Thiên tượng (12)

“Nếu 4c muốn làm cho Chúa cười, hãy kể ông ấy nghe về các kế hoạch tương lai của mình.”
- Woody Allen





- Đây đây… Chú Văn đây rồi, chú Văn, chú bảo mấy đứa này phát… - Đang ngồi ở bên trái chiếc bàn vuông kê ở giữa gian nhà dưới phần mái nhỏ trông ra suối, tay phải để trên bàn, người xoay về hướng cửa sổ, thấy chú Văn mắt nhắm mắt mở từ trong nhà bước ra, anh mừng rỡ.

- Sao… có chuyện gì?

- Linh nó nhất định đòi vào Hang Dơi ngày mai.

Chú Văn cũng ngồi xuống cạnh bàn, phía đối diện với anh, cũng xoay người ra ngoài, anh lật cái chén, rót chén nước nóng nghi ngút, đẩy về phía chú, ngoài kia, thằng bé Dương Trung đang ngồi trên bậu cửa ra vào ở phía bên phải, lưng dựa vào khung cửa phía đấy, chân co chân duỗi, cười nụ, nghếch mặt ngắm suối ở bên ngoài, còn ở khoảng sàn trống chỗ gần mấy cửa sổ khung kính mở toang, cô đang đút hai tay vào túi quần soóc, đi đi lại lại, mặt đầy vẻ bất hợp tác.

- Ngọc Linh à… - Chú Văn trao đổi với anh một cái nhìn đầy ái ngại, nhấp ngụm trà, rồi lựa lời. - Cái việc này, còn chưa biết thế nào, để Đào Phi nó vào một mình, có gì nó dễ xoay xở hơn…

- Thế nhỡ cần hỗ trợ gì thì ai hỗ trợ?.. - Cô quên cả xưng hô.

- Linh à… những chuyện kiểu này Phi nó cũng thuộc loại có kinh nghiệm, tính nó chú biết, nó thích làm việc độc lập, ngại phân tâm…

- Cháu là người kiểm tra cả hệ thống lý thuyết, nếu… nhỡ, hãn hữu mà có sai sót… nhỏ nào, thì cháu cũng có trách nhiệm và có thể cùng suy đoán… để tìm cách giải quyết…

- Nhưng mà còn chuyện… hai đứa, cô nam quả nữ… - Chú Văn chắc bắt đầu bí, nên cố tìm cách chuyển hướng. Thằng Dương Trung ở bậu cửa càng ghếch mặt thêm lên, răng thỏ chìa ra.

- Vẫn đi với nhau suốt giờ, có sao…

- Đi đường khác, còn đây, phải ở cùng một chỗ… chật chội, tối, chỗ đấy tối lắm, có thể phải mấy đêm liền…

- Cũng chả sao, giờ là lúc nào rồi? Mà hai người… cháu có cảm xúc gì đâu?.. Nếu có, thì đi suốt như thế, đã… đã chả…

- Cháu thì đã đành, còn nó…

- Anh ấy cũng đảm bảo hoàn toàn không có một tí xúc cảm nào hết, không một tí nào. - Cô quay phắt lại, cằm hơi nghênh lên, nhìn xéo anh, rồi nhìn qua chú Văn. - Chú cứ hỏi anh ấy xem.

Hình như chú Văn ngoảnh sang nhìn anh, dang tay làm một động tác bất lực thế nào đấy, anh đang ngồi cúi mặt, nhìn hai đầu gối cô đã bắt đầu đầy đặn trở lại, thở dài, rồi chỉ quay lại nhìn chú, dướn mày lên, không nói gì, đằng kia thằng Trung vội chạy ra ngoài hiên, gập người qua lan can, chắc là cười xuống suối.

Vì đã có thời từng là “tụ điểm” du lịch, nên hạ tầng Hang Dơi vẫn còn giữ được nguyên những nét đặc trưng của một chỗ như vậy. Dọc theo bờ một dòng suối rộng, liên tiếp có những cầu thuyền bằng gỗ, đồng bộ được bắc ra. Cùng với thời gian lâu không được thường sử dụng và tu sửa, nên một số đã mục, thậm chí gãy vỡ một phần. Ở một khoảng trống rộng rãi giữa hai cây sồi to đứng trên bờ, có một cầu vẫn còn dùng được và vẫn còn được dùng, chắc là dân địa phương dùng vào mục đích thường nhật, bên cạnh cầu này và bờ suối chỗ đấy la liệt mấy chiếc thuyền chèo tay, loại rộng bầu bầu, khoảng hai người ngồi thì vừa. Ánh nắng chiều đã đầm đậm nhưng vẫn còn chói chang hắt qua những tán lá sồi nhiều và rộng nhưng không thật rậm. Chỗ gần các gốc cây thì có cỏ rậm, thưa dần, ra đến phía ngoài xa thì chỉ còn trơ đất trống. Nếu từ một trong những chiếc thuyền bước lên cầu thuyền rồi đi quá vào bờ đến hết chu vi tán lá của hai cây sồi, rồi quẹo sang trái, thì sẽ thấy ở khoảng trống tạo thành giữa cây sồi này và một hàng những cây gì đó cùng loại, thân thẳng, cao, chạy đều đặn ven theo bờ suối có một chiếc lều du lịch to, loại lều sặc sỡ và tiện nghi.

Lều này hình một quả trứng gà cắt đôi chính giữa theo chiều ngang, giữ lại đầu nhỏ, úp xuống, rồi lại bổ dọc, vứt một nửa đi. Tất nhiên, lều to hơn trứng nhiều, đủ chỗ để mở hai phòng ngủ độc lập hai bên, theo chiều đi vào từ chỗ hở “bổ dọc”, vải lều sặc sỡ, loang lổ hai màu xanh da trời sẫm và vàng lê-ki-ma, ở “bức tường” phẳng chỗ “bổ dọc” trổ một khung cửa cao ở chính giữa, cao gần hết chiều cao, có tới hai mét, chỉ trổ hai đường đối xứng hai bên từ dưới đất lên, và những chỗ mép đấy đều có phéc-mơ-tuya, tối ngủ thì kéo kín lại, còn ngày thì vén ngược lên, mắc đầu hai mép đấy vào hai cây gậy đồng bộ trồng sẵn ở phía trước lều, là sẽ có ngay một mái hiên trước cửa.

“Nhà ở” cho bốn người ở, nhưng chỉ cần có hai phòng ngủ. Cách một quãng về phía trước nhà có một con đường đất chạy ngang qua. Rẽ trái rồi cứ theo đường này đi tiếp khoảng hơn hai trăm mét, là sẽ tới một khoảng trống rộng có cỏ và đá lởm chởm, vừa đến đấy, nhìn chếch qua phải là sẽ nhìn thấy ngay Hang Dơi: cao, rộng, sừng sững, đen tối, huyền bí. Ban đêm, hai trong bốn người sẽ vào ngủ đêm ở trong một chiếc lều đặc chủng khác, đã được dựng ở tít bên trong hang dơi. “Rồng” ở trong Hang Dơi hay thở về đêm.

- Sao không công bố những dự đoán Hơi Thở Rồng để mọi người theo đó mà vào Hang Dơi hả chú? - Cả nhóm đang tụ tập ăn chiều trên bãi cỏ thưa ở chếch phía bên trái căn lều. Bánh mì trắng, thịt cừu nướng, vừa nướng than tại chỗ, thơm phức, dưa chuột muối đựng trong bình to, xốt cà chua, hành tây sống và nướng xém, rượu vốt-ka. Cô vừa nghiêng bình dưa chuột muối chắt nước ra một cái cốc thủy tinh rồi làm một ngụm, nhìn tay nhem nhuốc, quệt mép, rồi quay sang hỏi chú Văn.

- Thì mong muốn là thế, nhưng từ lúc bắt đầu tính cái đấy, khoảng hơn một năm rồi, kết quả đối soát vẫn sai số đến hơn ba mươi phần trăm. Chưa thể dùng được. Chú vẫn chưa nghĩ ra cách làm được cho nó tốt hơn. - Chú phảy tay vẻ bực bội. - Cái này nếu Đào Phi chịu ở yên chỗ ở đây, có một số thứ là sở trường của nó, cùng tập trung sức lại thì giải quyết sẽ nhanh hơn, mà nó… - Chú lại phảy tay, rồi thuận chiều phảy, cầm xiên ngô nướng (Dương Trung đã cắt mỗi bắp ngô làm ba, bốn khúc, rồi xiên vào xiên nướng như xiên thịt, bảo là thịt nướng chay), đưa lên “cắn” (đúng ra là gặm) một miếng to. Dương Trung, ngồi bên cạnh, một cách vô thức, cũng làm động tác y hệt, lặp lại theo “sư phụ”, với xiên thịt cừu chảy mỡ béo ngậy.

- Trong đấy cây rậm hơn, rêu vẫn phủ đầy thân cành, dài như lông voi ma mút, sao chú không vào thăm lại chiến khu xưa? - Anh phủi phủi đầu gối lem luốc, ống quần lấm nhiều vệt đen, xanh dưa, cầm cốc nhấp một ngụm vốt-ka, nói lảng sang chuyện khác.

- Dựng lều có sâu không? - Chú Văn hỏi.

- Sâu lắm. Phải sâu chứ. Thử nghiệm cơ mà. Linh ban nãy bị đập đầu vào cây mới oạch mấy phát nên thân, có còn muốn vào nữa không em?

Cô ngồi lờ lơ, cắn mẩu dưa chuột muối rồi cầm tút quả dưa chuột đã cắn gần hết ném tụt vào bụi cây, kiểu không thèm nghe, không thèm trả lời. Hôm nay cô vẫn mặc bộ đồ kiểu đồ lính, nhưng dài cả ống tay, ống chân. Đầu gối cô dạo này đã đầy đặn hơn, nhưng gò má thì vẫn xương xương.

Buổi tối, cô nằm quay lưng lại, anh chiếu đèn pin, cẩn thận kiểm tra hết bốn mặt tường-mái-sàn, căn lều “thiết kế” của họ có hình dáng một khối tứ diện đều, mặt tam giác đều ở đáy đủ chỗ cho hai người nằm, nhưng để không chạm đầu chạm chân vào “tường” thì phải nằm gần như sát nhau, hoặc là phải lùn hơn, rồi bảo: “Ổn rồi, sẵn sàng chờ Rồng thở chưa, anh tắt đèn đây?”

Bóng tối tuyệt đối.

Một lúc, có những tiếng lộp độp nghe rất rõ.

- Có phải nó không? - Hơi thở hơi gấp gáp của cô chạm vào anh, cô đã nằm quay mặt lại.

- Chắc không, mưa đấy.

- Mưa? Làm sao mưa được?

- Không biết. Mưa cũng được thổi từ trong kia ra, thường là như mưa phùn, như bây giờ chắc là “mưa rào”, có thấy ấm hơn ngoài kia chưa?

- … - Hình như cô gật đầu. Cô không nhớ là anh chả nhìn thấy gì cả.

- Chú Văn bảo mưa thế này thì Rồng ít khi thở. Em ngủ đi. Không cần thức đâu. Lều mình tốt, chả sợ. Nếu nó thở mà lúc đấy anh biết, anh sẽ gọi. - Thấy cô chạm vào vai mình, anh rờ rờ, nắm lấy bàn tay cô. - Anh sẽ gọi.

Không còn thấy hơi thở, cô đã lại nằm quay lưng lại. Một lúc lâu, thấy cô thở đều đều, anh tưởng cô đã ngủ, thì nghe thấy tiếng cô:

- Đào Phi.

- Ơi.

- Anh… có phải gay không? - Theo như khẩu ngữ và âm sắc, thì hình như cô hỏi nghiêm túc.

- Có rất nhiều bậc hoành tráng, thuộc loại nhất, của nhân loại, Plato này, Michelangelo, rồi cả Leonardo da Vinci bắc đẩu thái sơn… là gay. Anh mà được thế… - anh cười - tiếc là, theo những số liệu… gần đây nhất, thì anh kh… anh vẫn chưa phải.

- Cái gì? Leonardo da Vinci là gay?

- Ừ.

- Anh bốc phét.

- Nếu có bốc phét, thì là Freud bốc phét, không phải anh.

- …

- …

- Anh, sao ngay cả câu hỏi như thế, anh hình như cũng có sẵn câu trả lời?

- Ý em là tình huống phải đối phó, nên đã quen đối phó?

- Không… phải công nhận là anh chịu khó tìm hiểu cặn kẽ nhiều thứ.

- …

- Anh, như em nhá, không hiểu sao, chưa bao giờ em thấy có cảm giác thật thoải mái, thật yên tâm trong lòng cả. Ngay cả những lúc mà… ở trong điều kiện tốt nhất, làm những việc mà mình thích làm nhất. Em xem sách thì hay thấy nói thiền, tĩnh tâm, sống với hiện tại, rồi chi túc… chi túc…

- “Chi túc tiện túc. Đãi túc hà túc”, biết đủ là đủ, chờ đủ biết bao giờ đủ.

- Ừ, em thấy có nhiều sách, hay nói lại nhau về những cái kiểu kiểu như thế, em cũng đã thử theo mấy kiểu chiều hướng đấy, mà vẫn thấy sao ấy. Mấy cái đấy, cứ loanh quanh một hồi, hình như rốt cuộc lại tự mâu thuẫn.

- …

- Anh đã bao giờ lăn tăn mấy cái này chưa?

- Đã, thậm chí rất.

- Xong rồi sao?

- Adam lão tổ lúc còn ở vườn Eden thì chả phải nghĩ ngợi gì. Tâm rất chi là tĩnh. Xong rồi bắt đầu nghĩ ngợi phát, thì ao. Bị thành như chúng mình.

- Thế thì sao?

- Câu trả lời đấy.

- Em chưa hiểu, như thế nếu tĩnh được tâm thì… hay là… mà làm sao dùng cái đấy làm sở cứ được… đấy chỉ là truyền thuyết.

- Thế này vậy nhá, nàng Ngọc Linh ở thôn Trữ La mang quần soóc đi giặt. Bưng chậu đến, ngồi nhìn xuống thấy mặt nước trong quá, bèn muốn soi gương cho thật rõ xem đích xác thì mình xinh hay là xấu. Bỗng Ngọc Linh tự hỏi: “Soi nhõn cái mặt, thì có vị gì, sao không soi…” Nghĩ là làm, Ngọc Linh bèn cởi áo ra. Mặt nước phẳng lặng như gương, Ngọc Linh rất chầm chậm, rất hồi hộp ghé xuống để soi. Hình bóng trong nước đang hiện ra, cứ rõ dần, rõ dần, tim Ngọc Linh đang đập mạnh, hồi hộp lắm, bỗng nghe “tõm”. Hình trong nước tan vỡ, Ngọc Linh giật thót mình, chưa kịp hiểu gì, thì đã thấy ngực trái lạnh buốt…

- Anh… nói tập trung vào chủ đề đi chứ… - cô vừa cười rung rung, vừa làm bộ gắt, quài tay tét anh.

- Đang nói đấy. Mặt nước nhá, lúc đầu, lúc phẳng lặng, giả thiết là phẳng lặng tuyệt đối đi, là tĩnh. Nếu không bị “tõm”, thì sẽ chỉ có đơn giản là mặt nước. Nhưng bị “tõm”, nên mặt nước không còn tĩnh nữa, vì mặt nước không tĩnh, cho nên có sóng. Tĩnh thì không có sóng. Động thì sinh ra sóng. Đã là sóng thì không thể tĩnh. Muốn tĩnh thì phải chờ hết sóng, nhưng lúc đấy thì không còn sóng nữa cho nên bản thân sóng thì không thể biết như thế nào là tĩnh.

- Nhưng… đấy là sóng.

- Sóng chỉ là ví dụ, về bản chất thì cái gì chả thế. Anh với em, người cũng thế. Adam lão tổ vì động tâm nên bị thành như chúng mình…

- Đấy là truyền thuyết…

- Không quan trọng, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng… đều vì động mà sinh. Có thể không phải là “tâm” của Adam, là một vật chất gì khác, nhưng bị “động”, mà sinh.

- …

- Cho nên, đã là người thì tâm không thể tĩnh.

- …

- “Chi túc tiện túc. Đãi túc hà túc”, nhiều thứ, có phải “biết đủ” là tốt đâu, ngược lại, cứ phải luôn cảm thấy thiếu, thì mới tốt. Kiến thức này, hay là tình y… tình bạn bè này. - “Đúng chủ đề”, anh kịp nhận ra mình lại bắt đầu say sưa, nhưng hình như vẫn hơi muộn mất một chút. Cô đã nằm quay phắt lại, rờ rờ tìm được vai anh, đẩy anh nằm ngửa ra, rồi nhoài người, gối đầu, ghé lên vai anh. Anh đã lo cô sẽ bắt bẻ, hỏi xoáy vào chỗ anh vừa kịp sửa từ.

- Em lại không bắt bẻ được anh. Mà có lẽ, em cũng cảm thấy anh có lý. - Nhưng hình như cô đang rất nghĩ ngợi về chủ đề chính. Cô mân mê cúc áo anh. Một lát, cô bảo. - Nhưng nếu đúng theo thế, chả nhẽ… mình cứ… “listen to your heart”, ke-me-no? Mà thế… đầu cô lắc lắc, không thể được, vô lý.

- …

- Yêu đương thất tình uống thuốc nhảy lầu… toàn là “listen to your heart”, ke-me-no đấy. Không, vô lý lắm.

- Đấy chắc là “nghe” sai. Anh nghĩ đa phần sẽ nghe sai, chỉ có một số ít, có khi rất ít, nghe đúng, mà thực ra… chắc cũng chỉ là gần đúng. Gần đúng cũng là rất tốt rồi.

- Vậy là phải… cố nghe đúng, nhưng mà làm sao… cố thế nào?..

- Tiếc là không ai dạy, mà chắc cái này chả ai dạy được, “tõm” cũng có thể tạo thành sóng, gió cũng có thể tạo thành sóng, rồi lá cây rụng, cá đớp, mà đớp cũng không cái nào giống cái nào, rụng cũng thế, gió cũng thế, “tõm” cũng thế… mỗi người, nếu “nghe” đúng, chắc sẽ phải “nghe” thấy một cái gì đó rất riêng. Anh nghĩ cái này phải tự mày mò thôi.

- Anh thì mày mò thế nào?

- Trên mặt nước thì luôn có nhiều sóng khác nhau. Có nhiều cái sóng, đang lan đi thì bị những sóng khác lẫn vào, rồi tất cả lộn xộn lên. Anh thích những cái sóng mà mặc dù là vẫn bị lẫn, cái này không thể tránh được, chắc chả có mặt nước nào mà lại chỉ có một cái sóng duy nhất cả, nhưng vẫn giữ được là một cái sóng đấy, trực quan vẫn có thể nhận ra được nó, từ đầu đến cuối, từ lúc bắt đầu có nó cho đến lúc nó lặng hẳn. Đấy đích thực là một cái sóng đẹp.


(còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...