Canh khuya

CANH KHUYA

(I-van Bu-nhin)


Chao ôi, đã từ lâu lắm rồi mình chưa về nơi ấy. Tôi tự nhủ mình như vậy. Từ năm mười chín tuổi đầu. Hồi này đây tôi đã sống ở nước Nga, cảm thấy nước Nga là của mình, được hoàn toàn tự do, muốn đi đâu tuỳ thích, và dù có đi tới khoảng ba trăm vecxta chăng nữa thì cũng chẳng phải khó khăn gì cho lắm. Ấy vậy mà tôi vẫn không đi, cứ nay lần mai lữa hoài. Rồi những năm, những thập kỷ cứ trôi, cứ đi qua. Thế mà nay đã không sao lần khần được nữa rồi: hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ đi được nữa cả. Phải nắm lấy thời cơ duy nhất và cuối cùng, may được lúc canh khuya, sẽ không ai bắt gặp mình cả.


Thế là tôi đi lên cầu để qua sông, nhìn được xa ra bốn phía xung quanh trong ánh trăng của một đêm tháng bảy.


Nhịp cầu này sao quen thuộc, vẫn như xưa, hệt như tôi mới thấy nó ngày hôm qua; nó thô sơ mà cổ kính, lưng gù và thậm chí như không phải bằng đá nữa mà bằng một cái gì đó hoá đá với thời gian và trở thành muôn đời muôn kiếp không tan (hồi còn là học sinh trung học tôi còn ngỡ là nó có từ thời Ba-Tưi (1) kia). Nhưng để nói lên cái cổ kính của thị trấn này, chỉ còn lại vài ba vết tích gì đó của những bức tường thành ở bờ dốc phía dưới ngôi nhà thờ lớn với lại cây cầu này mà thôi. Còn tất cả đều chỉ là cũ kỹ, có tính chất tỉnh lẻ,chứ không có gì hơn. Duy chỉ có một điều kỳ lạ, một điều chỉ rõ được rằng từ khi tôi còn là một cậu bé con, một chàng thanh niên cho đến bây giờ, dù sao trên đời vẫn còn một sự thay đổi nào đó, ấy là trước đây tàu không chạy được trên con sông này, còn ngày nay hẳn con sông đã được khơi sâu và dọn dẹp sạch sẽ rồi. Mặt trăng ở phía bên trái tôi, ở nơi khá xa trên dòng sông, và trong ánh trăng lung linh cũng như trong ánh nước lấp lánh, rập rờn, tôi thấy trắng toát một chiếc tàu guồng mà ở đó dường như trống rỗng (nó im lìm thế kia mà), — mặc dù mọi ô cửa mạn của nó đều sáng ánh đèn giống như những con mắt vàng bất động, luôn phản chiếu xuống nước thành những cột tia sáng vàng óng ánh và hệt như chiếc tàu đã đậu trên những cột đó. Cảnh tượng này cũng thấy có cả ở Iarôxlap, cả ở kênh Xuê (2), cả ở trên sông Nin (3) nữa. Ở Paris đêm đến thường ấm ướt, tối tăm, trên bầu trời mờ mịt thường hồng lên những ráng mù sương, con sông Xen (4) chảy một dòng đen kịt dưới những nhịp cầu, nhưng phía dưới cầu cũng lủng lẳng những cột tia sáng óng ánh phản chiếu những ánh đèn trên cầu, có điều đó là những tia sáng ba màu: trắng, xanh và đỏ — màu cờ của nước Nga. Nhưng ở đây trên cầu chẳng có đèn đóm gì, mà cầu thì khô khốc bụi bặm. Còn ở phía trước, trên ngọn đồi, người ta thấy một thị trấn âm u với những khu vườn, và trên những khu vườn thấy ngất ngưởng một chòi canh phòng hỏa. Trời đất ơi, thật là một niềm hạnh phúc không sao tả xiết được. Chính là lúc có hoả hoạn vào ban đêm mà lần đầu tiên tôi đã hôn tay em và em cũng đã siết chặt tay tôi để đáp lại, — tôi sẽ chẳng bao giờ quên ơn em về thái độ thuận tình thầm lén này. Toàn bộ đường phố đều đen kịt những người trong cái cảnh bừng sáng dữ dội và bất thường ấy. Tôi vừa đến thăm em thì bỗng có tiếng chuông báo động nổi lên, và thế là mọi người ai nấy đều chạy ùa ra cửa sổ và sau đó là chạy ra ngoài cổng. Đám cháy ở mãi xa, bên kia sông, mà sao thấy nóng nực, ồn ào và hối hả kinh khủng. Ở đó những đám khói dày đặc bốc lên cuồn cuộn như một mớ lông cừu vừa đen vừa đỏ tía, và từ đó người ta thấy bùng lên những ngọn lửa đỏ hệt như những dải vải tây điều, còn ở gần chỗ chúng tôi thì chúng hắt lên vòm mái nhà thờ Tổng lãnh thiên thần Mikhain (5) thành một màu đồng chấp chới. Và trong cảnh chen chúc,giữa đám đông, giữa những tiếng xì xào lo âu, lúc thì ái ngại, lúc thì sướng vui của những thường dân từ khắp nơi chạy lại, tôi đã nghe có mùi mái tóc thiếu nữ và cổ của em, mùi chiếc xiêm bằng vải gai của em, — và thế là tôi bỗng nảy ra quyết tâm, tôi ngây ngất nắm lấy tay em.


Qua cầu xong tôi lên đồi, men theo con đường lát đá mà vào thị trấn.


Trong thị trấn chẳng đâu có lấy một ánh lửa, một bóng người. Đâu đấy thảy đều câm lặng và thoáng đãng, yên tĩnh và u buồn, — cái buồn của đêm thảo nguyên Nga, của thị trấn thảo nguyên đang ngủ. Duy chỉ có những khu vườn là còn khe khẽ, nhè nhẹ rung rinh lá cành dưới làn gió tháng bảy đang hiu hiu, đều đặn từ nơi nào đó thổi về và mơn man cả bản thân tôi. Tôi đi, mặt trăng vành vạch cũng đi theo, như một tấm gương tròn trôi nổi, luồn giữa đám lá cành đen kịt. Những đường phố rộng rãi nằm trong bóng tối, — chỉ ở những ngôi nhà phía bên phải bóng tối không lan tới được thì người ta mới thấy những bức tường trắng được chiếu sáng và thấy những ô cửa kính đen bóng, ánh lên màu tang tóc. Và tôi đi trong bóng tối, dấn bước trên vỉa hè loang lổ, — bởi lẽ suốt dọc vỉa hè đều trải dài những tấm đăng ten bằng lụa đen. Hôm ấy nàng vận một chiếc xiêm mặc vào buổi tối như vậy đấy, một bộ cánh đỏm dáng, dài và thon thả. Chiếc xiêm ấy hợp lạ thường với thân hình thanh mảnh và cặp mắt huyền tươi trẻ của nàng.


Bận chiếc xiêm ấy, nàng trở nên bí ẩn và nàng chẳng để mắt gì tới tôi cả khiến tôi phải hậm hực. Cớ đâu mà lại như thế nhỉ? Đến thăm ai vậy nhỉ?


Mục đích của tôi là muốn đến thăm cái phố Cũ. Tôi có thể đến đó bằng con đường khác, gần hơn. Thế nhưng tôi lại rẽ vào những đường phố rộng rãi đầy vườn tược này, vì tôi muốn ngó qua cái trường trung học ấy. Và khi đi đến nơi, tôi lại ngạc nhiên một lần nữa. Cả ở đây cảnh vật cũng y nguyên như nửa thế kỉ trước. Dãy tường bằng đá, ngôi nhà lớn bằng đá ở trong sân, — tất cả đều khuôn sáo, đều tẻ ngắt như hồi nào tôi có mặt ở đó. Tôi chần chừ đôi chút bên cạnh cổng, hòng gợi lại trong bản thân mình nỗi buồn thương của những kỉ niệm, nhưng không sao gợi lại được; phải rồi, tôi thường bước vào cái cổng này, mới đầu là cậu bé lớp một, đầu húi trọc lốc, đội một chiếc mũ lưỡi trai xanh mới toanh có hai cành cọ bằng bạc trên vành lưỡi trai, mặc áo capốt nhỏ, mới, đính cục bạc; rồi sau là chàng trai gầy gò, mặc áo bludông xám và bận một chiếc quần rất diện có đính những mảnh vải bao hai bên giày. Nhưng cậu bé và chàng trai đó phải chăng là tôi?


Cái phố cũ thì tôi thấy nó chỉ hẹp hơn đôi chút so với trước kia mà thôi. Còn ngoài ra tất cả đều chẳng có gì thay đổi. Mặt đường lồi lõm, không có lấy một cây nhỏ nào, cả hai bên đều là những ngôi nhà bụi bặm của các thương nhân, hai bên vỉa hè cũng mấp mô, đến nỗi tôi thấy thà đi ngay giữa lòng đường giữa ánh trăng chan chứa... Và cảnh ban đêm hồi ấy cũng gần giống như cảnh ban đêm bây giờ. Có điều đêm hồi ấy là gần cuối tháng tám, khi toàn thị trấn đều thơm lựng mùi táo được chất đống cao như núi trong các khu chợ, và đêm hồi ấy ấm áp đến nỗi nếu được mặc độc một chiếc áo cánh thắt chẽn lưng bằng một đai da kiểu Kapkadơ thì khoái trá biết bao. Phải chăng có thể nhớ lại cái đêm ấy ở một nơi nào đó đằng kia hầu như ở tận lưng trời?


Dù sao anh cũng chẳng dám đi đến tận nhà em. Thật vậy, cả ngôi nhà ấy cũng chẳng thay đổi gì, nhưng chính thế anh mới càng sợ phải trông thấy nó. Giờ đây có những người lạ nào đó mới đến ở đấy. Em còn trẻ, nhưng bố em, mẹ em, anh trai em — mọi người tuy đều sống lâu hơn em, nhưng rồi đến lúc ai nấy cũng đều phải qua đời. Mà ngay ở nhà anh, mọi người đều cũng đã qua đời cả rồi, chẳng những là bà con máu mủ, mà cả rất nhiều, rất nhiều người khác anh từng kết thân hay đánh bạn với họ khi mới bước vào đời. Chẳng biết họ bước vào đời đã lâu chưa và mặc dù họ đã tin chắc rằng cuộc đời chẳng bao giờ kết thúc, thế nhưng mọi sự đều đã bắt đầu, đã trôi qua và rồi kết thúc ngay trước mắt anh — ngay trước mắt anh và mau chóng biết bao! Thế là tôi ngồi lên một bệ đá cạnh một ngôi nhà thật kín cổng cao tường của một thương nhân nào đó và bắt đầu ngẫm nghĩ xem nàng đã như thế nào trong cái thời xa xăm ấy giữa tôi cùng nàng; mái tóc sẫm chải búi đơn sơ, cặp mắt trong sáng; khuôn mặt tươi trẻ hơi rám nắng, tấm xiêm mùa hè nhẹ nhàng, và dưới tấm xiêm ấy là sự trinh bạch, cái khoẻ khoắn và phóng khoáng của thân hình trẻ trung. Đó là lúc tình yêu chớm nở giữa chúng tôi, là giờ phút hạnh phúc không vương một áng mây buồn, giờ phút thân thiết, tin cậy, âu yếm một cách thích thú, hân hoan...


Có một cái gì đó hết sức đặc biệt trong những đêm ấm áp và sáng sủa ở các huyện lỵ Nga dạo cuối hè. Thật là bình yên, thật là thư thái biết bao! Một ông lão mang chiếc mõ cầm canh đi dạo khắp cái thị trấn vui tươi ấy vào ban đêm, nhưng cụ đi chỉ để tìm vui thú cho chính mình mà thôi: có gì phải canh gác đâu, hỡi những con người tốt bụng, hãy cứ ngủ yên, canh gác cho các người là sự phù hộ của Chúa, là bầu trời rạng rỡ vời vợi mà ông lão thỉnh thoảng lại thanh thản ngước nhìn lên khi đi giữa lòng đường đã được sưởi ấm qua một ngày, và chỉ hoạ hoằn lắm cụ mới gióng lên một hồi mõ theo một điệu múa nhịp nhàng để làm vui.


Và đấy, trong một đêm như thế trong canh khuya ấy, khi cả thị trấn chỉ có một người không ngủ thì em đã đợi tôi trong khu vườn nhà, một khu vườn đã chớm héo khô vào lúc sắp sang thu. Và tôi đã lén lút lọt vào khu vườn ấy, se sẽ mở cánh cổng nhỏ mà em đã mở khoá sẵn, se sẽ và mau chóng chạy qua sân, rồi từ phía sau nhà kho tận cuối vườn, tôi bước vào bóng tối lờ mờ và loang lổ của khu vườn, mà ở phía xa xa, trên chiếc ghế dài dưới rặng táo, tôi đã thấy trăng trắng xiêm áo em, và tôi mau lẹ tiến lại, sợ hãi mà mừng vui khi bắt gặp ánh mắt đợi chờ của em.


Thế rồi chúng ta ngồi mãi, ngồi mãi trong một niềm hạnh phúc ngỡ ngàng. Một tay anh ôm lấy em, nghe biết được nhịp đập của trái tim em, còn tay kia em nắm lấy bàn tay em, qua đó cảm biết được tất cả trong em. Và trời khuya đến nỗi không còn nghe tiếng mõ đâu nữa cả, — ông lão đã nằm trên một tấm ghế dài ở đâu đó, mồm ngậm tẩu mà mơ màng, sưởi ấm dưới ánh trăng. Khi nhìn sang phải, tôi thấy mặt trăng vẫn thản nhiên toả sáng cao cao trên khu vườn và thấy mái một ngôi nhà bóng loáng lên như ánh vẩy cá. Khi nhìn sang trái tôi thấy một con đường nhỏ mọc đầy cỏ khô chìm lấp dưới một rặng táo khác, và sau rặng táo tôi thấy từ trong một khu vườn khác của nhà ai đó, ló ra rất thấp một ngôi sao đơn độc màu xanh lá cây, một ngôi sao leo lét với vẻ lãnh đạm nhưng lại trông chờ, một ngôi sao đang định nói gì đó nhưng lại nói chẳng thành lời. Thế nhưng cả khu vườn lẫn ngôi sao ấy tôi chỉ thoáng qua, bởi lẽ trên đời bấy giờ chỉ còn bóng tối lờ mờ và đôi mắt em lấp lánh loé sáng trong bóng tối lờ mờ đó.


Rồi sau đó, khi em đưa tiễn tôi ra tới cổng, tôi bảo em:


— Nếu có đời sau mà chúng ta lại được gặp nhau thì lúc ấy anh sẽ quỳ xuống hôn chân em vì tất cả những gì em đã từng cho anh trên cõi trần thế này.


Tôi bước ra giữa phố ngời sáng để trở về nơi mình tạm trú. Ngoái nhìn lại, tôi vẫn còn thấy thấp thoáng bóng dáng nàng.


Giờ đây, đứng dậy rời khỏi bệ đá, tôi quay gót trở về bằng con đường mình đã đến đây. À, mà không, ngoài việc đến thăm phố Cũ ra, tôi còn có một mục đích khác nữa, tuy e sợ chẳng dám thú nhận với lòng mình, nhưng thừa biết rằng việc thực hiện mục đích đó là không thể tránh khỏi. Và thế là tôi cất bước tới, đi tới để nhìn lại một lần nữa và để rồi ra đi mà không bao giờ trở lại.


Lại một con đường quen thuộc nữa. Cứ đi thẳng, rồi rẽ trái, đi qua chợ, rồi từ chợ theo phố Tu viện đi về phía lối ra khỏi thị trấn.


Khu chợ dường như một thị trấn nhỏ trong cái thị trấn lớn. Các dãy quầy hàng đều nồng nặc những mùi vị. Ở dãy hàng thức ăn chín, dưới những mái che và trên những tấm bàn, ghế dài, thấy tối mù mịt. Ở dãy phố sắt, bên trên giữa lối đi có treo lủng lẳng bằng xích sắt một tượng thánh của Chúa cứu thế mắt to, khung tượng đã han rỉ. Ở dãy phố bên cạnh bán bột, sáng nào cũng có cả đàn chim bồ câu chạy nhảy, mổ những hạt rơi vãi trên lòng đường. Nếu đến trường trung học thì còn có biết bao chim bồ câu nữa kia. Và con nào con nấy to béo, ức mầu cầu vồng, — chúng mổ, chúng chạy, chúng lượn lờ uốn éo yểu điệu theo kiểu phụ nữ, chúng núng na núng nính, giật giật cái đầu bé nhỏ theo cùng một kiểu, dường như không để ý gì đến chúng ta, và chỉ đập cánh vun vút, bay vụt lên khi ta suýt dẫm phải một con nào trong bọn chúng mà thôi. Còn đến đêm thì ở đây lại có những con chuột cống phóng như bay, chúng đen, to thù lù, trông rất tởm và dễ sợ.


Phố Tu Viện vừa là một nhịp cầu dẫn ra cánh đồng, vừa là một con đường, một đằng là từ thị trấn đi về nhà, về nơi thôn quê;một đằng là đi đến thị trấn của những người đã chết. Ở Paris,một ngôi nhà số bao nhiêu ở phố nào đó thường được làm nổi bật lên so với tất cả những ngôi nhà khác bằng một chiếc cổng giả được dựng lên hai ngày liền để chứng tỏ ngôi nhà đó có bệnh dịch hạch, chung quanh cổng có viền khăn tang bằng bạc,và trong hai ngày liền trên một chiếc bàn nhỏ phủ khăn tang kê ở cổng có đặt một tờ giấy viền đen để cho các khách đến viếng sẽ ký tên và tỏ ý chia buồn. Sau đó, đến một kỳ hạn cuối cùng nào đấy, người ta đưa đến cổng một cỗ xe tang đồ sộ làm bằng gỗ đen kịt như gỗ đóng quan tài cho kẻ bị dịch hạch, trên xe phủ vải riềm tang, ở giữa mép riềm được xén lượn tròn có những ngôi sao trắng lớn để chỉ thiên đàng, còn ở các góc mái riềm thì có treo những ngù đèn xoắn tít,biểu hiện cho những chiếc lông của con đà điểu dưới địa ngục. Thắng vào xe là những con quái vật cao lớn phủ vải đen như than, đầu có sừng và có vòng trắng ở lỗ mắt. Ở chiếc ghế giong xe cao ngất nghểu, ngồi chờ giờ cất đám là một con sâu rượu đã già, bề ngoài cũng được đóng bộ một cách tượng trưng trong một sắc phục tang chế giả như thế, nhưng trong bụng thì hẳn là lão ta đang cười thầm về những câu long trọng như: Requiem aeternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis (6) — Thế nhưng ở đây thì khác hẳn. Làn gió từ cánh đồng hiu hiu thổi về dọc theo phố Tu viện, và người ta lót khăn mặt để khiêng một chiếc quan tài mở ván thiên đi ngược lại chiều gió, trong đó bồng bềnh khuôn mặt trắng màu cơm, một vành hoa nhỏ sặc sỡ ở trên trán che lấp đôi mí mắt sưng phồng đã nhắm nghiền. Nàng cũng đã được người ta khiêng đi như vậy.


Ở lối ra khỏi thị trấn mé trái đường cái là một tu viện thời Nga hoàng Alêchxây Mikhailôvits, là một chiếc cổng thành luôn đóng kín cửa cùng với những bức tường thành, và đằng sau những bức tường thành thấy bóng lộn những mái vòm dát vàng của ngôi nhà thờ lớn. Xa hơn nữa, tận cánh đồng lại là những dãy tường khác, nhưng không cao lắm mà họp thành một ô vuông rất rộng, bên trong có cả một cánh rừng nhỏ bị những con đường thẳng băng và dài dằng dặc chia cắt, hai bên đường rải rác đủ loại thánh giá và mộ chí dưới khác nhau dưới các bụi cây leo, các rặng đoạn và bạch dương lâu đời. Ở đây cổng lại mở toang, do đó tôi thấy ngay con đường chính, phẳng phiu, bất tận, Tôi rụt rè cất mũ ra mà bước vào. Sao khuya khoắt và câm lặng đến thế. Mặt trăng đã xuống thấp sau những lùm cây, nhưng bốn chung quanh trong tầm mắt đâu đấy đều thấy rõ mồn một. Giữa bóng tối trong vắt, toàn bộ khoảng rừng của người đã chết, của những cây thánh giá và mộ chí, đều vẫn hiện lên rõ rệt với đầy đủ những họa tiết đa dạng. Gió đã lặng trước lúc bình minh — những đám loang lổ sáng và sẫm luôn ẩn hiện dưới những rặng cây nay đều đã ngủ im. Nhưng ở phía xa xa trong khoảng rừng, từ đằng sau ngôi nhà thờ nghĩa trang bỗng có cái gì thấp thoáng, rồi nó biến thành một cuộn đen ngòm như điên như cuồng vùn vụt chạy ập lại phía tôi. Tôi thất kinh rạt sang một bên, toàn bộ đầu óc tôi phút chốc lạnh ngắt đi và co quắp lại... cái gì thế nhỉ? Nó chạy vụt qua và biến mất hút. Nhưng trong ngực tôi con tim vẫn chưa đập lại được. Và thế là tôi đành phải tiến lên với con tim đã ngừng đập, mang nó trong mình như một bầu trĩu nặng. Tôi biết rõ mình phải đi đâu, tôi vẫn tiến thẳng theo con đường ấy, và tới tận cuối đường cách bức tường chắn phía sau vài bước thì tôi dừng lại: trước mặt tôi, trên một khoảng đất phẳng phiu, giữa đám cỏ khô có một phiến đá thon dài và khá hẹp, nằm đơn độc, quay đầu vào tường. Còn phía sau tường, như một hạt ngọc tuyệt vời, vẫn ló ra một ngôi sao không cao lắm, màu xanh lá cây, tuy vẫn rực rỡ như ngôi sao trước, nhưng câm lặng và bất động.


Ngày 19 tháng 10 năm 1938



Chú giải:


1 — Cháu của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), đã cầm một cánh quân Mông Cổ rất lớn đánh vào Nga trong thế kỷ XIII.

2 — Kênh đào trên đất Ai Cập nối liền Địa Trung Hải với biển Đỏ.

3 — Một con sông lớn ở Châu Phi, qua Ai Cập đổ vào Địa Trung Hải.

4 — Một trong những con sông lớn của Pháp, chảy qua thủ đô Pari.

5 — Tức Tổng lãnh thiên thần (archangel) Mi-ca-e.

6 — Tiếng Latinh: Lạy Chúa, xin Chúa cho họ được bằng an đời đời và được ánh sáng đời đời.

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...