Gió quê vi vút gọi...

LÁ DIÊU BÔNG

(Hoàng Cầm)


Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm

Đồng chiều

Cuống rạ.


Chị bảo

Đứa nào tìm được lá Diêu Bông

Từ nay ta gọi là chồng.


Hai ngày sau Em tìm thấy lá

Chị chau mày

Đâu phải lá Diêu Bông.


Mùa đông sau Em tìm thấy lá

Chị lắc đầu

Trông nắng vãn bên sông.


Ngày cưới Chị

Em tìm thấy lá

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.


Chị ba con

Em tìm thấy lá

Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn.


Từ thuở ấy

Em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể.

Gió quê vi vút gọi

Diêu Bông hời...

...ới Diêu Bông!


(1959)



... Vậy nên, cái lá Diêu bông là cái lá gì, ở đâu, nào tôi có biết. Thần linh đọc Diêu bông, tôi chép Diêu bông, thế thôi. Nhưng nó có nguồn gốc đấy. Năm 12 tuổi, tôi say mê một người con gái láng giềng hơn tôi những 8 tuổi. Vì từ năm lên tám, tôi đi trọ học trên thị xã Phủ Lạng Thương, chiều thứ bảy, mươi phút xe lửa lại đưa tôi về nhà, ở cái phố ga xép Như Thiết, tên chữ nhà ga đề là Núi Tiết, thực tên là Thiết Sơn, một tổng thuộc huyện Việt Yên. Phố ga ấy cách Hà Nội 44 km. Còn 6 km nữa thì qua cầu sông Thương (con sông Thương nước chảy đôi dòng), tới ga Phủ Lạng Thương. Đường số 1 chạy qua trước cửa nhà, sau lưng là đường xe lửa Hà Nội-Lạng Sơn ngăn cách với mảnh vườn nhỏ sau nhà bằng một hàng rào cắt xén khá đẹp trồng toàn những cây ruối, dâm bụt dày dặn. Nhà tôi có tủ thuốc Bắc của ông bố, có đôi bồ hàng xén của bà mẹ. Một chiều thứ bảy, khoảng hơn 4 giờ, tôi về chưa kịp bước vào trong nhà đã thấy một cô gái đang mua gì của mẹ tôi. Khi cô ấy ngửng đầu lên, nhìn ra đường thì cậu bé lên tám choáng người, như sau này người ta thường nói là bị “coup de foudre”. Người con gái đẹp đến mê hồn. Rồi thứ bảy sau, về nhà, tôi trao bức thư tỏ tình đầu tiên viết bằng thơ lục bát, dài hơn một trang giấy kẻ học sinh trên có vẽ hoa vẽ bướm, một vài ngọn núi, một dòng sông với chữ viết đậm, mực tím, nắn nót: Em gửi Chị Vinh của Em. ấy, sở dĩ mới bé tí đã làm được một trang thơ lục bát vì ở trên nhà trọ, chỗ thân tình với bố tôi, chủ nhà chính là ông sếp ga xép Núi Tiết ấy, gia đình ông trên tỉnh đông con, làm nghề hàng xay hàng xáo, đêm nào cũng xay lúa giã gạo rồi dần sàng quạt sẩy đến khuya. Tôi học bài, làm bài xong, tuy buồn ngủ, các anh các chị cứ bắt xuống nhà ngang, từ 9 giờ tối, đêm nào cũng phải đọc đủ các thứ truyện dân gian, in khổ nhỏ, bán rẻ từ 2 xu đến 1 hào, đủ các loại truyện, thể thơ lục bát, từ Trê cóc đến Truyện Kiều, từ Nhị Độ Mai đến Hoa Tiên, rồi Hoàng Trừu, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Phạm Tải, cả Cung oán ngâm khúc đến Chinh phụ ngâm v.v… Vì thực ra, ngay từ bé tôi sớm có giọng hát hay, ngâm thơ cũng hấp dẫn người nghe lắm. Đọc hết lượt, phải đọc lại. Thể thơ lục bát thấm vào người từ nhỏ tuổi, mình lại bẩm sinh yêu thích thơ ca, nên tôi có viết bức thư tình gửi người gái Kinh Bắc, người Chị làm Em say mê ngơ ngẩn suốt năm năm ấy, mà thư tình lại viết bằng thơ lục bát thì hẳn không phải là điều gì đáng ngạc nhiên phải không, thưa các bạn? Tôi say mê Chị, Chị đi đâu Em theo đấy, chỉ biết gọi Chị ơi, chứ còn biết nói gì hơn. Người gái tuyệt sắc ấy con một nhà nho chẳng may chết sớm, ba mẹ con, mẹ goá con côi nghèo khổ, đèo bòng nhau lên cái phố xép này mở ngôi hàng bán kẹo bánh, nước chè tươi, nước vối, cả bánh đa, bánh đúc, bánh chưng, bánh mật, bánh khoai. Chị Vinh võ vẽ chữ nho, đọc thông Quốc ngữ, người quê gốc cũng Tiên Du, nên hát quan họ thì làm mê người ta ngang với nhan sắc của Chị. Chị cũng thừa biết thằng bé con này nó mê đắm mình nên Chị cứ hay trêu đùa, lắm lúc tôi phát khóc, nhưng cũng nhiều giờ phút tôi có một hạnh phúc không gì sánh bằng là được Chị Vinh cho ngồi sát bên Chị, chầu rìa những cuộc chơi tam cúc ngày Tết, ngày xuân hay ngày hội. Chị thường hay nhờ những đêm trăng sáng vào mùa hè, mùa thu, tổ chức những đám thanh thiếu niên tụ tập ở cái bãi sau ga, hát ví, hát trống quân, hát ống, hát giao duyên, hát vấn đáp, đặc biệt là về môn hát quan họ thì Chị là bà Chúa của dân ca! Giọng ngọt, say như mật ong, đôi mắt đen thăm thẳm với hàng mi cong và dài, má luôn luôn ửng đỏ, môi luôn luôn đã hồng lại thường hay cắn chỉ quết trầu, răng đen rưng rức hạt na. Chị Vinh ơi, viết đến đây, Em vẫn bồi hồi nhớ từng sợi tóc Chị dán trên vầng trán, từng con mắt Chị lúng liếng tình tứ, từng giọng hát, từng lời nói, từng nụ cười, Em còn ngửi thấy hơi tóc ấm của Chị thoảng mùi hương nhu mới gội buổi chiều, mà nếu Chị buông tóc dài gần đến mắt cá chân để hong khô thì cả suối tóc ấy làm thành thế giới mê say của riêng Em từ độ ấy đến nay, dẫu tóc Em đã trắng hết, Em vẫn có thể vẽ đúng chân dung Chị tuyệt vời nếu có người chỉ dẫn cho Em đôi điều sơ đẳng về nghệ thuật hội hoạ. Ảnh Chị in mầu trong hồn Em, không một nhà khoa học nào có thể làm ra cho Em những tấm ảnh như Em đang có trong một mảnh hồn lả lướt xanh xao, trong một tâm tư u buồn chạng vạng mà vẫn còn đầy đủ và tươi tắn, nguyên vẹn những kỷ niệm từ sáu bảy chục năm xưa đấy, Chị ơi!


Tình của người Em với người Chị ấy, sơ lược là thế. Tôi sẽ viết tỉ mỉ hơn nhiều trong tập hồi ký sau này, để một số bạn ở xa quê hương hiểu kỹ về tôi hơn, tránh được những điều bình luận sai lạc thậm chí nguy hiểm nữa mỗi khi luận về những thi phẩm của tôi. Trong tập Về Kinh Bắc, thì hai nhân vật Chị và Em ấy đã xuyên qua năm tháng và không gian, qua mưa phùn và nắng rát, qua biết bao hình thái của tâm tư, của số phận, mà trội lên vẫn là cái sầu đơn phương, cứ vấn vương mãi, cho tôi nhớ mãi đến hết một kiếp này, biết đâu còn xót xa yêu thương vào tận kiếp sau… kiếp sau nữa…


Vậy chỉ mới sau vụ Nhân văn Giai phẩm có một thời gian ngắn, thơ của tôi đã lùi về quá khứ, chẳng biết có phải ẩn dụ ẩn diếc gì chăng, chỉ có điều là qua thời gian viết được ra 48 bài thành tập thơ Về Kinh Bắc này, tôi không một phút nào nghĩ đến thời cuộc chính trị và xã hội trước mắt. Tôi chìm về một quê hương xa, có thực mà như ảo ảnh, là ảo ảnh mà tưởng như gần gũi đâu đây, cứ chập chờn năm tháng và bảng lảng không gian, xanh mơ mong manh mầu kỷ niệm pha chút tím của tiếc hận, chút hồng của tuổi thơ, chút biêng biếc thắm của say mê não nùng, của thương cảm không có bến buông neo, và nhìn chung chỉ thấy con mắt của thời gian không hề suy suyển đến một sợi mi cong… Như gần đây tôi đã phải thốt ra: “Mắt thời gian càng miên man xanh“.


Rồi Chị, Em đi về Kinh Bắc, lúc thì đố “Lá Diêu bông”, lúc vào “Vườn ổi”, lúc “Đánh tam cúc”, lúc lên “Ngọn sông Thương”, lên tít “Ngọn Kỳ Cùng”, lúc “Đếm sao”, “Đếm nắng”, “Đếm giờ”, Em cứ theo đuổi Chị qua hội hè rồi qua cả những tàn tạ của cảnh vật và lòng người, cho đến mùa rét năm 1934. Cái lá Diêu bông bắt nguồn từ buổi chiều năm ấy, hình như vào dịp lễ Thiên chúa Giáng sinh, những bốn năm ngày liền tôi về gia đình ở cái phố ga xép đìu hiu ấy, nghĩa là cứ được nghỉ học thì tôi về ngay nhà với niềm say mê đơn phương, một chuyện tình có Chị có Em mà tôi vẫn chỉ là một khối cô đơn “lẽo đẽo bụi hồng”. Tôi đã 12 tuổi và chị Vinh đã 20. Vào chiều mùa đông năm ấy, nắng hanh vàng rộm. Trời xanh trong màn sương cực mỏng không một gợn mây. Heo may se se lạnh. Chị mặc váy kiểu Đình Bảng, áo cánh lụa mỡ gà đã cũ, có mảnh vá trên vai, ngoài bó chẽn lưng ong bằng cái gi-lê tím, sờn rách, chiếc yếm màu cánh sen đã nhạt, dây thắt lưng hoa đào phai, Chị thoăn thoắt đi ra ngoài cánh đồng, ngày ấy lúa đã gặt hết. Cả cánh đồng rộng đầu cái phố ga xép ấy chỉ còn trơ những cuống rạ tít tắp đến chân dãy núi Neo. Cậu bé Em 12 tuổi, vốn dĩ lúc nào cũng trông ngóng, ngó nhìn, chờ đợi Chị, thấy Chị đã bỏ cửa hàng chiều vắng khách, mặc cho đứa em trai lên sáu ngồi xua ruồi hoặc ăn vụng cái kẹo vừng, rồi thấy Chị bước nhanh ra cánh đồng, đương nhiên là cậu Em theo ngay, và bất kỳ đi theo Chị ở đâu, đến đâu, cũng chỉ cách sau lưng Chị có ba bước. Chị đi trên bờ ruộng, cứ vạch từng búi cỏ đầu bờ hoặc từng đám cây hoang dại trên mấy cái gò nhỏ giữa đồng và cứ cúi tìm… tìm mãi… chả biết Chị tìm gì vậy. Em cứ theo sau, không hỏi, không nói, trống ngực cứ thập thùng từng giây phút theo đuổi, miệt mài lâng lâng say. Lâu lắm, bỗng Chị đứng thẳng người quay mặt nhìn Em, rồi nói, như một lời trách, như một lời quở mắng, lại như một lời mình nói với chính mình (gần 60 năm rồi, hôm nay tôi còn nhớ như in từng lời trong bộ não đã hơi suy, trong tấm lòng may thay vẫn là tấm lòng 12 tuổi): “Ơ hay! Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng mãi thế nhỉ?”. Máu Em dồn lên nóng ran khắp người, hẳn là cậu Em đang đỏ mặt, môi Em run run, không nói lại với Chị được nửa lời. Hình như Em thoáng thấy Chị mỉm cười, rồi Chị lại bước sang bờ ruộng khác, vẫn tìm… tìm mãi. Nắng đã sẫm dần. Mãi sau, Em mới bạo dạn hỏi:


“Chị Vinh ơi! Chị đi tìm cái gì thế?”


Chị Vinh quay phắt lại, hình như má Chị hồng hơn lúc nãy. Chị nhìn thẳng, nhìn xoáy vào mắt Em và gần 60 năm rồi, tôi vẫn nhớ như vẽ cái miệng rất tươi của Chị đậm nét một nụ cười trêu cợt rất bí ẩn kiêu sa. Chị nói, cũng một giọng bỡn cợt như thách đố, như đùa vui trêu ghẹo:


“Ừ, Chị (các bạn chú ý giùm tôi cách thay đổi chủ từ trong câu nói này của Chị) Chị đi tìm cái lá… ấy đấy, đứa nào tìm được cái lá ấy (Chị càng cười càng rõ vẻ trêu cợt) ta gọi là chồng!”

...


Hà Nội những ngày cuối năm Nhâm Thân 1992


(Tám nhịp tuần du)

Đã có 11 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Đim-ma bi bô...

Thơ này hay không, bác Đào Phò em?

Anonymous bi bô...

Không hay, nhất là với anh. Chú cũng biết, mà vẫn hỏi, câu sau sẽ là...

Đim-ma bi bô...

Sao mọi người lại nhớ nó thế?

Ps: Hỏi nghiêm túc.

Anonymous bi bô...

Tâm lý bầy đàn.

Đim-ma bi bô...

Nói thế ai chả nói được?

Còn thực sự em cũng nhớ nó, bác cũng nhớ nó (bác đừng chối), và chuyện đấy trực tiếp liên quan đến bài thơ.

So?

Anonymous bi bô...

(1) "Còn thực sự em cũng nhớ nó"

Anh xuya là chú nói mà không nghĩ. Không tin, bài này ngắn, chú thử đọc thuộc lòng lại xem (không chơi ăn gian), liệu nhớ được mấy câu (chứ chưa cần nói cả bài)?

Rồi xem xem có giống như

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.


không?

(2) "bác cũng nhớ nó (bác đừng chối)"

Anh chả nhớ nó, và anh nói thế là nói thật chứ không phải chối. Anh nhớ là nhớ chuyện phi công trẻ muốn lái máy bay bà già ở dưới, và nhớ Diêu Bông của Trần Tiến. Anh xuya là chú - và đa phần những người khác - cũng thế. Anh cũng không thuộc thơ - y như chú (chú đừng chối) và đa phần những người khác (cũng đừng chối).

Hoàn toàn khác chuyện Thôi Hộ. Chuyện đấy anh, chú, và đa phần những người khác nhớ thơ hơn nhớ tích.

Đim-ma bi bô...

Ngay cả thế thì đấy vẫn không phải "Tâm lý bày đàn" như bác nói. Vì cho dù là nhớ vì lý do gì, thì đấy vẫn là mọi người nhớ thật, tự nhớ.

Anonymous bi bô...

Chú nói được cái đấy, quả không tệ, cảm ơn chú.

Tại vì đấy mới chính là cái nhục nhất ở đây!

Sao anh lại nói thế?

Tại vì, như chú đã nói, ở đây, rõ ràng là tự trong lòng nhiều người đã có tình cảm, có sự xúc động, và có nỗi nhớ thật sự đối với "Lá Diêu Bông" của Hoàng Cầm.

Nhưng đa phần lại đinh ninh là mình nhớ "Bài thơ Lá Diêu Bông, một bài thơ hay nổi tiếng".

Rõ ràng, ở đây có một cái gì đó nhố nhăng, bầy đàn, đã át mất đi cái thật sự long lanh đáng trân trọng.

PS: Một cách tổng quát, hiện tượng này cũng không mấy khó hiểu lắm. Chú cứ để ý, quê ta, nói đến - nhân thể - Trai-cốp-xki, rất nhiều người sẽ ồ lên "Hồ Thiên nga", nói đến Lê-vi-tan, rất nhiều người sẽ ồ lên "Mùa thu vàng", nói đến Bu-nhin, rất nhiều người sẽ ồ lên "Những con đường rợp bóng cây xanh", nói đến Trê-khốp, rất nhiều người sẽ ồ lên "Người đàn bà và con chó nhỏ"...

Đường đ' nào rợp bóng cây xanh? Trê-khốp đ' viết được gì nữa đáng đọc hơn "Gái và chó"? Những cái ồ à đấy có phải là điển hình không? Và nếu có thì thực chất có mấy ai nói được giống như cái Cải nó nói về "Bài hát Mùa Thu" không?

Không ấy gì? Nếu "không", thì "sành điệu" thế chứ "sành điệu" nữa thì cũng khác quái gì đâu?

Đim-ma bi bô...

"Chú cứ để ý, quê ta,.."

Bác đanh đá, và hơi kỳ thị, em không thích thái độ ấy. Cái bác nói thì đâu riêng gì "quê ta", ở đâu chả thế, bác cứ nghĩ xem em nói có đúng không?

Anonymous bi bô...

Đúng mà không đúng, thế mà không thế.

Khác nhau về tỷ lệ. Chỗ nào "Học, học, và học" thì tỷ lệ tốt hơn.

PS: Sao có thể dịch "Học, học, và học" thành "Học, học nữa, học mãi" - chú có hiểu không?

Đim-ma bi bô...

"Sao có thể dịch "Học, học, và học" thành "Học, học nữa, học mãi" - chú có hiểu không?"

Câu chuyện người đàn bà tôi đang kể, nó sẽ như thế nào, tôi nhờ Phương Thảo, Ngọc Lễ và Hồng Minh kể giùm tôi.

"Lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang sau lũy tre làng, khiến lòng tôi xôn xang..."

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...