Buồng áp mái

Trước hết mụ Parker sẽ cho bạn xem căn phòng hai buồng. Bạn sẽ không dám ngắt lời mụ kể lể về những cái lợi của căn phòng này và những ưu điểm của con người lịch sự đã ở đây tám năm trời. Rồi bạn sẽ gắng gượng ấp úng thú nhận rằng mình chẳng phải là bác sĩ cũng chẳng phải là nha sĩ. Cách nhận khách trọ của mụ Parker khiến cho sau này chẳng bao giờ bạn còn giữ được tình cảm cũ đối với bố mẹ bạn, những người đã lơ là không để cho bạn được học một trong những nghề nghiệp xứng đáng với những căn phòng của mụ Parker.

Sau đó, bạn leo lên một cầu thang và nhìn căn phòng ở gác ba phía sau, giá thuê tám đô la. Bị cung cách gác ba của mụ Parker thuyết phục rằng căn phòng này thật là đáng giá mười hai đô la, ông Toosenberry bao giờ cũng phải trả cái giá đó cho tới khi ông ta rời đây, về trông nom đồn điền cam của người anh ở Florida, gần Palm Beach, nơi bà McIntyre – người thuê hai căn buồng phía mặt có buồng tắm riêng – bao giờ cũng tới nghỉ vào mùa đông, bạn cố lắp bắp rằng mình muốn một chỗ rẻ hơn nữa.

Nếu còn sống sót nổi sau cái khinh bỉ của mụ Parker, bạn sẽ được dẫn lên xem căn buồng rộng rãi của ông Skidder ở tầng bốn. Buồng của ông Skidder không lúc nào bỏ trống. Ông ta soạn kịch và hút thuốc lá suốt ngày trong buồng. Nhưng tất cả những ai đi lung buồng cho thuê đều được đưa tới thăm buồng ông để chiêm ngưỡng những bức rèm cửa: Sau mỗi lần có người vào xem như thế, ông Skidder sợ có thể bị đuổi đi, sẽ phải trả ít nhiều về khoản tiền thuê nhà.

Rồi – ôi! Nếu bạn vẫn đứng vững được trên một chân, bàn tay nóng hổi nắm chặt ba đồng đô la nhớp nháp trong túi, và giọng khàn khàn cung khai cái nghèo gớm ghiếc và tội lỗi của mình, thì mụ Parker chẳng bao giờ còn dẫn đường cho bạn nữa. Mụ sẽ quạc mồm ra như tiếng ngỗng trời mà gọi “Clara!” rồi mụ sẽ quày quả đi thẳng xuống cầu thang. Khi ấy, Clara, người đầy tớ gái da đen, sẽ hộ tống bạn leo lên chiếc thang có trải thảm, trèo lên tầng năm và giới thiệu với bạn căn buồng tầng thượng. Buồng này chiếm một khoảng diện tích 7x8 bộ nằm ngay giữa lối đi, hai bên là buồng xép chứa củi hoặc chứa đồ, tối om.

Trong buồng có một cái giường sắt nhỏ, một cái chậu và một chiếc ghế. Bốn bề tường trơ trụi như ép lấy bạn chẳng khác gì những tấm ván quan tài. Bạn đưa bàn tay lần lên cổ, há hốc mồm thở hổn hển, bạn ngước mắt lên, và có cảm giác như mình đang đứng ở đáy giếng, rồi bạn lại hít thở một lần nữa. Qua tấm kính chiếc cửa sổ bé nhỏ trổ trên mái, bạn nhìn thấy một mảnh trời vuông xanh thăm thẳm.

- Thưa ông, hai đô la. – Clara nói, nửa khinh bỉ, nửa thương hại.

Một hôm, cô Leeson tới tìm thuê một căn buồng. Tay cô xách một cái máy chữ, vốn được chế tạo ra cho một bà to béo hơn nhiều. Leeson là một cô gái nhỏ nhắn, nhưng sau khi cô đã thôi không lớn nữa thì đôi mắt và bộ tóc của cô vẫn cứ to lên và dài mãi ra, trông lúc nào cũng có vẻ chúng nói lên rằng “Trời đất ơi! Sao cô chẳng chịu lớn lên cùng với chúng tôi?”.

Mụ Parker cho cô xem một căn phòng hai buồng. Mụ nói: “Trong cái buồng xép này có thể chứa được một bộ xương người hoặc thuốc gây mê hoặc chứa than…”

- Nhưng thưa bà, em có phải là bác sĩ, nha sĩ gì đâu – cô Leeson rùng mình đáp.

Mụ Parker nhìn cô, một cái nhìn lạnh như băng, ngờ vực, vừa thương hại lại vừa có vẻ chế giễu, cái nhìn mụ vẫn dành cho những ai không đủ tư cách là bác sĩ hay nha sĩ, rồi mụ dẫn đường lên căn buồng tầng ba phía sau.

- Tám đô la kia ư? – Cô Leeson nói – Trời ơi, thưa bà, trông em có vẻ ngây thơ thật nhưng em không phải là Hetty. Em chỉ là một người lao động nghèo thôi. Xin bà cho em xem buồng nào ở tầng cao hơn và rẻ hơn.

Tiếng gõ cửa khiến ông Skidder giật nẩy mình, làm cái đầu mẩu thuốc lá vung vãi khắp sàn.

- Xin lỗi ông, ông Skidder – mụ Parker nói, với một nụ cười quái ác khi trông thấy vẻ mặt xanh xám của ông. Tôi không biết là ông có nhà. Tôi mời cô đây vào xem những tấm rèm của ông.

- Đẹp quá, - cô Leeson nói và mỉm cười đúng như những nàng tiên vẫn cười.

Sau khi họ đi khỏi, ông Skidder hối hả xóa bỏ vai nữ chính cao lớn, tóc đen trong vở kịch mới nhất của ông (chưa được công diễn) và thay đổi bằng một nhân vật khác, nhỏ nhắn, lanh lợi, có mái tóc dày óng ả và nét mặt tinh nhanh.

- Chắc là Anna Held sẽ vồ ngay lấy vai này – ông Skidder tự nhủ, rồi gác hai chân lên tấm rèm cửa, và biến mất trong một đám khói thuốc lá dày đặc y như một con cá mực trên cạn.

Ngay lúc đó tiếng gọi “Clara” réo lên như tiếng chuông báo động, bố cáo cho thiên hạ biết tình trạng túi tiền của cô Leeson. Một yêu tinh đen xì nắm lấy tay cô, đưa cô leo lên chiếc cầu thang tối như địa ngục, đẩy cô vào một căn hầm có chút ánh sáng lờ mờ ở trên đỉnh rồi lầu bầu những lời đe dọa và thần bí “hai đô la”.

- Tôi thuê căn buồng này – cô Leeson thở dài, gieo mình lên chiếc giường sắt kêu cót két.

Ngày ngày cô Leeson đi làm. Đến tối cô mang về những tập giấy viết tay để đánh máy sao ra nhiều bản. Đôi khi không có việc phải làm đêm, cô xuống ngồi trên những bậc thềm cửa cao cùng với các khách trọ khác. Khi tạo hóa tạo ra cô, cô Leeson chẳng phải hạng người sống ở một căn buồng tầng thượng. Tính tình cô vui vẻ, giàu tưởng tượng với những ý nghĩ kỳ khôi, dịu dàng. Có lần cô đã để ông Skidder đọc cho nghe ba màn trong vở hài kịch (chưa được xuất bản) của ông, nhan đề “Không phải là chuyện đùa hay là người kế thừa của công ty xe điện ngầm”.

Mỗi khi cô Leeson có thì giờ ngồi ở thềm cửa một hai tiếng đồng hồ, đám khách trọ nam lại vui vẻ hẳn lên. Nhưng cô Longnecker, một cô tóc vàng, cao lớn, dạy học ở một trường công, ai hỏi gì cũng trả lời “Ồ thế kia à!”, thì lại ngồi khịt khịt mũi ở tít bậc trên cùng. Và cô Dorn, chủ nhật nào cũng đi bắn bia vịt di động ở Coney và làm công ở một cửa hàng bách hóa, thì ngồi khịt khịt mũi ở tít bậc dưới cùng. Còn cô Leeson ngồi ở bậc chính giữa và cánh đàn ông quây quần lại quanh cô rất nhanh.

Nhất là ông Skidder – trong thâm tâm, ông đã phân cho cô vai đào nhất trong một vở kịch riêng tư, thơ mộng (chưa nói lên được) trong đời sống thực. Và nhất là ông Hoover, bốn mươi lăm tuổi, to béo, hồng hào và ngốc nghếch. Và nhất là ông Evans, tuổi còn trẻ, thỉnh thoảng lại cố rặn ra một cơn ho húng hắng, mong cô sẽ yêu cầu ông bỏ thuốc lá. Cánh đàn ông bầu cô là “người đẹp và ngộ nghĩnh nhất xưa nay chưa từng thấy”. Nhưng những tiếng khịt mũi ở bậc trên cùng và bậc dưới cùng vẫn rất kiên quyết.

Tôi đề nghị các bạn hãy để cho vở kịch dừng lại trong khi dàn hợp xướng tiến ra phía dãy đèn ở rìa sân khấu và nhỏ một giọt nước mắt cay đắng lên sự phì nộn của ông Hoover. Sáo hãy réo rắt khóc than cho tấn bi kịch của mỡ, sự tai hại của thân hình to béo, thảm họa của vẻ người ục ịch, xét cho cùng thì tính theo tỉ lệ từng tạ, Falstaff vẫn thua kém nhiều về tính trữ tình so với những dẻ xương sườn hom hem của Romeo tính theo tỉ lệ từng lạng. Một người đang yêu có thể thở dài nhưng không được thở phì phò. Những con người to béo không phải tra lại đám tùy tùng của Momus. Một trái tim chung thủy bậc nhất nhưng lại đập bên trên một chiếc thắt lưng một mét ba thì có đập cũng là vô ích. Thôi đi Hoover, bốn mươi lăm tuổi, hồng hào và ngốc nghếch, xưa kia có thể cướp được nàng Helen đem đi đấy. Hoover, bốn mươi lăm tuổi, hồng hào, ngốc nghếch và to béo ngày nay chỉ là xác thịt bỏ đi mà thôi. Ông không bao giờ có được chút hy vọng nào đâu, ông Hoover ạ.

Một buổi tối mùa hè những người thuê nhà của mụ Parker cũng đang ngồi chơi như thế, bỗng cô Leeson ngước mắt lên trời mà vui vẻ khẽ cười kêu lên:

- Ơ kìa, Billy Jackson! Tận dưới này mà tôi cũng vẫn nhìn thấy.

Mọi người đều nhìn lên – người thì nhìn các cửa sổ của những tòa cao ốc, người thì nhìn quanh tìm kiếm một chiếc máy bay do một anh chàng Jackson nào đó lái.

- Ông sao kia kìa, - cô Leeson giải thích, giơ một ngón tay xinh xắn lên trời. Không phải ông sao to đang nhấp nháy kia đâu, mà là ông sao màu xanh lơ bên cạnh ấy. Qua cửa sổ nóc buồng tôi, đêm nào tôi cũng trông thấy. Tôi đã đặt tên cho ông sao ấy là Billy Jackson.

- Ô, thế kia à, - cô Longnecker nói. – Tôi không biết cô là một nhà thiên văn đấy, cô Leeson.

- Ồ vâng – cô gái ngắm sao nói – tôi biết về sao cũng chẳng kém gì biết về kiểu tay áo người ta sẽ mặc vào mùa thu sang năm trên sao Hỏa.

- Ồ, thế kia à – cô Longnecker nói. – Ngôi sao cô nói đến, đó là sao Gamma, trong chòm sao Cassiopeia. Nó gần như lớn thứ hai, và thiên đỉnh của nó…

- Ồ, - ông Evans trẻ măng nói – Tôi cho rằng đặt tên cho nó là Billy Jackson nghe hay hơn nhiều.

- Tôi cũng thấy thế - ông Hoover nói, thở phì phò thách thức cô Longnecker – tôi cho là cô Leeson cũng có quyền đặt tên cho các ngôi sao như bất cứ nhà thiên văn học nào.

- Ồ, thế kia à!

- Không biết đó có phải là một ông sao đổi ngôi không, – cô Dorn nhận xét. – Hôm chủ nhật ở Coney, tôi đã bắn mười phát trúng chín con vịt và một con thỏ.

- Ở dưới này nhìn lên, ông sao không tỏ lắm, - cô Leeson nói. Các bạn phải nhìn từ buồng tôi mới được. Ai cũng biết là nhìn từ đáy giếng lên thì có thể trông thấy sao ngay giữa ban ngày. Ban đêm, buồng tôi như một hầm mỏ than, khiến Billy Jackson trông tựa chiếc ghim lớn bằng kim cương của bà chúa Đêm cài trên áo ngủ.

Sau đó có một thời gian cô Leeson không còn mang về nhà những xếp giấy lớn để đánh máy lại nữa. Và sáng sáng ra đi, cô không đi làm mà cô đi hết công sở này đến công sở khác để trái tim cô tan ra vì những lời chối từ lạnh lùng được truyền đạt qua những tên loong toong xấc láo. Tình hình đó kéo dài mãi.

Rồi một buổi tối nọ cô Leeson mệt mỏi leo lên thềm nhà mụ Parker vào giờ cô vẫn thường trở về sau bữa ăn chiều ở hiệu. Nhưng cô không ăn uống gì hết.

Ông Hoover gặp cô khi cô bước lên hành lang và ông ta nắm ngay lấy cơ hội. Ông xin lấy cô làm vợ, và cái thân hình phì nộn của ông cứ loay hoay quanh cô như một hòn núi lở. Cô tránh và nắm lấy tay vịn cầu thang. Ông định cầm lấy tay cô nhưng cô đã giơ tay lên tát một cách yếu ớt vào mặt ông. Rồi cô nắm lấy tay vịn cầu thang, lần từng bậc leo lên. Cô đi qua cửa buồng ông Skidder lúc ông này đang dùng mực đỏ viết đoạn chỉ dẫn động tác trên sân khấu của vai Myrtle Delorme (cô Leeson) trong vở hài kịch (không đâu nhận) “múa xoay tròn từ bên trái tiến ngang qua sân khấu tới cạnh bá tước”. Cuối cùng, cô lết lên chiếc thang trải thảm và mở cửa căn buồng áp mái.

Cô yếu quá không còn sức bật đèn hay cởi áo. Cô nằm vật xuống chiếc giường sắt, thân hình mảnh dẻ của cô hầu như không còn làm cho những chiếc lò xo đã nhão lún xuống được nữa. Và trong căn buồng tối, như ngục a tì ấy, cô từ từ mở đôi mắt nặng trĩu và mỉm cười.

Vì qua cửa sổ, Billy Jackson đang rọi sáng xuống người cô, bình tĩnh, long lanh và chung thủy. Chung quanh cô thế gian dường như không còn tồn tại nữa. Cô chìm đắm vào một cái vực đen ngòm, chỉ còn lại ô vuông nhỏ bé sáng lờ mờ kia đóng khung lấy ngôi sao mà cô đã đặt tên một cách quá kỳ khôi và ôi, hoàn toàn vô hiệu quả. Chắc là cô Longnecker nói đúng. Nó chính là Gamma trong chòm sao Cassiopeia, chứ không phải Billy Jackson. Cánh tay cô mềm oặt rơi xuống.

- Vĩnh biệt Billy nhé – cô khẽ thì thào – Bạn ở xa hàng triệu dặm và bạn sẽ không hề chớp mắt lấy một lần đâu. Nhưng bạn vẫn ở nguyên tại chỗ, hầu như lúc nào ta cũng nhìn thấy được, khi ngoài đêm tối ra chẳng còn gì khác nữa để mà nhìn, có phải không? Hàng triệu dặm… Vĩnh biệt Billy Jackson!

Mười giờ sáng hôm sau, Clara, cô đầy tớ da đen thấy cửa buồng khóa và họ đã phá cửa để vào. Đấm, vả vào cổ tay, đốt lông chim đều vô hiệu, một người bèn chạy đi gọi điện thoại xin cấp cứu.

Chiếc xe đỗ xịch ở cửa, còi rúc inh ỏi. Người thầy thuốc trẻ tuổi, có tài, mặc blu trắng, tự tin, xông xáo, khuôn mặt nhẵn nhụi, nửa có vẻ hòa nhã, nửa ra điều dữ tợn, nhanh nhẹn nhảy lên các bậc thềm, dẻo như múa.

- Xe cấp cứu đã đến số nhà 49 – anh nói vắn tắt – có chuyện gì vậy?

- Ồ vâng, thưa bác sĩ – mụ Parker sụt sịt, như thể có chuyện rắc rối xảy ra trong nhà mụ là điều làm mụ lo phiền hơn cả. – Tôi không thể hiểu được cô ta có chuyện gì. Chúng tôi không hề làm một điều gì để cô ta phải đến nông nỗi ấy. Vâng, đó là một phụ nữ trẻ, cô Elsie, vâng, cô Elsie Leeson. Nhà chúng tôi xưa nay chưa bao giờ…

- Buồng nào? – Người thầy thuốc quát, bằng một giọng dữ tợn vốn xa lạ với mụ Parker.

- Buồng áp mái, nó…

Hiển nhiên là người bác sĩ đã quen với vị trí của những căn buồng áp mái. Anh lao lên cầu thang, nhảy bốn bậc một, mụ Parker thong thả theo sau, đúng với tư cách của mụ đòi hỏi.

Mới tới đầu cầu thang tầng hai, mụ đã gặp người thầy thuốc đi xuống, hai tay ẵm nhà thiên văn học. Anh dừng lại và không hề to tiếng, nói một thôi những lời sắc như dao mổ. Mụ Parker mỗi lúc một rúm lại, như một chiếc quần vải cứng tụt đinh rơi xuống. Mãi về sau, trong đầu óc và trong cơ thể mụ vẫn còn lại những sự rúm ró ấy. Đôi khi khách trọ tò mò hỏi mụ người thầy thuốc đã nói gì với mụ, thì mụ trả lời:

- Đừng hỏi làm gì. Nếu như tôi được tha thứ vì đã nghe những lời nói đó là tôi mãn nguyện rồi.

Người thầy thuốc cấp cứu bế cô gái rảo bước qua bầy chó săn đang lùng những chuyện giật gân và ngay đến bọn chúng cũng phải luống cuống dạt vào bên vỉa hè vì vẻ mặt anh là vẻ mặt mang xác người thân của chính mình trên tay.

Họ nhận thấy anh đã không đặt cô gái xuống cái giường để sẵn trong xe, và anh chỉ nói với người lái xe vẻn vẹn có thế này:

- Cho xe phóng hết tốc lực, Wilson.

Có vậy thôi. Phải chăng đấy là một câu chuyện? Trên báo sáng hôm sau, tôi thấy một mẩu tin nhỏ và câu cuối cùng của mẩu tin này có thể giúp bạn (như nó đã giúp tôi) chắp nối được vài sự kiện lại với nhau.

Tin đó kể lại việc nhận vào bệnh viện Bellevue một phụ nữ trẻ tuổi bị suy nhược vì đói, được chuyển đến từ số nhà 49 phố Đông, rồi kết luận bằng những dòng chữ sau đây:

“Bác sĩ William Jackson, thầy thuốc cấp cứu chăm sóc trường hợp này, nói rằng bệnh nhân sẽ bình phục”.

O. Henry

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...