Tôi bỏ học vẽ, và cũng không về trường đại học, còn cô thỉnh thoảng vẫn đến trường cô học. Cô dọn đến ở chỗ tôi (không biết vị giáo sư ở đại lộ Pờ-re-trít-ten-xki có biết hay không), chúng tôi sống chung, cùng nhau đi phòng tranh, đi triển lãm, đi nghe hòa nhạc và cùng đến những chỗ quán xá hội họp linh đình.
Đến tháng Năm tôi chuyển nhà, — theo ý muốn của cô, — về ngoại ô thành phố, đến một nhà nghỉ cũ, không lớn, bằng gỗ hầu như mộc, và cô đi đến chỗ đấy với tôi, và trở về thành phố bằng các chuyến tàu điện ngoại ô cuối ngày, sau nửa đêm. Chuyện này quả thật trước giờ tôi chưa bao giờ nghĩ tới: ngoại ô, tuyệt đối vô công rồi nghề, nhà gỗ, vườn tược, như một thằng nông dân, và trong thời tiết như vậy.
Mưa suốt ngày đêm. Xung quanh là rừng thông; hiếm hoi, vẫn đang mưa, trên đầu chúng tôi mây vần vũ mới tản ra, để hở ra một ít khoảng trời xanh ngắt, rồi tiếng sấm ròn rã khua động, và, những tia nắng chói chang — chắc một phần vì hiếm nữa — xuyên qua nước mưa lấp lánh. Trong ánh nắng, nhìn thấy rõ hơi nước bốc lên từ những cây thông... Tất cả đều ướt sũng, trơn trượt, và phản chiếu... Cây trong vườn đều to, và trong khung cảnh thiên nhiên hiếp đáp như vậy, ở tôi lúc lúc bắt đầu xuất hiện cảm giác mình đang ở một túp lều trong rừng rậm; thậm chí đã có lúc tôi bất giác ngoảnh nhìn xung quanh, — vẫn chỉ có mỗi mình, không có sáu người nữa, nhưng mặc dầu vậy, tôi vẫn có cảm giác rất rõ, như sờ thấy được: mình lùn.
Nắng hiếm hoi, và lúc không có nắng thì những mặt nước vũng, nước ao trở thành những tấm gương đen, nhem nhuốc, loang lổ bèo tấm. Căn nhà gỗ mộc có phần chái nhà còn đang làm dở chưa xong. Đổ nát. Thậm chí đã có cả nấm mọc lên từ đôi giày cao cổ ướt át tôi vứt dưới gầm giường.
Ngày không sáng sủa, nhưng đêm rất lâu tối. Đến gần nửa đêm trời vẫn còn nhập nhoạng. Vòm trời ở phía tây cứ tiếp tục mờ mờ, mờ mờ trên cánh rừng bất động và im lìm. Những đêm có trăng, ánh sáng mờ mờ này lẫn lộn với ánh trăng — cũng bất động, — tạo nên một không gian mê hoặc, sự tĩnh lặng ngự trị khắp nơi, không khí như ngưng đọng, trong trẻo, tinh khôi, và tất cả đều giống như đêm nay, ngày mai, và những ngày sau tiếp, sẽ không còn mưa nữa. Nhưng tiễn cô rồi, từ ga xe điện ngoại ô trở về, tôi chỉ vừa mơ màng thiếp đi, thì "ào ào..." — mưa giội xuống mái nhà, chớp nhấp nhoáng hắt vào, và sấm nổi lên, bắt đầu một đêm dài tăm tối, vùi dập, và mộng mị.
Trước hoàng hôn, cũng có những lúc trời ửng lên, nắng vàng mật ong — chắc cũng một phần tại hiếm — xiên qua rèm cửa sổ mỏng vào căn phòng nông dân ẩm thấp. Tôi ra ga. Tàu đến, tôi nhận ra cô trong đám đông trên sân ga, xách một túi là túi quần áo thời trang, nhưng đựng đồ ăn, hoa quả, và một chai rượu vang Ma-đê-ra.
Ánh nến lung linh, mắt nhìn thông vào mắt, — bữa tối luôn thật ấm áp. Trước chuyến tàu đêm trở về thành phố, nếu trời không mưa, chúng tôi thường đi dạo theo những lối đi — chỗ khô — bất chợt ngẫu hứng. Cô bước đi ngoan ngoãn, ngả đầu vào vai tôi. Những mặt nước đen ố, chái lều đổ nát, đôi ủng mọc nấm... bỗng rũ mình, sáng lên, long lanh, như trong cổ tích.
Vào tháng Sáu, tôi vay được một khoản kha khá, — tôi đã tiêu gần hết sạch tiền xin lần trước và còn lại từ các lần trước nữa, và chưa dám xin tiếp, nhưng như tôi, thì trước mắt, việc đi vay tiền cũng hầu như chưa gặp khó khăn gì cả, — và tôi chuyển về thành phố sống, ở một khu dân cư ở phía tây nam. Hồi còn bé tôi sống ở đấy; Pê-chi-a, — một thằng hàng xóm hiền lành, học dốt, học cùng tôi từ lớp một, chuyên chép lại y nguyên các bài làm về nhà của tôi (và những lúc có thể, thì cả bài làm ở lớp), và cũng là đệ tử của tôi trong các trò nghịch ngợm đàn đúm, — đã hỏi giúp tôi thuê một căn hộ đầy đủ, ở gần nhà nó, — cũng tức là gần nhà tôi cũ.
Pê-chi-a tóc đỏ, ngốc nghếch, tiếp tục béo; tôi chuyển nhà, chuyển trường, rồi đám phổ thông tan đàn, thì nó trở nên tương đối cô độc, ít nhiều rụt rè; không vào được đại học, nó đi đánh đàn ở nhà hàng, — nó học pi-a-nô từ bé, và bây giờ là một nhạc công nhà hàng không đến nỗi tồi. Tôi "tái xuất", đương nhiên nó mừng y như trẻ con.
Mấy đứa trai gái phổ thông ngày xưa gần như vẫn ở đấy cả, chúng tôi vui vẻ đàn đúm được vài hôm, thì cô chuyển đến sống hẳn với tôi. Bọn kia cũng về với giai — có đứa đã là với chồng, — gái chúng, về với những hội bây giờ của chúng. Chỉ có Pê-chi-a, — lúc đầu rụt rè, lác đác, rồi thấy tôi vẫn hoàn toàn "ruột" như xưa, — thì bắt đầu đến nhà tôi đều hơn. Đến mùa đông thì gần như trừ phi hôm nào phải chơi đàn quá muộn, không thì thể nào nó cũng qua nhà tôi, đến nỗi bây giờ hình như tôi còn quen với sự có mặt của nó hơn cả ngày xưa, thậm chí bắt đầu có cảm giác thiêu thiếu, nếu tối không thấy nó đến. Có lúc tôi chơi cờ — vừa chơi vừa chỉ vừa xui vừa trêu nó — với nó. Có lúc cô và nó chơi pi-a-nô bốn tay, tôi nằm ở đi văng đọc truyện chưởng, tự trầm trồ, xuýt xoa, và nếu làm cho hai đứa — nhất là nó — tò mò không chịu được, thì theo yêu cầu vật nài của chúng, tôi sẽ dịch lại — và bốc phét thêm — cho chúng nghe một đoạn; hoặc thỉnh thoảng tôi ưỡn ẹo lên giọng "bố đời" phê phán thứ nhạc chúng vừa chơi, — bây giờ mặc dù nó đã đi đánh đàn để kiếm sống, nhưng theo biểu hiện thì tôi thấy nó vẫn tuyệt đối ngại thằng trưởng nhóm "quạt chả" ngày xưa.
Trước lễ Giáng Sinh, tôi có việc phải về gặp người lớn nhà tôi. Tôi trở về khu tây nam thành phố lúc trăng đã lên. Không có ai ở nhà. Tôi hỏi, cụ Ka-chi-a bảo nhìn thấy cô mũ áo đầy đủ đi đâu từ khoảng sau bữa sáng. Tôi ngồi uống chè một mình với chiếc ấm xa-mô-va, khoảng tám giờ, tôi trèo lên đi văng nằm lơ mơ, có ý chờ, nghĩ là cô sắp về, — tôi đang có chuyện muốn bàn bạc ngay với cô.
Nhưng tôi ngủ quên, và lúc choàng tỉnh dậy đã gần mười giờ. Căn hộ vẫn trống không, tôi vội vàng mặc áo, đội mũ và chạy sang nhà Pê-chi-a.
Tuyết rơi trên trời, tuyết kêu cọt kẹt dưới chân, tôi đi theo lối đi tắt, mặt trăng thấp, sáng đùng đục yếu ớt, những thân cây, cành cây, mảnh mai, trơ trụi, nghêu ngoao...
— Pê-chi-a, Pê-chi-a! — Tôi vừa bấm chuông vừa gọi.
Nó gần như ra mở cửa ngay, trong nhà tối om, bố mẹ nó chắc đi ngủ sớm, tôi đã xuýt lôi nó ra ngoài, nhưng thấy nó ăn mặc phong phanh, tôi cắn răng, cố gắng để không nói gì ầm ĩ lên, thậm chí còn tự để ngón trỏ lên môi, xuỵt xuỵt, rồi vào ngay phòng khách, ngồi xuống đi văng, vẫn giữ nguyên bộ dạng "xuỵt xuỵt", vẫy vẫy tay, ý bảo nó lại gần.
— Ta-nhi-a không hiểu biến đâu mất. — Tôi thì thào trong hơi thở nhấp nhổm gấp gáp.
— Thế... ừ... tớ hiểu... — Nó ề à, chậm chạp.
— Hiểu?! Hiểu cái gì... — Tôi điên tiết, không thể quát lên được, nên gần như rít lên.
Và tôi chợt thấy sáng rõ!
Có ai đó vừa bật đèn. Tôi ngơ ngác.
Trong một khung cửa dẫn vào phòng khách, chân đất, — tức là chân đi tất mỏng trong suốt, màu xám, — áo váy nỉ ca-rô, một chiếc khăn san hờ hững trên vai: Ta-nhi-a.
— Ngoài phố... — cô khoát tay về phía sau lưng — ngoài phố A-rờ-bát bảo anh Đào đánh lộn rất giỏi. Nếu định đánh, thì đánh em, đừng đánh anh ấy.
Tôi á khẩu, cô ngồi xuống ghế xa lông đối diện với tôi, tôi máy móc và ngơ ngác cứ nhìn lần lượt theo thứ tự: tất mỏng trong suốt, hai đầu gối thon thả, váy nỉ ca-rô...
— Đều rõ ràng cả rồi, đúng không? — Chắc cô vẫn nói như mọi khi cô vẫn nói, như ngay từ đầu cô vẫn nói, nhưng tôi nghe từng từ, từng từ, cứ như từng tiếng dao chặt xuống thớt.
— ...
— Cho em điếu pa-pi-rốt, anh yêu. — Cô quay về phía Pê-chi-a.
Mặt và tai nó đỏ dừ, nó gần như miễn cưỡng bước lại gần, chìa bao thuốc, rồi tay nó lóng cóng trong túi quần đông xuân cũ mặc ở nhà, — chắc tìm diêm; nó không nhìn tôi, cũng không nhìn Ta-nhi-a.
— Em... — Tôi bật ra một cách kỳ cục, kỳ cục hơn nữa là tôi biết tôi bật ra một cách kỳ cục, nhưng tôi như cái máy, vẫn bật ra tiếp, — em đã gọi anh... "anh Đào", rồi gọi... "anh yêu", mà vừa... mà anh... đang ngồi đây?
— Vâng. — Dao lại chặt xuống thớt.
Mùi khói pa-pi-rốt khét nặng phảng phất, âm thanh phảng phất có gì đó giống như sự ngạc nhiên, ngạc nhiên về tôi.
Tôi từ từ đứng dậy, hình như mắt tôi "loang lổ" thật, hình như những ngón tay cô hằn sâu xuống trên nệm thành ghế, và cô nuốt nước bọt, nhưng như tôi lúc ấy thì còn đánh được ai, cho dù là có muốn đi chăng nữa?
Điều duy nhất mà tôi còn có thể cố hết sức để bắt mình phải tập trung được ý nghĩ vào vào lúc ấy, là làm sao đi được ra đến cửa, mà không bị vấp vào một cái gì cả.
Поручик Голицын, а может вернемся?
Зачем нам, поручик, чужая земля?
Trung úy Ga-lít-xưn, hay là quay về đi?
Mình cần gì, trung úy, mặt đất của người khác?
Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...