GIRL
Ngôi nhà hai tầng quét vôi màu vàng đã cũ nằm trong một khu người ở đang tự phát triển với những lối đi qua lại lô mô chỗ thì có bê tông chỗ thì chỉ là lối đi bằng đất. Một cơn mưa rào vừa phải đã làm cho lối đi bằng đất đi ngang qua trước cửa ngôi nhà trở thành lối đi bằng đất ngoằn ngoèo qua trước cửa ngôi nhà men theo các vũng nước đọng.
Nếu như Bạch Tuyết bỗng nhiên trở thành nàng Bạch Tuyết lùn thì cảnh quan đấy phải nên thơ lắm. Bạch Tuyết sẽ thơ thẩn dạo chơi bên các đầm nước long lanh dưới ánh nắng mặt trời trong trẻo ló rạng hớn hở sau cơn mưa bất chợt... Bạch Tuyết sẽ xách hài vén váy chạy bằng chân không ở trên mặt đất âm ẩm vuốt ve và cất tiếng cười ròn rã nhí nhảnh làm mê say tâm hồn của các chú lùn...
Tiếc là vẫn chỉ có bảy chú tiều phu là bị lùn, còn Bạch Tuyết thì trước giờ vẫn luôn to cao. Cô đã thoáng nghĩ đến “Nàng Bạch Tuyết lùn và bảy chú to cao”, liếc nhìn cặp đùi dài của mình và tự bật cười khẽ lúc đứng nghiêng ngó trước khung cửa sơn chống gỉ màu nâu đã tróc lung tung và thò tay để bấm nút chuông. Có tiếng bính boong, tiếng gái còn bé lanh lảnh nói cái gì đó, rồi có một con bé mũm mĩm mặc chiếc váy màu thiên thanh có những đường viền bồng bồng xoăn xoăn đi chân không chạy tót ra ngoài thềm...
Có những người gặp đi gặp lại rồi mà vẫn bị quên, ngược lại, có những người chợt thoáng nhìn thấy, chợt thoáng nghe thấy, chợt thoáng quệt phải một lần xong rồi thì sẽ nhớ rất lâu. Cô đã thoáng nghĩ về đội tuyển Ý khi nghĩ đến nét đặc trưng nào đó mà các người sau thì có còn các người trước thì không. Cô bé con kia, mặc dù là gái còn bé, nhưng cặp mắt đen nhánh hớn hở trong leo lẻo của nó...
— Yến Lan!..
Con bé khẽ reo lên rồi lao ngoắt vào nhà.
Vén váy chạy bằng chân không ở trên mặt xi măng âm ẩm vuốt ve và cất tiếng cười ròn rã nhí nhảnh, con bé mặc chiếc váy xanh chạy nhún nhẩy ngang qua mảnh sân nhỏ, ngang qua chiếc ghế xích đu đặt cạnh bụi hoa giấy sẫm xanh còn lất phất những lá hoa màu hồng đang phai ở góc sân.
— Sao mà mãi mới đến?..
— ...
Tiếng kim loại lạch cạch, rồi cửa được mở ra, cô ủn chiếc xe máy vào trong sân, gạt chân chống vào bên cạnh chiếc ghế xích đu. Tiếng kim loại lạch cạch, rồi con bé chạy vượt lên, túm tay lôi kéo cô vào nhà; cô phải vít tay nó lại để còn kịp tháo những chiếc dép xinh xinh có gót cao cao ra khỏi những bàn chân xinh xinh có gót hồng hồng.
Phòng cũ nho nhỏ lát gạch men hai mươi hai mươi màu nâu. Sách vở, truyện tranh, bút chì, bút phớt, các loại bút khác... xanh đỏ lộn xộn la liệt mọi chỗ. Chiếc đàn oóc điện tử loại bán chuyên nghiệp trên giá chân chống chéo hình chữ “x” ở bên cạnh chiếc bàn học nhỏ cũng lộn xộn sách bút vở giữa khung cảnh ấy càng nổi chỏi lên như một người đàn ông mặc một bộ com lê ngay ngắn đứng chỉn chu ở giữa một đám tuổi tin nhi nhô xanh đỏ.
Cô ngồi ghé xuống dưới sàn, ở chỗ cạnh cái giường. Con bé váy xanh lôi từ xó chỗ chân bàn học ra một bình Cô-ca-cô-la to ở trên có úp một cái cốc nhựa mỏng trong suốt, bảo “Uống chung nhé?” xong rồi thì sà đến ngồi bên cạnh cô. Cô nhấp một ngụm nhỏ từ cái cốc nhựa con bé đưa. Con bé làm ực ực hai ngụm to, cười tươi hớn làm giãn những vụn Cô-ca lấp lánh dính vào cạnh bên trên viền môi trên, bảo: “Em làm xong hết cả rồi nhá, thật là tài giỏi!..”
Con bé bò lồm cồm bới tung lục lọi đám sách vở, truyện tranh bừa bộn ở trên sàn gạch men hai mươi hai mươi màu nâu một lúc, thì lôi ra được một quyển sách dày vừa vừa bìa mềm in màu đen, trắng, lục vàng, lộn xộn có nhiều các chữ nhỏ và có một chữ to: “The Beatles”.
Nhạc là bữa tiệc âm thanh. Chúng ta ăn nhạc bằng tai. Nhạc sĩ là người nghĩ ra món ăn. Ca sĩ, nhạc công, là đầu bếp. Còn chúng ta là những thực khách.
Khi có hai người cùng chén một món và cùng thốt lên “Ngon quá đi!” thì nói chung, hai người này đang nói về hai thứ khác nhau, — dù món ăn thì vẫn cùng là một. Thực chất, hai người cùng chén một món ở trên đang nói về hai cái “ngon” khác nhau.
Sở dĩ thế, thứ nhất, là tại hai người khác nhau thì có hai cái lưỡi khác nhau. Đã cùng là lưỡi người thì dĩ nhiên là hai lưỡi này giống nhau về tổng thể, mặc dù vậy nói chung thì chúng không giống nhau về chi tiết. Các bộ phận khác của người cũng như vậy — nhờ thế, chúng ta nói chung không ai giống ai, và cũng không có ai bị hoàn toàn giống trâu bò.
Thứ hai, là tại hai người khác nhau thì có hai cái hiểu biết khác nhau về cùng một món ăn. Sở dĩ thế, thứ nhất, là tại hai người khác nhau thì có hai cái não khác nhau — nhờ thế, chúng ta nói chung không ai giống ai, và cũng không có ai bị hoàn toàn giống trâu bò. Thứ hai, là tại hai người khác nhau thì có hai cái cấp độ tìm hiểu khác nhau về cùng một món ăn.
Hai người mà nói hai cái câu “Ngon quá đi!” mà không khác nhau nhiều thì dễ trở thành — hoặc đang là — tri kỷ, tri âm. Bởi vì có nhiều cái “thứ nhất”, “thứ hai” như bên trên, cho nên tri âm, tri kỷ nói chung là các thứ hiếm ở đời, chứ không ồ ạt, phiên phiến và bừa phứa như là gái và vợ.
Trà My váy màu thiên thanh có những đường viền bồng bồng xoăn xoăn đi học đàn oóc và đánh được vài bài. Sau đấy bắt đầu đánh được hơi nhiều bài bèn xin mẹ một bịch bột mì, một lọ mứt dâu, nửa cái bắp cải cả một hộp đường, rồi hì hục suốt buổi sáng chủ nhật tươi hồng mới rán được một đĩa bánh to, cả buổi trưa loay hoay lót giấy báo xếp bánh rán vào một cái giỏ mây có quai xinh xắn, đến đầu giờ chiều tỉ mỉ mặc lại váy màu thiên thanh có những đường viền bồng bồng xoăn xoăn, cẩn thận soi đi soi lại trước tủ gương, vừa ý rồi mới bảo bố chở đến nhà chị Yến Lan.
Chị Yến Lan thưởng thức chương trình hòa nhạc của Trà My trong một khoảng thời gian chừng nhai giập ba chiếc bánh rán to, chợt dùng hai bờ môi bóng mỡ hát lên một giai điệu ngắn, xong rồi bảo Trà My “Chơi thử chị nghe”. Trà My chơi ngay lần đầu thì bị lạc mất hai nốt, chơi lần thứ hai thì đúng y trang luôn. Cười tươi hớn, nhìn chị Yến Lan, chờ khen. Chỉ thấy chị hơi rướn lông mày — hàng mi đẹp lại càng cong vút, — những ngón tay nhỏ xinh cong cong bới bới chọn chọn chiếc bánh rán thứ tư, hỏi: “Đánh vo à?”
Từ hôm đấy thì Trà My mới có hình dung là những cái người mà vừa giỏi toán vừa có khiếu nhạc như là chị Yến Lan thì tai của họ khi nghe nhạc chúng nó cũng biết cách “phân tích hệ thống”, — đây là cụm từ Trà My học của bố, người mà vẫn hay kể lể với Trà My là ngoài việc loay hoay nghịch máy tính ra thì mình hoàn toàn chả biết làm cái gì khác nữa cả, rất là chán đời. Khi một bài hát hoặc một bài nhạc kêu lên thì đôi tai hồng hồng với những cái dái tai mũm mũm lông tơ mìn mịn của Trà My chỉ nghe thấy những âm thanh chủ yếu một cách nói chung, còn đôi tai cũng có những cái dái tai mũm mĩm của chị Yến Lan thì chỉ cần múa may hai cái khiên vàng nhỏ xinh lóng lánh đeo tòng teng lên như là đang bôn tẩu trên giang hồ thập diện mai phục là sẽ nghe thấy ngay là có những tiếng hát gì tiếng đàn gì đang kêu lên ở trong đấy, mỗi thứ kêu như thế nào, và những tiếng kêu ấy phối hợp với nhau ra sao.
Khoảng một tháng sau khi bắt đầu học theo nội công tâm pháp của chị Yến Lan thì Trà My còn hiểu thêm là một khi mà đã “phân tích hệ thống” được thì cũng sẽ bắt đầu biết cách “tích hợp hệ thống”, — cái này cũng là cụm từ bắt chước của cái người mà không biết làm gì trừ làm máy tính rất là chán đời ở trên. Cái giai điệu được hát lên bằng hai bờ môi bóng mỡ bây giờ cho dù là mới nghe lần đầu, thì cũng có thể biểu diễn như một giàn nhạc hùng tráng ở trên đàn oóc bán chuyên nghiệp ngay, không còn “Đánh vo à?” nữa.
Anh đã bảo “Ở với bố” hai lần liền lúc bố hỏi là anh muốn ở cùng với bố hay là cùng với mẹ, nhưng lúc nhìn qua cửa sổ thấy dáng mẹ thanh thanh trên lối đi vắt ngang qua mảnh sân nhỏ, thì anh bỗng gặp phải một cảm giác mà trước đây anh chưa bao giờ gặp. Không thể mà kìm được, anh đã khóc òa lên rồi lao ra mở tung cánh cửa rồi vừa đuổi theo vừa gọi mẹ. Bố cũng lao ra cánh cửa mở tung, nhưng không vừa khóc vừa đuổi theo vừa gọi mẹ mà sựng lại ở trong khung cửa — trông như một bức tranh. Dường như có cái gì đó đã chôn chân bố ngay tại đấy, anh thấy bố đứng vịn vào cánh cửa, nhìn hai mẹ con đi, — chắc là đến hết tầm nhìn.
Lúc đấy anh mới năm tuổi. Lần sau gặp lại bố, anh đã đeo hai mắt kính cận tròn xoe xoe và có râu quai nón mọc xồm xoàm, trông còn lớn hơn là bố trong bức tranh khung cửa ở trên.
Mẹ đưa anh về nhà cô Mimi, một ngôi nhà hai tầng có ống khói gạch và tường sần sùi được sơn một nửa bên trái màu xám còn nửa bên phải thì màu be. Cô Mimi mua cho anh rất nhiều những bộ truyện ngăn ngắn anh đọc rất nhanh hết ngay rồi lại đòi tiếp, còn chú Smith thì tối nào cũng cùng anh ngồi giải ô chữ. Một lần chú còn mua về cho anh một cây kèn ác-mô-ni-ca, mà lúc đấy anh hoàn toàn không biết thổi. Cô Mimi với chú Smith không có em bé.
Mẹ ngày nào cũng ghé qua thăm họ. Cho đến năm anh được mười một tuổi thì anh bắt đầu thường tự đi đến chỗ mẹ chơi. Nhà mẹ ở chỗ khác, cách đấy cũng hơi xa, mẹ có một em bé. Ở đấy, mẹ đã dạy anh đánh đàn ban-giô.
Mẹ có một cái quay đĩa. Những lúc mà em bé không quấy, mẹ thường lấy ra mấy cái đĩa hát cũ, ở trên bìa có ảnh một anh mái tóc lềnh bềnh rẽ đường ngôi bên phải và hai tóc mai quần ống loe. Anh này hay mặc áo kiểu cổ áo bên trong thì dựng cao lên, còn cổ áo bên ngoài thì phanh rộng ra. Anh đánh đàn ghi ta và hát rất hay, da anh trắng mà anh hát y như là da anh đen. Tên anh ở trên bìa đĩa hát in là Elvis Presley.
Anh lập ban nhạc đầu tiên năm mười bảy tuổi, mồ côi mẹ năm mười tám tuổi, tự viết hàng trăm bài ca, tự đàn hát nhiều, và là một trong số vài người được nhiều người thích nhất trong tất cả những người đàn hát ở trên thế giới, — cũng giống như anh Elvis Presley ở trên bìa mấy đĩa hát kia.
Lúc đấy ở trong một ngôi nhà hai tầng quét vôi màu vàng đã cũ nằm trong một khu người ở đang tự phát triển với những lối đi qua lại lô mô chỗ thì có bê tông chỗ thì chỉ là lối đi bằng đất, có một cô gái tay cầm một chiếc bi đỏ ngồi trên sàn gạch men hai mươi hai mươi màu nâu, lưng dựa vào một cái giường bừa bộn, thong thả giở từng trang đã được đánh dấu gấp chéo ở góc phía trên của một quyển sách dày vừa vừa bìa mềm in màu đen, trắng, lục vàng, lộn xộn có nhiều các chữ nhỏ và có một chữ to: “The Beatles”. Thi thoảng cô này lại dùng bi đỏ khẽ gạch xóa ghi thêm những ký hiệu F#m, Em... vào quyển sách.
Ngồi sà bên cạnh cô này là một cô khác nhỏ hẳn hơn, mũm hơn, mặc chiếc váy màu thiên thanh có những đường viền bồng bồng xoăn xoăn, mặc dù là gái còn bé, nhưng cặp mắt đen nhánh hớn hở trong leo lẻo của nó...
— Có tiến bộ!..
Cô lớn có vẻ đã kết thúc công việc thong thả, tuyên bố.
— Chỉ hiệu chỉnh một ít... Chơi thử bài này xem.
Cây đàn oóc điện tử loại bán chuyên nghiệp trên giá chân chống chéo hình chữ “x” ở bên cạnh chiếc bàn học nhỏ lộn xộn sách bút vở... xẹt xẹt hắng giọng mấy cái rồi bèn kêu lên một giai điệu nhè nhẹ dưới những ngón bấm mũm mĩm của cô gái bé mặc váy thiên thanh.
“Có ai đó chuẩn bị nghe câu chuyện của tôi, kể về một cô gái...”
Cô gái lớn khẽ hát theo.
Đây chính là một bài hát của anh.
Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),
Hôm nay chính là sinh nhật thứ 70 của anh.
Cảm ơn bác Đào, em đã tưởng chỉ có mình em nhớ.
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...