MỘT BUỔI QUYÊN GÓP
Sách để cho vào tủ sách của me(): http://www.megaupload.com/?d=1PM0JRBE
hoặc: http://rapidshare.com/files/415389201/yen_lan_-_mot_buoi_quyen_gop.lcd
Tôi là một học sinh giỏi. Trường tôi học nằm ở ven thành phố. Có lần tôi lên mạng, và thấy có một người nói rằng cả nước tôi bây giờ là một cái làng to. Những người này theo như cách mà họ trao đổi với nhau ở trên mạng thì có vẻ họ đều được học hành rất tử tế, và đa phần đều đã có thời gian được học tập ở nước ngoài. Vậy là có nhiều người xúm vào "quay" anh ta, — người đã nói đến "cái làng to". Anh ta liền viết một bài — gọi là bài luận chắc cũng không sai — dài, có chỗ gạch đầu dòng, chỗ đánh số hẳn hoi, phân tích và kết luận là nước tôi bây giờ, chỉ còn một số không nhiều (và càng ngày càng ít đi) người sống ở bốn quận nội thành cũ ở Thủ đô, — một phần trong số họ là những người đã sống ở đấy nhiều đời và vẫn còn giữ được những nét "phố" cũ, một phần khác là những người trí thức nhập cư về sau và (vì thật sự là trí thức) đã lập tức tiếp thu và kế thừa được những nét tốt đẹp này, — có thể coi là người phố, còn tất cả chỗ còn lại đều là một lũ quê kệch.
"Thế làm thế nào phân biệt?" — Những người khác thắc mắc. Anh ta bảo: "Mắt chúng nó trong hơn!"
"Bác em cảm tính như gái!" — Những người khác cười, phản đối. Anh ta bảo: "Lịch duyệt tầm như em, chỉ thế là đủ. Còn nếu chã các bác muốn, thì đây!.."
Rồi anh ta thao thao bất tuyệt kể ra hàng loạt các thứ... tôi chỉ nhớ được mấy thứ mà tôi gần như đã nhớ ngay, là nhà họ — "chúng nó" — giữ được nền nếp, ông bà đúng là ông bà, bố mẹ đúng là bố mẹ, và con cái đúng là con cái; trong nhà họ có tủ sách với những loại sách "thật" (anh ta liệt kê ra một loạt, có người hỏi "Không có truyện tranh Nhật Bản à?", anh ta làm ngay điệu bộ cười lăn lộn, mấy lần liền), và thay vì dạy trẻ con "cá tính", "sáng tạo", "vượt lên chính mình"... thì họ dạy chúng đọc sách; họ đi nhẹ nói khẽ, tế nhị và tôn trọng môi trường, cảnh quan và những người xung quanh; — ví dụ, họ không hắt xì hơi thành tiếng kêu ầm lên ở những chỗ còn có những người khác; họ không vào quán nốc bia rồi mặt đỏ phừng phừng phanh ngực bốc mùi nồng nặc vừa xỉa răng vừa xông ra đường vừa đi vừa nói (điện thoại) oang oang; và họ (anh ta nhấn mạnh) nói một thứ Tiếng Việt sạch sẽ; — ví dụ, những thứ diễn ra theo trình tự thời gian, như một chương trình ca nhạc, đến lúc hết, họ sẽ nói là nó "kết thúc", là "đến đây là hết", chứ sẽ không nói là nó "khép lại"; nếu họ làm nhà báo, họ sẽ viết là "những người có nhiều khả năng sẽ được nhận giải thưởng Fields", chứ không viết là "những người có cơ giành giải Fields"; nếu làm quan chức, trong phát ngôn chính thức, họ sẽ nói "cơ hội lớn", chứ tuyệt đối không bao giờ nói "cơ hội hoành tráng".
Nếu theo lối nghĩ như vậy, thì cả cái thành phố mà trường tôi nằm bên cạnh cũng là một chỗ quê kệch.
Nhưng ngay cả nếu như vậy, thì trong quê cũng lại vẫn có quê. Ở đây, đối với những học sinh ở trong thành phố, và với nhiều người, — hầu như mọi người, — thì chúng tôi, những học sinh như tôi, là bọn nhà quê; mặc dù tôi luôn là một trong số những — có lúc là — học sinh giỏi nhất trường, và ở nhà tôi đã có một tủ sách nhỏ, có Nữ hoàng băng giá, Nàng tiên cá, Bạch Tuyết, Lọ Lem, Tấm Cám, Những cánh buồm đỏ, Trên sông truyền hịch, Ti-mua, Rô-bin-sơn, Nau-ti-lút, Ích-chi-an... — Tất cả sách trong tủ đều là tôi cố để dành tiền và tìm mua sách cũ. Bố tôi mất, mẹ tôi bán hàng quà ở chợ — cũng là chợ ven thành phố, và tôi còn có một cô em gái và một cậu em trai.
Khu trường chính của chúng tôi không có đủ phòng học cho tất cả các lớp, các khối, cho nên có những lớp, — thường là theo khối, — phải học ở những địa điểm rải rác khác. Khối tôi bây giờ đang học ở một dãy phòng, không biết trước đây từng là phòng gì, nhưng bây giờ được dùng làm lớp học, ở ngay trong sân, — nép ven hàng rào, — một nhà thờ lớn. Nhà thờ chắc đã ở đây từ rất lâu rồi, vì những cây nhãn được trồng ở đây đều là nhãn cổ thụ; sân nhà thờ được lát gạch vuông, đỏ, to bản, thành một khoảnh rộng bao quanh và đồng dạng với chu vi của tòa nhà thờ; rộng nữa ra bên ngoài khoảnh này thì để nguyên sân đất, đôi chỗ có những lối đi viền gạch, tỏa ra. Nhà thờ cao, cổ kính và uy nghiêm; những thân cây to, tán lá um tùm đan kết; nên ngay cả lúc hè về, dù trời nắng chang chang, ve sầu đã kêu ong ong còn bọ xít thì đái lung tung vô tổ chức từ trên các cành nhãn cao xuống, thì vào những giờ chơi, lúc chúng tôi ùa ra khắp mọi nơi chạy nhảy, hò hét, — bọn tôi hay chơi nhảy dây, bọn con trai thì đá bóng, hoặc leo trèo lên các bậc thềm, gờ tường (khắp nơi, miễn là không được trèo vào khu vực tượng Đức Mẹ, và không được ngồi trên những bậc thềm đá mát rượi, chổng đít vào cửa nhà thờ), để chơi sờ đầu nhau, — sân "trường" vẫn mát rười rượi.
Đúng vào một mùa nắng và mát rượi như thế, thì trường tôi chuẩn bị tổ chức hội diễn, và sân khấu nhỏ sẽ được bố trí ở dưới những tán lá nhãn sum sê ở đây. Cô Thủy, — cô giáo chủ nhiệm tôi, còn trẻ, chưa chồng, có khuôn mặt trái xoan hiền hiền, mái tóc cắt ngắn, bềnh bồng; hay mặc một chiếc áo sơ mi màu thiên thanh có cổ bẻ lá sen, — nhắc chúng tôi là hôm đấy trường cũng sẽ tổ chức một buổi quyên góp: quyên góp tiền "lợn đất", — ý nghĩa là chính, — để dùng vào quỹ khuyến học.
Buổi tối, ở nhà, ba chị em tôi đã có một cuộc họp trọng thể. Em gái tôi ở trường vẫn thuộc vào hàng hoa khôi, và là một trong những giọng hát chủ lực, nhưng lần này chúng tôi hào hứng hơn với một chuyện khác. Còn hơn hai tuần nữa, và chúng tôi ngồi bật bảng tính excel trên chiếc máy tính cũ, — được mua thanh lý ở cơ quan bố tôi từ dạo trước, mặc dù bật tắt cái gì cũng lâu, nhưng về căn bản thì vẫn có thể tính toán tốt, — và vừa bàn bạc, vừa lọc cọc cộng, trừ, thêm, bớt... thực ra là chỉ có bớt: bớt bữa ăn và đồ ăn, bỏ xem ti-vi và thống nhất giờ học chung để bớt tiền điện... tóm lại vì chúng tôi đều chưa đứa nào làm ra đồng nào, nên tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cố gắng duy trì một lối sống tối thiểu nhất trong hơn hai tuần sắp tới.
Giữa ba chị em tôi, tôi cảm thấy, đã còn có một sự "thi đua" ngấm ngầm. Và hình như ba chị em tôi, — cả (hay là nhất là) cậu em trai nhỏ của tôi, — còn đã vui vẻ sống được ở mức tối thiểu hơn nữa so với những gì chúng tôi đã dự tính. Đêm trước ngày hội diễn, cả ba chị em tôi đều trằn trọc thấp thỏm. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không có quần áo mới và đẹp để diện đến hội diễn; nhưng, không hiểu mẹ tôi đã dôi dư thêm ra ít hay nhiều, nhưng chúng tôi có tới 350 ngàn đồng để dành cho buổi quyên góp.
Ôi mẹ, dịu dàng âu yếm như con ngày ấu thơ...
Tiếng hát trong trẻo ngân lên, em gái tôi đã hát rất hay; nó hát xong, mọi người còn vỗ tay mãi. Còn em trai tôi, nó ngồi ở ngay hàng đầu, và nó là đứa đầu tiên bước đến chỗ bàn quyên góp; tay nó, theo một phản xạ tự nhiên của trẻ con, vẫn đưa lên giữ túi ngực, rồi chợt nhớ ra, nó nhoẻn cười lúng túng, rồi nó mới thò tay vào trong túi để lấy tiền ra. Gấp tiền của nó có hai tờ: một tờ 100 ngàn và một tờ 50 ngàn, — mẹ đã đổi cho chúng tôi tiền mới, và chẵn; tôi và cô em, mỗi đứa chỉ có một tờ.
Chúng tôi đã vừa đi vừa cười đùa, vừa hát vui vẻ trên suốt dọc đường về nhà. Mẹ đã chờ chúng tôi ở nhà với một mâm cơm "thịnh soạn". Chúng tôi quây quần, vui vẻ, sung sướng và hưng phấn, nhất là em gái tôi: nó cười nhiều, trêu chọc cậu em, pha trò nhiều hơn hẳn hàng ngày. Nó làm quản ca, và chúng tôi cùng hát bài "Xòe bàn tay đếm ngón tay, một anh béo...", vừa hát vừa làm các động tác diễn đạt phụ họa, có ai đó đến hỏi mẹ tôi, "Rằng là em bé rất ngoan...", các em tôi vẫn hát tiếp, còn tôi bỏ hững ở đấy, tôi nhìn thấy nét mặt mẹ lúc mẹ tôi ở ngoài cửa vào: môi mẹ vẫn cười, nhưng đôi mắt mẹ thì mở to nhìn ba chị em tôi với cái nhìn như bị ngưng lại, giống như cái nhìn ở trong một bức tranh vẽ phụ nữ nào đó mà tôi đã từng nhìn thấy.
Bàn tay mẹ tôi hơi run, những ngón tay lóng ngóng mở chiếc phong bì to...
Một tờ 50, ba tờ 100, và rất nhiều, rất nhiều tiền lẻ, tiền "lợn đất"...
Nhà trường đã dành tất cả số tiền quyên góp hôm ấy để tặng cho một gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Em gái tôi bật khóc tức tưởi và bỏ chạy ra ngoài... — nó vẫn luôn là đứa mau nước mắt nhất. Mẹ tôi nhìn tôi, môi mẹ khẽ động, hình như định nói gì, rồi lại thôi; rồi mẹ đứng lên đi tìm em gái tôi. Em trai tôi, nó còn bé quá, tôi sẽ không bao giờ hiểu được những gì đã diễn ra ở sau vầng trán trẻ con thơ ngây ấy, nhưng "năm ngón tay ngoan", cả hai cánh tay, và hai vai nó đều xuội xuống; rồi hai bàn tay nó nắm lại, nhỏ bé, lóng ngóng, thu vào lòng, nó ngơ ngác nhìn tôi...
Tôi làm gì được? Tôi nói gì được? Cổ họng tôi rất khô, và có cái gì đó cứ oằn lên ở trong lồng ngực. Tôi là học sinh giỏi môn văn, nhưng tôi biết tôi không thể diễn đạt được những gì trong tôi lúc này. Có lẽ còn vì tôi vẫn còn là một đứa trẻ con. Và trong suốt cả quãng đời trẻ con chưa được nhiều của tôi, tôi chưa bao giờ gặp phải một nỗi buồn xấu xí và thô tháp, mà chỉ cần nó vừa xuất hiện, thì mọi sức lực và tinh thần của tôi, hẫng một cái, bỗng mất đi đâu hết sạch, làm cho tôi cảm thấy ở sâu bên trong mình có những cái gì đó cứ nát ra, như thế.
Đã có 3 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),
Mong nhiều người được đọc truyện này. Cảm ơn bạn!
Và chiều nay trước lúc đến thăm anh,
Lan còn ngồi trên chiếc đi-văng xanh,
Đọc trang sách "Tình yêu cuộc sống".
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...