Nhiều người, bạn bè, ngạc nhiên về mối quan hệ “Nhật Linh — Đào Phò”; những người gần gũi hơn một chút thậm chí còn có cảm giác ít nhiều ái ngại; và tôi nghĩ tôi cũng sẽ thế, nếu tôi cũng là người, bạn bè, hoặc người gần gũi hơn một chút.
Em tóc xòa ngang trán
Bẻ hoa trước cổng chơi
Anh cưỡi ngựa trúc đến
Đuổi nhau quanh ghế ngồi...
Nhật Linh hồi nhỏ cũng bẻ hoa, thậm chí bẻ nhiều; nhưng tôi thì chưa bao giờ cầm một chiếc gậy trúc nào giả vờ làm ngựa để cưỡi đến thăm cô. Chúng tôi cũng chưa bao giờ đuổi nhau quanh ghế ngồi và ném nhau bằng những quả mơ xanh; mười bốn tuổi, cô cũng không về làm vợ tôi, thẹn thò, cúi đầu quay mặt vào vách tối; mười lăm tuổi, cô cũng không nguyện sống chết chẳng rời tôi; cô mười sáu tuổi, tôi cũng không phải đi đâu xa đến nơi nào có tiếng vượn kêu vang trời thảm thiết...
Nhưng bảo Nhật Linh và tôi là một đôi “thanh mai trúc mã” thì tuyệt đối không sai!
Còn Đào Phò, — tôi là “Cu Nhỏ”, thì y là “Cu Nhớn”. “Cưỡi ngựa trúc...”, “ném mơ xanh...” — thơ Lý Bạch — cũng là y đọc cho tôi nghe, — và tôi hiểu đấy không đơn giản chỉ là vui vui, ngay cả lúc ở chỗ “vượn kêu vang trời thảm thiết” y cười rộ “vượn kêu vang trời ở trong phòng ký túc xá... còn đ’ gì nữa?!”
Cho nên tôi không ngạc nhiên hay ái ngại như những người kia. Và có một người nữa tôi biết cũng không hề ngạc nhiên hay ái ngại, nhưng hoàn toàn không giống như tôi; đơn giản là ngoài những mối quan tâm mà y đang phải ăn ngủ với chúng, thì tất cả những thứ còn lại đối với y: “Cuộc sống nó thế” — y chả ngạc nhiên gì cả, chả bao giờ ngạc nhiên. — Đấy là Phi Long.
Phi Long sinh ra ở đời, giống như một tay đua chuyên nghiệp, có số má, đã được đặt sẵn trong một chiếc xe siêu hạng, ở đầu một con đường cao tốc thênh thang theo chuẩn Âu, Mỹ. Y đơn giản là sẽ toàn tâm toàn ý tập trung vào việc đi; càng nhanh, càng nhiều — càng tốt.
Nhìn chung tôi cũng không khác Phi Long nhiều. Nhưng tôi sẽ lựa đi theo bóng râm — nếu có; sẽ dừng lại ngắm cảnh — nếu sơn thanh, thủy tú; cũng có thể sẽ rẽ vào một đường nhánh song song — nếu đường ấy đẹp, nên thơ... tức là có thể gây cho tôi nhiều cảm xúc lúc đi đường hơn. Cũng có thể, tôi sẽ sơn lại xe.
Còn Lan Cải chắc chắn sẽ sơn lại xe, còn sẽ dán đề-can với vai-nin... có thể là bông hồng — phải nhìn rõ gai, — con cá... theo một cách rất riêng.
Nhìn chung Lan Cải cũng không khác chúng tôi nhiều. Nhưng cô sẽ để ý nhiều đến dáng đi, đến kiểu dạng, ngoại hình phương tiện — cô muốn việc đi lại phải toát lên một vẻ thanh nhã. Nhưng nếu có một đoạn đường có vẻ như vòng cung và ôm lấy một có vẻ như bãi cỏ, — cô sẽ đi lên cỏ. Và cô còn sẽ không thích lắm, nếu như thấy có ai đấy cũng sẽ tắt lên cỏ giống như cô.
Dù thế nào, chúng tôi đúng là những người đi đường.
Còn Nhật Linh thì có khác. Cô vừa đi vừa luôn băn khoăn. Đường này đi đâu? Sao lại phải đi như thế này? Có phải đúng là đường này không? Gặp một đường — dù rất nhỏ — cắt ngang, cô cũng sẽ dừng lại, cắn móng tay, nghĩ ngợi — có khi rất lâu; rồi cô sẽ đi tiếp, nhưng ý nghĩ vẫn có thể trở lại, và thậm chí ngay cả khi đã đi thêm được một đoạn rất dài rồi, vẫn có thể cô sẽ quay lại — để xem lại, — nếu như ý nghĩ ấy bất an và níu kéo quá.
Những người đi đường chúng tôi có thể chờ cô một lát; nhưng nếu có vẻ lâu, chúng tôi sẽ... có thể sẽ giải thích với cô những gì chúng tôi hiểu về con đường nhỏ cắt ngang... rồi bảo cô cứ thong thả đi sau, chúng tôi sẽ ở đằng trước, đây thôi, cũng đường này thôi, rồi chúng tôi đi trước.
Chỉ có một người sẽ ở lại với cô. — Đấy là Đào Phò.
Chúng tôi không chờ cô, vì mặc dù có thể hiểu cô, có thể thông cảm với cô, nhưng chúng tôi không đồng cảm với cô.
Đào Phò thì đồng cảm, vì y cũng thế!
Nhưng Nhật Linh cho dù có băn khoăn thế nào, thì tựu chung cô cũng quan tâm đến chuyện đi đường, và sâu xa, cô mong sẽ, và sẽ có cách, để rồi cô sẽ bớt, hoặc hết, băn khoăn, và có thể tập trung vào chuyện đi đường. Còn Đào Phò thì khác: con đường đối với y cũng chả là cái gì quan trọng hơn so với cái cây bên đường, một cái quán nước, một xóm làng nào đấy có thể rẽ vào, hay một đám người mới quen, một đám gái...
Thích một cái cây đẹp, y có thể dựng lên dưới gốc nó một căn quán, và ở lại đấy bán chè tươi, chè lam, kẹo dồi chó, bánh gai... Tình cờ đấy lại là một cây sanh lâu năm, ngồi gốc nó chán, y hoàn toàn có thể tìm cách bán nó cho ai đấy, — đảm bảo sẽ rất được giá, — rồi đi tiếp; rồi gặp một cái làng, y rẽ vào, tán được một cô gái, ở lại đấy, rồi lại đi tiếp, lại ở lại đâu đấy; rồi một hôm ngủ dậy bỗng thấy nhớ cái cây sanh da diết, y hoàn toàn có thể sẽ quay trở lại để tìm cách mua lại cái cây, nếu người ta đã xây nhà dưới gốc nó, y sẽ phá đi, và dựng lại căn quán...
Hoặc sau khi rẽ vào một cái làng, y sẽ theo đường đất đi đến một cái làng khác, đi như vậy, và làm nhiều thứ khác, rồi lạc hẳn mất con đường, y cũng chả quan tâm: con đường đối với y cũng hoàn toàn chả có gì quan trọng lắm.
Nhiều người, bạn bè, nhất là những người lớn tuổi hơn, từng bảo là tâm y không tĩnh...
(to be cont.)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...