Cọc tiền mà xẹp xuống, thì chủ nhà băng cũng hát La Marseillaise ngay!
Khát khao vô địch mà dâng lên, thì hoa tuy líp cũng ăn tám thẻ vàng và một thẻ đỏ ngay!
Cái gì xẹp xuống, hay dâng lên, thì một người rất nghiêm túc cũng bông lơn ngay?
Cái gì dâng lên, hay xẹp xuống, thì một người rất bông lơn cũng nghiêm túc ngay?
Giữa những trạng thái này có ranh giới hay không? Nếu có, thì ranh giới đó sẽ được xác định bằng cách nào? Còn nếu không có, thì ở cái khoảng đó liệu sẽ là cái gì, có cấu trúc như thế nào? Cái “khoảng mờ” ấy liệu có gây hứng thú đặc biệt với những ai đó không?..
Đi trên bờ thích hơn, bơi dưới nước thích hơn, hay nhảy xuống thích hơn?
Không yêu ai thích hơn, đã thỏa thuận là chúng mình yêu nhau thích hơn, hay đong đẽo thích hơn?
Không tin ai thích hơn, đã xác định là đáng tin hoặc không đáng tin thích hơn, hay phó thác lòng tin thích hơn?
Anh Minh nói chuyện với tôi hôm trước, thì hôm sau đưa hết cho tôi cả tài liệu lẫn xuộc-cốt.
Tôi cũng tự viết nhiều cốt, và cũng đọc tương đối xuộc-cốt của những người khác viết; theo đánh giá của tôi thì xuộc-cốt này rất sáng sủa và tường minh — cá nhân tôi nói chung có thể đọc hiểu mà không cần com-men.
Nhưng lại có rất nhiều com-men!
Đâu đâu cũng thấy com-men. La liệt com-men. Chuyện đấy không lạ — tôi đã gặp không ít người viết như thế, và biết có nhiều người khuyên nhau nên viết như thế. Cá nhân tôi không viết như thế và không có hình dung rõ lắm viết như thế là nên hay không nên, vì tính chất công việc của tôi hơi khác, và tôi ít khi làm việc chung với nhiều người; còn nếu đánh giá bằng suy luận, thì theo tôi nếu các công thức được viết tốt, thì chúng chính là những thứ súc tích và dễ hiểu nhất.
Nhưng tôi lại rất thích những com-men này.
Chúng được viết bằng tiếng Việt — một kiểu tiếng Việt hơi giống với tiếng Việt của Đào Phò, — bằng tiếng Anh — ngữ pháp sai nhiều, nhất là mạo từ, — và bằng tiếng Nga — một thứ tiếng Nga chuẩn tắc, nhưng hơi cũ.
Và căn bản... chúng hay được viết dưới dạng thi ca...
“Chỗ này khai báo biến chung (global)
Vì chưng quá vội nên dùng tạm thôi...
Hạn chế sử dụng! Cấm chơi!
Hễ mà dùng đến — tức thời kiểm tra!”
“Vòng lặp này rất hiểm nguy:
Điều kiện của nó — rất vi trùng nhiều!”
“Dẫu cho tiến trình này dẫn đến dead lock, thủ tục này leak hết bộ nhớ, ta cũng cam lòng!”
“Gọi đệ qui (recursion) — sạch không kình ngạc!
Ngắt nội hàm — tan tác chim muông!”
“Никто не умножит, ничто не расходится” [1]
“Ta gọi em, hàm số cũ rêu phong, và từng tham số nghiêng nghiêng, dạt dào kỷ niệm...”
Lúc đầu tôi thấy hay hay, rồi tôi tò mò, rồi tôi chăm chú, rồi tôi hiểu là mình đang cảm nhận tương đối rõ, hay là đang rơi vào, một kiểu “khoảng mờ” khó xác định giữa bông lơn và nghiêm túc, giữa xuộc-cốt chương trình và một cái gì đó khác...
Nhưng xuộc-cốt — hay cái gì đó khác — thì dài lắm, hơn nữa tôi biết là “khoảng mờ” này đã tự xếp chỗ trong suy nghĩ của tôi, và tôi sẽ còn bị nó bắt phải tiếp tục nghĩ ngợi thật nghiêm túc về nó, nên tôi để xuộc-cốt đấy, và đọc kỹ lại cái này:
TẬP GIẤY A4 CỦA ANH MinhCQ
— Em, “tieu_ly_phiddao” là em phải không?
— Không, không phải.
— Thật không phải em?
— Thật mà, sao thế anh?
— Nó… nó biết hết về anh. Anh đã nghĩ mãi, chỉ có em mới biết được thế.
— Em biết một người nữa cũng biết được thế.
— Ai?
— Anh.
(Từ một câu chuyện tương đối dài.)
Khi tán gái xinh, nói chung chúng ta sẽ có cả hai cảm giác: háo hức và ngại. Vừa háo hức vừa ngại. Háo hức bởi vì gái xinh, và ngại cũng bởi vì gái xinh. Cảm giác của tôi lúc đó cũng hoàn toàn tương tự.
Lúc đó, mặc dù anh Bill Gates suốt ngày nhăn nhó: “Mọi người cứ đổ xô đi mua cổ phiếu Microsoft làm gì? Sao không mua phần mềm ấy?”, mọi người vẫn háo hức tấp nập rủ nhau lên sàn cùng nhau mua bán chứng khoán mê say, còn tôi cố gắng tập trung tinh thần để ngồi yên một chỗ và thiết kế một cơ chế bằng mã máy tính có khả năng tiếp thu kiến thức và sau đó sử dụng lại những kiến thức này trong việc suy luận. Được cái công việc này sau đó đã hóa ra là lại có một sự quyến rũ lớn một cách tự thân và sự thật là tôi đã không còn cần phải “cố gắng” để có thể tập trung vào nó nữa. Cái này lúc đầu tôi không biết phải gọi tên là gì, viết tắt thì dài quá, sau tôi bèn gọi là “Bộ Não”, tôi biết là gọi thế không đúng lắm, nhưng không tìm được phương án khả dĩ hơn.
Đại ca Thomas Edison (Sơn đại ca — xem ảnh anh ở dưới) trong một phút ngẫu hứng đã từng ân cần dặn dò:
“Cái không thể chẳng qua là cái mà 4c chưa có đủ kiến thức về nó.” [2]
Những kiến thức liên quan đến cái này đa phần còn mông lung và trong suốt một thời gian tương đối dài vẫn đang ở trong tình trạng dậm chân tại chỗ, ít có những phát triển đáng kể. Tức là còn nhiều “cái không thể” quá. Sau khi loay hoay tìm cách nhặt ra một ít, chỉnh sửa một ít, tự nghĩ ra một ít, cuối cùng tôi làm ra một “Bộ Não” trống không.
Tôi bèn gọi nó là “me()”
Sơn đại ca - “Cái không thể chẳng qua là cái mà 4c chưa có đủ kiến thức về nó.”
[1] “Никто не умножит, ничто не расходится” — "Không có ai nhân lên, không có gì phân tán (không hội tụ)" — ngữ điệu chắc là phỏng theo “Никто не забыт, ничто не забыто” (Không ai bị quên lãng, không gì bị lãng quên) của Ôn-ga Béc-gôn
[2] 4c — các cô các chú
(Còn nữa)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...