Thiên tượng (16)

Có mỗi mình thằng Trung ngồi ở phòng ngoài, chỗ bàn nước. Nó đã xếp gọn bộ đồ trà qua một bên, và đang loay hoay làm gì đó trên chiếc máy tính xách tay của nó.

- Chị Linh đâu?

- Sao rồi? - Thằng bé hỏi lại, không trả lời câu hỏi của anh.

Anh không nói gì, uể oải đến ngồi xuống bên bàn, ở phía đối diện, thằng bé ngẩng lên nhìn anh dò hỏi, anh lắc lắc đầu, mệt mỏi nhìn nó.

- Lần này sao sao… Chắc chú Văn phải chuẩn bị “bế quan”. Chị Linh đâu? - Anh hỏi lần nữa.

- Chị ấy rủ em đi ăn sáng, em đang mải cái này, nên ngại, chị ấy đi một mình.

- Ăn sáng? - Anh ngó đồng hồ.

Thằng Trung gật gật, lại tiếp tục chăm chú vào công việc của nó.

Đã hơn 11 giờ sáng, trưa rồi. Anh sờ ấm trà nguội tanh, vươn vai, lững thững bước ra ngoài.

Lúc cô đánh xe vào sân thì anh đang ngồi xổm trên bờ đá, bờ cao, bờ viền sân, ngắm vịt. Anh nhổm dậy đi lại phía xe, nhưng không thấy cô chui ra, nhảy nhảy, vặn mình, đá chân, nói gì đó, hay cười vui vẻ. Cửa kính hạ sẵn, anh khom người, cười tò mò, tì cánh tay lên, nhòm vào, vừa đúng lúc cô ngoảnh nhìn sang.

Lúc đấy tự nhiên nụ cười tắt và có cái gì rơi vỡ ở trong anh, cảm giác ấy rõ ràng đến mức tưởng như nghe thấy, không thể khác được, ở bên tai tiếng thủy tinh khô khốc.

Vẫn khuôn mặt trái xoan, cặp mắt đen láy, trong veo, sống mũi nhỏ, thanh tú, và đôi môi trẻ con tập nghiêm nghị làm người lớn, thậm chí cô còn mỉm cười với anh.

Nhưng anh nhìn thấy cô xơ xác.

Kể từ khi biết cô, anh chưa bao giờ nhìn cô như thế. Từ đầu, anh vẫn giao tiếp với cô như với một đứa em gái nhỏ, anh mến cô, gọi là, theo cách thông thường, yêu cũng được, anh biết cô cũng mến anh, gọi là, theo cách thông thường, yêu cũng cũng được. Một cảm giác thân thiết, một giao cảm dễ chịu, nếu sau này vẫn tiếp tục thế được thì sẽ thành thắm thiết mãi. Và anh chưa bao giờ nhìn cô như anh đang nhìn lúc này. Từ trước, cô luôn là cô gái nhỏ. Và một cô gái nhỏ, dù vui, dù buồn, dù cười, dù khóc, dù khỏe mạnh, mệt mỏi, hay thậm chí ốm đau, thì cũng không xơ xác thế.

Chỉ có đàn bà mới xơ xác như thế.

Anh nắm lấy tay cô, chầm chậm đi về phía bờ suối. Đến sát bờ đá, họ dừng lại ngắm vịt. Nhìn về phía chúng, thế thôi, anh chẳng ngắm mấy con đấy, anh biết cô cũng thế. Cô nghiêng đầu vào vai anh, bàn tay anh băn khoăn nắm nắm bàn tay cô nhỏ nhắn, mềm mại. Rồi cô nói đơn giản, ngắn gọn:

- Em gặp anh Kiên ở ngoài quán, anh ấy bảo anh ấy thích em, và hỏi về quan hệ giữa em và anh.

“Đúng kiểu hách-cơ”, anh nghĩ, từ từ xoay cô lại, đối diện, rồi nhìn sâu vào mắt cô. Như thế thì dễ hẳn hơn nói. Nhưng trước sau gì cũng phải nói. Anh thở nặng nhọc, vừa định cất lời, thì cô đã cúi đầu, tì vào ngực anh. Cô nói, chậm chậm, rõ ràng, tư thế như vậy nên giọng nói nghe dường như hơi âm vang:

- Em đã nghĩ anh sẽ cười, “tốt quá”, “chúc mừng em”, trêu chọc, xúi bẩy… hay đại loại… như vẫn thế.

- Không, ai lại… sao thế được?..

- Như thế này, em đã biết anh muốn nói gì, em… cảm động lắm, nhưng như thế… thì lại càng… - Cô khẽ giụi giụi đầu. Cô không sụt sịt, không khóc, nhưng anh ngửi thấy đúng mùi nồng nồng toát ra từ một người đàn bà khóc. Đấy là cơ chế của thiên nhiên.

Anh vòng tay ôm lấy hai bờ vai nhỏ nhắn, cô nhẹ nhàng nép vào anh. Anh thấy một cảm giác giống như… chắc đấy là nghẹn ngào.

- Đừng giận anh… bản thân anh… cũng bị phức tạp lắm… có lẽ, chắc anh phải… - anh diễn đạt khó khăn, rồi ngập ngừng.

- Không, không phải… anh không cần làm gì cả. Em với anh sẽ... không, không phải sẽ, em với anh phải như thế này hoặc… hơn thế. Chừng nào anh vẫn có thể ở cạnh em, em vẫn… em sẽ muốn ở cạnh anh. Như thế này. - Cô cười, gỡ anh ra, ít nhiều vui vẻ trở lại, cầm tay anh, vung vẩy, một hai ba, nhảy xuống lối đi, rồi kéo anh vào nhà, cố, bề ngoài, vui hơn thế thêm một chút.

Anh cũng làm bộ tươi tỉnh, để cô dẫn đi, vung vẩy tay cùng với cô, nhưng anh thấy lòng mình trĩu xuống, tái tê, cảm nhận thật sự hết sức nặng nề. Anh hiểu cô không hiểu hết, và nếu nói, anh cũng khó có thể nói hết, những gì anh đã muốn nói với cô. Chưa kể… chưa kể những gì anh chỉ vừa mới chợt cảm nhận được, ngay vừa bây giờ đây thôi, trong khoảng khắc ngắn ngủi vừa rồi. Tâm trạng như vậy không phải chỉ thật nặng nề, mà dường như ít nhiều bắt đầu hoang mang.

Vừa đến bậu cửa, chợt cô bảo: “Xuýt quên”, rồi gỡ tay anh ra, chạy trở lại xe. Anh vẫn ở nguyên chỗ đấy chờ cô, thấy cô cầm theo một gói nhỏ lá sen.

- Em mua được cốm rất…

- Có cốm à, hay quá! - Thằng Trung, biết cô về, cũng đã ra chực sẵn ở đấy. - Chú Văn có chè Thái Nguyên chính gốc, với mứt hoa A-ti-sô hảo hạng. Em đun nước sôi sục ngay bây giờ.

Anh nhìn theo thằng bé xách cái siêu nhỏ đen thui thui đi ra sân sau, chắc định nhóm bếp củi để đun nước, nghĩ đến chè Thái Nguyên và những cánh hoa mứt đo đỏ ngọt ngào trong veo, lẩm bẩm:

- Cái này, chè với mứt hoa, không phải ai… chỉ có anh, Vũ Thanh Thanh, một vài người nữa… À, - anh giải thích - Vũ Nương tên là Vũ Thanh Thanh. Chú Văn có lẽ kết thằng bé này thật. Tốt quá.

Hỏa lò than củi bốc lên những làn khói nhẹ, mỏng mảnh, xanh biếc. Chiếc chiếu đậu được trải ra trên sàn nhà chỗ khoảng trống ở gần những bậu cửa sổ thâm thấp. Cái ấm pha chè nhỏ tí, cùi dày, bèn bẹt như một con rùa nằm trong một cái âu nông, đầm trong nước sôi nghi ngút. Cả ấm, cả âu, cả mấy chiếc chén không quai bé xíu đều bằng đất nung mộc, không men, có màu đỏ gạch, có lẽ hơi sẫm hơn gạch một chút, cả ấm, cả âu, cả chén, nhất là lòng chén, đều có những vệt cáu đen, bộ này chắc chưa bao giờ được rửa. Ở sâu bên trong nước chè, có một chút mùi vị ngai ngái, xa xăm, thế nào đấy, một cảm giác về đất đồi, với nhựa cây, những chiếc lá bóng bóng, và rêu ở trên đất ấy, không biết phải tả chính xác thế nào, một kiểu mùi đặc trưng, riêng, và còn riêng hơn nữa với riêng anh.

Chè Thái Nguyên, tự nó vốn vẫn là một thứ đặc sản quốc hồn quốc túy, nhưng với riêng anh, nó còn hàm chứa thêm một chút ý nghĩa khác, cái này anh không nghĩ là cái gì riêng nhất, nhưng cũng không nghĩ nó là phổ biến. Mỗi lần hít sâu vào lòng đúng cái hương vị đấy, anh luôn nhìn thấy một cậu bé, mới ở tuổi sắp sửa đi học, mặc một chiếc quần soóc ka-ki, một chiếc áo sơ mi cộc tay bỏ ngoài quần, cúc cài chỉn chu, áo màu trắng, kiểu trắng vải thô chứ không phải trắng tinh tang, có những đường kẻ ca-rô vuông vắn màu xanh rêu nhàn nhạt, ô ca-rô nhỏ và vuông đúng khoảng cỡ bằng ô vở ô-li. Cậu bé đấy đứng trên một lối đi bằng đất nhỏ, khô khốc, hơi quanh co cả theo chiều ngang, cả theo chiều lên xuống, ở phía bên trái cậu, bờ lối đi nhỏ, hơi cách ra một tí qua mép cỏ hẹp, dốc gần như thẳng xuống, ở sâu phía dưới là những ô ruộng lúa lúc đấy toàn lúa non trông như những cây hành, còn ở bên phải là một bờ rào lẫn lộn ô-dô, khúc tần, với, có lẽ là, một vài loại cây chuyên “bờ rào” khác nữa. Lúc đấy cậu vừa tìm thấy ở đấy một quả tu hú mâm xôi đỏ xinh, trông phần thì giống một quả dâu đất nhỏ, phần thì giống như một đĩa xôi gấc tí hon, và cậu đang vô cùng băn khoăn là có nên ăn nó hay không? Muốn ăn lắm vì quả đấy tuy bé nhưng rất ngọt ngào và thơm ngon, nhưng lại sợ, vì mẹ cậu bảo những quả ngon ở bờ rào như thế thường hay bị rắn liếm, và nếu chẳng may là rắn độc thì ăn vào có thể bị méo mồm. Lúc đấy cậu còn chưa biết toán xác suất, nhưng cuối cùng thì cậu vẫn ăn quả đấy và sau đó đã hồi hộp lo lắng suốt cả ngày. Sau khi ăn quả, và đi hết đoạn bờ rào, đến một bụi tre, thì cậu đã bắt được ở đấy một con châu chấu voi to cộ…

“Bóng ai như tôi đi qua cõi đời…” - Có ai đó đã hát như vậy.

“Đào Phi…” Có tiếng thằng Trung gọi, có bàn tay đập khẽ vào đầu gối, anh quay lại, thằng bé đang nhấm nháp những cánh mứt hoa nhỏ, đo đỏ, trong suốt, chờ anh:

- Nếu như em cũng biết đánh nhau như anh, nhưng… đánh nhau nói chung… không thể gọi là tốt, và… lúc đấy, em vẫn không muốn đánh nhau, thì phải làm thế nào? - Thằng bé dạo này rất thích mang những thắc mắc của mình đi hỏi những người lớn, và càng hỏi, có vẻ cu cậu lại càng phát sinh thêm nhiều thắc mắc mới. Tư chất nó thuộc loại chăm tìm hiểu, nghĩ ngợi, nhưng có vẻ trước đây, trong môi trường của nó, nó vẫn phải luôn tự nhẩn nha với các vấn đề của mình.

- Em biết thánh Gan-đi không?

- Đã đọc uy-ki.

- Ừ, một người chủ trương không bạo động. Ông ấy từng nói: “Kẻ yếu có thể không bao giờ tha thứ. Lòng khoan dung là thuộc tính của kẻ mạnh.”

- Nhưng… nếu hôm ấy không có anh, em đã… no đòn. - Nó nói, rồi nhìn cô, nhe răng thỏ.

- Thì thế, có thể tự sướng, là mặc dù mình no đòn, nhưng mình mạnh mẽ về tinh thần, mình khoan dung nó, nhưng… đằng nào cũng no đòn, thì còn khoan với không khoan cái quái gì?

- Thế nếu không “đằng nào”, tức là nếu… như anh lúc đấy, nếu anh chịu đòn không đánh lại, thì vẫn là “khoan” chứ?

- Ờ… - tự anh cũng bị đắn đo - vẫn không phải…

- Nhưng rõ ràng anh…

- “Rõ ràng”, là lúc đã đánh xong, còn lúc đầu… anh hoàn toàn có thể thua.

- Nhưng dù sao… đánh nhau… bản thân những người luyện võ cũng luôn dạy nhau là luyện võ là để… kiện thân.

- Nếu chỉ muốn kiện thân thì tập thể dục được rồi.

- Nhưng những động tác võ... rõ ràng có nhiều thứ tốt cho sức khỏe hơn thể dục thông thường mà.

- Ừ, nhưng môn võ nào cũng có những động tác dùng để đánh người cả. Nếu chỉ muốn kiện thân thôi thì không cần những động tác đấy. Anh nghĩ những thứ đơn giản thì tốt nhất là cứ hiểu theo cách đơn giản thôi, không cần phải lý luận lòng vòng. Học võ, đơn giản là học đánh nhau.

- Thế thì em…

- Em không cần học cái đấy.

- Nhưng nếu…

- Đời người hữu hạn, chả gì quý bằng thời gian. Thời trong Kim Dung khác, bây giờ khác. Thời gian của em, em nên tập trung vào những việc có ý nghĩa hơn. Như bây giờ, những việc đấy chủ yếu liên quan đến trí tuệ.

- Nhưng như hôm nọ thì…

- Rút kinh nghiệm, sau này, những người mình giao du, những chỗ mình giao du… phải tránh những chuyện không mong muốn.

- Nhưng làm sao tránh hết được?

- Có môn xác suất. Một người đi sang đường, cũng là đi theo xác suất lớn thôi. Tất nhiên, ngay cả xác suất nhỏ tí vẫn có thể xảy ra. Ngộ nhỡ… vẫn no đòn thật, thì là không may. Cứ chấp nhận đơn giản thế thôi. Không cần tâm tư vật vã lý luận vòng vo để cố gây cảm giác là mình không thèm chấp, hay khoan dung nó. À… mới cả, đặc biệt là không cần phải sĩ với gái về chuyện đấy. Không biết đánh nhau chả có gì là xấu, những đứa tử tế phải hiểu chuyện đấy, không hiểu… thì cũng chả có gì phải tiếc. Hôm đấy nếu anh chỉ cố gắng can gián, rồi ăn đòn hộ em, có bết xê lết, thì chị Linh chắc cũng không vì thế mà chửi anh hèn.

- …

- …

- Sao chuyện gì anh cũng luôn có sẵn một ông… “Gan-đi” nào đó để giở ra ngay được? - Thấy thắc mắc của thằng Trung đã có vẻ đã giải đáp xong, lúc đấy cô mới xen vào.

- Ừ, đấy là một thói quen, từ hồi phổ thông.

- À, chắc là để lấy điểm với các bạn gái.

- À, không. - Anh nhìn cô, cười, cười vui vẻ thật, nhưng vẫn có một cảm giác là lạ, là đấy là cười kiểu hình thức, là bề ngoài thế nào đó, nên nụ cười, bị lủng củng bên trong như vậy, chắc là sẽ hơi buồn cười, và hình như cô cũng nhận thấy cái đấy. - Hồi đấy, sau một số lần có cảm giác rất không hài lòng về mình, anh cố gắng tìm một nguyên tắc nào đấy để có thể mang ra dùng trong những tình huống khó xử. Rồi anh tìm thấy một quyển sách viết về toàn các bậc hoành tráng. Ngay gần đầu, anh đã thấy có một bậc, tầm vĩ nhân, nhưng lúc còn chưa là vĩ nhân đã nói đại ý “Đứng trước mộ vĩ nhân, tôi thấy mình buồn cười bỏ mẹ.” Thế là anh đọc hết quyển rất dày đấy, xong rồi chọn ra một số bậc mà anh khoái nhất, rồi gần như học thuộc lòng. Rồi anh còn tìm thêm những bậc mà mình đã từng thích rồi bổ xung thêm vào đấy, và sau đấy cứ tiếp tục bổ xung tiếp. Rồi từ sau, cứ mỗi lần bị khó xử, anh lại lôi ngay một bậc mà có vẻ có liên quan nhất đến tình huống đấy ra, rồi tự hỏi kiểu “Lý Thám Hoa trong trường hợp này sẽ làm gì?”, anh tự giải đáp theo quan điểm Tiểu Lý Phi Đao, xong rồi anh làm đúng như thế.

- …

- Anh thích cách này. Tất nhiên, càng về sau, biết nhiều lên thì những trường hợp mình không tự xử lý được càng ít đi. Nhưng ngay cả bây giờ, thỉnh thoảng, gặp phải tình huống như thế, anh vẫn… - Anh chợt cảm thấy mình tái mặt. May mà ngay lúc đấy, thằng Trung đã xen vào.

- Nhưng mà… làm thế thì… nó kiểu bắt chước.

- Cũng không hẳn, nhưng cứ gọi là bắt chước cũng được, bắt chước thế, anh thấy cũng tốt.

- Bắt chước thì, nó không được… cá tính lắm.

- Cá tính? Để làm gì?

- Nó là cái tôi, nó là sự độc đáo, là sáng tạo, là khẳng định mình, là… em thấy mọi người đều thích cá tính. Em cũng muốn trở thành một người có cá tính.

- Để làm gì? - Anh nhắc lại.

- Để… cảm thấy… mình là mình, là một thứ… một cái gì đấy không bị lẫn lộn, riêng, nhận ra được, có cái gì đấy… phân biệt ra.

- Muốn thế khó quái gì, ngày xưa em đừng đến trường học, bây giờ anh đảm bảo, có thể không hẳn là độc nhất vô nhị, nhưng mà chắc chắn… riêng, nhận ra được, có cái gì đấy… phân biệt ra. - Anh cười nụ, săm soi thằng bé.

- Nhưng mà đấy… ờ… mà… - thằng bé ấp úng, nhíu mày, nhắm tịt mắt một cái rồi lại mở bừng ra.

- Thấy chưa, bản thân khái niệm “bắt chước” không bao hàm nghĩa nhàm chán, xấu, kém, cũng như bản thân khái niệm “cá tính” hoàn toàn không bao hàm ý nghĩa hay ho, tốt, giỏi giang. Vì sao đó rất nhiều người cứ tự gán ghép, rồi tự hiểu như thế.

- …

- Thực ra hiểu lệch thêm tí, thì cũng chả nghiêm trọng gì, nhưng căn bản là hình như càng về sau thì mọi người lại càng có xu hướng nói về nó nhiều quá, cho nên, như em thì là còn bé, nhận thức chưa đủ, chứ có nhiều đứa lớn rồi mà ngớ nga ngớ ngẩn, lại cứ tưởng như thế là hay lắm, nên làm gì cũng khát khao muốn khác người. Trẻ con đến trường để bắt chước cách suy nghĩ của tiền bối, là muốn giống người khác đấy, có gì là xấu, là kém? Cường, Trí cứ một mực là Anh-xtanh sai, đ’.. giống ai, nhưng có gì là hay?

- Nhưng… bản thân Anh-xtanh ngày xưa thì cũng… một mực là Niu-tơn sai mà?

- Ừ, Anh-xtanh có thể lảm nhảm như thế cả đời, và thành Cường, Trí, của Tây. Nhưng… Anh-xtanh lại tự chứng minh được, chứng minh đấy lại có ý nghĩa to lớn, và cho đến giờ vẫn không ai cãi được…

- …

- Ví dụ vậy nhá… - Thấy thằng bé thở dài thườn thượt, anh ngửa bàn tay xòe rộng năm ngón rồi nắm lại trước mặt, như bắt lấy cái gì trong không khí, rồi vỗ vai nó. - Bây giờ, coi như là em mới gặp anh lần đầu ở đây thôi, ngồi nói chuyện một tí, xong anh bảo theo quan điểm của anh, của cá nhân anh, thì lý thuyết của Niu-tơn mới là tương đối, còn của Anh-xtanh là tuyệt đối.

- …

- Chưa cần phải hiểu Niu-tơn, hay Anh-xtanh lắm, chỉ một cách hoàn toàn “dư luận”, em cũng có thể ấn tượng ngay là anh là loại bốc phét, ba hoa, để, và thích chơi trội, thích gây sự chú ý. Nhiều đứa ngu đồng hạng có khi sẽ thích những hiệu ứng kiểu thế, nhưng loại như em thì sẽ không thích một thằng “nổ” như thế.

- …

- Nhưng nếu bây giờ anh giải thích cặn kẽ vì sao mà anh lại nghĩ thế, và em, mặc dù cũng chưa thật hiểu lắm, nhưng em lại rất “uy tín” chị Linh, và chị Linh lại khẳng định với em là anh giải thích có lý.

- …

- Thì em có thể chuyển từ không thích sang quý anh. Với một số chuyện tương tự cùng kiểu “quan điểm riêng hay ho” như thế nữa, có thể em, và một số người nữa sẽ coi anh là loại “cá tính”. Mà bản thân anh, lúc tìm hiểu những cái đấy, lúc chia sẻ những quan điểm đấy với mọi người, với em, có khi anh cũng chả biết, chả quan tâm cái đấy có phải là “cá tính” hay không nữa. Với anh, có khi nó chỉ đơn thuần là kiến thức, và mọi người thích nó, vì, nếu như, đấy là kiến thức hay.

- …

- Bản chất, là, hay dở mới là quan trọng, chứ cá tính hay không cá tính, để làm đếch gì?

- Nhưng… kể cả là hiểu sai, thì nó cũng có phần… tác dụng… là động lực sáng tạo.

- Ư ừ… - Anh lắc lắc đầu. - Kiến thức mới là động lực sáng tạo, chứ không phải cái ngớ ngẩn “khát khao muốn khác người” đấy. Cái lều của em, chính là sáng tạo đấy. Em thử ngẫm lại xem, nó là do em nghĩ ngợi nhiều về Hang Dơi và những ý nghĩ ngày càng trở nên cụ thể, chi tiết hơn, thậm chí có những thứ cảm giác như là sờ thấy được; nó là kết quả của những giờ em bò ra đọc sách toán cao cấp, lúc đầu tưởng như vỡ đầu mà chả hiểu mẹ gì, rồi mới vỡ dần, hiểu dần, và càng hiểu thì lại càng ham… hay là nó là do em thích trội hơn mấy thằng cùng lớp?

Chắc anh đã nói đúng thóp những gì nó đã trải qua thật, nên thằng bé gật gù có vẻ rất tâm đắc, nhưng quan sát nó, nhìn mắt nó, anh nhận thấy nó vẫn tiếp tục ngẫm ngợi gì đó, anh vừa định hỏi, thì nó đã bảo:

- Cái chuyện, Niu-tơn là tương đối, còn Anh-xtanh là tuyệt đối, là anh chỉ ví dụ thôi, hay là nghiêm túc?

- Nghiêm túc!

- Thế… - nó nhìn anh.

- Em nhớ cái bài Dương Trung đuổi Rùa không?

- Nhớ.

- Đấy. Khoảng cách A mét, thời gian t giây… chia mười, chia một trăm… toàn là những quy ước tương đối. Mét cũng tương đối, giây cũng tương đối, chia cũng tương đối. Chả có cái gì là tuyệt đối trong lý thuyết của Niu-tơn cả.

- Còn Anh-xtanh? - Thằng Trung hỏi, rồi nhìn sang cô, nhưng nó thấy cô cũng đang có vẻ nghĩ ngợi.

- Anh-xtanh dựa tất cả trên một cái tuyệt đối, là vận tốc ánh sáng.

- Anh, nhưng vận tốc ánh sáng, ba trăm ngàn ki-lô-mét giây thì lại cũng… - Cô nhìn anh chăm chú.

- Không, đấy là “tương đối” hóa theo kiểu Niu-tơn để tiện tính toán. Bản thân vận tốc ánh sáng chính là đơn vị luôn, đơn vị tuyệt đối, tuyệt đối tuyệt đối, mười năm ánh sáng, một ngàn năm ánh sáng… có điều đơn vị hơi to, nên không tiện dùng.

Thằng Trung lại nhìn cô, cô cắn môi, khẽ gật gật. Nó cười toét, nhưng vừa cười xong, lại thò hai ngón tay day day sống mũi:

- Như thế… như anh nói, nhiều thứ cụ thể hẳn hoi, nhìn được, sờ được… nhưng lại… lại là tương đối. Phức tạp quá.

- Bản chất đúng như thế đấy. Phật bảo: “Mở miệng ra đã là sai rồi”. Hồi anh học Anh-xtanh, may gặp được sư phụ là một Người Thày, “Người Thày” viết hoa, nên khả năng hiểu sau đấy cũng tốt lên. Anh-xtanh cũng bảo: “Bạn vẫn chưa thật sự hiểu một vấn đề, trừ phi bạn có thể giải thích cái đấy cho bà của bạn”. Khi cụ thể hóa một thứ, bao giờ cũng sẽ tạo ra sai số. - Bất giác, anh nhìn cô, và bắt gặp ánh mắt cô cũng đang nhìn mình.

- …

- Lại ví dụ nhá… - anh cười, - Con người, như anh với em, chắc là một thứ được Chúa “cụ thể hóa” ra thật, cho nên cả anh, cả em, cả những người khác đều là một thứ có rất nhiều dấu hiệu sai số. Người là một thứ vô cùng tương đối. Hồi lớn hơn em một chút, anh cũng hừng hực toàn những thứ hoành tráng mà xung quanh người ta vẫn hay nói suốt ngày, “tin vào bản thân” này, “tự khẳng định mình” này, “vượt lên chính mình” này… nhiều lắm. Nhưng rồi thực tế anh lại gặp quá nhiều người “tự tin” luôn luôn, một cách “tự tin”, tất nhiên, thay đổi theo điều kiện hoàn cảnh. Lúc đấy anh chỉ thắc mắc thôi, không lý giải được. Đến lúc hiểu, thì anh hiểu thật là bất định khi đem mọi thứ dựa vào một thứ “chính mình” vô cùng tương đối như vậy.

- …

- Từ trước, anh luôn chỉ có những suy nghĩ kiểu ít nhiều thắc mắc, vui vui, ít nhiều hài hước về những người đấy, nhưng suy nghĩ đến chỗ đấy rồi, thì anh bắt đầu chủ động tiếp xúc và tìm hiểu họ: những người có tín ngưỡng.

- Theo đạo?

- Ừ, - anh gật gật, - theo đạo. Khái quát hơn, những người có đức tin.

- …

- Những người thật sự có đức tin, anh nhận thấy hành vi của họ, nhất là trong những điều kiện cực trị, nghịch cảnh, có sự nhất quán một cách đáng khâm phục, đáng kính trọng hẳn hơn so với những người “tự tin” kia ở trong những hoàn cảnh tương tự. Anh thấy cách sống của họ có điểm giống với lý thuyết của Anh-xtanh, hành vi của họ được dựa trên một cái gì đó tuyệt đối; còn những người “tự tin” thì giống kiểu sai số, tương đối, của Niu-tơn, dễ hiểu, vì họ dựa vào một thứ hết sức tương đối.

- Anh, nhưng Chúa và Vận tốc ánh sáng, một đằng là khoa học, có sở cứ, còn một đằng thì… - Cô có vẻ quan tâm thật sự.

- Anh nghĩ chuyện đúng, sai ở đây không nhất thiết phải có ý nghĩa thật quan trọng. Bản thân Chúa, hay Phật, hay lý thuyết của Mác, trong quan niệm của người thì cũng là những thứ đã được cụ thể hóa. Nhưng sâu xa hơn, ở trong đấy, có nhiều thứ hoàn toàn có thể “Vận tốc ánh sáng” được. Hướng thiện, vị tha, tốt với đồng loại, hay những khía cạnh nhân văn mà xã hội Liên Xô cũ đã ít nhiều tiệm cận được… tất cả những cái đấy hoàn toàn có thể xứng với một đức tin.

- Như anh… - có lẽ một cách phản xạ, hay đúng hơn, một bản năng mang tính tiềm thức, tiềm thức tập thể, thằng Trung ném một cái nhìn nhanh, nhưng kỹ lưỡng vào chỗ cổ và ngực áo anh, rồi không nhìn thấy cái mà nó định tìm, nó mới hỏi tiếp, - đức tin của anh… thì sao?

- À, anh tin là những đứa thông minh như em thì trước sau gì cũng tự tìm thấy được đức tin. - Anh vỗ vai nó, cười, nhưng bản thân anh hình như cũng không thể phân biệt được thật rõ lắm đấy có hẳn chỉ là nói vui với nó hay không.


(còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...