Bóng ma (1)

BÓNG MA


Hà Nội.


Mùa thu.


Phố vắng.


Bên phố một hàng xà cừ lâu năm. Gốc xà cừ to quét vôi trắng, nhưng phải đã rất lâu không được quét lại, đến nỗi nếu ai không biết là những gốc cây ở đây thường được quét vôi trắng, vị tất đã nghĩ đấy là vôi trắng, — có thể là mốc, nấm, địa y.


Rồi đến vỉa hè rộng lát bê tông miếng vuông và rộng. Rồi đến hàng rào sắt mảnh mai sơn xanh lục, thấp ngang hông. Rồi đến vườn um tùm những cây nhỏ nhưng cao, để hở tường nhà, cửa sổ, vàng, be, nâu, thâm, lấp loáng, bên trong.


Bên kia phố, hình như cũng thế.


Mùa thu Hà Nội khác mùa thu châu Âu ở một điểm, giống với một điểm mà người Hà Nội khác người châu Âu.


Mùa thu châu Âu, trừ thông, lá cây vàng đồng loạt, rụng đồng loạt, trụi đồng loạt.


Người châu Âu đánh được đàn, vẽ được tranh, đục được tượng theo cách cả thế giới phải bắt chước. Người châu Âu làm được ô tô theo cách cả thế giới phải bắt chước. Người châu Âu bắn được tàu vũ trụ theo cách cả thế giới phải bắt chước.


Làm ô tô phải có nhà máy, tức là nhiều người. Bắn tàu vũ trụ phải có nhà máy to, tức là còn nhiều người hơn. Đánh đàn, vẽ tranh, đục tượng chỉ cần một người, nhưng người đấy phải học tập và làm việc giữa rất nhiều người cùng đánh đàn, vẽ tranh, đục tượng, — lúc đấy, và trước đấy nữa, trước lâu.


Người Hà Nội không làm được gì theo cách cả thế giới phải bắt chước.


Mùa thu Hà Nội, trên đầu xanh um như mùa hè, dưới chân vàng um như... thì đang đúng là mùa thu.


Đến cái lá mùa thu ở Hà Nội rụng xuống, cũng rụng theo kiểu manh mún.


Trời đã sinh như thế.


Còn Khổng lão nhị đã dạy như này: "Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo."


Quy luật trời sinh cho mỗi người, mỗi vật, gọi là tính. Thuận theo tính, gọi là đạo. Sửa sang đạo cho tốt, gọi là giáo.


Trời sinh ra cái lá thu Hà Nội rụng manh mún.


Trời sinh ra mùa thu Hà Nội đẹp biết bao là đẹp.


Là mâu thuẫn? Hay là đạo lý?


Có phải càng có vẻ mâu thuẫn, thì đạo lý sẽ càng sâu xa?


Đạo lý đấy, có thể con người Hà Nội còn chưa hiểu được.


Nên cố mà hiểu chăng?


Hay nên bắt chước châu Âu?


Nhưng lá thu ở đấy rõ ràng rụng theo kiểu khác.






Người đi trên hè phố.


Chỉ có mỗi một người. Phố vắng, nhưng trên phố không chỉ có một xe qua lại, còn trên vỉa hè, ở đây, đúng là chỉ có mỗi một người đang đi.


Người tầm thước, đậm, da ngăm ngăm, bước đi trầm ổn. Cặp mắt ít biểu cảm, cái nhìn cụ thể, như sờ thấy được, cách nhìn không đăm đăm, mà ném ra phát một, nhanh.


Phố không nhỏ, chọn vỉa hè vắng ngắt mà đi, nếu không phải là ở gần, đi gần, chắc phải đang có điều nghĩ ngợi.


Quả nhiên đang cần nghĩ ngợi. Trung tá Đại Lâm đang thả bộ trên vỉa hè, đi đến nhà nạn nhân.






Người đứng trên hè phố.


Chỉ có mỗi một người. Đúng là chỉ có mỗi một người đang đứng giữa hè phố.


Đứng giữa hè phố, tức là đứng chắn ngang đường trung tá Đại Lâm, cũng là đứng ngay giữa khoảng trống rộng trước cổng chính đóng im ỉm của một tòa nhà công. Vì là cổng vào nhà công, nên hàng xà cừ bị ngắt quãng, nên trên đầu không có lá. Người cao, thanh thanh, đứng thẳng băng; giày trắng, quần âu trắng, áo vét trắng; tóc đen, thả xõa, dài quá nửa lưng, — lưng xoay về hướng này.


Hai người còn cách nhau ba bước chân.


Rào... độp độp... rào rào...


Một chiếc ô rộng, trong suốt, vụt xuất hiện trên đầu người kia ngay trước lúc hạt mưa đầu tiên quất trúng nó. Mưa xối xả. Thu, mà mưa như hạ. Vả lại hầu như không có dấu hiệu báo trước.


Ô rộng, thừa đủ để che hai người.


Ở dưới ô có hai người.


Nhưng một sải ô thì ngắn hơn so với ba bước chân, nên hai người thì một người đã trúng phải mấy hạt mưa vào đầu, vào vai.


— Em lại biết anh sẽ đến đây?


— Người chết ở đằng kia, bằng vào thói quen của anh, em biết anh sẽ đỗ xe ở đầu phố, và đi bộ theo đường này. — Giọng trong trẻo, thanh thanh, giòn như tiếng cười, cất lên. — Chỉ là... — Cô gái ngẩng đầu nhìn trời qua làn ô trong suốt, thở dài... — vẫn sai ba bước chân.


Chiếc áo cô mặc nhìn từ phía sau giống áo vét thông thường, nhưng phía trước được may giống áo sĩ quan kỵ binh thời xưa, cổ dựng không bẻ, với những đường ghệt vàng óng diêm dúa chần liên tiếp theo chiều ngang dày dặn từ ngực trở xuống, chắc chỉ khác áo sĩ quan kỵ binh thật ở chỗ không có ngù vai tua rua. Áo không cài cúc.


Chiếc ô rộng, nên hai người cứ thong thả tiếp tục sóng đôi mà đi.


— Con ma ấy có tên không?


— Phạm Như Anh. Con gái. Cả. Mới chết.


— Anh đã có manh mối?


— Mấy phút trước, thì chưa.


— Còn mấy phút sau? — Từ đầu, cô giống như đứng chờ anh tới, là để đi tiếp luôn, bây giờ, lần đầu tiên, cô mới hơi ngoảnh mặt về phía anh, liếc nhìn anh qua hai mắt kính đen rộng, không có gọng viền quanh mắt kính.


— Đã có một manh mối, vả lại, còn là một manh mối chắc chắn.


— Chắc chắn? Manh mối nào?! — Giọng cô nghiêm túc hẳn, và ngạc nhiên.


— Là một cô gái. — Anh thong thả.


— Một cô gái?


— Cô ta cố tình chặn đường, với một cái ô. Cô ta tên Mai Phương!






Ông Phạm Long Dũng là một trong những người đột ngột giàu lên rất nhanh trên sàn chứng khoán.


Tuần trước, cô Phạm Như Anh thắt cổ tự tử...


(Còn nữa)

Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Nhật Linh bi bô...

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...