Lan man chuyện báo chí … bán dâm

Ở các nước phương Tây, người ta có câu “sex sells”. Hễ cái gì liên quan đến dục tính (sex) hay có một chút dâm là cái đó sẽ được bán chạy. Báo chí cũng thế, số nào có bài liên quan đến sex là bán chạy. Ở Việt Nam tôi thấy cũng có xu hướng sex sells. Mấy ngày qua, mở bất cử tờ báo mạng nào cũng thấy những bản tin, những câu chuyện liên quan đến hoa hậu Mỹ Xuân, người mới bị buộc tội bán dâm và phải ngồi tù 30 tháng. Nhưng điều đáng nói ở đây là Mỹ Xuân vừa là đối tượng mà cũng bị biến thành nạn nhân của những người chạy theo phong trào sex sells. Một buổi sáng bức xúc nên phải viết vài dòng để làm nhật kí.

Một trong những thói quen mỗi sáng của tôi (như sáng nay) là dạo qua một vòng báo chí mạng xem những “tin đọc nhiều nhất”. Không phải tôi đọc những tin đó, mà để xem người ta chú ý đến cái gì nhiều nhất. Biết được xu hướng này cũng cho chúng ta một vài ý niệm về trình độ dân trí và trình độ báo chí. Tôi thấy một cách nhất quán là người đọc báo (ít ra là báo mạng) ngày nay hay quan tâm đến những sự việc liên quan đến bạo lực (như giết người, cưới giựt) và … sex. Tiêu biểu cho xu hướng này là những tin được đọc nhiều nhất trên tuoitre.vn sáng nay (29/6):

• Mẹ sát hại 2 con ruột rồi tự vẫn
• Con trai Michael Jackson lần đầu tiết lộ về cái chết của cha
• Nam ca sĩ trẻ dọa tự tử vì bị Phạm Băng Băng “ngó lơ”
• Vàng nhà nước bán như "tôm tươi", dân mua rối bời
• Qua một đêm, lỗ 2,2 triệu đồng/lượng vàng
• Thân phận mại dâm nam - Kỳ 4: “Tai nạn nghề nghiệp”
• Cựu quan chức lộ băng sex nhận 13 năm tù
• Hoãn phiên tòa xét xử nguyên thượng sĩ công an dâm ô hàng loạt trẻ em
• Ôm tiền xếp hàng mua vàng trong tâm trạng phập phồng
• Bắt phó giám đốc MB.24 Lào Cai
• Hình ảnh phiên tòa hoa hậu, người mẫu môi giới mại dâm

Trong 11 bản tin được đọc nhiều nhất ở danh sách trên, có đến 4 bản tin liên quan đến sex! Trước đây, hình như có một thống kê của Google cho thấy người Việt khi lên mạng họ tìm những gì liên quan đến sex nhiều nhất. Có quá không nếu nói rằng Việt Nam là một đất nước đang bị obsessed (ám ảnh) vì sex.

Mà, obsession thì đi đôi với và hệ quả của suppression (cấm chỉ, ngăn chận). Cũng giống như người ta không có tự do nên mới khao khát đến độ ám ảnh vì tự do. Trong một xã hội mà những thảo luận về sex bị ngăn chận bằng luật pháp hay nguyên tắc đạo lí, và khi xã hội đó được mở thì mới tiết lộ “màu sắc” thật của nó. Tôi nghĩ tương tự, vì sex là một đề tài cấm kị, kiểu ai nói đến sex đều được xem là taboo, cho nên khi truy cập được Google thì người ta hăng say đi tìm cái cấm kị đó. Mà, báo chí thì cũng chỉ là thành viên trong xã hội thôi. Nhìn như thế thì có lẽ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy giới báo chí rất thích những đề tài về sex hay liên quan đến sex. Có thể xem báo chí là những doanh nghiệp buôn bán thông tin. Thành ra, tôi nghĩ họ (giới báo chí VN) đang trở thành những nhà buôn sex.

Nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam còn một vài lí do khác có thể giải thích tại sao giới báo chí chuộng buôn sex: họ bị đàn áp (hiểu theo nghĩa suppression) không cho đưa tin thời sự chính trị người dân quan tâm, nên họ phải quay sang bán sex. Theo tôi biết thì những bản tin của báo chí VN đều có định hướng từ đảng, hay cụ thể là ban tuyên giáo. Tuần nào họ cũng có chỉ thị phải đăng tin này, không đăng tin kia, tránh đề tài nọ. Một trong những đề tài cần cẩn thận là … chính trị. Tờ báo nào ở VN cũng đều có mục/cột chính trị - xã hội, nhưng nhìn vào cột đó chúng ta thấy toàn là những tin “phải đạo” theo hướng Nhà nước hay cụ thể là Thông tấn xã VN. Có rất nhiều những tin như lãnh đạo này đi thăm cơ sở kia, lãnh đạo nọ làm việc với tỉnh nọ, và những câu chữ mà đọc lên là người ta thấy rất quen quen (như “quyết tâm”, “kiên quyết”, “giữ vững”, v.v.) Không có hay rất ít những tin mà người dân quan tâm như vấn đề biển đông, vấn đề Tàu đang đe doạ Việt Nam, tham ô hối lộ, kinh tế và nợ công, v.v. Có thể tóm tắt rằng những gì người dân thật sự muốn biết thì báo chí không đưa tin, còn những gì báo chí đưa tin một cách hăng hái thì người dân không muốn biết. Nhưng báo chí là doanh nghiệp, và doanh nghiệp thì cần bán báo, cần người đọc. Không có những bản tin hấp dẫn về tham ô hối lộ thì họ phải quay sang bán những tin tức sex. Do đó, tôi nghĩ không khó hiểu khi báo chí VN rất hăng say với sex.

Cái hay của sex là nó hấp dẫn hơn những vấn đề thời sự nhàm chán. So với thời sự là chuyện đâu đâu, sex gần gũi hơn với người đọc. Sex ướt át với tuổi trẻ, và có hiệu ứng gây mê cho người lớn. Sex là liều thuốc an thần cho xã hội, vì qua nó mà người ta xoa dịu những nhọc nhằn và khó khăn của đất nước. Sex, cũng như thể thao, còn là nguồn giải trí mà qua đó những người cầm trịch xã hội muốn làm cho người dân quên đi những vấn đề bức xúc trong xã hội và bớt quan tâm đến an ninh quốc gia. Ngày xưa, người Pháp khi đô hộ VN họ áp dụng “nghệ thuật” đánh lạc hướng này rất hiệu quả. Lịch sử bây giờ có khi chỉ tái lập những gì thuộc ngày xưa.

Chạy theo sex sells còn là một cách rất tuyệt vời để khinh thường độc giả. Tuy sex là đề tài hấp dẫn, nhưng nó là loại đề tài thấp về mặt tri thức. Sex thuộc về bản năng của con người. Sex là đề tài bàn luận của những người kém văn hoá, chứ khó có thể là đề tài của người có văn hoá. Khi báo chí đua nhau đưa tin về sex cũng có nghĩa là họ xem thường độc giả. Đó là cách nói: chúng bay ngu dốt quá, làm sao có thể hiểu chuyện lớn được, nên chúng tao chỉ cho chúng bay đọc mấy thứ vớ vẩn thôi. Có thể báo chí không có ý đó, nhưng người đứng ngoài cuộc hiểu như thế.

Tôi thấy trong cơn xoáy điên cuồng sex sells ở Việt Nam, nữ giới là người bị thiệt thòi nhất. Người ta in những tấm hình nóng bỏng và khêu gợi của những cô gái được cho là ca sĩ, hoa khôi, hoa hậu, người mẫu trên báo, và chỉ ra họ là những người “bán dâm”. Có báo còn viết ra những con số về giá bán dâm, và số tiền đó được chia chác ra sao giữa các bên liên đới. Cách đưa tin như thế làm cho người đọc thấy những người đẹp kia chỉ là hàng hoá, một loại hàng hoá mà người nhiều tiền lắm của có thể mua. Đằng sau những bức hình đó, tôi đoán giới báo chí muốn nói rằng họ đẹp như thế đấy, nhưng họ cũng rất nhơ nhuốc. Đó còn là một cách khinh miệt giới nữ của giới báo chí. Người mình (mà hạng người có học – báo chí có thể xem là “có học”) mà khinh người mình, thì đừng trách tại sao báo chí Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan trưng hình phụ nữ Việt Nam như là những hàng hoá sex.

Trong cơn sốt sex sells vừa qua, có một điểm ít ai chú ý: không hề thấy bóng dáng của nam giới. Chúng ta không hế thấy báo chí cho biết danh tính của những người mua dâm. Những người này chắc chắn là nam và đại gia. Tại sao trong vụ mua bán dâm ở Hà Giang, báo chí sẵn sàng đưa tên của những người mua dâm như Sầm Đức Sương, Nguyễn Trường Tô (và một danh sách gần 20 quan chức), mà lần này thì họ không nói đến những kẻ mua dâm. Phải có cầu thì mới có cung chứ. Có thể họ là những người quyền thế và lắm tiền để có thể bịt miệng báo chí (còn trong trường hợp Hà Giang thì những người bị nêu tên là thấp cổ bé họng và/hay đang sắp xuống chức). Nếu không có những người sẵn sàng bỏ hàng ngàn USD để mua dâm thì làm sao có người cung ứng. Ấy thế mà nạn nhân trong trường hợp mua bán dâm mới nhất là những người đẹp, mà không có người mua dâm nào bị phạt cả. Ở các nước văn minh, người ta phạt người mua dâm là chính, (chúng ta còn nhớ vụ ông tổng giám đốc ngân hàng Thuỵ Sĩ ngồi tù vì mua dâm gái 17 tuổi, và vụ ông tổng giám đốc IMF đi tù vì nghi ngờ mua dâm). Ấy thế mà ở Việt Nam, nạn nhân là người bán dâm. Người ta đánh giá mức độ tiến bộ và văn minh của một xã hội qua cách đối xử với phụ nữ và sex. Thái độ của báo chí và luật pháp Việt Nam trong vụ mua bán dâm mới nhất là một điểm đen, và điểm đen đó đặt Việt Nam bên lề những xã hội văn minh.

(Bài viết của tác giả Tuan Nguyen)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...