"Bảy Viễn bá đạo nhưng rất trọng nghĩa khí giang hồ, nên chỉ rút súng ngắn, nhè ngay ót tay phát hỏa Hồng-kông nổ luôn một phát."
Tôi bất giác giật mình một cái, khẽ thôi, nhưng thành cử động, — ở chỗ "nổ luôn một phát"; — chú Phiên nhìn tôi, khẽ gật:
— Người ngoài nghe những chuyện này còn không vô cảm, vậy mà tay kỳ bẽo số dách người Sinh... à, — chú nhận thấy vấn đề từ vựng của tôi, — "dách" là "một", phiên âm Quảng Đông... còn "kỳ bẽo" là dân... trong này họ vẫn gọi dân cờ bạc bịp, cậu cứ hiểu là dân cờ cơm bạc gạo... là một cả thôi, đâu có cờ bạc chuyên nghiệp "chân phương" đâu...
— Còn "lão bản", với "xì thẩu" ạ? — Nhân thể tôi vội hỏi, "lão bản" tôi chỉ có khái niệm "mang máng", còn "xì thẩu" thì chỉ có vẻ cũng có hình dung, nhưng chả chắc đúng không.
— Cùng là "ông chủ" cả.
— À chú cứ dùng Tân Gia Ba đi, nghe thích hơn Sinh-ga-po. — Tôi đề xuất luôn.
— Được. Vậy... gã kỳ bẽo người Tân Gia Ba này thua bạc, được bạc, bị ép, bị lôi, coi bộ chết tới đít, rồi tận mắt ngó người trong cuộc như mình bị nổ vỡ ót nằm thẳng cẳng ngay trước mặt, vậy mà y điềm nhiên như không, tự đầu chí cuối tuyệt không một chút xúc cảm nào.
"Dù là thời điểm đó người Tàu và giới hắc đạo Chợ Lớn còn chưa hùng hậu như thời Đệ nhất Cộng Hòa, nhưng họ vẫn luôn là một thế lực không thể xem thường; và một tay cờ bạc chuyên nghiệp thì vốn quen đặt cược vô tất cả mọi thứ; mà khi đã chọn nghề này, thì coi như luôn xác định phải sẵn sàng dám chơi dám chịu; nhưng cô hồn tới như gã này thì hãn hữu, chỉ có thể là hàng cao thủ nhất lưu... "nhất lưu" là "dách lầu", là hạng nhất.
"Còn giang hồ Nam Kỳ ta, về bản chất thì không cô hồn kiểu đó.
"Dân Nam Kỳ vốn sống gần thiên nhiên, mà thiên nhiên thì phì nhiêu, trên cơm dưới cá, hào phóng, hiếu khách. Dân đó đâu có bản tính làm giặc. Vậy nên giang hồ Nam Kỳ, những tay cộm cán nhất, cỡ Ba Dương, Mười Trí, Bảy Viễn, vẫn đều tự ví mình với bọn Tiều Cái, Võ Tòng, Lâm Xung ở Lương Sơn Bạc, là thứ giang hồ bất đắc dĩ, chẳng qua sinh thời nước mất, đồng bào cam phận cu-li, thân nam tử tương lai mờ mịt, bế tắc trước cuộc sống, không biết đi đâu về đâu, mới phải đi cướp..."
Cơ chế nhớ trong đầu tôi tức thì đã tự động tìm ra và dựng ngay lên những khung hình, chi tiết ở mức khái niệm, từ những dữ liệu tìm được, — là một câu chuyện:
"Chiều hè. Hồ Tây. Đường Cổ Ngư. Người thanh niên dáng vẻ văn nhã chia tay với người vợ trẻ, với đứa con gái nhỏ mới năm tháng tuổi được mẹ bế trên tay. Rồi cùng một người bạn, người thanh niên lên Cao Bằng, tìm đường vượt biên sang Trung Quốc, — họ đi tìm đại ca.
"Đại ca họ trước là một thủy thủ tên Văn Ba, làm trên tàu Đô đốc La-thúts Thre-vin-le; đến quãng thời gian sau, lưu lạc ở Quảng Châu, thì lấy tên Lý Thụy; lúc qua Thái Lan thì đổi tên Thầu Chín; rồi về Hương Cảng, ở đấy lại dùng tên Tống Văn Sơ; Tống Văn Sơ sang Mát-xcơ-va đi học bèn thay tên là Lin; học xong, đến lúc về lại Trung Quốc thì Lin đã trở thành Thiếu tá Bát Lộ Quân (Giải phóng quân Trung Quốc) Hồ Quang, — hai người họ đi tìm đại ca, chính là vào quãng thời gian này.
"Năm sau họ về vùng biên giới phía bắc Việt Nam thì dân bản địa lại gọi đại ca họ là Già Thu. Năm sau nữa, Già Thu đi công tác Trung Quốc tiếp, thì trong giấy tờ tùy thân lại ghi "Họ và tên: Hồ Chí Minh".
"Còn tên người thanh niên là Võ Nguyên Giáp, người bạn là Phạm Văn Đồng..."
Ý nghĩ, so với lời nói thì nhanh hơn rất nhiều. Và chắc chỉ ngẫu nhiên, chứ chú Phiên hẳn không có khả năng (tôi thoáng giật mình, nhớ đến ông Giác Ni) đọc được ý nghĩ của tôi, khi chú — đang — tiếp tục câu chuyện của mình:
— Những người cách mạng, Việt Minh, Việt Cộng... bất quá cũng một đám giang hồ thôi, nhưng họ có đường hướng. Vả lại ở ngoải có ông Hồ, ổng là tay kim cổ giang hồ duy hữu nhất. Còn giang hồ trong đây thì xuất phát... e phải nói, thương thay những thế kỷ vắng anh hùng. Không ai cầm nổi thanh gươm nghìn cân ra trận, thì cầm mã tấu hội nhau đi cướp thôi. Về sau có tay, hình như là Mười Trí, còn viết thư, nghe nói bức thư được chuyển tới tận tay ông Hồ, thế này... — Chú Phiên tì nắm tay phải, chỗ ngón cái, lên miệng, nheo mắt, chớp chớp mấy cái, rồi nói theo kiểu đọc. — "Gửi anh Hồ Chí Minh. Thằng em của anh là Mười Trí"... coi là Mười Trí đi, "gửi thư này chúc anh khỏe mạnh. Thằng Bảy Viễn nó đầu Tây rồi, thằng em của anh rất lấy làm buồn vì không ngăn cản được nó. Nhưng thằng em của anh xin hứa chắc với anh là thằng em của anh sẽ tiếp tục kháng chiến cho tới thắng lợi cuối cùng."
Vốn được giáo dục theo trường phái lịch sử "tuyên huấn" nên xuýt tôi đã phì cười với chuyện, và cách nói chuyện, của chú Phiên, may tôi kìm được, — vì chú Phiên xem ra chẳng hề có ý bông phèng.
— Bảy Viễn lúc nhỏ đã bỏ nhà đi bụi, học võ, xăm mình, đánh lộn, xưng anh chị, rồi đi cướp có vũ trang. Loại người đó ghét ai sẽ hành hung chứ không bày mưu hại, muốn lấy tiền ai thì sẽ mang súng tới cướp chứ không tính kế lừa lọc...
Bất giác, tôi đã nhún vai; chú Phiên dừng lại, cứ nhìn tôi; nên tôi đành phải ý kiến thành lời:
— Có thể là hữu dũng...
Tôi chưa hết câu, chú Phiên đã nhắm mắt lại, lắc đầu một cách khẳng định:
— Hữu dõng thì đã hẳn, nhưng Bảy Viễn hai lần bị đày khổ sai Côn Đảo, hai lần đều vượt được ngục về đất liền, đâu phải hạng vô mưu. Có điều mưu ở đây... những chuyện cờ bạc này... thiệt ra nó đâu "giang hồ" chút nào, nó chẳng nghĩa khí chi hết. — Chú Phiên nhún vai. — Đánh bạc chuyên nghiệp, tức là thi thố trình độ lừa đảo thôi, giỏi lừa hơn thì thắng. Ngay Bảy Viễn ban đầu thiệt tình cũng ngại mang tiếng, đâu muốn nhảy ngang cái một vô kinh doanh sòng bài. Vụ này khởi điểm là do một người bạn chí thân đã thuyết phục y.
"Người bạn tên Tư Thiên, tên Tây là Mo-rítx Thiên, một tay tiểu tư sản trí thức, con nhà giàu, lấy vợ Tiều... người Tàu Triều Châu qua đây gọi người Tiều, cũng con nhà giàu. Tư Thiên là tay đa năng hết sức. Là cua-rơ xe đạp nổi tiếng, là cầu thủ đội banh lớn nhất Nam Kỳ, là chủ hãng xích-lô "ngửa" đầu tiên ở Sài Gòn Chợ Lớn (thời đó xích-lô "ngửa" mới bắt đầu thay thế xe kéo đang bị chỉ trích là "người kéo người", thiếu văn minh), là tay buôn lậu vàng và á phiện quốc tế, là gián điệp Phòng Nhì — vụ này thì Pháp buộc y làm, y chỉ tham gia một cách bất đắc dĩ, — và, y còn là một tay cá độ chuyên nghiệp.
"Cả vụ Đại Thế Giới, cả tổng dinh mới của Bình Xuyên ở dạ cầu chữ Y, đều là sáng kiến của Tư Thiên.
"Ai buộc nấy cởi, — vụ "giải quyết trên sới bạc" này, đương nhiên Bảy Viễn giao Tư Thiên.
"Giống với nhiều cư dân ruột của Sài Gòn — Chợ Lớn, Tư Thiên nghiền cà-phê sớm, — cà-phê vỉa hè. Y có bàn quen, tại quán quen, nằm ngay ngã ba trước cổng Đại Thế Giới. Hầu như sớm nào, Tư Thiên cũng tới, cầm theo vài tờ báo. Nhưng đã mấy hôm liền, y vẫn mang báo tới, song chẳng hề động đến.
"Mâu thuẫn bài bạc thì giải quyết trên sới bạc, — sau nửa tháng nữa.
"Thiệt tình mà nói thì sòng nào lâu lâu chẳng phải thù tiếp những con bạc bất đắc dĩ, — thi thoảng có tay cao thủ "giang hồ lỡ bước", cần cầm đỡ chút đỉnh lộ phí. Đã vô thẳng sòng bạc để "cậy nhờ" giang hồ đạo hữu kiểu đó, đương nhiên phải là những tay trên cơ, so với đám cao thủ công nhật tại sòng. Thông thường, gặp phải trường hợp như vậy, dù là dưới hình thức nào — để thua tới độ; hoặc vời vô phòng víp, rồi tế nhị gọi là có chút quà mọn phong bì; nhân cơ hội rỉ tai "đại ca" vài lời ngọt nhạt theo thông lệ, — nói chung các sòng vẫn phải chấp nhận món "lộ phí" này. Vả lại những tay chân tài thực học kia thực tế cũng hiếm khi xử sự một cách quá trớn, không biết điều; hơn nữa số kẻ có bản lãnh như vậy đâu có bao nhiêu.
"Gã Tân Gia Ba này, cao thủ thì phải, nhưng giang hồ lỡ bước thì không, vả nếu có thì khoản "cầm đỡ" cỡ đó e có phần thái quá, nhưng rốt ráo mà nói, với quy mô và nhất là cố sự như Đại Thế Giới, thì một chuyện như vậy cũng không hẳn không thể coi là nhỏ.
"Bảy Viễn cũng đâu coi chuyện này ra gì, nên chỉ định quẳng tay kia xuống hồ cá sấu cho khuất mắt. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, — trong hình dung của một gã kỳ bẽo, và một tên tướng cướp, ở đây rõ ràng có sự khác biệt.
"Thành thử bây giờ chuyện đâm dở ương, — đánh không ra đánh, hòa chẳng ra hòa. Bộ đội Bình Xuyên, vác súng ra trận bắn nhau chết bỏ rồi, giờ lại phải giang hồ cải lương kiểu thủ chẳng giống thủ, xôi chẳng giống xôi, tay chiêu đập niêu như vầy... kỳ hạn nửa tháng, kiếm đâu bây giờ một tay bản lãnh khả dĩ đương cự gã Tân Gia Ba kia; Bảy Viễn thì cục tính, rủi lỡ thành quê cơ trước đám Ba Tàu Chợ Lớn, sẽ còn lớn chuyện thêm tới đâu cũng chưa biết chừng. Tư Thiên lo là phải.
"Về phần gã kỳ bẽo người Tân Gia Ba, thoát khỏi hàm mấy con cá sấu hoa cà của Bảy Viễn, gã về ngụ tại một tiệm thuốc bắc, ngay kế bên Đại Thế Giới. Trước gã không ở đó, và đây có thể coi như là một động thái ra mặt chính thức của thế lực Chợ Lớn. Vì đây là tiệm thuốc lớn nhất khu Chợ Lớn, nhưng lớn thế chứ kể cả lớn nữa, thì cũng chỉ là một tiệm thuốc; có điều chủ tiệm này, dù chỉ là chủ tiệm thuốc, nhưng từ dân biểu, chính khách, tài phiệt, cho tới giang hồ hắc đạo người Hoa ở Chợ Lớn, tất thảy đều kính cẩn gọi ông ta là "Ông Chủ".
"Là tiếng lành hay tiếng dữ thời khó nói, nhưng đồn xa thì quả không sai. Gã Tân Gia Ba về hôm trước, thì ngay hôm sau tiệm thuốc bắt đầu có những vị khách không mời, cũng không có nhu cầu bốc thuốc, ghé thăm.
"Để biết mặt, và chiêm ngưỡng phong thái của "kỳ" nhân; để xem xét, và suy xét; và để lãnh giáo cao chiêu, (với một số hãn hữu đối tượng); — những kẻ ngoại đạo cũng có, nhưng không nhiều, còn đồng đạo, theo ngành dọc, tùy thuộc kỳ nghệ, mà mỗi người tự tới tiệm thuốc với một mục đích khác nhau, nhưng cùng giống nhau ở một chữ "hiếu kỳ".
"Tiệm thuốc bắc thành nơi gã Tân Gia Ba tiếp khách. Tiếng là "tiếp", nhưng khách nào được y tiếp, cũng đều bị lột sạch bách cả, — liên tục trong nhiều ngày cũng chưa hề có ngoại lệ.
"Ngay cả ngoại lệ về độ phức tạp, thế giằng co, hay tính gay cấn cũng không, — dù nghiêm túc, chăm chú, chuyên tâm, tuyệt không một chút "kẻ cả", nhưng những chuyện này với gã Tân Gia Ba mà nói, dễ nhận ra là tương đối đơn giản; rõ ràng đã có sự khác biệt về đẳng cấp.
"Cho nên Tư Thiên càng lúc càng trầm uất.
"Nhiệm vụ chính của Tư Thiên ở cơ quan Phòng Nhì là theo dõi phát hiện cộng sản trong giới người Hoa ở Chợ Lớn, — y là người nhà. Tại tiệm thuốc bắc, y cũng lập tức trở thành một người khách quen, thường xuyên, và với một mục đích ít nhiều đặc biệt so với những người khác, — đặc biệt, và công khai. Thi thoảng, tạm giải lao giữa hai cuộc "làm lông" đối thủ, gã Tân Gia Ba lại tới ngồi nơi bộ bàn ghế cổ, bằng gỗ quý khảm xà cừ, chạm trổ rồng phượng, nhâm nhi tách trà Thiết Quan Âm nóng hổi, nhìn Tư Thiên, nhún vai; Tư Thiên cũng nhún vai, thở dài, rồi đưa mắt nhìn những thân thể người, lục phủ ngũ tạng, kinh mạch, với đồ hình châm cứu, trên những bức vẽ treo khắp các mặt tường tiệm thuốc, nghĩ ngợi mông lung.
"Vì đâu có đường lối, ngoài — thiệt ra là có — một đường lối duy nhất: đánh, và thua.
"Và những hậu quả nhỡn tiền, — công khai ra mặt, giới Ba Tàu Chợ Lớn đương nhiên đã lường trước, và dám đối đầu. Những ngày cuối, vẫn tới tiệm thuốc như đã thành quen, nhưng thiệt ra Tư Thiên đã không còn băn khoăn nữa việc "giải quyết trên sới bạc", mà chủ yếu bắt đầu tập trung tính toán các phương án hậu quả và phác đồ ứng phó.
"Chiều hôm đó, hai ngày trước cuộc hẹn "trên sới bạc", Tư Thiên đang ngồi trầm ngâm nhìn ngắm dãy kỳ huyệt Hoa Đà Giáp Tích được vẽ nhấn dọc theo hai bên một chiếc cột sống to, thì A Chính — gã Tân Gia Ba tên Chính, là người gốc Hoa, nên gọi A Chính — lại tới, nhìn Tư Thiên, và nhún vai; nhưng Tư Thiên còn chưa kịp nở nụ cười buồn bã của người hiểu chuyện, thì đã nghe A Chính nói:
"— Cái nị đưa ngộ qua chỗ... hồi hổm.
"Nhìn vẻ ngơ ngác của Tư Thiên, gã lủng củng diễn đạt:
"— Qua chỗ mà... chỗ những con... — gã chụm bàn tay, úp xuống, uốn uốn — những con cá... à con sấu đó!
"Tư Thiên chợt hiểu, và dù không hiểu, nhưng là tay lịch duyệt, vốn quen với một đời sống có nhiều góc cạnh, y cứ lẳng lặng làm theo lời "anh bạn" A Chính.
"Vậy là lần thứ hai, A Chính lại được chở đi theo lộ trình "Đại Thế Giới — dạ cầu chữ Y", — lần này ngồi một mình một ghế trước, trên chiếc Thrắc-xông màu xanh cánh chả ngả sắc đen của Tư Thiên.
"Suốt dọc đường, mọi cơ chế suy đoán trong bộ máy thần kinh cơ trí của Tư Thiên đều được ngấm ngầm vận động tối đa, nhưng chỉ tới khi A Chính thật sự xáp mặt Bảy Viễn, thì cơ sự mới được làm sáng tỏ.
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...