Thiên tượng (27)

Không khí rộn ràng, náo nức như ngày tết, nhưng chủ quán chắc đã chạy xa khỏi đây, tại chỗ này đang bắn nhau túi bụi.


— Đây rồi. — “Công tước” ngồi bên cạnh chợt vỗ vào vai anh, rồi gọi. — Đại tá! Đại tá ơi!


Một người dễ phân biệt ra ngay trong đám người ăn mặc giống nhau đang vội vã băng qua — anh ta dong dỏng cao hơn những người xung quanh, trang bị có vẻ phải đeo nặng hơn, và tay áo xắn cao hơn, — ngoái đầu lại, rồi cười vẻ như gặp một người bạn mà hai người thường vẫn có nhiều thứ chơi chung, dừng lại.


Ở gần mới thấy anh ta còn có điểm phân biệt nữa: từ phía quai mũ sắt bên má trái, có một cái còng mi-cờ-rô đen đen thò qua mồm, và có vẻ như cứ hễ anh ta đi đâu, là có một người sẽ lẵng nhẵng bám theo.


Người lẵng nhẵng này cũng lỏi ra từ đám đông. Những người ở đây đều mặc đồng phục rằn ri màu cỏ úa, riêng anh ta, cả mũ sắt, cả quần áo, mặc dù chắc cũng phải là quần áo đồng phục, nhưng có màu “Office 2007”, sẫm hơn một tí. Mà kể cả không mặc màu khác thế, có lẽ anh ta vẫn cứ lỏi ra, tại vì trông bộ điệu anh ta không giống như những người ở đây. Những người kia rõ ràng đều đang vội, nhưng trông họ hoàn toàn không vội, họ cứ thong thả vội; còn anh này từ mặt mũi đến dáng điệu đều hớt ha hớt hải.


— Đằng nào cũng phải kèm phóng viên chiến trường... — “Công tước” tủm tỉm đáp lại nét nhăn nhó kín đáo trên mặt bạn, tròn hai ngón tay, đặt lên mắt phải, rồi chỉ ra xa xa, đoạn nói tiếp, — cho gửi thêm hai người này; yên tâm lớn, họ cứng cựa lắm.


Những ngón tay rắn rỏi bóp nhẹ vai anh, anh chưa kịp nói gì thì “Công tước” đã gần đi khuất vào chỗ bờ tường, ngược lại hướng mọi người đang đi.


“Đại tá” — không biết có phải đại tá thật không, chắc họ vẫn phải đeo quân hàm quân hiệu, chắc thế, nhưng ở chỗ nào đấy, hay theo kiểu nào đấy, không phải như anh vẫn biết — nhìn anh với ánh mắt thiện cảm, khẽ gật đầu, hơi nhướng mày, hình như cười, nhìn cô, rồi khoát tay; anh chàng “phóng viên chiến trường” đã vội vàng theo sát gót; anh và cô theo sau họ.


Đi thẳng về phía trước theo con đường đất chừng dăm bảy phút thì cây cỏ bên bờ mương lụi dần, rồi hết hẳn, rồi thấy bờ mương bên kia được đắp nổi hẳn lên, tròn tròn, còn bờ bên đường này thì có những cây như cây nhãn mọc cách đều nhau. Gió thổi mơn man, dưới những tán lá thâm thấp, mát mẻ, bộ đội ngồi xếp hàng la liệt, có anh phì phèo hút thuốc, — hơi giống mùi thuốc “Camel”, nhưng còn thô hơn một chút, — có người bỏ mũ sắt, tóc tơ dính bết mồ hôi, mặt mũi khoan khoái; một anh tán phét gì đấy với bạn bên cạnh, đang cười lên sằng sặc, văng tục một cách đáng yêu theo kiểu học sinh. Người ngồi chơi cứ ngồi chơi, người hối hả đi cứ hối hả đi; anh phóng viên hình như rất muốn hỏi han gì đấy những người đang ngồi nhưng lại sợ lạc mất đại tá đang bước gấp gáp và nói lảm nhảm gì đấy chắc là vào mi-cờ-rô; nên phải lẽo đẽo đi tiếp, và liên tục ngoảnh nhìn. Tiếng súng vọng lại dồn dập hơn — cũng có khi chỉ là cảm giác thế, vì họ đang đi về phía nó. Có ai đấy bỗng huýt lên một tiếng sáo miệng lanh lảnh, cảm thán một câu ý tứ hơi rõ ràng quá, rồi gọi nhau, rồi hơi lao nhao, nhốn nháo, ồn ã... — họ thấy cô đi qua; anh không nhìn cũng biết cô đang đỏ đến tận tai.


Bên bờ đường bên phải bắt đầu có nhà cửa, kiểu nhà nhà quê, có tường cao bao quanh. Đại tá đột ngột rẽ phải, họ đi vào một cái ngõ ngắn bẩn thỉu có nhiều bãi đã se đầu hi vọng là chó dù xác suất lớn là bộ đội. Hết ngõ, thì đến một bãi cỏ mọc bám xuống không kín đất, rộng vừa vừa, phía bên kia có mấy căn mái bằng vuông vắn quét vôi vàng nhạt sạch sẽ tinh tươm nên trông lạ lạ, ngăn nắp nhưng không hiểu sao không có vẻ như nhà ở; đi quá tường nhà bên phải mấy căn này thì phía tay trái mở ra một khoảng sân đất rộng rãi khô cằn, không có gạch lát, cũng không có cỏ mọc, mép sân bên trái có bức tường thấp tè, trước mặt có một bức tường cao với mấy cửa xây hình vòm, không có cánh cửa, — giống như trường học, hay trụ sở công bỏ hoang. Ngồi dựa vào, hoặc nằm gối lên những chiếc ba lô to kềnh vứt trên mặt đất, là dăm bảy anh bộ đội.


Ở phía bên trong còn nhiều bộ đội nằm ngồi nữa, nhưng đại tá vẫn không đổi cước bộ, cứ thế cắt qua khu trụ sở công cũng tương đối rộng này, rồi dẫn họ băng vào một mảnh đồng rộng đất khô và xốp giống như đất luống rau nhưng không đánh thành luống, được gieo trồng cùng một loại cây gì đó có một thân thẳng tròn như chiếc đũa tre, cao đến gần thắt lưng, trông như đã chết khô, trên đầu có một nắm tròn màu nâu thẫm, cũng không rõ là hoa hay quả. Lác đác, không hiểu sao lại có những bông cúc vàng rất to, nở rực rỡ, tươi rói, nghênh nghênh mọc cao hẳn lên. Thực ra anh nghi đấy là hoa hướng dương — nghi thôi, vì cũng chưa bao giờ nhìn thấy hướng dương. Anh đoán là họ vừa đi tắt, vì từ phía bên phải, có nhiều bộ đội cũng đang băng vào đồng này. Tất cả đều hướng tới một khu nhà có tường cao bao quanh ở phía trước.


Nhà này kiểu như một nhà giàu ở trong làng. Sân nhà rộng rãi, tường đã cũ, tróc vôi và nứt nẻ, nhưng cao và dày dặn. Trong sân và trong nhà lố nhố bộ đội ngồi dựa vào những chỗ khuất, những xó tường; hoặc lăng xăng đi đi lại lại. Lối họ vừa vào là cửa sau. Ở cửa trước, tường bao ở cả hai bên quành bầu bầu vào trong, nên cửa thụt hẳn vào; đại tá đứng dựa vào chỗ bầu đấy, nói lảm nhảm vào mi-cờ-rô, thò tay ngăn cô lại, nghênh đầu: “Cô đừng ra khỏi sân.”


Ngay sát tường bao hai bên cổng có hai gốc cây to, tán lá rộng của chúng lòa xòa râm mát cả một khoảng rộng. Có một con đường đất nhỏ chạy men men ngang qua cổng, bên kia đường là một bãi đất canh tác rộng, đất trông như đã được làm, nhưng chưa thấy gieo cấy gì cả, phơi khô trắng phau; chia làm mấy thửa rộng được phân nhau ra bằng những đường bờ “ruộng” có cỏ mọc, hơi cao lên, chạy ra xa; tận cùng phía bên phải, chắc hết đất canh tác thì thấy cỏ mọc kín bãi và có những bụi cây hơi cao lên, hình vồng vồng, lúp xúp.


Anh vừa thò đầu ra khỏi chỗ tường bầu bầu, ngó nghiêng thì thấy anh bộ đội đeo bốn cái “bắp chuối” — chắc đúng anh ban nãy — đi vượt qua về phía tay phải, rồi gần như ngay lập tức từ phía ấy có một anh khác mặc đủ quân phục nhưng để đầu trần, vừa cười vừa vội vàng chạy tọt vào cửa, bảo: “Té thôi...”


Anh chưa hiểu gì, nên cẩn thận nép sát vào tường, nghé mắt ra, thì vừa lúc ấy nghe thấy: “sạp sạp... tì Rầm!”; lần này thì đất dưới chân đúng là rung lên thật, và cách đấy một đoạn ngắn, một đám khói trắng phì mạnh về phía cánh đồng, mù mịt hết tầm nhìn. Ngay sau lưng anh có những tiếng nửa cười nửa cảm thán “hú hú hú...” vui vẻ: đã có nhiều người đứng nép ở đấy lúc biết là chuẩn bị nổ; khói chưa tan hết thì họ hăm hở sách súng kéo nhau ra, nhanh nhẹn chạy lên một quãng theo con đường, rồi đứng cụm nhau lại, chỉ chỉ trỏ trỏ, bàn tán gì đó, một người đứng ở phía trước nâng súng lên, nổ lẹt đẹt mấy phát — anh đứng ngay đấy, nhưng tiếng súng đúng là nghe lẹt đẹt thật, không như anh vẫn tưởng nó phải to ầm và trầm hùng như lúc xem Meggie Q bắn nhau trong “Mission impossible 3” ở trong rạp có âm thanh nổi.


Có tiếng nói ở ngay đằng sau; đại tá vừa giải thích với phóng viên, vừa chỉ tay về phía trước; anh chăm chú nhìn: hết chỗ cỏ và bụi cây nhỏ bên phải cánh đồng, cây bắt đầu mọc cao lên thành khối rậm, và ở trong đám cây đó có một căn nhà nhỏ màu trắng có một cửa sổ vuông, lấp ló, hơi khuất về bên phải. Đám bộ đội phía trước, bây giờ người thì quỳ lom khom xuống, người thì dựa vào tường, người thì cứ đứng tơ hơ thế nâng súng lên, đang tập trung nã đạn vào chỗ tường nhà ấy. Có một anh đang bắn thì giật mình ngoái lại phía sau, hét gì đấy với người cũng đang đứng bắn ngay đấy, ý như bảo “mày bắn gần tai tao quá”.


Trong lúc họ đang bắn, thì đại tá đi đi lại lại ở khoảnh râm mát trước cửa, tay cầm một quyển sổ, kiểu sổ mở lật lên chứ không giở ngang, thỉnh thoảng nhìn vào đấy, mồm liên tục lảm nhảm vào mi-cờ-rô.


Được một lúc thì những người kia thôi không bắn nữa và kéo nhau tràn ra cánh đồng trống, hấp tấp, tất tả xách súng chạy về phía căn nhà kia, anh nhận ra anh bộ đội đeo “bắp chuối” chạy vòng tách hẳn ra, về phía bên trái. Anh đang mải quan sát thì hơi giật mình thấy đại tá hét rất to:


— Bọn khỉ đảo làm cái c... gì ở trên kia?! Cẩn thận lại giết người của bọn tao!..


Từ hướng anh ta đang nhìn, vọng lại những tiếng ịt ịt... liên tục, hệt như tiếng ống bô xe máy đang phải lội nước ở ngoài đường bị mưa ngập: có cái máy bay đen đen, hình như là trực thăng đang bay cao tít trên trời xanh ngắt không hề có một gợn mây.


Anh quay lại thì chỗ mà bộ đội đang xách súng chạy ban nãy đã trống trơn, chắc họ đều tìm được chỗ nấp và đã nằm hết xuống. Hình như mấy cái “bắp chuối” vẫn nhô lên ở sau một bụi cây tròn, không biết có phải thế không, vì khoảng cách từ đây cho đến đấy cũng xa, và cây đấy thì có đỡ được đạn đâu.


Tiếng ịt ịt vẫn vẳng lại, bất giác suy nghĩ của anh lôi ngay lên và tìm cách ghép lại với nhau những thông tin không có hình ảnh — anh chưa bao giờ nhìn thấy thật — về một loại máy bay rất to. Nó bay cách mặt đất hơn mười cây số; cao thế nên người ở dưới mặt đất không nhìn thấy nó; và những người ở bên trong nó cũng không nhìn thấy mặt đất, họ điều khiển nó bằng thiết bị điện tử; họ được đào tạo đặc biệt, vô cùng tốn kém, và ngoài kỹ thuật ra, họ còn được đào tạo về tâm lý để lúc điều khiển nó thật sự, — cộng với việc đúng là họ chỉ tiếp xúc với các thiết bị điện tử thật, — họ sẽ có cảm giác, cảm giác cũng thật sự, là mình đang chơi ghêm.


Vì sao phải đào tạo tâm lý một cách lạ lùng như vậy?


Vì loại máy bay to này được thiết kế để bỏ bom nguyên tử.


Nhưng bom nguyên tử không phải là thứ mà hễ cứ sướng là ném: trong cả lịch sử bỏ bom của nhân loại, phải đến lúc mà khát khao trả thù — vì đã bị giã nát một cách te tua nhục nhã không ngờ ở một cái cảng có cái tên lấp lánh “ngọc trai” — đã dâng lên đến tột bực; mà ngay cả thế, cũng phải đúng vào thời điểm mà thằng giã mình hồi ấy đang bị thằng khác khỏe hơn đánh cho đến ngắc ngoải sắp chết đến nơi; và cũng là lúc mà ước vọng tâng công dồn dập thôi thúc; phải từng đấy thứ cảm xúc dồn nén, mà phải toàn là thứ cảm xúc kiểu bẩn bẩn, cộng lại khiến cho người ta bị trở thành một thứ gì đó tăm tối, dơ dáy và quái thai không còn một chút gì giống với con người nữa, thì người ta mới lỏn lỏn đem được hai quả bom nguyên tử đi ném trộm; mà từ bấy đến giờ, cũng chỉ mới ném trộm duy nhất được hai quả đấy.


Cho nên, người ta bèn chuyển loại máy bay này sang dùng để đi bỏ bom “dân dụng”: nó có thể chở được một trăm quả “dân dụng” như thế; mỗi lần thả, nó cào sâu lên mặt trái đất một vệt bom hình lưỡi hái kéo dài nửa cây số.


Nếu nửa cây số bom đấy được phệt vào một phố đầy dân cư?


Nếu không được đào tạo đặc biệt về tâm lý, liệu có ai — “ai” không phải là đại từ dùng để chỉ các con vật, trừ một số bối cảnh nhân cách hóa trong nghệ thuật — có đủ khả năng để bỏ bom như thế không?


Trước mỗi trận bỏ bom, các “ghêm thủ” ăn mặc chỉnh tề ngồi oai vệ cùng nhau trong phòng hội thảo, lấy đèn chiếu chiếu lên phông to những tấm ảnh được chụp bằng vệ tinh và đã được các trung tâm điện toán được trang bị các máy tính hiện đại nhất xử lý, dùng bút la-de chỉ trỏ cho nhau xem những chỗ chúng mình sẽ “đấm”, chúng mình sẽ “đá”, sôi nổi bàn bạc với nhau cách “đấm”, cách “đá”, cách nên bấm nút “đấm”, nút “đá”, trước mấy chục giây thì đòn đánh sẽ hiệu quả hơn...


Kết thúc buổi họp, chủ trì trang nghiêm: “Chúa phù hộ chúng ta!” Tất cả các “ghêm thủ” cúi đầu thành kính: “A-men!”


Không biết Chúa có thể phù hộ cho các “ghêm thủ” hay không?


Chúa chắc có thể — một lần nữa — để cho con trai Người xuống và tự hứng lấy vệt bom hình lưỡi hái kia.


Còn tự Chúa chắc không thể trở thành một “ghêm thủ” như thế.


Một người bình thường không thể làm như thế.


Một người, bị lạc vào rừng từ lúc còn bé, bé hơn cả Rô-bin-sơn, và lớn lên một cách hoàn toàn tự nhiên ở đấy, không thể làm như thế.


Động vật không thể làm như thế.


Phải được đào tạo đặc biệt về tâm lý, đến lúc bản tính của một người đạt được tới một chất lượng thấp hơn nhân tính; chưa đủ, còn phải tiếp tục nâng cấp nữa, để đạt được tới một chất lượng thấp hơn thú tính. Phải thế, thì mới làm được như thế.


Khó đến thế, mà họ vẫn dạy được, và vẫn học được. — Phải là một giống người đặc biệt, một nền giáo dục đặc biệt, và ở vào một thời điểm thăng hoa đặc biệt của cả một dân tộc đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi chính họ còn tự bắn lẫn nhau để tranh được làm cái việc bỏ bom hình lưỡi hái ấy...


Tiếng súng bỗng rộ lên dồn dập và dày đặc nhất kể từ lúc anh nghe thấy chúng ở đây...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...