Nhiều người, bạn bè, nhất là những người lớn tuổi hơn, từng bảo là tâm y không tĩnh. Y bảo nói như vậy, chẳng qua là mọi người không thật hiểu về “Tâm” thôi. Có người, thân, đưa sách cho y, — trong đấy ví tâm với nước, nước động thì đục thì khó nhìn rõ, nước tĩnh thì trong thì mọi thứ trở nên rõ ràng, — y ôn tồn giảm dần rất không đều:
— Đây là chuyện nghiêm túc, không phải chuyện đẽo gái, hiểu được tường minh thì giải thích thẳng vào, còn không giải thích được như thế, thì tức là đ’ hiểu; mà đã đ’ hiểu, thì tốt nhất là khoan nói! Sách vở bọn chã viết, ý tứ không phải lối, ú a ú ớ, toàn là để giấu dốt. Ví von, ẩn dụ, đ’ phải lúc nào, ở đâu cũng là hay! Nước nôi cái đ’ gì ở đây? Nước mưa, — mưa thời xưa, chưa có nhà máy ấy, — có trong không? Thế mưa thì tĩnh hay động? Nước muốn tĩnh thì phải có cái đựng! Tĩnh hay không là ở cái đựng, nước biết đ’ gì? Người ta đang đ’ hiểu được cái đựng, thì nước với chả nôi, cứ như hiểu rồi, lại còn viết thành sách nữa!..
— ...
— Nhìn Niu-tơn ấy. Đinh ninh là tĩnh rồi, nhìn cũng rõ rõ rồi, mới sắp xếp mọi thứ, quy luật, quan hệ với nhau, đâu vào đấy.
— ...
— Đến lúc Anh-xtanh nhìn vào, thế đ’ nào, bụp phát, thấy mọi thứ đều loạn cả lên, chả còn tĩnh đ’...
— ...
— Nhìn thêm một lúc nữa, ồ... hóa ra bọn náo động kia rốt cuộc đều dựa vào một cái tĩnh, bất biến. Chứng minh được rồi, có cái đựng thật rồi, bản chất rồi, thật là hoành tráng!
— ...
— Yên tâm, đại ca bèn kiếm thứ khác để chơi. Kiếm được thứ khác, chơi một hồi, thì thế đ’ nào, bụp phát nữa, hóa ra chả có cái đ’ gì là thật sự tĩnh với bất biến cả!
— ...
— “Chúa không chơi súc sắc!” — đấy là đại ca uất ức mà cảm thán, chứ không phải kết luận khoa học. Còn theo sở cứ khoa học chính thống cho đến giờ, Chúa vẫn là một tay thần bài!
Có thể ít ai cảm thấy thật sự tự tin khi nói đến thuyết tương đối, đến lượng tử; cũng có thể hơi ngại miệng lưỡi sắc sảo của Đào Phò; cũng có thể do không thích sự từ tốn giảm dần đều rất nhanh chóng trở thành phũ cảm của y; nên về sau càng ít người nói với nhau và nói với y về chuyện tâm tĩnh của y. Thì một số người, thân nữa, lại chuyển sang, có thể là bóng gió, nói với y về những chuyện tu nhân tích đức, về nhân quả, về duyên khởi... Những người ấy đều quý mến y, và có lẽ đều có một hình dung chung giống nhau là y sẽ còn rất đáng mến nếu có thể trở nên “đằm thắm” hơn. Dường như y cũng hiểu như vậy, nên chỉ thở dài: “Nói như vậy, chẳng qua là mọi người không thật hiểu về “Duyên” thôi. Cụ thể, với một vài người thật thân, thật lòng, cũng có lúc y giải thích:
— Không thể chỉ đơn giản là cứ làm ác thì cộng vào, làm thiện thì trừ đi, về mo được là thoát. Gái già ế, chả ma nào buồn rước, thì bảo là phải cắt tiền duyên; Điếm, thì bảo đang phải trả nợ kiếp trước. Kẻ ăn không hết, người lần không ra, đều cùng một nguyên nhân; thế là thế đ’ nào?! Nói đơn giản, như đi học, có đứa ngoan ngoãn chăm chỉ cần cù, — đúng là tích đức nhá, — thế mà vẫn dốt, đ’ thể nào thoát được lên đại học; có đứa tấp tểnh, đàn đúm, gái mú, không thật giỏi lắm — tất nhiên, — nhưng lại đỗ, đỗ chân chính. Thế là thế đ’ nào?
— ...
— Đấy, bản chất thực ra đ’ phải chuyện công quả, tích đức, cộng vào, trừ đi... — đơn giản thế, đến khỉ cũng hiểu được, chắc thành Đại Thánh hết! Cái bản chất quan trọng ở đây đ’ phải cộng vào, trừ đi.., mà là giác ngộ. Tất nhiên, có thể tích đức nhiều thì dễ đốn ngộ hơn, cũng như chăm chỉ cần cù thì kiến thức dễ lên, nhưng... cũng không hoàn toàn như thế. Hiểu được bài thì đỗ, còn có chăm chỉ cần cù ngoan ngoãn nữa, mà vẫn đ’ hiểu, thì vẫn sẽ tiếp tục trượt. Thày dạy thế nào chỉ biết gạo lại thế, may thì hiểu được bài dễ, chứ hiểu thế đ’ được bài khó? Muốn hiểu được bài thật khó, thì cái quan trọng đầu tiên không thể thiếu là phải rất băn khoăn về kiến thức đấy...
Nhiều người, bạn bè, cả những người gần gũi hơn một chút, hình như đều không hiểu y. Tôi cũng không nghĩ là mình hiểu được y, dù tôi luôn để ý tìm hiểu, và cái gì không hiểu thì tôi vẫn luôn thông cảm với những sự bất an ở y, và như vậy thì tất nhiên hoàn toàn chưa đủ để có thể đồng cảm. Nhưng tôi biết liên quan đến những chuyện này có một người thật sự đồng cảm với y, — đấy là Phi Long.
Chuyện này nghe như mâu thuẫn, — vì Phi Long, ít ra là với tôi, luôn gây nên một cảm nhận thuần trí, mặc dù con người y rất đơn giản và hòa đồng, — nhưng có lẽ khi tư duy đạt đến một mức độ khó, phức tạp và ít nhiều tinh tế nào đó, thì suy nghĩ và tình cảm ở đó chưa mấy tách rời nhau, chúng vẫn còn nhuần nhuyễn với nhau thế nào đó — chưa kịp phân ra, — cho nên chỉ cần cùng suy tư được ở chỗ đó, thì tự khắc sẽ có sự đồng cảm. Chắc thế.
Thông minh, có lẽ tự thân nó đã là một thứ tình cảm.
Nhưng dù đồng cảm, thì xác suất lớn là hai người họ đang quan tâm đến những khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Tôi thường vẫn nhận thấy như vậy. Ví dụ, Đào Phò có một khẩu súng xoáy nòng, và y luôn sử dụng đúng chức năng của nó: y từng bắn được vô khối vịt, giẽ giun, thậm chí cả khỉ... Phi Long cũng có một khẩu như vậy, — hình như cũ, và cổ hơn của Đào Phò, — nhưng mối quan tâm chính của y lại không phải vịt, giẽ giun, chưa nói khỉ. Y có một cái chương trình hết sức kỳ bí trên hệ thống máy tính ở nhà y, y dùng nó để tính ra một thời điểm, tại một chỗ, trong một năm; y gọi đấy là “Điểm Mù”, và rất tò mò, và chưa lý giải được, chỉ biết rằng mặc dù y là một tay thiện xạ, nhưng vào lúc “Điểm Mù” ấy, y luôn bắn trượt. Đào Phò thì nhếch mép cười: “Cóng chứ đ’ gì!” — Nhưng Phi Long lắc đầu, y tuyệt đối không nghĩ thế. Thái độ Đào Phò thì chơi chơi thế, nhưng tôi biết, y đang tìm cách mua “thiết bị” và ngấm ngầm tìm học “nghiệp vụ” lính bắn tỉa của quân đội, để chứng minh cái “chơi chơi” của y.
Họ cứ “tranh luận” với nhau như vậy... Còn tôi thì đã cài được cái chương trình của Phi Long lên máy ở nhà tôi và loay hoay tìm cách tính toán; còn nữa, lúc nào muốn, tôi luôn có thể trưng dụng cả hai thứ “bảo bối” của Đào Phò: khẩu xoáy nòng là một, và con chó Bin. Con Bin có nguồn gốc giống má với cái tên khá dài và đáng kính và khó nhớ và không biết có thật chính xác không — vì Đào Phò nói với tôi với một thái độ khuếch trương và hơi thiếu tự nhiên, — nhưng còn những nét “mặt vuông chữ điền”, “mõm ngắn”, “sườn nở như sườn dê”, “eo thon”... tóm lại liên quan đến một con chó “hết sức thông minh” và “vô cùng khỏe”, thì tôi thừa nhận là y nói đúng — vì đều trực quan.
Và lúc này chính là lúc tôi đang muốn. Rất muốn! — Ở chỗ tôi sắp đến công tác biệt phái, có khỉ ở trên núi chiều chiều vẫn xuống phá ruộng.
Và... hơn nữa...
Cái chương trình của Phi Long cài ở nhà tôi, đang tậm tịt nặng, chẳng hiểu thế quái nào, bụp phát, bỗng cho ra một “Điểm Mù” đúng ở chỗ đó!
(to be cont.)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...