Ti-mua và đồng đội (9)

Có hai chuyến củi vừa chở về sân nhà bà cụ bị mất dê, bà cụ này vẫn hay đánh cô bé Nhu-rơ-ca nhanh nhẹn.

Bà lão vừa trách móc những người chở củi làm ăn cẩu thả đem củi về đổ ngổn ngang khắp cả sân, lại vừa thở vắn than dài. Cụ xếp củi vào đống, nhưng mệt quá, cụ lên cơn ho rồi ngồi thụp xuống bậc thềm mà thở. Lát sau cụ xách thùng ra vườn tưới rau. Lúc ấy, trên sân chỉ còn lại có đứa em trai của Nhu-rơ-ca. Chú bé này mới lên ba tuổi nhưng có vẻ hay làm. Bà cụ chưa kịp đi khuất chú ta đã vớ ngay lấy cái que chọc cả vào ghế lẫn cái chậu giặt nằm úp sấp ở gần đấy.

Trong lúc đó Xi-ma vừa mới tìm thấy con dê. Con vật này chạy lung tung trong các bụi cây, lùm cỏ y như con cọp Ấn Độ. Em cắt một bạn ở lại bãi trông nó rồi cùng với ba bạn khác chạy như bay về sân. Em ấn vào mồm thằng bé một vốc quả dâu tây, cho nó một cái lông cánh quạ đen óng ánh và thế là bốn người cùng chạy ra xếp củi thành đống.

Riêng Xi-ma thì chạy lăng xăng quanh bờ rào để tìm cách giữ chân bà lão ở lại vườn. Nó đứng lại gần cây táo, cây anh đào bên bờ rào, nhìn qua kẽ hở vào vườn theo dõi bà lão.

Bà lão hái dưa chuột bỏ vào vạt áo toan quay về sân.

Thấy vậy Xi-ma khẽ gõ vào mấy tấm gỗ hàng rào.

Bà lão đứng im lắng nghe. Thấy thế Xi-ma liền giơ cây gậy lên nhè nhẹ rung cành táo.

Bà lão tưởng như có đứa nào đang lặng lẽ leo qua hàng rào trèo lên hái táo. Bà đổ vội dưa chuột xuống rãnh, bẻ một cành lá han to sù lần bước đến nấp sau hàng rào.

Xi-ma lại nhìn qua kẽ hở. Không thấy bà cụ đâu, nó lo lắng đứng phắt dậy, nắm tay vào mép rào, đánh đu người lên mà nhìn.

Thế là được dịp bà cụ kêu lên, nhảy ra khỏi vị trí, cầm cành lá han quật vào tay Xi-ma tới tấp. Vừa xoa hai cánh tay bị bỏng rát, Xi-ma vừa bỏ chạy về phía cổng. Các bạn cùng tổ vừa mới làm việc xong cũng đang chạy ra.

Trong sân lại chỉ còn mỗi một mình thằng bé con. Nó nhặt một thanh củi vụn lên đặt vào bên cạnh đống củi to rồi bóc một cái vỏ khô ra.

Bà cụ về, thấy đứa cháu đang làm cái việc ấy, bà trợn mắt lên, sững người ra mà nhìn đống củi đã được xếp lại quá gọn gàng. Bà hỏi:

- Ai làm việc này lúc bà vắng mặt thế?

Chú bé đặt cái vỏ vào đống củi, ra vẻ quan trọng:

- Bà không thấy à, cháu làm đấy!

Bà bán sữa bước vào sân. Thế là hai bà bắt đầu bán tán về những chuyện là kỳ vừa xảy ra - đó là chuyện nước và chuyện củi. Hai bà ra công gặng hỏi thằng bé, nhưng cũng chẳng biết được gì hơn. Thằng bé chỉ nói là có người chạy vào cổng, nhét vào mồm nó một vốc dâu tây ngọt lắm, cho nó một cái lông chim và hứa sẽ bắt cho nó một con thỏ có hai tai và bốn chân. Họ đến xếp củi thành đống, xong bỏ đi đâu mất.

Nhu-rơ-ca vào cổng.

- Nhu-rơ-ca! - bà nội hỏi em. - Cháu có thấy ai vừa ở sân nhà ta ra không?

- Cháu mắc đi tìm dê, - Nhu-rơ-ca càu cạu trả lời. - Suốt từ sáng đến giờ cháu còn phải lang thang khắp rừng, khắp bãi để tìm nó.

- Người ta ăn trộm mất rồi! - bà lão đau đơn than vãn với bà hàng xóm. - Cái con dê ấy mới quý làm sao!

- Quý gì! - Nhu-rơ-ca đay lại. - Suốt đời chỉ biết chúi sừng vào mà chạy chẳng biết nghe ai.

- Câm mồm đi, Nhu-rơ-ca! Câm ngay, con chết toi kia! - bà cụ hét. - Tất nhiên nó là một con dê bướng bỉnh. Tôi cũng đã có ý định bán nó đi, cái con dê quí của tôi ấy. Nhưng bây giờ thì con dê quí ấy chẳng còn nữa rồi.

Cánh cổng tự nhiên ken két mở ra. Con dê cúi đầu xuống mà chạy thẳng vào sân. Nó xông tới chỗ bà bán sữa. Bà lão kêu lên, ôm vội lấy bình sữa chạy ngay lên thềm. Còn con dê thì húc sừng vào tường và dừng lại.

Lúc ấy mọi người mới trông thấy một tấm bảng con bằng gỗ dán buộc chặt vào sừng dê. Trên bảng đó có viết:

Tôi là con dê, là con dê
Làm tình, làm tội đủ mọi bề
Nhưng ai còn đánh Nhu-rơ-ca mãi
Sẽ khổ suốt đời, bảo cho nghe!

Bọn trẻ đứng ngoài hàng rào thấy vậy thích chí cười rú lên.

Xi-ma cắm phập cây gậy xuống đất rồi tự hào nhảy chung quanh mà hát:

Chúng ta đâu phải bọn bầy,
Chúng ta đâu có trèo cây, trèo rào
Đội ta vui vẻ biết bao
Tiền phong tên gọi vinh nào lớn hơn
Ái-cha-cha

Rồi như một bầy chim sẻ các em lẳng lặng tản đi chỗ khác.

Công việc hôm nay thật chẳng phải là ít, nhưng điều chủ yếu là phải viết ngay và gửi ngay tối hậu thư cho thằng Mi-sơ-ca.

Cả đội không ai biết viết tối hậu thư như thế nào. Ti-mua đành phải về nhà hỏi chú.

Chú của Ti-mua giải thích là mỗi nước có một cách viết tối hậu thư riêng, nhưng ở phần cuối bao giờ cũng phải ghi một câu theo phép xã giao:

"Ngài bộ trưởng, chúng tôi xin gửi ngài lời chào trân trọng".

Rồi sau đó tối hậu thư sẽ do đại sứ nước mình đặt tại nước thù địch đó trình lên kẻ cầm quyền.

Nhưng riêng điều này thì cả Ti-mua lẫn toàn đội của em đều không thích. Một là, các em thấy không cần có một sự trân trọng nào đối với thằng du côn Mi-sơ-ca; hai là, các em không hề có một đại sứ hay một đại diện nào ở phía bên kia. Thế rồi, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, các em đi đến một quyết định: gửi cho bọn chúng một tối hậu thư tương đối giản đơn. Tối hậu thư này sẽ viết theo kiểu bức thư của những nghĩa quân vùng Da-pô-rô-gi-e gửi tên vua Thổ Nhĩ Kỳ mà các em ai cũng đã được xem trong bức tranh minh họa truyện về những người dân Cô-dắc chiến đấu chống lại bọn Thổ Nhĩ Kỳ, Tác-ta và Ba Lan.

(...)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...