Hai kẻ thù

HAI KẺ THÙ

(A. P. Trê-khốp)






Vào lúc mười giờ, một buổi tối tháng chín không trăng, không sao, Andrey sáu tuổi, đứa con trai duy nhất của bác sĩ hội đồng tự quản địa phương tên là Kirilov đã bị chết vì bệnh bạch hầu. Khi bà vợ ông bác sĩ đang quì bên giường đứa con mới chết, lả đi vì đau khổ, tuyệt vọng, thì có tiếng chuông rung mạnh ở ngoài hành lang.


Do đứa trẻ bị bệnh bạch hầu mà từ sớm mấy người làm công trong nhà đều được báo đi khỏi nhà. Không mặc áo vestông, mặc mỗi chiếc áo gilê mở cúc, chưa kịp lau mặt còn đẫm nước, không kịp lau đôi tay bóng lộn vì phê nôn, Kirilov tự mình ra mở cửa. Ngoài hành lang rất tối, chỉ có thể nhận thấy người lạ mới bước vào tầm vóc trung bình, quàng một chiếc khăn màu trắng, gương mặt to bè nhợt nhạt, nhợt nhạt đến mức tưởng rằng hành lang sáng lên được một chút nhờ có gương mặt đó xuất hiện.


— Bác sĩ có nhà không? — người mới vào hỏi nhanh.


— Tôi có nhà đây; — Kirilov trả lời. — ông cần gì vậy?


— Ồ, ông đấy ư? Thật may quá? — người mới vào mừng rỡ nói rồi tìm trong bóng tối chập choạng bàn tay của bác sĩ, và nắm chặt trong đôi tay mình. — Thật may quá... may quá ! Tôi với ông có quen nhau đấy?.. Tôi là Anboghin... đã có lần hân hạnh được gặp ông dạo hè ở nhà Gơnutsép. Tôi rất mừng là thấy ông ở nhà... Vì Chúa xin ông chớ từ chối mà hãy theo tôi. Vợ tôi bị ốm nặng... Tôi có mang theo xe...


Qua cử chỉ và giọng nói của người mới vào có thể thấy rõ là ông ta đang ở trong trạng thái tâm thần bị kích động mãnh liệt. Hệt như đang sợ hãi vì cháy nhà hay có chó dại cắn mà ông ta khó nhọc thở gấp, giọng nói nhanh run run, có cái gì thật thà, con trẻ, nhút nhát lộ ra qua lời nói của ông ta. Giống như tất cả mọi người đang ở trong trạng thái sợ hãi và kinh ngạc, ông ta nói những lời ngắn ngủi, rời rạc và chêm vào nhiều câu thừa, chẳng ăn nhập gì vào câu chuyện.


— Tôi sợ không gặp được ông, — người mới vào nói tiếp — Trên đường đi đến nhà ông, tôi đau khổ vô cùng... ông mặc áo vào đi và cùng lên xe với tôi, làm ơn làm phúc... Chuyện xảy ra như thế này. Có ông Paptsinski Alexandre Semionovich đến chơi chỗ tôi, người này ông biết đấy... chúng tôi ngồi nói chuyện... sau đó uống nước chè, thế rồi bất thình lình vợ tôi thét lên một tiếng, tay tự túm lấy ngực mình chỗ con tim và ngã người xuống thành ghế. Chúng tôi đỡ nàng ra giường, và... tôi lấy rượu chứa ammoniac xoa vào thái dương, vảy nước lên mặt... nàng vẫn nằm yên như chết... Tôi sợ rằng nàng bị bệnh giãn mạch máu. Ông đi với tôi nhé... Bố vợ tôi cũng đã chết vì bệnh giãn mạch máu đó... Kirilov lắng nghe và im lặng, dường như ông không hiểu tiếng Nga nữa.


Khi Anboghin một lần nữa nhắc đến tên Paptsinski, nhắc đến bố vợ, và lại lần tìm trong bóng tối nhờ nhờ bàn tay của Kirilov thì bác sĩ hơi ngửng đầu lắc lắc và nói giọng uể oải kéo dài từng chữ:


— Xin lỗi ông, tôi không thể đi được... Cách đây năm phút, con trai tôi... vừa bị chết...


— Lại thế ư? — Anboghin thì thào nói, bước lùi về đằng sau. — Trời ơi, tôi đã gặp phải giờ phút chẳng lành? Thật là một ngày bất hạnh vô cùng... vô cùng! Một sự trùng hợp vậy ư... hệt như là có sự xếp đặt.


Anboghin cầm lấy núm vặn nơi cửa, đầu cúi xuống, suy nghĩ. Trông cũng biết rằng ông ta do dự, không biết xử sự ra làm sao, hoặc là bỏ đi hay tiếp tục yêu cầu bác sĩ.


— Ông nghe tôi nói nhé, — Anboghin nắm lấy ống tay áo bác sĩ, vội vã nói, — tôi rất biết hoàn cảnh của ông. Có trời chứng giám, tôi rất xấu hổ là đã định chinh phục sự chú ý của ông vào những phút như thế này, nhưng mà tôi còn biết làm gì cơ chứ? Ông cứ tự nghĩ mà xem, tôi đã đến tìm ai? Vì rằng ngoài ông ra ở đây không còn bác sĩ nào khác nữa. Làm ơn làm phúc xin ông đi cho? Không phải tôi cầu xin cho tôi... Tôi có ốm đau đâu!


Im lặng chợt đến. Kirilov quay lưng lại phía Anboghin, đứng lặng một lúc rồi chậm chạp bước từ hành lang vào phòng. Nhìn dáng đi loạng choạng như người mất hồn, nhìn vào vẻ chăm chú của ông khi sửa lại chiếc chụp đèn bọc dạ đặt trên cái đèn không cháy trong gian phòng, và liếc nhìn vào cuốn sách dầy nằm trên bàn, có thể biết rằng trong những phút này ông chẳng có một dự định, một ý muốn nào hết, ông không nghĩ ngợi điều gì cả, và chắc là đã không còn nhớ rằng có một người lạ đang đứng chờ ông ngoài hành lang. Bóng tối và sự im lặng trong căn phòng càng làm tăng thêm vẻ đờ đẫn của ông. Đi từ gian ngoài vào phòng làm việc của mình, ông nhấc chân phải cao hơn bình thường, hai tay sờ soạng tìm khung cửa buồng, và vào lúc đó, từ cả thân hình ông toát ra một cái gì hồ nghi khó hiểu, hệt như ông đi nhầm vào nhà người khác hoặc như lần đầu tiên trong đời ông uống rượu say và bây giờ ông ngập ngừng để cho cơ thể mình chịu đựng cái cảm giác mới mẻ đó. Một vệt sáng dài in trên một bên tường buồng làm việc, qua mấy chiếc tủ đựng sách, cùng với mùi phê nôn, mùi ête nồng nồng, năng nặng, vệt sáng ấy đổ sang từ cánh cửa buồng làm việc he hé mở thông với buồng ngủ... Bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế bành đặt bên bàn; ông lim dim nhìn lên những cuốn sách của mình in vệt sáng, sau đó đứng dậy và bước sang phòng ngủ.


Ở đấy trong phòng ngủ, bao trùm một bầu không khí chết lặng. Tất cả từng vật nhỏ đều gợi nhớ sâu sắc đến cơn bão vừa qua, đến một sự mệt mỏi rã rời, và bây giờ tất cả đều yên nghỉ. Cây nến đặt trên chiếc ghế đẩu chen lẫn vào giữa những hộp, chai lọ ngổn ngang và chiếc đèn lớn để trên chiếc tủ soi sáng cả căn buồng. Trên giường, ngay bên cửa sổ là đứa trẻ nằm yên, mắt mở to, vẻ mặt như kinh ngạc điều gì.


Đứa trẻ không động đậy gì nữa, những tưởng như đôi mắt mở to của nó mỗi lúc một mờ sẫm đi và chìm sâu vào hộp sọ. Người mẹ quì bên giường, đầu gục xuống đệm chăn, hai tay đặt lên mình con. Giống như đứa trẻ, bà cũng không nhúc nhích, nhưng trên đường cong của tấm lưng và đôi tay toát ra bao nhiêu sức sống! Toàn thân bà ngả áp vào chiếc giường như ghì riết lấy, dường như bà làm hỏng mất tư thế thuận tiện mà cuối cùng bà đã tìm được cho thân thể mệt rã rời của mình. Chăn đệm, khăn lau, chậu rửa, những vũng nước loang trên nền nhà, bút lông nhỏ, thìa con vứt lung tung, một chai to đựng nước vôi và cả không khí nặng nề, ngột ngạt nữa, tất cả đều như lặng đi và chìm sâu vào yên tĩnh.


Bác sĩ đứng lại bên cạnh vợ, hai tay cho vào túi quần, đầu cúi xuống lệch sang một bên và chăm chú nhìn đứa con trai. Vẻ mặt ông không biểu lộ một điều gì chỉ qua những hạt nước nhỏ xíu còn lấp loáng đọng lại trên râu mới biết rằng lúc nãy ông vừa khóc.


Sự sợ hãi khủng khiếp mà người ta vẫn nghĩ đến khi nói tới cái chết, hoàn toàn không thấy trong căn buồng ngủ này. Từ trong vẻ bất động tuyệt đối, trong dáng quì phủ phục của người mẹ, khuôn mặt lãnh đạm của người bác sĩ toát ra một cái gì làm trái tim thắt lại xúc động, đó chính là cái vẻ đẹp thanh mảnh, rất khó thấy trong nỗi đau khổ của con người, một vẻ đẹp mà còn lâu người ta mới học được cách hiểu, cách mô tả, một vẻ đẹp mà có lẽ chỉ có âm nhạc mới truyền đạt được. Vẻ đẹp ấy ẩn trong sự im lặng ủ dột. Kirilov và vợ ông đều không nói, không khóc, dường như ngoài gánh nặng mất mát, hai người còn ý thức được tất cả tính trữ tình của hoàn cảnh họ bây bây giờ: vào một lúc nào đấy ngày xưa tuổi trẻ của họ đã trôi qua và bây giờ, cùng với đứa trẻ này, cái quyền được có con của họ đã vĩnh viễn biến mất. Bác sĩ bốn mươi tư tuổi, đầu đã bạc trông như một ông già; người vợ xanh xao, ốm yếu của ông đã ba mươi lăm tuổi. Andrey không chỉ là đứa con duy nhất mà còn là đứa con cuối cùng.


Ngược lại với vợ, bác sĩ thuộc loại người lúc gặp phải nỗi đau khổ về tinh thần lại cảm thấy cần phải đi lại. Đứng bên cạnh vợ chừng năm phút, ông lại nhấc cao chân phải lên, và từ buồng ngủ, ông bước sang một buồng nhỏ đặt chiếc đi văng to rộng choán hết nửa buồng, từ đây ông đi xuống bếp. Đi loanh quanh gần lò đun và giường ngủ của mụ bếp, ông hơi cúi xuống rồi qua lối cửa nhỏ hẹp bước ra ngoài hành lang. Ở đấy ông lại nhìn thấy cái khăn quàng trắng và khuôn mặt trắng nhợt.


— Có thế chứ? — Anboghin thở dài nói, tay cầm lấy núm vặn cửa. — Ông đi với tôi đi, tôi van ông!


Bác sĩ rùng mình, nhìn lên người lạ và sực nhớ lại:


— Này tôi đã nói với ông rồi mà, tôi không thể đi được? Ông nói, giọng có vẻ hoạt bát hơn. — Lạ lùng thật!


— Thưa bác sĩ, tôi không phải là kẻ ngu si, tôi rất hiểu hoàn cảnh của ông... tôi cảm thông nỗi đau khổ của ông! — Anboghin nói giọng van lơn, tay đặt lên chiếc khăn quàng cổ. — Nhưng mà tôi đâu có xin cho bản thân tôi... Vợ tôi đang hấp hối! Nếu ông nghe được tiếng thét ấy, nhìn thấy mặt cô ta, thì ông sẽ hiểu được vì sao tôi lại yêu cầu ông dai dẳng như thế này! Trời ơi, thế mà tôi cứ tưởng là ông đi thay áo! Thưa bác sĩ, một phút bây giờ quý vô cùng! Ông đi với tôi đi tôi van ông.


— Tôi không thể đi được! — Kirilov nói rời rạc từng tiếng rồi bước vào trong.


Anboghin đi theo sau và nắm lấy tay áo ông.


— Ông vừa có tang, tôi hiểu lắm, nhưng mà tôi đâu có mời ông đi chữa răng, đi khám nghiệm y tế, mà là đi cứu sinh mạng một con người! — Anboghin tiếp tục nói, giọng cầu khẩn như kẻ van xin. — Sinh mạng này cao hơn tất cả mọi nỗi đau khổ riêng! Tôi mong ông bày tỏ nghị lực dũng cảm. Vì lòng nhân đạo.


— Lòng nhân đạo là một cây gậy hai đầu, — Kirilov nói giọng cáu kỉnh, — cũng vẫn vì lòng nhân đạo ấy mà tôi yêu cầu ông đừng bắt tôi đi đâu. Và quả thật là lạ lùng, tôi không còn sức đứng vững, mà ông thì lại đem lòng nhân đạo ra dọa tôi! Bây giờ tôi không làm được việc gì hết... không vì bất cứ lý do gì mà tôi đi đâu, còn vợ tôi nữa, tôi bỏ ở nhà cho ai trông nom? Không, không thể được... Kirilov khoa khoa cánh tay lên và từ từ bước lùi lại — Đừng, đừng yêu cầu tôi nữa! — Ông sợ hãi nói tiếp. — Tha lỗi cho tôi... theo tập thứ mười ba của bộ luật thì tôi phải đi, và ông có quyền nắm lấy cổ áo tôi mà lôi đi. Được rồi, ông cứ lôi tôi đi... nhưng tôi không làm được gì đâu... Thậm chí tôi không còn sức để nói được nữa... Xin lỗi ông...


— Thưa bác sĩ, bác sĩ nói với tôi những lời như vậy phỏng có ích gì? — Anboghin nói và níu lấy hai ống tay áo bác sĩ. — Đừng nghĩ gì đến cái tập thứ mười ba ấy! Tôi không có một chút quyền nào cưỡng bức ý muốn của ông. Ông muốn thì ông đi, ông không muốn thì đó là quyền của ông, nhưng tôi không muốn kêu gọi lý trí của ông, tôi muốn kêu gọi tình cảm của ông. Một người phụ nữ trẻ đang hấp hối! Vừa nãy ông nói rằng con trai ông bị mất, vậy thì còn ai khác ngoài ông hiểu được nỗi kinh hoàng của tôi bây giờ?


Giọng nói của Anboghin run run vì xúc động, cái giọng run run ấy có nhiều sức thuyết phục hơn cả lời nói. Anboghin rất chân thành, nhưng điều đáng để ý là bất cứ câu nào ông nói ra cũng đều có vẻ khô khan, thiếu tự nhiên, văn hoa không phải lúc, và hình như lại còn xúc phạm đến cả không khí trong căn nhà của bác sĩ, đến người phụ nữ đang hấp hối ở một nơi xa.


Bản thân ông cũng cảm thấy điều đó, và vì sợ hiểu lầm, ông cố hết sức nói một giọng dịu dàng, mềm mại, hy vọng rằng nếu không thuyết phục được bằng lời nói thì ít ra cũng bằng sự chân thành trong giọng nói.


Nói rộng ra thì lời nói dù hoa mĩ và đầy ý nghĩa đến đâu cũng chỉ tác động đến những người dửng dưng ngoài cuộc, mà không bao giờ tác động đến được những người có hạnh phúc hoặc không có hạnh phúc vì vậy mà biểu hiện cao nhất của niềm hạnh phúc hay nỗi đau thường là sự im lặng; những đôi trai gái yêu nhau hiểu nhau nhiều hơn khi im lặng, và điếu văn thống thiết, lâm ly đọc lên một người chết chỉ làm xúc động những người không thân thích, còn đối với bà quả phụ và những đứa con của người chết thì lời điếu ấy thật lạnh lùng và vô nghĩa.


Kirilov đứng yên và im lặng. Khi Anboghin nói thêm mấy câu về sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc, về đức hy sinh v.v... thì bác sĩ hỏi một câu, giọng cau có:


— Đi có xa không?


— Đâu khoảng gần mười ba, mười bốn vécxta. Con ngựa kéo xe của tôi rất tuyệt, bác sĩ ạ! Xin cam đoan với ông rằng tôi sẽ chở ông đến đấy và quay về đây trong vòng một tiếng, chỉ một tiếng thôi!


Câu nói cuối cùng tác động đến bác sĩ mạnh hơn là những lời triết lý về lòng nhân đạo, về sứ mệnh của người thầy thuốc. Ông nghĩ một lúc rồi vừa thở dài vừa nói:


— Được rồi, ta đi thôi!


Ông nhanh nhẹn quay đi, bước những bước vững chắc về phía buồng làm việc của mình và một lát sau ông quay lại trong bộ áo vestông dài. Anboghin mừng rỡ, tất bật đi bên cạnh Kirilov, đôi giầy khẽ chạm vào nhau, ông ta giúp bác sĩ mặc áo bành tô và cùng bác sĩ bước ra khỏi nhà.


Ngoài sân cũng tối, nhưng còn đỡ tối hơn trong hành lang. Trong bóng tối chập choạng đã làm hiện rõ bóng người bác sĩ cao cao, gù gù, bộ râu nhỏ dài với cái mũi khoằm khoằm. Anboghin thì ngoài bộ mặt trắng bệch bây giờ có thể thấy cái đầu to và chiếc mũ sinh viên bé nhỏ chỉ vừa đủ che phần đỉnh đầu. Chiếc khăn quàng cổ chỉ lộ ra trăng trắng phía trước ngực, còn phía sau thì bị mái tóc dài che khuất.


— Ông hãy tin rằng, tôi có đủ khả năng để đánh giá được đức hy sinh cao thượng của ông, — Anboghin vừa đỡ bác sĩ lên xe vừa lầm bầm. — Xe chúng ta sẽ lao đi vun vút. Này, Luka thân mến, cố đánh xe càng nhanh càng tốt. Cho đi thôi!


Người xà ích cho xe đi nhanh. Thoạt tiên xe đi qua những ngôi nhà xấu xí xây bên bệnh viện, màn đêm bao phủ khắp nơi, duy chỉ có ở phía sân trong, từ khung cửa sổ nhà ai có ánh đèn sáng lọt qua chiếc vườn có rào bao quanh, còn ba khung cửa sổ ở tầng trên dãy nhà bệnh viện thì trông còn ngột ngạt hơn cả trời đêm. Sau đó chiếc xe đi vào khoảng tối dày đặc; ở đấy thoang thoảng thấy mùi nấm ẩm ướt và tiếng cây khô xào xạc; những con quạ bị tiếng động bánh xe đánh thức dậy, nhốn nháo trong tán lá và kêu lên những tiếng kêu đầy âu lo, buồn thảm dường như chúng biết rằng con trai bác sĩ vừa mới chết còn vợ của Anboghin thì ốm nặng. Rồi tiếp đến những bóng cây mọc cách xa nhau thấp thoáng, những bụi cây; loang loáng một mặt hồ phẳng lì trên đó còn in những hình bóng gì đen sẫm đang yên ngủ, — và chiếc xe chạy qua một vùng đất rộng bằng phẳng. Tiếng quạ kêu nghe đã nhỏ đi, vọng lại rất xa từ phía xa và ít lúc sau thì mất hẳn.


Hầu như suốt dọc đường đi Kirilov và Anboghin đều im lặng. Chỉ có một lần Anboghin thở dài và lầu bầu nói:


— Thật là một trạng thái tinh thần đau khổ. Chưa bao giờ ta thấy yêu những người thân như khi ta cảm thấy có thể sắp phải mất họ.


Khi xe đi chầm chậm qua sông, Kirilov bỗng giật mình, hệt như tiếng oàm oạp nước sông làm ông sợ hãi, rồi quay người sang phía Anboghin.


— Này, ông nghe đây, ông cho tôi quay về đi, — Kirilov nói, giọng rầu rĩ, — tôi sẽ đến nhà ông sau. Tôi còn phải bảo người y tá đến trông nom giùm vợ tôi. Vợ tôi đang ở nhà một mình.


Anbôghin im lặng. Chiếc xe khẽ lắc lư, bánh lăn lách cách trên đường đá, qua một bờ cát rồi tiếp tục chạy. Kirilov ngồi không yên, mắt nhìn quanh, lòng buồn rười rượi. Từ phía sau, qua ánh sáng yếu ớt của những vì sao, trông rõ con đường mờ mờ hiện ra và những hàng cây liễu rủ mọc gần bờ sông biến vào bóng đêm. Phía bên phải, một dải đất chạy dài cũng bằng phẳng và mênh mông không bờ bến như bầu trời; mãi phía xa trên vùng đất ấy, đó đây lập loè những đốm lửa vàng quạch, có lẽ là trên những đầm lầy. Phía bên trái, song song với con đường là một cái đồi thấp nằm dài, mọc lô nhô những bụi cây nhỏ, phía trên ngọn đồi một mảnh trăng lưỡi liềm đỏ lựng bất động in trên nền trời, một màn sương mỏng và những đám mây nhỏ bao quanh, dường như những đám mây ấy đang chăm chú nhìn vành trăng từ mọi phía và canh cho vành trăng khỏi bỏ trốn.


Phong cảnh chung quanh như thấm đượm một cái gì ốm yếu, tuyệt vọng; mặt đất, như một người phụ nữ sa đọa ngồi một mình, trong căn buồng tối tăm và cố không nghĩ về quá khứ, đang trăn trở với những hồi ức về mùa xuân, mùa hè, và đang uể oải chờ mùa đông sắp đến. Dù đưa mắt nhìn về phía nào, đâu đâu thiên nhiên cũng hiện ra một vực thẳm tối đen, lạnh lẽo và sâu không đáy, mà từ đó, cả Kirilov, Anboghin, cả vành trăng lưỡi liềm đỏ lựng kia đều không thoát Xe càng gần đến đích bao nhiêu, Anboghin càng trở nên nôn nóng hơn bấy nhiêu. Ông trở người luôn luôn, nhổm lên nhìn ra phía trước qua vai người xà ích. Và khi cuối cùng chiếc xe đã dừng bên ngoài hiên ngôi nhà trang trí khá đẹp bằng những tấm vải gai sọc, khi ông nhìn lên những khung cửa sổ sáng ánh đèn trên tầng hai, có thể nghe rõ nhịp thở gấp run run cua ông.


— Nếu có chuyện gì xảy ra, thì... tôi không sao chịu nổi, — ông vừa nói vừa bước vào hành lang cùng với bác sĩ, hai tay xoa xoa vì xúc động. — Nhưng mà không nghe thấy tiếng ồn ào, có nghĩa là mọi sự đều tốt lành — ông nói thêm, tai lắng nghe cố tìm một âm thanh nào đó trong cảnh tịch mịch chung quanh.


Ngoài hành lang không nghe thấy một giọng nói, một bước chân nào, và cả ngôi nhà như đang ngủ yên mặc dù để đèn rất sáng. Đến lúc này thì bác sĩ và Anboghin, từ lúc gặp nhau đến giờ toàn ở trong bóng tối, mới có thể nhìn kỹ hình dạng của nhau. Bác sĩ dáng người cao cao gù gù, ăn mặc luộm thuộm, nét mặt không đẹp. Có cái gì thô thô, dữ tợn, khắc khổ lộ rõ ở đôi môi dày như môi người da đen, ở cái mũi khoằm và cái nhìn uể oải, lãnh đạm. Mái tóc không chải của ông, thái dương hóp vào, bộ râu nhỏ dài bạc sớm không che hết chiếc cằm, màu da xám mai mái và những cử chỉ vụng về, thiếu cân nhắc — tất cả cái vẻ khắc khổ, khó tính ấy gợi người ta nghĩ rằng trước kia ông đã trải qua những ngày thiếu thốn, cơ cực, bị cuộc sống và người đời hành hạ vất vả. Nhìn tất cả vẻ người khô khan của ông, không thể tin được rằng ông lại lấy được vợ và biết than khóc khi đứa trẻ qua đời.


Anboghin thì lại gây một ấn tượng khác. Đó là một người đàn ông đẫy đà, bệ vệ, có tóc vàng, cái đầu rất to, đường nét trên mặt không thanh, nhỏ, nhưng trông vẫn hài hoà, cân đối, ông ta mặc bộ quần áo may theo mốt mới nhất. Trông dáng vẻ bề ngoài, chiếc áo véstông cài cúc chỉnh tề, khuôn mặt, mái tóc dài — có cái gì quí phái, cao thượng; khi bước đi, đầu ông ta giữ thẳng, ngực hơi ưỡn ra đằng trước, ông ta nói bằng giọng nam trung ấm áp, và trông cách ông ta cởi chiếc khăn quàng cổ hay sửa lại mái tóc cũng thấy một vẻ gì rất thanh, gần như chỉ có ở những người phụ nữ. Thậm chí gương mặt hơi nhợt nhạt và vẻ sợ hãi như trẻ con khi ông ta vừa cởi áo ngoài, vừa nhìn lên cầu thang, vẫn không làm tổn hại đến diện mạo đường hoàng, không làm mất đi vẻ no đủ, cường tráng, lịch thiệp đến mức tự phụ toát ra từ dáng người, bộ điệu của ông ta. Không có ai cả và cũng không nghe thấy tiếng động nào, — ông ta nói, bước lên cầu thang. — Không thấy cảnh vội vã, ồn ào. May quá. Anboghin dẫn bác sĩ qua hành lang vào căn phòng lớn, nơi đặt chiếc đàn dương cầm mờ mờ hiện trong bóng tối và trên trần treo một chùm đèn phủ vải trắng từ đấy hai người bước sang một gian phòng khách nhỏ rất đẹp, ấm cúng, chìm trong một thứ ánh sáng mờ mờ hồng hồng rất dịu.


— Mời bác sĩ ngồi đây một lát, — Anbôghin nói, — còn tôi chốc nữa tôi ra. Tôi đi xem qua, báo cho người nhà biết.


Kirilov ngồi lại một mình. Căn phòng khách sang trọng, ánh sáng mờ dễ chịu và bản thân sự xuất hiện mang tính chất phiêu lưu ký của ông trong ngôi nhà xa lạ, không quen thuộc này hình như không gây xúc động nào đối với ông. Ông ngồi trong chiếc ghế bành và ngắm nhìn bàn tay mình bỏng rộp vì phê nôn. Ông chỉ đưa mắt nhìn thoáng qua chiếc chao đèn màu đỏ, chiếc hộp đàn cello, và liếc nhìn về phía có tiếng đồng hồ kêu tích tắc, ông nhìn thấy hình nộm một con sói, trông cũng đường bệ và no nê như chính Anboghin.


Chung quanh yên lặng... ở một nơi nào bên trong căn phòng gần đây có tiếng ai kêu to "ạ!", tiếng cửa kính chắc là cửa tủ mở lạch cạch, và sau đó tất cả lại đều chìm vào im lặng. Chờ những năm phút, Kirilov thôi không ngắm tay mình nữa và ngẩng đầu nhìn về phía cửa nơi Anboghin đã qua đấy đi ra.


Trên ngưỡng cửa ấy Anboghin xuất hiện, nhưng không còn giống như lúc đi khỏi đây. Vẻ tinh tế lịch thiệp, vẻ no đủ hoàn toàn biến mất, khuôn mặt, đôi tay, dáng đứng của ông đều bị dị dạng méo mó đi vì lộ rõ một cảm giác ghê tởm không hẳn là kinh hãi, không hẳn là một nỗi đau đớn. Cái mũi, đôi môi, bộ ria mép, mọi đường nét của ông ta đều động đậy và hình như đều cố bứt ra khỏi mặt, còn cặp mắt thì dường như đang cười vì đau đớn...


Anboghin nặng nề bước những bước dài vào giữa phòng khách, cúi mình xuống, miệng rên rỉ, hai tay nắm lại rung rung.


— Nó lừa rồi! — ông ta kêu lên, nhấn giọng vào chữ lừa. — Lừa rồi, bỏ đi rồi? Lên cơn đau, bảo tôi đi mời bác sĩ chỉ cốt để ở nhà bỏ trốn với cái thằng hề Paptsinski? Trời ơi.


Anboghin khó nhọc bước đến bên bác sĩ, chìa ra trước mặt bác sĩ hai nắm tay trắng mịn và rung rung tay tiếp tục kêu to:


— Bỏ đi rồi? Lừa rồi? Mà lừa đảo thế làm gì mới được chứ? Trời ơi là trời? Bày ra cái trò ú tim lừa lọc, bẩn thỉu này, cái trò chơi quỉ quái, ác độc này làm gì? Tôi đã làm gì cô ta? Bỏ đi rồi.


Nước mắt trào ra trên khoé mắt ông ta. Một chân để nguyên, ông ta quay ngoắt sang phía khác rồi đi đi lại lại trong phòng khách. Lúc này, với bộ áo vestông ngắn, với chiếc quần mốt hẹp ống hằn rõ đôi chân gầy không cân xứng với phần mình, với cái đầu to và túm tóc, Anboghin trông giống như một con sư tử. Trên gương mặt lãnh đạm của bác sĩ thoáng hiện nét tò mò. ông đứng dậy và nhìn lên Anboghin.


— Xin lỗi, người bệnh ở đâu? — ông nói.


— Người bệnh, người bệnh? — Anboghin kêu lên, vừa cười vừa khóc, hai nắm tay vẫn rung rung. — Nó không phải là bệnh nhân mà là một kẻ đáng nguyền rủa! Ty tiện! Đểu giả đến mức yêu tinh cũng không thể nghĩ ra hơn? Bảo tôi đi để dễ bề bỏ trốn với cái thằng xẩm, thằng hề đần độn ấy. Ô trời ơi, lẽ ra nó chết đi còn hơn? Tôi không thể chịu nổi nữa! Không thể chịu nổi nữa.


Kirilov vươn thẳng mình đứng lên. Đôi mắt ông chớp chớp, nước mắt giàn giụa, hàm ông đưa ngang, bộ râu nhỏ cũng đưa ngang theo.


— Xin lỗi, thế này là thế nào? — ông vừa nói, vừa đưa mắt tò mò nhìn quanh. — Con tôi mới chết, vợ tôi đang buồn nẫu ruột, cả nhà không còn ai... bản thân tôi cũng đứng không vững nữa, đã ba đêm rồi tôi không ngủ... và rồi thế nào? Người ta ép tôi phải sắm vai trong một vở hài kịch tầm thường, sắm vai một đồ vật giả trên sân khấu! Tôi không... không hiểu gì nữa!


Anboghin xoè một nắm tay ra, vứt xuống nền nhà một mảnh giấy nhầu nát rồi dẫm chân lên như dẫm một con bọ muốn đạp chết.


— Tôi không thấy, tôi không hiểu ra! — Anboghin nói rít qua kẽ răng, một nắm tay giơ lên rung rung sát mặt mình, với dáng điệu như có ai động phải chỗ đau nhất. — Tôi không để ý rằng ngày nào thằng ấy cũng đến, không để ý rằng hôm nay nó lại đi xe ngựa có mui đến? Sao lại đi xe có mui! Thế mà tôi không nhận ra, thật là gà mù?


— Tôi không... không hiểu? — Bác sĩ lầu bầu nói. — Nhưng mà thế này là thế nào! Bởi vì đây là một sự nhạo báng nhân cách, một sự giễu cợt đối với nỗi đau khổ của con người! Đó là một cái gì không thể tưởng tượng nổi... lần đầu tiên tôi thấy trong đời.


Với cảm giác kinh ngạc âm ỉ của một người bắt đầu hiểu rằng mình bị xúc phạm, bác sĩ nhún vai, dang hai tay ra và, không biết nói gì làm gì, bác sĩ kiệt sức ngồi phịch xuống chiếc ghế bành.


— Ừ, thì không yêu nữa, đi yêu người khác, — thì đó là quyền của cô, nhưng mà việc gì phải lừa đảo thế này, phải bày ra cái trò đê tiện bội bạc thế này? — Anboghin nói giọng như khóc. — Để làm gì? Vì tội gì? Tôi đã làm tội gì? Bác sĩ nghe tôi đây, — Anboghin vừa nói vừa bước lại gần Kirilov — Vô tình ông đã làm người chứng kiến nỗi bất hạnh của tôi, và tôi cũng sẽ không giấu sự thật. Thề với ông rằng tôi yêu người đàn bà này đến mức sùng bái, như một kẻ nô lệ của nàng! Vì nàng mà tôi hy sinh tất cả: tôi đã xích mích với bà con ruột thịt, tôi bỏ cả công việc, cả âm nhạc, tôi tha thứ cho nàng những điều mà ngay cả đối với mẹ đẻ, hay chị em ruột tôi cũng không đủ sức tha thứ... Chưa một lần nào tôi nhìn nàng hằn học... không một lần nào làm nàng phải ngờ vực! Vậy thì vì lẽ gì mà phải lừa dối thế này? Tôi không yêu cầu nàng phải yêu tôi, nhưng lừa dối vì mục đích gì?


Không yêu nữa thì cứ nói thẳng thắn, trung thực, hơn nữa cô ta đã biết quan điểm của tôi về chuyện này rồi cơ mà...


Nước mắt giàn giụa, toàn thân run rẩy, Anboghin trút hết nỗi lòng mình với bác sĩ. ông ta sôi nổi nói, hai tay ấp bên trái tim, không một chút do dự kể lại hết những chuyện kín trong gia đình và hình như còn có vẻ vui mừng rằng cuối cùng những điều bí mật ấy đã thoát ra khỏi lồng ngực của ông ta. Nếu ông ta cứ dốc bầu tâm sự như thế hết giờ này sang giờ khác thì chắc ông ta sẽ cảm thấy lòng mình dịu đau.. Có lẽ nếu bác sĩ nghe Anboghin nói, nếu bác sĩ đem tình bạn bè mà cảm thông với ông ta và, có lẽ như vẫn thường xảy ra, có thể là ông ta sẽ nhẫn nhục chịu đựng nỗi đau khổ của mình mà không làm những điều xuẩn ngốc vô bổ... Nhưng mà chuyện đã xảy ra theo hướng khác.


Trong khi Anboghin nói, người bác sĩ bị xúc phạm thay đổi rõ rệt. Vẻ lãnh đạm, kinh ngạc trên nét mặt dần dần nhường chỗ cho một cảm giác tủi hờn cay đắng, uất ức, giận dữ. Nét mặt bác sĩ trở nên khó đăm đăm, cau có, khắc nghiệt hơn. Khi Anboghin đem đến cho bác sĩ xem tấm ảnh người phụ nữ trẻ với khuôn mặt đẹp, nhưng khô khan, nhạt nhẽo như khuôn mặt một nữ tu sĩ và hỏi bác sĩ rằng liệu có thể nhìn khuôn mặt như từ này mà lại nghĩ rằng nó có khả năng thể hiện tính lừa đảo hay không, thì bác sĩ bỗng chồm dậy, mắt sáng quắc và nói dần từng tiếng một cách lỗ mãng:


— Ông nói tất cả những điều này với tôi làm gì? Tôi không muốn nghe... Không muốn nghe! — bác sĩ hét lên và đấm mạnh tay xuống bàn. — Tôi không cần đến những chuyện kín tầm thường của ông, đem mà quẳng cho quỉ đi! Ông đừng cả gan nói những chuyện nhảm nhí đó với tôi? Hay là ông nghĩ rằng tôi bị xúc phạm còn ít quá chăng? ông coi tôi là một kẻ hầu hạ mà người ta có thể lăng mạ đến cùng cực? Phải thế không?


Anboghin bước lùi lại và kinh ngạc nhìn Kirilov chằm chằm.


— Vì lẽ gì ông lại đưa tôi đến đây? — bác sĩ nói tiếp, bộ râu rung rung. — Nếu ông đã rửng mỡ mà lấy vợ, rồi lại rửng mỡ mà kén chọn chê bai, rồi dựng ra những màn kịch u buồn sướt mướt thì chuyện này dính dáng gì đến tôi? Tôi có liên quan gì đến những mối tình của ông? Ông hãy để cho tôi yên. Hãy tập làm những cái trò ấy trong cái giới giàu sang quyền quí của ông, hãy làm bộ làm tịch bằng những lý tưởng nhân đạo, hãy chơi (bác sĩ liếc mắt nhìn cái hộp đựng đàn cello) — hãy chơi đàn contrebass và thổi kèn trombon đi, và phát phì ra như gà trống thiến nhưng hãy đừng cả gan xúc phạm đến nhân cách con người? ông không biết tôn trọng nhân cách thì xin ông hãy tha cho nó tránh khỏi sự quan tâm của ông.


— Xin lỗi, nhưng mà tất cả những điều này nghĩa là thế nào? — Anboghin hỏi, mặt đỏ bừng.


— Có nghĩa rằng ông đã đem con người ra để chơi một trò chơi hèn hạ, đê tiện như vậy? Tôi là một bác sĩ, chắc ông coi các bác sĩ nói chung là những người làm công, những người không tỏa mùi nước hoa và mùi gái điếm, là những kẻ hầu hạ, những kẻ vô giáo dục, thì ông cứ việc coi là thế đi, nhưng không một ai cho ông cái quyền biến con người đang đau khổ thành một đồ vật trên sân khấu.


— Sao ông lại dám nói với tôi như vậy? — Anboghin hỏi nhỏ, bộ mặt ông lại biến sắc đi và lần này thì trắng bệch vì tức giận.


Không đâu. Tại sao ông biết tôi đang có tang mà lại còn đưa tôi đến đây để nghe những chuyện nhảm nhí? — Bác sĩ rít lên và lại đấm tay xuống bàn. — Ai cho ông quyền giễu cợt nỗi đau khổ của người khác?


— Ông mất trí rồi? — Anboghin hét lên. — Thật là không rộng lượng chút nào! Bản thân tôi cũng vô cùng bất hạnh và... và...


— Bất hạnh, — bác sĩ khinh bỉ cười khẩy. — Xin ông đừng động đến chữ ấy, nó không dính dáng gì đến ông sất Những kẻ không vay đâu được tiền cũng tự cho mình là bất hạnh, con gà trống thiến có thừa mỡ cũng bất hạnh. Thật là những kẻ thảm hại, nhỏ nhoi.


— Thưa ngài, ngài thiếu lịch sự rồi! — Anboghin cao giọng rít lên. — Vì những câu nói như thế... người ta đánh cho nên thân đấy! Ông hiểu chưa?


Anboghin vội vã thọc tay vào túi bên, lấy ví ra, rút hai tờ giấy bạc rồi ném ra giữa bàn.


— Đây tiền công trả cho chuyến đi của ông đấy — ông nói, đôi cánh mũi phập phồng. — Tôi đã thanh toán xong với ông.


— Ông không thể đưa tiền ra mà thí cho tôi! — bác sĩ thét lên, giơ tay gạt phắt mấy tờ giấy bạc xuống nền nhà. — Người ta không thể dùng tiền trả giá cho sự lăng mạ được.


Anboghin và bác sĩ đứng đối mặt và trong cơn tức giận họ tiếp tục tuôn ra những lời xỉ vả không đáng có Có lẽ chưa bao giờ trong đời, ngay cả lúc mất trí, họ lại từng nói nhiều lời vô lý ác độc và xuẩn ngốc đến như vậy. Cả hai người đều lộ rất rõ sự ích kỷ của những người bất hạnh. Những kẻ đang chịu đau khổ thường ích kỷ, ác độc, thiếu tỉnh táo, nghiệt ngã và ít khả năng hiểu nhau hơn cả những người đần độn. Nỗi đau khổ đã không làm xích gần họ lại mà ngăn cách họ ra, ngay cả ở trong những trường hợp tưởng rằng phải gắn liền với nhau vì đau khổ thì họ đã làm những điều không công bằng, khắc nghiệt nhiều hơn so với người tương đối bình yên.


— Thôi được rồi, đưa tôi về nhà ngay! — bác sĩ vừa nói to, vừa thở hổn hển.


Anboghin rung mạnh chuông. Không thấy ai đi ra, ông lại rung chuông lần nữa và cáu kỉnh ném chuông xuống nền nhà; chuông đập vào tấm thảm và vang ra ai oán hệt như một tiếng rên rỉ trước giờ tận số. Một người hầu xuất hiện.


— Các người trốn đi đâu hả, quỉ tha ma bắt cả rồi sao? — Ông chủ đâm bổ về phía người hầu, hai bàn tay nắm chặt. — Vừa nãy mày đi đâu? Đi mà bảo thằng xà ích đưa đến cho ngài này một chiếc xe bốn bánh, và phần ta thì sửa soạn một chiếc xe có mui nghe chưa! Đứng lại đã? — Anboghin hét lên khi người hầu đã quay lưng đi. — Ngày mai lũ phản bội phải cút đi hết rõ chưa! Cút đi ráo! Tao sẽ mướn bọn mới! Đồ hèn hạ!


Trong khi chờ xe, cả Anboghin và Kirilov đều im lặng. Vẻ lịch thiệp sang trọng, vẻ no đủ đã trở lại trên gương mặt, dáng điệu của Anboghin. Ông ta đi đi lại lại trong phòng khách, đầu hơi lắc lắc chắc là đang theo đuổi một ý nghĩ gì. Cơn tức giận vẫn chưa lắng xuống, nhưng ông ta cố làm ra vẻ không thấy kẻ thù của mình... còn bác sĩ thì đứng yên, một tay nắm lấy mép bàn và nhìn Anboghin với một cảm giác khinh bỉ sâu xa, có phần trắng trợn, không đẹp mặt, một kiểu nhìn chỉ có ở những người đang đau khổ, không nơi nương tựa khi trông thấy trước mắt mình hiện thân của sự no nê, sang trọng.


Không lâu sau, khi đã ngồi vào xe ngựa, và xe đã chuyển bánh, bác sĩ vẫn còn ngoái nhìn theo với vẻ đầy khinh miệt. Ngoài trời tối đen, tối hơn nhiều so với một giờ trước. Vành trăng lưỡi liềm đỏ lựng đã lặn khuất sau đồi, và những đám mây canh giữ mặt trăng ban nãy đang kéo thành những vệt đen bên những vì sao. Chiếc xe có mui lập loè ánh lửa màu đỏ lách cách lăn nhanh trên đường rồi vượt lên trên xe chở bác sĩ. Đó là Anboghin lên đường đi kiện cáo, làm những trò ngu xuẩn...


Suốt dọc đường, bác sĩ không nghĩ đến vợ, đến Andrey, mà nghĩ đến Anboghin và những kẻ sống trong ngôi nhà mà ông vừa đi khỏi. Ý nghĩ của ông vừa không công bằng, vừa tàn nhẫn quá đáng. Ông kết tội cả Anboghin, cả vợ ông ta, cả Paptsinski, và tất cả những người sống trong ánh đèn mờ mờ hồng hồng, thơm mùi nước hoa; suốt dọc đường bác sĩ căm ghét họ và khinh bỉ đến mức trái tim thắt lại đau đớn. Và trong đầu óc ông, đã hình thành một định kiến không gì thay đổi về những con người ấy.


Thời gian sẽ qua đi, nỗi khổ của Kirilov cũng qua đi nhưng cái định kiến không công bằng, không tương xứng với trái tim con người, sẽ không biến đi và mãi mãi còn lại trong tâm trí người bác sĩ cho đến khi yên nằm dưới mộ.

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...