ku-da ở Nhật như Ma-phi-a ở Ý, Tam Hoàng ở Tàu...
Thấy tôi gật gật, chú Phiên tiếp:
— Sư phụ A Chính có nhiều đệ tử, nhưng lớp đệ tử đó, chỉ có A Chính là kỳ tài đổ học. Các đệ tử lớp sau cũng chỉ ở mức gắng giữ được sở học của thày. Nhưng chuyện Đại Thế Giới thì họ không quên; ngay cả Đại Thế Giới cũng không còn, nhưng họ vẫn chờ.
"Và họ cũng được toại nguyện. Mấy chục năm trôi qua, trong lớp đệ tử bạc môn, cuối cùng đã xuất hiện đột phá.
"Sư phụ A Chính lúc tuổi đã ngoại tám mươi lại thu nhận một đệ tử chân truyền. Hồng Quảng Hào gốc người Phúc Kiến; A Chính gặp nạn ở Chợ Lớn, thì Hồng còn khóc oa oa; lúc nhập môn, tuổi Hồng đã tam tuần; cho tới đó, Hồng chỉ làm một người coi phòng thí nghiệm ở trường đại học. Nhưng năm năm sau, mặc định, Hồng đã được thừa nhận là người sẽ chính thức kế thừa y bát của sư phụ.
"Đánh đông dẹp bắc, đương đại, Hồng được coi là không có đối thủ; nhưng về trận thua ở Chợ Lớn, thì họ vẫn còn thận trọng. Hồng đã từng tới Sài Gòn, — có hai đệ tử được bạc ôm hết tiền bỏ trốn, lần đó Hồng thừa lệnh sư phụ qua đây chỉ để thanh lý môn hộ.
"Tới lần này, mừng thọ chín mươi tuổi sư phụ, mới là lúc Hồng muốn tính lại sổ Đại Thế Giới năm xưa.
"Chừng hơn hai tháng trước, y đã có mặt tại Sài Gòn, đã ghé thăm khắp các sòng lớn nhỏ, tới đâu cũng lột sạch các cao thủ áp sòng — với y lúc này mà nói, chuyện này có lẽ là tương đối giản đơn, — nhưng y chủ ý chừa lại ba nơi.
"Cao thủ áp sòng ba nơi này đều là dân Bình Thiền, Đồng Nai, — kỳ bẽo gốc Bình Thiền cũng kiểu như Ma-phi-a gốc Si-xin, — và cả ba đều học nghệ cùng một thày.
"Thày của họ chính là người thanh niên khoác chiếc bị cói đã tới tiệm thuốc bắc kế bên Đại Thế Giới năm xưa.
"Chơi vậy là đĩnh đạc, — coi bộ họ Hồng đã bài binh kỹ lưỡng và rất chắc chắn trong hành động. Sau loạt trận "đánh tiếng" gọn gàng, đổ trường thành phố lại yên ắng ngay như chưa từng có chuyện xảy ra, — y chủ ý dành cho đối thủ đủ thời gian để chuẩn bị ứng chiến.
"Tới tuần trước nữa, y mới xuất hiện tại một trong ba sòng bài kia.
"Long tranh hổ đấu, tất nhiên phải khác trâu bò đánh nhau. Nếu còn có dịp thư thả hơn, cậu muốn, tôi sẽ thuật lại cậu nghe chi tiết về ván đấu này, — vả lại đổ cuộc như vầy, tình tiết không hề đơn giản, lại mới đây thôi, nên thiệt tình tôi cũng cần có thời gian và tâm trạng để hình dung cho đúng.
"Không đơn giản, và họ Hồng chỉ giành thắng trong đường tơ kẽ tóc; nhưng đấy chỉ là sự việc trực tiếp; còn thực chất, thì bản thân người bị thua xuýt xoát cũng hiểu rất rõ ràng rằng ở đây nếu nói "kẻ tám lạng, người nửa cân" thì sẽ phải hiểu theo nghĩa cân lạng thông thường..."
Chú Phiên lại ngừng dở chừng, cứ nhìn tôi có ý chờ, nên tôi nhăn nhăn mũi, hình như hơi nóng mặt, cảm thấy ái ngại thật sự về những sự không thấu đáo của mình:
— Cái kẻ tám lạng người nửa cân này... vậy là thông thường... là không đúng là bên năm bên tám ạ?
— Bên năm bên tám... — chú Phiên cười — thì còn ví von chi nữa? "Lạng" đây là "lượng", lượng vàng ấy. Mười sáu "lượng" là một "cân", một cân là sáu trăm gam, — đây là đơn vị đo lường thời xưa.
Tôi lắc lắc đầu, cười ngượng nghịu, mặt đúng là nóng — chắc đỏ thật...
— Ngay cả sư phụ không thiên vị ai, — chú Phiên đã tiếp tục ngay, chắc không muốn tôi bị bối rối lâu, — thì đệ tử cũng người cao kẻ thấp; và — có lẽ thế — họ Hồng đã chọn người giỏi nhất để đánh trận đầu; cho nên hai trận kế tiếp có thể nói là ít nhiều chỉ còn mang tính hình thức, — cờ bạc đã tới độ này, nói chung rất khó có thể đặt hy vọng lên những sự may rủi.
"Tuy nhiên, lại vẫn có một chuyện mà ngay cả một tay kỳ tài như Hồng Quảng Hào cũng không thể lường trước được.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Nữ Hầu Tước

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






NỮ HẦU TƯỚC
(A. P. Trê-khốp)






Một cỗ xe thắng bốn con ngựa béo tốt đẹp đẽ chạy vào chiếc cổng lớn, như người ta gọi "Cổng Đỏ", của tu viện N; các tu sĩ và học sinh tu viện đã tụ tập đông đủ phía nhà khách dành riêng cho các bậc quyền quí, từ đằng xa, trông thấy người xà ích cùng với mấy con ngựa béo tốt là họ đã biết ngay người phụ nữ ngồi trong cỗ xe là nữ hầu tước Vê-ra quen thuộc và hảo tâm của họ.
Ông già đánh xe mặc chiếc áo đính dải bạc nhẩy ra khỏi ghế và bước lại mở cửa đỡ nữ hầu tước ra. Nàng nâng tấm mạng che mặt lên, khoan thai bước lại gần các tu sĩ cho họ lần lượt làm dấu, sau đó dịu dàng gật đầu chào các học sinh rồi đi vào tu viện.
— Thế nào? Vắng nữ hầu tước của mình, các người có thấy buồn không? — Nàng nói với mấy tu sĩ mang giúp đồ đạc của nàng vào. — Cả tháng vừa rồi ta không đến đây. Các người ngắm nhìn đi. À, còn cha giám mục đâu nhỉ? Trời ơi ta nóng lòng gặp cha quá. Thật là một ông già kỳ diệu. Các người cần biết tự hào là các người đã có một vị giám mục như thế.
Khi vị giám mục bước vào, nữ hầu tước mừng rỡ thốt lên, đưa tay làm dấu ngực rồi đến gần bên ông.
— Không, không, cha hãy để cho con hôn cha! — Nàng vừa nói vừa cầm lấy bàn tay giám mục vồ vập hôn ba lần liền.
— Ôi, con thật là sung sướng vì cuối cùng đã được gặp cha. Chắc cha đã quên nữ hầu tước của cha rồi, còn con thì không lúc nào là không tưởng tượng ra mình được sống trong tu viện thiêng liêng này. Ở tu viện của cha thật là tuyệt diệu, thưa cha tôn kính.
Cách xa với cuộc đời trần tục, ở chốn thâm nghiêm này có một cái gì đó đặc biệt lôi cuốn mà con cảm thấy được bằng cả tâm hồn mình tuy không nói sao ra lời được. Gương mặt nữ hầu tước ửng đỏ, mắt nàng rơm rớm. Nàng nói liền một thôi, giọng say sưa, và vị giám mục, một ông già bảy mươi tuổi, vẻ mặt nghiêm nghị, xấu xí thì rụt rè đứng im, chỉ chốc chốc mới lại nói mấy tiếng nhát gừng theo kiểu nhà binh:
— Đúng thế, thưa bà... Vâng, tôi hiểu...
— Bà đến chơi với chúng tôi có được lâu không ạ? — Vị giám mục hỏi.
— Hôm nay con sẽ ngủ lại đây, ngày mai thì lên chỗ bà Kláp-đi-a Nhi-ka-lai-ép-na — đã lâu con không được gặp bà ấy, ngày kia con lại trở về đây chừng ba, bốn hôm. Con muốn được tĩnh tâm ở chốn này ít ngày, thưa cha đáng kính!..
Nữ hầu tước thích đến tu viện N. Từ hai năm nay, nàng thích lui tới chốn này, hầu như tháng hè nào nàng cũng đến đây, ở lại chừng hai, ba ngày, có khi đến một tuần. Những học sinh rụt rè, vẻ tĩnh mịch, mái trần thâm thấp, mùi cây trắc bá, những bữa ăn thanh đạm, những tấm rèm cửa rẻ tiền — tất cả những cái đó làm cho nàng cảm thấy trong lòng lâng lâng, dìu dịu, thích ngắm cảnh trời đất và nghĩ tới điều thiện. Chỉ cần ở tu viện nửa tiếng đồng hồ là nàng đã bắt đầu có cảm giác rằng chính mình trở nên rụt rè, khiêm nhường, từ người nàng như cũng toát ra mùi hương cây trắc bá; quá khứ lùi về đâu xa lắc, không còn nghĩa lý gì nữa, và nữ hầu tước bắt đầu nghĩ rằng, mặc dầu nàng mới hai mươi chín tuổi, nàng vẫn giống vị linh mục già kia, cũng sinh ra không phải để hưởng giàu sang, để hưởng yêu đương và danh vọng nơi trần tục, mà để sống một cuộc đời lặng lẽ xa cách với thế giới bên ngoài, âm thầm tối tăm như những căn buồng trong tu viện...
Trong căn buồng mờ mờ tối của người tu sĩ ăn chay đang mê mải đọc kinh, có khi bất chợt rọi đến một tia nắng mặt trời, hay một con chim nhỏ nào bỗng đậu vào cửa sổ và cất tiếng hót; người tu sĩ ăn chay kia chắc sẽ bất giác mỉm cười, và trong trái tim nhà tu hành, từ trong nỗi lo âu về tội lỗi, như từ dưới một tảng đá đang đè nặng, bỗng tràn lên một niềm vui lặng lẽ trong trắng. Nữ hầu tước cảm thấy như chính nàng đã đem theo tới chốn này một niềm an ủi giống như tia nắng hay tiếng chim hót ngoài cửa sổ kia. Nụ cười tươi vui niềm nở của nàng, ánh mắt nhìn dịu dàng, giọng nói, câu đùa, và tất cả con người nàng, nhỏ nhắn, cân đối trong chiếc áo màu đen giản dị, chắc chắn cũng gợi cho những tu sĩ bình thường khắc khổ ấy một niềm vui nhè nhẹ và thiết tha. Mỗi tu sĩ nhìn lên nàng chắc đều phải nghĩ rằng: "Chúa đã phái tới cho chúng ta một thiên thần"!.. Cảm thấy rằng mỗi người tu sĩ đều đang nghĩ như thế, nữ hầu tước càng cố mỉm cười cho có vẻ niềm nở hơn, cố làm cho mình giống con chim hót ngoài cửa sổ.
Uống một chút nước chè và nghỉ một chút, nàng bước ra ngoài đi dạo. Mặt trời đã lặn. Trong vườn tu viện, những bông hoa mộc tê thảo vừa được tưới tỏa hương thơm ngào ngạt, từ phía nhà thờ vọng lại những giọng nam hát xa xa có lẽ là buồn buồn, êm dịu. Họ đang làm lễ cầu kinh buổi tối. Từ ánh đèn dầu le lói qua những khung cửa sổ sẫm tối đến hình dáng của người tu sĩ già ngồi trên bậc thềm nhà thờ, gần bên tượng Chúa xin của bố thí, toát ra một vẻ gì thật thanh cao, yên tĩnh, đến nỗi nữ hầu tước cảm thấy mình muốn khóc...
Phía ngoài cổng lớn, trên con đường men theo bờ tường và những hàng cây bạch dương, nơi đặt những chiếc ghế bành dài, bóng tối đã phủ xuống. Không gian tối đi rất nhanh... Nữ hầu tước đi dạo trên con đường nằm giữa hai hàng cây, ngồi xuống ghế và miên man suy nghĩ.
Nàng nghĩ rằng tốt hơn hết có lẽ là nên dọn đến sống suốt đời ở tu viện này, nơi cuộc sống thật bình yên, lặng lẽ như một buổi chiều hè, tốt hơn hết là quên hẳn người chồng bội bạc, sa đoạ, quên hẳn cái gia tài nguy nga đồ sộ, quên hẳn những tên chủ nợ ngày nào cũng quấy rầy nàng, quên những điều bất hạnh của mình và quên hẳn cả đứa hầu gái Đa-sa mà sáng hôm nay vẻ mặt trông thật dữ tợn. Thật là khoan khoái biết bao nếu nàng có thể ngồi lại chiếc ghế này suốt đời nhìn qua những hàng cây bạch dương và thấy sương chiều nhè nhẹ bay dưới chân đồi từ phía cánh rừng xa tít tắp đàn quạ nhịp nhàng bay về tổ như một dải khăn voan, và hai học sinh, một người cưỡi con ngựa khoang, một người chạy bộ, cả hai đang xua đàn ngựa ăn đêm — vui thú với cảnh trời khoáng đãng, cả hai người cùng đùa giỡn như trẻ thơ; giọng nói trẻ trung của họ vang đi khắp khoảng không gian tĩnh mịch, nghe rõ từng tiếng một. Thật là khoan khoái biết bao, khi ngồi đây và lắng nghe tiếng gió nhè nhẹ thổi lao xao trên những ngọn bạch dương, tiếng ếch nhái nhẩy lạo xạo trong đám lá khô, tiếng đồng hồ sau bức tường kia chốc chốc lại điểm mười lăm phút... Giá như được ngồi yên ở đây, lắng nghe và suy nghĩ, suy nghĩ miên man...
Một bà lão vai đeo chiếc túi đi qua. Nữ hầu tước nghĩ rằng, có lẽ nên mời bà lão dừng lại, nói với bà một điều gì thật chân tình, dịu dàng và giúp đỡ bà...
Nhưng bà lão không hề quay nhìn nàng một lần nào và rẽ quặt sau bờ tường.
Một lát sau, trên con đường ấy xuất hiện một người đàn ông cao, chòm râu bạc trắng, đầu đội mũ rơm. Đi ngang qua chỗ nữ hầu tước ngồi, người đó ngả mũ, cúi chào nàng; nhìn vào mái tóc hói, cái mũi cao khoằm khoằm của người đàn ông nàng nhận ra đó là thầy thuốc Mi-kha-in I-va-nô-vích, người trước đây năm năm đã từng làm việc trong nhà nàng ở Đu-bốp-ki. Nàng nhớ lại có người nào đã nói cho nàng biết rằng năm ngoái vợ ông thầy thuốc này đã chết và nàng muốn nói với ông ta một lời an ủi.
— Thưa bác sĩ, ông, chắc là, không còn nhận ra tôi? — Nàng hỏi, miệng cười niềm nở.
— Không đâu, thưa bà hầu tước, tôi vẫn nhận ra bà. — Người thầy thuốc nói, lại ngả mũ một lần nữa.
— Ồ, thế thì cảm ơn ông, tôi lại cứ ngờ rằng, ông đã quên mất người nữ hầu tước xưa rồi. Con người ta thường chỉ nhớ những kẻ thù của mình, còn bạn bè thì hay quên mất. Ông đến đây cầu nguyện ư?
— Tối thứ bảy nào tôi cũng có bổn phận đến ngủ ở đây. Tôi chữa bệnh ở đây.
— Thế nào, dạo này ông sống ra sao? — Nữ hầu tước vừa thở dài vừa hỏi. — Tôi nghe nói vợ ông vừa mới mất, thật là đau khổ.
— Vâng, thưa bà, đối với tôi đó là một nỗi đau khổ lớn.
— Biết làm thế nào được. Chúng ta phải an phận mà chịu đựng những điều bất hạnh. Không có ý Chúa thì đến sợi tóc cũng không thể rụng được.
— Vâng, thưa hầu tước.
Đáp lại nụ cười niềm nở dịu dàng và tiếng thở dài ra chiều thông cảm của nữ hầu tước, người thầy thuốc chỉ nói lạnh lùng, khô khan "Vâng, thưa hầu tước". Và nét mặt của ông cũng lạnh lùng khô khan như vậy.
"Có thể nói với ông ấy điều gì nữa?" — Nữ hầu tước nghĩ thầm.
— Này, mà chúng ta đã bao lâu không gặp nhau rồi nhỉ? — Nàng hỏi. — Năm năm rồi. Trong khoảng thời gian ấy, bao nhiêu nước đã trôi ra biển, bao nhiêu sự đổi thay đã xảy ra, chỉ thoáng nghĩ tới thôi cũng đã thấy thật là khủng khiếp. Chắc ông biết đấy, tôi đã đi lấy chồng... từ bá tước trở thành hầu tước. Và cũng đã ly dị với ông ta rồi.
— Vâng, tôi có nghe nói.
— Chúa bắt tôi phải chịu nhiều thử thách. Chắc ông cũng đã nghe thấy rằng tôi hầu như bị phá sản. Để trả những món nợ của người chồng bất hạnh, tôi phải bán mấy trang ấp ở Đu-bốp-ki, ở Ki-ri-a-kô-vơ và Xô-phi-nô. Bây giờ tôi chỉ còn trang ấp ở Ba-ran-nô-vơ và Mi-khan-txe-vơ. Nhìn lại quá khứ thật là khủng khiếp: biết bao đổi thay, bao nhiêu điều bất hạnh, bao nhiêu lầm lỗi!
— Vâng, thưa hầu tước, nhiều lầm lỗi.
Nữ hầu tước hơi bối rối một chút. Nàng biết rõ những lỗi lầm của mình; nhưng tất cả những lỗi lầm ấy đều riêng tư đến mức chỉ một mình nàng mới có thể nghĩ và nói đến chúng. Nàng không nén được, bèn hỏi luôn:
— Ông nghĩ đến những lỗi lầm nào vậy?
— Bà đã nhắc đến, chắc bà cũng đã biết... — Người thầy thuốc trả lời và cười khẩy. — Còn biết nói thế nào nữa?
— Không, ông ạ, ông cứ nói đi. Tôi sẽ rất biết ơn ông, xin ông đừng e ngại điều gì. Tôi thích nghe lời nói thẳng.
— Thưa nữ hầu tước, tôi không phải là quan tòa.
— Không phải quan tòa ư? Ông nói giọng như thế chắc là ông biết nhiều điều. Ông cứ nói đi.
— Nếu bà đã muốn nghe, thì xin cho phép tôi nói. Chỉ tiếc rằng tôi không biết diễn đạt rõ ràng và không phải bao giờ người ta cũng hiểu được tôi.
Người thầy thuốc nghĩ một lát rồi bắt đầu nói.
— Lỗi lầm thì có nhiều, nhưng có thể nói rằng, theo ý riêng tôi, lỗi lầm lớn nhất là ở cái không khí chung, cái không khí bao trùm chung... tất cả trang ấp của bà. Bà thấy đấy, tôi không biết cách diễn đạt. Tôi muốn nói rằng điều chủ yếu nhất là cái thái độ thù ghét, thái độ hắt hủi con người có thể thấy rõ ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Tất cả lối sống trong trang ấp của bà là dựa trên cái thái độ thù ghét hắt hủi đó. Thù ghét với giọng nói, gương mặt con người, thù ghét khi phải nhìn gáy họ, nhìn bước chân họ... nói gọn là ghê tởm tất cả những gì tạo nên con người. Trong các ngôi nhà của bà, trên tất cả mọi cửa ra vào, mọi lối lên cầu thang đều có những người hầu mặc áo đính dải bạc, vẻ mặt no nê, lỗ mãng, lười nhác đứng chực sẵn không để cho người nào ăn mặc tồi tàn bước vào; ở nhà ngoài thì bao giờ cũng đặt những cái ghế có tựa rất cao để trong lúc dạ hội khiêu vũ hay tiệc tùng, bọn người hầu không tựa đầu làm bẩn những tường nhà; trong mọi căn phòng đều có trải những tấm thảm dày để khỏi phải nghe thấy tiếng chân người; bất kỳ người nào đến nhà bà cũng bắt buộc được nhắc trước rằng phải nói nhỏ hơn, ít hơn và không nói ra những gì có thể làm ảnh hưởng xấu đối với thần kinh của chủ nhân. Còn trong phòng làm việc của bà, thì không bao giờ người ta chìa tay ra với ai, không bao giờ người ta mời ngồi, như lúc này đây bà cũng không hề chìa tay và mời tôi ngồi...
— Xin mời ông, nếu ông muốn thế. — Nữ hầu tước nói, tay chìa ra và mỉm cười. — Quả thực, tức giận vì điều nhỏ nhặt thế...
— Tôi tức giận thật ư? — Người thầy thuốc cười vang, nhưng liền đó ông bỗng cầm lấy mũ hoa hoa lên và chuyển giọng nói say sưa: — Nói thẳng ra rằng, từ lâu tôi đã chờ dịp nói với bà tất cả mọi điều... Tôi muốn nói rằng đối với bất cứ ai, bà cũng nhìn người ta như bà là Na-pô-lê-ông, nghĩa là con người ta như đống thịt cho đại bác bắn vào. Nhưng Na-pô-lê-ông còn có một tư tưởng nào đó, chứ bà thì chẳng có gì khác ngoài thái độ thù ghét con người...
— Tôi mà thù ghét con người ư? — Nữ hầu tước mỉm cười nói, kinh ngạc nhún vai. — Tôi mà thế ư?
— Vâng, đúng là bà như thế. Bà cần có dẫn chứng ư? Thì đây, ở trang ấp Mi-khan-txe-vơ của bà bây giờ có ba người ăn mày trước kia làm đầu bếp cho bà rồi bị mù vì hơi nóng bếp lò. Trên khắp miền đất đai rộng hàng chục nghìn đê-xi-a-chin-na của bà, tất cả những thanh niên lực lưỡng, trẻ đẹp nhất được bà và những kẻ nịnh bợ sống nhờ bà lấy về làm kẻ hầu hạ, kẻ đánh xe. Tất cả những thanh niên ấy đều được dạy dỗ thành kẻ hầu hạ, dần biến thành giống vật hai chân, thô lỗ, cục cằn, mất hết tính cách con người, nói chung... bà làm cho bao nhiêu người thầy thuốc trẻ tuổi, bao nhiêu nhà giáo, nhà nông học và nói chung là những người trí thức phải lìa bỏ công việc nghiên cứu lương thiện của mình, bắt họ phải vì miếng ăn mà tham dự vào những tấn hài kịch kinh khủng, mà bất cứ người đứng đắn nào cũng cảm thấy xấu hổ! Một người trẻ tuổi nào đấy chỉ cần làm việc cho bà chưa đầy ba năm là đã trở thành một kẻ đạo đức giả, ưa ton hót, nịnh nọt... Điều đó có gì là hay ho? Những tên quản gia người Ba Lan của bà là những kẻ chuyên nghề dò xét bỉ ổi, cái bọn Ka-di-mir và Ka-e-tan ấy sục sạo suốt từ sáng đến đêm tất cả miền đất rộng hàng vạn đê-xi-a-chin-na của bà và theo ý muốn của bà luôn luôn chỉ bóc lột thôi. Bà cho phép, tôi nói một cách lộn xộn, nhưng thế không sao đâu! Bà không bao giờ coi những kẻ nghèo hèn là con người cả. Và cả những vị bá tước, hầu tước, những giám mục đến chơi với bà, bà cũng chỉ coi là những vật trang trí, đâu phải là những con người. Nhưng điều chủ yếu nhất... điều chủ yếu nhất làm tôi công phẫn hơn cả là — bà có một gia sản trị giá hơn bạc triệu mà không hề làm gì ích lợi cho mọi người, không hề làm gì!
Nữ hầu tước ngồi nghe vừa ngạc nhiên, sợ hãi, tức giận, vừa không biết phải nói thế nào và tỏ thái độ ra sao. Từ trước đến nay chưa từng có ai nói với nàng bằng giọng như vậy. Giọng nói đầy giận dữ, khó chịu của người thầy thuốc và những lời nói khó nhọc vụng về của ông làm tai nàng ù lên, và lập tức nàng có cảm giác như là người thầy thuốc đang hoa hoa tay vung mũ đập vào đầu mình.
— Không đúng đâu! — Nàng nói nhỏ, giọng như van lơn. — Tôi đã làm nhiều điều tốt lành đối với mọi người, điều đó chắc ông cũng biết.
— Thôi đủ rồi! — Người thầy thuốc kêu lên. — Lẽ nào bà vẫn tiếp tục coi những hành động từ thiện của bà là một công việc nghiêm chỉnh đầy ích lợi, chứ không phải là một tấn hài kịch sao? Đó chỉ là một tấn hài kịch từ đầu đến cuối, đó chỉ là một trò chơi tỏ tình yêu với người khác, một trò chơi hoàn toàn, đến trẻ con, đến các bà u mê nhất cũng nhận thấy! Cứ thử lấy ví dụ như cái nhà — cái ấy gọi thế nào nhỉ? — nhà làm phúc dành cho những bà lão tứ cố vô thân, mà bà đã từng bắt tôi đóng vai thầy thuốc trưởng còn bà thì tự nhận là người đỡ đầu danh dự. Trời, thật khó mà tưởng tượng được cái ngôi nhà từ thiện ấy khủng khiếp như thế nào. Người ta đã dựng lên một ngôi nhà có sàn lát ván, trên mái cắm mũi tên nhỏ quay chỉ chiều gió, tập hợp trong mấy làng được chừng mười bà già rồi bắt họ ngủ, đắp chăn cào bông lót vải lanh Hà Lan và ăn kẹo đường phèn.
Người thầy thuốc cười sằng sặc lấy mũ che miệng, ông nói tiếp, giọng nói vội vàng, khó nhọc:
— Quả là một trò chơi. Những kẻ bần tiện mà bà đã sai phục dịch các bà lão đó đã đem giấu chăn chiếu vào một buồng rồi khóa lại, để các bà già khỏi làm bẩn chúng — mặc kệ mấy mụ già cho họ nằm xuống sàn nhà mà ngủ. Các bà lão không ai dám ngồi trên giường, dám mặc áo họ phát cho, dám đi lại trên nền nhà bóng nhẵn. Tất cả mọi thứ đều được duy trì chỉ để trưng bày, phô trương và giấu không cho các bà lão thấy như giấu những tên ăn trộm; các bà lão đã cam chịu âm thầm sống như vậy; ngày đêm cầu nguyện Chúa mau mau giải thoát họ ra khỏi cảnh cầm tù này, giải thoát họ khỏi sự dạy dỗ của những kẻ bần tiện no nê mà bà đã cắt đặt đến trông nom họ. Thế còn những kẻ khác trong tay bà cai quản thì làm gì? Ô, điều đó thì thật là kỳ lạ! Cứ hàng tuần, hai lần vào buổi tối, bà sai người tùy phái đến báo khắp nơi là ngày mai nữ hầu tước, tức là bà, sẽ đến thăm nhà làm phúc. Điều đó có nghĩa là ngày mai tôi cần phải bỏ những người bệnh lại, đóng bộ chỉnh tề và đi dự lễ đón rước bà. Thôi được rồi, tôi đến nơi đó. Các bà lão đều mặc xống áo mới tinh tươm, sạch sẽ và đứng thành hàng chờ đợi. Lão quản gia vốn là một tên lính què giải ngũ đi đi lại lại bên cạnh họ, miệng mỉm cười đầy vẻ nịnh nọt, hèn hạ. Các bà lão ngán ngẩm ngáp dài, liếc nhìn nhau, nhưng không một ai dám kêu ca.
Tất cả mọi người chờ. Mới đầu một viên tiểu quản gia cưỡi ngựa đến. Chừng nửa giờ sau viên chánh quản gia đến, tiếp đấy là viên tổng quản gia thực phẩm, rồi những ông gỉ ông gì đến nữa... đông vô kể. Vẻ mặt ai ai cũng bí ẩn, nghiêm trang. Mọi người cứ thế đứng chờ, đứng chờ, luôn luôn đổi chân cho đỡ mỏi, chốc chốc lại liếc nhìn đồng hồ — tất cả những việc ấy diễn ra im phăng phắc như ở trong nhà mồ, vì tất cả mọi người chúng tôi đều ghét nhau và coi nhau như kẻ thù. Một giờ, hai giờ trôi qua, và cuối cùng một cỗ xe hiện ra từ đằng xa, và... và...
Người thầy thuốc cười khe khẽ và nói bằng một giọng nhỏ nhẹ:
— Bà bước xuống xe, và tất cả cái đám gia nô yêu quái của bà theo sự điều khiển của viên quản gia đồng thanh cất tiếng hát: "Chúa của chúng ta nổi tiếng ở vương quốc của Người đến nỗi chúng con không nói lên lời..." Nghe cũng được đấy nhỉ?
Người thầy thuốc cất giọng cười ồm ồm, hất tay như ra hiệu rằng vì buồn cười quá mà ông không thể nói tiếp được lời nào. Ông cười khó nhọc, hàm răng nghiến chặt như một kẻ tàn nhẫn, qua giọng nói, vẻ mặt, ánh mắt hơi dữ tợn của ông cũng có thể hiểu được rằng ông đã khinh bỉ sâu xa cả bà hầu tước, cả ngôi nhà làm phúc và cả các bà lão. Trong tất cả những điều ông vừa kể một cách vụng về, thô thiển đó, không có một chút gì là vui vẻ, đáng buồn cười cả, nhưng ông vẫn cười vang với vẻ thú vị và sung sướng nữa là đằng khác.
— Còn trường học thì thế nào? — Ông nói tiếp, thở khó nhọc vì cười nhiều. — Bà còn nhớ không? Chính bà đã muốn tự mình dạy trẻ con nông dân học. Chắc bà đã dạy hay lắm, vì rằng chỉ ít lâu sau tất cả bọn trẻ con đều bỏ chạy ráo, nên sau đó phải đánh đập chúng, bỏ tiền ra thuê chúng đến cho bà dạy. Bà còn nhớ rằng bà đã từng muốn tự tay mình cầm chai sữa cho trẻ thơ bú, lúc mẹ chúng phải làm việc ngoài đồng không? Bà đã đi khắp làng và khóc vì tiếc rằng không có một đứa bé nào để bà rủ lòng thương theo lối đó. Tất cả các bà mẹ đều mang theo con nhỏ của mình ra đồng. Sau đó viên trưởng thôn phải ra lệnh cho tất cả các bà mẹ lần lượt để con nhỏ lại cho bà giải trí. Thật là kỳ quặc! Tất cả mọi người đều tránh xa lòng từ thiện của bà như chuột tránh mèo! Vì sao lại thế? Thật là dễ hiểu. Không phải vì rằng dân chúng ở đây u mê và vô ơn như bà vẫn thường giải thích, mà vì rằng trong tất cả những trò giải trí của bà, xin lỗi bà vì đã dùng chữ như vậy, không có lấy một chút tình thương, một chút lòng thành nào, mong cứu giúp mọi người! Chỉ có một ý muốn duy nhất là muốn được chơi những con búp bê sống, không có gì khác hơn... Ai không biết phân biệt những con người với những con chó nhỏ thì người đó không nên can dự vào những công việc từ thiện. Tôi xin cam đoan với bà rằng, giữa những con người và những con chó nhỏ — là cả một sự khác biệt to lớn.
Nữ hầu tước cảm thấy tim mình đập mạnh khủng khiếp, tai ù lên, nàng vẫn có cảm giác rằng người thầy thuốc đang quật mũ vào đầu mình. Người thầy thuốc tiếp tục nới với giọng sôi nổi, vội vã, khó nhọc, lời nào cũng kèm theo điệu bộ. Nữ hầu tước chỉ có thể hiểu được một điều rằng người đang nói với nàng là một kẻ lỗ mãng, vô giáo dục, độc ác, vô ơn, còn người đó nói những gì, muốn đòi hỏi ở nàng cái gì — thì nàng hoàn toàn không hiểu.
— Thôi, ông đi đi! — Nàng nói với giọng gần như khóc, hai bàn tay giơ lên như muốn che đầu mình để khỏi bị chiếc mũ của người thầy thuốc đập vào. — Ông đi đi cho!
— Đối với những kẻ phục dịch trong nhà, bà đã đối xử thế nào? — thầy thuốc giận dữ nói tiếp. — Bà đã không coi họ là người, bà đã khinh miệt họ như thể họ là những kẻ đểu giả, ty tiện nhất. Chẳng hạn như, xin được hỏi bà rằng, vì lý do gì bà đã đuổi tôi ra? Tôi đã từng phục dịch cha bà mười năm rồi tiếp đấy là đến bà, nói thật là suốt bấy nhiêu năm ấy, tôi không hề biết ngày lễ, kỳ nghỉ nào, trong khắp một vùng rộng cả trăm véc-xta ai ai cũng mến tôi, thế rồi đến một ngày kia, bỗng nhiên người ta bảo tôi rằng tôi không làm ở đây được nữa. Vì lẽ gì? Đến giờ tôi cũng không hiểu! Tôi, một bác sĩ y khoa, một người quí tộc, sinh viên Đại học tổng hợp Mát-xcơ-va, người cha trong một gia đình, một kẻ hèn mọn đến mức người ta có thể tóm cổ đuổi đi mà không cần giải thích lý do! Việc gì phải tỏ thái độ lịch thiệp đối với tôi nhỉ? Sau này tôi nghe người ta nói lại rằng, vợ tôi đã giấu tôi ba lần đến nhà bà để xin cho tôi và cả ba lần bà đều không tiếp. Người ta kể rằng, vợ tôi đã phải ngồi khóc ở nhà ngoài. Tôi không bao giờ tha thứ cho cô ấy, người đã quá cố! Không bao giờ!
Người thầy thuốc ngừng nói, mím chặt môi, căng óc cố nghĩ xem có thể nói gì thêm thật độc địa, cho hả mối thù xưa. Ông chợt nhớ ra điều gì, khuôn mặt rầu rầu, lạnh lùng của ông bỗng sáng lên:
— Hãy thử xem thái độ của bà đối với tu viện này như thế nào? — Ông lại vội vã nói tiếp. — Không bao giờ bà xót thương một ai, chỗ nào càng thiêng liêng bao nhiêu thì chỗ ấy càng có nhiều khả năng may mắn được bà ra tay cứu giúp, phù hộ độ trì. Bà hay đến chỗ này để làm gì vậy? Xin được hỏi bà rằng bà cần cái gì ở những nhà tu hành này? Với bà Ghê-ku-ba là cái gì, bà là cái gì với Ghê-ku-ba? Lại vẫn chỉ là một trò chơi, trò giải trí, sự khinh miệt đối với con người, không hơn không kém. Bà có tin vào Chúa của các vị tu hành đâu, trong lòng bà có một Chúa riêng mà bà đã tự tìm ra trong khi nghiên cứu thuyết thông linh; đối với mọi nghi lễ nhà thờ bà kênh kiệu, rẻ rúng, bà không hề đi lễ sáng, lễ tối, bà ngủ đến trưa mới dậy... vậy thì bà còn đến đây để làm gì?.. Bà có vị Chúa riêng của mình mà còn đến tu viện thờ một Chúa khác, rồi bà lại tự nghĩ rằng, cả tu viện sẽ coi đó là một điều vinh dự phi thường đối với mình! Thật là quá quắt! Bà cứ thử hỏi xem, các tu sĩ phải bận rộn thế nào mỗi khi bà hạ cố đến đây. Bà đến đây chiều tối hôm nay thì trước đây ba hôm bà đã sai người cưỡi ngựa đến báo trước rằng bà sắp tới thăm. Suốt cả ngày hôm qua, mọi người đã phải sửa soạn buồng cho bà và chờ đợi đón bà. Ngày hôm nay con hầu đến trước, nó nhâng nhâng nháo nháo, chỗ nào cũng sục vào vặn vẹo hỏi han... thật không thể nào chịu được! Cả ngày hôm nay, các tu sĩ đều phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng. Vì nếu họ không đón tiếp bà một cách long trọng thì khốn to! Bà sẽ than phiền với vị giám mục: "Thưa đức cha, các tu sĩ họ không mến con. Không biết con đã làm gì mà họ giận. Con biết con là một kẻ mắc nhiều lỗi lầm, nhưng con bất hạnh lắm!" Đã có tu viện bị khiển trách vì bà rồi đấy. Vị giám mục tổng quản tu viện là một người học vấn uyên thâm, ông ta bận việc suốt ngày, không có phút nào rỗi rãi, thế mà bà còn đòi ông ta đến buồng bà hỏi thăm. Thật là không còn biết kính trọng gì đến tuổi tác, đến chức vị nữa. Nếu bà đã hiến nhiều của, thì cũng không phải trách móc bà nhiều, nhưng đằng này suốt cả thời gian ấy, tu sĩ ấy không nhận được của bà đến trăm rúp.
Khi có người nào không hiểu nữ hầu tước, làm nàng phải lo âu, giận dỗi, khi nàng không biết phải nói gì, hay làm gì thì thường là nàng bắt đầu khóc. Và bây giờ, cuối cùng, nàng cũng đã che mặt òa lên khóc thút thít như đứa trẻ. Người thầy thuốc bỗng im bặt và nhìn lên nàng. Khuôn mặt ông bỗng tối sầm lại và trở nên cau có.
— Tha lỗi cho tôi, thưa nữ hầu tước, — ông nói với giọng khô khốc. — Tôi không kìm được lòng tức giận và đã nói nhiều lời bất lịch sự với bà. Điều đó là không nên.
Người thầy thuốc ngượng ngừng, húng hắng ho, rồi vội vàng bỏ đi, quên cả đội mũ.
Sao đã lốm đốm hiện ra trên bầu trời. Phía bên kia tu viện, chắc trăng đã mọc. Phía ấy, bầu trời trong suốt dìu dịu sáng. Dọc bên bờ tường tu viện màu trăng trắng, những con dơi lặng lẽ chao đi chao lại.
Đồng hồ thong thả điểm ba tiếng, có lẽ đã 8 giờ 45 phút rồi. Nữ hầu tước đứng dậy và đi về phía cổng.
Nàng cảm thấy bị xúc phạm, nàng khóc và có cảm giác rằng hình như từ cây cối, trăng sao, đến những con dơi cũng đang thương cảm nàng; tiếng đồng hồ thánh thót điểm cũng là để tỏ nỗi xót thương nàng.
Nàng khóc và nghĩ rằng có lẽ tốt hơn hết là nàng đến đây ở suốt đời. Vào những buổi chiều hè êm ả, nàng sẽ đi dạo một mình trên con đường vắng vẻ này, mọi người xúc phạm, hắt hủi nàng, không hiểu nàng, chỉ có một mình Chúa và bầu trời cao xa kia nhìn thấy những giọt nước mắt của người con gái bất hạnh.
Trong nhà thờ, lễ cầu kinh vẫn tiếp tục. Nữ hầu tước dừng lại và lắng nghe tiếng hát trầm trầm vọng lại, tiếng hát ấy nghe thật quyến luyến êm đềm biết bao giữa khoảng không gian sẫm tối, tĩnh mịch này. Và thật là ngọt ngào biết bao, khi được khóc, được đau khổ trong tiếng hát ấy.
Trở về buồng riêng trong tu viện, nàng nhìn lên mặt mình còn đẫm nước mắt trong gương, xoa ít phấn kem rồi ngồi vào bàn ăn bữa tối. Các tu sĩ đã biết tính nàng thích ăn món cá tầm ngâm giấm, nấm hương, rượu nho và bánh bích qui phết mật ong — ăn thứ bánh này, miệng thơm thơm mùi hương cây trắc bá; lần nào nàng đến đây, họ đều dọn cho nàng ăn các món này. Lúc ăn nấm hương nhấm với rượu nho, nàng mơ ước đến ngày nàng sẽ bị hoàn toàn phá sản và bị bỏ rơi, tất cả bọn hầu hạ, quản gia mà nàng đã cho chịu ơn rất nhiều sẽ phản bội nàng, sẽ nói với nàng những điều cục cằn, thô lỗ, tất cả mọi người sống trên trái đất này sẽ công kích, giễu cợt nàng, nói với nàng những lời độc địa; lúc ấy nàng sẽ từ bỏ tước vị hầu tước, từ bỏ cảnh phồn hoa, bỏ bạn bè mà đi vào tu viện, không hề trách móc ai một lời nào hết; nàng sẽ cầu nguyện cho chính kẻ thù của mình, và lúc ấy mọi người chợt hiểu tấm lòng thành của nàng, sẽ đến bên nàng xin tha thứ, nhưng đã muộn mất rồi...
Sau bữa ăn, nàng quì xuống bên tấm ảnh Chúa đặt trong góc phòng và đọc hai chương trong Phúc Âm.
Sau đấy, con hầu vào sửa soạn chăn đệm cho nàng và nàng lên giường ngủ. Duỗi thẳng mình dưới tấm chăn màu trắng, nàng thở phào khoan khoái như vẫn thường thấy ở nhiều người khi mới hết khóc, nàng nhắm mắt lại và dần dần thiêm thiếp ngủ...
Sáng hôm sau nàng tỉnh dậy và nhìn lên đồng hồ đeo tay nhỏ của mình: đã chín giờ rưỡi rồi. Qua khe cửa sổ, một vệt sáng lọt vào căn phòng tôi tối và in lên tấm thảm trải cạnh giường. Phía bên ngoài rèm cửa sổ màu đen, nghe vo ve tiếng ruồi bay.
"Còn sớm quá!" — Nữ hầu tước nghĩ thầm và nhắm mắt lại. Khoan khoái nằm trong chăn đệm thơm tho, mềm mại, nàng nhớ lại lần gặp gỡ hôm qua với người thầy thuốc, nhớ lại những ý nghĩ đã đến với nàng tối hôm qua, trước khi nàng đi ngủ; nàng nhớ lại rằng mình thật bất hạnh. Tiếp đó nàng nhớ đến người chồng đang sống ở Pê-téc-bua, những viên quản gia, thầy thuốc, láng giềng, những viên chức quen biết...
Cả một dãy dài những gương mặt đàn ông quen thuộc hiện ra trong trí tưởng tượng của nàng. Nàng mỉm cười và nghĩ rằng, nếu tất cả những người ấy có thể hiểu thấu lòng nàng thì chắc họ sẽ quì xuống bên chân nàng...
Vào lúc 11 giờ 15 phút nàng gọi con hầu lên.
— Đa-sa, sửa soạn áo xống cho ta, — nàng uể oải nói. — Nhưng mà trước tiên hãy đi báo thắng ngựa vào xe. Lát nữa ta phải đến chỗ bà Kláp-đi-a Nhi-ka-lai-ép-na.
Từ trong buồng đi ra xe, nàng nheo mắt lại trước ánh nắng chan hòa buổi sáng, nàng khoan khoái mỉm cười, hôm nay thật đẹp trời! Đưa cặp mắt nheo nheo nhìn các tu sĩ đang tụ tập đứng ngoài hiên để tiễn, nàng niềm nở gật đầu chào và nói:
— Tạm biệt, các bạn của tôi! Hẹn ngày kia gặp lại.
Nàng ngạc nhiên một cách thú vị khi thấy bên cạnh các tu sĩ đứng ngoài hiên có cả người thầy thuốc nữa. Vẻ mặt ông trông nhợt nhạt và khắc khổ.
— Thưa hầu tước, — ông vừa nói vừa bỏ mũ xuống và ngượng ngập mỉm cười như người có lỗi, — tôi chờ bà ở đây đã lâu. Xin bà tha lỗi cho... Tôi đã không kìm được lòng ham muốn trả thù nhỏ nhen, hôm qua tôi đã nói với bà nhiều lời... hồ đồ, thô lỗ. Tôi muốn xin bà tha lỗi cho tôi.
Nàng mỉm cười độ lượng và chìa tay ra cho ông. Ông hôn tay nàng, mặt đỏ bừng.
Cố làm ra vẻ giống một con chim, nàng bước nhanh lên xe như nhẹ lướt, và gật đầu chào khắp mọi phía.
Nàng cảm thấy tâm hồn mình thật tươi vui, thanh thoát, ấm áp và nụ cười của mình thật êm dịu, ngọt ngào. Khi cỗ xe ra ngoài cổng, chạy trên con đường đất bụi bên những ngôi nhà gỗ và vườn cây, bên đám dân buôn và dòng người vào tu viện đi lễ, nàng vẫn nheo nheo đôi mắt và mỉm cười hiền dịu. Nàng nghĩ rằng không có gì hạnh phúc hơn là đem đến khắp mọi nơi niềm vui ấm áp, trong sáng, bỏ qua những điều giận dữ, và niềm nở, độ lượng mỉm cười với kẻ thù của mình. Những người nông dân đi ngược chiều cúi xuống chào nàng, bánh xe nhè nhẹ lăn, cuốn lên đám bụi nhỏ theo gió đưa về phía ruộng lúa mạch vàng óng, và nữ hầu tước có cảm giác rằng tấm thân nàng không phải đang đung đưa trên ghế đệm dầy êm của cỗ xe mà đang dập dìu trên mây cao và chính nàng cũng giống như một đám mây bồng bềnh trong suốt...
— Ôi ta thật là hạnh phúc biết bao! — Nàng nhắm mắt lại, thì thầm thốt lên. — Thật hạnh phúc biết bao!

Lập Trình Viên II (37)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

"Bảy Viễn bá đạo nhưng rất trọng nghĩa khí giang hồ, nên chỉ rút súng ngắn, nhè ngay ót tay phát hỏa Hồng-kông nổ luôn một phát."

Tôi bất giác giật mình một cái, khẽ thôi, nhưng thành cử động, — ở chỗ "nổ luôn một phát"; — chú Phiên nhìn tôi, khẽ gật:

— Người ngoài nghe những chuyện này còn không vô cảm, vậy mà tay kỳ bẽo số dách người Sinh... à, — chú nhận thấy vấn đề từ vựng của tôi, — "dách" là "một", phiên âm Quảng Đông... còn "kỳ bẽo" là dân... trong này họ vẫn gọi dân cờ bạc bịp, cậu cứ hiểu là dân cờ cơm bạc gạo... là một cả thôi, đâu có cờ bạc chuyên nghiệp "chân phương" đâu...

— Còn "lão bản", với "xì thẩu" ạ? — Nhân thể tôi vội hỏi, "lão bản" tôi chỉ có khái niệm "mang máng", còn "xì thẩu" thì chỉ có vẻ cũng có hình dung, nhưng chả chắc đúng không.

— Cùng là "ông chủ" cả.

— À chú cứ dùng Tân Gia Ba đi, nghe thích hơn Sinh-ga-po. — Tôi đề xuất luôn.

— Được. Vậy... gã kỳ bẽo người Tân Gia Ba này thua bạc, được bạc, bị ép, bị lôi, coi bộ chết tới đít, rồi tận mắt ngó người trong cuộc như mình bị nổ vỡ ót nằm thẳng cẳng ngay trước mặt, vậy mà y điềm nhiên như không, tự đầu chí cuối tuyệt không một chút xúc cảm nào.

"Dù là thời điểm đó người Tàu và giới hắc đạo Chợ Lớn còn chưa hùng hậu như thời Đệ nhất Cộng Hòa, nhưng họ vẫn luôn là một thế lực không thể xem thường; và một tay cờ bạc chuyên nghiệp thì vốn quen đặt cược vô tất cả mọi thứ; mà khi đã chọn nghề này, thì coi như luôn xác định phải sẵn sàng dám chơi dám chịu; nhưng cô hồn tới như gã này thì hãn hữu, chỉ có thể là hàng cao thủ nhất lưu... "nhất lưu" là "dách lầu", là hạng nhất.

"Còn giang hồ Nam Kỳ ta, về bản chất thì không cô hồn kiểu đó.

"Dân Nam Kỳ vốn sống gần thiên nhiên, mà thiên nhiên thì phì nhiêu, trên cơm dưới cá, hào phóng, hiếu khách. Dân đó đâu có bản tính làm giặc. Vậy nên giang hồ Nam Kỳ, những tay cộm cán nhất, cỡ Ba Dương, Mười Trí, Bảy Viễn, vẫn đều tự ví mình với bọn Tiều Cái, Võ Tòng, Lâm Xung ở Lương Sơn Bạc, là thứ giang hồ bất đắc dĩ, chẳng qua sinh thời nước mất, đồng bào cam phận cu-li, thân nam tử tương lai mờ mịt, bế tắc trước cuộc sống, không biết đi đâu về đâu, mới phải đi cướp..."

Cơ chế nhớ trong đầu tôi tức thì đã tự động tìm ra và dựng ngay lên những khung hình, chi tiết ở mức khái niệm, từ những dữ liệu tìm được, — là một câu chuyện:

"Chiều hè. Hồ Tây. Đường Cổ Ngư. Người thanh niên dáng vẻ văn nhã chia tay với người vợ trẻ, với đứa con gái nhỏ mới năm tháng tuổi được mẹ bế trên tay. Rồi cùng một người bạn, người thanh niên lên Cao Bằng, tìm đường vượt biên sang Trung Quốc, — họ đi tìm đại ca.

"Đại ca họ trước là một thủy thủ tên Văn Ba, làm trên tàu Đô đốc La-thúts Thre-vin-le; đến quãng thời gian sau, lưu lạc ở Quảng Châu, thì lấy tên Lý Thụy; lúc qua Thái Lan thì đổi tên Thầu Chín; rồi về Hương Cảng, ở đấy lại dùng tên Tống Văn Sơ; Tống Văn Sơ sang Mát-xcơ-va đi học bèn thay tên là Lin; học xong, đến lúc về lại Trung Quốc thì Lin đã trở thành Thiếu tá Bát Lộ Quân (Giải phóng quân Trung Quốc) Hồ Quang, — hai người họ đi tìm đại ca, chính là vào quãng thời gian này.

"Năm sau họ về vùng biên giới phía bắc Việt Nam thì dân bản địa lại gọi đại ca họ là Già Thu. Năm sau nữa, Già Thu đi công tác Trung Quốc tiếp, thì trong giấy tờ tùy thân lại ghi "Họ và tên: Hồ Chí Minh".

"Còn tên người thanh niên là Võ Nguyên Giáp, người bạn là Phạm Văn Đồng..."

Ý nghĩ, so với lời nói thì nhanh hơn rất nhiều. Và chắc chỉ ngẫu nhiên, chứ chú Phiên hẳn không có khả năng (tôi thoáng giật mình, nhớ đến ông Giác Ni) đọc được ý nghĩ của tôi, khi chú — đang — tiếp tục câu chuyện của mình:

— Những người cách mạng, Việt Minh, Việt Cộng... bất quá cũng một đám giang hồ thôi, nhưng họ có đường hướng. Vả lại ở ngoải có ông Hồ, ổng là tay kim cổ giang hồ duy hữu nhất. Còn giang hồ trong đây thì xuất phát... e phải nói, thương thay những thế kỷ vắng anh hùng. Không ai cầm nổi thanh gươm nghìn cân ra trận, thì cầm mã tấu hội nhau đi cướp thôi. Về sau có tay, hình như là Mười Trí, còn viết thư, nghe nói bức thư được chuyển tới tận tay ông Hồ, thế này... — Chú Phiên tì nắm tay phải, chỗ ngón cái, lên miệng, nheo mắt, chớp chớp mấy cái, rồi nói theo kiểu đọc. — "Gửi anh Hồ Chí Minh. Thằng em của anh là Mười Trí"... coi là Mười Trí đi, "gửi thư này chúc anh khỏe mạnh. Thằng Bảy Viễn nó đầu Tây rồi, thằng em của anh rất lấy làm buồn vì không ngăn cản được nó. Nhưng thằng em của anh xin hứa chắc với anh là thằng em của anh sẽ tiếp tục kháng chiến cho tới thắng lợi cuối cùng."

Vốn được giáo dục theo trường phái lịch sử "tuyên huấn" nên xuýt tôi đã phì cười với chuyện, và cách nói chuyện, của chú Phiên, may tôi kìm được, — vì chú Phiên xem ra chẳng hề có ý bông phèng.

— Bảy Viễn lúc nhỏ đã bỏ nhà đi bụi, học võ, xăm mình, đánh lộn, xưng anh chị, rồi đi cướp có vũ trang. Loại người đó ghét ai sẽ hành hung chứ không bày mưu hại, muốn lấy tiền ai thì sẽ mang súng tới cướp chứ không tính kế lừa lọc...

Bất giác, tôi đã nhún vai; chú Phiên dừng lại, cứ nhìn tôi; nên tôi đành phải ý kiến thành lời:

— Có thể là hữu dũng...

Tôi chưa hết câu, chú Phiên đã nhắm mắt lại, lắc đầu một cách khẳng định:

— Hữu dõng thì đã hẳn, nhưng Bảy Viễn hai lần bị đày khổ sai Côn Đảo, hai lần đều vượt được ngục về đất liền, đâu phải hạng vô mưu. Có điều mưu ở đây... những chuyện cờ bạc này... thiệt ra nó đâu "giang hồ" chút nào, nó chẳng nghĩa khí chi hết. — Chú Phiên nhún vai. — Đánh bạc chuyên nghiệp, tức là thi thố trình độ lừa đảo thôi, giỏi lừa hơn thì thắng. Ngay Bảy Viễn ban đầu thiệt tình cũng ngại mang tiếng, đâu muốn nhảy ngang cái một vô kinh doanh sòng bài. Vụ này khởi điểm là do một người bạn chí thân đã thuyết phục y.

"Người bạn tên Tư Thiên, tên Tây là Mo-rítx Thiên, một tay tiểu tư sản trí thức, con nhà giàu, lấy vợ Tiều... người Tàu Triều Châu qua đây gọi người Tiều, cũng con nhà giàu. Tư Thiên là tay đa năng hết sức. Là cua-rơ xe đạp nổi tiếng, là cầu thủ đội banh lớn nhất Nam Kỳ, là chủ hãng xích-lô "ngửa" đầu tiên ở Sài Gòn Chợ Lớn (thời đó xích-lô "ngửa" mới bắt đầu thay thế xe kéo đang bị chỉ trích là "người kéo người", thiếu văn minh), là tay buôn lậu vàng và á phiện quốc tế, là gián điệp Phòng Nhì — vụ này thì Pháp buộc y làm, y chỉ tham gia một cách bất đắc dĩ, — và, y còn là một tay cá độ chuyên nghiệp.

"Cả vụ Đại Thế Giới, cả tổng dinh mới của Bình Xuyên ở dạ cầu chữ Y, đều là sáng kiến của Tư Thiên.

"Ai buộc nấy cởi, — vụ "giải quyết trên sới bạc" này, đương nhiên Bảy Viễn giao Tư Thiên.

"Giống với nhiều cư dân ruột của Sài Gòn — Chợ Lớn, Tư Thiên nghiền cà-phê sớm, — cà-phê vỉa hè. Y có bàn quen, tại quán quen, nằm ngay ngã ba trước cổng Đại Thế Giới. Hầu như sớm nào, Tư Thiên cũng tới, cầm theo vài tờ báo. Nhưng đã mấy hôm liền, y vẫn mang báo tới, song chẳng hề động đến.

"Mâu thuẫn bài bạc thì giải quyết trên sới bạc, — sau nửa tháng nữa.

"Thiệt tình mà nói thì sòng nào lâu lâu chẳng phải thù tiếp những con bạc bất đắc dĩ, — thi thoảng có tay cao thủ "giang hồ lỡ bước", cần cầm đỡ chút đỉnh lộ phí. Đã vô thẳng sòng bạc để "cậy nhờ" giang hồ đạo hữu kiểu đó, đương nhiên phải là những tay trên cơ, so với đám cao thủ công nhật tại sòng. Thông thường, gặp phải trường hợp như vậy, dù là dưới hình thức nào — để thua tới độ; hoặc vời vô phòng víp, rồi tế nhị gọi là có chút quà mọn phong bì; nhân cơ hội rỉ tai "đại ca" vài lời ngọt nhạt theo thông lệ, — nói chung các sòng vẫn phải chấp nhận món "lộ phí" này. Vả lại những tay chân tài thực học kia thực tế cũng hiếm khi xử sự một cách quá trớn, không biết điều; hơn nữa số kẻ có bản lãnh như vậy đâu có bao nhiêu.

"Gã Tân Gia Ba này, cao thủ thì phải, nhưng giang hồ lỡ bước thì không, vả nếu có thì khoản "cầm đỡ" cỡ đó e có phần thái quá, nhưng rốt ráo mà nói, với quy mô và nhất là cố sự như Đại Thế Giới, thì một chuyện như vậy cũng không hẳn không thể coi là nhỏ.

"Bảy Viễn cũng đâu coi chuyện này ra gì, nên chỉ định quẳng tay kia xuống hồ cá sấu cho khuất mắt. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, — trong hình dung của một gã kỳ bẽo, và một tên tướng cướp, ở đây rõ ràng có sự khác biệt.

"Thành thử bây giờ chuyện đâm dở ương, — đánh không ra đánh, hòa chẳng ra hòa. Bộ đội Bình Xuyên, vác súng ra trận bắn nhau chết bỏ rồi, giờ lại phải giang hồ cải lương kiểu thủ chẳng giống thủ, xôi chẳng giống xôi, tay chiêu đập niêu như vầy... kỳ hạn nửa tháng, kiếm đâu bây giờ một tay bản lãnh khả dĩ đương cự gã Tân Gia Ba kia; Bảy Viễn thì cục tính, rủi lỡ thành quê cơ trước đám Ba Tàu Chợ Lớn, sẽ còn lớn chuyện thêm tới đâu cũng chưa biết chừng. Tư Thiên lo là phải.

"Về phần gã kỳ bẽo người Tân Gia Ba, thoát khỏi hàm mấy con cá sấu hoa cà của Bảy Viễn, gã về ngụ tại một tiệm thuốc bắc, ngay kế bên Đại Thế Giới. Trước gã không ở đó, và đây có thể coi như là một động thái ra mặt chính thức của thế lực Chợ Lớn. Vì đây là tiệm thuốc lớn nhất khu Chợ Lớn, nhưng lớn thế chứ kể cả lớn nữa, thì cũng chỉ là một tiệm thuốc; có điều chủ tiệm này, dù chỉ là chủ tiệm thuốc, nhưng từ dân biểu, chính khách, tài phiệt, cho tới giang hồ hắc đạo người Hoa ở Chợ Lớn, tất thảy đều kính cẩn gọi ông ta là "Ông Chủ".

"Là tiếng lành hay tiếng dữ thời khó nói, nhưng đồn xa thì quả không sai. Gã Tân Gia Ba về hôm trước, thì ngay hôm sau tiệm thuốc bắt đầu có những vị khách không mời, cũng không có nhu cầu bốc thuốc, ghé thăm.

"Để biết mặt, và chiêm ngưỡng phong thái của "kỳ" nhân; để xem xét, và suy xét; và để lãnh giáo cao chiêu, (với một số hãn hữu đối tượng); — những kẻ ngoại đạo cũng có, nhưng không nhiều, còn đồng đạo, theo ngành dọc, tùy thuộc kỳ nghệ, mà mỗi người tự tới tiệm thuốc với một mục đích khác nhau, nhưng cùng giống nhau ở một chữ "hiếu kỳ".

"Tiệm thuốc bắc thành nơi gã Tân Gia Ba tiếp khách. Tiếng là "tiếp", nhưng khách nào được y tiếp, cũng đều bị lột sạch bách cả, — liên tục trong nhiều ngày cũng chưa hề có ngoại lệ.

"Ngay cả ngoại lệ về độ phức tạp, thế giằng co, hay tính gay cấn cũng không, — dù nghiêm túc, chăm chú, chuyên tâm, tuyệt không một chút "kẻ cả", nhưng những chuyện này với gã Tân Gia Ba mà nói, dễ nhận ra là tương đối đơn giản; rõ ràng đã có sự khác biệt về đẳng cấp.

"Cho nên Tư Thiên càng lúc càng trầm uất.

"Nhiệm vụ chính của Tư Thiên ở cơ quan Phòng Nhì là theo dõi phát hiện cộng sản trong giới người Hoa ở Chợ Lớn, — y là người nhà. Tại tiệm thuốc bắc, y cũng lập tức trở thành một người khách quen, thường xuyên, và với một mục đích ít nhiều đặc biệt so với những người khác, — đặc biệt, và công khai. Thi thoảng, tạm giải lao giữa hai cuộc "làm lông" đối thủ, gã Tân Gia Ba lại tới ngồi nơi bộ bàn ghế cổ, bằng gỗ quý khảm xà cừ, chạm trổ rồng phượng, nhâm nhi tách trà Thiết Quan Âm nóng hổi, nhìn Tư Thiên, nhún vai; Tư Thiên cũng nhún vai, thở dài, rồi đưa mắt nhìn những thân thể người, lục phủ ngũ tạng, kinh mạch, với đồ hình châm cứu, trên những bức vẽ treo khắp các mặt tường tiệm thuốc, nghĩ ngợi mông lung.

"Vì đâu có đường lối, ngoài — thiệt ra là có — một đường lối duy nhất: đánh, và thua.

"Và những hậu quả nhỡn tiền, — công khai ra mặt, giới Ba Tàu Chợ Lớn đương nhiên đã lường trước, và dám đối đầu. Những ngày cuối, vẫn tới tiệm thuốc như đã thành quen, nhưng thiệt ra Tư Thiên đã không còn băn khoăn nữa việc "giải quyết trên sới bạc", mà chủ yếu bắt đầu tập trung tính toán các phương án hậu quả và phác đồ ứng phó.

"Chiều hôm đó, hai ngày trước cuộc hẹn "trên sới bạc", Tư Thiên đang ngồi trầm ngâm nhìn ngắm dãy kỳ huyệt Hoa Đà Giáp Tích được vẽ nhấn dọc theo hai bên một chiếc cột sống to, thì A Chính — gã Tân Gia Ba tên Chính, là người gốc Hoa, nên gọi A Chính — lại tới, nhìn Tư Thiên, và nhún vai; nhưng Tư Thiên còn chưa kịp nở nụ cười buồn bã của người hiểu chuyện, thì đã nghe A Chính nói:

"— Cái nị đưa ngộ qua chỗ... hồi hổm.

"Nhìn vẻ ngơ ngác của Tư Thiên, gã lủng củng diễn đạt:

"— Qua chỗ mà... chỗ những con... — gã chụm bàn tay, úp xuống, uốn uốn — những con cá... à con sấu đó!

"Tư Thiên chợt hiểu, và dù không hiểu, nhưng là tay lịch duyệt, vốn quen với một đời sống có nhiều góc cạnh, y cứ lẳng lặng làm theo lời "anh bạn" A Chính.

"Vậy là lần thứ hai, A Chính lại được chở đi theo lộ trình "Đại Thế Giới — dạ cầu chữ Y", — lần này ngồi một mình một ghế trước, trên chiếc Thrắc-xông màu xanh cánh chả ngả sắc đen của Tư Thiên.

"Suốt dọc đường, mọi cơ chế suy đoán trong bộ máy thần kinh cơ trí của Tư Thiên đều được ngấm ngầm vận động tối đa, nhưng chỉ tới khi A Chính thật sự xáp mặt Bảy Viễn, thì cơ sự mới được làm sáng tỏ.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Tắt đèn, thủ giống thủ, xôi giống xôi

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TẮT ĐÈN, THỦ GIỐNG THỦ, XÔI GIỐNG XÔI

Bóng cây ngã đến gần tường bao lan.
Mặt trời chênh chếch nhòm vào gốc cau vua.
Những con xe máy bị bắt và bị ký giam chỏng gọng nằm dưới ánh nắng, uể oải phơi những nhãn mác đề-can xanh đỏ loang lổ của nhà sản xuất ban cho.
Một lũ đàn bà đeo mặt nạ và đội mũ bảo hiểm chờ nộp phạt và xin tha, lê la ngồi khắp thềm đình.
Đàn chó chui trong gậm đình, chực cướp xương rơi, con nọ cắn con kia í ẳng.
Trên đình ăn uống đã tàn.
Chánh tổng ngậm tăm nằm cạnh chiếc mi-crô không dây, hai mắt lim dim dở ngủ, vẫn dõi theo lời bài hát đang chạy trên màn hình.
Cai lệ ngồi nhổm hai chân giở tới giở lui mấy quyển tên bài hát, cặp môi thâm sịt nhành ra gần tới mang tai.
Cậu lính cơ lấy hết gân guốc trên bộ mặt đỏ gay, ra sức cầm cái điều khiển nhấp nhấp, bấm những số bài hát mà cai lệ đọc, xếp tiếp bài vào hàng chờ trên máy ka-ra-ô-kê.
Mấy ông hương trưởng, tộc biểu, trương tuần xúm quanh đĩa hoa quả, kẻ hút thuốc, người phùng miệng thổi nước chè sâm nóng.
Lý trưởng tựa lưng bên bức câu lơn, thù tiếp chánh hội, phó hội bằng mâm cỗ chỉ còn thịt bò khô vắt chanh và bim-bim.
Thư ký, chưởng bạ lễ phép cà cổ chai, tâm đắc mời nhau uống nốt bia.
Lý cựu, phó lý, thủ quỹ châu đầu bên đĩa vỏ cam, gật gù nhắc chén lên lại đặt chén xuống.
Người nhà chánh tổng, người nhà lý trưởng, mấy anh tuần phu canh ngày, lăng xăng đi lại, chỉ đạo nhau tổ chức một nồi cháo gà to.
Mỗi người mỗi miệng, ai nói nấy nghe. Sự ầm ầm càng giúp sức cho sự nóng nực.
Chị Dậu về đến cổng đình, vừa thấy tiếng ông lý cựu quát vang trong đình:
— Thằng Mới đâu? Vào ty lấy thêm mấy chai rượu nữa ra đây! Chúng tao còn uống! Ai thôi mặc ai.

ĐH Bách khoa Hà Nội định đoạt tuổi chết cho giảng viên già

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Ngày 29/6/2012, trường ĐH Bách khoa Hà Nội gửi công văn số 2038 tới các viện quản ngành khi xét hồ sơ NCS của thí sinh, trong đó lưu ý:

Ưu tiên cán bộ đang chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học nhận hướng dẫn NCS; Người hướng dẫn là 1 cán bộ đương chức của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tuổi không quá 57 đối với người hướng dẫn có học vị TS, TSKH, không quá 62 đối với người hướng dẫn có học hàm GS, PGS.

Ngày 6/9/2012, trường ĐH Bách khoa Hà Nội gửi thêm công văn số 2527, nêu rõ:

1. Nếu NCS chỉ có 1 người hướng dẫn hiện tại không là cán bộ đương chức của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì phải bổ sung thêm 1 người hướng dẫn mới là cán bộ đương chức của trường.
2. Nếu NCS có 2 người hướng dẫn nhưng cả hai hiện tại không là cán bộ đương chức của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì phải bổ sung thêm 1 người mới là cán bộ đương chức của trường, thay thế một trong 2 người hướng dẫn cũ.

Các văn bản ra năm 2012 nhưng dùng để chỉ đạo, hướng dẫn NCS khóa 2010 và 2011.

Ngày 30/10/2012, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Hùng Sơn, Giảng viên cao cấp khoa Toán Tin Ứng dụng — trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đưa những vấn đề trên lên báo. Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Sơn chia sẻ:

"Chúng tôi không thể làm ngơ vì tình thương và trách nhiệm. Như vậy, vô hình chung tạo ra sự giả dối rất thâm hiểm, không thể chấp nhận được, đặc biệt trong ngành giáo dục. Anh không làm nhưng lại nhận thành tích. Người thực làm lại bị gạt sang một bên."

Ngày 31/10/2012, lãnh đạo trường ĐH Bách khoa HN cùng Viện Đào tạo sau ĐH tổ chức họp báo, cuộc họp không có sự tham gia của GS Lê Hùng Sơn.

Ca sĩ Hồng Nhung bị tung ảnh cởi truồng lên mạng, cũng tổ chức họp báo; Thùy Linh (Vàng Anh) bị tung video cởi truồng lên mạng, đài truyền hình viet-nam còn phát sóng cả một chương trình "trả lại tên cho em" cho cả nước thưởng thức; — họp báo kiểu Bách khoa Hà nội này, chẳng cần tham dự, cũng biết chả có nội dung gì, ngoài việc ngụy biện vòng vo.

Phải ngụy biện thôi, vì văn bản bằng giấy trắng mực đen, nội dung rành rành, ngu xuẩn cùng cực đến như thế, thì làm sao mà chân biện được?

Cho nên nội dung họp báo, đại để cũng chẳng đáng để đi vào chi tiết, vì ngoài chuyện lươn lẹo lập lờ giữa các chức năng chuyên môn và hành chính này nọ... thì họ còn biết nói cái quái gì? Nội dung chính nhất ở đây: "Em nhận là em quá mất dạy." — thì họ không dám nói rồi.

Nên chỉ điểm lại một tình tiết bi hài đập ngay vào mắt, — giải thích nội dung chỉ đạo về độ tuổi của người hướng dẫn Nghiên cứu sinh, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội giải thích:

"3 năm là khoảng thời gian bình thường để NCS hoàn thành công việc. Nếu có hơn kém một chút thầy cô vẫn giúp được. Tính toán của trường nhằm đảm bảo NCS không bị bơ vơ vì vấn đề sức khỏe của thầy.

Tức là, theo tính toán và chỉ đạo chi tiết bằng văn bản của lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thì:

— Độ tuổi chết, hoặc ốm nặng đến mất khả năng làm việc, của những người có học vị Tiến Sĩ, Tiến Sĩ Khoa Học ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là 57 + 3 = 60 ("có hơn kém một chút").
— Độ tuổi chết, hoặc ốm nặng đến mất khả năng làm việc, của những người có học hàm Giáo Sư, Phó Giáo Sư ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là 62 + 3 = 65 (cũng "có hơn kém một chút")

Theo tính toán và chỉ đạo của lãnh đạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thì Tiến Sĩ và Tiến Sĩ Khoa Học ở trường này sẽ chết trước, Giáo Sư và Phó Giáo Sư ở đây sẽ chết sau; tất nhiên, đã là lãnh đạo trường Đại học cỡ Bách khoa Hà Nội, thì việc họ lựa chọn tuổi chết khác nhau cho các loại đối tượng có học hàm học vị khác nhau, hẳn là cũng phải có những sở cứ khoa học, và hy vọng là đáng thuyết phục.

Tuy nhiên, có một người quen của tôi ở trên mạng, vẫn vừa mới hốt hoảng hỏi tôi:

"Anh là Giáo Sư, Tiến Sĩ, — Bách Khoa. Anh sẽ chết lúc nào?"

Không biết nên trả lời như thế nào, tôi bèn gửi cho anh một bài hát của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bài này có đoạn:

"Một ngày mùa đông,
Trên con đường mòn,
Một chiếc xe tang,
Trái mìn nổ chậm,
Người chết hai lần,
Thịt xương nát tan."

Con vật man rợ này, sao lại làm được tới Hiệu trưởng Bách khoa?

Con Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Chuyện người tình Trung Hoa (2)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

— Kim Bình Mai. — Anh Lãn ngoan ngoãn nhắc lại.

Cười rụt rè và thở phì phò, mất mười phút thì anh Lãn phát âm chuẩn được ba chữ Kim Bình Mai — nhất là chữ Kim — bằng tiếng Tàu. Tiếp tục như vậy thêm một lúc thì Trung Anh có vẻ mệt mỏi. Cô trả lời những câu hỏi của anh một cách uể oải, nhầm lẫn luôn; có vẻ cô không hiểu người học trò này lắm, và cũng chẳng có ý muốn hiểu. Anh Lãn vừa hỏi, vừa nghĩ: "Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, hình dạng cô này thì rõ là Thủy tướng, không hiểu sao da lại trắng thế không biết?", rồi anh nhìn những sợi tóc hơi lượn sóng của cô: "Tóc này hình như cũng có bị uốn, chứ đâu phải ngoằn ngoèo một cách tự nhiên. Bọn con gái này quấy thật! Vất vả đi làm để kiếm sống thế, mà còn có thì giờ đi uốn tóc."
Đúng mười giờ, Trung Anh đứng dậy và nói một cách khô khan:
— Txai đgien.
Rồi ra về, — vẫn để lại một mùi hương dễ chịu na ná như hôm trước. Và để lại người học trò còn tiếp tục ngồi lại bên bàn học rất lâu, — cứ ngồi im, và nghĩ ngợi.

*

Vào những ngày sau, anh Lãn hiểu rằng, cô giáo mình là một cô gái đáng yêu, dù mặc quần soóc nhưng tính tình nghiêm nghị và cẩn thận, chỉ có điều trình độ học vấn của người chiến sĩ văn hóa lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam này tương đối thấp, và cô không biết cách dạy người lớn. Anh quyết định thôi không tiêu phí thời gian một cách vô ích thêm nữa. Anh chờ cô dạy cho đủ một tuần, vào buổi học thứ bảy, anh rút trong túi ra một chiếc phong bì, thở một cách khó nhọc, ngượng ngùng nói:
— Trung Anh, anh xin lỗi em, nhưng mà... có lẽ là...
Nhìn chiếc phong bì, cô gái đoán ngay ra việc gì phải xảy ra, và lần đầu tiên trong suốt những buổi tối đến đây dạy học, trên gương mặt cô có những nét lo lắng; vẻ lạnh lùng biến mất, và môi cô hình như khẽ rung rung. Mặt cô hơi đỏ, mắt cô nhìn xuống, mấy ngón tay lúng túng nắm lộn xộn vào nhau, thậm chí hai đùi cô bất giác dang ra, rồi lại khép vào. Anh Lãn thấy cô rất lúng túng, và hình dung là khoản thu nhập từ những buổi cô dạy anh học tiếng Trung Hoa này, đối với cô cũng cần thiết ra phết; đầy khả năng là sau khi bắt đầu có nguồn thu từ anh, cô đã sắp xếp lại phần nào cuộc sống của mình, và đã có những dự định liên quan đến cả khoảng thời gian phía trước; nếu bây giờ tự dưng lại hụt béng mất khoản này, cô sẽ buồn, buồn một cách không hề đơn giản.
— Anh xin lỗi... — Anh Lãn cười rụt rè, vẻ biết lỗi. — Là anh quên khuấy đi mất. Sắp có người bạn sẽ ghé qua đây để lấy cái này, — anh giơ chiếc phong bì, — để anh đưa cho Lan Cải, dặn chị ấy luôn, rồi mình sẽ có thể học luôn một lèo, không bị gián đoạn. Việc học, rất quan trọng là không gián đoạn.
Anh qua phòng bên cạnh; Lan Cải đang nằm quay mặt vào tường đọc "Tội ác và trừng phạt" bằng tiếng Nga, nhả khói thuốc Lạc Đà khen khét, và liên tục thò tay bốc phát minh mới của mình là cốm rang ngào đường, đựng trong một cái âu thủy tinh to và dày và nặng. Anh Lãn đẩy bớt Lan Cải vào, ngồi xuống bên cạnh, cầm tay cô đặt vào mồm mình, rít nhờ một hơi thuốc dài — sau rất nhiều năm cai thuốc, — ngồi thừ ra, thở sườn sượt, rồi đổ người xuống cạnh cô. Lan Cải vừa nhai cốm rang rào rạo, vừa với tay ra đằng sau xoa đầu anh, vẻ hiểu và thông cảm.
Lúc quay trở lại, anh Lãn rất thiếu tự nhiên; anh đinh ninh là Trung Anh thể nào cũng đã biết tường tận tất cả những chuyện chạy làng và lấp liếm của anh; và anh cảm thấy lúng túng.
Buổi học lại bắt đầu.
Nhưng từ buổi học đó trở đi, anh Lãn để mặc Trung Anh muốn giảng gì thì giảng, đọc gì thì đọc, dịch gì thì dịch, anh không hỏi cô một điều gì cả, chẳng hề ngắt lời cô nữa.
Anh âm thầm lên mạng, đao-lốt được một quyển "Tam Tự Kinh" điện tử, đao-lốt từ điển "Hán — Nga — Anh — Việt", và một chương trình dạy phát âm và một chương trình dạy viết tiếng Trung Hoa, dành cho máy tính chạy Windows; thêm một chương trình có thể tự động đọc tiếng Tàu (thành tiếng) và tra nghĩa của từ cùng với bính âm, dành cho hệ Android, đem cài lên cái điện thoại quà tặng mà Lan Cải mới mua cho.
Kiếm được đủ đồ — với loại người như anh Lãn, việc đao-lốt và cài đặt sử dụng thoải mái được những chương trình mình muốn, mà không phải trả tiền, luôn là một nguồn cảm hứng vô cùng lớn lao, có thể khiến cho họ lập tức vui tươi, ngay cả trong những tình cảnh buồn bã nhất, — một lần nữa, anh lại háo hức trở lại với sở thích, vẫn luôn được tự đánh giá là năng khiếu bẩm sinh của mình, là sở thích tự học.
Mỗi buổi tối, Trung Anh đến, giảng dạy tùy thích, — những gì cô truyền đạt, anh Lãn đều bỏ hết ngoài tai. Anh ngồi, có lúc thở khó nhọc; chẳng biết làm gì, anh ngắm nhìn những sợi tóc — vẫn không rõ vì sao lại — hơi lượn sóng của cô; rồi anh nhìn cổ cô, cố đoán xem liệu cái ngấn ở dưới cùng có vòng ra tận sau gáy không; nhìn bàn tay hơi mũm, nhưng trắng, nghĩ có khi nó to hơn tay mình thật; rồi phân tích mùi cô...
Một lần anh bắt quả tang mình đang ngắm đùi cô và hình dung cô trong một vài bối cảnh tương đối phi sư phạm. Lúc ấy anh đã tự xấu hổ một cách thật thà. Nhưng cô về được chừng hơn một tiếng thì anh tìm thấy cô trên facebook, — tức là không phải cô, mà là ảnh cô, — đúng là cô, chụp ảnh chen chúc và cùng nhau cười (nếu ở đấy mà nghe thì chắc) rất to, với một người bạn gái và ba người bạn trai, trong một phòng hát ka-ra-ô-kê có tường loang lổ (loại người như anh Lãn, nếu như muốn tìm cái gì ở trên Internet, thì chỉ trừ phi nó không có ở trên đấy thật, nếu không, nói chung họ sẽ tìm được); người bạn gái cũng mặc quần soóc, nhưng đùi nhỏ hơn cô, và "da màu" hơn; ba người bạn trai, hai người trông giống sinh viên dân lập, còn một người hình như trong lực lượng vũ trang, đều là trẻ trâu, cả bộ dạng lẫn màu sắc đều đang xuất thần ít nhiều, vì bia và sự phấn khích có phần thái quá.
Anh không tìm cô trên facebook nữa, nhưng trong những buổi học sau, anh thấy mình nhìn đùi cô giáo nhiều và trắng trợn hơn, hình dung phi sư phạm cũng phong phú hẳn lên.
Và chẳng có chút xấu hổ quái nào.
Một hôm, vào đầu giờ sáng, đang đi bộ trên vỉa hè rộng lát gạch bát quái màu anh đào héo để đến trường (anh Lãn đi làm ở trường đại học), anh Lãn đi ngang qua một cây bàng lá đỏ. Bàng cũng là loại cây có quả; quả bàng, nếu chín, sẽ rụng; nhưng quả bàng rụng thì khác với lá bàng rụng: quả, chủ yếu sẽ rụng không sai lệch nhiều so với phương thẳng đứng, còn lá, thì hoàn toàn có thể rụng theo một quỹ đạo khó xác định, còn tùy thuộc vào tình hình gió. Vậy là, anh Lãn đang đi ngang qua cây bàng lá đỏ, thì có một chiếc lá bàng to và vàng một sắc vàng nhợt nhạt, rụng trúng vào bẹn anh. Một người tuyệt không có một chút hứng thú nào với các vấn đề hôn nhân và hạnh phúc bìu díu của gia đình, như anh Lãn, thì hẳn phải có một đời sống tâm linh phong phú lắm, nên anh dễ để ý đến những dấu hiệu, nhất là dấu hiệu lạ lẫm. Vì vậy mặc dù người vẫn đi đầu không ngoảnh lại, — dù sau lưng thềm nắng có một chiếc lá vừa rơi trúng bẹn, — nhưng người lại sinh nghĩ ngợi. Đến cổng trường, nhận thấy sự trơ tráo của mình bây giờ có khi còn vượt cả hồi còn phổ thông choai choai, anh Lãn bèn quyết định là dù thế nào thì cũng đã đến lúc phải đặt dấu chấm hết cho cả câu chuyện sư đồ dở ương này.
"Nhưng nếu bạn ấy lại như lần trước, mà chắc sẽ lại như trước thôi," — anh Lãn thấy trong người không thoải mái, và xuýt dẫm vào một cô sinh viên đang mặc quần đùi nhắn tin, — "thì mười phần chắc chín là mình sẽ lại bị bất lực mất. Thế thì còn làm ăn gì?
"Nếu mối liên hệ giữa mình và bạn ấy cứ chỉ có nhõn mỗi chuyện "ăn bánh..." à "học bài — giả tiền", thì bạn ấy thể nào cũng lại rất lúng túng như lần trước, và mình sẽ lại chả biết phải diễn đạt tiếp như thế nào; đến phải lấp liếm tiếp mất.
"Ờ... Xem nào... Bây giờ hai người có giới tính rất khác nhau, mà lại muốn diễn đạt với nhau những chuyện, mà về những chuyện ấy, mỗi người lại nghĩ đến một thứ lợi ích rất khác nhau, thì sẽ phải làm sao chứ?..
"Kể mà bạn Trung Anh này có chồng rồi, có phải cái gì cũng sẽ dễ hơn nhiều không! Gái có chồng thì giống cái nhà có thằng lao công. Có thằng lao công dọn rác và lau rửa bồn cầu, thì người văn minh vào ở mới được. Đằng này cái nhà... chẳng ai dọn dẹp cả thế, động chỗ nào mà chẳng có thể dẫm phải cái gì trơn trượt, hay là bị những thứ lủng củng gì đó xếp chênh vênh ở trên cao bất ngờ rơi tin đầu?..
"Gái có chồng thì hiểu chuyện hơn..."
Vào giữa buổi học lần sau, anh Lãn thở khó nhọc, xin phép cô giáo, rồi đứng dậy, tự đi rót cho mình một ly nhỏ rượu vang đỏ, — đáp lại sự mời mọc rụt rè của anh, Trung Anh chỉ lặng lẽ lắc đầu.
Buổi học kết thúc, anh theo cô ra đến cửa.
— Trung Anh này. — Anh cẩn thận lựa từ ngữ. — Hai cô trò mình học hành chăm chỉ cũng được kha khá thời gian rồi. Có thể... hay là... ngày mai đi, anh muốn mời em đi ăn tối...
Trên gương mặt nghiêm trang của cô gái có nét gì đó giống như một bóng tối thoáng qua... anh Lãn vội vàng:
— Xong rồi... có thể xem có chỗ nào... vui vui, thì mình đi giải trí một chút. Học tập, cũng rất cần nghỉ ngơi.
Bóng tối lại thoáng qua... Trung Anh cúi xuống nhìn những ngón chân với bộ móng mộc mạc không sơn, lồng trong mớ quai guốc rắc rối lẫn lộn hai màu cá vàng và nước dưa, lúc cô ngẩng đầu lên, thì bóng tối vẫn ở đó, nhưng đã có lẫn cả sắc đỏ.
— Em không... không được đâu. — Cô cắn môi, sắc đỏ đậm lên, cô lại cúi xuống. — Anh... đừng rủ thế. — Cô nói nhanh, bàn tay, có lẽ bất giác, ít nhiều bị lập cập nhưng lại duyên dáng theo một kiểu cách thuần bản năng, đưa lên vén vội một bên tóc mai; vẫn không ngẩng lên, cô vội vã quay người bỏ đi, những bước đi gấp gáp và ít nhiều có dấu hiệu chuệch choạc; hình như cô đã nói gì đó nữa, lí nhí, lẫn lộn vào những cử động, nhưng anh Lãn — và chắc là cả chính cô cũng — không phân biệt được là cô đã nói gì.
Còn lại một mình, — không tính Lan Cải, với (hôm nay là) "Hai vụ xì-căng-đan" của An-tôn Páp-lô-vích Trê-khốp, cũng bằng tiếng Nga, và một bát mứt xoài, cũng là phát minh mới, — anh Lãn túa mồ hôi lạnh khắp người.
"Thế này thì, rốt cuộc, thì là được, hay là mất đây?!" — Anh hốt hoảng. — "Chuyện học thì, ơn giời, thế là xong. Cơ mà, giời ạ, thế này thì, trước mắt bạn Trung Anh này mình thành... thằng mất dạy à?!" Anh nao lòng nhớ lại cử chỉ vén tóc mai của cô. "Cơ khổ! Hiểu lầm đến thế thì!.. Thôi," — anh quyết định, — "thế này thì phải lên facebook tìm, rồi gửi cho bạn ấy một cái i-meo xin lỗi mới được. Mà phải viết thư bằng tay, chụp ảnh cái thư, rồi gửi, có khi bạn ấy mới chịu tin. Ơ mà... học phí tuần này mình đã gửi bạn ấy đâu, hờ... nếu thế thì... mà chắc chẳng được, bạn ấy đời nào còn chịu gặp lại mình nữa chứ! Sẽ phải tìm cách nào đấy, chắc phải nhờ vả mấy cậu trẻ trâu kia, để gửi tiền cho bạn ấy vậy..."
Nhưng cuối cùng anh Lãn không viết thư, cũng không tìm cách gửi tiền. Hôm sau Trung Anh vẫn đến đúng vào lúc bảy giờ kém năm tối. Lúc đầu, cô có vẻ lúng túng; nhưng sau đó cô mở sách ra, bắt đầu đọc và dịch đều đều và nghiêm túc như mọi khi:

"— Nhưng còn chuyện này, y là một kẻ háo sắc, tính tình không đứng đắn, thường lai vãng ăn nằm với những bọn liễu ngõ hoa tường, ai cũng biết, cháu về làm vợ nó chẳng biết rồi sẽ ra sao.
— Cái đó thì không hề gì. Người ta còn trong tuổi thanh niên, có theo bạn bè chơi bời đây đó thì cũng là chuyện thường tình, có gì mà phải lo. Vả lại chuyện nhân duyên là số phận tiền định, xin cữu cữu khỏi nhọc lòng để ý..."

*

Cho đến hôm nay, Trung Anh vẫn tiếp tục đến dạy học. "Kim Bình Mai" đã qua được mười mấy hồi, mà kiến thức "chính khóa" của anh Lãn vẫn không có gì hơn ngoài ba chữ "Kim Bình Mai".
Nhưng dù mỗi ngày bỏ ra tới ba giờ đồng hồ để ngồi ngắm nghía tóc, lông mày, lông mi, trán, lòng trắng, lòng đen, con ngươi, sống mũi, cánh mũi, môi, răng, gò má, quai hàm, cằm, ngấn cổ, và thân thể cô giáo, anh Lãn vẫn tìm thêm cho mình được một thú vui mới: anh tìm cách lấy dữ liệu từ những chương trình ăn cắp được ở trên mạng, đem trộn với nhau, và đã cốt-đinh gần hoàn thiện được cho mình một cái chương trình máy tính biết cách tra nhanh từ điển, dạy cách viết, và phát âm các từ ngữ, trực tiếp từ văn bản tiếng Trung Hoa, và anh đã bắt đầu tập tọe đọc được một ít sách Thánh Hiền trực tiếp bằng thứ tiếng đó, vừa đọc vừa nghĩ ngợi về những ý nghĩa sâu xa nằm bên dưới các mặt chữ tượng hình, cao hứng thì anh đứng dậy, chắp tay sau đít, đi đi lại lại, và nhìn ra cửa sổ, — việc này có vẻ thích hẳn hơn so với chọc lá cho rơi, và thường được kết thúc bằng một câu cảm thán:

"O, phờ o pho huyền phò, — chữ quốc ngữ đúng là như phò!"

Có một nhà thơ Anh, hoặc Ai-len, nổi tiếng, hình như là Ốt-xca Oai, từ thế kỷ mười chín đã tuyên bố:

"Cần phải bắt mấy thằng độc thân đóng thuế!"

Tuyên bố này hẳn không phải nhất thời cao hứng, mà chắc đã phải dựa trên những sở cứ nhất định.