Động cơ vĩnh cửu (7)

Ông Trời cũng đểu, hình như luôn có ý áp đặt một cái ngưỡng kiến thức nào đó cho những kẻ căn cơ, và chỉ hé mở ở trên những ngưỡng đó những kiến thức hay ho, tinh túy nhất cho những tên lãng tử. Tất nhiên, mặc dù anh Tuấn là một thợ mộc giỏi — giỏi gia truyền hẳn hoi — nổi tiếng ở cả vùng này, và có một gia sản khang trang, nhưng tôi cũng không ngây ngô đến mức có ý đem anh ra so với Hen-ri Phót hay Bin Ghết, và không nhố nhăng đến mức có ý đem mình ra so với Lê-ô-na Đờ Vanh-xi hay Niu Tơn; nhưng cái ý nghĩ trên về những kẻ căn cơ và những tên lãng tử đã tự nhiên đến trong đầu, lúc tôi đã tìm được một tờ giấy trắng và một cái bút bi xanh rồi ngồi vừa cắn bút, vừa gạch đầu dòng ra trên giấy những thứ mà tôi cho là cơ bản nhất, để sẽ “chuyển giao công nghệ” cho anh Tuấn.


Và đồng thời với ý nghĩ kia, thì còn có một ý nghĩ khác, ý nghĩ này gây ra một cảm giác hơi tò mò, là lạ: tôi chưa bao giờ có thể nghĩ... mà chưa đến mức nghĩ, tôi chưa bao giờ có thể hình dung là có một lúc nào đó mình lại có thể đang làm một việc như tôi đang làm bây giờ. Cho đến thời điểm này, hình như tất cả những người giống như anh Tuấn mà tôi đã gặp đều không giống như anh Tuấn.


Cái “giống” là tôi muốn nói về những người mà bằng những cách giống hoặc khác nhau nào đó, đều đã tìm cho mình được một phương cách mưu sinh tương đối tốt trong so sánh chung.


Còn cái “không giống” thì hơi khó giải thích ngắn gọn, hơn. Thế này, hồi đầu mới về thăm quê hương, có một lần tôi đã bị ngạc nhiên đến mức không quên, khi có một chú, thậm chí gọi là bác cũng được, lớn, đã có vợ và hai con, điềm nhiên tuyên bố với một nụ cười rất mãn nguyện: “Mặc dù tôi ít học, nhưng bây giờ mỗi tháng tôi vẫn kiếm được mấy ngàn đô, có sao đâu?”


Lúc đấy tôi chỉ gắng nhịn cười và cố để không có biểu hiện gì có thể mang một ý nghĩa bất nhã, và nghĩ rằng đấy chỉ là một trường hợp tương đối riêng. Nhưng sau đấy, khi đã có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những người đồng quê hương với tôi, thì tôi hiểu đây là nhận thức rất chung.


Thêm một chút thời gian, thì tôi còn hiểu thêm, là đây là kiểu nhận thức rất chung: vì nó không chỉ dừng lại ở cặp “Học vấn — Thu nhập”, mà còn được mở rộng đến vô số những cặp khác: “Học vấn — Mỹ cảm”, “Tiền tài — Đạo đức”, “Năng lực mình — Năng lực người”, và đặc biệt, nhất là ở các bạn gái, là “Ngoại hình — Nội tâm”, “Ngoại hình — Hạnh phúc”...


“Mặc dù tôi dốt nhạc, nhưng tôi nghe Xô-panh vẫn thấy hay, và thế là quan trọng nhất, cần gì phải biết nhạc? Bố mẹ tôi hồi trước thừa sức mua pi-a-nô, nhưng có các tiền tôi cũng không đổi tuổi thơ hồn nhiên của mình lấy những giờ học nhạc nặng nề.”


“Mặc dù tôi ít tiền, nhưng đấy là vì tôi luôn đề cao đạo đức, chứ không cầu lợi.”


“Mặc dù tôi chỉ học hết trung cấp, nhưng mấy thằng đại học ở cơ quan bị tôi sai như chó.”


“Mặc dù thằng ấy giỏi, nhưng chữ tài liền với chữ tai, chả tốt đâu.”


“Mặc dù mình xấu, nhưng cái nết đánh chết cái đẹp.”


“Mặc dù con ấy xinh, nhưng vừa bị chồng bỏ, hồng nhan bạc phận, đau khổ lắm.”


“Mặc dù mình lùn, nhưng lùn hạt tiêu, bọn cao to mười thằng thì chín thằng rưỡi ngu hơn mình, há há...”


Có gì đấy hơi khó lý giải trong cái đã trở thành mang tính hệ thống này. Và lúc mới giao du với Phi Long, thấy có nhiều điểm hợp ý, thì đây cũng đã là một trong những chủ đề mà tôi đã mang ra trao đổi ngay. Câu trả lời của y đã làm tôi hơi sửng sốt:


— Một phần rất lớn là vì Đạo Phật! — Y hầu như không nghĩ ngợi, khẳng định luôn.


Nếu là người khác, thì xác suất lớn là tôi sẽ nghĩ ngay đây là kiểu chém gió để gây ấn tượng, nhưng y thì không; tôi biết thế, mặc dù tôi cũng chỉ mới giao du nhiều nhiều với y trong thời gian gần đây thôi.


Cũng cần nói thêm, Đạo Phật cũng là một trong những hệ thống mà tôi đã cố gắng nhiều để mày mò tìm hiểu một cách có hệ thống nhất. Cho nên, một cách vì hiểu biết nên từ tốn, tôi đã trình bày y nghe tương đối cặn kẽ quan điểm của mình về vấn đề này — bênh vực Đạo Phật, tất nhiên.


Y nghe rất chăm chú, mắt ánh lên ở những chỗ hay — đa phần cũng trúng những chỗ mà bản thân tôi cũng tâm đắc. Nhưng lúc tôi đã trình bày xong, thì y chả đồng tình cũng chả phản đối gì, mà nói ngay sang một chuyện khác:


— Đạo Thiên Chúa sẽ là một đề xuất hợp lý hơn!


Hồi mới vào đại học, tôi đã đọc Kinh Thánh, cặm cụi đọc hết bản Vua Giêm, và cả bản “đọc — kể” của Pearl Buck; nhưng quả thực tôi chỉ đọc như đọc truyện, — một kiểu truyện thần thoại, — tôi thích kiểu văn viết trong đấy, tôi thích những cái như thế này:


Và, hãy nhìn xem, đã phát sinh một trận bão lớn trên biển, đến mức mà con thuyền đã bị che phủ bởi những làn sóng: nhưng Người đã ngủ.

Và những môn đồ của Người đã đến chỗ Người, và đã đánh thức Người, nói rằng, Đức Chúa, hãy cứu chúng tôi: chúng tôi bỏ mạng.

Và Người nói với họ, Sao các người lại sợ hãi, Ôi các người những kẻ thiếu lòng tin? Rồi Người đứng lên, và đã quở trách những cơn gió và biển cả; và đã có một sự yên lặng mênh mông.

Nhưng mọi người đã ngạc nhiên, nói rằng, Đây là loại người nào, mà thậm chí những cơn gió và biển cả nghe lời ông ấy!


Hơn nữa, hồi đấy, tôi như kẻ khát nước lúc nào cũng cần kịch bản, cần điển tích để bi bô với bọn con gái, và cũng phải nhận luôn, là có khi còn xuất sắc hơn cả Kim Bình Mai, những cái Vua Giêm với Pearl Buck đấy, nếu biết thêm thắt, biến tấu, du dương vào, thì không hiểu sao, bọn con gái rất nhiều đứa rất thích nghe.


Lúc đấy ấn tượng của tôi chỉ là ở đấy đầy những chuyện mặc dù đa phần hay, nhưng hoang đường; chỉ cho đến gần đây, tôi mới bắt đầu cảm thấy ở tôi bắt đầu có cái gì đó lờ mờ giống như mong muốn tìm hiểu kỹ hơn — với một số vấn đề, thỉnh thoảng tôi vẫn có cảm giác như vậy, một cách hết sức tự nhiên. Và tôi rất thích cảm giác ấy, luôn rất mừng khi thấy nó xuất hiện; và vì đã phần nào quen với kiểu quá trình nhận thức được hình thành như vậy, nên tôi hiểu là với vấn đề này, Phi Long đã qua cái đoạn đấy trước tôi.


Bằng vào thái độ tiếp tục khẳng định lần này của y, tôi hiểu là y cũng đã từng lăn tăn, và đã thông suốt chuyện này, cho nên tôi yên lặng, chờ nghe tiếp.


Y gần như tiếp tục ngay:


— Cả hai đạo này, mà nói chung các đạo, cấu trúc hệ thống đều là đưa ra một cách lý giải về sự tồn tại của con người — có thể nói là chính về mối lăn tăn sâu kín nhất một cách bản ngã trong mỗi một con người không bị dị tật; rồi tìm cách truyền đạt, gợi ý, chỉ dẫn cho người ta những hành vi tồn tại trong cuộc đời sao cho phù hợp nhất với cách lý giải đó.


— ...


— Cho nên, về nguyên tắc thì Đạo Phật hay Đạo Thiên Chúa, về ý nghĩa thì đều không khác nhau lắm.


— ...


— Điểm không phù hợp ở đây, là cách truyền đạt. — Y tự dưng phì cười. — Ở vũ trường, chú hay bảo bọn nó chơi nhạc... cái kiểu gì... mặc may ô...


— “Tất cả các tác phẩm kinh điển đều được gái mặc xi-líp nhảy và hát theo nhịp hai bốn và giai mặc may ô đệm ầu-ía” — Tôi cũng cười, nhắc lại nguyên văn lời mình.


— Đấy đấy... — y vẫn cười chưa hết, cúi đầu lắc lắc, ấn ngón tay vào trán, — bây giờ cứ mang Bết-thô-ven vào vũ trường với xuống tàu điện ngầm mà chơi suốt như thế, rồi sẽ thế nào?


— ...


— Tất nhiên, có nhiều người sẽ bảo đấy là cách hợp lý để nhiều người có thể thưởng thức được Bết-thô-ven hơn. Công nhận nhiều hơn thật, nhưng đấy có phải Bết-thô-ven nữa đâu?..


— Ừ, giống Bát-ô-tô hơn. Theo anh thì Đạo Phật, cách truyền đạt của nó, cũng “vũ trường”, “tàu điện ngầm”?


— Ừ.


— ...


— Thuyết Tương Đối có phổ cập được không?


— ...


— Thế muốn có nhiều người hiểu được Thuyết Tương Đối hơn thì phải làm thế nào?


— Ừ, chắc... nên làm cho quần chúng tin là đứa nào hiểu được Thuyết Tương Đối thì bướm sẽ tỏa hương thơm ngát, giai theo cả đàn.


— Ừ, hoặc chim sẽ đặc biệt nổi cộm, gái theo cả đàn... cứ tin như thế, mù quáng một tí cũng được, rồi ai, có thể một phần vì tin thế, mà tích lũy được đủ kiến thức, thì sẽ hiểu được; mà cái này, thì chắc cũng phải cơ duyên một chút.


— ...


— Còn hơn là... như hai anh gì... mà lên báo ấy nhỉ...


— Anh nói anh Cường và anh Trí?


— Ừ, tại nghĩ là Thuyết Tương Đối là đơn giản, dễ hiểu, ai cũng có thể hiểu được đấy. Mà Thập Nhị Nhân Duyên, chú có nghĩ là dễ hiểu hơn Thuyết Tương Đối không?


— À, — tôi chợt liên tưởng, tính tôi ít khi nghiêm túc được một lúc lâu, — cái này thế nào mà y hệt chuyện đào tạo đại học ở quê mình. Đại Học ở Việt Nam bây giờ có khi phải gọi là Đạo Đại Học mới phải...


— Chú chưa gọi thế thì sinh viên ở nhà bọn nó đến kỳ cũng đều đều mang chuối oản đến dâng “bán tự vi Sư” rồi đấy.


— Công nhận, em thấy sinh viên đi học bây giờ, nhiều đứa cũng cạo đầu trọc lốc... À, — tôi đang cười gật gù thì chợt cau mày đắn đo, rồi rụt rè, — nhưng mà... còn điểm này, nhá... dù sao, nếu chỉ he hé được những thứ như kiểu “quẳng gánh lo đi mà vui sống” thì dù sao, cũng vẫn tích cực... Không, có khi cái này... cái phân tích kiểu này... như ban nãy, có thật ổn không?


— Hì... — y phì cười, — Phật mà chỉ đơn giản các cô các chú chỉ cần cố sống cho vui vẻ là ổn, Anh-xtanh mà chỉ đơn giản các cô các chú chỉ cần nhớ thời gian và không gian chỉ là tương đối, thì bây giờ chú với anh liệu có biết Phật với Anh-xtanh là ai không?


— Nhưng cụ thể “quẳng gánh lo đi...” — tôi tiếp tục câu bài.


— Nếu đúng là người, thì ai cũng sinh ra cùng với cả “lo” và “vui”; cả hai thứ đấy, chúng đều có quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc như nhau. Cái lý gì bảo tăng cái này lên, triệt cái kia đi thì tốt hơn? Như thế đứa nào đẻ ra mà bị hỏng sẵn, hỏng luôn cái “lo” đi rồi, thì sẽ tốt hơn à? Cách suy nghĩ như vậy... thật là thiếu tính nhân bản!


— Ừ, cái “lo” với “vui” này em thấy thế nó cũng tương tự như “đau” với “sướng”. Bình thường chả ai thích bị “đau”, nhưng bây giờ thử hình dung... nếu mất mất cảm giác “đau”, thì nó thành thế đ’ nào? Một đứa như thế, sống kiểu đ’ gì? Thậm chí đang chết cũng đ’ biết. Mà còn... với cả... quẳng là quẳng thế đ’ nào, nhiều lúc, cũng phải vừa “đau”, vừa “sướng”, thì nó mới...


Tôi đã hiểu là về chuyện này y cũng giống tôi. Ừ, Bát-ô-tô ầu-ía cũng vui bỏ mẹ, mà đ’ ai Phật lại chỉ dạy có thế. Bản chất đ’ phải là có nên lo không, có nên vui không, có lo không, có vui không, đã là người thì nó thế rồi, không với không nên cái đ’ gì nữa; quan trọng là lo cái gì, vui cái gì. Giống người hơn, hay giống khỉ hơn, bản chất chắc đều ở đấy cả... Tôi bảo y:


— Này... râu tóc anh bao lâu rồi đ’ gọt?


— Chắc... — cái nhìn của y bị ngỡ ngàng, y sờ sờ cằm, tự nhiên đỏ mặt, như con gái.


— Sẵn râu tóc, tối ở nhà, em chở cả bọn kia qua, rồi đi ầu-ía phát.


Ở anh Tuấn, còn có một điểm “không giống” nữa...


(Còn tiếp)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...