Những con đường chúng ta chọn

NHỮNG CON ĐƯỜNG CHÚNG TA CHỌN

(O. Henry)


Đoàn tàu tốc hành buổi chiều dừng lại bên trạm bơm nước cách Tắc-xơn hai mươi dặm về phía tây để lấy nước. Ngoài nước ra, chiếc đầu máy của con tàu nhanh nổi tiếng này còn mang theo đôi thứ không lấy gì làm bổ ích lắm cho nó.


Trong lúc anh thợ đốt lò tháo chiếc vòi mềm dẫn nước thì Bốp Tít-bôn, “Cá mập” Đốt-xơn và một người lai da đỏ từ bộ lạc Críc-cơ biệt hiệu Giôn Đại Cẩu trèo lên đầu máy và chĩa ba đầu lỗ tròn của khẩu súng cá nhân vào các lái tàu. Điều này đã gây cho bác lái tàu một ấn tượng mạnh đến nỗi ngay tức khắc bác ta giơ hai tay lên trời, giống như người ta vẫn làm khi kêu lên: “Ô hay! Không thể như vậy được”. Theo mệnh lệnh ngắn gọn của “Cá mập” Đốt-xơn — tên cầm đầu toán cướp, bác lái tàu bước xuống đường ray và tách đầu máy và toa chở than ra. Rồi Giôn Đại Cẩu trèo lên đống than, nghịch ngợm chĩa hai khẩu súng lục vào bác lái tàu và anh thợ đốt lò, ra lệnh cho họ lái đầu máy chạy cách xa đoàn tàu năm mươi yat và đợi lệnh tiếp theo.


“Cá mập” Đốt-xơn và Bốp Tít-bôn không thèm đếm xỉa đến thứ quặng nghèo vàng như đám hành khách. Chúng tiến thẳng về phía mỏ hạt sa khoáng ở trong toa thư. Viên trưởng toa trở tay không kịp. Ông này vẫn hoàn toàn tin tưởng là chuyến tàu tốc hành buổi chiều đã không thu nhận gì tai hại và nguy hiểm hơn nước lã. Trong lúc Bốp Tít-bôn dùng cán của khẩu côn đánh bật sự nhầm lẫn nguy hại này ra khỏi đầu ông ta, “Cá mập” Đốt-xơn không để phí thời gian, đã đặt khối thuốc nổ xuống dưới chiếc két sắt của tem thư.


Chiếc két sắt nổ vỡ toang đã cho ra ba mươi ngàn đô-la lợi nhuận ròng bằng vàng và tín phiếu. Đây đó các hành khách thò cổ ra ngoài cửa sổ xem tiếng sấm rền vang này ở đâu ra. Viên phó tàu giật dây chuông, nhưng cái dây thừng, treo lơ lửng một cách không sinh khí, không thể hiện bất kì sự phản ứng nào. Quẳng những thứ ăn cướp được vào chiếc túi vải bạt chắc chắn, “Cá mập” Đốt-xơn và Bốp Tít-bôn nhảy xuống đất và chạy về phía đầu máy, chân vấp lia lịa trong những đôi giày gót cao.


Bác lái tàu, tuy hằm hằm nhưng vẫn ngoan ngoãn tuân theo lệnh của chúng, đã cho đầu máy chạy xa khỏi đám toa xe bất động. Nhưng trước đó viên trưởng toa thư, như bừng tỉnh khỏi cơn thôi miên, đã nhảy bổ đến một mô đất với khẩu súng trường Uyn-chét-xtơ trong tay và tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu. Giôn Đại Cẩu đã đi sai một nước cờ là ngồi trên toa than: hắn để lộ mình dưới luồng đạn và viên trưởng toa đã cho hắn ăn kẹo đồng ngay lập tức. Tên lục lâm cướp đường ngã lăn xuống đất vì bị viên đạn đúng giữa hai bả vai, và như vậy là phần ăn cướp được của mỗi tên đồng bọn của hắn đã tăng lên một phần sáu.


Cách trạm bơm nước hai dặm, bác lái tàu được lệnh dừng lại. Bọn cướp phẩy tay chào bác ta một cách khiêu khích và nhảy xuống theo một sườn dốc dựng đứng, rồi mất hút trong đám bụi cây rậm dày đặc bao quanh con đường. Năm phút sau, đi xuyên qua các bụi cây choparan làm cành cây gãy răng rắc, chúng đã có mặt ở chỗ rừng thưa, ở đó có ba con ngựa đã được buộc sẵn vào những cành cây thấp. Một con trong số đó đang đợi Giôn Đại Cẩu mà bây giờ bất kể ngày cũng như đêm, không bao giờ hắn còn được cưỡi trên mình nó nữa. Sau khi tháo yên cương của con ngựa này, bọn cướp thả nó ra. Quẳng chiếc túi lên mỏ yên, chúng cưỡi lên hai con còn lại và phi vút đi, nhưng mắt vẫn láo liên nhìn quanh. Thoạt tiên chúng phóng qua một khu rừng, rồi sau đó qua một hẻm vực hoang dại, vắng ngắt. Đến đây con ngựa của Bốp Tít-bôn bị trượt trên một hòn đá bám đầy rêu và gãy một chân trước. Ngay tức khắc chúng bắn chết nó và ngồi xuống họp bàn. Đã đi được một đoạn đường dài, quanh co nên tạm thời chúng vẫn còn được an toàn, không cần phải vội vã. Những dặm đường và khoảng thời gian lớn đã ngăn cách chúng với ngay cả cuộc truy đuổi nhanh nhất. Lê sợi dây cương trên mặt đất và lắc lư mạng sườn, con ngựa của “Cá mập” Đốt-xơn ngoan ngoãn gặm cỏ bên bờ suối. Bốp Tít-bôn mở cái túi, và vừa cười như một đứa bé con, hắn vừa móc ra những cọc tín phiếu mới toanh được dán cẩn thận và một túi vàng con duy nhất.


— Hãy nghe đây, tên cướp già đời kia, — hắn vui vẻ gọi Đốt-xơn, — thế mà hoá ra mày có lí, công việc vậy là rất suôn sẻ. Chà, cái đầu của mày, đúng là đầu bộ trưởng tài chính. Với bất cứ ai ở A-ri-den này cũng có thể chấp cả một trăm điểm được đấy.


— Chúng ta làm gì với con ngựa bây giờ hả Bốp? Không nên ngồi lâu ở đây. Trước lúc rạng đông bọn họ sẽ đuổi theo chúng ta.


— Hừm, con Bô-li-va của mày tạm thời cũng mang được cả hai đứa. — Bốp vui vẻ trả lời. — Chúng ta sẽ chiếm lấy con ngựa nào bắt gặp đầu tiên. Mẹ kiếp, mẻ này cũng khá đấy chứ, phải không mày? Nếu tin vào dòng chữ được in trên giấy thì chỗ này là ba mươi ngàn, mỗi thằng mười lăm ngàn.


— Tao nghĩ sẽ hơn thế cơ đấy, — dùng mũi giày khẽ đá vào bọc tiền, “Cá mập” Đốt-xơn nói. Và hắn trầm ngâm nhìn hai bên sườn ướt đẫm của con ngựa mệt mỏi của hắn.


— Con Bô-li-va già nua gần kiệt sức rồi. — Hắn nói rành rọt từng chữ. — Tiếc là con ngựa hồng của mày gãy mất một chân.


— Còn phải nói, — Bốp hồn nhiên đáp lời, — nhưng làm gì được với nó bây giờ. Con Bô-li-va của mày còn khoẻ. Nó sẽ đưa chúng ta đến nơi cần thiết, và ở đó ta sẽ thay ngựa. Mẹ kiếp, mà kể cũng buồn cười, mày từ miền đông tới, xa lạ với vùng này, còn chúng tao ở miền tây, ngay tại quê nhà, thế mà chúng tao không đáng đi xách dép cho mày. Mày từ bang nào nhỉ?


— Bang Niu Oóc, — ngồi xuống tảng đá tròn và nhai một cành cây, “Cá mập” Đốt-xơn đáp lại. — Tao sinh ra tại một điền trang vùng On-xtơ. Năm mười bảy tuổi tao bỏ nhà ra đi. Và tình cờ tao đã lọt đến miền tây. Với gói hành lí trong tay tao đi trên đường, những mong tới được Niu Oóc. Tao nghĩ rằng tới được đó tao sẽ bắt đầu đi kiếm tiền. Tao luôn có cảm tưởng rằng tao sinh ra là để làm việc đó. Tao tới một ngã ba đường và không biết nên đi theo ngả nào. Suốt nửa giờ tao nghĩ ngợi quẩn quanh, rồi sau đó tao ngoặt sang bên trái. Đến tối thì tao đuổi kịp một gánh xiếc rong và thế là đi cùng với họ về miền tây. Tao vẫn thường nghĩ, cái gì sẽ xảy ra với tao nếu như lúc ấy tao chọn con đường khác?


— Theo tao, cũng sẽ như vậy thôi. — Bốp Tít-bôn trả lời một cách triết lí. — Vấn đề không phải ở con đường chúng ta chọn, mà là ở chính cái nằm trong lòng chúng ta dẫn tới việc chọn con đường.



Lút-giờ-nhích-ki đấy

Đốt-xơn đứng dậy và tựa vào một thân cây.


— Tao rất tiếc là con ngựa hồng của mày bị què cẳng, Bốp ạ. — Hắn nhắc lại với vẻ thông cảm.


— Tao cũng vậy, — Bốp đồng ý — con ngựa tuyệt thật. Thôi được, con Bô-li-va sẽ mang chúng ta đi. Có lẽ, cũng đến lúc khởi hành rồi đấy, “Cá mập” ạ. Bây giờ tao sẽ xếp hết tất cả những cái này vào túi và lên đường. Con cá đi tìm chỗ nước sâu, còn con người thì tìm chỗ nào tốt hơn.


Bốp Tít-bôn bỏ những thứ ăn cướp vào túi và buộc chặt lại bằng sợi dây thừng. Vừa ngước mắt lên, hắn nhìn thấy ngay nòng khẩu côn 45 mà cánh tay không hề run rẩy của “Cá mập” Đốt-xơn đang chĩa vào hắn.


— Bỏ cái trò đùa ấy đi. — Bốp vừa cười gằn vừa nói. — Đến lúc phải đi rồi.


— Ngồi im tại chỗ! — “Cá mập” nói. — Bốp, mày sẽ không đi khỏi nơi này. Tao rất phiền lòng phải nói ra điều đó, nhưng chỉ có chỗ cho một người. Con Bô-li-va kiệt sức rồi, nó không thể mang nổi hai đứa.


— Tao với mày là chiến hữu của nhau đã ba năm nay, “Cá mập” Đốt-xơn ạ. — Bốp bình tĩnh trả lời. — Chúng ta đã cùng nhau liều mạng không phải chỉ một lần. Tao luôn thành thật với mày, nghĩ rằng mày là một con người. Tao đã nghe đôi điều không tốt về mày, hình như mày đã giết oan hai người chẳng có tội tình gì, nhưng tao không tin. Nếu mày đùa, “Cá mập” ạ, thì hãy cất ngay khẩu côn và chúng ta chạy cho mau. Còn nếu mày muốn bắn, thì bắn đi, đồ đểu, đồ nhện độc!


Bộ mặt của “Cá mập” Đốt-xơn lộ vẻ buồn sâu sắc.


— Chắc mày không tin đâu, Bốp ạ, — hắn thở dài, — tao thật lòng tiếc là con ngựa hồng của mày bị gãy chân.


Và bộ mặt của hắn đột nhiên thay đổi — giờ đây nó biểu lộ sự tàn bạo lạnh lùng và lòng tham vô đáy. Trong một phút, tâm hồn của con người này đã lộ ra, giống như đôi khi, bộ mặt của một kẻ ác độc ló ra ngoài cửa sổ một ngôi nhà tư sản đáng kính.


Trong thực tế, số phận đã không cho Bốp rời khỏi chỗ này được nữa. Tiếng súng của thằng bạn phản trắc đã vang lên và các vách đá của hẻm vực đã đáp lại bằng những hồi âm phẫn nộ. Còn kẻ tình cờ đồng loã với tên giết người — con Bô-li-va đã nhanh chóng mang đi tên cuối cùng trong bọn cướp chuyến tàu nhanh buổi chiều — con ngựa đỡ phải mang tải trọng gấp đôi.


Nhưng khi “Cá mập” Đốt-xơn phi ngựa trong rừng, cây cối phía trước hắn dường như bị sương mù che khuất, khẩu súng lục trong tay bỗng biến thành cái tay vịn cong cong của chiếc ghế bành làm bằng gỗ sồi, miếng vải bọc yên thật là kì lạ, và mở mắt ra, hắn nhìn thấy chân hắn đang tì vào không phải là bàn đạp mà là chiếc bàn làm việc bằng gỗ sồi.


Vậy xin nói rằng, Đốt-xơn — chủ văn phòng chứng khoán “Đốt-xơn và Đê-cơ”, phố Uôn đã mở mắt ra. Pi-bô-đi, viên thư kí tin cẩn đang đứng bên chiếc ghế bành, ngập ngừng muốn nói. Dưới cửa sổ tiếng bánh xe lăn ầm ầm, chiếc quạt máy kêu vo vo như ru ngủ.


— Hừm! Pi-bô-đi, — chớp chớp mắt, Đốt-xơn nói. — Hình như tôi đã thiếp đi. Tôi đã thấy một giấc mơ cực kì lạ lùng. Có chuyện gì thế, Pi-bô-đi?


— Dạ, thưa ông, ông Uy-li-am ở hãng “Tờ-rê-xi và Uy-li-am” đang đợi ông. Ông ta tới để thanh toán mấy cái X, Y, Z. Ông ta bị mắc kẹt với chúng, thưa ông, nếu ông nhớ ra.


— Phải, tôi có nhớ. Thế giá của chúng hôm nay là bao nhiêu?


— Thưa ông, một đô-la tám mươi nhăm xu.


— Vậy hãy thanh toán cho ông ta theo giá đó!


— Xin ông tha lỗi, — Pi-bô-đi hồi hộp nói, — tôi đã nói với ông Uy-li-am. Ông ấy là bạn cũ của ông, thưa ông Đốt-xơn, mà ông là người đã mua tất cả X, Y, Z. Tôi thiết tưởng giá ông, nghĩa là… Có lẽ, ông nhớ là ông ấy đã bán chúng cho ông với giá là chín mươi tám xu. Nếu ông ấy phải thanh toán theo giá hiện nay, ông ấy sẽ mất hết cả vốn liếng và đến phải bán cả ngôi nhà của mình.


Bộ mặt của Đốt-xơn đột nhiên thay đổi — giờ đây nó biểu lộ sự tàn bạo lạnh lùng và lòng tham vô đáy. Trong một phút, tâm hồn của con người này đã lộ ra, giống như đôi khi, bộ mặt của một kẻ ác độc ló ra ngoài cửa sổ một ngôi nhà tư sản đáng kính.


— Kệ cho ông ta trả với giá một đô-la tám mươi nhăm xu. — Đốt-xơn nói. — Con Bô-li-va không thể mang được hai người.

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...