Ru-xi-a

RUXIA

(I-van Bu-nhin)






Quá mười giờ tối, tàu tốc hành Mátxcơva — Xêvaxtôpôn dừng lại một ga nhỏ gần Pôđônxcơ, nơi lẽ ra nó không phải đỗ — nó phải chờ gì đó ở đường thứ hai. Trên tàu một ông và một bà bước gần lại cánh cửa sổ đã hạ xuống ở toa hạng nhất. Có một người phục vụ toa đi qua đường ray, tay giơ cao chiếc đèn đỏ; bà nọ bèn hỏi:


— Này ông, sao chúng tôi lại phải dừng thế này?


Người phục vụ toa trả lời rằng đoàn tàu tốc hành chạy ngược chiều bị chậm.


Trên ga trời tối, cảnh vật trông buồn tẻ. Hoàng hôn xuống đã lâu, nhưng ở phía tây, khuất xa sau ga, sau cánh đồng xen lẫn rừng, vẫn còn thấp thoáng ánh chiều hè Mátxcơva tắt muộn. Mùi nước đầm ẩm thấp thoáng tới cửa sổ. Trong khoảng không yên ắng từ đâu vọng tới tiếng cuốc kêu đều đều, nghe dường như có mùi vị ẩm ướt.


Ông hành khách nọ tỳ khuỷu tay lên cửa sổ, còn bà thì tựa vào vai ông.


— Có lần anh dang sống ở vùng này vào dịp nghỉ hè, — ông nói.


Dạo ấy anh làm gia sư tại một trang ấp dành để ở mùa hè cách đây chừng năm dặm. Một vùng buồn tẻ. Rừng thưa thớt, có chim ác là, muỗi và châu chấu. Chẳng có cảnh đẹp nào. Ở trang ấp muốn ngắm nhìn chân trời phải leo lên gác nhỏ. Ngôi nhà tất nhiên là xây theo phong cách nhà nghỉ Nga, trông rất tiêu điều, — chủ nhân bị phá sản mà — sau nhà là khu đất na ná như vườn, sau vườn không hẳn là hồ, không hẳn là đầm mọc đầy cỏ gấu, cùng hoa súng, và hiển nhiên là có một chiếc thuyền đáy bằng đậu cạnh bờ lầy.


— Và tất nhiên là còn một cô nàng buồn tẻ ở nhà nghỉ, người mà anh đã cùng bơi thuyền dạo chơi trên đầm này nữa chứ!


— Đúng thế, đã có những gì phải có. Tuy nhiên cô nàng thì hoàn toàn không buồn tẻ chút nào. Anh bơi thuyền cho cô ấy đi chơi thường là về đêm, và mọi chuyện xem ra còn có vẻ thơ mộng nữa là khác. Suốt đêm trời phía tây cứ sáng nhờ nhờ pha màu xanh lục, và ở tít đường chân trời có cái gì leo lét cháy như lúc này đây... Mái chèo thì có mỗi một cái mà lại giống như cái xẻng, anh đã chèo thuyền như một kẻ mọi rợ — khi thì chèo bên phải, khi thì bên trái. Ở bờ bên kia có khoảnh rừng cây nhỏ nên tối sẫm, nhưng sau cánh rừng ấy sốt đêm cứ có cái màu sáng nhờ nhờ lạ lùng như thế này. Chung quanh là cảnh yên lặng tuyệt đối — chỉ còn nghe tiếng muỗi vo ve và châu chấu bay. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng đêm đêm chúng lại bay như thế, — hóa ra là chúng bay để kiếm tìm cái gì đó. Đáng sợ thật đấỵ


Cuối cùng thì đoàn tàu ngược chiều cũng đã tới, nó xé gió ầm ầm chạy qua, các ô cửa sáng ánh đèn kéo thành một dải vàng. Toa tàu trên đường bên này lập tức chuyển động. Người phục vụ toa bước vào ngăn buồng nhỏ, châm đèn lên và soạn giường ngủ.


— Thế rồi giữa anh với cô ta đã có chuyện gì xảy ra vậy? Một thiên tình sử thật sự chứ? Sao anh chưa bao giờ kể với em về cô ta? Cô ta trông người thế nào?


— Người cao cao, gầy gầy. Mặc xaraphan [1] hoa vàng, chân không tất đi hài sảo đan bằng thứ len đủ màu.


— Thế nghĩa là cũng theo phong cách Nga chứ?


— Anh cho rằng theo phong cách nghèo túng thì đúng hơn. Không có gì mặc thì đành mặc xaraphan vậy. Thêm nữa cô ta còn là họa sĩ, học ở trường trung cấp mỹ thuật Xtơrơganốp. Bản thân cô ấy trông cũng rất đẹp, đáng được họa lại, thậm chí còn có nét Đức Mẹ. Bím tóc đen dài thả ra sau lưng, khuôn mặt bầu bĩnh với những nét ruồi nhỏ, mũi cao thanh tú, mắt đen, lông mày đen... Mái tóc khô cứng, hơi xoăn xoăn. Tất cả những nét ấy bên cạnh chiếc xaraphan và cái áo cánh lót bằng vải trắng mỏng, khiến cô ấy trông thật đẹp. Bắp chân và mu bàn chân lộ ra trên đôi hài sảo thon gầy, làn da mỏng mịn.


— Em biết típ này rồi. Hồi đi học em cũng có một cô bạn như thế. Chắc là có máu tâm thần hít-xtê-ri chứ gì.


— Có thể thế lắm. Thêm nữa gương mặt cô ta trông giống mẹ, mà mẹ thì dòng giống xuất thân vốn là một tiểu thư phương Đông mắc bệnh gì đó đại loại như là bệnh trầm cả. Chỉ đến bữa ăn mới xuất hiện. Bước ra, ngồi xuống, và im lặng húng hắng ho, không nhìn lên và cứ đặt đi đặt lại dao đĩa. Còn nếu bất ngờ bà ta lên tiếng thì nói rất to khiến mọi người phải giật thót.


— Thế còn ông bố?


— Ông ta cũng ít nói và khô khan, người cao dong dỏng, là sĩ quan về hưu. Chỉ có cậu con trai anh dạy thêm là giản dị và đáng yêu.


Người phục vụ toa bước ra khỏi căn buồng, nói rằng giường nằm đã chuẩn bị xong xuôi và chúc ngủ ngon.


— Tên cô ta là gì?


— Ruxia.


— Nguyên cả tên là thế nào?


— Rất đơn giản thôi — Maruxia.


— Thế rồi sao nữa, anh phải lòng cô ta như điếu đổ chứ?


— Tất nhiên, dường như mê kinh khủng nữa là khác.


— Thế còn cô ta?


Ông im lặng một lát rồi trả lời, giọng khô khốc:


— Chắc là phía cô ấy cũng cảm thấy như vậy. Nhưng thôi đi ngủ thôi. Cả ngày hôm nay anh mệt lắm rồi.


— Tuyệt thật đấy. Anh chỉ vô tình gợi chuyện thế thôi. Nào, anh hãy kể đôi ba câu cũng được, thiên tình sử giữa hai người đã kết thúc như thế nào?


— Chẳng thế nào cả. Anh rời khỏi chỗ đấy và mọi chuyện kết thúc.


— Sao anh không cưới cô ta?


— Thì cứ cho là anh rút súng ra tự sát, còn cô ta, thì tự đâm dao vào bụng...


Họ rửa mặt, đánh răng rồi vào trong ngăn buồng chật hẹp, cởi bỏ quần áo. Với vẻ khoan khoái của kẻ đi đường, họ nằm vào tấm vải lót thơm láng bóng, gối đầu lên tấm gối cũng như vậy; chiếc gối chốc chốc lại bị trượt đi vì đầu giường dốc cao.


Ô khoan tròn nhỏ màu xanh tím phía trên tấm cửa như đang lặng lẽ nhìn xuống bóng tối. Bà hành khách lát sau đã yên giấc, còn ông thì chỉ nằm không ngủ, châm thuốc hút và nhớ lại mùa hè năm ấy...


Trên mình nàng cũng có nhiều nốt ruồi nhỏ — đặc điểm này thật là khả ái. Nàng đi giày mềm không có gót cao, nên toàn thân nàng uyển chuyển dưới chiếc xaraphan. Xaraphan may rộng, vải nhẹ mỏng choàng lấy tấm thân trinh nữ dong dỏng của nàng. Có lần nàng bị mưa ướt hết cả chân, nàng chạy từ vườn vào phòng khách, còn anh thì bổ tới cởi giày cho nàng, và hôn lên mu bàn chân nhỏ ướt nước mưa của nàng — cả đời anh chưa khi nào có được niềm hạnh phúc như thế. Cơn mưa thanh mát, ngát hương thơm mỗi lúc một thêm nặng hạt, đổ mau ngoài cửa thông ra ban công để mở. Trong nhà tôi tối, mọi người đều ngủ say sau bữa trưa — và cả nàng lẫn anh đều được một phen khiếp đảm khi con gà trống màu đen pha lẫn mảng lông xanh mượt, màu đỏ to bỗng từ vườn chạy vào, móng vuốt gõ lạch cạch lên sàn nhà đúng vào cái phút say mê nhất, khi cả hai đều không còn biết thận trọng giữ gìn. Nhìn thấy hai người bật dậy từ đivăng, nó vội vàng cúi mình bỏ chạy ra ngoài mưa như thể vì giữ lịch sự, bộ lông đuôi bóng mượt của nó cụp xuống...


Thời gian đầu, nàng như còn để ý quan sát anh; khi anh nói chuyện với nàng, gương mặt nàng ửng đỏ và nàng trả lời với giọng làu bàu giễu cợt, khi ngồi ăn nàng thường hay chọc tức anh bằng cách nói to với bố:


— Đừng mời anh ấy ăn bố ạ, vô ích thôi. Anh ấy không thích bánh mằn thắn đâu. Thêm nữa, cái món súp lạnh cũng không ưa, mì dẹt cũng chán, sữa chua đặc thì khinh, còn phomát tươi thì căm ghét.


Sáng sáng anh bận dạy học cho cậu bé, còn nàng thì bận nội trợ — mọi việc trong nhà đều đến tay. Mọi người thường ăn trưa vào một giờ, sau bữa trưa nàng bỏ về phòng mình trên căn gác nhỏ, hoặc nếu trời không mưa thì đi vào vườn, nơi nàng đặt giá vẽ dưới cây bạch dương, nàng vừa vẽ từ cảnh thật, vừa xua muỗi. Sau đó nàng bước ra ban công, nơi sau bữa trưa anh thường ngồi đọc sách trong chiếc hế bành đan bằng cói, lưng ngả về phía sau. Nàng đứng bên cạnh, tay chắp ra sau lưng và nhìn anh vơi nụ cười khẩỵ


— Xin cho biết anh đang bồi bổ kiến thức uyên bác nào thế?


— Lịch sử cách mạng Pháp.


— Chà, chao ơi! Không ngờ rằng trong nhà chúng tôi lại có một nhà cách mạng!


— Sao cô lại bỏ cái nghề hội họa của cô thế?


— Sắp tới cũng đến phải bỏ hẳn thôi. Tôi đã tin chắc mình là kẻ bất tài


— Nhưng cô thử cho tôi xem một bức ảnh nào đó mình vẽ xem nào.


— Anh cho rằng anh cũng hiểu biết ít nhiều về mỹ thuật sao?


— Cô tự ái quá đáng đấy.


— Cũng có cái tật như thế....


Cuối cùng thì nàng gợi ý anh cùng bơi thuyền trên hồ. Nàng quả quyết nói:


— Hình như mùa mưa vùng nhiệt đới chúng ta đã qua rồi. Ta phải giải trí chứ. Quả tình mà nói cái thuyền của nhà tôi khá ọp ẹp, đáy có lỗ thủng, nhưng tôi và Pêchia đã lấy cỏ gấu bịt hết các chỗ thủng rồi...


Hôm ấy trời nóng nực oi bức, đám cỏ mọc ven bờ xen lẫn những bông hoa quáng gà màu vàng như bị hun lên bởi cái nóng ẩm ướt, trên đó thấy bò lổm ngổm vô số sâu bướm nhỏ màu xanh nhàn nhạt.


Anh đã học được cái giọng diễu cợt thường xuyên của nàng; bước đến gần thuyền, anh nói:


— Cuối cùng thì cô đã chiếu cố tới tôi!


— Cuối cùng thì anh đã tập trung được ý nghĩ để trả lời tôi! — Nàng hăng hái nói và nhảy lên mũi thuyền làm đàn ếch nhái từ bốn phía nhảy rào rào xuống nước. Nhưng rồi nàng bỗng hét lên thất thanh và nắm lấy gấu xaraphan kéo lên tận đầu gối, hai chân đập đập xuống:


— Rắn! rắn!


Anh nhìn thóng thấy đôi chân trần mềm mại trắng ngần của nàng, giật lấy mái chèo từ mũi thuyền đập vào con rắn đang bò ngoằn ngoèo trong đáy thuyền. Khều được rắn vào đầu mái chèo, anh quẳng nó xuống nước thật xạ


Mặt nàng tái mét, nốt ruồi trên mặt nàng trông như sẫm màu hơn, mái tóc và cặp mắt đen huyền dường như đen thêm. Nàng thở phào nhẹ nhõm:


— Chao, sao mà khiếp vậy! Chẳng thế mà chữ “kinh sợ" lại phát sinh từ chữ “rắn”. [2] Ở vùng này đâu cũng thấy chúng, trong nhà ngoài vườn... Thế mà anh thử hình dung xem, Pêchia lại cầm rắn trên tay đấy!


Lần đầu tiên nàng nói với anh bằng giọng bình thường, không kiểu cách, lần đầu tiên họ nhìn thẳng vào mắt nhau.


— Anh tài thật đấy! Anh đập nó trúng thế!


Nàng đã hoàn hồn trở lại, nhoẻn miệng cười, chạy từ phía mũi thuyền vào trong khoang và ngồi xuống vui vẻ. Vẻ đẹp của nàng trong cơn sợ hãi làm anh choáng váng; lúc đấy một ý nghĩ dịu dàng chợt đến với anh: nàng quả là còn thơ trẻ quá!


Nhưng anh lại làm ra vẻ lãng đạm, chăm chú bước vào thuyền, chống mái chèo xuống bờ lầy, để mũi thuyền quay ra phía trước, túm lấy đám cỏ gấu dầy mọc ngầm dưới nước, lách qua những bông súng với tán lá to tròn phủ đầy ven hồ mà kéo thuyền ra chỗ nước sâu, ngồi xuống thanh gỗ kê giữa thuyền rồi khỏa mái chèo khi bên phải, khi bên tráị


— Có đúng là thích không anh? — Nàng thốt lên.


— Thích thật! — Anh trả lời, bỏ chiếc mũ lưỡi trai xuống rồi quay về phía nàng. — Cô làm ơn đặt bên cạnh mình kẻo tôi lại đánh rơi xuống lòng thuyền vì, nói xin lỗi cô chứ, nước vẫn chảy vào và đầy những đỉa là đỉa.


Nàng đặt chiếc mũ lưỡi trai lên đầu gối.


— Cô khỏi phải bận tâm thế, quẳng đâu cũng được.


Nàng áp chiếc mũ lên ngực.


— Không đâu, tôi thích cầm tay thế này!


Trái tim anh dịu dàng thắt lại, nhưng anh quay mặt đi và mạnh tay hơn khỏa mái chèo xuống mặt nước lấp loáng giữa đám cỏ gấu và hoa súng.


Muỗi bám lên mặt, lên tay; chung quanh như chì — trong ánh sáng bạc ấm áp; làn không khí trong lành, ánh mặt trời nhợt nhạt còn vương lại, những đám mây trắng bồng bềnh cuộn tròn mờ mờ hiện ra trên nền trời và dưới mặt nước xen giữa những đám cỏ gấu và hoa súng, trên hồ chỗ nào cũng nông đến nỗi có thể nhìn rõ đáy với đám rong rêu mọc ngầm dưới nước, tuy nhiên đáy nông cũng không làm mất đi cái cảm giác sâu thăm thẳm của bầu trời cùng mây đã in hình trong đó. Bỗng nàng lại kêu lên thất thanh — con thuyền bị đảo nghiêng: nàng khỏa tay xuống nước, túm được thân cây hoa súng rồi kéo mạnh nó lên và kết quả là bị lật nghiêng cùng với thuyền. Anh kịp thời nhào tới và túm lấy được vai nàng. Nàng cười phá lên, ngã lưng xuống khoang thuyền, lấy tay ướt vảy nước thẳng vào mắt anh. Lúc đó anh lại giữ chặt lấy nàng; không biết phải làm gì, anh hôn vào môi nàng đang cười sặc sụa. Nàng nhanh nhẹn ôm lấy cổ anh và vụng về hôn lên má anh...


Từ dạo ấy họ thường đi bơi thuyền đêm. Ngày hôm sau, ăn trưa xong, nàng gọi anh vào vườn và hỏi:


— Anh có yêu em không?


Anh nhớ lai những cái hôn trên thuyền hôm trước và sôi nổi trả lời:


— Yêu ngay từ ngày đầu chúng mình gặp nhau!


— Em cũng thế, — nàng nói. — Không, đúng ra thì mới đầu em căm ghét anh cơ — em có cảm giác rằng anh chẳng để ý gì đến em cả. Nhưng may thay, mọi chuyện đó qua rồi. Tối nay, lúc mọi người đi ngủ, anh lại ra đấy đợi em nhé. Chỉ có điều ra khỏi nhà anh phải hết sức kín đáo đấy, — mẹ em theo dõi em từng bước, ghen tức ghê gớm với bất cứ ai yêu em.


Đêm khuya nàng ra tới bờ hồ cầm một tấm khăn choàng len rộng. Vì sung sướng, anh bối rối đón nàng và chỉ biết hỏi:


— Tấm choàng này để làm gì vậy?


— Anh ngốc lắm. Đêm khuya chúng mình sẽ bị lạnh đấy. Thôi, anh lên thuyền nhanh nhanh đi và chèo sang phía bờ bên kiạ...


Trên thuyền lúc chèo đi, cả hai đều im lặng. Khi bơi gần đến cánh rừng phía bờ bên kia nàng nói:


— Đến rồi đấy. Bây giờ thì anh đến cạnh em đi. Tấm khăn choàng đâu nhỉ À, em ngồi lên nó đây. Anh quàng cho em đi, em lạnh quá, ngồi xuống đây đi anh. Thế thế... Không, khoan đã, ngay hôm qua chúng mình hôn nhau chẳng ra sao cả, bây giờ thì để em hôn anh trước, thật khẽ, thật khẽ thôi. Còn anh thì ôm em... ôm cả người cơ...


Dưới tấm xaraphan nàng chỉ mặc chiếc áo cánh lót. Nàng chỉ khẽ chạm hôn nhẹ vào khóe môi anh. Đầu anh quay cuồng, nửa tỉnh nửa mê; anh ngả mình nàng xuống sàn thuyền. Nàng run rẩy ôm lấy anh...


Nàng nằm yên bất động, hơi ngẩng đầu lên, nụ cười trên môi nàng mệt mỏi và hạnh phúc. Nàng nói:


— Từ giờ chúng mình đã là vợ chồng. Mẹ nói rằng bà không thể chịu nổi cảnh em đi lấy chồng, nhưng lúc này em chẳng muốn nghĩ đến điều ấy đâu. Anh biết không, em thèm tắm quá, em rất thích tắm đêm...


Nàng cởi áo qua đầu, thân mình cao dong dỏng của nàng hiện ra trăng trắng trong bóng tối mờ mờ. Nàng vẫn bím tóc dài quanh đầu, tay giơ lên, để lộ bộ ngực cao cao. Nàng không cảm thấy ngượng ngùng với sự khỏa thân của mình. Quấn tóc xong, nàng hôn anh thật nhanh, đứng bật dậy rồi nhảy tùm xuống nước, đầu ngả ra phía sau, chân đập nước loạp roạp.


Một lúc sau anh cập rập giúp nàng mặc áo và quàng tấm khăn rộng lên mình nàng. Trong bóng tối mờ mờ đôi mắt huyền và mái tóc đen với bím tóc quấn quanh hiện lên thật kỳ ảo. Anh không dám chạm đến nàng nữa, chỉ hôn đôi bàn tay nàng và lặng người đi trong cảm giác hạnh phúc nôn nao, ngây ngất. Dường như có ai đó đứng trong bóng tối khu rừng ven bờ đầy những ánh đom đóm lập lòe — đứng trong đó mà nghe ngóng. Đôi lúc lại có tiếng xào xạc đầy cẩn trọng từ phía ấy. Nàng ngẩng đầu lên:


— Đứng lại, cái gì thế?


— Đừng sợ em ạ, đấy chắc là ếch nhảy lên bờ thôi. Hay là con dím trong rừng...


— Nhưng nếu có con dê rừng thì sao?


— Con dê rừng nào kia?


— Em không biết nữa. Nhưng anh cứ thử nghĩ mà xem, có con dê từ cánh rừng đi ra, nó đứng lại và nhìn chăm chăm... Ôi, em thấy sung sướng quá, em muốn nói đủ điều ngớ ngẩn, lẩm cẩm!


Anh lại áp đôi tay nàng lên môi mình, chốc chốc lại hôn vào ngực nàng lạnh ngắt như nâng niu một vật gì thiêng liêng nhất. Nàng đã trở thành một con người hoàn toàn khác đối với anh! Sau dải đen thấp của cánh ruộng còn ngưng đọng và chưa tắt hẳn một vầng sánh nhờ nhờ ngả màu xanh lục in xuống mặt nước trăng trắng từ xa; cây cỏ đẫm sương ven hồ tỏa ra mùi hăng hắc như mùi cần tây; đàn muỗi vô hình kêu vo vo đầy bí ẩn như van xin điều gì, những con châu chấu đáng sợ, không biết ngủ cứ xè xè bay trên mạn thuyền và ngoài xa trên mặt nước lấp loáng dưới trời đêm. Và ở đâu đó có cái gì dang xào xạc, bò đi, lách qua...


Một tuần sau anh bị đuổi khỏi nhà cô gái một cách nhục nhã vô lối, lòng bàng hoàng kinh hãi vì sự chia ly hoàn toàn đột ngột với nàng.


Một lần sau bữa trưa, hai người đang chụm đầu ngồi bên nhau trong phòng khách và xem tranh in trong các số tạp chí “Niva” cũ.


— Em còn chưa chán anh đấy chứ? — Anh khẽ hỏi làm ra vẻ đang chăm chú nhìn.


— Anh ngốc lắm. Ngốc kinh khủng! — Nàng thì thào. Bất ngờ có tiếng chân chạy nhẹ êm — trên ngưỡng cửa hiện ra bà mẹ dở người của nàng, bà mặc chiếc áo choàng lụa đen nhàu nát, chân đi dép da dê sờn cũ. Cặp mắt đen của bà ánh lên một cách bi thương. Bà chạy vào phòng như ra sân khấu và hét lớn:


— Tao hiểu cả rồi mà! Tao đã biết trước rồi, tao theo dõi rồi! Thằng đểu kia, mày đừng có hòng mà lấy con tao!


Bà vung tay áo rộng lên, bóp cò khẩu súng lục cổ lỗ nổ vang — khẩu súng này Pêchia vẫn dùng để dọa chim sẻ và chỉ nhồi thuốc súng không thôi. Trong đám khói mù mịt, anh lao về phía bà, túm lấy cánh tay chắc khỏe của bà. Bà ta vùng ra, đập súng lục vào trán anh làm bật máu trên lông mày, quẳng súng vào người anh; và khi có tiếng chân người chạy trong nhà theo tiếng hô hoán và súng nổ thì bà ta càng hét to hơn, đầy vẻ đóng kịch hơn, dãi dớt sùi ra trên môi thâm sì:


— Có bước qua xác tao nó mới lấy mày được! Nó mà chạy theo mày, thì ngay tức khắc tao sẽ treo cổ tự tử, sẽ nhảy từ mái nhà xuống! Đồ đểu, cuốn xéo ngay khỏi nhà tao! Còn cô kia, cô hãy chọn đi, mẹ hay là nó!


Nàng thì thào run rẩy:


— Mẹ, mẹ. ..


Anh chợt tỉnh, mở mắt ra — ở khoang tròn nhỏ màu xanh tím trên cánh cửa ra vào vẫn miệt mài, bí ẩn, lạnh lẽo nhìn xuống anh từ trong khoảng tối, toa tàu vẫn lắc lư, nhịp nhàng và cũng miệt mài như thể lao nhanh về phía trước. Cái ga xép nhỏ hoang vắng kia đã lùi lại rất xa, rất xa. Và cũng đã hai mươi năm trôi qua từ những ngày ấy — cánh rừng nhỏ, chim ác là, đầm nước, hoa súng, những con rắn và sếu trời... Phải rồi, còn cả sếu trời nữa chứ — anh làm sao quên được chúng! Mọi chuyện mùa hè năm ấy đều dị thường, cả cặp sếu không biết từ đâu thỉnh thoảng bay tới ven đầm nữa cũng dị thường. Thật lạ lùng rằng chúng chỉ cho mỗi mình nàng lại gần, cúi cong cái cổ dài thanh thanh, từ phía trên nhìn xuống nàng với vẻ rất nghiêm nghị nhưng đầy tò mò hền lành, khi nàng nhẹ nhàng thanh thoát chạy đến bên chúng, chân đi hài sảo sặc sỡ. Bất thần nàng ngồi xổm xuống đôi sếu, tấm váy xaraphan màu vàng xoè ra trên bãi cỏ xanh ven đầm ẩm ướt, ấm áp; với vẻ say sưa thơ trẻ nàng nhìn vào đôi mắt đẹp đen dữ tợn của chúng, đôi mắt lọt vào giữa mép vòng viền màu xám sẫm. Anh nhìn lên nàng và đôi sếu từ xa qua ống nhòm; anh thấy rõ đầu sếu nhỏ màu sáng bóng, thậm chí còn nhìn thấy lỗ mũi xương xương, cái mỏ hình ống to dài chỉ cần mổ một cái là làm rắn chết. Mình sếu ngăn phủ một lớp lông đen nhánh màu thép với vạt lông đuôi lòa xòa, đôi chân xương xương đầy vẩy mốc của chúng quá dài và nhỏ — một con có chân đen tuyền, còn con kia chân lại ngả màu xanh lục nhạt. Đôi khi chúng đứng hàng giờ liền trên một chân, bất động một cách khó hiểu. Có lúc tự dưng chúc lại nhảy tưng tưng lên, xoạc dài đôi cánh ra, hoặc có lúc lại dạo chơi đầy vẻ bệ vệ, bước đi chậm rãi, đều đặn; lúc giơ cao chân lên thì ba ngón chụm lại, khi hạ xuống thì móng lại xòe ra như móng cú diều, và đầu thì lúc nào cũng lắc lắc... Nói cho đúng thì khi nàng chạy đến chỗ đôi sếu, anh đã chẳng còn nghĩ được gì, chẳng còn nhìn thấy gì — anh chỉ thấy tấm xaraphan của nàng xòe ra trên mặt cỏ, toàn thân anh run rẩy ngây ngất chợt hình dung tới thân thể nàng mềm mại ẩn sau tấm xaraphan, với những nốt ruồi nhỏ li ti. Vào ngày cuối cùng của họ, vào lần cuối họ ngồi gần nhau trên đi-văng trong phòng khách xem tạp chí “Niva” cũ, nàng cũng cầm lấy chiếc mũ lưỡi trai của anh, áp mũ lên ngực mình như cái lần ngồi trên thuyền hồi nào. Cặp mắt đen huyền long lanh của nàng ánh lên niềm sung sướng, nàng nhìn thẳng vào mắt anh và nói:


— Bây giờ thì em yêu anh lắm anh ạ, đến nỗi với em chẳng còn gì thân thiết hơn mùi hương trong mũ của anh, mùi mái tóc anh và mùi nước hoa ngai ngái anh dùng!


Tàu chạy qua Kurxcơ, trong toa ăn, sau bữa sáng, ông khách uống cà phê cùng rượu cô-nhắc, bà vợ nói với ông:


— Anh làm sao mà uống nhiều thế? Có dễ phải tới ly thứ năm rồi đấy. Vẫn còn buồn nhớ tới cô nàng có mu bàn chân thon gầy ở nhà nghỉ chứ?


— Ờ, ờ, đang buồn đây, ông trả lời, mỉm cười gượng gạo, — Cô nàng nơi nhà nghỉ... Amata nobis quantum amabitur nulla! [3]


— Tiếng La Tinh đấy à? Thế nghĩa là gì?


— Mình không cần biết điều này đâu.


— Sao anh thô lỗ thế, — bà hành khách nói, thở dài không ý tứ, và đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ đầy ánh mặt trời.


27 tháng Chín năm 1940






Chú thích

[1] xaraphan — một kiểu áo váy không tay (người dịch chú thích)

[2] “kinh sợ" lại phát sinh từ chữ “rắn (nước)” — trong tiếng Nga chữ "uz" nghĩa là rắn, còn chữ "uzax" nghĩa là kinh sợ

[3] Amata nobis quantum amabitur nulla! (tiếng La Tinh): Người con gái ta yêu, như không có người con gái nào khác sẽ còn được yêu!

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...