TẮT ĐÈN, THỦ GIỐNG THỦ, XÔI GIỐNG XÔI
Bóng cây ngã đến gần tường bao lan.
Mặt trời chênh chếch nhòm vào gốc cau vua.
Những con xe máy bị bắt và bị ký giam chỏng gọng nằm dưới ánh nắng, uể oải phơi những nhãn mác đề-can xanh đỏ loang lổ của nhà sản xuất ban cho.
Một lũ đàn bà đeo mặt nạ và đội mũ bảo hiểm chờ nộp phạt và xin tha, lê la ngồi khắp thềm đình.
Đàn chó chui trong gậm đình, chực cướp xương rơi, con nọ cắn con kia í ẳng.
Trên đình ăn uống đã tàn.
Chánh tổng ngậm tăm nằm cạnh chiếc mi-crô không dây, hai mắt lim dim dở ngủ, vẫn dõi theo lời bài hát đang chạy trên màn hình.
Cai lệ ngồi nhổm hai chân giở tới giở lui mấy quyển tên bài hát, cặp môi thâm sịt nhành ra gần tới mang tai.
Cậu lính cơ lấy hết gân guốc trên bộ mặt đỏ gay, ra sức cầm cái điều khiển nhấp nhấp, bấm những số bài hát mà cai lệ đọc, xếp tiếp bài vào hàng chờ trên máy ka-ra-ô-kê.
Mấy ông hương trưởng, tộc biểu, trương tuần xúm quanh đĩa hoa quả, kẻ hút thuốc, người phùng miệng thổi nước chè sâm nóng.
Lý trưởng tựa lưng bên bức câu lơn, thù tiếp chánh hội, phó hội bằng mâm cỗ chỉ còn thịt bò khô vắt chanh và bim-bim.
Thư ký, chưởng bạ lễ phép cà cổ chai, tâm đắc mời nhau uống nốt bia.
Lý cựu, phó lý, thủ quỹ châu đầu bên đĩa vỏ cam, gật gù nhắc chén lên lại đặt chén xuống.
Người nhà chánh tổng, người nhà lý trưởng, mấy anh tuần phu canh ngày, lăng xăng đi lại, chỉ đạo nhau tổ chức một nồi cháo gà to.
Mỗi người mỗi miệng, ai nói nấy nghe. Sự ầm ầm càng giúp sức cho sự nóng nực.
Chị Dậu về đến cổng đình, vừa thấy tiếng ông lý cựu quát vang trong đình:
— Thằng Mới đâu? Vào ty lấy thêm mấy chai rượu nữa ra đây! Chúng tao còn uống! Ai thôi mặc ai.
Tiếp đến tiếng ông chánh hội:
— Hãy gượm! Rượu còn đấy, các ông cứ uống cho hết. Để nó đi lấy mấy đĩa ka-ra-ô-kê hải ngoại đã. Cụ chánh đợi đã lâu rồi.
Rồi đến tiếng ông hương trưởng:
— Thong thả hãy lấy đĩa hát cũng được! Tay tao bóc tôm còn chưa rửa đây. Ra giếng múc tao chậu nước với bã chè chanh.
Rồi đến tiếng ông thủ quỹ:
— Rồi hãy múc nước! Mày đi rót một ít nước mắm vào đây cái đã!
Rồi đến lượt ông lý cựu vắt lại:
— Các ông đừng bỉ mặt nhau! Tôi đương bảo nó đi lấy thêm rượu, các ông lại nỡ vỗ vào mặt tôi, người này sai nó việc này, người kia sai nó việc khác... Khỉnh nhau vừa vừa chứ!
Bạo dạn, chị Dậu bước lên cửa đình, hạ cái mê nón ở trên đầu xuống:
— Chào các cụ, chào các ông.
Cả đình đổ xô trông ra. Người nhà lý trưởng tráo ngược đôi đũa chỉ vào mặt chị:
— Tiền phạt xe không chính chủ của anh ấy đủ chưa? Đem mà nộp đi!
Cai lệ bỏ dở quyển bài hát, ngẩng đầu trông lên:
— À! Con vợ thằng gì ở xóm cuối làng phải không? Chị ta cứng cổ lắm. Sáng nay nếu không vội phạt đứa khác thì tôi biếu thêm chị ấy vài dùi cui.
Phó lý chõ vào:
— Nó là vợ thằng đĩ Dậu chứ thằng gì? Sao ông không giã thêm cho nó một mẻ? Ông lý tôi mời ông về đây, chỉ cần có thế.
Lý trưởng rung đùi ra bộ đắc ý:
— Tôi nói trên có Cụ Chánh, có ông cai và đông các ông tất cả: vụ phạt xe này tôi làm kể cũng cứng lắm. Không cần gì hết, đứa nào trái ý, đánh luôn. Mà cũng có thế mới được. Chúng tôi làm vua làm việc, quanh năm đầu chày đít thớt, chỉ có những lúc "hồng thủy trướng giật" và những khi "nghị định tắc đường" như thế này, thì mới có quyền. Tha hồ phạt, tha hồ bắt, trai làng thằng nào bướng bỉnh... giam xe vô tội vạ.
Chị Dậu chẳng nói chẳng rằng. Điềm tĩnh, chị nhìn khắp mấy gian đình.
Anh Dậu ngả đầu vào bức chấn song, mắt nhắm nghiền, miệng há hốc ra và thở hổn hển, mười đầu ngón tay xuống máu xưng lớn bằng mười quả chuối.
Chị Dậu rụng rời đổ đốt:
— Trời đất ơi, chồng tôi làm sao thế này? — Nước mắt giàn dụa, ngồi xuống, chị sè sẽ vỗ vai chồng. — Thầy em! Thầy em ơi! Tỉnh dậy cái nào!
Anh Dậu vẫn lì bì lịt bịt.
Phó lý ở ngoài lòng đình ra oai:
— Con mẹ đĩ Dậu! Mày có câm đi không thì ông vả vào mồm bây giờ! Đình làng chứ xó buồng của vợ chồng mày đấy à? Ai cho chúng bay đú đởn với nhau ở đấy? Đàn bà thối thây, có một suất phạt xe không chính chủ của chồng mà không chạy nổi, lại còn nỏ mồm,.. "thầy em" với "thầy anh" gì?.. Ngứa tai chúng ông!
Chị Dậu như không nghe biết chi hết, cứ việc nắm lấy vai chồng lay đi lay lại, như người ta cứu kẻ ngộ gió. Lâu lâu, anh Dậu lờ đờ mở to hai mắt trắng dã và rên hầm hừ:
— Thế nào? U nó đã sang nhà cụ nghị Quế hay chưa?
— Đã! Tôi ở bên ấy về đây!
— Cụ ấy bằng lòng đấy chứ?
— Bằng lòng! Nhưng người ta bắt viết văn tự và bắt đèo thêm...
Chị không nỡ nói hết câu, ngập ngừng, chị cởi dải lưng, lấy mảnh giấy tây trao cho chồng:
— Tôi đã nhờ ông giáo bên ấy viết hộ văn tự rồi đây. Thầy em coi xem thế nào.
Anh Dậu tuy đón lấy bức văn tự, nhưng vì cánh tay bị trúng dùi cui đau quá, anh không thể đưa nó lên gần mắt mà coi. Chị Dậu lại phải cầm lấy và chìa lên tận ngang mặt cho chồng lẩm nhẩm đánh vần.
Lý trưởng ngước mắt ngó thấy, cơn lôi đình nổi lên tức thì:
— Giấy má gì đấy? Con mẹ đĩ Dậu! Đơn kiện phải không? Ừ được, có giỏi thì đi kiện ngay ông đi! Ông thử cho mày thêm trận dùi cui, để mày đi kiện luôn thể.
Rồi hắn đứng choàng ngay dậy, giơ chân toan bước. Nhưng cái cây thịt nó cứ lảo đảo như người lên đồng, xiêu xiêu, vẹo vẹo, chỉ chực ngã xuống sân đình. Hắn phải vịn vào cột đình, và lại ngồi phịch xuống chiếu. Cậu lính cơ hùng hổ đứng lên:
— Ông lý cứ ngồi đấy, để tôi trị chúng nó! Muốn đi kiện thì được đi kiện, khó gì?
Vừa nói cậu cơ vừa đùng đùng chạy lại, giơ thẳng cánh tay tát đánh bốp vào mặt anh Dậu một cái. Và, mắm môi, mắm lợi, cậu thét:
— Mày đi kiện đi, ông xem! Đi xe mượn, bây giờ vẫn chửa nộp phạt, còn chực sinh sự với ông à?
Anh Dậu chết điếng người đi. Nước mắt chảy ra như mưa, anh sẽ đập đầu vào bức chấn song và kêu:
— Trời đất ơi! Ối cha mẹ ơi! Thân tôi sao mà nhục đến thế này? Tôi không có xe máy, đi xe của con dâu, tôi hộ khẩu Vũ Đại, nó hộ khẩu Hải Phòng, cả họ tên lẫn hộ khẩu đều khác nhau, làm sao tôi chứng minh được quan hệ? Nào tôi có định kiện tụng gì ai cho cam!
Chị Dậu ậm ực muốn khóc, nhưng không khóc được. Những người bên cạnh đều rớt nước mắt.
Cậu cơ vẫn nét mặt hầm hầm. Nắm chặt bàn tay, cậu chĩa vào mặt anh chàng khốn nạn:
— Mày muốn vu vạ, bảo ông!
Luống cuống, chị Dậu vội đứng dậy. Một tay giơ bức văn tự, một tay nắm lấy cổ tay cậu cơ, thê thảm, chị nói bằng giọng van lơn:
— Thôi! Em xin ông quyền. Nhà em đau yếu, ông tha cho! Có phải đơn kiện đơn tụng gì đâu? Đây ông coi, cái văn tự của em vay nóng để lấy tiền nộp xe cho nhà em đấy mà!
Chừng muốn tỏ ra mình là người thạo chữ, cậu cơ đón bức văn tự, trầm tĩnh, xem xét từ đầu đến cuối. Rồi cậu dịu giọng sẽ gắt:
— Nói láo! Cái giấy cầm đồ đấy chứ, văn tự đâu mà văn tự?
Chị Dậu lễ phép:
— Thưa ông, thật văn tự đấy ạ! Lúc nãy, ở bên cụ Nghị, ông giáo viết xong, đọc cho em nghe, em cũng ngạc nhiên và đã nói như ông vừa nói. Cụ Nghị bảo rằng: Mang tiếng tao cho vay nặng lãi, nên phải viết thế, chứ có cầm đồ cầm đạc gì đâu? Nhà em "kiết xác mồng tơi" còn đào đâu ra đồ mà đi cầm?
Những lời êm ái của chị hình như cũng có sức mạnh, làm cho nhà binh dằn lòng đứng lại, nghe cho hết câu. Rồi, cố liếc con mắt cho nó có vẻ tình để nhìn vào mặt chị nhà quê, cậu cơ trao trả chị này tờ giấy văn tự và hỏi một cách lả lơi:
— Đức ông chồng vẫn chưa ký tên đây mà! Sao không bảo đức ông chồng ký vào, rồi đi lấy tiền mà nộp phạt cho xong đi, cứ để giam xe lôi thôi mãi thế?
Ngay thật, chị chàng nhà quê không biết cái lối mánh khóe vẫn đáp bằng giọng rầu rĩ:
— Em vừa giơ lên cho nhà em coi, các ông tưởng là đơn kiện đã cùng đánh mắng om xòm...
Lý trưởng cất giọng lè nhè:
— Cái gì nữa thế? Thế nó không đi kiện nữa à, còn muốn xin xỏ gì nữa? Bảo nó: "Không có phép" nhé! Nộp đủ tiền phạt thì đây thả xe! Nếu mà tiền chưa có, ông giời xuống đây cũng không mở được khóa xe, nhá. Đây còn giam tiếp. Có giỏi cứ đi kiện. Đây chỉ chỗ cho mà kiện!
Lý cựu bưng bát rượu kề gần lên môi, và gật gật gù gù:
— Mặc! Đây không biết. Ai giam cứ giam, ai mở khóa cứ mở khóa, mà ai đi kiện cứ đi kiện! Đây qua cầu rồi, cứ việc đánh chén cho đẫy! Thằng Mới đâu? Ông bảo mày lấy thêm rượu, làm sao từ nãy đến giờ chưa thấy? Đừng láo, ông thì chẻ xác mày ra!
Chánh hội quăng tọt đôi đũa xuống mâm và nói dõng dạc:
— Ông lý cựu! Việc gì đến ông mà ông "đâm ba chầy củ" vào đấy? Uống rượu thì cứ việc uống, người ta nói gì thì mặc người ta. Câu nào cũng chõ mồm vào, không để cho ai bàn bạc gì nữa!
Lý cựu đặt bát rượu vào mâm và đấm thật mạnh xuống sân đình:
— A! Ông cấm tôi nói à? Quyền ông được thế phải không, ông chánh hội!
Chánh hội vểnh bộ mặt hách dịch:
— Ừ đấy! Quyền tôi được thế! Quan sức cho tôi "hiệp dữ lý trưởng" thối đốc vụ đánh thuế xe năm nay, người nào gai ngạnh tức là "hãn trở thuế sự" tôi gông cổ lại cho mà xem!
Lý cựu sừng sộ:
— Miệng ông, ông nói, đình làng, ông ngồi! Còn ba ngày nữa là tròn mấy chục năm ông theo việc làng. Mấy chục năm, ông không xin với làng cho ông ngồi đây. Ông cũng không thoái thác nhiệm vụ làng giao phó. Làng hiểu ông, hiểu phẩm chất, năng lực, và nguyện vọng của ông. Ông có nói gì, ngồi gì, thì cũng là do làng phân công ông ngồi, ông nói. Đố thằng nào làm gì được ông!
Chánh hội hùng hằng đứng lên, rồi lại loạng choạng ngồi xuống, và quát:
— Tuần đâu? Chúng bay trói thằng lý cựu lại cho ông! Tội đâu ông chịu!
Tuần phu im lặng không thưa. Lý cựu sắn nắn vén hai tay áo lên đến khuỷu tay:
— Cha thằng nào trói được ông!
Chánh hội vớ luôn chai rượu cạnh mâm, toan liệng ra chỗ lý cựu. Phó hội nhanh tay giằng được và can:
— Thôi ông! Làm gì mà nóng tính thế! Ông lý cựu ông ấy say rượu đấy mà!
Lý cựu gằn gọc:
— À! Ông phó hội! Ông bảo tôi say rượu đấy phải không? Ừ thì tôi say! Rượu uống chả say, thì rượu đổ vào hang chuột à? Nhưng mà đây tôi không say, ông đừng nói bậy! Tài sản hai đồng một mẫu, các ông khai vống của ngoại canh lên tám đồng, mười đồng, để cho vay được tới sáu đồng, rút tiền chia nhau bỏ túi, rồi gọi chỗ nợ không bao giờ đòi được ấy là nợ xấu, cứt trâu hóa bùn, có ai nói với tôi được câu nào không? Các ông mời tôi ra đây uống vài chén rượu lại còn khà khịa! Tôi không cần, đây tôi uống bằng công vụ phí của mấy đứa phụ canh, không thèm uống nhờ thằng nào.
Lý trưởng động lòng:
— Công vụ phí của phụ canh, nó vẫn giắt hóa đơn đỏ ở cạp váy nó ấy. Chúng nó ngồi dưới giọt đình kia kìa. Xuống lần cạp váy chúng nó mà uống. Bữa rượu hôm nay tiền túi của ông bỏ ra, ông muốn mời ai thì mời, ông không phải nói với đứa nào hết. Cứt trâu hóa bùn, nợ xấu, ông bỏ túi đấy! Thằng nào làm gì được ông?
Lý cựu hung hăng như người điên:
— À! Thằng lý đương! Mày bảo ông uống máu mấy con ngoại canh đấy à?
Đánh "soảng" một cái, miếng vỏ cam ở mâm lý cựu bay thẳng sang mâm lý đương và đánh "chát" một cái, gói bim-bim ở chiếu lý đương cũng đập luôn vào cây cột bên cạnh lý cựu. Nước canh, nước mắm bắn ra tứ tung. Hết thảy mọi người đều lố nhố đứng dậy. Rồi hết thảy mọi người lại lảo đảo ngồi xuống. Tuần phu và người nhà lý trưởng, người nhà chánh tổng sấn sổ chen vào, chạy hết mâm bát, chai chén xuống sân đình.
Cai lệ ôm mấy quyển sổ hát và cái điều khiển sang thẳng gian đình bên kia.
Thủ quỹ cố ôm cặp tiền đứng dậy, nhưng không đứng được, lại phải ngồi thụp xuống.
Chánh tổng sực tan giấc mộng, ngơ ngác hỏi giật giọng:
— Cái gì thế? Cái gì thế? Nốc cho lắm rồi nói bậy! Người nào gây chuyện với người nào?
Trong đám đông mỗi người một câu:
— Bẩm, ông lý cựu với ông chánh hội.
— Bẩm, ông lý cựu với ông lý đương.
Chánh tổng lên giọng hống hách:
— Tuần đâu? Mày điệu cổ thằng lý cựu xuống sân đình kia cho ông! Nó định ăn cướp tiền thuế xe của lý trưởng à? Rồi ông trình quan cho nó.
Lý cựu vớ miếng mảnh chậu ở cạnh cột đình toan rạch vào trán. Trương tuần vội vàng chạy đến giật được, vứt đi. Hắn xốc nách lý cựu và vực ra cửa. Rượu, thịt, rau, đậu tự trong miệng ông lý cựu thông thốc tuôn ra thềm đình.
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...