Thiên tượng (9)

Bỏ lại bãi biển từ sớm tinh mơ, đi được một chặng, đến lúc con đường bắt đầu cao dần lên, thì anh dừng xe.

- Chụp thêm vài bức, với biển, rồi ngắm bạn từ đây cho đã mắt đi. - Anh thở dài. - Chắc phải còn lâu nữa mới gặp lại nhau đấy. May quá, đây rồi, vừa nghĩ đến Tào công… - anh đã lại cười tươi rói - ây… chờ tí.

Anh nhoài người vớ cái máy ảnh, vừa loay hoay định chui ra thì con dê, nó vừa ló ra ở bụi rậm chỗ khúc quanh phía trước, đã nguẩy đít chui trở lại vào bụi, ném lại một tràng “be he he he…”

Từ chỗ họ vừa đỗ xe, con đường tiếp tục đi lên. Mặc dù vẫn đi lên, nhưng chỉ sau hai khúc quanh thì đúng như anh bảo, nhìn theo hướng nào cũng không còn thấy biển nữa. Đến lúc ổn định độ cao, thì con đường chạy ngoằn ngoèo giữa hai bên là cây, là vách đá, thật ra có thể nói là giữa bốn bên là cây, là vách đá, vì nó ngoằn ngoèo quá. Chạy miết đến lúc trời tối đen, anh chui vào một cái dốc cứu nạn, bảo: “Ngủ đây tốt, trừ phi đang đêm nó lại kích hoạt đúng chức năng.”

Buổi sáng vừa tỉnh ngủ nhưng chưa mở mắt ra thì đã biết là trời mưa to. To nhưng nhẹ nhàng, tại không tối trời tối đất, không sấm sét ầm ầm, không dông gió ào ào, chỉ đơn giản có nhiều hạt nước to cùng rơi xuống thôi. Con đường sạch sẽ như mặc áo mới chúi xuống một ít, rồi tiếp tục bò ngang, mọi thứ đều mát mẻ, tươi mới, nên tâm trạng cũng thật vui vẻ. Đến gần trưa thì mưa tạnh, và mặt trời rực rỡ hớn hở ló ra. Nhưng đúng lúc đấy thì anh làu bàu: “Lẽ ra phải kiếm một con địa hình.”, rồi anh rời khỏi con đường áo mới đang đi, rẽ vào một đường đất heo hút, dốc ngược xuống, hơi chếch về phía tay phải.

Xe chạy chầm chậm, vừa ì ạnh vượt qua một “tay áo” thì anh dừng lại, đúng hơn, anh không đi tiếp được, làu bàu, chui ra. Hai bánh xe sau bị xa lầy, bên trái còn đỡ, bên phải lún tương đối sâu. Anh định quay lại để bảo cô, thì đã thấy cô đứng ngay ở đấy, ngay cạnh chỗ bánh lún sâu, nhòm ngó, mũi nhăn nhăn, rồi ngẩng nhìn anh, hình như định cười nói gì, nhưng nhận thấy biểu tình trên gương mặt anh, anh đang đứng yên, giương mắt nhìn lại, thì nét mặt cô lại chuyển sang lo lắng ngay. Chuyến đi, cho đến giờ, có vẻ như cô đã “khái niệm” là anh luôn có cách xử lý tốt tất cả mọi chuyện. Cô lại đang mặc một bộ quần soóc, anh tần ngần nhìn xuống hai đầu gối đã không còn trắng trẻo như hồi trước, và xương xương hơn. Thấy thế, cô cũng tự nhìn xuống đầu gối xương của mình, rồi dậm dậm chân, ngẩng lên:

- Bây giờ kiếm cành cây to giúi vào đây, xong rồi anh lái, em sẽ đẩy xe. - Cô vừa nói vừa vịn một tay vào thành xe, nhoai người, nhún nhún. Không biết ai đã dạy cô cách chữa sa lầy như thật đấy.

- Đúng rồi, - anh bảo, - một người lái, một người đẩy. Xe Volvo này nhẹ, chắc không cần phải… “giúi cành cây”. Mời tiểu thư cầm vô lăng… ờ, anh nặng hơn, anh ngồi vào nó sẽ khó… vượt cạn. - Hình như cô định ý kiến, nên anh giải thích thêm.

“Đã sẵn sàng?” Anh quan sát tư thế và nét mặt chăm chú của cô, thấy cô gật gật. “Bây giờ nhìn vào gương hậu, thấy anh giơ một, hai, ba,” anh làm động tác bằng tay, “đủ ba ngón tay thì nhấn ga.” Anh dặn, rồi đi về phía đằng sau, đứng sang một bên, tay trái đưa ra phía trước, chuẩn bị làm hiệu, tay phải vịn vào thành xe.

Chiếc xe nhẹ nhàng ra khỏi chỗ sa lầy. Anh đang định bảo cô giả chỗ anh, thì cô đã mở cửa, chui ra, đúng lúc anh vừa đi bộ đến. Anh đang tưởng cô sẽ reo lên vui vẻ, thậm chí có thể sẽ chạy lại bá cổ anh, hoặc đại khái thế, thì cô đã chạy lại chỗ sa lầy, chống hai tay xuống đầu gối, cúi xuống chăm chú quan sát chỗ thụt đấy, quan sát những vệt bánh xe vừa dời đi, rồi lò dò đi bộ trở lại, nhìn anh, tò mò: “Sao nó lên… nhẹ quá.” “Ờ, tại mình phối hợp ăn ý.” Anh vui vẻ.

- Cái bài anh đang huýt sáo là bài gì? - Hình như cô mừng, kiểu như nghe thấy một giai điệu quen, trước đã thích, nhưng chưa biết nó là bài gì, tìm ở đâu để nghe, vẫn ghi nhớ đấy, định có dịp sẽ dò nguồn gốc, giờ chắc sẽ hỏi được.

- “Người mục đồng cô đơn”, - lúc đấy hoàng hôn đang xuống, nắng vàng hắt ngang, óng ả trên những ngọn cây; cả đoạn tiếp theo, xe không bị sa lầy thêm lần nào, đường vẫn là đường đất, nhưng giờ đã khô và dễ đi; anh vừa cho xe tụt dốc một đoạn dài; bây giờ con đường mở ra trước mặt, rộng hơn, bằng phẳng, chạy viền theo bờ bên trái của một dòng suối trong văn vắt; thật sự thì nó chảy im lặng, nhưng nắng vàng và cảnh vật hí hửng tươi rói xung quanh khiến cho người ta phải nghĩ là nó đang reo lên róc rách, không, nó phải reo chứ, không thể khác được; anh phóng mắt nhìn qua bãi cỏ cao xanh tốt rộng rãi ở bên kia suối, rồi nhìn cô - may, xuýt nữa thì anh thật sự phải “mục đồng cô đơn” ở giữa khung cảnh nên thơ này thật. May mà ở hiền gặp gái xinh ham chơi. Công nhận. May quá. - Biết “cơ chế tìm nhạc để nghe” của những người thích nhạc, nên vừa thấy cô định phản ứng, anh nói lấp vào luôn. - Ở trong máy tính có đấy. Bản của Nana Mouskouri. - Thấy cô hớn hở, anh vui vui thử hình dung nét mặt cô lúc sẽ lục trong máy tính và thấy mấy trăm ghi ga kho nhạc kỳ vĩ của anh.

Con đường lượn vòng sang trái, chỗ này ở bờ bên kia suối có nhiều cây cao khuất mất tầm nhìn, cho đến lúc nó vòng lại sang phải, ló ra khỏi trảng cây, phía trước, bên đấy lại mở ra một bãi cỏ rộng trống trải mới, thì ven suối, bên này, còn cách hơi xa một chút về phía đằng trước, chui ra từ rừng thông lá thâm thấp, ghé đến có khi quá cả bờ suối, có hai mái nhà gỗ so le nối liền nhau, cái cao ló ra khỏi lá thông, cái thấp ghé đến bên bờ suối, một căn nhà gỗ thật là xinh xắn.

Vừa nhìn thấy ngôi nhà, anh đã vui mừng ra mặt, vội vàng tăng ga, cho xe chạy nhanh lên. Dòng suối chỗ đấy cua gấp sang phải, anh cho xe vào bãi cỏ rộng rậm rì, một bên là rừng thông thấp, còn phía đối diện, bên tay phải, phía bờ suối có một hàng đá hộc trắng trắng vàng vàng xây xếp thành một đường viền thấp, tạo cảm giác “sân nhà”. Anh phấn khởi nhấn còi “pim pim…”, bên kia, cô đã mở cửa, nhảy ra, vươn vai, duỗi duỗi chân, đá một phát bên này, một phát bên kia để vặn mình, rồi chạy về phía bờ suối.

Ở bên dưới chỗ đường viền đá, thấp xuống khoảng nửa sải, hóa ra có một lối đi bằng đất, tường nhà không mở cửa hay cửa sổ nào về phía sân, nên lối này là lối đi chính vào nhà, kéo dài đến gần tường nhà rồi có mấy bậc thang đi lên một hàng hiên nền đá vững chãi một phần chìa hẳn ra trên mặt suối, có lan can bằng song sắt thưa, thâm thấp, sống mái nhà kéo dài ra hết khoảng lan can, hai mái hai bên làm thành mái hiên khom khom, cửa vào nhà và mấy cửa sổ kính đều mở ra chỗ hàng hiên này.

Một hai ba, cùng nhảy xuống lối đi bằng đất, về phía bờ suối, nó cũng được viền một đường viền đá giống như cái ở trên, và cao hơn mặt nước phải đến hơn nửa sải, mà cũng chưa đến mặt nước ngay. Ở dưới, còn có một mảng bờ hẹp hẹp chỉ cao hơn nước một tí được lát lô mô bằng cùng một loại đá tảng chạy từ đầu kia phía bên tay phải đến gần chỗ hai người đang đứng thì hơi vòng cung ra ngoài, rộng ra một chút, rồi lại chạy vòng vào, khuất vào chỗ góc nhà bờ suối ở đằng đấy. Ngay gần bên phải họ, chạm đầu vào “bến” đá này có một chiếc thuyền buồm thể thao nhỏ màu trắng có viền da cam ở mép, cột buồm cao nhưng buồm đã được cuốn hết xuống, neo dọc quay đầu vào bờ, dọc theo một cầu thuyền bé tí bằng gỗ hơi cao hơn bờ, rộng khoảng nửa mét, nhoai ra trên mặt nước khoảng gần hai mét. Ở chỗ vòng cung rộng nhất của bến này, còn có mấy hòn đá lưa thưa thò lên ở phía nước bên ngoài, ở chỗ đấy có một đám vịt độ hơn chục con, mặc đồng phục bụng trắng, lưng vàng nâu đen lẫn lộn đầm đậm, cổ đen, hai má trắng, mắt tăm tối, mỏ thâm thâm đang nhốn nháo nằm, ngồi, chổng đít, rỉa lông. Ô tô chạy vào sân, bấm còi, rồi họ nhảy xuống đứng ngay đấy thò đầu nhòm xuống, mà chúng cũng chả thèm để ý đến, dù là bằng nửa con mắt. Anh bảo: “Đẹp nhỉ”, rồi vừa giữ hai vai, định xoay người cô rồi gỉn theo lối đi vào nhà, thì đã nghe một giọng nói vui vẻ: “Ai đến thế này? Volvo quen quá!”, ngoảnh lại, thì đã thấy trên hàng hiên, ngay chỗ bên trên bậc thang cao nhất có một người tầm vóc trung bình, tuổi ngoại ngũ tuần, mái tóc và hàm râu quai nón đều hoa râm, để tự nhiên, không dài không ngắn, mặc một cái áo sơ mi bằng vải mềm giống như vải tơ tằm, hoặc đúng là vải tơ tằm, sặc sỡ những hình tàu thủy, cây dừa, mỏ neo, hòm châu báu, ngực phanh ra, áo bỏ ngoài quần, hằn rõ cái bụng hơi tròn tròn, đang cười vui vẻ, tay chống nạnh, nheo nheo mắt nhìn về phía họ.

- Đào Phi!

- Chú Trường Văn. - Anh vừa reo lên, thì chú Trường Văn đã chạy về phía họ, anh vội bước lên một bước, thì vừa gặp chú chạy đến, hai người bá vai bá cổ, chú rất là mừng rỡ. Anh phải vỗ vỗ vào vai chú, nhấm nháy, chú mới nhớ ra là vẫn còn khách nữa. - Chú Trường Văn, đây là Ngọc Linh.

Vào đến cửa nhà, chú Trường Văn mới như chợt nhớ ra:

- Đào Phi, hình như có hơi sớm một chút, phỏng?

- Dạ, vâng, sớm chút.

- May, chú cũng chỉ vừa mới về được mấy hôm.

- Chú đi đâu?

- Các cụ… bây giờ chú ở cố định chỗ này, nên đưa các cụ về đây, để tiện trông nom.

- Vâng.

Ở phía mặt bên kia căn nhà gỗ, có một khoảnh sân đất xinh xắn khép kín hình tam giác vuông nhưng có cạnh huyền không thẳng mà lồi ra, nhỏ hẳn hơn sân cỏ để ô tô bên này, ở trong nhà, từ gian dưới phần mái cao bước ra, thì bên trái khoảnh sân này là những gốc thông bìa rừng, làm thành một cạnh vuông góc với tường nhà, còn cạnh huyền bầu ra thì là bờ suối, có một vệt cỏ xanh rộng gần nửa mép viền theo bờ này. Một lối đi nhỏ bằng đất liền lạc một cách tự nhiên với mặt sân, hơi quá về phía đầu góc nhọn phía tay trái, dẫn vào giữa những gốc thông mọc thưa thưa. Không thấy cô ở ngoài sân, anh lò dò hướng về phía lối đấy, vừa đi vừa gọi: “Linh ơi! Linh!”. Trời đang tối dần, lối đi không kéo dài, một tí thì dẫn đến một khoảng cỏ trống rộng vừa vừa. Bên trái khoảng này, cạnh những gốc thông có hai gốc cây loại khác, to lớn hơn, nhưng không cao lắm và có tán lá rộng phía trên, đứng so le, cách nhau vài mét. Cô đang đứng ở chỗ cỏ trống ở quãng giữa hai cây này, lưng quay về phía anh, trước mặt là hai tấm bia trắng nhờ nhờ trong bóng tối nhập nhoạng. Hình như cô không nghe tiếng anh gọi, nên hơi giật thót mình, né ra một chút, rồi quay phắt lại, lúc anh chạm nhẹ bàn tay vào vai cô: “Đi kiếm cái gì ăn thôi.”

- Chú Văn sao không đi cùng? - Cô hỏi lúc anh đang đánh xe rẽ vào con đường phía bên phải từ chỗ sân rộng đi ra, ánh đèn xe quét loang loáng vào những thân cây.

- Chú ấy ăn chay.

- Ăn chay?

- Ừ, “Sĩ khả sát bất khả nhục”, - anh cười, - “Kẻ sĩ thà bị gày sát tận xương sườn chứ nhất định không chịu ăn thịt”, chú ấy bảo ăn chay cảm thấy đầu óc thông minh hơn hẳn.

- Có phải thế thật không nhỉ? Có khi em sẽ…

- Anh chả tin.

- Em làm được, thật mà.

- Không, là anh chả tin vào chuyện ăn chay. Bộ tiêu hóa của người, phải qua rất nhiều thời gian lịch sử, mới định hình thành bộ tiêu hóa thịt chín. Giờ muốn chay thì phải đi ngược lại, dần dần, thế nào đó, kiểu gì cũng không thể bụp phát thịt thành chay ngay thế được. Làm thế đương nhiên là phản khoa học. Nhưng chú Văn, chú ấy thông minh lắm, mà nói thế cũng chưa thật đúng, phải nói là đầu óc chú ấy thuộc loại đặc biệt, chú ấy luôn có những quan điểm rất riêng. Có nhiều thứ anh cũng không hiểu được.

- Đặc biệt?..

- Ừ. Ví dụ, rất nhiều người ăn cắp phần mềm, anh cũng ăn cắp một ít, chú ấy thì ăn cắp gần như tất. Một số người ăn cắp vì nó thật sự đắt so với túi tiền của họ, với một số khác, ăn cắp phần mềm giống như một thú vui, anh thì ăn cắp nếu thấy làm thế tiện hơn, còn với chú ấy, ăn cắp phần mềm là một nguyên tắc.

- Nguyên tắc?

- Ừ. Thực ra thì chú ấy ăn cắp phần mềm dựa theo xuất sứ. Xuất sứ địa lý. Chú ấy bảo, chỗ này, cha ông chúng nó ngày xưa xâm lược mình, trút bom đạn thuốc độc xuống đất mình, giết người mình. Lũ cha ông súc vật chưa tiến hóa đấy của chúng nó chết đi tất nhiên xuống địa ngục hết. Mà lũ súc vật đấy khi sống đã ngu xuẩn thế, thì chết đi không kiểu gì tự phấn đấu để lên khỏi đấy được. Muốn nó lên được khỏi đấy, phải có người đại lượng lôi nó lên. Mỗi lần chú bẻ khóa một cái phần mềm, là đã giúp một số thằng con cháu trả nợ cho ông cha nó. Ở dưới kia, chắc sẽ có một thằng súc vật bấm nút rải chất độc nào đấy thò thêm được một đốt ngón tay ra khỏi vạc dầu. Đấy là chú làm phúc cho cả nhà nó.

Quán rượu ở bên dòng suối, đầy người, khói thuốc mù mịt. Anh tìm được một chỗ ngồi ở sát bức tường đằng xa, phía đối diện với quầy ba. Cái bàn gỗ mô phỏng một thùng rượu tròn màu nâu đen đặt đứng trên mặt đất, ghế ngồi là những khúc gốc cây, ở ngay cạnh đấy là mấy bàn bi-a có những anh chàng tay cầm cơ tay cầm chai bia, hoặc cầm cục lơ đứng mài mài đầu cơ, hoặc đang bò ra ngắm nghía. Cô nhòm qua thực đơn rồi gọi hai đĩa mì ống xốt cà chua thịt bò to, bia và cô-ca. Anh gật gù tán thưởng.

Anh ăn thong thả, vừa ăn vừa nhìn cô ăn, thấy vui vui. Ở bàn kế đấy, hơi chếch qua phải, theo hướng anh nhìn, có một anh chàng trắng trẻo, béo tốt, đeo kính trắng, đang ngồi phưỡn ra, hỉ hả, một tay xoa xoa cái bụng đã tròn tròn trước tuổi, tay kia cầm chai bia lùn lùn giụi giụi vào cổ chai của cậu bạn ngồi cạnh.

- Lũng Sương. Phải xuống Lũng Sương. - Anh chàng có vẻ hơi líu lưỡi, chắc cũng đã uống tương đối.

- Đúng rồi, phải xuống. Uống đi. - Bạn anh ta, một anh chàng gầy nhẳng, tuổi chắc còn ít hơn anh ta, nhưng bộ dạng trông như một lão nông, cười nhăn nheo, đuôi mắt đầy chân chim, nhưng ánh mắt thì long lanh trẻ trung, háo hức, ánh mắt của kẻ đã chớm say, giơ cái chai, cọ cọ.

Cô nhìn anh, hỏi nhỏ nhỏ:

- Lũng Sương?

- Ừ, chỗ vực đấy gọi là Lũng Sương. - Anh trao đổi cũng nhỏ nhỏ, uốn lưỡi cẩn thận chữ “Sương”, - Đã có một thời gian, rất nhiều người xuống đấy rồi không thấy lên, đến nỗi người ta đã chuyển sang gọi nó là Lũng Xương, “Xương” ích xì. Rồi chú Văn đến đây, dựng lên một hệ thống máy tính và bắt đầu tính toán ra những “thời điểm an toàn”. Nhiều người đã làm theo những tính toán của chú, và tai nạn giảm hẳn. Chú đã lấy lại cho nó cái tên Lũng Sương. Bây giờ, hàng năm, cứ vào khoảng thời gian này, nhiều người, những người chuẩn bị để xuống đấy, lại tụ tập ở quanh đây để chờ đợi số liệu của chú Văn.

- Sao ở gần đấy không thấy ai, thường thì…

- Lúc đầu họ kéo đến hạ trại ở quanh đấy luôn. Và, tất nhiên, ngày ngày hỏi han, giục giã, hối thúc, chả tránh được. Hệ thống của chú Văn, có một số chỗ máy tính không làm được, những chỗ đấy chú Văn phải tự tổng hợp số liệu, phân tích, suy luận, rồi mới tiến hành được bước tiếp theo. Những chỗ đấy chưa lập trình được. Đến một lần, bị “quấy” quá, chú bị phân tâm, nên ở vào một chỗ “tự tính” như vậy, chú loay hoay mãi không xong. Chuyện này, em cũng hiểu, thà không tính được còn hơn tính mà biết là rất nhiều khả năng sẽ sai. Lần đấy, chỉ một số ít nghe lời chú Văn, ở lại, số đông hơn không nghe, và lặp lại tỉ lệ Lũng Xương, “xương” ích xì. Cho nên bây giờ...

Đúng lúc ấy, ở ngay bên cạnh có tiếng “thịch”. Tiếng này rất quen thuộc. Nhiều người, có lẽ tất cả mọi người, đều sẽ có lúc làm như thế sau khi đi hỏng một đường cơ, bi đi trượt lỗ, hay còn tệ hơn, “sẹo”. Lúc đấy người đấy sẽ dộng cán cơ xuống sàn, thường sẽ ngửa mặt lên trời, có người ngồi thụp xuống, hoặc khom người ôm bụng, và thường kèm theo những tiếng xuýt xoa. Một thói quen chung, hay hay, vô hại.

Nhưng lần này, kèm theo tiếng cán cơ dộng xuống đất, đã là một tiếng quát:

- Mày không nghỉ thế được.

Anh ngoảnh lại, người vừa quát, một người dáng đậm đậm, thuộc loại lùn, da ngăm ngăm, cắt đầu đinh, mặc một cái áo phông màu vàng be, cổ bẻ, quần soóc lửng đến đầu gối, màu ka ki đã bạc màu, đi dép rọ không cài quai gót bằng da cũng màu đấy nhưng thẫm hơn một tí, đang trợn mắt, cặp mắt hơi lồi, tay phải nắm ngọn cơ vừa dộng xuống đất, tay trái chỉ thẳng vào mặt một cậu thanh niên đang đứng ngay cạnh lỗ mười, quay lưng về phía bàn bi-a. Phía bên tay phải người thấp đậm này, cách ra một tí, một người khác, chắc là đồng bạn, cũng mặc áo phông có cổ, vằn ngang, vằn trắng vằn xanh công nhân xen kẽ mỗi vằn rộng khoảng hai ngón tay, quần bò xanh chì đã bạc nhiều chỗ, gân hai bên may to, chỉ đôi, da cũng ngăm ngăm, nhưng cao, gày gò, đi dép lê màu đen, tóc cợp tai, cặp môi thâm và tương đối dày đang cười nhếch nhếch, để hở hàm răng trắng, có một chiếc răng cửa ở giữa hàm trên bị sứt van vát một nửa, cũng đang đứng chống cơ, mắt nheo nheo, nhìn cậu kia.

Cậu thanh niên, giờ anh đã nhìn kỹ hơn, đúng ra mới là một cậu bé. Tuổi nó chỉ khoảng chừng mười ba, mười bốn, gày xương xương, mảnh khảnh, nhưng nó thuộc loại cao, còn cao hơn người thấp đậm kia. Mái tóc dài, mềm mềm, cợp tai, cợp gáy, nhưng được chải rẽ đường ngôi một cách không cẩu thả. Nó mặc một bộ quần áo thể thao màu xanh tím hơi xỉn xỉn, lấm nhiều vệt phấn trắng, hai bên tay áo và quần đều có hai đường sọc một màu đỏ bọc đô, một màu xám nhạt, phéc-mơ-tua áo kéo kín cổ, ống quần hơi cộc hở mắt cá, kiểu ống quần của những anh chàng đang tuổi lớn, dép dọ cao su màu đen cài đủ quai gót. Tí tuổi mà vào chơi bi-a ăn tiền ở đây, thường thì không phải con nhà lành, nhưng trông anh chàng này không gây cảm giác là sau khi ra khỏi đây nó sẽ vẫy vài đứa bạn rồi giúi giụi cả đám vào bậc thềm nào đấy chia nhau thuốc lá châm hút phì phèo, rồi vừa nói chuyện vừa nhổ nước bọt, văng tục, hoặc là cả bọn sẽ quây lấy một bàn, ở đây luôn hoặc ở một quán nào đấy, gọi mấy chai bia, rồi gác chân lên ghế, vừa nhả khói vừa nói chuyện ông ổng, ngắm nghía, có thể còn cợt nhả lôm côm kiểu ra dáng người lớn từng trải mấy chị em ở quanh đấy. Thằng bé này trông nó chỉn chu, có nét điềm đạm, dễ làm cho người ta thiên về cảm giác nếu thắng bi-a, nó sẽ cầm tiền về đưa cho mẹ nó để đi chợ. Mặt nó trắng trẻo, hơi xanh, trông lành lành, nó đang xòe hai tay, phân bua:

- Mình em đánh suốt từ chiều đến giờ, bọn anh đã đổi tay mấy lần rồi còn gì?

Người mặc áo vằn xanh trắng đỡ hung hăng hơn bạn mình:

- Mày là thằng cơ gạo ở đâu đến chăn tiền bọn tao?

- Nhà em ở ngay gần đây, em vẫn hay chơi ở đây, mọi người đều biết…

Thằng bé đang đưa mắt về phía gian quán có đông người ngồi, rồi về phía quầy ba, chắc nó hy vọng có ai đó trong những người lớn ở đấy sẽ nói giúp nó vài câu, nhưng chưa thấy ai nói gì thì người mắt lồi đã sấn vào, anh ta đã chuyển cây cơ sang tay trái, tay phải nhanh như cắt thò ra túm lấy cổ thằng bé:

- Mày bảo mày ở ngay gần đây, mày định dọa bọn tao? - Anh ta giúi nó về phía bàn bi-a, thằng bé hơi loạng choạng, tay trái nó vịn vào mép bàn, những ngón tay gầy xương xương đầy bột phấn trắng run run, tay phải nó theo phản xạ chắc đã định đưa lên nắm lấy cánh tay đang tóm cổ nó của anh kia, nhưng lại sợ không dám, thành ra lúng túng trong không khí. Từ đầu, nó đối đáp một cách cũng cứng cỏi, nhưng nó mới là thằng trẻ con. Cánh mũi thằng bé hơi phập phồng…

Bàn tay nắm cứng lấy cổ, rồi đẩy về phía trước, anh thả tay ra thì anh chàng mắt lồi đã đứng đúng trở lại chỗ anh ta vừa đứng trước đấy. Anh đã đứng chắn trước mặt thằng bé.

- Thằng này nó là em tao, tiền nó vặt của mấy thằng ngu chúng mày nó sẽ đưa cho tao. Chúng mày thích đánh nhau thì đánh với tao. - Anh hơi nghếch cằm, đưa mắt nhìn mỗi thằng một cái, rồi dừng lại ở thằng mắt lồi.

Thằng này đưa mắt cho thằng kia, anh không đảo mắt qua nhưng cũng thấy thằng kia cười khẩy. Rồi thằng mắt lồi giương hai bàn tay, kiểu như giơ tay hàng, nhưng thấp thấp ở trước ngực, ngón tay phải nó vẫn còn phải đỡ cây cơ đứng, nên động tác ấy, cộng thêm cái nhún vai, trễ môi của nó, trông giống như phân bua. Rồi cả hai thằng cùng quay lưng rời đi.

Nhưng chúng nó lại nhất loạt quay trở lại ngay. Quay đi thì thong thả, nhưng quay trở lại thì thật nhanh. Cán cơ của thằng lùn vun vút từ hướng chính diện nện thẳng vào hông anh, còn cán cơ thằng vằn xanh cũng từ hướng đấy nhắm thẳng vào mặt vụt tới. Bọn này hóa ra đều là chuyên gia đánh lộn, đánh có bài hẳn hoi. Chúng nó đánh như vậy, làm sao tránh? Còn thằng bé đứng ngay đằng sau, anh làm sao tránh?

Cây cơ đánh bi-a trông thì mảnh mai tao nhã, nhưng nếu dùng làm gậy để đập nhau thì lại sướng tay hơn nhiều so với các loại gậy thông thường. Cây cơ thon nhỏ, phạm vi kéo lại, đẩy tới của một đường cơ cũng chỉ được một khoảng ngắn, nên để có thể chọc vào bi cái và truyền cho nó một gia tốc đủ lớn, thì cây cơ phải đủ nặng. Vì thế, lúc làm cơ, người ta đã độn vào bên trong, phải đến khoảng phân nửa thân cơ, về phía cán, một lõi thép nặng. Cho nên nếu cầm cơ về phía đầu, rồi nện thằng khác bằng cán, thì hết sức sướng tay. Rủi cho thằng đó mà trúng phải cái chày cốt thép ấy vào mặt, thì còn gì là mũi, còn gì là răng.

Hai tay anh đồng loạt vuốt xéo về phía trước. Tay trái ở trên, tay phải ở dưới, trông thì nhẹ nhàng, nhưng tay nhanh hơn gậy nhiều, hai bàn tay đã dính chặt vào hai cán gậy bi-a đang vụt mạnh tới, nương theo đà khẽ giật sang hai bên, một chút về phía sau.

Rồi hai tay anh vừa bắt chéo lại, lại lập tức nhả ra ngay, động tác trái ngược nhưng liền lạc, trông như không có điểm dừng, lúc anh nhả tay về, thì hai bàn tay đều buông hai đầu cán cơ ra, nhưng không phải buông hẳn, mà giống như là ném mạnh đầu cán ra, rồi bàn tay vuốt dọc theo thân cơ, đến gần đầu cơ thì cả hai bàn tay đều nắm lại. Cùng một lúc, hai cú vụt bung ra. Bàn tay nhanh lắm, nên đường cơ đi hầu như không thể nhìn thấy.

“Phựt phựt”, anh đã thả tay, cả hai cây cơ rơi lủng củng xuống đất, cây anh vừa nắm bằng tay phải, táng vào cánh tay phải thằng vằn xanh, bị gãy dở ở khoảng một phần ba về phía đầu cơ, cây kia táng vào cánh tay trái thằng lùn, không gãy. Có những tiếng động vang lên, tiếng cơ rơi, gãy, có thể cả tiếng tay hai thằng kia gãy. Cả hai cánh tay đều xuội xuống.

Bọn ham đánh lộn, có thể vì ngu, cũng có thể vì gan thật, nên ở chúng thường có một điểm đáng trọng, đấy là chúng không biết sợ. Tất nhiên, sau một chiêu đầu tiên như vậy, thì chúng phải bị bất ngờ, nhưng sự bất ngờ đấy những người đứng ngoài xem chắc cũng không thể nhận ra. Chỉ một tích tắc, hai cánh tay vẫn còn đang xuội xuống, thì hai nắm đấm còn lại đã bay đến.

Hai nắm đấm bay đến thì gặp hai nắm đấm bay ra.

Những người đang đứng ngoài xem, hẳn phải lấy làm lạ với kiểu đánh nhau này. Kể từ lúc các nhà làm phim nâng được võ thuật điện ảnh lên một tầm cao mới, nói đúng hơn là đại ca Lý Tử Long đã lên màn ảnh và nâng cái đấy lên một tầm cao mới, rồi sau khi anh mất, thì những cú đá, những quả đấm trung thực, đơn giản, không dùng kỹ xảo, mà sâu sắc về võ thuật, về nghệ thuật, như của anh, không còn ai làm được nữa, và tất cả những người còn lại đã tụt dần từ tầm cao đấy xuống, may là vẫn không đến nỗi bị trở lại chỗ cũ ngày xưa, thì đa phần mọi người đã có cơ hội hiểu biết tốt hơn về chuyện đánh nhau. Nhưng kiểu đánh nhau như thế này thì chắc người ta không biết. Đánh kiểu gì không múa, không sàng, không bay lượn, không tránh né, không đỡ, không triền ti, thậm chí không cả tấn bộ, cứ người ta đập thì mình đập lại, người ta đấm thì mình đấm lại, đánh như bắt chước, như không cần nghĩ.

“Roác roác”, cả bốn nắm tay lúc rời ra đều đỏ lòm lòm. Kêu như thế thì phải có xương gãy, chỉ là xương ai? Hai thằng kia, cả bốn cánh tay đều xuội xuống. Anh tiến lên một bước, vươn hai bàn tay chụp lấy mặt hai thằng kéo giật về phía mình, hơi chếch chếch lên, dở chừng, đè mạnh hai cánh tay xuống, bẻ mạnh cả hai thằng cong về đằng sau. Bình thường bẻ thế mà kịp khuỵu gối xuống thì đỡ, nhưng bẻ nhanh quá, không những gối không gập lại kịp mà theo phản xạ bị đau, chân trái thằng mắt lồi còn hớt lên về phía trước. Tay anh, sao đó, tay trái vẫn không thể khỏe bằng tay phải.

“Hịch hịch”, hai thằng nằm dài dưới sàn, chắc đau nên hơi nhúc nhíc, vật vật. Anh dúi vào tay thằng bé đánh bi-a một tờ mệnh giá to, hất đầu về phía bàn mình, “trả tiền giúp anh”, thằng bé không nói gì, lẳng lặng cầm tiền, nhìn nhìn anh. Anh đưa mắt cho cô, rồi đi về phía cửa.

- Lẽ ra anh không cần đánh họ xuống sàn. - Cô nói trên đường về.

- Linh, - giọng anh lạnh tanh, khô khốc, - đối với chúng ta, thì địa ngục là địa ngục, còn đối với thiên đường, thì chúng ta là địa ngục. Chúa đã làm ra thiên đường và trần gian, thì người không nên dạy nhau về một “thiên đường trần gian”. Nên dạy nhau về đức tin.

- …

- Đối với gái, thì gái xấu là địa ngục, còn đối với giai, thì gái là địa ngục. Chúa đã làm ra giai và gái, thì gái không nên dạy nhau về trí tuệ của gái. Nên dạy nhau về đức tin… - nói đến chỗ đấy thì anh không thể “lạnh tanh, khô khốc” tiếp được nữa, mà lại cố để không cười to, nên thành ra khịt khịt, phị phị…

Cô quay phắt lại, giơ tay, chắc định thụi anh, nhưng anh đang phải lái xe, nên… có tiếng rít, những bánh xe miết trên mặt đường, vệt phanh cũng dài, rồi xe dừng hẳn, anh bảo:

- Đấy, đấm anh đi.

Cô nhoài người sang, nhưng không đấm mà quàng tay qua cổ, tì cằm lên vai anh, bảo:

- Đúng sai không quan trọng đâu anh. Không quan trọng gì hết cả. Nhưng anh đừng lạnh lạnh, hay là cáu. May là anh đùa. Nhưng lúc anh lạnh lạnh, em có cảm giác bất an lắm.

Đêm đen.

Đèn đuốc đã tắt hết, căn nhà gỗ đã ngủ say, rừng cây đã ngủ say, hình như gió cũng không thổi, chỉ có suối vẫn chảy, chắc cũng vừa ngủ vừa chảy, giống như những người lái xe đêm. Có tiếng kẹt cửa khe khẽ, một bóng đen nhẹ nhàng lách qua cánh cửa mở ra khoảng sân hình tam giác vuông cạnh bầu ở sau căn nhà, nhanh nhẹn cắt chéo qua mặt sân, rồi mất hút vào giữa những thân cây chỗ lối đi bằng đất ở phía bên trái.

Ánh lửa lóe lên, hai tấm bia bằng đá trắng nhờ nhờ trong ánh sáng không đáng kể hắt ra từ nguồn sáng yếu ớt. Ngọn lửa vàng vàng xanh xanh leo lét lần lượt ghé lại gần từng tấm bia một.

Phạm Trường Phước
1898 - 1975

Mạc Tú Thanh
1901 - 1974

Lửa phụt tắt. Tích tắc sau thì cả ánh lửa còn lưu trên võng mạc cũng tắt nốt. Màn đêm sền sệt. Không nhìn thấy cả bàn tay trước mặt. Nhưng anh nhìn thấy mặt mình đang tái đi. “Sao em bất cẩn quá thế, Văn ơi?”


(còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...