MỘT SỰ HỮU ÍCH CỦA TÌNH YÊU
(O. Henry)
Tủ sách của cu me():
Tiếng Việt: http://www.megaupload.com/?d=BNI6TKG4
Song ngữ Việt - Anh: http://www.megaupload.com/?d=TEPKSL11
Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.
Đó là tiền đề câu chuyện của chúng tôi. Qua truyện này, chúng ta sẽ rút ra được một kết luận từ tiền đề đó, đồng thời cũng chứng tỏ tiền đề đó không đúng. Đó là một điều mới mẻ về lô-gích và là một nghệ thuật kể chuyện có phần nào còn cổ hơn cả Vạn lý trường thành của Trung Quốc.
Giô Le-rơ-bi ra đời ở vùng đồng bằng có nhiều cây sồi cổ thụ thuộc miền Mít-đơn Oét, trong lòng rung động những xúc cảm hội họa. Hồi sáu tuổi, Giô vẽ một bức tranh về cái máy bơm của thành phố, có một công dân danh tiếng vội vã đi ngang qua. Sự nỗ lực này được đóng vào khung và treo ở tủ kính một hiệu thuốc, đứng bên cạnh bông lúa mì và một dãy số lẻ. Hai mươi tuổi, chàng rời quê hương lên Niu Yoóc, với một chiếc nơ thắt lỏng lẻo và một số tiền lưng buộc chặt hơn đôi chút.
Đi-li-ơ Cơ-ra-dơ quê ở một làng miền Nam, trồng rất nhiều thông. Nàng lướt đôi tay trong sáu khoảng tám trên phím đàn dương cầm một cách đầy hứa hẹn đến nỗi họ hàng thân thuộc cố góp nhặt đủ những đồng tiền mỏng đặt trong cái mũ mỏng của nàng để cho nàng lên miền Bắc theo nốt việc học đàn. Họ sẽ chẳng thấy nàng theo nốt được việc học hành, nhưng đó lại là câu chuyện của chúng ta.
Giô và Đi-li-ơ gặp nhau trong một xưởng vẽ, một số sinh viên nghệ thuật và âm nhạc thường họp nhau ở đó để tranh luận về cách vẽ phối hợp màu sáng vả tối, về Vácne [1], âm nhạc, tác phẩm của Rembrăng [2], tranh vẽ và Uôntoiphơn, giấy trang trí tường, Sôpanh và chè hương Ô long.
Giô và Đi-li-ơ yêu nhau — hay là người nọ yêu người kia, tuỳ các bạn, — và chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã lấy nhau, vì, xin hãy xem ở đoạn trên, khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.
Hai vợ chồng Le-rơ-bi bắt đầu công việc tề gia nội trợ trong một gian gác. Đó là một gian riêng biệt, trông na ná như một nốt la giáng chúc cái đuôi xuống phím đàn dương cầm. Họ sống rất hạnh phúc, vì họ đều có Nghệ thuật của mình và người này có người kia ở bên. Tôi khuyên chàng thanh niên giàu có hãy đem bán tất cả những thứ gì mình có để lấy tiền cho người nghèo, hãy làm một người gác cổng để được hưởng đặc quyền sống trong một gian nhà cùng với Nghệ thuật và với Đi-li-ơ của mình.
Những người sống trong một gian nhà như vậy nhất định sẽ xác nhận lời quả quyết của tôi rằng hạnh phúc của họ là hạnh phúc duy nhất thật sự. Nếu một căn nhà hạnh phúc thì không bao giờ quá chật hẹp, hãy hạ cái tủ áo nằm xuống thành một bàn bi-a, hãy để bệ lò sưởi trở thành một xuồng máy, bàn viết thành một buồng ngủ dự phòng, chậu rửa mặt thành đàn dương cầm loại dây thẳng đứng; hãy để bốn bức tường hoà hợp với nhau để bạn và Đi-li-ơ của bạn sống ở giữa. Nhưng nếu một căn nhà thuộc loại khác thì nó cần phải rộng lớn, bạn bước vào ở Cồng Vàng [4], treo mũ tại Hetơrớt [5], treo áo choàng ở Onót [6] và ra khỏi nhà ở Labrađo [7].
Giô đang học vẽ ông Medixtơ danh tiếng, chắc bạn cũng biết tiếng ông ta. Học phí cao, bài học nhẹ nhàng, những cái đó cùng với những điểm sáng nhất trên bức tranh đã nhẹ nhàng đưa ông Medixtơ tới đỉnh cao danh tiếng. Đi-li-ơ theo học ông Rôdơnxtốc, chắc bạn từng biết ông ta nổi danh là một người gây được bão táp trên những phím đàn dương cầm như thế nào rồi.
Chừng nào tiền nong vẫn còn, họ rất hạnh phúc. Tất cả... đều là như vậy — nhưng tôi không phải là người thích chỉ trích đâu. Mục đích của họ rất rõ ràng, đã được xác định, Giô phái sớm sáng tác được những bức tranh mà những ông già lịch sự, có bộ ria mép mỏng dính và những quyển sổ tay dày cộp sẽ cùng nhau bao vây xưởng vẽ của chàng để giành được đặc quyền mua tranh. Đi-li-ơ sẽ phải luyện tập cho thật quen thuộc với nàng âm nhạc, rồi có thể coi thường nàng âm nhạc để khi nhìn thấy những chỗ ngồi gần dàn nhạc và những lô không bán được vé thì Đi-li-ơ sẽ kêu đau cổ họng, ăn tôm hùm trong buồng ăn riêng ở nhà và từ chối việc bước lên sân khấu.
Nhưng tốt nhất, theo tôi, là cuộc sống gia đình trong một gian nhà nhỏ: những cuộc trò chuyện linh hoạt, thắm thiết sau một ngày làm việc, những bữa ăn ấm cúng và những bữa điểm tâm ngon lành, nhẹ nhàng; các cao vọng kế tiếp nhau, cao vọng này xen lẫn vào cao vọng khác, sự giúp đỡ lẫn nhau và cảm hứng tương đồng, và, xin bỏ qua sự vô nghệ thuật của tôi, những cái bánh xăng-đuých kẹp đầy pho-mát trộn ô-liu vào lúc mười một giờ khuya.
Nhưng sau một thời gian ngắn, con tàu nghệ thuật đi chậm lại. Đôi khi xảy ra như vậy, ngay cả khi người bẻ ghi nào đó chưa vẫy cờ ra hiệu ngừng. Mọi thứ đều đội nón ra đi mà không có cái gì bước về nhà cả, như những người tầm thường thường nói. Họ thiếu tiền trả học phí cho ông Medixtơ và ông [8] Rôdơnxtốc. Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó. Vì thế, Đi-li-ơ bảo rằng nàng phải đi dạy nhạc để giữ được tiếng bát đĩa vẫn vang lên trong nhà.
Nàng ra phố hai ba ngày cố tìm chỗ dạy nhạc. Một buổi tối, nàng mừng rỡ về nhà.
— Anh Giô thân yêu ơi, — nàng vui vẻ lên tiếng, — em đã có một học sinh rồi. Trời, những người đáng yêu nhất đời! Con gái viên tướng... tướng A.B. Pinhcơni... ở phố Bảy mươi mốt [9]. Một toà nhà tráng lệ vô cùng, anh Giô ạ... anh phải nhìn thấy cái cửa phía trước! Bidăngtin [10], em nghĩ rằng hẳn anh sẽ gọi như thế. Còn ở trong nhà nữa chứ! Trời, anh Giô ơi, em chưa từng bao giờ trông thấy một nơi nào như thế.
"Cô học trò của em tên là Clemơntin. Em đã mê cô bé quá đi rồi. Cô bé thật mảnh dẻ..., bao giờ cũng mặc đồ trắng, cử chỉ rất mực dịu dàng, hết sức giản dị! Mới chỉ mười tám tuổi. Em sẽ dạy ba buổi một tuần. Anh thử đoán xem, anh Giô! Mỗi buổi năm đô-la. Em không băn khoăn chút nào đâu, vì hễ có được hai ba em học trò nữa thì em lại tiếp tục học ông Rôdơnxtốc. Nào hãy xoá những nếp nhăn trên trán đi, anh thân yêu, chúng ta sẽ ăn một bữa thật tuyệt nhé.
— Em Đi-li-ơ, với em, thế là ổn đấy, — Giô vừa nói vừa dùng con dao ăn và cái thìa tấn công vào hộp đỗ, — nhưng còn anh. Em nghĩ là anh bằng lòng cho em đi chen vai thích cánh để kiếm tiền, trong lúc anh vẫn vui chơi quanh quẩn trong những miền nghệ thuật cao quý ư? Không bao giờ em ạ, anh thề trên đống xương của Benvenutô Xêlini [11]. Anh nghĩ rằng mình có thể đi bán báo hoặc làm công nhân rải đường dề kiếm lấy một hai đô-la.
Đi-li-ơ bước lại gần, đu vào cổ chồng:
— Anh Giô thân yêu, anh ngốc nghếch quá. Anh phải tiếp tục theo học. Không phải là em từ bỏ âm nhạc để đi làm việc khác đâu trong lúc dạy nhạc, em vẫn học. Em vẫn luôn luôn gần gũi âm nhạc của em. Với mười lăm đô-la một tuần, chúng ta có thề sống sung sướng như những nhà triệu phú. Anh không được nghĩ đến việc bỏ học ông Medixtơ.
— Được rồi, nhưng anh không muốn em phải đi dạy học. Đó không phải là nghệ thuật. Làm như thế, em thật tốt quá.
— Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là quá khó.
— Ông Medixtơ đã khen ngợi cái nền trời trong bức phác họa anh vẽ ở công viên. Và ông Tincơn đã đồng ý cho anh treo hai bức tranh tại tủ kính bày hàng của ông ta. Có thể anh sẽ bán được một bức, nếu may ra có một tên ngu ngốc sẵn tiền nào đó nhìn thấy những bức tranh đó.
— Em tin anh nhất định bán được tranh, — Đi-li-ơ dịu dàng nói. — Còn bây giờ thì chúng ta hãy cảm ơn viên tướng Pinhcơni và món thịt bê rán của ông ta.
Suốt cả tuần tiếp đó, hai vợ chồng Le-rơ-bi đều ăn điểm tâm sớm. Giô đang say sưa vẽ ở công viên Trung ương [12] những bức kí họa rất cần đến ánh mặt trời buổi sáng. Đi-li-ơ nấu nướng cho Giô ăn no nê trước khi chàng đi, khen ngợi và hôn chàng vào lúc bảy giờ. Nghệ thuật là một bà chủ gia đình thu phục được lòng người. Chàng phần nhiều về nhà vào lúc bảy giờ tối.
Cuối tuần, Đi-li-ơ hân hoan thắng lợi tung ba tờ năm đô-la lên giữa cái bàn kích thước 8 x 10 insơ trong căn phòng khách kích thước 8 x 10 bộ. Nàng nói, vẻ hơi mệt mỏi:
— Em mệt vì Clemơntin. Em sợ cô ta không tập luyện chuyên cần, dạy một đoạn nhạc, em phải bảo đi bảo lại nhiều lần. Cô ta bao giờ cũng mặc toàn đồ trắng, mặc như thế thì phải tẻ nhạt thôi. Nhưng tướng Pinhcơni là một ông già đáng quý nhất! Em muốn anh quen biết ông ta, anh Giô ạ. Thỉnh thoảng ông ta đến chỗ em và Clemơntin ở bên cạnh đàn pianô, — anh biết không, ông ấy góa vợ — và đứng ở đấy, tay vuốt chòm râu trắng xoá. Ông ta bao giờ cũng hỏi: “Những nốt móc đôi, móc ba tiến bộ đến đâu rồi?”
"Anh Giô ạ, em muốn anh nhìn thấy lớp ván lót ngoài mặt tường trong căn phòng khách đó. Và những cái rèm cửa Atrakhan [13] nữa chứ! Clemơntin húng hắng ho, rất ngộ nghĩnh. Em mong cô ta được khoẻ hơn vẻ bề ngoài của cô ta.
"Ồ, em đã thực sự quấn quýt cô ta rồi, cô ta rất dịu dàng, dòng dõi cao quý. Người anh của tướng Pinhcơni đã có lần làm đại sứ ở Bôlivia.
Còn Giô, với dáng điệu của Môngtê Crixtô, rút ra mấy tờ giấy bạc: một tờ mười đô-la, một tờ năm, một tờ hai và một tờ một đô-la, tất cả đều mới tinh. Chàng đặt bên cạnh món tiền của Đi-li-ơ, và báo tin:
— Bán được bức tranh màu nước vẽ cái đài kỉ niệm hình bút tháp cho một người ở thành phố Piơriơ rồi, em ạ!
— Anh đừng nói đùa với em, không phải ở Piơriơ.
— Đúng ở đấy mà. Anh ước gì em trông thấy ông ta, em Đi-li-ơ ạ. Một ông béo phệ, quàng một cái khăn len to tướng và có một cái tăm bằng lông nhím. Ông ta nhìn thấy bức tranh ở tủ kính của ông Tincơn. Thoạt tiên, ông ta tưởng là vẽ cái cối xay gió, nhưng dù sao ông ta cũng đã mua bức tranh. ông ta đặt một bức nữa... một bức tranh sơn dầu vẽ kho hàng Léccơuônnơ để mang theo về... Những giờ dạy nhạc! Ồ, anh nghĩ trong đó vẫn còn đôi chút Nghệ thuật.
Đi-li-ơ niềm nở nói:
— Em rất sung sướng thấy anh vẫn tiếp tục học. Anh nhất định thành công đấy, anh thân yêu ạ. Ba mươi ba đô-la. Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng ta có nhiều tiền như thế này. Tối nay, chúng ta sẽ ăn sò huyết.
Tối thứ bảy sau, Giô về nhà trước. Chàng trải mười tám đô-la lên trên mặt bàn trong phòng khách, rồi đi rửa những vết bẩn, tựa như thuốc vẽ màu sẫm, bám đầy tay.
Nửa giờ sau, Đi-li-ơ về, bàn tay phải của nàng quấn trong bó băng và vải xô, chẳng ra hình thù gì cả.
Sau câu chào hỏi thường lệ, Giô hỏi :
— Sao lại thế này, em Đi-li-ơ?
Đi-li-ơ cười, nhưng không vui lắm. Nàng giải thích:
— Sau buổi học, Clemơntin cứ năn nỉ mời em ăn bánh mì nướng, rưới bơ nóng. Một cô gái kì khôi thế đấy! Bánh mì nướng, rưới bơ nóng vào lúc năm giờ chiều. Tướng Pinhcơni cũng có mặt. Giá anh thấy ông ta tíu tít lấy đĩa ăn hâm nóng, anh Giô ạ, cứ như trong nhà không có một người đầy tớ nào ấy. Em biết Clemơntin không được khoẻ lắm, cô ta rất hay xúc động. Lúc rưới bơ, cô bé đánh đổ rất nhiều nước bơ sôi lên bàn tay và cổ tay em. Rát ghê lắm, anh Giô ạ. Clemơntin rất hối hận! Còn tướng Pinhcơni!... Anh Giô ạ, ông ta cuống lên. Ông ta lao xuống cầu thang, — người ta nói là người đốt lò hay người nào đó trong tầng hầm ấy ra hiệu thuốc mua dầu và các thứ để băng tay cho em. Bây giờ thì không rát lắm dâu.
— Thế cái này là cái gì? — Giô hỏi, dịu dàng cầm bàn tay Đi-li-ơ và kéo mấy sợi vải màu trắng nằm dưới đám băng.
— Cái vải gì mềm mềm đã thấm dầu ấy mà. Ờ, anh Giô này, anh đã bán được bức tranh nữa đấy à? — Đi-li-ơ nhìn thấy món tiền trên bàn.
— Anh đã bán được ư? Chính cái ông ở thành phố Piơriơ. Hôm nay, ông ta lấy bức tranh vẽ kho hàng đã đặt trước ấy mà. Tuy không chắc chắn lắm, nhưng ông ta nghĩ là sẽ mua thêm một bức tranh vẽ cảnh công viên và một cảnh trên sông Hắtxơn [14]. Chiều nay, em bị bỏng tay vào lúc mấy giờ, em Đili [15] nhỉ?
— Lúc năm giờ, — Đi-li-ơ ta thán — Cái bàn là... em định nói bơ nóng lấy ra khỏi lò vào khoảng giờ đó. Anh Giô ơi, anh nên gặp tướng Pinhcơni, khi...
— Em Đili, em hãy ngồi xuống đây một lát đã, — Giô nói, chàng dìu vợ ngồi xuống giường, rồi ngồi bên cạnh ôm lấy vai nàng, chàng hỏi, — Em đã làm gì trong hai tuần vừa rồi, em Đili?
Nàng giữ được can đảm một lát, khoé mắt tràn đầy tình yêu và sự bướng bỉnh, nàng lẩm nhẩm một hai câu mơ hồ về tướng Pinhcơni. Nhưng rồi nàng cúi đầu, sự thật trào ra theo dòng nước mắt.
— Em không có một em học trò nào cả, — nàng thú nhận. — Thấy anh phải bỏ học, em không thể nào chịu được. Em nhận việc là sơ-mi trong xưởng là rất to ở phố Hai mươi bốn ấy. Em nghĩ rằng việc sáng tạo ra tướng Pinhcơni và cô bé Clemơntin lả rất khéo, có phải không anh Giô? Chiều nay, một cô gái trong xưởng lỡ đặt chiếc bàn là nóng lên tay em. Suốt trên đường về nhà, em sáng tác ra câu chuyện bánh mì nướng, rưới bơ nóng. Anh không giận em chứ, anh Giô? Nếu em không tìm được việc làm, anh đã không thể bán được tranh cho cái ông ở thành phố Piơriơ.
— Ông ta không ở Piơriơ đâu, — Giô chậm rãi đáp.
— Ờ, ông ta ở đâu đến cũng chẳng hề gì. Anh thông minh quá, anh Giô… và… anh hôn em đi, anh Giô… làm sao mà anh lại đoán ra là em không dạy nhạc cho cô bé Clemơntin?
— Phải đến tối nay anh mới đoán được. Từ trước, anh không đoán ra, ngay cả lúc chiều nay lúc từ phòng máy, anh gửi thứ vải vụn và dầu này lên cho một cô ở tầng trên bị bàn là làm bỏng tay. Hai tuần vừa rồi, anh đốt lò ở chính cái xưởng giặt là đó.
— Thế ra anh không...
— Cái ông ở thành phố Piơriơ đã mua tranh và tướng Pinhcơni đều là hai tác phẩm của cùng một nghệ thuật... nhưng em không thể gọi đó là hội họa hoặc âm nhạc được đâu.
Giô và Đi-li-ơ cùng cười. Giô bắt đầu:
— Khi người ta yêu Nghệ thuật của mình thì không có việc gì tựa như là...
Nhưng Đi-li-ơ đặt tay lên môi Giô, ngăn chàng lại:
— Không. Chỉ cần: “Khi người ta yêu”.
Chú thích:
[1] Vácne (1813 — 1883): nhạc sĩ Đức.
[2] Rembrăng (1616 — 1669): hoạ sĩ Hà Lan danh tiếng.
[3] Sôpanh (1810 — 1849) : nhạc sĩ Ba Lan vĩ đại.
[4] Cổng Vàng: eo biển rộng hai dặm ở phía tây Caliphonia, nối vịnh Xan Phranxixcô với Thái Bình Dương.
[5] Hetơrớt: một hòn đảo ở phía bắc Carôlina nằm giữa eo biển Penlicơ và Thái Bình Dương.
[6] Onót: mũi đất ở phía nam Chilê, điểm cực nam của Nam Mỹ (vĩ tuyến 55o59 nam).
[7] Labrađo: bán đảo ở phía đông Canađa, nằm giữa vịnh Hắtxơn và Thái Bình Dương.
[8] Nguyên văn bằng tiếng Đức: Merr.
[9] Phố Bảy mươi mốt: trong khu Manhattan.
[10] Bidăngtin: thành phố thời xưa, nổi tiếng về kiến trúc lộng lẫy, tráng lệ.
[11] Benvenutô Xêlini (1500 — 1571): nhà điêu khắc và nhà kim hoàn Ý nổi tiếng.
[12] Công viên Trung ương: công viên rất lớn ở giữa khu Manhattan, khu trung tâm của thành phố Niu Yoóc.
[13] Atrakhan: một thành phố ở Nga, nổi tiếng về các loại rèm cửa.
[14] Môngtê Crixtô: nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Bá tước Môngtê Crixtô của Alêchxăng Đuyma.
[15] Hắtxơn: dòng sông ở đông bắc nước Mỹ, chảy qua Niu Yoóc, đổ ra Đại Tây Dương, dài 500 km.
[16] Đili: tên gọi thân mật thay cho Đi-li-ơ