LẬP TRÌNH VIÊN (1)

Trích đoạn:


...


Và nó đang chăm chú đến một giọng hát nho nhỏ từ một khung cửa sổ tối ở tầng thứ sáu, tầng cao nhất của ngôi ký túc xá cũ. Giọng hát được đệm bằng đàn ghi ta, gảy bằng móng, khe khẽ, bài bản, nắn nót...


"Vòm trời trao đảo, những vì sao rơi như là tuyết rơi..."


Tiếng hát đã dứt, đàn ghi ta vẫn còn tiếp tục những nhịp đều đều, nhỏ dần, chuyển giữa những hợp âm cuối của đoạn điệp khúc... Hợp âm cuối cùng đang còn ngân nga chưa tắt hẳn, chợt có một hình thể thấp thoáng lao vọt ra từ khung cửa sổ đấy ở tầng thứ sáu, mất hút trong khoảng không tối om một vài giây, lọt vào vùng sáng của ngọn đèn đường, rồi xô mạnh xuống mặt đường nhựa ngay bên cạnh vỉa hè làm dội lên những âm thanh rợn rợn...


Từ khung cửa sổ có một giọng con gái thất thanh:


— Phi Long!..






...






Anh chàng sinh viên ngoại quốc gày đang ngồi bên cạnh giáo sư Đét-lam và trình bày bài thi của mình bằng một giọng nói rành mạch nhưng rất ngọng khẩu ngữ của một nước Á châu này chính là thuộc vào nhóm có điểm số sẵn — dù bản thân anh ta bây giờ cũng không biết. Anh chàng có gương mặt trắng xanh mệt mỏi, cặp mắt ngái ngủ trong sáng này là một con mọt học gạo, một thằng lười có xu hướng say mê và ỉ lại vào máy móc, mặc dầu vậy, là một anh chàng có tư chất trí thức tốt.


Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy ở một trường đại học lớn tầm cỡ quốc tế như trường này, giáo sư Đét-lam rất hiểu bản sắc của các sinh viên ngoại quốc. Những anh chàng và những cô nàng đến từ nước Ấn độ to, sinh viên mà trông chả khác gì giáo sư học giả, đạo mạo chăm chỉ ngăn nắp nhưng học lực hết cỡ cũng chỉ trung bình khá. Đám sinh viên Bun-ga-ri ồn ào bản năng chỉ cần thoát được khỏi kỳ thi với điểm số toàn trung bình đã ăn mừng đại thắng hò hát váng trời. Luôn nhiệt tình và sôi động là các sinh viên châu mỹ la tinh với học lực không đồng đều một cách có hệ thống, giỏi cũng thuộc loại giỏi nhất dốt cũng thuộc loại dốt nhất một cách đáng ngạc nhiên. Điềm đạm đến mức nết na, học không dốt nhưng lệch là những mái tóc đa phần hung với những cặp mắt đẹp như vẽ đến từ khu vực ban căng...


Còn đàn ong thợ Á châu có cùng xuất xứ với anh chàng này thì người người là siêng năng nhà nhà là học gạo. Sinh viên châu Á đúng là một vườn hoa gạo. Và anh chàng này cũng không là ngoại lệ.


Chuyện này không hề mâu thuẫn với việc ông đã đánh giá anh chàng là một thằng lười có xu hướng say mê và ỉ lại vào máy móc. Những sinh viên với tư chất như anh ta nói chung là những kẻ ham học bẩm sinh. Ở chúng có sự ham muốn tri thức. Chúng bị trở thành những con gạo sách là do nền nếp gia đình, xã hội và phương pháp giáo dục mà chúng đã được thụ hưởng. Ham học thì tốt, nhưng học gạo nhiều, một cách tự nhiên sẽ làm cho đầu óc chán ngán và mệt mỏi, và đến một mức nào đó thì sự học đấy sẽ hàm chứa nhiều phần nghĩa vụ hơn là ham mê. Mà một khi đã là một nghĩa vụ của đầu óc thì tâm lý chung là người ta sẽ ngại thực hiện và muốn ỷ lại vào những gì có thể giúp người ta đỡ phải động não.


Anh chàng với tư chất tốt này là một sản phẩm thuộc loại điển hình nhất theo đúng quy trình trên. May cho anh ta là loạng quạng thế nào lại đã trở thành sinh viên của trường này. Ông biết là khoảng thời gian dăm năm đối với hầu hết các bạn đồng xuất xứ với anh ta là hoàn toàn chả ăn thua gì với việc thay đổi chất “gạo” đã trở thành thuộc tính cố hữu của họ. Bọn họ sau khi từ biệt mái trường này lại sẽ trở về quê hương mình, ở đó họ một lần nữa rơi trở lại vào một môi trường gạo mang tính hệ thống, và đa phần trong số họ sẽ tiếp tục gạo cho đến hết đời.


Một cách thẳng thắn trên quan điểm khoa học mà nói thì việc học gạo đương nhiên là không phải là không có những ưu điểm nhất định của nó. Trong mọi quá trình nghiên cứu, luôn có những lúc rất cần đến những kỹ năng gạo. Và, đối với một số trường hợp như anh chàng này, chỉ cần sang đến giữa năm thứ hai, họ đã biết cách kết hợp những ưu điểm của “gạo” với những gì đang tiếp thu được ở môi trường mới ở đây, và họ sẽ trở thành những sinh viên mà cá nhân ông sẽ rất thích. Nói chung ông luôn thích những sự giỏi là kết quả của một quá trình tự tiếp thu, tự sửa đổi, tự định hướng lại, tự nâng cấp, hơn là sự giỏi thuần trong một điều kiện “thuần” phù hợp. Nhiều sự giỏi trong trường hợp sau, nếu ngay từ đầu, hoặc giữa chừng bị đặt vào một điều kiện không phù hợp khác, sẽ không còn giỏi nữa. Cũng rất không hay nữa là khi mà mọi thứ đều có vẻ rất ổn rất thuận lợi thì người ta ít khi đặt vấn đề thay đổi, vì vậy nhiều người giỏi “thuần” này thực ra còn có thể giỏi hẳn hơn ở những lĩnh vực, những vấn đề khác. Đơn giản là người ta không thử, không biết. Còn ở trường hợp đầu, họ sẽ luôn có thể giỏi, và với một xác suất lớn hẳn hơn, họ thường giỏi đúng vào cái mà họ thực sự giỏi nhất.


Tất nhiên, như môi trường ở đây, thì thời gian là đến giữa năm thứ hai, hay sẽ phải lâu hẳn hơn, là còn sẽ rất phụ thuộc vào một điều kiện ngoại cảnh quan trọng — chính là những thày giáo như ông.


Gương mặt thông thái của vị giáo sư già chợt thoáng như trẻ lại trong một nét cười mặc dù kín đáo nhưng rạng rỡ, khi cái nhìn của ông bỗng dừng lại ở bàn tay trái đang lúc thì đè lên mép tờ giấy bài thi, lúc thì gắng sức làm điệu bộ diễn đạt hòng trợ giúp cho giọng nói ngọng.


Anh chàng có bàn tay trắng xanh xao nho nhã, nhưng tất cả các đầu ngón tay trái, ngoại trừ ngón cái, đều bị tù hẳn lên vì có một lớp da đã bị thành chai tương đối dày và có màu hơi xanh xanh. “Ra là một anh chàng ghi-ta... có số có má” — ông nghĩ. Tay cựu pi-a-nô của sân khấu trường đại học năm nào bỗng như cảm thấy có giai điệu tươi vui vẳng bên trong lồng ngực mình:


“Khi chúng ta rời khỏi sân trường trong giai điệu ngân nga của điệu van-xơ không có tuổi...”


Vào thời của ông, những nhạc cụ điện tử còn chưa phổ dụng như bây giờ. Ghi-ta gỗ, pi-a-nô “gỗ”, và họ còn hay dùng ắc-coóc-đê-ông — loại nhạc cụ có thể tự kêu rất to. Hệ thống trang âm chủ yếu chỉ có thể và chỉ nhằm mục đích làm to âm lượng. Thiếu chút nữa ông đã phì cười vì hình dung ngộ nghĩnh tay cựu pi-a-nô vị giáo sư Đét-lam khả kính trong ánh đèn xanh đỏ nhấp nhoáng đang dậm dật xoay ngang xoay dọc trước một dàn ki-bót phím cao phím thấp phím trái phím phải thập diện mai phục như của các anh chàng “bàn phím” bây giờ.


Như anh chàng ghi-ta đang ngồi trước mặt ông đây, theo đánh giá của một bậc cựu “chuyên nghiệp” như ông, thì hắn chắc không thuộc vào số đông mê thích bập bùng ghi-ta sai dây và hò hát ồn ã sai tông. Loại này, theo những gì ông đã đọc trên tạp chí điện tử về những thiết bị trang âm mà bọn chúng bây giờ thường mê say tìm kiếm chắt bóp tiết kiệm tiền để tậu về cho được rồi hì hục mó máy cắm rút nối cái này với cái kia, thì kiểu gì mà ở phòng ký túc của nó chả có cái ghi-ta điện, cái loa nén con con, cục biến âm chúng thường gọi là “phơ”, có thể còn có thêm cả cái míc-xơ trộn âm loại rẻ tiền, hoặc là đi mượn...


Vậy là đã có một mùa đông. Trong mùa đông có nhiệt độ âm gần hai mươi, có rất nhiều tuyết, và có một ngôi trường cũ uy nghi và khả kính. Trong trường cũ uy nghi khả kính có một phòng học có lò sưởi nước nóng ấm áp, sáng đèn nê-ông vào giờ sáng tinh mơ. Trong phòng học có ba vị giáo sư và khoảng chục sinh viên đang cùng nhau triển khai một buổi thi vấn đáp. Trong buổi thi vấn đáp có một sinh viên mệt mỏi và ngái ngủ đang trả bài với một tâm trạng lo lắng và một giọng nói ngọng châu Á mặc dù rõ ràng nhưng ít nhiều lắp bắp. Ngồi ngay bên cạnh để sát hạch anh ta là một vị giáo sư khả kính trong bộ com-lê màu dạ sĩ quan sáng nhạt đang chăm chú quan sát thằng học trò của mình bằng một ánh mắt thông minh và hài hước. Anh học trò thì đang hết sức cố gắng để tập trung tinh thần vào bài thi, còn người thày giáo thì đang mải “phân tích đối tượng” và kết nối vài mối liên tưởng sinh động về thời sinh viên của chính mình. Hiện tại, học trò đã trình bày hết phần nội dung bài thi của mình và ngước cặp mắt mệt mỏi lo lắng nhìn thày.


— Được rồi, trường hợp của cậu... mọi thứ đều đã rõ. — Người thày bảo.


— Thưa thày,.. thày không... hỏi câu hỏi phụ..? — Học trò lo lắng.


— Tôi cho cậu điểm giỏi. — Người thày tủm tỉm.


Ông nhận thấy cả người anh chàng như chùng xuống. Tội nghiệp thằng bé, gồng mình suốt từ sáng tới giờ, ông nghĩ trong lúc ghi điểm vào quyển sổ điểm nho nhỏ có bìa cứng màu xanh da trời còn mới tinh của anh chàng, đây cũng là điểm thi đầu tiên trong quyển này, một khởi đầu tốt. Anh chàng lập cập nhận lại quyển sổ từ tay thày, vụng về trong một thái độ lúng túng chắc là muốn cảm ơn nhưng lại không biết có nên cảm ơn thày hay không vì đây là thi. Người thày nhìn anh ta: “Về ngủ đi!..”, anh chàng mới nhe răng cười quay bước ra cửa, ngoài đó đang có một đám những đầu tóc vàng, nâu, đen lẫn lộn lao nhao thò vào, anh chàng giơ bàn tay phải ngang vai, xòe rõ rộng năm ngón, rồi chụm lại, đập vào những bàn tay đang giơ lên của mấy thằng con trai, còn mấy đứa con gái thì thi nhau thò tay vò đầu anh ta, cả cái đám líu nhíu ấy tíu tít lên một chặp, rồi có một anh chàng cao gày với khuôn mặt khắc khổ có hàng ria con kiến nâu căng thẳng tiến vào. Thí sinh tiếp theo — Kốt-xchi-a.


...






Bản đầy đủ để ở trong tủ sách của me(): http://philong58.blogspot.com/2010/08/bat-au-download-chuong-trinh-me.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...