Thiên tượng (20)

Hơi chếch về bên trái, trước mặt, xuyên qua đám dày dặn những thân cây không thật to mọc viền lấy khoảng trống rộng hình tròn mà họ vừa nằm và ngồi, mở ra một quãng thẳng và bằng phẳng phủ dày lá vàng - lá nâu thì chính xác hơn, thậm chí nâu xỉn, nhưng căn bản khi nói “lá vàng” thì nói chung không phải đơn thuần chỉ là nói về màu của lá - trông gần giống như một con đường với những thân cây to, mọc thưa viền lấy phía bên trái, và những thân cây tương tự như vậy, nhưng nhỏ hẳn hơn, viền lấy bên phải; chỉ gần giống con đường, vì cả hai viền đều không thẳng và không thẳng một cách không đồng bộ, nên mặt “đường” bị to bé lung tung. Cũng không quan trọng, căn bản mặc dù bây giờ hoặc vì đang vận động, hoặc vì hướng gió đã thay đổi, nên những âm thanh tiếng suối tiếng người ban nãy không còn nghe thấy nữa, nhưng vào lúc đó anh cũng đã phần nào kịp xác định hướng này, nên bây giờ anh cứ chắc chân thẳng theo con đường này mà bước tới, cô im lặng bám theo ngay đằng sau, không ngoảnh lại nhưng anh đoán là mặt mũi cô chăm chú lắm.

Một lúc, cây mọc khít dần lại, rồi hút về phía bên trái, hết đường. Kệ nó hết, anh cứ len lỏi vào cây - chỗ này toàn cây nhỏ - đi tiếp như nó vẫn còn, thêm một tí, thì lại rơi vào một khoảng trống. Khoảng này nhỏ tí, chỉ có lá rụng lưa thưa, mặt đất trơ ra, mắt đang không quen nên có cảm giác trọc lốc; bên mép khoảng này, hơi chếch qua phải ở phía đối diện, có một thân cây to, to lắm, có vỏ mỏng, nhẵn nhụi, và khô quắt, lại có màu nâu bàng bạc, nên trông cũng giống như trọc vỏ, đứng thẳng tắp, thẳng lắm. Cây này phải nói là kỳ vĩ, vì lúc cả cái thân tròn, to, không có nhánh, không có cành, thẳng băng như một cây bút chì của giống người khổng lồ, cao đến gần bằng ngọn những cái cây ở gần nó, thì ở đó nó bị gãy gọn gàng, đứt gọn gàng thì đúng hơn, theo một đường van vát. Chắc nó đã bị gãy trong một trận bão giông, và phải là bão giông rất lớn, vì khắp xung quanh chỗ này hoàn toàn không thấy những chứng tích gì khả dĩ liên quan đến phần đã bị tiện đứt phía trên của nó: cái bãi trống trơn, các cây nhỏ xung quanh hoàn toàn tươi tỉnh, không có dấu hiệu gì là bị đàn áp, đè nén hết.

Anh vừa dừng lại, ngơ ngác nhìn cái cây lạ lùng, thì lại thấy tiếng suối vẳng đến, rõ lắm, ngay ở phía trước mặt. Anh vội vàng gần như chạy qua khoảng đất trống, vẫn kịp vỗ một cái vào thân cây to lúc ngang qua nó, thấy cứng chắc đơ đơ. Hết khoảng trống thì lại dẫm lên lá rụng, và lại len lỏi giữa những thân cây và những cành cây thấp; đất ở dưới chân thấp dần, rồi dốc hẳn xuống, mùi ẩm ướt tự dưng ở đâu xộc lên, mũi đang không quen nên có cảm giác nồng nặc.

Anh vẫn còn đứng lẫn trong cây, cành, lúc nhìn thấy suối. Trong mắt anh bỗng lại thấp thoáng hình ảnh căn nhà của chú Văn, cùng với một cảm giác nhớ nhẹ nhàng; nhưng suối đấy dù đẹp thật nhưng vẫn là suối, còn suối này thì giống tranh hơn là giống suối, hoặc là vì đang nghe thấy tiếng róc rách, đang ngửi thấy mùi ẩm ướt, và đang trông thấy nước chảy có chỗ sủi lên trăng trắng, nên cảm nhận chắc sẽ chính xác hơn là đang nhìn thấy suối chảy trước một bức tranh nền choán hết vùng nhìn của mắt; cái này làm anh tự động nghĩ ngay đến Hollywood và mấy cảnh trong “Titanic”, và bất giác thoáng nhận biết chỗ này là phim trường, nhận biết kèm theo một chút cảm giác nghi ngờ “thật - không thật”.

Đủ cả màu lá xanh ngăn ngắt, dày dặn, trên nền xanh ngắt đấy có những khoảng xanh non lá mạ, rồi điểm khắp trên đấy một cách lộn xộn và sinh động là những nhánh, những tán vàng rực và đỏ, đỏ cánh buồm của A-xôn; đúng rồi, không hiểu sao mọi người lại hầu như đồng thuận với phiên bản mà những cánh buồm ấy được dịch là “đỏ thắm”, mặc dù chúng có màu đỏ tươi; rất nhiều dịch giả hay thích đưa cái tôi cảm nhận tác phẩm vào trong bản dịch của mình, thậm chí có người còn chú thích “chỗ này tác giả chắc là nhầm”, trong khi cái tôi chân chính nhất của một dịch giả phải là sự chính xác một cách đơn giản và trung thành nhất đơn thuần về câu chữ, để không để một quý tộc châu Âu nói năng và cư xử như một nông dân châu Á, và người đọc vốn là nông dân châu Á, lẽ ra có thể hiểu thêm về quý tộc châu Âu, thì lại không thể hiểu thêm được gì cả; cả một dãy đầy đặn dập dờn những nhánh vàng rực và đỏ tươi này viền lấy bờ suối bên kia, vòng vòng vít xuống cả đến gần mặt nước. Bên đấy có gió hay không có gió, anh không biết, cũng không đoán; những suy luận tự nhiên kiểu như thế đều sẽ là vô nghĩa, ở đây, lúc này - đấy là cái anh biết; chỉ biết là ở đấy cả đến từng cái lá nhỏ hình như cũng im phăng phắc: hoặc là chúng im thật, hoặc là trong đầu anh đang có hình dung “bức tranh” cho nên chúng im phăng phắc ở trong cảm nhận của anh.

Nhưng vẫn phải mạnh dạn nghĩ là nước quả thực đang chảy. Mặc dù vậy vẫn không dám mạnh dạn xác định màu của nước. Nhìn thì là màu hổ phách, nhưng làm sao biết đấy là màu đáy, màu nước, hay là còn là màu gì khác nữa, có thể hắt ra từ đâu đấy mà không thể ngờ tới được? Nước chảy theo dòng suối dốc dần từ trái sang phải, ở phía đầu tầm mắt bên trái cho đến gần một phần ba của cả đoạn nhìn thấy, dòng nước bò đi mỏng mỏng ở trên lòng suối nông toàn những hòn đá to phẳng phẳng, bè bè, hơi theo hình chữ nhật, mặc dù xếp thấp dần xuống nhưng không thể gọi là bậc thang, vì rất lộn xộn; và đoạn suối chỗ đấy thậm chí có thể gọi là “thác”, một cái thác rất thoai thoải, cũng được. Cả ở chỗ nước mỏng đấy cũng khó xác định màu nước, vì bọt sủi không khác gì chậu giặt, có khác thì chỉ là hình như hạt bọt ở đây nhỏ hơn, và bên trên nước suối chỗ đấy, một cách gần như dần đều từ lớp bọt trở lên phía ngay trên mặt nước, mờ mờ một lớp không hiểu là bụi nước, hay là sương, hay là một thứ gì trông giống như thế.

Nước chắc là chảy thật, vì bây giờ kể cả nhắm mắt lại, không nhìn thấy nước, cũng vẫn nghe tiếng róc rách. Người thì có thật không, anh thoáng rùng mình, và thấy lạ lùng về chuyện đấy - chuyện rùng mình, vì bây giờ kể cả nhắm mắt lại, cũng không nghe tiếng thút thít.

Nhưng lại nghe thấy tiếng đàn.

Anh nhìn thấy thấp thoáng có những ống tre, hoặc là ống bương, to bé khác nhau, ngắn dài khác nhau, thế nào đó, dập dềnh ở trên mặt suối; suối chảy, và thế nào đó, chúng phát ra những âm thanh tròn tròn, trong trong, ngân ngân, thành bản nhạc; còn cụ thể, cơ chế chằng buộc thế nào, dập dềnh ra sao, làm sao kêu, kêu thành giai điệu gì, thì anh chịu. Đấy là tất cả hình dung của anh về suối đàn tờ-rưng mà anh đã từng đọc thấy, và nghe nói đến. Còn cụ thể thì anh chưa bao giờ nhìn thấy cả, và cũng hơn nửa phần lưỡng lự là cái đấy bây giờ liệu có còn nữa không, khi mà ngay cả điện có không về được tới bản làng đi nữa thì đàn oóc Tàu vẫn có thể kêu bằng pin, và kêu rất to, mà, ngay cả chỗ ở gần trung tâm hơn là Bắc Ninh thì anh cũng thấy bảo bây giờ Hội Lim các liền anh liền chị cũng không còn hát nữa, mà bật đĩa xi-đi.

Nhưng đây thì không phải là tiếng gõ ống tre, hoặc là ống bương. Là tiếng dây đàn, được gảy lên hẳn hoi. Suối có thể chằng buộc thế nào để gảy được dây đàn hay không? Dường như phức tạp. Vậy thì, chả nhẽ…

Bờ suối bên này, từ trên thoải xuống, nhưng không êm ả xuống đến tận nước, mà đến gần nước thì chợt thác ghềnh. Có những tảng đá, phiến đá, đa số đều to, chen nhau chạy lộn xộn dọc theo mép nước màu hổ phách. Lung tung ở đấy dọc theo bờ đá, mọc rúc vào các khe hoặc bám lên lưng, lên mặt đá, có cả rêu - rêu rậm và rêu trơn, cỏ - cỏ xanh và cỏ vàng, và nhiều các cây thân thảo nho nhỏ khác. Ở đầu bờ phía bên trái tầm nhìn, có một thân cây nhỏ và thẳng, không cao lắm, mọc hơi chỏi ra từ bãi cây liền lạc từ đấy tới những cây chỗ anh đang đứng, lá của nó chỉ có hai màu, đúng hơn là phải hơn hai, nhưng căn bản đều nằm trong khoảng màu từ vàng hơi đậm cho đến đỏ rực, tức là không có lá xanh; tán của nó mềm mại, la đà, xòe rộng ra, thâm thấp ở phía trên bề mặt tương đối phẳng phiu màu nâu nâu, hơi rêu rêu nhưng có vẻ khô ráo, bị nứt vài đường nhỏ dài, của một phiến đá to, vuông vắn, hơi cao nhỉnh lên, tí thôi, ở ngay bên nước suối sủi bọt mờ trắng phía đằng đấy.

Có một người đang ngồi ở đấy, trên phiến đá, dưới tán lá cây vàng, đỏ, thấp là là đến đầu.

Người ấy đúng là đã gảy đàn thật. Phải đến lúc đã cố gắng lặng lẽ ở mức có thể, men theo bờ cây và tiến lại tương đối gần, chỉ còn cách một đoạn, thì anh mới dám khẳng định như vậy. Vì, thứ nhất, anh đang “mất lòng tin”, và ý thức được mất như thế là đúng; thứ hai, đàn ban nãy mà anh nghe thấy chỉ gảy lên có mấy tiếng rời rạc; và cuối cùng, anh không phải là đứa dốt nhạc, thậm chí còn chơi được vài loại nhạc cụ chính thống, nhưng anh chưa bao giờ nhìn thấy một cái đàn nào giống như cái mà người ấy đang ôm trong tay, phải đến lúc đã đến đủ gần và có thể nhìn thấy rõ những ngón tay đang sờ sờ lên mấy cái dây, anh mới thật sự có ý nghĩ là đấy là cái đàn.

Trông nó y như cái cung tên đang giương lên ngắm bắn thì bị bẻ đôi, mà phải bẻ “gẫy” gọn luôn cả dây cung, rồi vứt một nửa phía trên đi, mà nửa dây còn lại vẫn tiếp tục căng thẳng và bám vào đít mũi tên; xong rồi nối thêm nhiều dây khác từ cánh cung đến mũi tên, song song với dây cung và cách đều nhau; còn cánh cung thì phải có hình dạng hộp chữ nhật to cồ cộ và càng về phía đầu cánh thì lại càng to ra, đến chỗ đầu cùng thì to đúng bằng tiết diện cắt ngang của một hòn gạch; xong rồi còn phải quay đầu mũi tên về phía mình, rồi bẻ đầu mũi tên vứt đi.

Người ấy đang ôm cây đàn như vậy. Trong tư thế ngồi bệt, thì nửa cái cánh cung, để đầu cánh lên mặt phiến đá, sẽ cao đến ngang đầu, người ấy lại đang ngồi khom xuống, ủ rũ, đầu cúi gục, cho nên cái đầu “giữa” cánh cung trông nhô hẳn lên, cảm giác như cây đàn ấy được gắn cứng đứng cố định vênh vênh trên mặt đá phẳng, còn người ấy thì đang ngồi gục người, dựa vào cái cánh cung của nó.

- Cô gì ơi… - Anh gọi nhỏ, giọng hơi rụt rè. - Ồ… xin lỗi, chào em.

Mái tóc đen, hơi quăn, dài chấm vai, cộng thêm y phục hơi giống như váy áo, làm cho anh, nhìn từ sau lưng, đã nghĩ rằng đấy là một cô gái. Người kia chắc đã cảm thấy có người đứng sau lưng mình từ trước khi nghe thấy anh gọi, vì người ấy đã quay lại gần như cùng với lúc anh mở lời, là một cậu bé… mà… không phải, một chàng trai trẻ.

Nhưng nếu như quan hệ giữa anh với chàng mà thân hơn, thì kiểu gì anh cũng sẽ gọi chàng là “nàng”.

Bởi vì chàng đẹp như một người con gái, gái quê, quê Nguyễn Bính hẳn hoi, chứ không phải quê tự tin vượt lên chính mình oang oác nói ngọng to và dõng dạc mà có thể bắt gặp trong bất kỳ một cơ quan, văn phòng, công sở nào ở thủ đô bây giờ. Gái đấy đẹp tươi, khỏe mạnh, giòn như hạt thóc, thơm mùi nắng trên đồng, mùi gió bờ đê, mùi khói rơm chiều, mùi bồ kết, mùi hoa bưởi. Có thể ngồi với một cô gái như thế, kề đùi nàng, cầm tay nàng, mê mẩn ngắm nhìn nàng, sờ tay vào bờ má ấm hồng không mụn nhọt không mỹ phẩm của nàng, vuốt những sợi tóc mai tơ mềm hơi dính mồ hôi ở đấy, và cùng nói chuyện bi bô, nghe giọng nàng thanh thanh nay nảy, cùng phá lên cười vui vẻ, nhìn hàm răng trắng khỏe đều tăm tắp không uẩn ức một niềm đau tê-ta-xi-lin của nàng, mà vẫn thật sự hoàn toàn không nhìn thấy ở trong đầu những khung cảnh dục cảm cùng với nàng.

Chàng trai vừa nhìn họ chăm chú vừa thong thả đứng lên. Chàng có cặp mắt đen, kiểu mắt đen thường chỉ thấy ở những anh chàng trẻ con còn đóng bỉm, hốc mắt sâu, cái nhìn chăm chú, nhiệt tình và thơ ngây; sống mũi thẳng và cao, nhưng không cao quá, và hơi đầy đặn chứ không thật thanh; và đôi môi giống như… trẻ con tập nghiêm nghị làm người lớn. Chàng mặc, đúng hơn là khoác, vì không nhìn thấy cúc, một chiếc áo rộng thoải mái bằng vải thô màu be ngả sang trắng dài xuống đến gần đầu gối, có tay áo ngắn và rộng rãi, một chiếc thắt lưng da nhỏ màu nâu thắt ngang hông, đúng hơn là một sợi dây da nhỏ màu nâu buộc ngang hông, vì không nhìn thấy khóa kim loại. Chắc là bên trong chàng mặc quần cộc, vì không thấy ống quần thò xuống dưới vạt áo. Làn da của chàng trắng trẻo, mịn màng, y như da con gái.

- Hai người là… - giọng chàng trong trẻo, thanh thanh, nhưng rõ ràng không phải giọng con gái. Nhìn bộ dạng thì có vẻ như sau khi đã chăm chú quan sát, chàng vẫn còn nhiều thứ gì đó không hiểu, cho nên ít nhiều có vẻ bối rối.

- Đi chơi, du lịch, leo núi… - Anh giải thích, thấy là lạ, do dự thế nào đó, và ý thức được là nhìn bề ngoài, bộ dạng của mình cũng đang có vẻ bối rối giống như người đối thoại trước mặt.

- Có… đói bụng không? - Chàng trai bỗng cười, nụ cười rất tươi, làm cho đôi mắt sáng lên như mắt những anh chàng trẻ con còn đóng bỉm lúc chợt nhìn thấy đồ chơi mới xanh đỏ, và để lộ hàm răng trắng rất đẹp. - Có bánh mì và sữa.

- Có… đói lắm, cảm ơn, tốt quá. - Anh thấy mình cũng cười và tự động trả lời, mà hoàn toàn không nghĩ gì đến chuyện mình có đói hay không.

Màn đêm trong veo, dù không có trăng, mà cũng không có sao, chỉ có những quầng nhỏ và hơi sáng giống như sao ở trên đầu. Đống lửa nhỏ kêu lách tách. Bánh mì tự nướng ở nhà và sữa tươi.

- Bánh và sữa này sao mà… thơm ngon quá. - Cô vui vẻ nhìn người bạn mới.

- Cô… chị… đã no bụng chưa? - Chàng trai cười hiền lành, hỏi.

- No một cách dễ chịu, - cô vươn vai, - cậu làm gì ở… sao, có chuyện gì à..? - Cô hơi lúng túng vì thấy chàng thanh niên nhìn mình chăm chú.

- Chị đẹp quá!

Hình như cô đỏ mặt, còn lúng túng hơn, và trong lúc lúng túng thì khó ngồi thật im, cho nên, một cách lúng túng, cô ngoảnh sang nhìn anh; anh cười nhưng lại cố giữ cho môi trên và môi dưới không rời nhau để trông cho giống không cười, cho nên chúng thành ra lại mím vào nhau nhiều hơn lúc bình thường, và hai cánh mũi thì lại bị hơi phập phồng, quay nhìn vào những ngọn lửa nhấp nhô, nhưng mắt dướn lên, và đầu khẽ gật gật.

- Này, - anh chợt nhớ ra, quay sang nhìn chàng trai, - hồi chiều hình như cậu… - môi anh làm động tác mếu, tay đưa lên dụi dụi mắt, - khóc nhè?

- … - Chàng trai nhoẻn cười, có vẻ chỉ ngượng nghịu có một chút, đầu gật gật xác nhận.

- Sao thế?

- Em muốn nghĩ ra một đoạn nhạc để an ủi một người đang buồn, nhưng… - chàng nhún vai, nét mặt thoắt trở nên buồn bã, và không phải chỉ có một chút.

“À…” Anh cười nửa miệng, gật gù vẻ hiểu chuyện, ngoái nhìn xung quanh, rồi nhoài người cầm lấy cây đàn “cung tên” đang để ở gần đấy, nâng lên trước mặt cẩn thận xoay bên này, xoay bên kia, xem xét, thận trọng gõ nhè nhẹ vào hộp đàn “cánh cung”, nghiêng đầu bật bật thử mấy cái, rồi quệt một đường gần hết khắp cả các sợi dây đàn, rồi thẳng hai cánh tay đẩy nó ra xa trước mặt, bặm môi nhìn nó, nhún vai vẻ lạ lẫm, rồi tay trái chuyển nó cho chủ nhân của nó, tay phải chụm ngón trỏ và ngón cái làm động tác gẩy gẩy, ý bảo “chơi thử đi”.

Chàng trai đón lấy cây đàn, ôm nó vào lòng, nhìn cô hơi có vẻ ngập ngừng, rồi khe khẽ, chăm chú dạo đàn. Giai điệu cất lên hơi ngang ngang, rồi chàng khe khẽ hát theo:

“Ly tôi tràn trề rượu
Sự chân thành và tình yêu
Sẽ theo tôi mãi…”

Anh ngồi im lặng một lát, rồi mới ngẩng lên, chàng trai đang nhìn anh chăm chú.

- Có vẻ… - anh giơ ngang bàn tay phải hơi cao phía trước mặt, hơi khum khum, phẩy phẩy hất lưng bàn tay về phía trước, - như thế sẽ hơi khó đi vào lòng… - anh định nói là “lòng gái”, nhưng có gì đó trong ánh mắt có vẻ chờ đợi của chàng trai đã khiến anh ngừng được lại. - Đưa… để tớ thử xem.

Đón lấy cây đàn, anh lựa theo cao độ của những sợi dây, cố vặn những vít bằng gỗ không thật đều tay, để, ở mức khả dĩ nhất, lên lại các dây đàn theo âm giai bảy nốt, rồi gảy đi, gảy lại, thử mấy nốt cho hơi quen tay, rồi nhìn chàng trai, bảo: “Nghe thử cái này xem.”

“Rế đô rế sòn la sòn phà sòn la…”



“Rế, rế… phá mí rế rế đô, la, rế, sòn la…”

Anh sẽ không biết, chắc không bao giờ biết được, là theo cách hướng dẫn của anh, chàng trai này sau này liệu có còn nhớ được cách chơi đầy đủ bài này không, có còn nhớ được thì liệu có chơi không, và nếu như có chơi thì liệu có an ủi được ai đó đang buồn hay không. Lúc anh ngủ dậy thì cô đã ngủ dậy. Lúc cô ngủ dậy thì chàng trai đã không còn ở đó. Trên mặt đất, bên cạnh đống lửa đã tàn, có dòng chữ viết không cứng nét, bầu bầu, như chữ trẻ con tập viết:

Em phải đi rồi
Cảm ơn hai người
Đ

Nhìn chữ “Đ”, anh mới sực nhớ ra là cho đến lúc này, họ vẫn chưa biết tên chàng trai, và trong suốt cả buổi tối, cũng chưa hề một lần nào, cả anh, cả cô, nhớ đến việc hỏi tên chàng.

Tần ngần thêm một chút, họ thu dọn đồ đạc, tiếp tục đi bộ liên tục suốt cả ngày hôm ấy, và tới lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống, họ đã lên khỏi Lũng Sương.

(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...