Ti-mua và đồng đội (14)

Ôn-ga trùm đầu bằng chiếc khăn mặt và nằm dài trên bãi cát đọc sách.

Giê-nhi-a cũng đang tắm. Bỗng có người đến ôm lấy vai em.

Giê-nhi-a quay phắt lại.

- Chào bạn,- một cô bé cao, mắt đen láy nói, - Ti-mua cử tôi đến đây đấy. Tôi là Ta-nhi-a, cũng là người cùng đội với cậu ấy. Cậu ấy rất ân hận về việc chỉ vì cậu ấy mà chị bạn đã mắng bạn.Chị bạn ác lắm phải không?

- Bảo hộ cậu ấy cứ yên tâm, - Giê-nhi-a đỏ bừng mặt lên và nói ấp úng. - Chị Ôn-ga không ác tý nào đâu, tính chị ấy như vậy đấy thôi. - Rồi Giê-nhi-a khoát tay thất vọng nói thêm. - Hừm, chị ơi là chị! Cứ chờ đấy! Ba về sẽ hay!...

Đôi bạn gái cũng thôi tắm và cùng đi lên đoạn bờ phía bên trái bãi tắm. Đến đấy hai em bỗng gặp Nhu-rơ-ca.

- Này, cậu có nhận ra tôi không? - Nhu-rơ-ca lí nhí hỏi Giê-nhi-a. - Đúng rồi! Tôi nhận ra cậu ngay! Ti-mua kia kìa! - Cô bé cởi cái áo xuống rồi chỉ về phía bờ bên kia, chỗ có mấy cậu con trai đang đứng ở đó.

- Tôi biết ai đã tìm hộ con dê, ai xếp củi, ai đã cho em tôi ăn dâu tây rồi. Tôi cũng biết cả chị cậu nữa, - cô bé quay về phía Ta-nhi-a. - Có lần thấy bạn ngồi khóc bên luống rau. Đừng khóc. Chả hay gì đâu!... Này, đứng im đấy, con quỷ kia, kẻo tao lại đem mày đi vứt xuống sông bây giờ! - cô bé quay lại quát con dê đang bị buộc vào bụi cây. - Nhảy xuống tắm nữa đi, các cậu!

Giê-nhi-a và Ta-nhi-a đưa mắt nhìn nhau. Trông cô bé Nhu-rơ-ca này thật là ngộ nghĩnh. Người bé nhỏ, da cháy nắng, chẳng khác nào một cô gái Xư-gan.

Tay cầm tay cả ba cô cùng chạy ùa xuống sông, đón làn sóng xanh đang vỗ dào dạt.

- Thế nào, nhảy chứ?

- Nhảy đi!

Thế là cả ba cô cùng nhảy ùa xuống nước.

Nhưng, các cô chưa kịp lặn thì bỗng có người thứ tư nhảy xuống theo.

Đó là Xi-ma. Cậu ta vội đến nỗi cứ để y nguyên cả quần áo, đi dép xăng-đan mà nhảy xuống nước. Cậu ta vừa hất tung mớ tóc dính nước, vừa phun phì phì để bơi từng sải rộng sang tới bờ bên kia cho thật nhanh.

- Nguy quá! Giê-nhi-a ơi! Nguy to rồi! - cậu ta quay về phía Giê-nhi-a kêu to. - Gây-ca và Cô-li-a bị bọn nó phục kích rồi!

...Ôn-ga vừa đọc sách vừa đi lững thững lên đồi. Đến chỗ con đường mòn thoai thoải chạy ra đường nhựa chị bỗng trông thấy anh Ghê-oóc-ghi đang đứng bên cạnh chiếc mô-tô. Hai người chào nhau.

- Tôi đang phóng, - anh giải thích, - thì trông thấy chị đi về. Tôi nghĩ, hay là ta đợi ở đây rồi đưa về, nếu cùng đi một đường.

- Nói dối! - Ôn-ga không tin. - Anh cố tình đứng đây đợi tôi.

- Vâng, đúng là như vậy đấy, - anh Ghê-oóc-ghi thú nhận, - định nói dối cũng không xong. Tôi định xin lỗi chị về chuyện vừa rồi đã làm chị sợ. Cái lão già thọt đứng cạnh cổng ấy chính là tôi. Tôi hoá trang để chuẩn bị cho một cuộc tổng duyệt đấy mà. Chị ngồi lên đây, tôi đưa chị về.

Ôn-ga lắc đầu từ chối.

Anh đặt lên cuốn sách của chị một bó hoa. Bó hoa khá đẹp. Ôn-ga đỏ mặt, lúng túng... ném bó hoa xuống đường.

Ghê-oóc-ghi quả là chưa ngờ được tới chuyện đó.

- Ôn-ga ạ! - anh buồn rầu nói. - Chị chơi đàn giỏi, hát lại hay, chị có đôi mắt nhìn rất thẳng thắn và rất sáng. Tôi chưa làm điều gì để chị phải phật ý. Nhưng tôi thiết nghĩ, chẳng có ai lại xử sự như chị bao giờ... Kể cả những người làm nghề bê tông cốt sắt.

- Không cần hoa! - hoảng hốt về hành vi của mình, Ôn-ga nhận lỗi. - Chẳng cần phải tặng hoa tôi cũng vẫn đi với anh được như thường.

Nói rồi chị ngồi lên chiếc đệm da. Và thế là chiếc mô tô chạy vút đi như bay trên đường cái.

Con đường đã đến chỗ rẽ đôi, nhưng chiếc mô tô đã lờ con đường rẽ vào khu trại nghỉ mát, lao thẳng ra phía cánh đồng.

- Anh đi sai đường, - Ôn-ga kêu to, - rẽ sang phải mới đúng.

- Đường này tốt hơn, - anh Ghê-oóc-ghi đáp, - ở đây đường vui hơn nhiều.

Lại một con đường rẽ nữa. Hai người phóng vút qua một khu rừng nhỏ rợp bóng mát, lá reo rì rào. Một con chó nhảy bổ ra khỏi đàn bò, cừu vừa cố sức đuổi theo mô tô, vừa sủa inh ỏi. Nhưng đuổi làm sao nổi! Xe chạy xa rồi!

Một chiếc xe tải chạy ngược đường rú ga y như tiếng đạn đại bác cỡ lớn.

Thế rồi khi hai người vượt được ra khỏi đám bụi vàng bốc cuộn lên cao thì bỗng thấy ở phía dưới chân đồi có khói, ống khói, tháp lọc nước, những khung cửa bằng kính và bằng sắt của một thành phố lạ.

- Xưởng máy của chúng tôi đấy! - anh Ghê-oóc-ghi nói to. - Ba năm về trước tôi còn đến quãng này để hái nấm và dâu rừng đấy.

Chiếc xe rẽ quặt rất mạnh mà không hề giảm tốc độ.

- Đi thẳng đi! -chị Ôn-ga cảnh giác. - Đi thẳng về nhà thôi.

Bỗng nhiên động cơ bị tắc và thế là xe phải dừng lại.

Anh Ghê-oóc-ghi vừa xuống xe vừa nói:

- Đợi tôi tý nhé. Xe bị mắc cái gì đó thôi.

Anh ngả xe ra bãi cỏ ngay dưới bóng cây bạch dương, lấy túi phụ tùng chữa xe ra và bắt đầu tháo, vặn.

- Anh sắm vai gì trong vở ca kịch của nhà máy thế? - Ôn-ga vừa ngồi xuống bãi cỏ vừa hỏi. - Tại sao trông anh hoá trang vừa kỳ quặc vừa dữ tợn như vậy?

- Tôi đóng vai một ông già tàn tật, - anh Ghê-oóc-ghi trả lời, tay vẫn không ngừng chữa xe, - trước kia ông lão là du kích, tính tình có phần... hơi không bình thường. Ông ta sống tại một vùng gần biên giới nên luôn có cảm giác như bọn địch giảo quyệt vẫn tìm cách đánh lừa ta. Ông ta già rồi nhưng tinh thần cảnh giác rất cao. Các chiến sĩ Hồng quân của chúng ta còn trẻ lắm, đi tuần tra về chỉ cười đùa, hay đi chơi bóng chuyền thôi. Anh em ở đấy quen biết đủ loại các cô.

Anh Ghê-oóc-ghi chau mày lại rồi khe khẽ hát:

Trăng lại khuất rồi sau đám mây đen tối
Ta ngồi đây lặng lẽ gác đã ba đêm
Đừng ngủ, đất nước ta ơi! Kẻ thù đang len lỏi
Ta yếu. Ta già. Ôi, sao chẳng ở yên!

Đến đây anh Ghê-oóc-ghi đổi giọng bắt chước cả một dàn đồng ca:

Cụ già hỡi cứ bình tâm... cứ bình tâm!

- "Cứ bình tâm" thế nào được? - Ôn-ga lấy khăn tay lau môi bị dính bụi, hỏi gặng.

- Thế có nghĩa là, - anh Ghê-oóc-ghi tiếp tục gõ cái lắc-lê vào ổ máy xe mô tô, giải thích - thế nghĩa là: hãy ngủ cho yên, lão già ngốc ơi, các chiến sĩ và các vị chỉ huy đều đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu từ lâu rồi... Chị Ôn-ga này, cô em gái của chị có nói gì về chuyện tôi gặp cô ấy không?

- Có, tôi đã mắng cho nó một trận.

- Không nên. Cô bé ấy rất hóm hỉnh. Tôi nói "A", nó liền trả lời tôi "B"!

- Tôi cũng đến khổ về cái con bé hóm hỉnh ấy. - Ôn-ga nhắc lại. - Có một thằng tên là Ti-mua gì đó suốt ngày cứ ám nó. Thằng này đồng bọn với thằng du côn Mi-sơ-ca. Tôi không có cách nào để cấm cửa nó được.

- Ti-mua à? Hừm... - Anh Ghê-oóc-ghi bối rối, gặng hỏi. - Chẳng lẽ nó cùng trong bọn ấy à? Có lẽ nó không phải là thằng.... nó không đến nỗi... Mà thôi! Chị đừng lo... Để tôi sẽ bắt nó không được bén mảng đến nhà chị. Chị Ôn-ga này, sao chị không theo học trường đại học âm nhạc? Kỹ sư có ra gì đâu. Chính tôi là kỹ sư đây, nhưng đã làm được gì?

- Có lẽ anh là một kỹ sư kém chăng?

- Sao lại kém? - anh Ghê-oóc-ghi nhích lại gần Ôn-ga. Lúc này anh đã bắt đầu gõ sang trục bánh trước. - Chẳng kém một tẹo nào, nhưng chị chơi đàn và hát rất hay.

- Anh Ghê-oóc-ghi này, - Ôn-ga e thẹn đứng lùi lại, - tôi không biết anh là kỹ sư tài giỏi đến mức nào, nhưng... xem anh chữa máy thì thật lạ làm sao.

Chị giơ tay bắt chước các động tác lúc thì gõ vào ổ máy, lúc thì gõ vào ổ bi, có lúc lại gõ cả vào vành xe nữa.

- Chả có gì cả. Cần làm như thế nào thì làm như thế thôi. - Anh đứng phắt dậy, cầm cái lắc-lê gõ mạnh vào khung xe. - Đấy, xong rồi đấy! Chị Ôn-ga này, ông cụ chị là chỉ huy à?

- Vâng.

- Thế thì tốt. Bản thân tôi cũng là chỉ huy đây.

- Ai hiểu nổi được anh nữa! - Ôn-ga nhún vai. - Lúc thì bảo là kỹ sư, lúc lại là diễn viên và bây giờ lại là chỉ huy. Có lẽ anh còn là phi công nữa đấy nhỉ?

- Không! - anh Ghê-oóc-ghi bật cười. - Phi công thì bay từ trên cao giội bom xuống còn tôi thì đánh thẳng vào tim qua bê tông cốt sắt ở ngay trên mặt đất này.

Thế rồi ruộng lúa, đồng cỏ, rừng cây, sông nước lại loang loáng hiện ra trước mắt họ. Cuối cùng họ đã về đến khu trại nghỉ.

Nghe thấy tiếng động cơ mô tô, Giê-nhi-a ở bao lơn vội chạy bổ ra. Thấy anh Ghê-oóc-ghi, em tỏ vẻ lúng túng, nhưng khi anh đã phóng xe đi thì em chỉ nhìn theo xe rồi chạy lại ôm lấy Ôn-ga, giọng đầy tị nạnh: "Gớm, sao hôm nay chị sướng thế!"

(...)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...