Lập Trình Viên II (55)

Và trong số những người ấy, những người không có đạn lửa, không có đạn thường, không có súng, nhưng "sẽ chặn xe bọc thép lại", có anh Kốt-xchi-a tôi, một trong những sinh viên xuất sắc nhất của một trường đại học lớn nhất nhì đất nước.

Trời mưa và không khí ẩm ướt làm cho ánh đèn — chủ yếu là đèn đường — bị ngắn lại và ít nhiều giống như những nét bút lông vẽ màu nước nhưng hơi nhiều nước quá, mặt đường và những bề mặt khác hướng lên giời đều ướt sũng, nên khung cảnh tối lèm nhèm, lại còn lấp loáng.
Đường hầm Trai-kốp-xki, đoạn "có nóc", dài khoảng gấp hơn ba lần chiều rộng của đại lộ Ka-li-nhin (tám luồng xe) chạy trên đầu; đường hầm phân làm hai chiều, mỗi chiều ba luồng xe, được ngăn cách nhau ở giữa bằng một hàng những cột bê tông vuông; dọc các góc tường phía trên, ở hai bên mỗi luồng, đều chạy một dãy bóng đèn hắt ra ánh sáng vàng vọt, chắc là yếu, trong mắt những người lái xe qua đây ban đêm.
Nhưng xe bọc thép thì không phải loại xe vẫn thường chạy qua đây.
Sau khi tránh mấy chiếc xe bồn một cách không mấy khó khăn, những người lính lái xe bọc thép (theo hình dung của tôi), ngồi trong hộp sắt kín, nhìn đường qua thiết bị kính quang học, lúc này chắc là đang có một cảm giác thoải mái, và nhất là yên lòng, — trong bối cảnh mà chẳng ai ngờ và chẳng ai muốn, và họ có khi là chẳng ngờ chẳng muốn hơn cả này, có lẽ họ đang mong, và tương đối tin, là mọi việc rồi sẽ diễn ra một cách bình thường, giống như chiếc xe bọc thép, dưới sự điều khiển thuần thục của họ, đang êm ả lướt qua đường hầm sáng đèn ngay bên dưới đại lộ này, hoàn toàn không có gì khác nhiều lắm so với vô số những lần tập trận, hành quân khác; vì cứ dựa vào địa thế mà xét, nhất lại là theo cách nhìn nhận của những người đã được tập đánh trận bằng súng thật đạn thật hẳn hoi, nếu thật sự muốn chặn họ lại, thì chỗ đường trong hầm này có thể nói là đắc địa nhất, nhưng mà đường ở đây lại thông, hoàn toàn thông.
Chẳng biết họ có hình dung không, là mình đang đi qua mắt của cơn bão, — những gì mà họ gặp phải khi đã ra khỏi đường hầm dưới đại lộ, và ngoi lên đã tới gần mặt phố rồi, mới là gió giật cấp cao, và thật sự là một cơn ác mộng.
Mặc dù không thể tự chạy khỏe được bằng một đàn ngựa sáu, bảy ngàn con, như đoàn xe bọc thép, nhưng về cân nặng mà nói, đống sắt này lại tuyệt không thua sút. Nếu tôi nhớ không sai, thì ở trong sách giáo khoa từng có một bài toán: "Một chiếc tờ-ra-lây-bút khối lượng 11 tấn chuyển động đều với vận tốc 36 km/h, em hãy tìm lực...", nếu đúng như vậy thật, thì đống sắt thép đang nằm án ngữ không cho xe tăng lên khỏi Đường hầm Trai-kốp-xki này, tính sơ sơ cũng thừa sức trên dưới hai trăm rưởi tấn sắt.
Cộng với những gì mà từ hôm qua trí nhớ của tôi đã tự động lưu lại và xếp vào chỗ nổi bật, nếu tôi ra đời sớm (hoặc chuyện này xảy ra muộn) độ bảy, tám năm, và nếu tôi, trong khoảng thời gian giả định có được đó, đã kịp trở thành một nghệ sĩ... (loại nghệ sĩ sáng tác, bất kể là lĩnh vực nào) nổi tiếng, thì thể nào tôi cũng đưa chiếc xe điện bánh hơi tờ-ra-lây-bút lên thành biểu tượng để đời về lòng yêu chính phủ của người Mát-xcơ-va nói riêng, và người Nga nói chung, — trên hai chục chiếc tờ-ra-lây-bút đã được dồn thành một đống to, chiều dày trung bình phải đến ba hàng xe chắn ngang đường, có lẽ đang lập thành cái chiến lũy to nhất hiện có trong toàn thành phố vào lúc này, mà có khi cũng là cái to nhất trong cả lịch sử thành phố, ai biết.
Nhiều người, cả Phi Long trước đây, vẫn nghĩ rằng hệ thống tàu điện ngầm ở Mát-xcơ-va là to nhất thế giới, nhưng thực ra hệ thống này dù đúng là nhất thế giới thật, nhưng chỉ là đẹp đẽ và giàu tính nghệ thuật nhất thôi, còn nói về tổng độ dài đường ray, số lượng ga tàu, cường độ sử dụng... thì hình như nó còn phải so với vài hệ thống khác, như ở Xơ-un, Tô-ki-ô, Niu Oóc, nhưng cụ thể hơn kém cái nào cái gì, thì tôi không nhớ chi tiết.
Còn hệ thống ở Mát-xcơ-va mà có lẽ là nhiều người, cả Phi Long trước đây, không hề nghĩ là to nhất thế giới, nhưng thật sự lại to nhất thế giới, chính là hệ thống xe điện bánh hơi tờ-ra-lây-bút.
Gần hai ngàn chiếc tờ-ra-lây-bút, như những chú mèo vuông vắn hiền lành, với bộ lông màu trắng có viền — hình như nhiều nhất là — xanh da trời (còn xe buýt sơn màu vàng bí ngô thì trông giống chó hơn mèo), ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa hay tuyết, cần mẫn đón đưa một lượng lớn trong số gần chục triệu cư dân Thủ Đô đi làm, đi chơi, đi về. Chính những chiếc xe vốn chỉ quen siêng năng giúp đỡ mọi người đó, giờ đây đang nằm (vẫn) hiền lành phơi sườn ra, kiên nhẫn chờ đợi và sẵn sàng hứng chịu những cú đánh thô bạo của những chiếc (dù cũng là) xe khác, (nhưng) được làm ra chuyên để đánh nhau, chuyên để đâm, đè, húc... — ngoài chuyện tự giơ mình ra chịu đòn, thì những chú mèo dũng cảm này đúng là cũng chả còn biết phải làm cách nào khác nữa.
Đánh kẻ chỉ biết chịu đòn thụ động như thế dường như lại hoàn toàn không phải một việc dễ làm, — chiếc "đâm — đè — húc" đi đầu đã dừng lại.
Và cả đoàn "đâm — đè — húc" răm rắp dừng theo, nên có thể nghĩ là từ đầu tới giờ thực ra chỉ có chiếc đầu tiên là chạy, còn bọn phía sau thì bị kéo theo, như một đoàn tàu.
Các xe bọc thép dừng lại, thì các "dân vệ" và dân thường tiếp cận chúng ngay; nhiều người quây lấy (chủ yếu là) mấy chiếc xe ở đầu đoàn, và bắt đầu nói chuyện với những người lính đang thò thêm ra khỏi xe, — đại loại cũng như ở đầu dốc, chỗ chú Xê-rô-ga gày ngày hôm qua, có điều không khí trao đổi ở đây, bối cảnh đương nhiên có phần bất ổn hơn.
Đa số mọi người đứng quanh xe bọc thép, và bảo bộ đội dừng lại, đừng đi tiếp nữa; bộ đội thì chủ yếu nghe là chính, một hai người đáp lại ngắn gọn "Chúng tôi làm theo lệnh". Nhưng dân thành phố cũng có những người đã quá khích hơn, hét lên "Chúng mày định bắn vào ai đây?", hoặc tìm cách trèo lên xe; bộ đội có người bảo "Chúng tôi không bắn giết ai cả", người khác thì với thái độ rất cương quyết, bảo, rồi quát những người định trèo lên xe.
Nhốn nháo như vậy được một lát, thì bộ đội đồng loạt thụt hết vào trong xe và đóng hết các nắp lại, kín mít; rồi những chiếc xe đồng loạt nổ máy ầm lên. Động thái như vậy thì rõ là đoạn tuyệt và hăm dọa rồi, nhưng những người đang vây quanh các xe cũng chả chạy đi, chỉ giãn bớt ra, và chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như thân thủ để tránh xe.
"Phẹt phẹt... phẹt phẹt...", tiếng máy rít lên không tải; rồi "grù..!", nó rú lên, và lẫn trong thứ âm thanh cưng cứng và nặng nề đó, có thể phân biệt rất rõ những tiếng ken két của sắt cọ vào nhau, loại sắt nặng, chắc là do một cơ chế giảm xóc nào đó của xe xích sắt, hoặc chính là tiếng xích sắt, — chiếc xe ở đầu hàng đã tăng tốc và lao thẳng vào sườn chiếc tờ-ra-lây-bút trước mặt nó.
Từ phía sau, có những chiếc xe khác theo nhau tách ra, — bộ đội bắt đầu triển khai đội hình thành hai hàng xe để đột phá chiến lũy.
Đây có thể là cấp trên đã ra lệnh qua điện đàm, cũng có thể là quyết định của người chỉ huy "tại trận" ở đây, — dẫn một lúc mười mấy chiếc bọc thép đi, chắc cũng phải cỡ chỉ huy tiểu đoàn, giống (nhưng lại rất không giống) như chú Xê-rô-ga gày bạn tôi, vả lại ở đây cũng không gặp ông En-txin được.
— Đi đâu, con mẹ chúng mày!..
— Quân giết người! Quân giết người! Quân giết người!..
— Cút mẹ mày đi đánh nhau... Cút đi!..
— Làm gì vậy!.. Đứng lại!..
— Bất hạnh cho nước Nga!..
Đám đông bắt đầu la hét, đơn lẻ và đồng thanh; việc xe bọc thép, bất chấp sự can gián ôn tồn của mọi người, đã đâm xe tờ-ra-lây-bút một cách không hề thương tiếc, quả thật đã khiến nhiều người nổi giận, — xe và người ngay lập tức trở thành một đám đầy hỗn loạn, xe thì gầm gừ, lùi lại lấy đà, chỉnh hướng, để đâm vào tờ-ra-lây-bút, người thì ai vớ được ở gần mình những thứ gì cứng và có thể dùng để ném được đều lấy hết sức ném nó vào xe.
Ném hết những gì có thể ném, thì có những người đã kiếm đâu được — chắc vác từ những chỗ xa hơn tới — những thanh gỗ, thanh sắt, tương đối dài, và loay hoay nhảy tới nhảy lui ở bên cạnh, phía gần mũi xe bọc thép, tìm cách lùa những thanh đó vào bánh xích của nó. Rồi có một người, lỉnh kỉnh như một phóng viên, sau nhiều nỗ lực, đã tìm cách phủ được một tấm vải mưa rộng lên chỗ mà theo quan điểm của chú ấy, chính là kính quan sát của lái xe, — thành công rồi, thì chú kêu gọi mọi người cùng làm thế.
Lúc này thì hàng xe bọc thép thứ hai đã dâng lên ở luồng bên trái, và cũng bắt đầu lấy đà rồi đâm vào xe tờ-ra-lây-bút. Cứ mỗi phát bọc thép đâm, thì hàng xe tờ-ra-lây-bút lại bị xê dịch, và căn bản là xiên xẹo, đi một chút.
Bắt đầu hình dung được là ngoài việc để mặc cho các xe tờ-ra-lây-bút chịu trận đến chừng nào còn có thể chịu được, thì con người, dù là đông thế nào, cũng khó có thể dừng được xe bọc thép lại bằng những cách ném đá, chọc gậy, nên những người trẻ, hăng hái và có thân thể khỏe mạnh nhanh nhẹn, bắt đầu hè nhau theo gương chú phóng viên, tìm cách "bịt mắt" các xe bọc thép, nhiều người đã trèo được lên xe, tìm cách phủ lên đó những tấm vải to, rồi ngồi luôn lại, nên là xe bọc thép cứ chở nguyên cả những người đang ngất ngưởng bên trên như thế mà xông vào đâm xe tờ-ra-lây-bút.
Những người khác thì ùa vào, dạt ra, nhảy nhót, la hét náo loạn.
Không biết có giống như cầu thủ dự bị, khi được tung vào sân thì thường nhắng nhít hẳn hơn, hay không, nhưng đám xe bọc thép ở hàng bên trái rõ ràng đã biểu lộ một sự hung hăng thái quá so với đồng bọn phía bên kia. Có điều sau một hồi hùng hùng hổ hổ lồng ra lồng vào, đâm, húc một cách dữ tợn, chả hiểu thế nào, tất cả bọn chúng sau cùng lại nằm ì hết ra, máy vẫn nổ, lúc lúc còn nẹt ống bô phành phạch, nhưng tóm lại là đành phải án binh bất động, — xe số 601 nằm im không thể tiến hay lùi gì được, nghiêng nghiêng như bị sa hố, xe 602 một bên xích sắt bị đứt tởi hết ra mặt đường nhựa, xe 535 bị kẹt cứng giữa một đám tờ-ra-lây-bút, và những chiếc bọc thép này tự trở thành một phần của chiến lũy, khiến cho những chiếc phía sau chẳng có đường lên.
Bên cánh phải, chiếc xe tờ-ra-lây-bút xịt lốp — do "tự vệ" chủ ý xịt — mà đã hứng lấy phát công kích đầu tiên, vì nằm quay đầu sang trái nên bây giờ sườn xe bên trái, mạn đuôi, đã bị toang hoác cả, phơi hết nội thất và bốn tấm cửa dọc, trong khoang cửa lên xuống ở sườn bên kia, ra dưới ánh đèn xe bọc thép. Chẳng biết do cấu trúc chiến lũy, hay do trình độ của lái xe, hay do có chỉ huy ở đấy, có thể do cả ba, nhưng chiếc xe bọc thép đầu đàn ban nãy, đã khôn khéo tạo được ra trên thân chiến lũy phía ấy một ranh giới mỏng manh, — chỉ còn duy nhất một chiếc tờ-ra-lây-bút nằm xiên xiên, ngăn cách chiếc xe bọc thép số 621 này với đường phố "tự do" bên kia.
Cũng nhờ hành động xô đẩy chiến lũy có kết quả, nên khoảng trống để xoay trở của chiếc xe bọc thép này cũng tương đối thoải mái, và lần này, giật lùi tách ra khỏi chiến lũy, nó có thể lấy được một đà dài.
Máy gầm lên, chiếc xe tăng tốc, đầu xe hơi bốc lên — thực ra là ngóc cao hơn lên, chắc nhờ giảm xóc phía sau nhún mạnh xuống, chứ xích xe thì không "bốc" khỏi mặt đường được, — và xe chồm vào chiến lũy.
Sắt quân sự đâm vào sắt dân dụng, có vẻ cũng không khác mấy so với dao chặt vào miếng thịt, bất quá là miếng gân, — âm thanh va chạm nhỏ hơn tiếng máy xe nhiều, nên hầu như không nghe thấy; — khuôn cửa kính tờ-ra-lây-bút, cạnh chỗ người lái ngồi, văng ra nguyên vẹn, tách ra thành mấy miếng trong không khí, rồi vung xuống mặt đường, trông cũng như phim câm; chiếc xe bọc thép đã gí mũi vào chiến lũy rồi, còn cố mượn đà ủi thêm được một ít; trong lúc ấy có một chú thư sinh lẻo khoẻo đeo kính cận khệ nệ ôm một thanh sáng màu, dài chỉ hơn một mét nhưng hình dạng tương đối to, xông tới và vội vã tống thẳng nó vào vòng xích xe, nhưng thanh này bị văng ngay ra, theo tiếng bưng bưng phát ra khi nó va đập xuống mặt đường, thì đấy là một thanh kim loại.
Chiếc tờ-ra-lây-bút "viên gạch cuối cùng" bị xiên xẹo thêm, và bị dịch chuyển đi phải đến dăm mét; đã nhìn thấy đường phố phía bên kia qua khoảng hở mới hình thành trên thân chiến lũy, — chỉ cần đâm thêm cú nữa, là "Cả con đường ấy muốn sao mặc mình" ngay.
Mặc định, rất nhiều ánh mắt đều hướng về chỗ đó và đợi cú đâm quyết định, với cùng một cảm giác bất lực như nhau.
Nhưng mọi người đang chờ chuyển động của xe bọc thép, thì tự nhiên, chiếc tờ-ra-lây-bút "viên gạch cuối cùng" lại từ từ xê dịch, theo hướng ngược lại với hướng mà nó, hoàn toàn không theo nguyện vọng của chính mình, mới bị đẩy đi; và nó gần như đã trở về chỗ cũ, — trong lúc xe bọc thép 621 đang lấy đà, thì từ Ngõ Pra-tốt-trờ-nưi ở ngay bên phải chỗ đường hầm lên tới mặt đường, có một chiếc xe cần cẩu xuất kỳ bất ý chạy ra, và vội vàng tìm cách đẩy chiếc tờ-ra-lây-bút "lấp" lại chỗ hở trên thân chiến lũy.
Có nhiều người reo lên.
Chiếc xe cần cẩu này, buồng lái cũng giống màu xe bọc thép, có thể sẫm và mới hơn một chút, cần cẩu và buồng điều khiển cần cẩu thì sơn màu vàng công nghiệp, xe đang nghỉ ngơi, cần cẩu đã được hạ xuống, còn cái móc câu to nặng lủng lẳng ở đầu cần thì bị dây sắt vít cheo chéo về phía ba-đờ-sốc. Chỉ tiếc, là trong hàng xe cẩu, thì nó không phải loại to lắm, và không có bánh xích.
Vả lại những kỹ năng lao động mà nó vốn thuần thục, dễ hiểu là sẽ không mấy hữu hiệu nếu phải mang ra để đánh nhau, — công nhân dù là to khỏe, đánh nhau nói chung cũng khó địch lại bộ đội.
Nếu nó cứ tiện đà dấn luôn vào, xoay mình và nằm ì luôn ra sát ngay đằng sau chiếc tờ-ra-lây-bút mà nó vừa đẩy vào chiến lũy, có lẽ mọi sự ít nhiều sẽ khả dĩ hơn; nhưng chắc là, như một người công nhân lành nghề và chu đáo, nó cũng lùi lại một ít để lấy đà, muốn sửa sang hoàn thiện phần việc của mình; và ngay lúc đó, thì chiếc xe bọc thép đã lại lao vào chiến lũy.
Lần này nó lao còn mạnh hơn lần trước, có thể một phần vì tức giận, — thấy chiếc tờ-ra-lây-bút bị đẩy trở lại. Vẫn không nghe rõ âm thanh va chạm, nhưng chiếc tờ-ra-lây-bút sau cú đâm này bị dịch chuyển và xoay chệch đi đến mức mở ra đủ một thông lộ trên thân chiến lũy. Chiếc 621 lùi ngay lại một chút, rồ máy "khẹt khẹt..." như khịt mũi, lắc mình nhẹ một cái theo kiểu xoay tại chỗ của xe bánh xích, và nhẹ nhàng vượt thoát ngay ra khỏi chiến lũy, — nếu như đây là trong Chiến tranh Vệ quốc, hẳn có nhiều người sẽ trầm trồ tán thưởng sự tài giỏi của bộ đội xe tăng của chúng ta, có điều đây lại là một cuộc chiến hoàn toàn khác, trong đó đại từ "chúng ta" nhiều lúc thật sự không biết phải sử dụng như thế nào cho đúng.
Không ai trầm trồ tán thưởng, nhưng có những tiếng hét lên, chủ yếu là tiếng thanh niên chửi, và có những vật được ném theo chiếc thiết giáp đang "hoàn thành tốt nhiệm vụ" kia, — toàn thứ vớ vẩn kiểu như lon nước ngọt đang cầm ở tay, và ném theo cơ chế bộc phát, để cho đỡ tức, thế thôi. "Dân vệ", đại khái xúc cảm sẽ nhiều hơn kỹ năng, chuyện này không khó hình dung; nên trong khi cơn bực bội của họ còn chưa kịp qua đi thì "Đầu xuôi đuôi lọt", "grừ... ù u ù u... lạch xạch lạch xạch...", chiếc bọc thép thứ hai đã ngay lập tức theo đuôi chiếc đầu đàn lướt nhanh qua đột phá khẩu một cách tương đối trơn tru. Lần này thì ngay cả những thứ vớ vẩn cũng chả ai buồn ném theo, hay là chửi nó nữa, — đà này, e là "Cả con đường ấy muốn sao mặc mình" sắp trở thành "Cả con đường ấy muốn sao mặc chúng mình" đến nơi, và đã gọi là đánh nhau, còn đánh đến toang hoang cả xe cộ ra rồi, thì không có chuyện cả hai bên đều hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng "dân vệ" không chịu để thua một cách đơn giản như thế.
Tất nhiên có nhiều người, có khi là đa số, đã tới đây với tâm lý mặc định là ví phỏng chặn được quân đội thì tốt quá, còn không thì cũng là chuyện hết sức bình thường dễ hiểu thôi, chẳng có gì phải nặng nề, hay nghiêm trọng cả, bất quá chửi to vài câu để khẳng định thái độ, là xong, — một trạng thái vãng lai của ý thức. Tuy nhiên không phải ai cũng đều thế, — cứ từ đội của anh Kốt-xchi-a mà suy, thì trong đám đông này, hẳn nhiên phải có những cựu quân nhân; như chú chỉ huy đeo chiếc đồng hồ kim loại to và sáng lấp lánh, biết đâu lại mới trở về từ Áp-ga-nít-xtăng cũng nên; mà ngay cả chưa từng tham chiến, thì những người đã qua nghĩa vụ quân sự có khi cũng còn thuộc hàng đàn anh của (đa phần) đám bộ đội đang ngồi trong xe tăng; với những cựu quân nhân này mà nói, thì tất cả những gì đang xảy ra ở đây sẽ được nhìn nhận bằng một con mắt khác, hoàn toàn không phải là chuyện muốn ra sao thì ra, mà là một việc phải được làm tới cùng, việc của chính mình, rất thật, rất cụ thể.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...