Thiên tượng (4)

- Mai anh đi rồi à.

- Ừ, đi sớm. - Hôm nay không có quả dừa toác đôi, anh cũng ngồi im, hai tay bó gối giống như cô, nhìn ra biển.

- Anh cư xử lạ lắm.

- Lạ?

- Vâng. Lạ. Anh biết đánh pi-a-nô, chơi được cả Chopin, thế mà hôm đến chỗ bạn em, gặp nó đang tập đàn oóc, rủ anh chơi, anh cười ngượng nghịu, bảo không biết chơi.

- …

- Rủ anh đi hát ka-ra-ô-kê cho vui, anh cũng nhăn nhó, bảo là không biết hát, hôm khác anh lại ngồi trên bậu cửa sổ, đánh đàn guitar, hát cho em nghe gần hết đêm, toàn rock classic và những bản tình ca anh bảo là “xưa cũ” mà em hoàn toàn không biết.

- …

- Lúc đầu em đã nghĩ anh là một hạng tinh tướng dởm đời vớ vỉn, sau liên hệ với tính cách của anh, thì em nghĩ là không phải thế.

- …

- Anh không có máy nghe nhạc, không iPod, không mp3… nhưng nếu vô tình nói đúng chủ đề, thì anh có thể nói say sưa cả giờ về nhạc cổ điển, nhạc rock, về các nhạc sĩ, nhạc công, cụ thể tên tuổi, phong cách thế nào, sống chết ra sao, rồi về những cái loa thùng stereo với hệ thống tăng âm vẫn còn dùng bóng đèn chân không ở nhà anh. Xong rồi tình cờ nhắc đến Đàm Vĩnh Hưng, anh lại tưởng là thợ cắt tóc.

- …

- Em kể với anh là máy tính của em bị hỏng, anh chả cần nhìn cái máy, chỉ hỏi vài câu, rồi bảo em chi tiết cách diệt vi-rút, vào mạng lấy những file hệ thống để thay những file đã bị hỏng, lấy thêm một số file hệ thống khác, thay vào để sửa giao diện máy tính cho đẹp và độc đáo hơn, chỉ cách vào mạng nhanh hơn, thay một số chương trình đang dùng bằng một số chương trình khác nhỏ gọn và hiệu quả hơn, chỉ cách làm cho máy tính chạy nhanh hơn, lấy về thêm một số tiện ích khác, chỉ rõ cách để dùng máy tính một cách có ích hơn… chỉ mấy hôm, anh đã thay đổi hẳn cách dùng máy tính của em. Nhưng bản thân anh thì… không máy tính, không Internet, thậm chí… không điện thoại.

- …

- Em gặp anh ở đây, rồi chơi như thế này, cũng có thể nói là thân, thế mà giờ, chia tay, anh để lại mỗi cái địa chỉ, còn bảo “nhà anh đấy, chìa khóa ở dưới đáy một trong mấy chậu cảnh trước cửa, mà chả mấy khi anh ở đấy, có đợt vài năm anh cũng chả về lần nào”.

- …

- Em không trách gì đâu, nhưng… chả ai làm thế cả.

- …

- Lạ… nhiều hơn là trách.

- Em… - đang ngồi im từ đầu, tự nhiên anh nói - em không nhận thấy ở đây cũng… có chút nhất quán?

- Nhất quán?

- Ừ. Nhất quán. Trong khả năng có thể, anh cố không tham gia vào những quá trình thoái hóa.

- Thoái hóa?

- Ừ. Thoái hóa. - Anh trầm ngâm một lát, rồi bảo. - Em có thấy, khi nói về bọn trẻ con, chúng ta hay nói về sự ngây thơ, trong trắng, mộng mơ, còn khi nói về những người lớn, chúng ta lại thích những sự chai sạn, từng trải, lọc lõi? Một cách hầu như tự nhiên, mặc định, chúng ta thích những cái đấy ở trẻ con, và những cái đấy ở người lớn.

- …

- Tức là hầu như tự nhiên, mặc định, chúng ta thích sự thoái hóa. Có thể không chủ định, nhưng hầu như mọi người đều hài lòng với việc cuộc sống, cuộc đời của con người, là một sự thoái hóa. Cứ nghĩ mà xem. Chúng ta sinh ra ngây thơ, trong trắng, mộng mơ, rồi lớn lên chai sạn, từng trải, lọc lõi. Thoái hóa như thế, đời người mà rốt cuộc chỉ để đi đến chỗ đấy, thậm chí là biết trước thế rồi, thì có cái quái gì đáng thiết tha?

- …

- Những người nghe nhạc đều có thần tượng. Anh đã nghĩ dần đến những chuyện này, vì đã có một thời gian, anh cảm thấy rất thắc mắc về cái chết của những người như Jimi Hendrix, Elvis Presley, John Lennon, Freddy Mercury, Kurt Cobain…

- …

- Về chuyện chết trẻ, dễ nhận thấy ở đây một sự nhất quán, một tỉ lệ tương đối tập trung. Tai nạn nhiều khi không đơn giản chỉ là tai nạn. Phân tích thêm một chút, thì anh thấy những cái chết giống như tai nạn này như là hệ quả tất yếu của một quá trình sống. Mọi người thì hay nói về nếp sống bừa bãi của nghệ sĩ. Lúc đầu anh cũng nghĩ thế, sau tự anh thấy có gì đấy rất không thoải mái với cách nghĩ này. Có gì đó sâu xa hơn chuyện bừa bãi. Những người này, cách họ sống, hình như họ không thật sự thiết tha nhiều lắm với cuộc sống.

- …

- Mà họ đều rất thông minh, thông minh hơn hẳn chúng ta, hơn hẳn nhiều người khác. Rất thông minh, mà lại không thiết tha lắm. Cái này tưởng mâu thuẫn, nhưng nghĩ kỹ thì anh thấy không.

- Này!.. - Tự nhiên anh thấy cô quay ngoắt lại, cặp mắt mở to, ơn trời, hai mí, nhìn anh. - Anh nói nghe ghê lắm!..

- Không phải thế. - Anh nhe răng cười. - Anh chỉ suy luận thế thôi, tại anh không thông minh bằng họ, không tiến hóa nhanh được như thế. Anh sống đắm đuối ghê lắm, mê say lắm, nhưng với mức độ không thông minh lắm của anh, anh cũng cố tiến hóa, may là anh luôn tìm thấy những phạm vi cục bộ nào đó mà cá nhân anh còn có thể tiến hóa được.

- Anh giải thích rõ hơn xem?

- Ví dụ, hồi bé tất cả trẻ con, một cách tự nhiên, đều rất ham tìm hiểu chuyện này chuyện kia, bắt chước tập nói, tập làm việc này việc kia… bây giờ anh vẫn ham tìm hiểu, bắt chước, tất nhiên là những chuyện tìm hiểu, bắt chước bây giờ phức tạp hơn hồi đấy, nhưng tính chất ham muốn và cấu trúc hệ thống thì vẫn thế.

- …

- Tri thức thì thế, còn mơ ước... Hồi bé anh mơ ước lớn lên làm phi công, bay đã là một chuyện rất bí hiểm, bây giờ anh mơ ước đến một lúc nào đó có thể hiểu được chúng ta đến từ đâu, rồi sau khi chết, thì sẽ đi đâu. Hồi bé anh rất muốn có một cái bàn tính to với nhiều hột xanh đỏ để gẩy lách cách, nghĩ là cái đấy nó rất thông minh, và mình ngồi gảy nó lách cách, trông cũng rất thông minh, bây giờ anh đang mơ đến lúc phần mềm có thể thông minh gần như người, lúc ấy anh sẽ viết một chương trình, một phiên bản giống như anh, rồi đưa lên mạng, nếu có nhiều người dùng, anh sẽ tồn tại mãi…

- Anh này.

- Ơi.

- Nhỡ sau này em không gặp lại anh.

- Tức là không có duyên.

- Duyên?

- Ừ. Duyên. Sao em lại là con của bố em, của mẹ em, mà không phải là bố khác, mẹ khác. Sao em lại gặp anh ở đây, mà không phải là anh khác. Đều là tại duyên.

(còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...