Cu Nhớn, Cu Nhỏ ++

Lúc đã gần đến nhà Phi Long, cô mới mơ hồ cảm nhận thấy sự đường đột của chính mình; chắc gì Phi Long còn nhớ cô? Mà nếu còn nhớ, chắc gì đã coi cô là bạn bè? Mà ngay cả thế, liệu cô sẽ biết nói gì với anh, về tất cả những thứ vô tiền khoáng hậu, đang loạn xì ngậu trong tâm trí cô? Nhớ lại nét mặt của Đim-ma lúc nãy, rồi nghĩ đến Phi Long, cô bỗng thấy mặt mình nóng bừng, và cảm giác như có kiến đốt ở cổ; cô thậm chí đã muốn quay về ngay, nhưng không hiểu sao, dường như theo một cách riêng rẽ và hoàn toàn cơ học, những cơ chế liên quan đến việc điều khiển phương tiện giao thông ở cô đã tự động không làm như thế.

Lần đầu cô gặp Phi Long là ở một quán rượu to, ồn ào, nhốn nháo, giậm giật, xanh đỏ, tắt bật; hay như Đào Phò nói, là “tất cả các tác phẩm kinh điển đều được gái mặc xi-líp nhảy và hát theo nhịp hai bốn và giai mặc may ô đệm ‘ầu-ía’”, - cô đến đấy cùng Đào Phò.

Phi Long thì không mặc may ô.

Lúc Đào Phò giới thiệu cô với anh, anh đang mặc nguyên cả bộ quần và áo da mỏng, màu không hẳn là đen mà cũng không hẳn là nâu, áo có nhiều đường gân, cổ áo dựng lên, ngực phanh ra; mái tóc đen nhánh, rậm rạp, chỗ trên trán vuốt ngược ra phía sau, để xõa xuống hai bên vai, dài xuống tận ngực; hàm râu quai nón mềm mại không cạo mong mỏng viền lấy khuôn mặt xương xương, góc cạnh, hốc hác, đôi môi đỏ đường nét như vẽ hơi he hé như luôn ở trong một nét cười cởi mở, hai mắt trũng sâu, thâm quầng và sáng; trên ngực trần lủng lẳng một sợi dây chuyền, gọi là dây xích cũng được, to cộ, lấp lánh, đeo một hình tròn kim loại mỏng, cùng chất liệu với dây xích, to phải bằng trôn bát ăn cơm, hơi vồng vồng với những họa tiết hình hoa lá cầu kỳ, ít nhiều bí hiểm; người anh khét lẹt mùi thuốc lá và sực nức mùi cồn.

Với bộ dạng như vậy, cảm giác rất rõ là anh đã được sinh ra ở đấy, thuộc về, là một phần cấu thành hữu cơ của cái chỗ ầm ĩ bát nháo đấy. Nhưng đồng thời với cảm giác này cũng nhận ra ngay một cảm giác nữa, có thể không trực quan bằng nhưng cũng hoàn toàn rõ rệt như thế, là giữa khung cảnh láo nháo ấy, anh vẫn riêng ra, thế nào đó, rất riêng.

Rất riêng, giống như lần sau cô gặp lại anh.

Đào Phò vẫn hay dẫn cô đến chơi nhà bạn bè, nhưng lúc cô bắt đầu hỏi hơi kỹ về Phi Long, thì anh cười, có vẻ rất trào phúng, ngâm nga:

“Nhà Phi Long ở phố to,
Khi tôi đến, Phi Long vừa bụp no.”

Và bằng cách đấy, khéo léo bỏ lửng chủ đề.

Là Đim-ma đã đưa cô đến chơi nhà Phi Long.

Cu Nhớn và Cu Nhỏ ít khi thấy nói đến Phi Long, nhưng nếu nhắc đến anh, không khó nhận ra tình cảm quý mến và thái độ nể trọng của họ; và chuyện này, với hai người này, là vô cùng hãn hữu. Chỉ đến bây giờ, sau tất cả những chuyện vừa rồi, cô mới lại để ý đến vẻ mặt của Đim-ma lúc cô đề cập với anh chuyện Phi Long; cũng cùng là một vẻ mặt như hôm nay, lúc ở nhà cô, khi cô bảo anh nói với cô về chuyện học của anh. Nhưng lúc đấy anh vẫn bảo: “Lúc nào có dịp anh sẽ đưa em đi.” Sau đấy, anh còn đưa cho cô mấy tờ báo, trong đó có những bài viết về Phi Long. Và đấy đã không phải là cách của anh để khéo léo bỏ lửng chủ đề, giống như Đào Phò, chồng cô.

Ở nhà Phi Long, cô đã gặp một người khác.

Một người, nhưng giống như một hàng ngũ chỉnh tề chỉ có một người. Tóc anh vẫn chải ngược ra phía sau, nhưng đã được cắt ngắn, bóng mượt, thậm chí trau chuốt. Râu ria đã được cạo nhẵn nhụi, thậm chí nhẵn thín. Không còn những đường nét hốc hác; mắt, môi - mặc dù vẫn cùng một nét cười, đều gây một cảm giác nghiêm nghị hơn; và thơm phức nước hoa chứ không còn khét lèn lẹt, và anh ăn mặc như sắp sửa đến nhà hát lớn.

Nhưng cảm giác trái ngược thì vẫn thế, chỉ khác là theo chiều ngược lại. Một thế giới rất riêng, nhưng lại sẵn sàng cởi mở, sẵn sàng chia sẻ.

Vẫn là cái vẻ mặt đáng ghét ấy lúc cô đề cập đến cảm nhận trái ngược này với Đim-ma. Nhưng lần này anh bỏ lửng chủ đề; cũng không dùng cách gì khéo léo, chỉ đơn giản là bỏ lửng.

Là Đào Phò đã cố gắng tìm cách để giải thích cho cô, chứ không giống như Đim-ma, bạn cô.

“Có một loại người,” anh vừa nói vừa cau mày, vẻ khó diễn đạt, nhưng cố, “phải tương đối chật vật mới hiểu được một số thứ đơn giản. Nhưng, và chắc cũng vì đã phải chật vật nên, bảo vệ những thứ đấy rất hăng, thậm chí giống như… lập hẳn phòng tuyến để bảo vệ nó. Loại này đông như vàng vện.

“Loại thứ hai, hiểu được chuyện này chuyện khác một cách dễ dàng hơn, nhưng không lưu luyến nhiều, sẵn sàng bổ sung, thậm chí thay đổi hẳn chúng. Loại này ít hơn, như chó nhỏ của người đàn bà ở I-an-ta. Anh và Đim-ma thuộc loại này.

“Còn Phi Long thì là loại thứ ba - bẹc-giê Đức thuần chủng.

“Đầu óc anh với Đim-ma, dù không lưu luyến nhưng vẫn có những điểm dừng; có lúc, nhất là những lúc lười, nhất là anh, còn dừng nhiều. Còn Phi Long, đầu óc y cứ liên tùng tục. Không phải y muốn thế. Y sinh ra nó… bị như thế. Khi y trao đổi chuyện gì với ai, thì chuyện đấy được kích hoạt lên, mà kích hoạt lên rồi, thì lập tức phát triển tiếp. Y suy nghĩ nhanh quá, cho nên luôn có một khoảng cách động giữa những cái y vừa chia sẻ với những cái y vừa tiếp tục suy nghĩ. Cho nên mặc dù y rất cởi mở - anh chưa từng gặp ai chân tình và gần như không có gì muốn giấu giếm như y - nhưng chính cái khoảng cách đấy đã gây ra một cảm giác riêng, xa cách, đối với người khác; cái đấy dễ hiểu, vì nó làm y xa cách ngay cả với chính y.”

Một lát, anh nói thêm:

- Đầu óc Phi Long, nếu kết hợp với Đim-ma, sẽ thành một cơ chế tư duy tuyệt luân.

- Sao lại chỉ Đim-ma..? - Cô hỏi, câu hỏi một cách tự nhiên rất dễ được đặt ra.

- Anh không thể… tập trung được như họ. Đim-ma thông minh, điềm tĩnh, và hơi… “khô”. Ở những chỗ “điểm dừng”, y dùng những gì đã hiểu để tập trung vào việc nhận thức thêm và nhận thức lại. Anh thì có khuynh hướng mang chúng ra để biến thành những thứ vui vẻ và hay ho, để sống cho nó khỏi buồn. Ăn thì phải uống; uống thì phải hò reo, giao tiếp, ve vãn; hò reo, giao tiếp, ve vãn thì phải có những “nguyên liệu”, những cách tiếp cận hay ho; và, sau tất cả những cái chuyện “wonderful life” đấy thì phải ngủ nghỉ… - Anh nhìn cô, miệng cười nhưng ánh mắt nửa như đăm chiêu, nửa như tư lự. - Ai bảo anh mới dậy thì thì đã một lòng yêu mến các bạn, và em. Ai bảo bố anh giàu sụ… Sao… ừ… thì nó là Cu Nhỏ, nhưng… nói thế nào nhỉ, tình cảm của nó ít nhiều… lãnh đạm. - Rồi như chợt nhớ ra, anh cười vẻ rất khoái chí. - Còn cứ tự bê đến gí vào tận mồm nó, thì nó bụp thôi.

Cô không gặp Phi Long thêm lần nào nữa, nhưng một lần nhân nói một chuyện gì đó, Đào Phò có nói thêm là ngồi với Phi Long anh thích đàm luận, thực ra là học hỏi là chính, về các ý tưởng; ngồi với Đim-ma, anh thích phân tích những sự kiện; còn ngồi với “các em”, thì anh cũng có thể tham gia bình luận người khác. Tham gia thật chứ không phải xã giao, vì trong tất cả những bối cảnh ấy anh đều tìm thấy được những khía cạnh hay ho. “Đim-ma thì khác: nói những chuyện tầm thường thì nó khinh; nói chuyện với Phi Long thì nó không thấy thoải mái về bản thân, kiểu như tự ti; nó chỉ thích đàm đạo với những người na ná như nó. À còn Phi Long. Phi Long thì như cái nhà to có bao nhiêu cửa thì mở toang bằng hết, và khách vào cửa nào cũng đều được tiếp đón niềm nở như nhau.” Anh cười, lắc lắc đầu, nói thêm. “Nhưng khách nào cũng cảm thấy nhà y vẫn còn đầy những cánh cửa bí mật nào đó.”

Người nhà bảo Nhật Linh là Phi Long bảo là anh sẽ xuống ngay, hoặc nếu cô không thích chờ ở phòng khách thì cứ lên thẳng chỗ anh làm việc. Nhật Linh vào phòng làm việc thì Phi Long đang đứng cúi lom khom, nhoài ra ở trên mặt chiếc bàn gỗ to tướng kê ở giữa phòng. Không ngẩng lên, anh chỉ hơi giơ tay trái, ý bảo anh đã “thấy” cô vào, vừa là chào, rồi chỉ luôn về phía bộ xa lông Thổ Nhĩ Kỳ, rồi anh bò hẳn ra mặt bàn, gõ cái gì đấy, trên một cái máy tính xách tay nhỏ để một cách ngẫu nhiên ở giữa mặt bàn, nhòm nhòm rất chăm chú vào màn hình, vẫn không ngẩng lên, lại giơ tay phải về phía bộ xa lông, khẽ nhịp nhịp, ý bảo chờ anh tí sắp xong rồi, rồi vớ lấy một trong mấy cái bút đang vứt lỏng chỏng cũng một cách ngẫu nhiên ở trên mặt bàn, dò dò trên một tấm giống như là tấm bản đồ đã trải rộng ra gần hết mặt cái bàn to đấy, đánh dấu, ghi ghi chép chép gì đó, thẳng hai tay chống xuống mặt bàn đẩy người dậy, chăm chú ngó nghiêng vào chỗ vừa đánh dấu, có vẻ hài lòng, rồi đứng thẳng lên, mặt tươi tỉnh quay về phía cô.

Trên mặt bàn nước trông như được lát bằng những mảnh gốm sứ vỡ có một chiếc gạt tàn to, hình tròn, bằng sứ không men, đầy ú ụ tàn thuốc; bên cạnh lỏng chỏng mấy cái lõi táo, với một vỏ bao thuốc mềm, nhàu nát, màu vàng kem và nâu nâu - một cách vừa vặn chắc là tình cờ cùng tông màu với bộ xa lông. Nhật Linh ngồi trên đi văng chăm chú nhìn vỏ bao thuốc Camel, và vỏ táo màu vàng ươm ở đầu và đuôi những mẩu lõi táo, và hơi giật mình lúc ngẩng lên và nhìn thấy Phi Long đang đứng im lặng ở chỗ đối diện phía bên kia chiếc bàn nước, khuỷu tay hơi gấp, hai bàn tay thoải mái ấp nhẹ vào nhau ở phía trước, đang nhìn cô có vẻ không ngạc nhiên, nhưng rất chú ý.

Anh mặc một bộ com-lê màu đen các-bon, áo sơ mi cài kín cổ cùng màu, không thắt cà vạt mà đeo… chắc là vẫn đúng là sợi dây chuyền kim loại với cái hình tròn to cộ ấy, nhưng trên nền vải áo sơ mi đen trông cả sợi xích, cả hình tròn, đều không lấp lánh mà có một vẻ lạnh lẽo. Tóc anh vẫn cắt gọn gàng và chải mượt về phía sau, nhưng tóc mai có vẻ dài hơn lần trước; gương mặt trắng xanh, râu ria được cạo nhẵn, phía dưới mắt có những vết tối, nhưng trông anh hoàn toàn tươi tỉnh, vẫn nụ cười cởi mở ấy trên môi.

- Đào Phò, Đim-ma đâu em?

Cặp mắt Đào Phò lúc chăm chú nhìn ai thì giống như ngọn lửa nóng và sát sàn sạt - đúng loại ánh sáng dùng để đốt. Đim-ma thì mắt anh ngay cả lúc chăm chú cũng vẫn điềm đạm, tự nhiên, giống như ánh đèn tuýp ở trong phòng học, hay ở trong công sở - loại ánh sáng dùng để học tập, làm việc. Còn Phi Long, Nhật Linh chợt nhớ đến những bóng người vận đồ đen đứng như những hàng cột, và những ngọn nến trên giá đỡ; phải rồi, trong mắt anh đúng là ánh sáng đấy, thứ ánh sáng trong trẻo sáng lên ở trong bóng tối, không chiếu sáng được mấy cho ngoại vật chung quanh, nhưng lại cảm giác như chiếu sáng thật sâu, vào mọi ngóc ngách trong tâm tưởng người ta.

- Em đến một mình. Như thế này… - Nhật Linh định nói rằng cô biết như thế này là đường đột, nhưng ánh mắt Phi Long như đang nói với cô là ồ, anh biết em định nói thế, không sao đâu, em cứ bình tâm, không cần rào đón gì cả, có gì thì cứ thong thả kể anh nghe… Nhớ lại lý do mình đến đây, cô định kể lại chuyện gặp Chim Xanh, nhưng bỗng hiểu là như thế thật không tế nhị, không hợp lý chút nào. Cuối cùng cô ấp úng. - Em… em có… em cần phải nói chuyện với một ai đó.

Hai bàn tay Phi Long rời nhau, hơi xòe ra - để cô hiểu là anh sẵn sàng là người đấy. Lúc ấy người nhà đẩy vào một chiếc bàn hai tầng nhỏ xinh xinh có khung mạ kền sáng loang loáng và những bánh xe bằng cao su nhỏ; đủ cả trà, những loại thuốc lá khác nhau, những bình pha lê cổ cong đựng các loại rượu, nước quả, cà phê, táo, nho, bánh ngọt… được xếp đầy ở trên mặt và ở ngăn bên dưới. Phi Long thong thả ngồi xuống chiếc ghế bành hơi chênh chếch đối diện với cô. Cô không hút thuốc, nên gạt tàn cũng được dọn đi; thấy cô ngập ngừng, Phi Long bảo làm cho cô một cốc nhỏ loại đồ uống gì đấy có lẫn Advocaat, một chút nước chanh đường, và một chút 7up; cô lấy thêm một chùm nho, nhỏ thôi nhưng có quả to đều chằn chặn; Phi Long lấy một tách cà phê đen nóng, thêm vào đấy một chút rượu cô-nhắc; chiếc bàn bánh xe được để lại cạnh đấy. Một cách rất tự nhiên, cô bỗng thấy có một cảm giác hết sức thoải mái, hoàn toàn không còn một chút e dè, ngại ngùng, giống như cô đang ngồi với một người lớn, vững vàng, thân thiết đã từ lâu, một người rất hiểu cô, và đây không phải là lần đầu anh ngồi nghe cô kể lể chuyện này, chuyện khác như thế này. Thậm chí cô cũng không mường tượng được thật rõ ràng là cô đã bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào, nhưng mọi thứ cứ một cách tuần tự được kể ra. Chuyện cô chưa chồng, rồi lấy chồng, chuyện những công việc cô hay làm hàng ngày, chuyện ăn uống, mua sắm, may mặc, ăn diện, tụ tập túm năm tụm ba, buôn dưa lê, chạy xe lòng vòng chỗ này chỗ kia, ăn tối ở nhà hàng… Cuối cùng, cô nhìn anh, không còn vẻ ngập ngừng tí nào, mà gần như vui vẻ:

- Em không muốn sống như thế nữa. Em muốn một cuộc sống khác. Em cần một lời khuyên.

- Trong cửa hàng có hai con gà thịt nằm cạnh nhau, một béo trắng, một gày rạc. Con gày bảo con béo: “Mặc dù tao gày, nhưng tao đã sống hết tuổi trời.” - Thái độ Phi Long đang hoàn toàn nghiêm túc. - Con gái, không phải ai cũng lấy được một chàng như Đào Phò của em, không phải ai cũng có được cuộc sống như em. Rất nhiều người đang phải đi làm vất vả, rạc người hàng ngày với những công việc mà họ hoàn toàn không thích, nhưng cần phải làm để lĩnh lương. Rất nhiều người đang không có chỗ ở cố định, một túp nho nhỏ của riêng mình cũng đã là cả một ước mơ xa xỉ. Rất nhiều người lấy phải những người chồng rất khó hiểu, rất buồn cười. Rồi còn những người khác… mà… không thể lấy được chồng. Tất cả những người đấy đều đang muốn hướng tới một cuộc sống giống như em hiện giờ. Nếu thay đổi cái đấy, em định hướng tới cái gì?

- Em… - Thực ra cô vẫn hoàn toàn chưa có ý nghĩ gì rõ ràng về chuyện này, nhưng hơi bất ngờ ngay với chính mình, ý nghĩ như buột ra, đột nhiên cô thấy mình quả quyết. - Phi Long, anh là một nhà khoa học nổi tiếng, một người rất thông minh, em thấy họ viết về anh ở trên báo, những người em biết, khi nhắc đến anh, đều với một thái độ yêu mến và kính trọng. Em muốn có một cuộc sống như thế.

Phi Long chăm chú nghe cô, vẻ nghĩ ngợi, rồi nói với cô, nhẹ nhàng, giống như tâm sự:

- Hồi học phổ thông, anh rất thích chơi ghi-ta, anh học cũng nhanh, chơi khá, và đã muốn trở thành một ngôi sao nhạc rốc. Xong rồi có một lần gây gổ đánh nhau để lấy điểm với bọn con gái, gặp phải một thằng khỏe quá anh bị gãy mất ngón đeo nhẫn bên trái, - anh xòe bàn tay, gập lên gập xuống ngón tay vừa nói; ngón này đeo một chiếc nhẫn bằng kim loại sáng trắng, trông lạnh lạnh, mặt nhẫn có hình thù gì đấy cổ quái với những đường gân đen đen, - chữa lành không sao, nhưng đánh đàn thì không đánh được những chỗ khó. Anh đau lòng lắm nhưng đành phải chuyển hướng, và muốn trở thành nhà văn. Nhưng anh bắt đầu bỏ toán tập trung vào văn thì bọn con gái không thích nên rủ nhau gọi anh là Long “Gái”. Anh không thể chịu được, nên lại bỏ văn. Hồi học đại học anh thích lấy vợ lắm, và cũng có một chuyện tình rất phù hợp với chuyện đấy, anh cũng gần như không còn lăn tăn gì nữa là đấy chính là câu chuyện của cuộc đời mình. Lẽ ra cứ tự nhiên như thế thì chắc đã xong. Nhưng không hiểu sao cô ấy tự nhiên lại bắt đầu nói quá nhiều về cái chuyện vợ chồng ấy, đến mức anh phát ngấy. Và ngấy đến mức phát tỉnh ngộ, nên anh đã cố gắng một cách thật tỉnh táo nhìn nhận lại, và đã hết sức buồn cười và tự khó hiểu về ý thích ban đầu của mình. - Anh nhún vai, nhìn bộ điệu thì cũng khó phân biệt thật rõ là có chút ngượng nghịu thật, hay là hài hước. - Em thấy đấy, những gì anh muốn…

- Nhưng anh đã thành một nhà khoa học nổi tiếng.

- Cái này thì thật sự anh chưa bao giờ muốn cả. Tự nhiên nó thế. Nếu nói là muốn thì chắc là nó muốn anh. - Giọng anh chợt sôi nổi. - Em biết không, bây giờ anh lại đang muốn được giống như em… À không… anh đang nghiên cứu về các cơ chế và cấu trúc trí não của con người. Thực sự, có thể là không thật tế nhị về mọi phương diện, có thể sẽ gây nhiều phản ứng, dư luận… nhưng anh thực sự muốn tách riêng trí não đàn ông và trí não đàn bà thành hai nhánh nghiên cứu riêng. Giá như anh có thể giống như em, thậm chí là chỉ một vài ngày thôi… Mà anh lạc đề rồi.

- Dù anh đã muốn hay không, em vẫn muốn trở thành một người ít nhiều giống như anh.

- Sao em lại muốn thế?

- Em thấy sống như thế có ý nghĩa, được nhiều người biết đến, nhiều người nể trọng, em muốn biết những cảm giác khi là một người như thế.

- Những cái em nói… hoặc là em đã quá khen anh, hoặc là những cái đấy chả gây ra cảm giác gì kiểu như thế hết. Anh chỉ sống bình thường và làm những việc mà anh thạo nhất, nhiều khi rất mệt mỏi, chán chường vì những việc đấy.

- Thế lúc anh đọc người ta viết về anh ở trên báo thì sao?

- Lúc đầu cứ khen là sướng, chê là cú, thậm chí tìm cách chửi lại. Sau rồi khen thật đúng thì thích, chê thật đúng thì cố sửa, còn khen chê lem nhem thì không để ý nữa.

- Thích thật! Bây giờ thì em rất muốn được như anh. Nhiều người, đa số mọi người sống nhạt nhẽo, tầm thường, thậm chí tăm tối. Trong khi có những người, rất ít, giống như anh, thì lại may mắn sống một cách đầy thú vị, rực rỡ và nhiều ý nghĩa… Anh hạnh phúc thật đấy!

- Hạnh phúc? Đêm qua anh mất ngủ, sáng nay anh buộc phải dậy sớm, không muốn ăn gì cả, đây là tách cà phê thứ năm. Em đến đây, mặc dù đầy tâm tư, nhưng vẫn trẻ trung, xinh đẹp, tràn đầy sức sống, và sắp chén hết một chùm nho…

- Anh nói thế nào cũng được, nhưng những gì anh làm được... như thế thật thích.

- Thật thích? Anh luôn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ. Anh luôn bị dằn vặt: phải hiểu cho được cái này. Hiểu được cái mình muốn rồi, thì lại nghi ngờ. Hết nghi ngờ rồi, thì lại chuyển ngay sang cái khác. Như là cứ phải đổi tàu, đổi xe, và đi liên tục, biết là không thể dừng, và biết là không thể làm khác được. Sống như vậy, em thấy có “thật thích” không? Nếu tự đánh giá, anh chỉ có thể tặng nó một từ: vô lý. Đây này, anh đang nói chuyện với em, nhưng vẫn cảm thấy áp lực, và theo một cơ chế tự động xử lý song song thế nào đấy, vẫn tiếp tục nghĩ đến những tính toán ở kia… không… hoàn toàn không phiền, anh quen rồi, buộc phải quen, không phải chỉ ngồi với bạn bè, mà lúc ăn, lúc nghỉ, lúc đi chơi, lúc nào chả thế. Em vừa thấy đấy, động cái là anh lại lồng ngay những suy nghĩ ấy vào một bối cảnh, một sự việc cụ thể nào đó. Hồi trước máy tính nó to và chậm, còn đỡ; bây giờ nó nhỏ tí, và nhanh, thì nó kè kè bên anh, thành ra quá tệ luôn. Anh luôn sống một mình, em xem, nếu anh sống với người khác… có thể thế được không? Bạn bè thỉnh thoảng gặp gỡ thì không sao, chứ thường xuyên ở gần một người như anh, liệu người ta có cho anh là một người hoàn toàn minh mẫn, hay như em nói: rất thông minh, được không? Rồi còn tuổi trẻ. Lúc bạn bè tốt nghiệp tràn ra đường vui sống, đi làm, lấy nhau, sinh con đẻ cái, bóng đá, bia bãi, dã ngoại, ka-ra-ô-kê… thì khoa học nó tóm anh lôi đi. Mà bước chân vào cái lãnh địa ấy, thì ngước nhìn lên toàn những bầu trời kiến thức lừng lững đi trước mình; cảm thấy mình dốt nát, kém cỏi, ngượng nghịu, vụng về; đầu óc luôn day dứt, vừa thách thức, vừa căng thẳng; sợ mình không đáng để người ta nhận ra, hay để ý đến. Tâm trạng anh khi đấy lúc nào cũng giống như một con bạc đang máu ăn thua, mà trong túi thì lại hết tiền.

- Nhưng những gì anh nghiên cứu, kiến thức thu được, vấn đề giải quyết thành công… sẽ đem lại những cảm xúc sung sướng nhất.

- Đúng thế. Khi vừa hoàn thành một công việc, anh rất thích tự ngồi xem lại cả quá trình làm việc của anh. Nhưng cứ vừa công bố xong, là anh lại thấy nó tầm thường. Mà nó tầm thường thật. Người ta sẽ nói, ồ, cũng kinh đấy, nhưng so với … (người ta có thể kể ra cả đống tên) thì chưa ăn thua. Người ta sắp in anh vào sách giáo khoa cho sinh viên, và rồi sinh viên sẽ hỏi nhau: “Ai đây?”, “À đấy là ông Phi Long, đã làm được việc này, việc này…”, “Như thế là khoảng tầm nào? Có tới tầm … (họ có thể kể ra cả đống tên) không?”, “Ồ, không, còn lâu, so thế quái nào được…”

- Em thấy… hình như sự thành công đã làm anh thành khó tính. Anh có vẻ còn không muốn thừa nhận giá trị của mình, thậm chí bất mãn với bản thân. Kệ anh. Em biết với nhiều người khác anh là đáng ngưỡng mộ. Nếu em có thể chọn được một lĩnh vực nào đó, và trở thành giống như anh, em sẽ vui vẻ cống hiến và hưởng thụ thành quả cũng như sự ngưỡng mộ của mọi người. Và để có thể như thế, em sẵn sàng chịu đựng những thiếu thốn vật chất, tình cảm, đau khổ về những nhược điểm của mình, nhưng ngược lại, em sẽ thấy mình sống có ý nghĩa, em sẽ được nhiều người ngưỡng mộ.

Im lặng, rồi cô quả quyết nhìn thẳng vào mắt anh:

- Em cần một lời khuyên. Em phải làm gì bây giờ?

Phi Long ngồi bất động nhìn cô một lát, rồi thở dài:

- Những gì em quan tâm, những gì em đề cập đến, anh chỉ có thể nói hết tất cả những gì anh biết với em. Còn khuyên, anh… thật tình anh không thể.

- Anh Phi Long, chỉ một lời, một lời thôi cũng được. Anh thông minh thế kia mà?

- Nhật Linh, không phải bác sĩ mà kê đơn, thì là lừa đảo.

Tuyết phủ đầy cành cây, nhưng đã ngừng rơi. “Nếu nói là muốn thì chắc là nó muốn anh”, Nhật Linh không dám chắc là cô hiểu tất những gì mà Phi Long đã nói với cô, nhưng cô thấy ý nghĩ này cứ tự nhiên lặp đi lặp lại trong đầu, “ừ, nếu để ý lại, Đào Phò, Đim-ma, dường…” có tiếng còi dội lên nhưng nghe xa vắng như vẳng lại từ đâu đó rất xa phía đằng sau, cô giật mình; đã chuyển đèn xanh. “Đào Phò, Đim-ma, hình như những người đàn ông thông minh ấy đều có vẻ… bị chọn như thế.” Cô chợt nhớ lại vỏ bao thuốc màu nâu và vàng kem với những lõi táo Bun-ga-ri, “cả Lan Cải, cách sống hơi khác người của chị ấy, cũng có vẻ đã như thế. Rồi Chim Xanh…” cô lại rùng mình, một chút thôi, thấy thoáng hiện những bóng người đứng lặng lẽ trong tối, “là cô ấy đã tự chọn, hay là cũng… bị chọn? Thế còn mình? Mà cái cách ấy như thế nào? Từ trước khi ra đời? Có phải là tiền định, số phận, số mệnh..? Hay là giữa chừng, theo một cách… không thể biết được nào đấy?”

Đào Phò đã ở nhà, đang nói chuyện điện thoại, trông vui vẻ, hơn hớn, không biết hồi sáng có phải “đứng ăn như chó” không; thấy cô về mắt sáng lên, đặt bàn tay lên môi rồi thổi cho cô một cái hôn gió.

- … Vợ con, con gái bố vừa về, đẹp như tháng Năm dịu dàng, chắc hết mệt rồi… Oài, bố ơi, chỉ có bọn tam khoang tứ đốm mới vật vã ba cái chuyện thân xác bệnh tật sống chết ấy, chứ như bố, như con… bố với con có khi lại cùng là… giống như là hai sợi tóc ở trên cùng một cái đầu nào ấy chứ, tóc có tự nhìn thấy được đầu đâu? Bố mọc trước con, tất nhiên. Nếu may cái con đấy là gái đẹp nết na, thì bố con mình cứ yên tâm mọc dài đến tận mông nó, thì cũng còn thoải mái chán. Rủi mà nó là gái xấu ế, chán đời nó đi làm đầu, thì xoẹt phát, cũng nhanh thôi… mà thế thì con cũng chả khác gì bố. Kệ cụ nó bố ạ, bố con mình em là tóc, thì tốt nhất em cứ Ếch-chan-tơ cho nó đẹp đẽ bóng mượt… à, con bảo, con vừa mới thử chơi bài Ếch-chan-tơ này nhanh gấp rưỡi lên ở trên đàn pi-a-nô, hôm nào con chơi thử bố nghe xem cảm xúc có gì khác không… Vợ con á? Vầng… vẫn hơi lung tung nhưng trong sáng; tất cả những gì con cảm nhận được từ cô ấy con biết đều là thật; con thích thế… Không đâu bố, kể cả là cục đá quàng vào cổ kéo con xuống vực thì con cũng không bỏ ra. Con yêu cục đá ấy… Sâu ấy ạ… ‘Các người sẽ không có cách nào để ra khỏi đó, cho đến khi các người đã trả đến đồng xu cuối cùng’, bố vẫn đọc Phúc Âm đấy chứ? Vực là vực, nông sâu gì chả thế bố? Bố con mình, ai mà biết được những kiếp trước đã làm những gì?..

КОНЕЦ

Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Phi Long bi bô...

Thật là dễ chịu quá.

Anh đi công tác vẫn lo ngay ngáy là Đào Phò sẽ kết cái này một cách cẩu thả, thì phí. Sáng nay pha một tách cà phê đen nóng, thêm vào đấy một chút rượu cô-nhắc, ngồi thong thả đọc, cảm giác thật là dễ chịu. Bây giờ ngồi viết tiếp "Thiên tượng".

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...