Đi hết phố băng qua đường là đến cổng bệnh viện Xanh Ma-ri. Đến đầu phố đấy, rẽ trái, nếu không có gì thay đổi, sẽ có một nhà hàng có bia — theo như lời Đào Phò nói thì — ngon. Vỉa hè khuất sau góc phố ở đấy, nếu không có gì thay đổi, sẽ có kê một dãy những chiếc bàn gỗ tròn chân i-nốc và những chiếc ghế gỗ có tì tay, ở trên đầu có mái che di động và những chùm hoa với nhiều bông hoa nho nhỏ màu tím, vàng, đỏ... chủ yếu là tím. Ngay cạnh đấy hình như là một nhà hàng bán đồ ăn Tàu, hay Hàn quốc, hay là cả hai... gì đó. Tôi không rõ lắm, chỉ nhớ lúc đấy Đào Phò vừa quệt tay áo lau bọt bia dính thành viền ở môi trên, vừa lầm bầm chửi kim chi, lá vừng muối, với thịt kho ngâm mỡ... Cũng hơi lâu rồi.
Tôi đã muốn đi quá đến đấy để nhòm một cái, nhưng rồi lại thôi, — tôi không vội lắm, nhưng hình như đã có một cảm giác không muốn, mạnh hơn ý muốn kia: ngộ nhỡ đã có gì thay đổi thì sao, — chỉ vội ngoái cổ nhìn đường, hơi mỉm cười thấy có một bà ăn mặc như bà xơ (theo hình dung của tôi về các xơ) đang vừa ngồi bệt gọn lỏn, chân buông thõng không chạm đất ngay trên đỉnh một trụ hàng rào thấp, ở ngay trước một nhà hàng hình như bán đồ ăn Ấn-độ, vừa gọi điện thoại di động; rồi bước vội qua.
Câu lạc bộ Frontline ở Luân-đôn từ lâu đã là nơi tụ tập của các phóng viên nước ngoài, với những câu chuyện mê mải say sưa không hoàn toàn chỉ là ba hoa bốc phét về những cuộc phiêu lưu và những hành vi nghĩa cử giỏi giang và — nhất là — vô cùng can đảm xảy ra ở khắp mọi xó xỉnh của địa cầu.
Nhưng hôm nay là Thứ Hai, một ngày Thứ Hai ít nhiều đặc biệt.
Câu lạc bộ đáng kính này, hôm nay, sẽ làm chủ tiệc giới thiệu một ngôi sao mới trong làng báo thế giới — một nhà báo với một khí chất không còn gì cần phải bàn cãi nữa là vô cùng khác biệt.
Dong dỏng cao, xanh xao, với mái tóc trắng, trắng theo cách sẽ gây cảm giác già trước tuổi rất rõ ràng: Julian Assange, người đã thông báo với các nhà báo đang tụ tập lần này về 90,000 tài liệu đã được phân loại từ cuộc chiến ở Áp-ga-nít-xtăng mà anh đã phát hành trên trang web wikileaks.org của mình.
Assange, một cựu hách-cơ máy tính, người chưa bao giờ đến Áp-ga-nít-xtăng, bây giờ đang ngồi trước mặt tôi, ngay ở đây, trong gian áp mái Câu lạc bộ Frontline.
— Có cả một bộ sưu tập những tờ báo có ảnh anh ở ngay trang đầu. Julian Assange là ai?
— Tôi là một nhà báo và một nhà xuất bản và một nhà phát minh. Với Wikileaks, tôi thử tạo ra một hệ thống giải quyết vấn đề kiểm duyệt báo chí và kiểm duyệt thông tin phát giác trên khắp thế giới. Như một người phát ngôn công khai cho cơ cấu đó, tôi sẽ phải chịu tất cả sức nóng và sẽ nhận được tất cả sự ảnh hưởng.
— Trước đây anh từng được gọi là "Rô-bin Hút trong giới hách-cơ", và cũng có nhiều thông tin nói về chuyện anh không lưu lại ở một chỗ nào quá hai ngày. Cách sống của anh có thể mô tả như thế nào?
— Chắc đã có một chút mong muốn lãng mạn hóa những gì tôi làm. Nhưng giống như các phóng viên thời chiến đi tới những đất nước khác nhau, tôi cũng làm cùng một việc như vậy. Tôi đi qua nhiều nước khác nhau ở đâu chúng tôi có sự hỗ trợ và ở đâu tôi cần phải đi theo tình tiết những câu chuyện.
— Anh có một cơ sở chính chứ?
— Chúng tôi có những cơ sở khác nhau ở những chỗ khác nhau. Có bốn địa điểm ở đó tôi một cách cá nhân cảm thấy an toàn.
— "An toàn"? Ý anh muốn nói gì?
— Đấy là chỗ chúng tôi có hỗ trợ mạnh về chính trị.
— Nhiều tờ báo đã mô tả anh như một người theo chủ nghĩa hoà bình.
— Hoàn toàn không phải thế. Tôi là một người cực hay gây gổ. Đã nói, tất nhiên là cái chết của trẻ con và những người lính nhập ngũ phải được tránh nếu như có thể tránh được. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc xem xét xem việc lộng hành có phải đã xảy ra hay không, hiểu xem chúng đã xảy ra ở đâu và làm cho mọi người đều có thể biết được về chúng, để cho cảnh sát và những người làm chính sách có thể điều tra chúng, bằng cách ấy công lý sẽ được thực thi đối với những sự lộng hành đã xảy ra trong quá khứ và những sự lộng hành trong tương lai sẽ không xảy ra vì sẽ có hiệu ứng ngăn cản.
— Nhưng anh cũng nói là nhiều sự lộng hành chỉ là một phần của chiến tranh?
— Đúng thế. Khi chúng ta quay lại để nhìn vào những mô tả về Việt Nam và Chiến Tranh Thế Giới thứ 2, chuyện lộng hành chỉ là một thứ sau nhiều những thứ khác nữa. Lý do là, khi bạn tham dự một cuộc chiến, bạn phải làm mọi chuyện theo cách ngắn gọn nhất có thể. Không quan trọng những ý định của bạn là tốt đẹp như thế nào, cuộc chiến sẽ bắt đầu mua chuộc những người dính líu vào nó. Nó mua chuộc cả cơ cấu xã hội và kinh tế của đất nước mà ở đó chiến tranh xảy ra. Đấy cũng là cái xảy ra ở Áp-ga-nít-xtăng.
— Như vậy anh cũng không phải là chống chiến tranh?
— Nếu một đất nước bị bao quanh bởi những nước khác mà lại không có quân đội hay khu vực an ninh, các nhóm cơ hội sẽ xâm lấn và chiếm hữu. Quân đội là quan trọng để bảo vệ an ninh của một đất nước. Nhưng đã nói, làm sao chúng ta có thể ủng hộ một cuộc chiến tranh không liên quan đến sự bảo vệ? Cuộc chiến tranh ở Áp-ga-nít-xtăng đã dần dần trở thành một cái gì đó hoàn toàn không liên quan đến sự bảo vệ. Nó là một vũng bùn đang liên tục phát triển đối với tất cả những người tham gia.
— Anh tin vào sự rõ ràng minh bạch hoàn toàn? Các chính phủ và các cá nhân có cần được phép giữ các bí mật, hay là chúng ta sẽ phải phơi bày mọi thứ ra?
— Tất nhiên có những bí mật là chính đáng. Nhưng chúng ta phải thừa nhận một cách mặc định là mỗi cá nhân có quyền trao đổi tri thức với các cá nhân khác. Chúng ta gọi điện cho bà mình, và chính phủ không được nghe trộm điện thoại. Thư của bạn có thể gửi, và chính phủ không được mở nó ra. Đấy là sự thừa nhận mặc định của chúng ta. Có một sự thừa nhận mang tính xã hội là chúng ta có thể nói với nhau tự do và đấy là quyền trao đổi tri thức về những gì đang xảy ra trên thế giới. Những sự thừa nhận đấy được hiện thân trong một thứ luật lệ tốt đẹp.
— Nhưng một người lính đang kể chuyện từ chiến trường ở Áp-ga-nít-xtăng có phải cảm thấy là anh ấy đang viết một báo cáo mật không? Anh làm thế nào để sòng phẳng được chuyện đấy? Sao người lính ấy lại là một ngoại lệ?
— Một người lính có thể không có quyền làm việc đấy. Chuyện này phụ thuộc vào việc anh ấy có đang tiến hành một hành động chính đáng hay không. Chỉ vì lý do là có một người lính có mặt ở đâu đó theo mệnh lệnh không có nghĩa là hành động của anh ấy là chính đáng. Chúng tôi đã thấy một số lượng ngày càng tăng những người phản đối trong quân đội Mĩ trong thời gian các cuộc chiến tranh ở Áp-ga-nít-xtăng và I-rắc. Đây là một vấn đề gây chia rẽ ở trong chính phủ Mĩ và trong những người trực tiếp ở những chỗ ấy, những người trực tiếp chứng kiến cái đang xảy ra. Những người đấy có quyền biểu lộ sự bất đồng quan điểm của họ không? Chúng ta có thể nói "có thể" hoặc "không thể". Có thể họ một cách cá nhân không có quyền... Nhưng luật của Mĩ quy định rõ ràng là các nhà xuất bản có quyền nói với mọi người về những gì đang xảy ra.
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...