Động cơ vĩnh cửu (15)

Tôi hít mùi dễ chịu, từ từ ngước mắt, rồi vẫn giữ nguyên tư thế, ngước đầu lên.


Cô gái ấy hai tay đang đỡ một cái va li chắc là nặng lắm đang cập kiêng ở giá để hành lý ở trên đầu, còn hông thì kề ngay vào mũi tôi: bối cảnh bất tiện nên cô cố tránh, nhưng tư thế bất tiện nên cô khó tránh, và cô lúng túng và đã cảm thán gì đó.


Chắc không phải tôi vẫn đang tìm cách biện minh, mà quả thực con người là giống quay quắt: hầu như ngay tức khắc tôi đã quên sạch không phải chỉ nỗi buồn mới ngay đây thôi còn đè nặng trong lòng, mà cả trí nhớ về việc mình đã buồn. Thực ra, không phải là ngượng nên cố kể thêm đâu, vào đúng thời điểm ấy, ngay trước lúc mất hẳn trí nhớ về việc mình đã buồn, đúng là tôi vẫn còn bị buồn thêm một chút: do ý nghĩ về việc “con người là giống quay quắt”, nhưng chỉ thoáng cái, rất một chút thôi. Tôi đã thấy mình, ngay lập tức: tươi vui, xởi lởi, nhã nhặn, — tất cả đều rất thật, — đang trông thì như cố tránh, nhưng thực ra lại đang cố tình cà cánh tay trần của mình vào cánh tay mặc áo cộc của cô gái lạ, kiễng chân vòng tay qua đầu cô, cà cằm vào tóc cô, đỡ hộ, thò một tay dồn lại — hơi thô bạo — những hành lý khác trên giá, và xếp gọn gàng vào trên đấy chiếc va li da màu nâu sờn tróc cũ kỹ với những đường gờ được máy bằng những sợi chỉ to cộ, khóa và tay xách lủng cà lủng củng — loại va li cổ lỗ không biết đã được làm ra từ đời nào, chắc đã dùng để đựng đồ chán chê suốt từ hồi bố cô còn trẻ bằng cô bây giờ.


— Cảm ơn anh... — Tiếng “cảm” bị xuống sề, tôi đụng chạm, tôi đã làm rối cả tóc cô, và cô bối rối, nhưng cô cố tỏ ra là không bối rối, nên cô cười vừa tươi, lại vừa gượng gạo, nên thoáng chút ngây ngô.


Phía bên kia nắng gắt, chỗ ngồi trước mặt tôi lại trống, nên nàng chuyển sang đây — tôi đoán thế. Nhìn “toàn cảnh”, thì tôi hiểu ra ngay cách cười của nàng.


Chuyện gì thường xảy ra trong nhận thức khi một người nhà quê ra tỉnh, hoặc khi một người Việt Nam ra nước ngoài?.. Mà không, ý tôi thực ra không phải thế, nói thế các bạn ra Trung, Nhật, Hàn, Xinh, Mã, Thái, Lào... đại khái thế lại dễ bị ngộ nhận — những chỗ đấy, nhiều thứ tôi thấy ngu và xấu hơn Hà Nội nhiều — tôi muốn nói Hà Nội thật, chứ không phải Hà Nội “địa lý” bây giờ. Ý tôi cụ thể là khi một người Việt Nam ra châu Âu.


Phi Long nghiên cứu, và hiểu về cơ chế bộ nhớ của con người, và đã giải thích cho tôi, và tôi bị thuyết phục, là một người bình thường thì không thể có cách gì xóa tất cả những gì đã học để thay bằng cái mới. Thông tin mới không thay vào chỗ đã có thông tin cũ, không cóp đè lên, mà chỉ thêm nữa vào. Tức là không thể có sự “đổi” mới, chỉ có thể thiết lập một sự liên kết hợp lý thế nào đó giữa những mảng thông tin cũ và mới. Những người thông minh, những bậc uyên bác, uyên thâm, một cách tự nhiên, tự người ta — đa phần — cũng không biết, vẫn làm rất tốt việc này. Còn đa số mọi người thì không làm như vậy, mà làm theo một cách hoàn toàn khác.


Em đi tỉnh về, thì hương đồng gió nội, không ít không nhiều, không hề bay đi, chỉ nằm thở.


Khi một người Việt Nam “đa số” ra châu Âu, thì trong nhận thức của người này, mảng thông tin “Châu Âu” sẽ được xếp vào một chỗ tương đối cô lập với mảng thông tin “Việt Nam” đang có. Tương tự khi một người nhà quê “đa số” ra tỉnh — mảng “Tỉnh” sẽ cô lập với mảng “Quê”.


Và khi phải suy nghĩ, người này sẽ “đu dây” qua lại giữa các mảng nói trên.


Chuyện này hoàn toàn không khó nhận ra. Với một người Việt Nam ra châu Âu, thì mảng “Việt Nam” là mảng gốc — nó sâu xa và rộng lớn một cách tự nhiên; còn “Tây” là mảng mới — nói chung nó còn nghèo nàn và nhiều ngộ nhận. Nhưng thực tế có rất nhiều người hay “đu dây” sang mảng “Tây” và “vắt vẻo” ở đó để nói về mảng “Việt Nam”. Và ngược lại.


Những người thật sự hiểu biết nói chung, chỉ cần nghe những người “đu dây” này một tí, thì sẽ nhận ra ngay nhiều thứ ngây ngô phiến diện. Những người hiểu “cơ chế” như tôi, thì còn hiểu thêm vì sao họ lại ngây ngô phiến diện như thế.


Còn “Tỉnh” và “Quê”?


Con người bối rối là theo cơ chế tự nhiên. Nếu nàng ở đúng mảng “Quê”, thì nàng sẽ bối rối đơn giản, sẽ đỏ mặt, sẽ e thẹn... — từ nhỏ nàng vẫn bối rối như thế. Nhưng lúc ấy, có lẽ một phần là do trước mặt nàng đang có một người đẹp trai như tây, nên nàng đã vội “đu dây” ngay sang mảng “Tỉnh”. Và “vắt vẻo” ở mảng “Tỉnh” vẫn còn “nghèo nàn và nhiều ngộ nhận”, nàng nghĩ là “Tỉnh” thì sẽ không bối rối trong trường hợp này.


Nụ cười lẽ ra tươi, duyên, thẹn thùng, e lệ... vì thế bị trở thành như trên.


Nàng có cơ thể khỏe mạnh và mùi dễ ngửi tự nhiên của một người lao động sạch sẽ, vừa rồi tôi đã kịp xác định là nàng cao và có một tỉ lệ “lưng — chân” hợp lý; nhược điểm lớn nhất về hình thể là đôi chân mặc dù thẳng nhưng hơi “vơ rạ” — tôi đã nói là “cảm” bị xuống sề.


Ở trên, nàng mặc một cái áo màu giấy gió, — cũng có thể tả là màu trắng bị thoái hóa, mà chính xác nhất là màu vàng nhạt bị bạc đều, — vải bông mỏng dúm dúm không phẳng, tay cộc nhiều và bó, áo đuôi tôm, hơi ngắn và chật, cổ áo to, cài cao, hai túi ngực nhỏ, có nắp được cài cúc, — chắc nàng đã mặc nó từ lứa tuổi trước, hồi những năm cuối phổ thông.


Ở dưới, nàng mặc quần bò màu xanh lính thủy bạc, “hơi thô tháp và có mùi khó xác định nhưng dường như rất dễ chịu quệt ngang vào mũi tôi”, hình như hơi rộng, và như thế này chắc Nhật Linh sẽ gọi là ống vảy. Bàn chân thò ra hơi đen đúa nhưng móng chân trong trẻo được cắt cẩn thận, dép cao gót có những sợi quai màu vàng líp-tông và đen bóng tết lẫn và chặt chẽ vào nhau.


Bề ngoài, cánh tay nàng trông còn khỏe mạnh hơn cánh tay tôi. Mái tóc nàng đen mướt và dài đến huyệt Mệnh Môn, buộc túm đằng sau bằng một vòng — chắc là vòng đúp — sợi len bông bông có hai màu trắng và thiên thanh.


Mặt nàng toàn những nét đẹp nhưng phần lớn được trình bày theo cách hoặc là cục mịch hoặc là sáo rỗng.


Cục mịch?


Những người sinh ra và lớn lên ở chỗ có tuyết, có nhiệt độ âm, có nhiều sương mù; trong huyết quản có những nét lạnh lùng và kiêu sa nhiều đời; dùng trí tuệ, lời thi ca, giai điệu âm nhạc, âm thanh chọn lọc, khơi dậy được những cảm giác thật sự sâu xa và đĩnh đạc đang ngủ say ở đâu đó ở bên trong nhiều những người khác, — đấy là Rốc.


Còn một người sinh ra và lớn lên ở chỗ nóng và lăng xăng, trong huyết quản giàu chất Trạng, trí lực chỉ đủ để đỗ vào Phổ thông cấp bốn xây dựng Việt Nam, chân ngắn và vòng kiềng mặc quần da đứng dạng háng, khom đít cố hét vào mi-cờ-rô những âm thanh khàn đục... — đấy không phải Rốc. Đấy là người đang bắt chước ễnh ương.


Những người sinh ra và lớn lên ở chỗ có sinh khí tươi mới của mùa Xuân, có dương quang trưởng thành của mùa Hạ, có cái man mác, hẫng hụt, xao xuyến, lấy đi, mất mát của mùa Thu, có cái thấm thía, sâu xa, tàng chứa của mùa Đông; trong huyết quản vẫn còn chữ “Nho”; dùng câu từ chọn lọc, trau chuốt, du dương, súc tích, hàm chứa, làm sống dậy những cảm xúc tinh tế đang ngủ quên đâu đó sâu trong tâm hồn nhiều người khác, — đấy là Thơ.


Còn một người sinh ra và lớn lên ở chỗ quanh năm nắng rọi vào đầu; trong huyết quản mang máng còn lưu lại phương cách biểu cảm hầu như duy nhất của ông cha là đứng giữa đồng rộng và hét to lên; ngồi uống bia bốn độ với đá, vò đầu bứt tóc cố viết những câu ngắn và liên tục xuống dòng, — đấy không phải Thơ. Đấy là người đang bắt chước ống bô xe máy.


Rồi còn Gái viết chuyện ngụ ngôn...


“Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô” — Trong hình ảnh một người con gái cầm bút chấm vào lọ mực để viết chuyện ngụ ngôn, chúng ta nhìn thấy một ngọn cỏ đang chấm vào một cái cơi trầu.


“Cỏ này ai têm? — Con gái già têm.” — Đấy là truyện cổ tích?


Còn sáo rỗng?


Trê-khốp có lần nói với một người trẻ tuổi về Goóc-ki:


— “Biển cười vang”. Các cậu, tất nhiên, sẽ thích thú lắm!.. Đấy, cậu đọc “biển cười vang” và cậu dừng lại. Cậu nghĩ rằng cậu dừng lại là vì nó hay và giàu nghệ thuật. Không phải thế đâu! Cậu dừng lại đơn giản là vì cậu lập tức không hiểu, cái đấy làm sao lại có thể như thế: biển — và tự nhiên lại cười vang?.. Biển không cười, không khóc, nó ồn ào, bắn nước lên, lấp lánh... Hãy xem Tôn-xtôi viết: mặt trời mọc, mặt trời lặn... chim hót... Không ai nức nở và cười đùa. Mà quả thật đấy chính là cái chính nhất...


Trong Luận Ngữ, Khổng Tử viết: “Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử, văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử.”


Một người, dù cho có nhiều đặc điểm tốt đến đâu, mà thiếu phần thanh nhã, thì cũng còn lâu mới thành người hay và đẹp. Nhưng thời Khổng Tử, nói về Người quân tử — cho dù người nói là Khổng Tử — thì tức là hoàn toàn không nói một tí gì đến Gái. Cho nên, cái luận “quân tử” trên, mặc dù tôi thấy rất là chân lý khi đem áp dụng không chỉ cho “Người Quân Tử” — là người rất hay và đẹp, — mà còn cho nhiều những thứ cần được nói về hay và đẹp khác: như một cuốn truyện, một bài thơ, một bản nhạc, một bức tranh... nhưng lại không nhất thiết phải đúng khi mang áp dụng với Gái.


Gái dường như — hay chỉ với tôi — là một ngoại lệ. Bất chấp “chất” hay “văn”. Theo tôi ở Gái có một số thứ mà chỉ cần chúng đẹp, là Gái sẽ luôn luôn hay và đẹp.


Tiếng hát át tiếng bom. Và nàng là gái hay và đẹp!


Tôi mới vừa kịp nghĩ như thế... thì, hệt như kỹ năng của một người chơi thể thao chuyên nghiệp, — tôi từng ham chơi nhiều môn thể thao, và, biết trước là sẽ không chuyên, môn nào tôi cũng cố để chơi thuộc loại khá nhất ở mức không chuyên, vì luôn có một khoảng cách lớn giữa chuyên và không chuyên; nên tôi thường tham gia chơi ăn tiền, thường là ăn nhiều, cho nó có động lực, để tiến bộ cho nhanh; mà đã chơi ăn tiền, thì dù nhiều hay ít tiền, cũng luôn sẽ có những lúc căng thẳng; có lúc tôi xử lý tốt, có lúc tôi cóng và làm sai; được một hồi thì tôi thấy rất tò mò về tình trạng tâm lý của mình vào những thời điểm đó; và tôi tìm cách đánh bạn với những người chuyên nghiệp, có cả những người là gái, chủ yếu không phải để học chơi, mà để tìm hiểu diễn biến tâm lý của họ khi thi đấu; và rồi tôi vỡ ra là có nhiều suy nghĩ xử lý tình huống của một người chơi không chuyên sẽ được một người chơi chuyên nghiệp thay thế bằng các kỹ năng “không cần nghĩ”: bóng nhú lên như thế, họ sẽ vụt như thế, vì họ đã tập vụt hàng tỉ lần bóng kiểu như thế, đến mức cái đấy đã trở thành phản xạ tự nhiên, như đại ca Lý Tử Long từng mô tả “thân thể tôi sẽ tự đánh”, sai số vẫn có, nhưng nhỏ, — tôi thấy tay tôi đã tự động thảy cái điện thoại di động bằng một động tác thuần thục trông như lỡ xảy tay, đồng thời trong đầu tôi lập tức có ý nghĩ đánh vần rất rành rọt “ngài dùng tay áo gạt rơi đôi đũa xuống đất...”; rồi cả người tôi lóng cóng chúi xuống, tay tôi luống cuống như muốn hứng lấy cái điện thoại — “rồi vờ cúi xuống nhặt lên...”; và một người trong lúc “giật mình” như thế... cái điện thoại văng tọt qua giữa hai chân nàng — nàng mới ngồi xuống, mông vừa chạm ghế, còn chưa kịp khép chúng lại — và tôi cứ quá đà chúi theo, giống như bị ngã, tay thì nhoai vào trong gầm ghế, chân hơi bị trượt, đầu gối khuỵu xuống, còn má bên phải thì đã ấp ngay lên đùi nàng — “đồng thời lấy tay vuốt nhẹ cẳng chân cô ta...”; tôi nghe thấy nàng thở ra một cái hơi mạnh, đùi hơi giật nhẹ một cái, nhưng vẫn để im, và cứ để im như thế suốt trong lúc tay tôi quờ quạng sờ tìm cái điện thoại dưới gầm ghế; tôi tìm thật, sờ thấy điện thoại liền đứng lên ngay — chứ không lạm dụng, — bối rối, lẩm bẩm gì đấy, — xin lỗi, nhưng không ra tiếng, cho nó giống ngượng ngùng, — nhìn nàng và thấy nàng hơi đỏ mặt, có vẻ lúng túng, nhưng hiền — “nếu cô ta không nói gì tức là công việc mười phần hoàn hảo!”


Là Kim Bình Mai.


(Còn tiếp)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...