Ai đã giết ông Mút-đờ-rốp (IV)

Ánh sáng nhợt nhạt.


Hai người ngồi bên chiếc bàn gỗ rộng kê sát vào tường.


Chiếc bàn rộng nói chung, và chiều dài lại lớn hơn chiều rộng nhiều. Hai người cùng ngồi phía một cạnh rộng — đối diện với tường.


Một người — giày đen bóng lộn nhưng lem luốc, quần âu đen, sơ mi trắng, chắc đã xơ-vin cẩn thận, nhưng giờ bị rút dở ra ngoài một cách vô tổ chức, cà vạt cơi ra xốc xếch để hở cổ áo sơ mi cáu bẩn bên trong — ngồi phưỡn ra tựa ghế, nhưng cằm lại gằm xuống, nắm tay phải ấn vào mồm, răng cắn cắn vào khớp ngón tay cái.


Người kia — giày đen xỉn, quần bò đen, áo sơ mi đen đuôi tôm, vải thô, bỏ ngoài quần, mái tóc hung vừa cợp gáy vừa rậm vừa xoăn vừa rối bù — ngồi ngửa mặt nhìn trần nhà, mũi và miệng liên tục phun khói mù mịt, mùi thuốc lá Camel khét lẹt đậm đặc.


Chỗ này rất rộng rãi. Rộng như một văn phòng mở, theo lối hiện đại. Theo như mật độ đèn trên trần mà nói, nếu bật hết lên, sẽ là một chỗ rất sáng sủa. Nhưng có sáng sủa thế, chứ sáng sủa nữa, thì cũng không kiểu gì giống với một văn phòng. Vì cả sàn, tường, trần ở đây hình như đều là mặt bê tông cứ để nguyên, thô tháp.


Huống hồ ở đây còn có song sắt.


Thực ra chỉ là lưới sắt, nhưng sắt to, ô lưới hình chữ nhật nằm ngang đều đặn. Một tấm lưới sắt to màu xỉn xỉn cắt ngang hết phòng, ngăn cách chỗ hai người đang ngồi — cũng tương đối rộng — với phía bên trong. Gần khoảng giữa bức tường lưới sắt này có một cánh cửa lùa, đang để mở. Phía bên trong rộng mênh mông, hun hút nhiều dãy nửa giống tủ nửa giống giá sách to, bằng sắt, trên các ngăn chất đầy những hộp các tông to đều nhau, ngoài vỏ hộp đều dán mảnh giấy trắng, có ghi số.


Vả lại đèn bật thưa thớt, lại đều chỉ bật những đèn điện dây tóc có chụp tròn, ánh sáng vàng yếu, — trên trần còn có nhiều đèn tuýp. Phía trên cánh cửa ra vào — cửa ở trên bức tường kê chiếc bàn, cách ra một quãng về phía bên phải từ chỗ hai người ngồi — còn có một chiếc đèn tròn, giống như đèn hiệu, màu đỏ, hắt ra ánh sáng đỏ nhờ nhờ. Đều làm một việc như nhau, công suất chắc cũng không khác nhau mấy, nhưng do màu sắc và bộ vị, nên tự nhiên trông chiếc đèn đỏ này có một vẻ cần mẫn hẳn hơn những đèn trên trần kia.


Chiếu sáng ảm đạm như thế, nếu muốn tìm đồ hay đọc chữ, đều sẽ rất không tiện.


Nhưng nếu để tập trung nghĩ ngợi, thì dường như lại có phần hợp cảnh.


Hợp cảnh, nhưng vị tất đã hỗ trợ được mấy phần?


"Roạt!"


Một cánh tay sơ mi trắng xắn một nếp cẩu thả đang để trên bàn vung lên, lưng mấy ngón tay lần lượt tát nhanh vào vỏ chiếc hộp các tông — cùng loại với những hộp trên các ngăn để bằng sắt — để trên mặt bàn, người cũng theo đà đứng dựng lên.


— Chìm hẳn!


— ...


— Không còn cọc mà vớ nữa! — Y ngửa hai bàn tay, rồi thọc cả hai vào túi quần, đi đi lại lại, biên độ đi cứ rộng dần ra, rồi dừng lại giữa chừng, bước mấy bước, xoay người đổ lưng vào "bức tường" lưới sắt. Lưng gần chạm lưới, người chợt rướn một cái, đã đứng thẳng lại ngay, mắt không nhìn, chỉ quài tay lại, mấy ngón tay trắng trẻo sờ sờ những song sắt nhỏ, rồi mới đổ lưng lại vào lưới sắt, ngước mắt mệt mỏi nhìn lên trần nhà.


Người kia đang ngồi im, bỗng như giật mình, vội rít một hơi thuốc thật sâu, phun ra một đám khói mù mịt, lắc lắc đầu:


— Thật ra... cái cọc rất rõ. Nhưng đơn giản quá, đơn giản kỳ cục, đến không thể bấu víu được.


— ...


— Tất cả những gì anh biết, trong nghề. Cộng với tất cả những gì anh đang tìm hiểu được, bới ra. Tuyệt đối không có bất kỳ cái gì giống như... một sức lực... không phải của con người cả.


Người đứng, đầu đang dựa vào tấm lưới sắt, nhìn lên trần nhà, cứ cố định thế, nhưng hai tròng mắt dướn lên, đảo về phía người đang nói, toàn bộ dáng vẻ đấy vừa giống như chăm chú, lại vừa giống như hài hước. Nhưng vừa nghe nói thế, y chợt nhíu mày, mắt chớp chớp, hàng mi dài lim dim, nhằn nhằn môi dưới, trầm ngâm một tí, rồi thở dài một cái, cất giọng mệt mỏi, nói như nói sang chuyện khác, chả liên quan gì:


— Thật ra, nếu bài toán chỉ là phải tìm ra một người có thể đâm một con dao với một lực không phải của con người, thì cũng không phải là không có lời giải đâu...


— Không phải?


— Anh đã nói thế, thì hồ sơ trong nghề chắc không có. Cũng đúng thôi, khởi điểm, y là một nhà khoa học. Vả lại chuyện này cũng rất lâu rồi...


— ...


— Cũng hơi dài. Mà... đằng nào cũng chả biết làm gì nữa, anh muốn nghe, em kể cho nghe.


Người đang ngồi gật đầu, những bóng điện trên trần chợt xỉu đi, có tiếng "tít" — có thể là vài tiếng đồng loạt — phát ra ở đâu đó, rồi đèn lại sáng lại ngay như cũ.


— Y là một đồng hương của em. Y tên Đào Phi.


Người kia cau trán lại, nên y dừng lời, có ý chờ. Đến lúc người kia búng tàn thuốc, lắc đầu, y mới tiếp:


"Y nghiên cứu vật lý thiên văn. Y ở trong số những người đầu tiên làm việc ở Tiểu Thành Sao Trời, những người liên quan nhiều nhất đến mấy vụ bắn người đầu tiên vào không gian ngày xưa.


"Y có một người em... thân như em, có thể họ đã kết nghĩa anh em, cũng là một đồng nghiệp, lứa sau, kém y sáu, bảy tuổi gì đấy, tên Trường Văn.


"Họ cùng làm việc ở đấy. Và cùng yêu một cô gái. Một cô nhà báo. Cô ấy là người ở đây. Họ thường gọi cô ấy là Vũ... gì đấy. Đấy là cách gọi theo kiểu... giống như anh gọi em là Đào Tam Tuyệt. Có thể tên cô ấy đã là Va-lê-ri-a, Vê-ra, Vê-rô-ních-ca, Vích-tô-ri-a, hay Vi-ô-lét-ta... một cái gì đấy bắt đầu bằng chữ "vê".


"Cũng là một chuyện tình tay... em cũng không hiểu đấy có đúng là công thức chuyện tình tay ba không. Thực ra cô Vũ với Đào Phi đã yêu nhau. Nhưng còn chưa kịp kể với ai, thì Đào Phi biết được là Trường Văn cũng đem lòng yêu thương cô Vũ, vả lại còn tương tư rất nặng, theo kiểu của một người trí thức ngây thơ, ít nhiều thiếu thực tế. Nên cô Vũ với Đào Phi, hai người họ đã nghĩ rằng tạm thời tốt nhất cứ "âm thầm" thế đã, hy vọng sau một thời gian, mọi chuyện sẽ êm ả và dễ cởi mở hơn.


"Nhưng Trường Văn đã đắm đuối rất lâu. Y đã thổ lộ tình yêu với cô Vũ. Cô đã khéo léo từ chối theo cách nhẹ nhàng nhất có thể. Cũng có thể như vậy đã không phải là một cách hay. Em không biết. Nhưng Đào Phi vốn là một người rất thông minh, và chắc là y hiểu rõ Trường Văn. Chỉ biết Trường Văn sau khi tỏ tình không thành, thì lại càng trở nên si mê — giờ thêm cả đau khổ — hơn.


"Tình trạng đó cứ tiếp tục kéo dài và không có triệu chứng thuyên giảm, cơ hồ còn tăng. Cho nên đến một lúc, rốt lại họ phải quyết định sẽ nói chuyện với Trường Văn. Họ đã nói chuyện điện thoại, và hẹn nhau như vậy, vì lúc ấy cô Vũ đang ở Đu-san-be. Họ định chờ đến lúc cô về.


"Nhưng cô Vũ không về. Trong chuyến công tác ấy, cô và các đồng nghiệp gặp một tai nạn ô tô. Chiếc xe văng xuống vực, bảy người trong xe đều chết cả.


"Họ đã yêu nhau lắm. Đào Phi gần như chết đi sống lại. Nếu có thể chết được, không chắc y đã phân vân. Nhưng y không thể chết.


"Vì Trường Văn thì chết.


"Không chết hết. Chỉ gần hết.


"Tin về, y bị một cơn đột quỵ nặng. Rồi cứ nằm im. Hình như chưa gọi là thực vật, nhưng chắc cũng gần như thế.


"Đào Phi không chết được. Một cách vật lý không chết được. Y nước mắt chảy ra ngoài, rồi chảy vào trong, rồi chắc cũng chả còn nước mắt để chảy nữa, ngày ngày lặng lẽ vào ra, như một cái xác không hồn, luẩn quẩn bên cạnh chăm sóc Trường Văn.


"Quê em hoàn cảnh lúc ấy khó khăn thế, mà y lại đang làm việc ở Tiểu Thành Sao Trời như thế, dễ hình dung y phải là một người thông minh và cứng cỏi. Y còn là người luôn tin vào cách giải quyết mọi sự việc dựa vào đầu óc và kiến thức. Hơn một tháng trôi qua, thì đầu óc y bắt đầu lấy lại khả năng làm việc bình thường.


"Về y học mà nói, thì tình trạng của Trường Văn là vô phương cứu chữa.


"Về sinh mệnh mà nói, thì sống như vậy chẳng khác gì chết.


"Nhưng Đào Phi không cam chịu.


"Vả lại khi một người ở trong một bối cảnh tâm lý chân chính là tan tác như vậy, chỉ cần lờ mờ định hình được một hướng để đi, thì mức độ tập trung ắt hẳn cũng sẽ phải rất cao hơn bình thường.


"Cho nên muốn nói là ngoại thân thì là ngoại thân. Nói là thể xác thì là thể xác. Nói là tinh thần thì là tinh thần. Tất tần tật có cái gì, thì Đào Phi đem ném hết vào một cuộc tìm tòi phải gọi là vô tiền khoáng hậu.


"Đã ném như vậy thì phải có kết quả thôi.


"Cho dù là kết quả gì.


"Thành công, thì sẽ ra một thứ sáng sủa, đủ sở cứ, chứng minh được.


"Thất bại, thì tất nhiên... hì... không phải là mẹ thành công. Không đẻ, thì không phải mẹ. Thất bại ở đây, chỉ có đúng một cách thôi.


"Nhưng không thành công, thì cũng không nhất thiết phải là thất bại. Cái đó còn phụ thuộc vào đề bài vào lúc ban đầu. Mà cuộc tìm tòi này về bản chất vốn là vô tiền khoáng hậu.


"Cho nên rốt lại cũng chưa hẳn đã là thất bại, nếu còn có thể chọn được một thứ mặc dù không đủ sở cứ, không chứng minh được, nhưng khả dĩ hy vọng được.


"Còn như có được thật không, được bao nhiêu, được như thế nào, thì phải làm thật mới biết.


"Nhưng nếu làm thật trên người sống, thì không được.


"Khoa học cấm làm thí nghiệm trên người sống. Ngay cả người sống là bản thân nhà khoa học, cũng không được.


"Nhưng thực tế là có một số khoa học vẫn làm được.


"Hôn nhân chẳng hạn. Hì... em xin lỗi. Gọi là một môn khoa học — ví dụ "Hôn Nhân Học" — cũng tuyệt đối không có gì sai. Hì... Nếu theo đường lối đấy, thì trước tiên phải cho thỏ, chuột bạch, lợn, trâu, bò, nhất là ngựa và chó lấy nhau và sống với nhau thử xem, để các nhà khoa học — người — ngồi xem, xem thế nào đã, rồi hẵng áp dụng cho người.


"Cho nên Đào Phi cuối cùng đã đi đến một quyết định mặc dù không biết có nên gọi là khoa học hay không, nhưng nếu bảo là kỳ quái, thì chắc chắn là bất kỳ ai biết được cũng nhất định sẽ phải tắc lưỡi mà rằng thật sự là khó có gì có thể kỳ quái hơn được nữa.


"Tương truyền, lúc đấy ở trong rừng sâu núi thẳm, đâu đó gần Tây Tạng, có một địa điểm gọi là Lũng Sương...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...