Bóng ma (2)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Ông Phạm Long Dũng là một trong những người đột ngột giàu lên rất nhanh trên sàn chứng khoán.


Tuần trước, cô Phạm Như Anh thắt cổ tự tử. Cô Anh là con gái lớn ông Dũng, người ta đồn cô tự tử vì bị ông Dũng đối xử không tốt.


Chôn cất cô Anh xong, ban đêm, ông Dũng vừa lên giường ngủ, thì nghe rõ tiếng chân cứ đi đi lại lại ở gần cửa buồng mình.


Mở cửa, ông thấy bóng cô Anh đang đi về phía đầu cầu thang. Đúng cô Anh.


Ông đi theo, gắng trấn tĩnh, đứng nhìn xuống. Ông thấy cô xuống tiền sảnh, loanh quanh một lúc, rồi mở cửa, đi ra. Ông vội theo ra, thì ở ngoài vắng không, không thấy ai cả. Tìm xung quanh nhà, cũng hoàn toàn không thấy gì.


Đêm hôm sau, cũng đúng lúc ông vừa lên giường, thì nghe thấy tiếng như tiếng những viên sỏi nhỏ ném lạch cạch vào kính cửa sổ. Mở cửa, ông nhìn thấy đúng cô Anh đang đứng ở dưới nhìn lên, một tay còn đang giơ lên.


Vốn là một người duy tâm, ông Dũng đã cố công mời bằng được ông Bùi Hạnh — một nhà tâm linh rất uy tín, — và rước ông Hạnh từ Hải Phòng lên để tổ chức một buổi gọi hồn. Buổi gọi hồn đã diễn ra chiều hôm qua, trong phòng người chết.


Theo ấn tượng của tất cả những người tham dự, cũng đều là những người rất biết cô Anh, thì buổi gọi hồn đã diễn ra rất có kết quả, — hoàn toàn đúng theo danh tiếng không phải tự nhiên, không phải một ngày, không phải đột ngột mà có được của ông Bùi Hạnh, một nhà tâm linh, một vị giáo sư, một tiến sĩ khoa học.


Hồn đã nhập vào ông Hạnh.


Quá khứ, gần, xa, tuổi thơ, tâm trạng đau khổ khi bố mẹ bỏ nhau, nỗi đơn độc, những bức xúc, mâu thuẫn gay gắt với bố, dằn vặt, ý định bỏ nhà đi, rồi ý định tự tử... mọi thứ đều chính xác, hợp lý, và lô-gích đến nỗi tất cả những người có mặt ở đấy không ai không nghĩ rằng đấy chính là cô Anh, không thể khác được! Ngay cả cái chết của cô, đối với họ, bất kể cái cách cô chết, đã tự nhiên trở thành một chuyện hết sức tự nhiên. Tự nhiên, vì có nếu có thì, có đầu có đuôi, dễ hiểu, và hợp lý.


Nhưng tất cả những thứ chính xác, tự nhiên, hợp lý, và lô-gích ấy đều chỉ ở trước thời điểm sợi dây siết lại, và hơi thở bay đi.


Sau thời điểm đấy: Không gì cả!


Hoàn toàn không gì cả, chính xác nhất theo nghĩa "không gì cả". Đơn giản không có câu trả lời. Hồn như bị điếc.


Gọi hồn xong, họ mở cửa và nhìn thấy một mảnh giấy, được cắm lên cánh cửa từ phía bên ngoài, bằng một con dao nhọn.


Ông Dũng vội chộp lấy mảnh giấy, đọc, và lập tức lên cơn đột quỵ. Người giúp việc đã cố gắng tìm thuốc của ông trong tủ thuốc, nhưng không còn một viên nào. Ông Dũng chết trước khi cấp cứu 115 đến nơi.






Căn nhà xây theo lối hiện đại với những hình khối vuông, mái bằng, trắng xám, và những khuông kính rộng, không màu. Mưa đã tạnh một lúc. Mai Phương và trung tá Đại Lâm đi qua một lối đi vừa rộng, lát đá phiến chằn chặn, bằng phẳng, màu trắng; bên trái là một ao nước trong xanh, nhân tạo, có hình dạng phức tạp chắc liên quan đến ý đồ phong thủy, giữa ao có hòn giả sơn nước chảy róc rách, gần đấy có mấy con chép Nhật Bản mặt mũi đần độn, khoang trắng, đỏ, đen, đang bơi lừ đừ. Lối đi hơi gấp khúc sang trái, viền theo mép ao, rồi thẳng theo hướng cũ thêm một đoạn ngắn, dẫn đến những bậc thang đá trắng bước lên thềm nhà phía trên.


Cửa mở hầu như ngay khi trung tá Đại Lâm vừa trao đổi nốt với Mai Phương những chi tiết cuối cùng.


Ra mở cửa là một người phụ nữ tuổi ngoại bốn mươi, mặc chiếc áo nhẹ màu trắng, váy dài quá gối, màu ngà, lốm đốm nâu, tóc ngắn, còn đen, phía trước có những sợi nâu nhạt, dáng vẻ nhẹ nhõm, nhanh nhẹn, nét mặt buồn, nhưng rõ là buồn theo hoàn cảnh, vì không khó nhận ra đôi mắt hay cười, hàm răng trắng bóng, cái miệng tươi tắn, — vốn là một khuôn mặt không quen buồn.


— Chị Mai. — Họ đã gặp nhau một lần.


— Anh đã đến... Mọi người đều ở trong phòng khách.


Đang đi vào phòng khách, Mai Phương níu tay trung tá Đại Lâm:


— Mình nên gặp ở phòng người chết.






Phòng người chết xám xịt.


Là đã xám xịt từ lúc người sống.


Xám đồng bộ, từ sàn gỗ, tường, trần.


Không có đồ đạc.


Là đã không có đồ đạc từ lúc người sống.


Thậm chí không có giường, chỉ có một chỗ gọi là bệ nằm thì đúng hơn, ở cạnh cửa sổ; cửa sổ không có khung, không có rèm, từ trong nhìn ra cũng không thấy cánh cửa, chỉ là một miếng kính lửng cao quá nửa và căng hết chiều ngang bức tường; bệ nằm trống trơn, không chăn, không nệm, chỉ có hai chiếc gối hình hộp chữ nhật cỡ bằng chiếc gối to thông thường đặt ngay ngắn cạnh nhau ở phía đầu "giường", một chiếc nâu sồng, một trắng tinh.


Bộ xa-lông kê giữa phòng tuyệt đối đồng bộ phong cách như vậy, chỉ là những hộp vuông bèn bẹt cùng cỡ, bọc vải dày trắng tinh căng phồng, cao quá nửa bắp chân, rộng một người mông to ngồi thoải mái, tùy tiện xếp ngay ngắn lắp ghép vào nhau; vài hộp có một khúc hình trụ như cái gối ôm, cũng căng phồng, cái nâu sồng, cái trắng tinh, gá nằm dọc theo một cạnh mặt vuông, — tựa ghế; có vài chiếc gối khác cũng hoặc nâu hoặc trắng — gối vuông thông thường, không phải gối hình hộp chữ nhật hay gối ôm — vứt không có bố cục trên xa-lông.


Chỉ có bệ nằm và ghế ngồi, ngoài ra không còn bất kỳ thứ gì khác, sạch như lau như ly, theo mọi ý nghĩa.






"Tất cả mọi người đều ở yên chỗ mình. Ý tôi muốn nói trước và sau khi tôi làm thế thân cho cô Anh. Vì trong thời gian đó tôi hoàn toàn không có nhận thức riêng.


"Cô Anh chết trẻ, và mới chết, chưa đầy 49 ngày, trong thời hạn này, khả năng lớn nhất, cô ấy vẫn còn là một dạng vật chất được gọi là Thân Trung Ấm, một dạng vật chất rất gần với chúng ta, nên tôi đã đi vào trạng thái thế thân rất nhanh. Trước đây đều như vậy, với các trường hợp tương tự.


"Như một ca thế thân thông thường của tôi, tôi chỉ sử dụng ba thứ: một quả cầu pha lê, một nguồn sáng chuyên dụng, và một quả lắc bằng bạc nguyên chất. Ở đây yên tĩnh, có hơi hướng tốt, rất phù hợp, những người tham gia đều tập trung tốt và thật sự có mong muốn giao tiếp với người đã khuất, và mọi chuyện diễn ra hoàn toàn tốt.


"Về phương diện gọi hồn, tôi nghĩ tuyệt đối không có gì bất bình thường, không có phát sinh gì.


"Rồi bỗng xuất hiện mảnh giấy đó!


"Tôi là người cuối cùng vào phòng cô Anh. Trước khi vào, tôi đã quan sát sơ bộ, — đấy là một phần... nghiệp vụ. Cánh cửa này dày dặn, đã cũ, làm bằng gỗ mộc, loại gỗ rắn chắc, không hề có mối mọt. Lúc đấy mảnh giấy không găm trên cánh cửa. Tuyệt đối không có gì trên cánh cửa.


"Trước đây đã ghi nhận trường hợp dùng lực tinh thần uốn cong được một chiếc thìa. Cũng đã ghi nhận trường hợp ý thức tinh thần được vật chất hóa, nhưng chỉ dưới dạng bột mịn, một nhúm bột trắng mịn..."


Ông Bùi Hạnh, tuổi ngoại sáu mươi, đeo một cặp kính dày, cả gọng và mắt kính như cùng được đúc ra liền lạc, cùng một màu hổ phách nhạt, trong vắt; tóc đen, chắc đen nhuộm, vì hai lông mày đã bạc; mũi cà chua, môi đậm đà, tai rộng. Ông mặc bộ vét sọc màu gỉ sắt nhạt, cổ áo to; sơ mi trắng có sọc thưa màu xám, cà vạt xanh chì có hoa văn các hình tròn màu hoa cà. Ông nói đúng giọng Hải Phòng. Lúc nói, ông hay để hai bàn tay khum khum, chạm các đầu ngón hai bên vào nhau, mắt nhìn sang bên cạnh, xuống một điểm nào đó ở dưới sàn.






"Tôi đã có mặt trong suốt thời gian gọi hồn. Đúng là cô Anh. Không thể là ai khác được. Có những việc, chỉ có tôi và nó... và cô ấy biết với nhau, hoàn toàn riêng, giữa hai bác cháu tôi.


"Ông Dũng đã nhận được đúng cái ông ấy phải nhận... Như Anh nó... Cô Anh đã... Chính ông ấy đã làm nó chết... không khác gì như ông ấy đã tự tay đâm chết nó..."


Bác Mai khóc nấc lên, bàn tay miết miết quệt nước mắt trên má.


Bác Mai là người giúp việc trong gia đình ông Dũng đã từ lâu, ngay từ sau khi ông Dũng bỏ vợ, lúc ấy ông vẫn còn là một trí thức trung lưu, gọi là nghèo, cũng không mấy sai.






"Phòng Như Anh ở cuối hành lang, nên cánh cửa mở ra ngoài, về phía ấy. Gọi hồn xong, tôi là người cuối cùng ra khỏi phòng và khép cửa.


"Và lúc ấy tôi nhìn thấy mảnh giấy. Lẽ ra tôi phải suy nghĩ gì đó, trước khi kêu lên. Nhưng tôi đã kêu lên. Tôi không kịp nghĩ gì cả.


"Con dao được cắm chắc vào cửa, tôi đã giật nó ra, cầm trong tay run rẩy, và hét lên với mọi người. Thật là ngu ngốc!


"Mặt anh Dũng đã trắng bệch ra ngay từ trước lúc đọc tờ giấy, giống như anh ấy đã biết nó sẽ viết gì..."


Bà Lê Lan Phương mặc quần đen, vải mềm, áo khoác len mỏng, mềm, cũng màu đen. Khuôn mặt phụ nữ miền Nam điển hình, với những nét có thịt, lành lành, dễ gần; mái tóc đen, rẽ ngôi mượt, buộc gọn đằng sau; đôi mắt hiện tại trông như mắt trẻ con, phần vì hơi lác trong, phần chắc vì khóc nhiều.


Ông Dũng gặp bà Phương trong một cuộc hội thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh mấy năm trước. Hai người cưới nhau ngay sau đấy ít lâu.






"Tôi tự trách mình. Tôi sẽ tự dằn vặt suốt đời. Bố dượng tôi có thu nhập cao và thương tôi như con đẻ, chưa bao giờ để tôi thiếu thốn bất kỳ thứ gì.


"Tôi có đủ tiền riêng. Lẽ ra tôi đã phải trở về đây và đưa chị tôi đi khỏi chỗ này.


"Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ là mọi thứ ở đây lại tồi tệ đến như vậy.


"Tôi đã xem ảnh chị tôi. Tôi tin đấy đúng là chị tôi. Tôi cũng nhìn thấy chị ấy vào cái đêm chị ấy ném sỏi lên cửa sổ. Đúng là chị ấy..."


Không khó cảm nhận những gì vẫn chưa lắng lại được trong cảm xúc của Phạm Giang Linh, nhưng mắt cô thì đã ráo hoảnh.


Mắt ráo hoảnh, và cận, cận thị hơi nặng. Lác, thì không cân đối về hình dạng, chủ yếu là vị trí lòng đen. Còn cận thị hơi nặng, khi không đeo kính, thì ánh mắt hai bên cái dài cái ngắn, lúc dài lúc ngắn không đều, gây cảm giác thiếu tự nhiên, hoàn toàn không khó nhận ra.


Cô mặc chiếc quần bò chun bạc màu, bó thật đẹp lấy cặp chân dài thẳng tắp. Hông nở, eo thon. Chiếc sơ mi màu trắng trong, cắt may theo thời trang hiện đại, với một vệt họa tiết màu xám tỉ mỉ cầu kỳ chạy dọc theo một bên mép vạt áo; áo vừa vặn với người và tôn lên những đường quyến rũ trên thân thể trẻ trung được chăm sóc tốt về dinh dưỡng. Nhưng cô cận thị nặng, mũi hơi to, trắng trẻo, cớm nắng, hiền lành, động tác không giống một người năng hoạt động. Một cô gái con nhà lành, ngoan, chăm học, chắc là mọt sách.


Lúc bố mẹ bỏ nhau, cả hai cô còn nhỏ. Lúc ấy Phạm Như Anh ở lại đây với bố, còn Phạm Giang Linh theo mẹ sang Úc. Cuộc ra đi tức tưởi. Và cô không liên lạc với người thân suốt từ đấy. Cô chỉ mới về đây, trực tiếp vì cái chết của chị. Tức tưởi mà đi, lại tức tưởi mà về. Không phải cô tức tưởi. Mà số phận theo cách của mình thích đặt cô vào bối cảnh tức tưởi.


— Không phải chị ấy! — Trung tá Đại Lâm đang vừa chăm chú ghi chép, vừa quan sát Phạm Giang Linh, thì nghe một giọng nói lạnh lẽo bất ngờ cất lên...


(Còn nữa)


Chỉ đạo võ thuật: Mr. Đào Phò

LẬP TRÌNH VIÊN (14)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






VI






Quen nhau được một ít thì những lúc nói chuyện, anh luôn nắm bàn tay cô. Những lúc họ ngồi với nhau, anh luôn ấp bàn tay cô trong hai bàn tay mình. Rồi cô cũng ấp nốt bàn tay kia lên bàn tay anh, trên cùng. Những lúc như thế, cô luôn thấy trong lòng mình thật nhẹ nhõm. Bây giờ, thật ít những lúc mà cô có cảm giác như vậy.


Từ lúc cô không còn nhìn thấy gì nữa, thì khi có mặt cô, mọi người luôn tránh không nói về những thứ liên quan đến bệnh tật. Còn anh thì ngược lại. Tất nhiên, anh cũng làm theo những người khác khi có mặt họ. Nhưng những lúc chỉ có hai anh em với nhau, anh sẽ vui vẻ, khe khẽ ngân nga một giai điệu ngắn, sau đó anh sẽ kể, càng kể càng say sưa về người đã sáng tác giai điệu bất hủ đó, về chứng nặng tai, sau thành điếc hẳn của ông. Hoặc anh sẽ tả cho cô nghe là họ đang ngồi như thế như thế ở một chỗ rất đẹp như thế, là bây giờ đang là đêm, một đêm trăng sao vô cùng tráng lệ, rồi anh sẽ say sưa kể về các chòm sao, Tiểu Hùng, Đại Hùng, về một số ngôi sao cụ thể, rồi anh sẽ kể cho cô nghe về việc những ngôi sao đó đã được hình thành như thế nào trong vũ trụ, đến lúc nào thì chúng sẽ chết, và lúc chết thì chúng sẽ như thế nào, rồi anh sẽ kể tiếp cho cô nghe về trí tuệ đặc biệt của người đã nghiên cứu những chuyện như vậy về cuộc đời của những ngôi sao, về căn bệnh ALS làm hỏng hệ thống thần kinh kiểm soát vận động của các bắp thịt, đã làm ông bị liệt toàn thân.


Có những lúc những bàn tay anh rất "tư lự", rồi anh nói với cô về cái chết, về ý nghĩa của sự sinh tồn, hỏi cô nghĩ như thế nào về chuyện này, chuyện kia? Anh bảo những chuyện này, bản thân anh cũng thắc mắc nhiều lắm. Anh cứ tìm hiểu dần. Những gì anh kể với cô là những gì anh đã ít nhiều hiểu được. Có cái thì đã tương đối rõ, có cái thì còn lờ mờ. Nếu cô thỉnh thoảng cũng nghĩ về những chuyện như thế, thì hai anh em sẽ cùng tìm hiểu. Có một lúc khi anh đang nói về những chuyện này, cô chợt đưa bàn tay lên gần ngang mặt mình, hướng về phía anh, ngập ngừng. Anh hiểu, cầm bàn tay cô đặt lên bên má mình, để cho cô "nhìn" mặt anh.


Anh là người duy nhất hiểu và đồng cảm với cô. Có thể lúc đầu anh cũng không biết thế, anh chỉ làm thật những gì mà theo suy nghĩ của anh là nên làm trong trường hợp này. Nhưng bây giờ cô biết là anh biết.


Anh hay tìm cách tả cho cô nghe những gì anh đang nhìn thấy ở xung quanh họ. Thỉnh thoảng cũng có người này, người khác làm như vậy, nhưng không ai làm thường xuyên, và dễ hiểu như anh. Một lần, họ ngồi trên lầu hai lửng ở trong một quán cà phê rộng ở Hà Nội, anh đã làm như thế, xong rồi bảo cô thử tả lại tất cả những gì mà cô đã hình dung qua lời anh tả, theo cách của cô, khác với của anh. Có vẻ anh đã rất vui sau khi nghe cô tả lại, nên chắc là một cách vô tình, lại ấp tay cô lên bên má mình, nên cô biết là anh cười, dù không nghe thấy tiếng.


— Anh nên làm một họa sĩ. — Có lần cô đã nói như vậy về khả năng tả thực của anh.


— Bọn bán thịt ở chợ có thể cắt thịt nặng đúng như khách muốn mua. Bác Tùng chả cắt được thế.


— Phi Long, nếu em... vẫn nhìn tốt, anh có... vẫn quan tâm đến em như thế?


— Nếu thế, chắc anh em mình đã chả gặp nhau. Em nghe chuyện săn khủng long chưa?


— Chưa, khủng long thế nào?


— Năm 2055, có những người đã tổ chức đi trở về quá khứ để săn khủng long...


Anh kể tóm tắt cho cô nghe chuyện một người trong đoàn săn khủng long đã giẫm chết một con bướm "trong quá khứ" và chuyện này đã dẫn tới những thay đổi khó tưởng tượng khi họ quay lại năm 2055. Anh bảo anh biết cái công thức toán mô tả chuyện này, còn truyện đi săn là có một cô bạn đã kể cho anh nghe, chứ anh không có quyển đấy.






Có quyển đấy, anh cũng chả đọc được. Lúc đấy cô còn chưa để ý là anh dốt tiếng Anh, cũng chưa biết là cô bạn đã kể chuyện cho anh nghe lại nói tiếng Anh hay thế. Chị A-nhi-a ngồi cạnh cô, đang bảo:


— Kốt-xchi-a, "I" hoa và "một" nó đều đọc là "lờ".


— Phông Cu-ri-ơ?


— Ừ, phông mặc định, Cu-ri-ơ.


— Giải lao, giải lao, để bắt nó học lại luôn.


Mọi người bây giờ những lúc có cô đều chịu khó nói tiếng Anh, còn cô cũng bắt đầu chịu khó nói tiếng của mọi người. Cô và A-nhi-a nhân dịp này cùng bảo Phi Long học tiếng Anh đi để cùng tham gia vào hệ thống "song ngữ", anh cười to, khoái chí: "Với tốc độ tiến hóa như của em và của mấy chàng lười bạn anh bây giờ, kỷ nguyên song ngữ này sắp chấm dứt, khủng long Anh ngữ lại sắp tuyệt chủng, anh chỉ việc chờ, học mà làm gì?"


— Mai Phương đã hiểu hết "cái lưới" của anh Phi Long chưa? — Cô nghe tiếng anh A-li-ô-sa...






“Tương tự như tập dữ liệu lưu trên ổ đĩa, một quá trình tính toán cũng được chia thành nhiều quá trình con có thể hoạt động độc lập với nhau. Có bảy cái máy tính cá nhân được nối mạng. Tùy theo mức độ đang sử dụng tài nguyên của mỗi máy, mà những quá trình con này sẽ được đẩy theo một cách hợp lý nhất đến các máy trong mạng. Phi Long, chỗ này... cái bảng FAT quản lý tập dữ liệu trên đĩa thì quản lý thông tin tĩnh, còn cái bảng quản lý tiến trình của anh A-li-ô-sa, nó khó hình dung hẳn hơn...” Cô đang tả lại "cái lưới" mới với anh, cùng ngồi trên sàn, hai tay trong hai tay, cảm giác quen thuộc mà cô rất thích.


— Em chỉ cần hiểu là mỗi quá trình con tùy vào trạng thái hoạt động đã được xác định sẽ phải tự đánh vài cái dấu vào bảng. Chưa đủ dấu tức là chưa xong. Chương trình quản lý sẽ nhận được phản hồi tức thời mỗi khi cái bảng có thay đổi. Và, chỗ này thuật toán phức tạp nhất, chính là chỗ em đang hỏi, nó phải dựa vào hệ thống đánh dấu để làm ngay những gì đã có thể làm ngay được rồi trong việc tính toán kết quả chung của quá trình. Mỗi quá trình này lại có thể là quá trình con của một quá trình khác, lại được quản lý tương tự như trên. Về lý thuyết, số tầng quá trình này không hạn chế, chỉ là càng nhiều, thì sẽ càng cần nhiều máy tính trong mạng. Hệ thống của mình ở đây thì có hai tầng như thế. Hiểu đến thế là được, chưa cần chi tiết hơn. Anh biết là em muốn... — Anh cười, ấp ấp tay cô chặt hơn — nhưng bây giờ cần phải hình dung tổng thể cái quán, xong rồi lúc nào có thời gian, mình sẽ ngồi vào đánh thử để nghe tiếng thật của cái dương cầm ở tầng một, thẳng chỗ mình ngồi trông xuống.


— ...


— Hỏi đúng chỗ khó thế là đã hiểu bản chất... — anh đã chuyển ngữ — anh nghĩ thế là được rồi. Chị A-nhi-a phải về bây giờ, sẽ đưa em về.


— Phi Long... — A-nhi-a đã đến ngồi bên cạnh, nhẹ nhàng chỉn chu lại mái tóc cho cô, thì cô bảo — hôm nay em ở đây...






— Phi Long, sao lại có chúng ta ở đây? — Cô nằm nghiêng bên phải, bàn tay phải để trong tay anh, anh đang ngồi bên cạnh.


— Những ngôi sao, em còn nhớ, có chúng nó là do mất cân bằng về khối lượng trong vũ trụ. Anh bây giờ nghĩ là con người, em với anh, cũng thế, do một trạng thái mất cân bằng nào đó ở trong một... môi trường vật chất nào đó.


— Vật chất nào?


— Có thể... một thứ gì đó, còn mịn hơn phân tử, nguyên tử... một loại sóng nào đó, còn mịn hơn hạt ánh sáng. Anh nghĩ là nó thế nào đó sẽ gần giống với suy nghĩ, tâm hồn... chưa có cách để nhìn thấy, sờ thấy, nhưng rõ ràng là tồn tại.


— Thế còn chết?


— Những ngôi sao nhỏ nhẹ hơn một lần rưỡi mặt trời...


— Nhẹ hơn một lần rưỡi là...


— Nhẹ hơn một mặt trời rưỡi, đến lúc cháy hết sẽ thành sao nấm lùn. Những ngôi sao lớn sẽ trở thành lỗ đen.


— Sao nấm lùn thế nào?


— Vài nghìn, bốn, năm nghìn ki-lô-mét bán kính. Tỷ trọng anh không nhớ chính xác, mà nặng kinh khủng, vật chất cô đặc, vài trăm tấn... một cục bằng bao diêm. Lạnh.


— Sao nào nhiều hơn?


— Vũ trụ to thế, người biết được tí, không thể thống kê. Nhưng anh nghĩ nấm lùn nhiều hơn.


— Sao thế?


— Anh nghĩ người chết cũng thế. Những người nhỏ, chết đi còn bộ xương "nấm lùn". Những người lớn, chết rồi nhưng vẫn tiếp tục thu hút tâm tưởng của những người khác. Em vẫn nghe "Xô-nát Ánh trăng", anh vẫn thích máy tính. Cha đẻ những cái này đều đã chết từ lâu. Anh thấy họ, sức hút đấy, giống như lỗ đen ở trong vũ trụ. Suy từ người ra thì nấm lùn nhiều hơn.


— Có ngày tận thế không?


— Mặt trời là ngôi sao. Nó cháy hết, thành nấm lùn, thì quả đất tận thế.


— Bao giờ cháy hết?


— Hình như bốn, năm nghìn triệu năm, anh không nhớ chính xác, nhưng còn rất lâu.


— Thế cân bằng là tốt, hay mất cân bằng là tốt?


— Anh không biết.


— ...


— Em gõ mười ngón tốt chưa?


— Rất tốt.


— Gieo hai súc sắc được hai át? Mấy?


— Một phần ba sáu.


— Rút hai át từ bộ bài đủ?


— Bốn phần năm hai, ba phần năm mốt, mười ba, mười bảy, một phần... hai trăm hai mốt.


— Sao... em tính nhanh được thế?..






Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (14)" đầy đủ:

http://www.mediafire.com/?aj0k9s7fjj9kmxu

http://www.megaupload.com/?d=4154C5DN


Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN":

http://philong58.blogspot.com/2010/08/lap-trinh-vien-2.html

Bóng ma (1)

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

BÓNG MA


Hà Nội.


Mùa thu.


Phố vắng.


Bên phố một hàng xà cừ lâu năm. Gốc xà cừ to quét vôi trắng, nhưng phải đã rất lâu không được quét lại, đến nỗi nếu ai không biết là những gốc cây ở đây thường được quét vôi trắng, vị tất đã nghĩ đấy là vôi trắng, — có thể là mốc, nấm, địa y.


Rồi đến vỉa hè rộng lát bê tông miếng vuông và rộng. Rồi đến hàng rào sắt mảnh mai sơn xanh lục, thấp ngang hông. Rồi đến vườn um tùm những cây nhỏ nhưng cao, để hở tường nhà, cửa sổ, vàng, be, nâu, thâm, lấp loáng, bên trong.


Bên kia phố, hình như cũng thế.


Mùa thu Hà Nội khác mùa thu châu Âu ở một điểm, giống với một điểm mà người Hà Nội khác người châu Âu.


Mùa thu châu Âu, trừ thông, lá cây vàng đồng loạt, rụng đồng loạt, trụi đồng loạt.


Người châu Âu đánh được đàn, vẽ được tranh, đục được tượng theo cách cả thế giới phải bắt chước. Người châu Âu làm được ô tô theo cách cả thế giới phải bắt chước. Người châu Âu bắn được tàu vũ trụ theo cách cả thế giới phải bắt chước.


Làm ô tô phải có nhà máy, tức là nhiều người. Bắn tàu vũ trụ phải có nhà máy to, tức là còn nhiều người hơn. Đánh đàn, vẽ tranh, đục tượng chỉ cần một người, nhưng người đấy phải học tập và làm việc giữa rất nhiều người cùng đánh đàn, vẽ tranh, đục tượng, — lúc đấy, và trước đấy nữa, trước lâu.


Người Hà Nội không làm được gì theo cách cả thế giới phải bắt chước.


Mùa thu Hà Nội, trên đầu xanh um như mùa hè, dưới chân vàng um như... thì đang đúng là mùa thu.


Đến cái lá mùa thu ở Hà Nội rụng xuống, cũng rụng theo kiểu manh mún.


Trời đã sinh như thế.


Còn Khổng lão nhị đã dạy như này: "Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo."


Quy luật trời sinh cho mỗi người, mỗi vật, gọi là tính. Thuận theo tính, gọi là đạo. Sửa sang đạo cho tốt, gọi là giáo.


Trời sinh ra cái lá thu Hà Nội rụng manh mún.


Trời sinh ra mùa thu Hà Nội đẹp biết bao là đẹp.


Là mâu thuẫn? Hay là đạo lý?


Có phải càng có vẻ mâu thuẫn, thì đạo lý sẽ càng sâu xa?


Đạo lý đấy, có thể con người Hà Nội còn chưa hiểu được.


Nên cố mà hiểu chăng?


Hay nên bắt chước châu Âu?


Nhưng lá thu ở đấy rõ ràng rụng theo kiểu khác.






Người đi trên hè phố.


Chỉ có mỗi một người. Phố vắng, nhưng trên phố không chỉ có một xe qua lại, còn trên vỉa hè, ở đây, đúng là chỉ có mỗi một người đang đi.


Người tầm thước, đậm, da ngăm ngăm, bước đi trầm ổn. Cặp mắt ít biểu cảm, cái nhìn cụ thể, như sờ thấy được, cách nhìn không đăm đăm, mà ném ra phát một, nhanh.


Phố không nhỏ, chọn vỉa hè vắng ngắt mà đi, nếu không phải là ở gần, đi gần, chắc phải đang có điều nghĩ ngợi.


Quả nhiên đang cần nghĩ ngợi. Trung tá Đại Lâm đang thả bộ trên vỉa hè, đi đến nhà nạn nhân.






Người đứng trên hè phố.


Chỉ có mỗi một người. Đúng là chỉ có mỗi một người đang đứng giữa hè phố.


Đứng giữa hè phố, tức là đứng chắn ngang đường trung tá Đại Lâm, cũng là đứng ngay giữa khoảng trống rộng trước cổng chính đóng im ỉm của một tòa nhà công. Vì là cổng vào nhà công, nên hàng xà cừ bị ngắt quãng, nên trên đầu không có lá. Người cao, thanh thanh, đứng thẳng băng; giày trắng, quần âu trắng, áo vét trắng; tóc đen, thả xõa, dài quá nửa lưng, — lưng xoay về hướng này.


Hai người còn cách nhau ba bước chân.


Rào... độp độp... rào rào...


Một chiếc ô rộng, trong suốt, vụt xuất hiện trên đầu người kia ngay trước lúc hạt mưa đầu tiên quất trúng nó. Mưa xối xả. Thu, mà mưa như hạ. Vả lại hầu như không có dấu hiệu báo trước.


Ô rộng, thừa đủ để che hai người.


Ở dưới ô có hai người.


Nhưng một sải ô thì ngắn hơn so với ba bước chân, nên hai người thì một người đã trúng phải mấy hạt mưa vào đầu, vào vai.


— Em lại biết anh sẽ đến đây?


— Người chết ở đằng kia, bằng vào thói quen của anh, em biết anh sẽ đỗ xe ở đầu phố, và đi bộ theo đường này. — Giọng trong trẻo, thanh thanh, giòn như tiếng cười, cất lên. — Chỉ là... — Cô gái ngẩng đầu nhìn trời qua làn ô trong suốt, thở dài... — vẫn sai ba bước chân.


Chiếc áo cô mặc nhìn từ phía sau giống áo vét thông thường, nhưng phía trước được may giống áo sĩ quan kỵ binh thời xưa, cổ dựng không bẻ, với những đường ghệt vàng óng diêm dúa chần liên tiếp theo chiều ngang dày dặn từ ngực trở xuống, chắc chỉ khác áo sĩ quan kỵ binh thật ở chỗ không có ngù vai tua rua. Áo không cài cúc.


Chiếc ô rộng, nên hai người cứ thong thả tiếp tục sóng đôi mà đi.


— Con ma ấy có tên không?


— Phạm Như Anh. Con gái. Cả. Mới chết.


— Anh đã có manh mối?


— Mấy phút trước, thì chưa.


— Còn mấy phút sau? — Từ đầu, cô giống như đứng chờ anh tới, là để đi tiếp luôn, bây giờ, lần đầu tiên, cô mới hơi ngoảnh mặt về phía anh, liếc nhìn anh qua hai mắt kính đen rộng, không có gọng viền quanh mắt kính.


— Đã có một manh mối, vả lại, còn là một manh mối chắc chắn.


— Chắc chắn? Manh mối nào?! — Giọng cô nghiêm túc hẳn, và ngạc nhiên.


— Là một cô gái. — Anh thong thả.


— Một cô gái?


— Cô ta cố tình chặn đường, với một cái ô. Cô ta tên Mai Phương!






Ông Phạm Long Dũng là một trong những người đột ngột giàu lên rất nhanh trên sàn chứng khoán.


Tuần trước, cô Phạm Như Anh thắt cổ tự tử...


(Còn nữa)

Đọc "Luận Ngữ" (4)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

論語

Luận Ngữ






里仁第四

Lý nhân đệ tứ

THỨ TƯ — LÝ NHÂN






『⒋1』子曰:“里仁为美。择不处仁,焉得知?”

Tử viết: "Lí nhân vi mĩ. Trạch bất xứ nhân, yền đắc tri?"


Khổng Tử nói: "Làng xóm có nhân tính là tốt đẹp. Chọn không phải chỗ có nhân tính, sao là hiểu biết được?"






『⒋2』子曰:“不仁者不可以久处约,不可以长处乐。仁者安仁,知者利仁。”

Tử viết: “Bất nhân giả bất khả dĩ cửu xử ước, bất khả dĩ trường xử lạc. Nhân giả an nhân, tri giả lợi nhân.”


Khổng Tử nói: "Người không có nhân tính không có khả năng ở lâu trong cảnh túng thiếu, không có khả năng ở lâu dài trong cảnh vui vẻ. Người có nhân tính làm yên nhân tính, người hiểu biết nâng cao nhân tính."






『⒋3』子曰:“唯仁者能好人,能恶人。”

Tử viết: “Duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân.”


Khổng Tử nói: "Chỉ có người có nhân tính mới có khả năng thích người, mới có khả năng ghét người."






『⒋4』子曰:“苟志於仁矣,无恶也。”

Tử viết: “Cẩu chí ư nhân hĩ, vô ác dã.”


Khổng Tử nói: "Nếu quả thực chú tâm vào nhân tính, thì không ác được."






『⒋5』子曰:“富与贵,是人之所欲也;不以其道得之,不处也。”贫与贱,是人之恶也;不以其道得之,不去也。君子去仁,恶乎成名?君子无终食之间违仁,造次必於是,颠沛必於是。”

Tử viết: “Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã; bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã. Bần dữ tiện, thị nhân chi ố dã; bất dĩ kì đạo đắc chi, bất khứ dã. Quân tử khứ nhân, ô hồ thành danh? Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tạo thứ tất ư thị, điên phái tất ư thị.”


Khổng Tử nói: "Giàu cùng sang, thế thì người đều mong muốn vậy; không đúng đạo lý mà được, không ở vậy. Nghèo cùng hèn, thế thì người đều ghét vậy; không đúng đạo lý mà được, không bỏ vậy. Người quân tử mà bỏ mất nhân tính, làm sao xứng tên đây? Người quân tử trong bữa ăn cũng không lúc nào xa rời nhân tính, vội vã cũng phải như thế, khốn cùng cũng phải như thế."






『⒋6』子曰:“我未见好仁者,恶不仁者。好仁者,无以尚之;恶不仁者,其为仁矣,不使不仁者加乎其身。有能一日用其力於仁矣乎?我未见力不足者。蓋有之矣,我未之见也。”

Tử viết: “Ngã vị kiến hiếu nhân giả, ố bất nhân giả. Hiếu nhân giả, vô dĩ thượng chi; ố bất nhân giả, kì vi nhân hĩ, bất sử bất nhân giả gia hồ kì thân. Hữu năng nhất nhật dụng kì lực ư nhân hĩ hồ? Ngã vị kiến lực bất túc giả. Cái hữu chi hĩ, ngã vị chi kiến dã.”


Khổng Tử nói: "Ta chưa thấy người thích nhân tính, người ghét không nhân tính. Người thích nhân tính, thì không gì hơn rồi; người ghét không nhân tính, mà làm việc có nhân tính, thì không khiến người không có nhân tính vướng thêm vào mình. Có ai có khả năng cả ngày dùng sức làm việc có nhân tính không nhỉ? Ta chưa thấy người không đủ sức. Hoặc giả có, mà ta vẫn chưa gặp vậy."






『⒋7』子曰:“人之过也,各於其党。观过,斯知仁矣。”

Tử viết: “Nhân chi quá dã, các ư kì đảng. Quan quá, tư tri nhân hĩ.”


Khổng Tử nói: "Lỗi lầm của người vậy, đều theo từng loại. Xem xét lỗi lầm, thì biết nhân tính nhỉ."






『⒋8』子曰:“朝闻道,夕死可矣。”

Tử viết: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ.”


Khổng Tử nói: "Sáng nghe đạo lý, tối chết cũng được nhỉ."






『⒋9』子曰:“士志於道,而耻恶衣恶食者,未足与议也。”

Tử viết: “Sĩ chí ư đạo, nhi sỉ ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị dã.”


Khổng Tử nói: "Người trí thức chú tâm vào đạo lý, mà lại là người ngượng vì ăn uống tồi vì quần áo xấu, thì không đủ để cùng bàn chuyện hay dở vậy."






『⒋10』子曰:“君子之於天下也,无適也,无莫也,义之於比。”

Tử viết: “Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi ư tỉ.”


Khổng Tử nói: "Người quân tử ở trong thiên hạ, không nhất nhất phải làm gì vậy, không nhất nhất phải không làm gì vậy, lựa chọn theo lẽ phải."






『⒋11』子曰:“君子怀德,小人怀土;君子怀刑,小人怀惠。”

Tử viết: “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ; quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ.”


Khổng Tử nói: "Người quân tử lo nghĩ về điều tốt, kẻ tiểu nhân lo nghĩ về điền sản; người quân tử lo nghĩ về khuôn phép, kẻ tiểu nhân lo nghĩ về ơn huệ."






『⒋12』子曰:“放於利而行,多怨。”

Tử viết: “Phỏng ư lợi nhi hành, đa oán.”


Khổng Tử nói: "Theo cái có lợi mà làm, nhiều oán giận."






『⒋13』子曰:“能以礼让为国乎,何有?不能以礼让为国,如礼何?”

Tử viết: “Năng dĩ lễ nhượng vi quốc hồ, hà hữu? Bất năng dĩ lễ nhượng vi quốc, như lễ hà?”


Khổng Tử nói: "Có thể lấy sự tuân thủ phép tắc để trị nước không nhỉ, có không? Không thể lấy sự tuân thủ phép tắc để trị nước, thì làm lễ gì được?"






『⒋14』子曰:“不患无位,患所以立。不患莫己知,求为可知也。”

Tử viết: “Bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập. Bất hoạn mạc kỷ tri, cầu vi khả tri dã.”


Khổng Tử nói: "Chẳng lo không có vị trí, lo cái đáng để có vị trí. Chẳng lo không ai biết đến mình, mong làm cái có thể được biết đến vậy."






『⒋15』子曰:“参乎!吾道一以贯之。”曾子曰:“唯。”子出,门人问曰:“何谓也?”曾子曰:“夫子之道,忠恕而已矣。”

Tử viết: “Sâm hồ! Ngô đạo nhất dĩ quán chi.” Tăng tử viết: “Dụy.” Tử xuất, môn nhân vấn viết: “Hà vị dã?” Tăng tử viết: “Phu Tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ hĩ.”


Khổng Tử nói: "Anh Sâm à! Đường lối của ta có một bản chất xuyên suốt." Tăng Sâm nói: "Dạ." Khổng Tử ra, học trò hỏi rằng: "Là thế nào ạ?" Tăng Sâm nói: "Đường lối của thày, chỉ có dốc lòng làm bổn phận và rộng lượng mà thôi."






『⒋16』子曰:“君子喻於义,小人喻於利。”

Tử viết: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi.”


Khổng Tử nói: "Người quân tử dễ hiểu được lẽ phải, kẻ tiểu nhân dễ hiểu được cái có lợi."






『⒋17』子曰:“见贤思齐焉,见不贤而内自省也。”

Tử viết: “Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã.”


Khổng Tử nói: "Gặp người có đạo đức và có tài muốn noi gương làm sao, gặp người bất tài vô đạo đức bèn tự xem xét lại mình vậy."






『⒋18』子曰:“事父母几谏,谏志不从,又敬不违,劳而不怨。”

Tử viết: “Sự phụ mẫu ki gián, gián chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán.”


Khổng Tử nói: "Phụng dưỡng cha mẹ can gián nhỏ nhẹ, can gián mà không nghe theo, lại vẫn kính trọng không làm trái, khó nhọc mà không oán giận."






『⒋19』子曰:“父母在,不远游,游必有方。”

Tử viết: “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương.”


Khổng Tử nói: "Cha mẹ còn, không đi xa, nếu đi thì phải có nơi có chỗ."






『⒋20』子曰:“三年无改於父之道,可谓孝矣。”

Tử viết: “Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ.”


Khổng Tử nói: "Ba năm không thay đổi đường lối của cha, có thể gọi là có hiếu vậy."






『⒋21』子曰:“父母之年,不可不知也。一则以喜,一则以惧。”

Tử viết: “Phụ mẫu chi niên, bất khả bất tri dã. Nhất tắc dĩ hỉ, nhất tắc dĩ cụ.”


Khổng Tử nói: "Tuổi của cha mẹ, không thể không biết vậy. Một là để vui mừng, một là để lo sợ."






『⒋22』子曰:“古者言之不出,耻躬之不逮也。”

Tử viết: “Cổ giả ngôn chi bất xuất, sỉ cung chi bất đãi dã.”


Khổng Tử nói: "Người xưa lời không nói ra, ngượng mình không theo kịp vậy."






『⒋23』子曰:“以约失之者鲜矣。”

Tử viết: “Dĩ ước thất chi giả tiển hĩ.”


Khổng Tử nói: "Người biết tiết chế mà phạm lỗi ít lắm."






『⒋24』子曰:“君子欲讷於言而敏於行。”

Tử viết: “Quân tử dục nột ư ngôn nhi mẫn ư hành.”


Khổng Tử nói: "Người quân tử mong chậm chạp trong lời nói mà nhanh nhẹn trong việc làm."






『⒋25』子曰:“德不孤,必有邻。”

Tử viết: “Đức bất cô, tất hữu lân.”


Khổng Tử nói: "Cái tốt không đơn độc, thể nào cũng có những sự gần gũi."

Bùn đỏ

7 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Một văn thư hội tụ chữ ký của nhiều nguyên lãnh đạo cao cấp, chuyên gia kinh tế vừa được gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất đề nghị dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên. Quốc hội, một lần nữa được kêu gọi "thể hiện thái độ rõ ràng"

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/10/3BA21F73/



Toàn văn bức thư: http://vnexpress.net/Customize/Kien-nghi-khai-thac-boxit.PDF






BÙN ĐỎ LAN ĐẾN SÔNG ĐA-NUÝP

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/news/world-europe-11491412)




Bùn đỏ độc hại bị tràn từ một nhà máy công nghiệp ở Hung-ga-ri đã lan đến sông Đa-nuýp, những tuyên bố chính thức đã nói.


Theo những tuyên bố này, những cấp độ kiềm, đã giết chết tất cả cá trong một dòng sông bây giờ đã giảm đi nhiều, nhưng vẫn đang cần được giám sát.


Thủ tướng Vích-to Ô-ban đã gọi việc tràn bùn đỏ là một "thảm kịch về sinh thái". Có những sự lo ngại là bùn, đã vỡ tung ra khỏi bể chứa vào ngày thứ Hai, có thể đầu độc sông Đa-nuýp.


Những đất nước ở xuôi dòng từ Hung-ga-ri, bao gồm Cờ-roát-chi-a, Xéc-bi-a và Ru-ma-ni, đang phải lập ngay các kế hoạch đối phó với tình trạng khẩn cấp.


Cả triệu thước khối bùn đỏ đã bị đổ ra từ bể chứa ở một nhà máy nhôm ở A-giờ-ca ở phía tây Hung-ga-ri. Bốn người đã chết và khoảng 100 bị thương.


Bùn đỏ cũng gây ra thiệt hại trên quy mô lớn cho những làng xã và những thị trấn ở gần đó, và một vùng đất canh tác rộng lớn.



Không phải là lời tuyên bố khắc phục được thảm họa


Phát ngôn viên của Disaster, Ti-bo Đốp-xơn, đã nói tất cả sự sống trên dòng sông Ma-rờ-can, dòng sông nuôi sông Đa-nuýp, đã "bị dập tắt".


Ních Thóp phóng viên BBC ở tây Hung-ga-ri đưa tin là việc bùn đỏ bây giờ đã tràn đến sông Đa-nuýp đang gây lo lắng.


Những bài đo kiểm định đã thực hiện đối với hai mối nguy hiểm tiềm tàng: một sự hòa tan vô cùng lớn chất kiềm và các kim loại nặng.


Các tuyên bố chính thức nói cả hai đều đang ở dưới các cấp độ độc hại cho con người, ở Đa-nuýp và sông nhánh của nó — sông Ra-ba.


Nhưng ngài Đốp-xơn đã nói việc này "hoàn toàn không có nghĩa là một lời tuyên bố khắc phục được thảm họa".


Cá chết đã được phát hiện trên cả hai dòng sông, ngài Đốp-xơn lưu ý.


Để bảo vệ hệ thống sinh thái, ông thêm, độ pH phải giảm được tới 8 từ mức mới đo là khoảng 9 ở hợp lưu sông Ra-ba và Đa-nuýp.


Những người có thẩm quyền đang phải rót xuống sông một hỗn hợp đất sét và a-xít để giảm độ kiềm.


"Nỗ lực chính bây giờ đang được tập trung trên sông Ra-ba và Đa-nuýp," ngài Đốp-xơn nói. "Đấy là cái cần phải được bảo vệ."


Phi-líp Oen-lơ, giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc tế về việc Bảo vệ sông Đa-nuýp, đã nói với BBC đấy là cái tốt nhất có thể hy vọng để làm cho sông Đa-nuýp loãng bớt bùn độc.


"Có một lượng nước khá lớn ở sông Đa-nuýp nên những tác dụng của việc làm loãng sẽ ít nhất là có nghĩa là ở đó sẽ không có những hậu quả ngay lập tức," ông nói.




Những ngôi làng bị bỏ đi


Chuyên gia môi trường học Pôn Giong-gơ ở Đại học Tổng hợp Newcastle nói những nơi tập trung kiềm cao sẽ gây tác động, nhưng không hiểm nghèo cho mọi người.


"Việc này không giống như một vụ tràn xy-a-nua lớn," ông nói với BBC.


Bùn đỏ chính là một hỗn hợp nguy hiểm của nước và quặng khai thác thừa có chứa các kim loại nặng.


Các nạn nhân được cho là đã bị chết đuối, với độ sâu của bùn tràn chuyển động nhanh ngập đến 2 mét ở nhiều chỗ, nhưng nhiều trong số họ đã bị hại vì những vết bỏng hóa học.


Vào ngày thứ Năm ngài Ô-ban đã đến thăm làng ở Kô-lôn-ta, khu định cư đã bị tác động xấu nhất, và nói rằng vài khu vực sẽ buộc phải bỏ đi.


"Hung-ga-ri đủ mạnh để có khả năng đọ sức với những ảnh hưởng của một thảm họa như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn cởi mở với các ý kiến về chuyên môn bất kỳ sẽ giúp chúng tôi đọ sức với những tác động gây ô nhiễm," ông nói thêm.


Những người dân làng giận dữ đã kéo đến trước văn phòng công ty ở Kô-lôn-ta vào chiều thứ Tư. Họ nói họ lập kế hoạch để kiện hãng vì những thiệt hại đã gây ra.


Hơ-uýt Xờ-trút-tơ, phát ngôn viên của Greenpeace International, đã mô tả việc tràn bùn như "một trong ba thảm họa lớn nhất về môi trường ở Châu Âu trong 20 hoặc 30 năm cuối".


Đất đai đã "bị ô nhiễm và bị hủy hoại trong một thời gian dài", ông nói với AP.


"Nếu có những chất như a-xen và thủy ngân, nó sẽ tác động đến các hệ thống sông ngòi và nước ngầm trên một nền tảng lâu dài," ông nói thêm.



MacBook Air - Đời mới!

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Steve Jobs:


"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một chiếc MacBook gặp gỡ một chiếc iPad?"


"Chúng tôi nghĩ đấy là tương lai của máy tính xách tay. Nó không hề giống bất kỳ thứ gì chúng tôi từng sáng tạo ra trước đây."


"Thật hứng thú cả về cái nó có, và cái nó không có. Không có ổ quang, và không có ổ cứng. Chúng tôi đã tiến tới thiết bị lưu trữ Flash, thiết bị lưu trữ hoàn toàn bán dẫn."


"Chúng tôi đã lấy mọi điều chúng tôi biết về các chức năng "của thiết bị nhỏ" từ iPods, iPads và iPhones và áp dụng nó vào Mac."




Thiết bị có một cấu trúc nhôm đồng nhất, với phiên bản màn hình rộng sẽ cân nặng 2.9pao (1.3kg) và với phiên bản màn hình nhỏ sẽ chỉ nặng 2.3pao (1kg). MacBook Air mới 13.3in nổi bật với bàn phím với đầy đủ kích thước và bàn di chuột kính đa chạm đầy đủ kích cỡ. Tại điểm dày nhất của nó, độ dày là 0.68in (1.7cm); tại điểm mỏng nhất, 0.11in (0.27cm).


Màn hình LED backlit 13.3in với độ phân giải 1,440 x 900 pích-xeo — lớn hơn MacBook Pro 15in — còn phiên bản 11.6in có màn hình 1,266 x 768 pích-xeo. Cả hai đều dùng bộ sử lý Core 2 Duo và đồ họa Nvidia Geforce.


Phiên bản nhỏ sẽ bắt đầu từ 999 đô với 64GB và 1.4GHz, tăng tới 1199 đô với 128GB. Phiên bản 13in, với 1.86GHz và 128GB, bắt đầu từ 1299 đô, và với 256GB sẽ có giá 1599 đô.

LẬP TRÌNH VIÊN (13)

3 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Không muốn bỏ học cũng vẫn phải bỏ học.


Nếu như vào năm chín tuổi mà bị điếc, thì đơn giản là sẽ không có trường nào cho học tiếp. Bây giờ cũng không, chứ đừng nói ở thế kỷ mười chín.


Nếu như mà đã biết sẵn một nghề gì đấy rồi, rồi mới bị điếc, thì còn có khả năng là có thể cố để mà làm tiếp được nghề đấy. Có những người đã làm như vậy. Nhìn thấy Giu-li-ét-ta gái mười bảy em xinh em đứng một mình cũng xinh, nhưng không thể nghe thấy em xinh nói gì, thay bằng "Xô-nát tiếng kêu" anh bèn viết "Xô-nát ánh trăng". Lại nhìn thấy Ê-li cũng trẻ đẹp mê hồn, nhưng lại không dám nói gì với nàng, vì nói mà không tự nghe thấy, thì lại mất tự tin, nhỡ nó khó nghe thì sao, anh bèn viết "Bức thư gửi Ê-li", cho chắc. Cả trăng và thư anh đều làm rất tốt. Không cần nghe. Hoàn toàn không cần nghe.


Nhưng mới chín tuổi, thì đã biết nghề quái gì?


Anh đành phải tự học. Tự học mà không có thày dạy, thì kiến thức bị lệch lạc là lẽ đương nhiên. Kiến thức tự học của anh, thì không phải là lệch thông thường, mà phải nói là hầu như tất cả các bậc học lệch ở trên đời đều phải gọi anh bằng cụ. Trong khi các bạn ở trường học về đất đai, đồi núi, sông ngòi gần gũi và thân thuộc xiết bao, thì anh loay hoay tìm hiểu về khoảng không ở ngoài trái đất. Trong khi các bạn trầm trồ náo nức với một chuyện hết sức tài tình là người đã tiến hóa từ khỉ, thì anh không biết tự đọc phải cái gì đó, bèn một lòng đinh ninh là phải có một sức mạnh trí tuệ chưa được biết đến nào đó ở ngoài kia, liên quan đến khát vọng của vũ trụ; và sự hoàn thiện, sự bất diệt của con người cũng phải ở đâu đó ở ngoài đấy.


May là khoảng hơn hai chục năm sau khi anh chết, có một anh khác đã bắt chước những thứ mà anh đã nghĩ ra, và loạng quạng thế nào, bay được vào vũ trụ thật. Anh bay là người ở đây, nên khoảng vài năm sau khi anh bay bay về, người ta đã dựng lên ở đây một đài kỷ niệm cao vút có hình một quả rốc két với nguyên cả một dải khói lửa dài thướt tha phụt ra ở đằng sau — vừa làm chân tượng luôn, — đang bay chếch chếch lên trời. Tượng của anh được đặt ngay bên dưới, — cách chân dải khói lửa một đoạn, về phía trước, theo hướng bay lên của quả rốc két, — ngồi đường bệ trên ghế, chân thấp chân cao, hai tay để lên đùi, tay xòe tay nắm, tóc bềnh bồng chất nghệ, râu quai nón hùng tráng. Mọi người đều gọi anh là cha đẻ của ngành vũ trụ học.


"Tượng đài làm hơi ngu, có cả chó mà không có lập trình viên."


Chân dải khói lửa chỗ tiếp đất được làm dèn dẹt ở hai bên, mỗi bên đều có một dãy phù điêu to gấp hai gấp ba kích cỡ thông thường: có nhiều những hình người đang làm việc này việc kia với các loại máy móc. Hồi lần đầu đến đây chơi, Phi Long sau khi nghiêng ngó một lúc, đã phảy tay tuyên bố như vậy. A-li-ô-sa mặc dù đã đến đây nhiều lần, lúc đấy nghe bạn nói thế mới để ý xem kỹ. Đúng là có một con chó thật. Không có người gõ máy tính.


Hai anh chàng đang ngồi bệt ở trên đầu những bậc thang lên xuống, cách một quãng bên phía tay phải cha đẻ vũ trụ học. Ngồi đây nhìn xéo về phía đuôi dải khói lửa, thấy một cái vòng đu quay to bự nhô cao hẳn lên nền trời thành phố. Vòng đấy không như những vòng lìu tìu khác, nó có hẳn một cái tên riêng, nổi tiếng: "Bánh xe quan sát tổng quan".


— Liệu có gì sai không, Phi Long? — A-li-ô-sa nuốt miếng kem tướng, hỏi. Trong tay anh chàng còn một gói giấy bạc hình chữ nhật, có in những chữ đỏ đỏ, bóc dở. Kem bốn mươi tám xu trắng ngần, to đúng gần bằng viên gạch.


— Tính đi tính lại rồi, trừ phi là cách tính sai... chắc không thể ngu đến thế. — Phi Long vừa nói, vừa lắc lắc đầu, vừa bóc, cắn kem của mình.


— ...


— Đ... m... bảy cái PC cấu hình đỉnh nhất giờ, cướp đ'.. đâu ra?!


Suốt cả tuần vừa rồi, hai anh chàng đã hì hục bới đống tài liệu và xuộc cốt chương trình mà Phi Long đã mang ở Ki-ép về ra xem. Chỉ có mỗi một cái máy tính cá nhân, nên A-li-ô-sa chỉ thử được mấy đơn vị chương trình đơn lẻ, nhưng dựa theo lý thuyết, thiết kế hệ thống và phương pháp tính trình bày rất cụ thể chi tiết ở trong tài liệu, áp dụng lên mô hình tính của họ, thì có thể ước lượng được đòi hỏi cấu hình của hệ thống tính toán theo cách mà hai chàng đều trầm trồ là "trên cả tuyệt vời" ở trong tài liệu.


— Trong khi hai chú Mỹ hì hục làm máy bay, thì đại ca này hoàn toàn chả động tay đến bất kỳ một cái mô hình cụ thể nào. — Tự nhiên Phi Long kể lể, chả ăn nhập gì, tay chỉ chỉ cái tượng người ngồi ghế.


— ...


— Hay bỏ mẹ sang học cái gì mà... toàn lý thuyết thôi, A-li-ô-sa?


— Không có máy bay mày ngồi tàu cả tháng sang đây đi học nhá. Mà tàu thì cũng phải... mày đi bộ sang đây nhá! Hay là cưỡi lạc đà giống bọn buôn lụa? Vào vũ trụ làm đ'.. gì?


— ...


— Cái kia mày có bảo vệ đến tiến sĩ... lý thuyết, thì Mai Ph... — A-li-ô-sa lại vội vàng tự nói át đi — để từ từ rồi tính...


— Còn cửa đ'.. nào mà tính! — Phi Long đột ngột vung tay, tảng kem đang cắn dở bay vù đi. Anh chàng chả ngắm nghía gì, ném bừa. May mà cả tảng kem với giấy bạc bay lọt vào khoảng trống, ra bãi cỏ phía trước, không trúng hay là bay qua đầu mấy băng ghế tựa có người ngồi, cùng ở phía ấy.






— Tuần sau nữa là em ở nhà rồi, sẽ đến thăm hai bác ngay. — Phi Long kéo khóa ba lô, cẩn thận nhét cái thư vào.


— Phi Long này, chị vẫn thấy... sao đấy. Bỏ bằng như thế... — Chị Mai chắc còn định nói tiếp, nhưng nhìn thấy những biểu tình nào đó trên nét mặt Phi Long, lại thôi — Ừ, nói đi nói lại mãi rồi. Bố mẹ đã biết chưa?


— Ư ừ... — Phi Long lắc lắc đầu — em chưa thông báo. Nghĩ cách đã. — Anh cười nhăn nhó, khẽ thở dài, đứng dậy.


— Mấy cái địa chỉ với điện thoại chị đưa, ở viện toán, viện tin... em nhớ thử liên hệ xem.


— Vâng, thôi em đi đây.


Chị Mai làm nghiên cứu sinh ở trường to mang tên người đốt bình thủy tinh, sống ở ký túc xá luôn ở trong tòa nhà chính to cao của trường ở trên đồi cao. Hồi mới bị cúp giờ máy, Phi Long sang đây hỏi máy móc ở bên này xem có cách nào không, các anh chị ở đây cũng đã cố giúp, nhưng cuối cùng cũng chẳng ăn thua gì. Lâu đài khoa học, rốt cuộc thì cũng không có máy tính xịn; mà nếu có, chắc cũng chưa đến lượt sinh viên dùng để học; mà nếu đến, thì cũng chẳng đến lượt sinh viên trường khác. Chưa kể, ở đây mọi thứ được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Trong tòa nhà to này, thấy bảo còn chứa cả bí mật quốc gia. Các lối ra vào đều có công an mặc đầy đủ sắc phục canh gác, không giống như ở trường Phi Long.


"Chính ra cứ có công an, thì đã chả cháy..." Lên khỏi tàu điện ngầm, anh rẽ qua đường. Vườn cây mang tên nhà cách mạng. Mùa hè đang thong thả đi qua, trong vườn cây lá vẫn xanh tươi. Lá cây rì rào.


"Chiếc lá kia, vẫn còn xanh nguyên,

Xoay tròn trong điệu nhảy,

Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, và mình đang rơi về đâu?

Đã đến ngay cửa thiên đường,

Vẫn chưa hiểu là mình sắp chết:

Làm sao thế được? Đang vũ hội cơ mà?.."


"Nghĩ cách đã." Bố mẹ trước giờ vẫn luôn ủng hộ những việc anh làm. Nhưng ủng hộ và lo lắng vốn vẫn có thể đồng tồn tại, cái ngoài, cái trong, thế nào đấy, mà không có sự mâu thuẫn. Các vị sư phụ, đám đồng bạn... Đàn ông con trai, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Mai Phương, bản tính cô bé thật là cương cường, cứng cỏi, đương nhiên cô sẽ hiểu, sẽ thật thông cảm, thậm chí còn sẽ động viên anh, nhưng tiếc thật nếu chính vì anh mà cô sẽ phải dụng đến những tiềm chất ấy. Những thứ đấy, đã phải mang ra dùng, thì cũng gây tổn thương lắm... chuyện này ít nhiều anh cũng hiểu. A-nhi-a... "Ở đây sinh viên yêu nhau... nhẹ nhàng hơn." Như bây giờ, chào nhau sẽ "nhẹ nhàng hơn" thật. Nhưng chỉ là hình thức. Cái đấy chẳng cần phải dối, mà cũng chẳng tự dối được. Lúc nào anh chả nghĩ đến cô, nghe thấy cô nói, nhìn thấy cô cười. Chỉ cần máy bay cất cánh, anh biết cảm giác hụt hẫng nhất sẽ không liên quan nhiều đến chuyện thay đổi độ cao. Bây giờ anh hoàn toàn chả tin vào chuyện thời gian là liều thuốc gì này nọ có thể chữa lành mọi cái này cái kia. Mà ngay cả nếu nó giỏi thế, thật sự anh có muốn nó chữa cho không? Vê-rôn-na, Đim-ma... Phía trước, chếch về phía bên phải, đã là cà phê Xin-nhít-trờ-ca, anh cố tập trung vào việc sang đường, thật cẩn thận nhìn trước nhìn sau, để xua đi những ý nghĩ kia.


Những cái đấy càng nghĩ thì sẽ càng muốn đặt giả thiết "giá mà một mình", nhưng càng nghĩ thì sẽ càng cảm nhận thật rõ ràng là mình một mình quá, nhưng mà lại vẫn muốn "giá mà một mình"...


"Mùa thu ấy không buông tha cho bất cứ một ai.

Lá đổ, như là dông bão.

Và, như những vết dao cắt trên mặt đường nhựa — những vết thương chết,

Những vệt tro tàn sau buổi vũ hội, sau buổi vũ hội."


"A-nhi-a, em..." Những ngón tay anh sờ sờ một bên gò má cô. "Anh cũng thế." Cô hơi cúi đầu. Bày sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời... Lại sắp sang thu...






Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (13)" đầy đủ:

http://www.mediafire.com/?8f99xo3dxdhetur

http://www.megaupload.com/?d=C07ZAV68


Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN" (với những người chưa biết):

http://philong58.blogspot.com/2010/08/lap-trinh-vien-2.html

A-rờ-bát (3)

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tôi bỏ học vẽ, và cũng không về trường đại học, còn cô thỉnh thoảng vẫn đến trường cô học. Cô dọn đến ở chỗ tôi (không biết vị giáo sư ở đại lộ Pờ-re-trít-ten-xki có biết hay không), chúng tôi sống chung, cùng nhau đi phòng tranh, đi triển lãm, đi nghe hòa nhạc và cùng đến những chỗ quán xá hội họp linh đình.


Đến tháng Năm tôi chuyển nhà, — theo ý muốn của cô, — về ngoại ô thành phố, đến một nhà nghỉ cũ, không lớn, bằng gỗ hầu như mộc, và cô đi đến chỗ đấy với tôi, và trở về thành phố bằng các chuyến tàu điện ngoại ô cuối ngày, sau nửa đêm. Chuyện này quả thật trước giờ tôi chưa bao giờ nghĩ tới: ngoại ô, tuyệt đối vô công rồi nghề, nhà gỗ, vườn tược, như một thằng nông dân, và trong thời tiết như vậy.


Mưa suốt ngày đêm. Xung quanh là rừng thông; hiếm hoi, vẫn đang mưa, trên đầu chúng tôi mây vần vũ mới tản ra, để hở ra một ít khoảng trời xanh ngắt, rồi tiếng sấm ròn rã khua động, và, những tia nắng chói chang — chắc một phần vì hiếm nữa — xuyên qua nước mưa lấp lánh. Trong ánh nắng, nhìn thấy rõ hơi nước bốc lên từ những cây thông... Tất cả đều ướt sũng, trơn trượt, và phản chiếu... Cây trong vườn đều to, và trong khung cảnh thiên nhiên hiếp đáp như vậy, ở tôi lúc lúc bắt đầu xuất hiện cảm giác mình đang ở một túp lều trong rừng rậm; thậm chí đã có lúc tôi bất giác ngoảnh nhìn xung quanh, — vẫn chỉ có mỗi mình, không có sáu người nữa, nhưng mặc dầu vậy, tôi vẫn có cảm giác rất rõ, như sờ thấy được: mình lùn.


Nắng hiếm hoi, và lúc không có nắng thì những mặt nước vũng, nước ao trở thành những tấm gương đen, nhem nhuốc, loang lổ bèo tấm. Căn nhà gỗ mộc có phần chái nhà còn đang làm dở chưa xong. Đổ nát. Thậm chí đã có cả nấm mọc lên từ đôi giày cao cổ ướt át tôi vứt dưới gầm giường.


Ngày không sáng sủa, nhưng đêm rất lâu tối. Đến gần nửa đêm trời vẫn còn nhập nhoạng. Vòm trời ở phía tây cứ tiếp tục mờ mờ, mờ mờ trên cánh rừng bất động và im lìm. Những đêm có trăng, ánh sáng mờ mờ này lẫn lộn với ánh trăng — cũng bất động, — tạo nên một không gian mê hoặc, sự tĩnh lặng ngự trị khắp nơi, không khí như ngưng đọng, trong trẻo, tinh khôi, và tất cả đều giống như đêm nay, ngày mai, và những ngày sau tiếp, sẽ không còn mưa nữa. Nhưng tiễn cô rồi, từ ga xe điện ngoại ô trở về, tôi chỉ vừa mơ màng thiếp đi, thì "ào ào..." — mưa giội xuống mái nhà, chớp nhấp nhoáng hắt vào, và sấm nổi lên, bắt đầu một đêm dài tăm tối, vùi dập, và mộng mị.


Trước hoàng hôn, cũng có những lúc trời ửng lên, nắng vàng mật ong — chắc cũng một phần tại hiếm — xiên qua rèm cửa sổ mỏng vào căn phòng nông dân ẩm thấp. Tôi ra ga. Tàu đến, tôi nhận ra cô trong đám đông trên sân ga, xách một túi là túi quần áo thời trang, nhưng đựng đồ ăn, hoa quả, và một chai rượu vang Ma-đê-ra.


Ánh nến lung linh, mắt nhìn thông vào mắt, — bữa tối luôn thật ấm áp. Trước chuyến tàu đêm trở về thành phố, nếu trời không mưa, chúng tôi thường đi dạo theo những lối đi — chỗ khô — bất chợt ngẫu hứng. Cô bước đi ngoan ngoãn, ngả đầu vào vai tôi. Những mặt nước đen ố, chái lều đổ nát, đôi ủng mọc nấm... bỗng rũ mình, sáng lên, long lanh, như trong cổ tích.


Vào tháng Sáu, tôi vay được một khoản kha khá, — tôi đã tiêu gần hết sạch tiền xin lần trước và còn lại từ các lần trước nữa, và chưa dám xin tiếp, nhưng như tôi, thì trước mắt, việc đi vay tiền cũng hầu như chưa gặp khó khăn gì cả, — và tôi chuyển về thành phố sống, ở một khu dân cư ở phía tây nam. Hồi còn bé tôi sống ở đấy; Pê-chi-a, — một thằng hàng xóm hiền lành, học dốt, học cùng tôi từ lớp một, chuyên chép lại y nguyên các bài làm về nhà của tôi (và những lúc có thể, thì cả bài làm ở lớp), và cũng là đệ tử của tôi trong các trò nghịch ngợm đàn đúm, — đã hỏi giúp tôi thuê một căn hộ đầy đủ, ở gần nhà nó, — cũng tức là gần nhà tôi cũ.


Pê-chi-a tóc đỏ, ngốc nghếch, tiếp tục béo; tôi chuyển nhà, chuyển trường, rồi đám phổ thông tan đàn, thì nó trở nên tương đối cô độc, ít nhiều rụt rè; không vào được đại học, nó đi đánh đàn ở nhà hàng, — nó học pi-a-nô từ bé, và bây giờ là một nhạc công nhà hàng không đến nỗi tồi. Tôi "tái xuất", đương nhiên nó mừng y như trẻ con.


Mấy đứa trai gái phổ thông ngày xưa gần như vẫn ở đấy cả, chúng tôi vui vẻ đàn đúm được vài hôm, thì cô chuyển đến sống hẳn với tôi. Bọn kia cũng về với giai — có đứa đã là với chồng, — gái chúng, về với những hội bây giờ của chúng. Chỉ có Pê-chi-a, — lúc đầu rụt rè, lác đác, rồi thấy tôi vẫn hoàn toàn "ruột" như xưa, — thì bắt đầu đến nhà tôi đều hơn. Đến mùa đông thì gần như trừ phi hôm nào phải chơi đàn quá muộn, không thì thể nào nó cũng qua nhà tôi, đến nỗi bây giờ hình như tôi còn quen với sự có mặt của nó hơn cả ngày xưa, thậm chí bắt đầu có cảm giác thiêu thiếu, nếu tối không thấy nó đến. Có lúc tôi chơi cờ — vừa chơi vừa chỉ vừa xui vừa trêu nó — với nó. Có lúc cô và nó chơi pi-a-nô bốn tay, tôi nằm ở đi văng đọc truyện chưởng, tự trầm trồ, xuýt xoa, và nếu làm cho hai đứa — nhất là nó — tò mò không chịu được, thì theo yêu cầu vật nài của chúng, tôi sẽ dịch lại — và bốc phét thêm — cho chúng nghe một đoạn; hoặc thỉnh thoảng tôi ưỡn ẹo lên giọng "bố đời" phê phán thứ nhạc chúng vừa chơi, — bây giờ mặc dù nó đã đi đánh đàn để kiếm sống, nhưng theo biểu hiện thì tôi thấy nó vẫn tuyệt đối ngại thằng trưởng nhóm "quạt chả" ngày xưa.


Trước lễ Giáng Sinh, tôi có việc phải về gặp người lớn nhà tôi. Tôi trở về khu tây nam thành phố lúc trăng đã lên. Không có ai ở nhà. Tôi hỏi, cụ Ka-chi-a bảo nhìn thấy cô mũ áo đầy đủ đi đâu từ khoảng sau bữa sáng. Tôi ngồi uống chè một mình với chiếc ấm xa-mô-va, khoảng tám giờ, tôi trèo lên đi văng nằm lơ mơ, có ý chờ, nghĩ là cô sắp về, — tôi đang có chuyện muốn bàn bạc ngay với cô.


Nhưng tôi ngủ quên, và lúc choàng tỉnh dậy đã gần mười giờ. Căn hộ vẫn trống không, tôi vội vàng mặc áo, đội mũ và chạy sang nhà Pê-chi-a.


Tuyết rơi trên trời, tuyết kêu cọt kẹt dưới chân, tôi đi theo lối đi tắt, mặt trăng thấp, sáng đùng đục yếu ớt, những thân cây, cành cây, mảnh mai, trơ trụi, nghêu ngoao...


— Pê-chi-a, Pê-chi-a! — Tôi vừa bấm chuông vừa gọi.


Nó gần như ra mở cửa ngay, trong nhà tối om, bố mẹ nó chắc đi ngủ sớm, tôi đã xuýt lôi nó ra ngoài, nhưng thấy nó ăn mặc phong phanh, tôi cắn răng, cố gắng để không nói gì ầm ĩ lên, thậm chí còn tự để ngón trỏ lên môi, xuỵt xuỵt, rồi vào ngay phòng khách, ngồi xuống đi văng, vẫn giữ nguyên bộ dạng "xuỵt xuỵt", vẫy vẫy tay, ý bảo nó lại gần.


— Ta-nhi-a không hiểu biến đâu mất. — Tôi thì thào trong hơi thở nhấp nhổm gấp gáp.


— Thế... ừ... tớ hiểu... — Nó ề à, chậm chạp.


— Hiểu?! Hiểu cái gì... — Tôi điên tiết, không thể quát lên được, nên gần như rít lên.


Và tôi chợt thấy sáng rõ!


Có ai đó vừa bật đèn. Tôi ngơ ngác.


Trong một khung cửa dẫn vào phòng khách, chân đất, — tức là chân đi tất mỏng trong suốt, màu xám, — áo váy nỉ ca-rô, một chiếc khăn san hờ hững trên vai: Ta-nhi-a.


— Ngoài phố... — cô khoát tay về phía sau lưng — ngoài phố A-rờ-bát bảo anh Đào đánh lộn rất giỏi. Nếu định đánh, thì đánh em, đừng đánh anh ấy.


Tôi á khẩu, cô ngồi xuống ghế xa lông đối diện với tôi, tôi máy móc và ngơ ngác cứ nhìn lần lượt theo thứ tự: tất mỏng trong suốt, hai đầu gối thon thả, váy nỉ ca-rô...


— Đều rõ ràng cả rồi, đúng không? — Chắc cô vẫn nói như mọi khi cô vẫn nói, như ngay từ đầu cô vẫn nói, nhưng tôi nghe từng từ, từng từ, cứ như từng tiếng dao chặt xuống thớt.


— ...


— Cho em điếu pa-pi-rốt, anh yêu. — Cô quay về phía Pê-chi-a.


Mặt và tai nó đỏ dừ, nó gần như miễn cưỡng bước lại gần, chìa bao thuốc, rồi tay nó lóng cóng trong túi quần đông xuân cũ mặc ở nhà, — chắc tìm diêm; nó không nhìn tôi, cũng không nhìn Ta-nhi-a.


— Em... — Tôi bật ra một cách kỳ cục, kỳ cục hơn nữa là tôi biết tôi bật ra một cách kỳ cục, nhưng tôi như cái máy, vẫn bật ra tiếp, — em đã gọi anh... "anh Đào", rồi gọi... "anh yêu", mà vừa... mà anh... đang ngồi đây?


— Vâng. — Dao lại chặt xuống thớt.


Mùi khói pa-pi-rốt khét nặng phảng phất, âm thanh phảng phất có gì đó giống như sự ngạc nhiên, ngạc nhiên về tôi.


Tôi từ từ đứng dậy, hình như mắt tôi "loang lổ" thật, hình như những ngón tay cô hằn sâu xuống trên nệm thành ghế, và cô nuốt nước bọt, nhưng như tôi lúc ấy thì còn đánh được ai, cho dù là có muốn đi chăng nữa?


Điều duy nhất mà tôi còn có thể cố hết sức để bắt mình phải tập trung được ý nghĩ vào vào lúc ấy, là làm sao đi được ra đến cửa, mà không bị vấp vào một cái gì cả.


Поручик Голицын, а может вернемся?

Зачем нам, поручик, чужая земля?


Trung úy Ga-lít-xưn, hay là quay về đi?

Mình cần gì, trung úy, mặt đất của người khác?