Ai đã giết ông Mút-đờ-rốp (III)

Vô-va hôm nay lại về nhà muộn, rón rén thò đầu nhòm vào phòng khách, thấy mẹ đang ngồi xem vô tuyến một mình, bèn thở phào, kín đáo đi sát chân tường, vòng đến đằng sau, rồi nhẹ nhàng đặt hai tay lên vai mẹ — chỗ gần cổ — khẽ nắn nắn.


Nhưng chắc mẹ đã biết cậu vào, nên một bàn tay mẹ giống như đã ở sẵn đấy, mềm mại đặt ngay lên bàn tay phải cậu.


— Con lại đến vũ trường?


— ...


— Đến đấy ít thôi. Ở đấy ầm ĩ, có thể điếc tai đấy. — Mẹ Vô-va là bác sĩ.


— Cảm ơn mẹ, con vừa ăn rồi. — Giọng Vô-va hờ hững.


Cậu thấy vai mẹ hơi rung rung, cậu cũng tự phì cười, rồi cả hai mẹ con cùng khẽ cười thành tiếng. Xong, cậu cúi xuống thì thào:


— Vẫn thế à, mẹ?


Mẹ cậu không nói gì, chỉ khẽ gật gật đầu. Vô-va cà cà má mình vào một bên má mẹ, rồi rón rén rời vào bếp.


Cửa khép hờ, không đóng vào khung, nên chỉ đẩy nhích một tí — hoàn toàn không kêu, không cọt kẹt — là có thể ghé mắt nhìn vào bên trong, tầm nhìn cũng tương đối rộng.


Bố cậu đang ngồi một mình, trước mặt là bữa tối.


Một đĩa to, mùi thơm bốc ra tận đây, chắc là khoai tây nghiền và sườn cừu nướng — món mà bố thích nhất. Nửa ổ bánh mì đen. Và, tất nhiên, chai vốt-ca "Thủ Đô" và chiếc cốc bảy xu — "bảy xu" của ngày xưa. Bố cậu, từ đồ ăn, thức uống, đến áo quần, vật dụng... vốn chỉ thích những thứ đơn giản, gần gũi, ngày xưa.


Cũng ở ngay trên bàn, ngay cạnh chai "Thủ Đô", nhưng nói thế nào cũng khó có thể liên quan đến "bữa tối", là cây gậy bóng chày đen thui.


Cây gậy bóng chày của bố cậu vốn là một vật quen thuộc.


Chuyện bố cậu giờ giấc thất thường, nhiều khi về muộn, lại không muốn mẹ con cậu phải chờ bữa tối, nên đã thống nhất là cứ về lúc nào thì sẽ tùy tiện ăn một mình lúc ấy, cả nhà cũng đã quen từ lâu, từ hồi cậu hẵng còn bé.


Nhưng hai hôm trước, lúc bố về muộn, và vác cả cây gậy bóng chày lên bàn ăn, thì cả hai mẹ con đều ngạc nhiên đến tròn cả mắt.


Đây là một chuyện chưa bao giờ xảy ra!


Bây giờ, cũng giống như hôm qua, hôm kia, bố lại ngồi ăn một mình, lẳng lặng rót thêm rượu vào cốc, thỉnh thoảng mắt lại nhìn sang cái gậy, rồi thò tay sờ sờ, khẽ lăn đi lăn lại, có lúc thở dài...


Cậu vừa định giật lùi trở lui, thì giật bắn mình, nghe bố gọi:


— Vào đây, Vô-va!


— ...


— Nắm cả hai tay vào đây... ra ngoài tay bố. Đếm một, hai, ba, bóp hết sức nhá. Một... hai... ba!


— Ăn thua gì đâu, bố?


— Ừ, chả hề hấn gì!


— Bố, chỗ móp hẳn ở đầu này...


— Ừ, bị đập mạnh... À không, — Bố cậu cười, thò tay vò đầu cậu, — không phải "xung trận".


Vô-va ra rồi, anh Ác-tua khép cửa lại cẩn thận, bật bếp ga, nghiêng nghiêng đầu cúi xuống mồi điếu thuốc Camel. Vợ nói mãi, anh mới bỏ được những điếu pa-pi-rốt Ben-la-mo. Anh nói mãi, anh mới hút được thuốc Camel. Chứ không phải hút những loại thuốc nhạt phèo, thậm chí có loại còn có đầu lọc màu trắng, theo như ý chị. Anh đi đi lại lại, phun khói, rồi lại ngồi xuống chỗ cũ...


"Mọi việc lẽ ra sẽ phải vô cùng tốt đẹp nếu không có sự có mặt thường xuyên của một kẻ hoàn toàn có đầy đủ lý do để trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà động vật học. Đúng thế! Gã trẻ tuổi này vẫn tiếp tục không ngừng đầu độc tâm trạng của tôi. Tôi càng khẳng định rằng việc tôi có ác cảm với anh ta là hoàn toàn chính đáng! Hàng ngày phải thấy mặt anh ta..."


"Ông già này càng ngày càng trở nên bẳn tính. Hàng ngày phải tiếp xúc với ông ấy quả thật là một sự khổ tâm..."


Họ đã viết về nhau như vậy trong thư gửi về từ chỗ công tác.


Nhưng đồng nghiệp ở trường cũng không mấy người — có khi còn chả có ai — ngạc nhiên.


Chuyện hai người này kỵ nhau như nước với lửa, vốn từ lâu đã luôn được đem ra bàn luận như một chủ đề khoa học. Những nghiên cứu viên tiên phong trong chủ đề này thậm chí còn lên diễn đàn trên mạng của trường, vạch ra, và tranh luận với nhau kịch liệt — đến nỗi vì chuyện lúc đầu chỉ là đùa này đã nảy sinh thêm ra các cặp cá nhân kỵ nhau hoàn toàn nghiêm túc khác — về các hướng tiến triển trong tương lai của mối quan hệ đầy màu sắc "oan gia ngõ hẹp" — "Mút-đờ-rốp — Đim-ma" — này.


Chủ đề và diễn đàn càng nóng lên khi có quyết định giấy trắng mực đen, ghi rõ, là giáo sư Mút-đờ-rốp, và tiến sĩ Đim-ma được cử đi công tác biệt phái, chỉ có hai người, đến một nơi hẻo lánh, tận hai tháng rưỡi.


Người ta đồn rằng ông Mút-đờ-rốp, khi nhận được quyết định, đã thức trắng cả đêm. Còn cậu Đim-ma thì hôm sau say khướt ở dưới căng tin của trường, các bạn phải dìu về tận nhà.


Những người có quan điểm tăm tối — chiếm số đông — nhân đây bèn đưa ra những lời khẳng định như chém đinh chặt sắt, là sau chuyến này, ắt sẽ có một người phải bỏ trường mà đi! Còn bàn thêm: Có khi cả hai, vì cả hai sẽ cùng đâm đơn!


Nhưng vẫn có những người lạc quan (chủ yếu đứng tuổi): Có khi cũng không phải vô cớ mà nhà trường lại quyết định điều động như thế đâu, ngày xưa Pi-ốt đại đế đấy, con gái nhà công khanh quý tộc hẳn hoi nhá, mà bị đại đế mai mối — thực ra là ra lệnh — gả cho một thằng da đen, lại còn đen gốc Phi, y như thằng gì mà tổng thống mĩ... à Ô-li-ba-ma đấy, lệnh vua dám cãi à, đành cắn răng uống thuốc chống say xe, bịt mũi mà ở chung, khiếp, phu quân gì như cục than bùn, cháy tan hoang cả ngoại ô Mát-xcơ-va... à ai ngờ da đen hoành tráng thế nào thì bây giờ đều hiểu cả rồi nhá, nên bén hơi rồi thì ngất ngây anh tây đen, không khác gì nghiện anh hàng trắng, không yêu không được... biết đâu điều kiện cô đơn heo hút, lại kè kè bên nhau suốt ngày, sẽ làm nguội lạnh mối thù h... à tức là mối xung đột giữa hai anh tây đ... à tức là giữa hai người trí thức thì sao?


Thư về, diễn đàn lại càng nóng thêm...


Một tháng trôi qua.


Ở trường nhận được một bức điện ngắn ngủi, khô khan, báo tin giáo sư Mút-đờ-rốp bị tiến sĩ Đim-ma giết chết.


— Mời anh ngồi.


— Cảm ơn anh. — Tiến sĩ Đim-ma trả lời nhỏ nhẹ.


— Anh giết giáo sư Mút-đờ-rốp để làm gì?


— Anh biết không... — Giọng Đim-ma như có lỗi và thiếu tự tin. — Chuyện... là ở chỗ... ở chỗ... tôi... tôi không hề giết ông ấy.


— Nhưng rõ ràng ông giáo sư đã bị giết, đúng không?


— Đúng, ông ấy đã bị giết.


— Và... Tại chỗ giáo sư bị giết, ngoài anh và ông ấy ra, có còn ai nữa không?


— Chỉ có hai chúng tôi ở đấy. Ngoài chúng tôi ra... không, không còn và cũng không thể có một ai khác. Tôi khẳng định điều đó.


— Nếu thế, sự phủ nhận của anh thật khó hiểu. Anh có đồng ý với tôi là nếu chỉ có hai người ở một chỗ, và một người bị giết chết, thì kẻ giết người chỉ...


— Chỉ có thể là người thứ hai. — Đim-ma vội lập cập nói nốt. — Vâng, điều đó thật rõ ràng. Nhưng... tôi không giết ông ấy.


— ...


— Sợ nhất, là tôi cũng không thể hình dung được tình trạng không lối thoát của tôi. Tôi quả thực hoàn toàn bất lực, không thể suy nghĩ ra, không thể tự bào chữa được. Như người ta nói, tôi đã hoàn toàn bị vạch tội... Nếu tôi là anh, tôi cũng sẽ cho rằng điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi hiểu. Tôi cũng chuẩn bị đón nhận tất cả. Kể cả... kể cả những điều tệ hại nhất. Nhưng tôi... tôi không hề giết ông ấy. — Khuôn mặt Đim-ma hoàn toàn nhợt nhạt, bối rối, bất lực và hoang mang.


— Anh hãy cố gắng trấn tĩnh. Nếu quả thực anh đã giết ông giáo sư, vì căn cứ vào nội vụ thì đúng như thế, thì tốt nhất anh nên thú nhận. Còn nếu không phải anh giết, thì anh hãy cứ bào chữa đi. Anh cứ cải chính, cứ giải thích, cứ cố gắng đưa ra giả thuyết, lập luận của mình...


Tiến sĩ Đim-ma ngồi thừ người ra một lát, rồi cầm lấy cốc nước, — chắc là theo một phản xạ vô thức, — rồi dường như đã lưỡng lự về việc uống, không uống, rồi lại lóng ngóng đưa cốc lên, uống liền mấy ngụm. Nhưng chắc nước cũng có tác dụng, hoặc những sự bối rối sau khi được phát tiết thành động tác thì sẽ ít nhiều vơi đi, hoặc cả hai, cho nên lúc bắt đầu nói trở lại, thì cả giọng nói và nét mặt đều đã phần nào ổn định hơn:


— Đã có những lúc, tôi cũng xin được nói thật, tôi đã có... trong đầu tôi đã lóe lên những ý nghĩ bất bình thường: nện cho ông ấy một trận nhừ tử, thậm chí giết quách đi. Tôi còn ghi cả chuyện đấy vào nhật ký, chắc anh đã xem rồi.


— ...


— Tôi không biết. Có thể cuối cùng tôi cũng không còn tự chủ được, trong một phút nông nổi, sẽ giết chết giáo sư. Điều đó cũng có thể lắm. Nhưng tôi đã không giết ông ấy.


— ...


— Chuyện xảy ra thế này...


"Hôm ấy là Chủ Nhật. Buổi sáng, chúng tôi quyết định đi săn ở một cái hồ nằm sâu trong rừng. Chúng tôi đến đấy bằng xe bò. Xe thuê, một cậu người dân tộc tên là Kha-lin đánh xe. Đi quá nửa đường thì xe hỏng. Kha-lin bảo thế, cười ngơ ngác, rồi nhảy xuống hì hục chữa xe. Còn khoảng ba cây số nữa mới đến hồ. Chờ một lát, vẫn chỉ thấy Kha-lin cứ cười cười, chúng tôi sốt ruột quyết định đi bộ, dặn Kha-lin lúc nào chữa xong xe thì đến sau.


"Đến nơi, anh có thể hình dung, hai người chúng tôi nếu "thi đấu" ở cạnh nhau... nên tôi chủ động đề nghị giáo sư ở lại bên này hồ, còn tôi sẽ đi sâu thêm vào rừng, men theo bờ hồ, về phía bên kia. Ông ấy đã gần như rạng rỡ. Thế là tôi len lỏi giữa cây cối — chỗ đấy chỉ là rừng thưa — đi về phía bờ bên kia.


"Tôi đi cũng phải được mấy trăm mét... Có khi phải đến nửa cây số, đến lúc cảm giác "giáo sư" ở đằng sau gần như đã hết nặng nề, trong lòng bắt đầu thấy thoải mái, tôi mới ngoái cổ nhìn lại.


"Tôi vẫn nhìn thấy khá rõ thân hình ông ấy đang đứng một mình trên bờ. Không có và không thể có một ai ở gần ông ấy cả. Tôi dám chắc như thế.


"Nhìn ông ấy, thì cảm giác khó chịu lại dâng lên ngay, nên tôi vội quay mình để đi xa nữa ra. Nhưng tôi vừa quay đi, thì liền nghe thấy một tiếng súng nổ vang. Tôi vội nhìn, thì thấy ông ấy lảo đảo một cách lạ lùng, rồi ngã vật xuống. Hốt hoảng, tôi cắm cổ chạy trở lại.


"Lúc tôi chạy đến, ông ấy vẫn thở thoi thóp, nhưng đã bất tỉnh. Có một con dao đâm vào mắt bên trái, lút đến tận cán. Cái cán dao thò ra từ bên trong hốc mắt của ông ấy, trông thật ghê rợn. Khẩu súng săn nằm lăn lóc ngay bên cạnh.


"Tôi hoảng hốt và luống cuống. Cả đời tôi không từng gặp chuyện như vậy, cũng chưa bao giờ thử đặt mình vào hoàn cảnh đó. Tôi chẳng biết phải làm thế nào cả. Phản xạ đầu tiên là tôi cố rút con dao ra khỏi mắt ông ấy. Nhưng con dao cắm chắc quá. Tôi vừa rút nó lên, thì cả đầu ông ấy cũng nhấc lên theo. Thật kinh khủng! Tôi bấn loạn, đã định một tay đè vào trán để giữ đầu ông ấy, nhưng hình ảnh rút dao như vậy vừa đến trong đầu, thì thiếu chút nữa chính tôi cũng bất tỉnh. Cuống cuồng, hầu như một cách vô thức, chân tôi cứ thế chạy đi tìm Kha-lin. Chạy gần đến chỗ xe hỏng thì gặp Kha-lin đang đánh xe tới, tôi lập cập bảo là giáo sư bị tai nạn, rồi vội vàng trèo lên ngồi thu lu trên xe bò. Kha-lin đã cố đánh xe chạy nhanh, nhưng chúng tôi đến nơi thì ông giáo sư đã chết. Rồi chúng tôi chở xác ông ấy về...


"Tôi có thể hút thuốc..?"


— Mời anh.


Đim-ma châm thuốc, rít một hơi dài, lập cập. Im lặng một lúc, rồi nói tiếp:


— Anh thấy... thật sự... tôi thật khó biện hộ. Tôi... tôi biết cách suy nghĩ, tôi hiểu mọi tình tiết đều chống lại tôi. Có lẽ tôi nên tự thú nhận thì tốt... vì sẽ tranh thủ được sự khoan hồng của tòa. Một sự hối hận thực lòng, một sự thú nhận thành khẩn... các anh vẫn thường gọi... Tôi không phải luật sư, nhưng tôi đã được nghe...


— ...


— Nhưng... tôi không thể. Tôi không giết ông ấy. Không giết.


— ...


— Nhưng bắt tôi chứng minh... thì tôi hoàn toàn bất lực.


Xác ông giáo sư đã được bác sĩ pháp y đầu ngành — bác sĩ Xê-mi-ôn, một trong những người giỏi nhất, và nổi tiếng là cẩn thận — tiến hành mổ xẻ.


Kết luận:


1. Cái chết của giáo sư Mút-đờ-rốp là hậu quả của một chấn thương nặng do con dao đâm vào mắt trái gây ra.


2. Con dao đã được đâm vào mắt bằng một lực không phải của con người.


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...