VIII
Nếu như để một sự vận động liên tục, hơi túi bụi một chút, với một thời lượng đủ dài, vào trong một khung cảnh nhàn nhã, thong thả, rồi quan sát, trước sau gì cũng sẽ ít nhiều có cảm giác về sự phát triển, kèm theo đó là một cảm giác về sự bất công. Những cảm giác đó sẽ còn rõ hơn nếu chính là người tham gia vào sự vận động kia, và chúng nó sẽ làm cho tinh thần những người này bị nhấp nhổm, khó tĩnh tại, và người ta sẽ hay đột ngột gọi to, đột ngột vỗ mạnh vai, đột ngột có những biểu tình đột ngột trước những thứ mà bình thường là bình thường.
Hai người mặt mũi sáng sủa ăn mặc sạch sẽ đi trong phòng đọc thư viện trường đại học, dù là vào kỳ nghỉ hè của sinh viên nhưng thư viện vẫn làm việc, thì bình thường là bình thường. Nhưng nếu đặt ngay cạnh phòng đọc mùa này vắng vẻ đấy một phòng máy tính phải làm việc liên tục cả ngày, nhiều lúc là cả đêm, trong suốt cả vụ hè, thì việc đi qua của hai người kia đối với những người ở trong phòng máy tính này có vẻ lại là rất đặc biệt.
Vừa nhìn thấy A-nhi-a đang đi với một người cao dong dỏng, mặc một bộ đồng bộ đen tuyền áo bẻ cổ có hai túi ngực kiểu túi hộp có nắp to, tay áo sắn cao quá khuỷu, áo cho trong quần, thắt lưng đen, quần hơi rộng rộng cùng chất liệu áo có hai túi hộp to có nắp ở hai bên cạnh đùi, A-li-ô-sa vỗ bộp vai bạn:
— Vĩnh biệt Phi Long!
Xéc-giô và Kốt-xchi-a đang ngồi ở phía trong cũng quay hết cả ra, trố mắt tò mò...
"Ô-ka" liên quan đến gốc từ La Tinh "aqua", từ này có nghĩa là "sông" hoặc "nước". Hình như không có cô gái nào tên là "Gái" hay là "Cái", nhưng "Ô-ka" thì đúng là tên của một dòng sông.
Ô-ka là nhánh bên phải lớn nhất của sông Vôn-ga, dài hơn một ngàn rưỡi cây số, chảy qua năm hay sáu thành phố, có thể là bảy, có một nhánh của nó chảy cả qua thủ đô, nhánh này có lẽ vì chảy cả qua thủ đô nên đến lượt mình lại được coi như một con sông riêng, được đặt một tên riêng.
Thành phố Xờ-tu-pin-nơ nằm cách bờ sông Ô-ka độ bảy cây số về phía bắc, cũng là cách thủ đô khoảng một trăm cây số — "gần hai tiếng tàu điện ngoại ô, từ ga Pa-ven-lét" theo kinh nghiệm rong chơi phong phú của Xéc-giô — về hướng Nam Đông-Nam.
Đoàn "ngoại ô muôn năm" của Xéc-giô xuống tàu ở ga Xờ-tu-pin-nơ rồi chờ xe buýt đi theo đường nhựa theo hướng ngược trở lại với hướng tàu vừa đi đến. Việc "đi ngược" này làm Xéc-giô càu nhàu là nếu chịu xuống tàu từ ga trước thì chỉ cần đi bộ thêm ba cây số nữa là đến, sẽ không phải vừa đi ngược vừa đi xa như thế này.
Tất nhiên A-nhi-a không chịu đi bộ. Ngồi tàu, rồi ngồi xe buýt, mới đi bộ một đoạn từ bến xe, tiểu thư đã bắt đầu có triệu chứng nhăn nhó, thì may là đã tươi tỉnh lại ngay khi Xéc-giô chỉ tay về phía trước:
— Kia rồi...
Mấy chiếc ghế bành đan bằng mây rộng rãi, dầy dặn có tay ghế và lưng ghế liền một phiến, lưng ghế vòng hình quả trứng cao vồng lên một chút so với tay ghế, tất cả đều sơn màu trắng, nệm vải trắng trắng sọc đo đỏ mận chín ở dưới mông. Một chiếc đôn vuông bốn chân cũng sơn toàn trắng, cao gần bằng tay ghế, đặt ở khoảng chính giữa, gần hàng lan can trông ra cổng, trên có một chậu trồng hoa bằng đất nung màu đỏ gạch, hình trụ đáy to hơn miệng, trong trồng một khóm cây rậm rậm có những lá xanh giống như lá dương xỉ chĩa lên và nhiều hoa trắng nho nhỏ chi chít. Dọc theo, lơ lửng ngay phía trên, hàng lan can này, được treo giãn cách đều bằng dây xích sắt đen đen, nho nhỏ, là ba chậu hoa cỡ khoảng bằng cái bô nhựa của trẻ con, thấp hơn một tí và rộng hơn một tí, không biết làm bằng chất liệu gì nhưng cũng màu trắng, trong trồng cùng một loại cây gì đấy cũng lá xanh sẫm, nhiều hoa đỏ hồng thắm nho nhỏ như cây hoa giấy, nhưng lại xòe ra bờm xờm, rủ xuống như là chậu phong lan.
Lúc ban ngày thì thế, còn bây giờ trời đã tối, những chiếc ghế mây với đôn trồng hoa đã được Xéc-giô dẹp gọn hết vào một góc phía lan can bên tay phải. Phi Long và Kốt-xchi-a, dưới sự chỉ đạo của A-li-ô-sa đã khuân hết bàn ghế ăn từ nhà bếp ra đây. Ánh đèn vàng dịu dàng hắt xuống từ ba hình thủy tinh mờ mờ hình bầu dục hơi phồng lên ở trên trần, theo một hàng dọc. Mồi khai vị đang được bày ra tấp nập.
Có nhiều loài khác nhau sống cùng nhau ở trên quả đất. Có loài hễ cứ lên sân khấu là lại hát. Có loài hễ cứ vào họp là lại phát biểu. Có loài hễ cứ vào đêm trăng mật là lại hét vang trời. Có loài thì vào đêm nào cũng lèm bèm không biết mệt mỏi. Có loài hễ cứ có mồi ngon là lại lăm lăm rót rượu.
Có một số loài áp chót đang ở ngoài vườn. Có một số loài cuối cùng thì đang hỉ hả vây quanh bàn ăn ở ngoài hiên nhà với một tâm trạng sảng khoái.
Trăng nhè nhẹ. Gió rì rào, xào xạc, mơn man lùa qua khu vườn.
— Rư rư... rư rư... rư rư... — Chắc là dế.
— Ngon quá, chị Ti-na, tự nướng bánh mì đen này có khó không? — Chắc là A-nhi-a.
— ríp ríp... ríp ríp... ríp ríp... — Chắc là sâu.
— Phải có men khô với một ít xi-rô ngô. — Chắc là chị Ti-na.
— U u ... ù ú... u u... — Chắc là cú.
— Lúc nào cho em công thức.
— Phạch phạch... — Chắc là chim khác.
— Xuống Ki-ép ở với chị, chị chân truyền hết bí kíp nhà bếp cho.
— Nghễn... nghễn nghễn... — Chắc là sâu khác.
— Đi luôn đi, đi luôn đi. — Chắc là mấy chàng sinh viên đồng thanh.
Chắc là không phải là trêu bạn. Chắc là chúng đang hoàn toàn nghiêm túc.
Hai cái đĩa thủy tinh trong suốt to nhất ở trên bàn có nội dung giống nhau, mỗi đĩa bày ba vệt cân đối một cách lượng giác từ tâm ra đến rìa, như cái cánh quạt ba cánh, mỗi vệt gồm những lát thịt nguội lát mỏng, cuộn tròn gần bằng cái nem ở quê Phi Long, dài hơn một chút, xếp ngang liên tục từ trong ra ngoài, ba vệt là ba loại thịt nguội khác nhau, một loại hơi hồng hồng, trăng trắng, một loại đỏ tươi, trong trong, một loại màu đất, nâu nâu nhạt. Ở chỗ hình tam giác hổng ở giữa và ba góc hở giữa các “cánh quạt” — vệt thịt cuộn — là lộn xộn dưa chuột muối, cắt thành từng khoanh dày độ gần một phân, rồi mỗi khoanh đấy lại cắt làm tư, bày vun lên, màu vàng trong, rêu rêu...
Hôm nay A-nhi-a bị cuốn hút vào nhà bếp tíu tít phong phú và uyên thâm của chị Ti-na, nhưng cũng để ý thấy mấy anh chàng ít nhiều đều có vẻ khang khác. Gần như chỉ có Xéc-giô là vẫn vui vẻ nhiệt tình giống như vẫn thế. Kốt-xchi-a lẳng lặng hơn, thủng thẳng hơn, có vẻ triết lý nhiều, tự nói tự nghe nhiều hơn. A-li-ô-sa với Phi Long thì tự nhiên đều ít nói hẳn.
Đến lúc Xéc-giô khệ nệ bưng cái ấm Xa-mô-va ra, thì A-li-ô-sa nhìn Phi Long, rồi quay sang anh Gờ-ri-sa, chăm chú:
— Anh Gờ-ri-sa ơi, có phải cái kia..?
Anh Gờ-ri-sa ngồi im, đẩy đẩy mắt kính trắng, nhìn mấy chàng sinh viên một lượt, rồi đứng dậy đi vào nhà, một lát mang ra một tập giấy lộn xộn.
Anh vừa ngồi xuống thì mấy anh chàng kia chẳng ai bảo ai đều đã xúm hết cả lại. Phi Long bên trái, A-li-ô-sa bên phải, Kốt-xchi-a và Xéc-giô thì đứng đằng sau, thò đầu vào.
— Lần trước anh với Phi Long đã làm đến chỗ dãy chữ cái, dãy đọc ngược có vẻ giống với đáp án hơn, Phi Long đã...
— Em kể rồi.
— Dãy đấy đây — anh chỉ đầu bút bi vào chỗ được đóng khung "tyqeakifaxiialoeilyrki" ở trên tờ giấy. — Anh đã viết một cái chương trình theo cách đã trao đổi với Phi Long...
— Em cũng kể rồi.
— Hiệu chỉnh cái chương trình này hóa ra cũng mất công ra phết, và nó chạy chậm kinh khủng, dữ liệu nhiều, phương án cũng quá nhiều, nhưng... anh cũng chả nghĩ ra được cái gì khác khả dĩ hơn...
— ...
— Mãi về sau, trong cái đống tương đối to nó cứ đều đều ủn dần ra, có một cái kết quả.
— ...
— Đến cái lốc. Cái lốc phức tạp lắm. Anh cũng phải mất tương đối thời gian, cũng phải tự suy luận thêm, mới phần nào có vẻ đoán ra những gì nó đã làm.
— ...
— Đầu tiên nó phân tích cấu âm rồi "phiên âm" cái dãy "tyqeakifaxiialoeilyrki" sang tiếng mình, được phương án: "тыqеакифаcииалоеилырки". Chữ "q" không giống âm nào cả, nó để nguyên.
— "ты — qеакифаcииалоеи — лырки"... — A-li-ô-sa thò tay vào tờ giấy, lẩm bẩm thử tách từ.
— "ты — qеакифаcииа — лоеи — лырки" — Kốt-xchi-a phân tích tiếp — "лоеи" chắc là "моей".
— Chắc là, chắc là... "q" với "ф" đ'.. vào đâu cả!.. — Phi Long lẩm bẩm, có vẻ cáu. Môn đoán chữ kiểu này anh chàng không kiểu gì bằng các bạn tiếng mẹ đẻ được.
— Đúng là người với máy nói gì nói kiểu suy nghĩ vẫn khác nhau. — Anh Gờ-ri-sa tiếp. — Nó không nghĩ được như Kốt-xchi-a. Không tìm thấy gì "na ná" trong từ điển, nó bỏ cấu âm, chuyển sang so sánh thứ tự bảng chữ cái, thì từ "tyqeakifaxiialoeilyrki" thu được phương án khác: "ушрдакиеачииалодилшски".
— "уш...", ki-a-tri-an-lô... — A-li-ô-sa đọc rõ thành tiếng — tri-an-lô... đ'.. gì như tiếng Ý, cái này còn tù mù hơn.
— Cũng không tìm được gì gần giống, nó bắt đầu lục đến các bảng chữ cái khác nhau. So sánh hình dạng ký tự, nó xếp bảng chữ hoa Hy-lạp lên thứ tự ưu tiên hàng đầu: "ΑΒΓΔΕΖΗΘΙΚΛΜΝΞΟΠΡΣΤΥΦΧΨΩ".
— ...
— Lại dùng thứ tự bảng chữ cái, nó thu được phương án: "Υ?ΡΕΑΛΙΖΑΩΙΙΑΜΟΕΙΜ?ΣΛΙ"
— "Υ? — ΡΕΑΛΙΖΑΩΙΙΑ — ΜΟΕΙ — Μ?ΣΛΙ" — A-li-ô-sa đang tách từ thì Kốt-xchi-a với Phi Long cùng gào lên: "Ra rồi...
Trăng nhè nhẹ. Gió rì rào, xào xạc, mơn man lùa qua khu vườn... Vũ trụ vẫn thế, nhưng dường như không thế.
— Từ lúc thấy cái này, người anh cũng cứ sao sao, không... bình thường được. — Anh Gờ-ri-sa thở dài.
Ai đã ngồi về chỗ nấy, hơi nước xịt xịt ra từ ấm Xa-mô-va, trên bàn có mứt dâu đỏ quánh, mứt cam màu hổ phách, chanh tươi vỏ vàng rộm thái lát, táo tươi vỏ đỏ thắm bổ sáu, bổ tám. Một lúc, anh Gờ-ri-sa hỏi:
— Phi Long, Phật thế nào? Có giống Chúa ở đây?
— Như những gì anh kể với em về Chúa thì không.
— ...
— Chúa, như anh kể thì không phải người. Chúa tồn tại trong một không gian khác. Từ không gian đấy sinh ra chúng ta và không gian của chúng ta. Em hiểu thế đúng không?
— Đúng.
— Phật thì cũng là người như chúng ta, sống trong không gian của chúng ta, nhưng người đấy luyện được bí kíp gì đấy, và khai mở được một kênh thông tin khác, đến một không gian khác, là không gian mà từ đấy Phật và chúng ta đã sinh ra. Nối kết một cách lô-gíc thì đấy hoàn toàn có thể chính là không gian của Chúa.
— Khai mở thông tin... — Kốt-xchi-a khẽ lẩm nhẩm, rồi hỏi — có giống như Einstein?..
Phi Long từ đầu chỉ ngồi im lặng ngắm đường, cô đưa cái bản đồ, trỏ trỏ đường đi, anh cũng chỉ ngồi im, nhòm nhòm. Một mình một đường, cô chạy hẳn xe sang luồng bên kia hẳn một đoạn dài, cũng không thấy anh có ý kiến gì. Đến một đoạn, con đường uốn cong rất thơ qua phía bên tay phải, rồi tiếp tục chạy hơi lắt léo một ít trước khi ổn định lại theo hướng dọc triền sông Ô-ka.
Dòng sông trong vắt Bờ bến tuổi thơ Còn hát trong mơ Tiếng đàn ắc-coóc |
Cô cho xe vào bãi rồi kéo tay anh theo, lúc thì trên một lối đi nhỏ, lúc thì băng qua bãi cỏ buổi sớm, chỗ chỗ lại giẫm lên những vệt nắng tinh tươm có xu hướng dẻ quạt hội tụ về cùng một chỗ nào đấy ở tít đằng xa, hắt ngang, dọc qua các khe hở giữa những thân cây có vỏ nứt nẻ, không to nhưng cao vút và cứng cáp, ở trên đồi cây thưa. Lẫn trong cây, gần, xa, có những túp nhà gỗ xinh xinh, tường vàng ong, cửa sổ kính, mái lợp chéo chéo màu gạch non bàng bạc, có sống ở giữa, chỗ thì có mấy nhà xếp thẳng hàng, chỗ thì nhà nằm hơi lộn xộn, đây là khu nhà nghỉ.
Gần đến chỗ bờ đồi chuẩn bị thoải xuống phía dưới, những cây cao cũng chỉ mọc đến đấy, thì nhìn thấy dòng nước sông Ô-ka ở phía trước, dường như vẫn còn hơi mơ màng, mờ mờ. Triền đồi dốc xuống, đến chân rồi thì nối tiếp tục một bãi bằng phẳng, rộng rãi kéo ra đến tít bờ sông. Cả chỗ phía dưới đấy cỏ mọc tốt um, cũng có nhiều cây, nhưng mọc thưa trên bãi rộng, và là những loại cây thấp hơn, nhiều cành, có tán lá rộng, bản thân lá cũng rộng hơn, không giống như những cây ở trên đồi. Nếu từ đây nhìn không nhầm thì ở đằng đấy, viền theo mép bờ sông có một con đường với hai vệt bánh xe trụi cỏ, kiểu đường đất đi nhiều mà thành.
Ở chỗ mép bãi cây cao, cô kéo tay anh ngoẹo qua phải, song hành với dòng sông, — hoặc là ngược dòng với nó. Chỗ này thoáng đãng, mặt trời đang lên, không khí buổi sáng thật là mát mẻ, sực nức mùi đất, mùi cây cỏ, mùi hơi nước tươi mới. Đi ngang qua một con nai — tự nhiên có một cái tượng con nai màu xám trắng, mốc, đứng trơ trọi giữa bãi cỏ, cách mép cây cao một đoạn, — thêm một quãng dài nữa, thì gặp một con đường bậc thang gỗ đi từ trên này xuống, đến chỗ phẳng ở dưới thì thành một lối đi bằng đất chạy thẳng tiếp một đoạn, rồi hơi vênh sang trái, vòng vèo trong cỏ ra đến tận bờ sông. Có một thân cây vừa vừa mọc ở giữa đoạn bờ đồi thoai thoải xuống, ngay sát bên thanh vịn bên trái bậc thang, tán cành lá rộng và thưa thớt của nó lác đác ngăn vào giữa tầm nhìn ra mặt nước sông Ô-ka và cả khung cảnh về phía đấy, gây cảm giác như là đang ngồi trong vòm lá cây thưa mà nhìn ra sông.
Đoạn bậc thang được hàn bằng khung sắt, mỗi bậc là một phiến gỗ dày dặn, được đóng trong khung sắt. Thang đã cũ, nhưng hai bên tay vịn được hàn bằng những ống sắt tròn chắc là vừa mới được sơn lại, trông tinh tươm, màu ngọc lam sáng. Chỗ này chắc ít người đi qua, các bậc thang trông sạch sẽ không có đất bụi, chỗ khô chỗ ướt sương đêm còn chưa bốc hết hơi.
Cô bỏ tay anh, chạy đến ngồi xuống đầu thang, chỗ bậc gỗ trên cùng. Anh không chạy theo, cứ thong thả đến ngồi xuống bên cạnh. Anh vừa định khoác tay thì cô nhổm dậy, loay hoay chuyển xuống ngồi ở bậc gỗ bên dưới, chỗ trước mặt anh, anh vòng hai tay ôm cô từ đằng sau, cô xo hai đầu gối, tựa đầu vào vai anh, giụi giụi...
— Em nhớ cái này chứ, — giọng anh bỗng trở nên thân thiết, như nói thầm có giai điệu — "Hãy lôi anh chàng lên núi, mạo hiểm một chút..."
Chắc là không nhớ hết lời, anh khe khẽ huýt sáo tiếp chầm chậm, chờ cô, cô bắt được vào ở đoạn tiếp theo, anh chỗ nhớ chỗ không:
"Nếu anh chàng ở trên núi không phấn khích,
Ngay lập tức ì ạch và tụt xuống,
Dẫm phải băng trơn và ngã,
Trượt chân và hét ầm lên,
Tức là bên cạnh bạn là một người lạ,
Đừng mắng mỏ, hãy đuổi anh ta đi,
Không ai đem người như thế lên cao,
Và không ai hát về họ ở đây.
Nếu anh ta không ca cẩm, không cằn nhằn,
Dù anh ta không nhiệt tình và nổi cáu, nhưng đã đi cùng,
Và khi bạn bị ngã từ những tảng đá,
Anh ta lầm bầm chửi, nhưng đã đỡ bạn..."
Lúc cô vào nhà thì thấy có một đĩa tướng thịt cá Vốp-bla đã xé sẵn để trên giá cao đến gần ngực ở cạnh tường, mọi người đang mỗi người một chai bia, vây quanh bàn bi-a. Cả chị Ti-na cũng áo phông quần soọc, đang cầm cục lơ đứng mài mài đầu cơ. Phi Long đang bật chai bia, tuyên bố:
— Chơi tá lả, em chấp tất, một lỗ mười, hai lỗ tít...
Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (20)" đầy đủ:
http://www.mediafire.com/?ynpqswuc5b4ot3x
http://www.megaupload.com/?d=9RERY62B
Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN":
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...