Những con đường chúng ta chọn

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

NHỮNG CON ĐƯỜNG CHÚNG TA CHỌN

(O. Henry)


Đoàn tàu tốc hành buổi chiều dừng lại bên trạm bơm nước cách Tắc-xơn hai mươi dặm về phía tây để lấy nước. Ngoài nước ra, chiếc đầu máy của con tàu nhanh nổi tiếng này còn mang theo đôi thứ không lấy gì làm bổ ích lắm cho nó.


Trong lúc anh thợ đốt lò tháo chiếc vòi mềm dẫn nước thì Bốp Tít-bôn, “Cá mập” Đốt-xơn và một người lai da đỏ từ bộ lạc Críc-cơ biệt hiệu Giôn Đại Cẩu trèo lên đầu máy và chĩa ba đầu lỗ tròn của khẩu súng cá nhân vào các lái tàu. Điều này đã gây cho bác lái tàu một ấn tượng mạnh đến nỗi ngay tức khắc bác ta giơ hai tay lên trời, giống như người ta vẫn làm khi kêu lên: “Ô hay! Không thể như vậy được”. Theo mệnh lệnh ngắn gọn của “Cá mập” Đốt-xơn — tên cầm đầu toán cướp, bác lái tàu bước xuống đường ray và tách đầu máy và toa chở than ra. Rồi Giôn Đại Cẩu trèo lên đống than, nghịch ngợm chĩa hai khẩu súng lục vào bác lái tàu và anh thợ đốt lò, ra lệnh cho họ lái đầu máy chạy cách xa đoàn tàu năm mươi yat và đợi lệnh tiếp theo.


“Cá mập” Đốt-xơn và Bốp Tít-bôn không thèm đếm xỉa đến thứ quặng nghèo vàng như đám hành khách. Chúng tiến thẳng về phía mỏ hạt sa khoáng ở trong toa thư. Viên trưởng toa trở tay không kịp. Ông này vẫn hoàn toàn tin tưởng là chuyến tàu tốc hành buổi chiều đã không thu nhận gì tai hại và nguy hiểm hơn nước lã. Trong lúc Bốp Tít-bôn dùng cán của khẩu côn đánh bật sự nhầm lẫn nguy hại này ra khỏi đầu ông ta, “Cá mập” Đốt-xơn không để phí thời gian, đã đặt khối thuốc nổ xuống dưới chiếc két sắt của tem thư.


Chiếc két sắt nổ vỡ toang đã cho ra ba mươi ngàn đô-la lợi nhuận ròng bằng vàng và tín phiếu. Đây đó các hành khách thò cổ ra ngoài cửa sổ xem tiếng sấm rền vang này ở đâu ra. Viên phó tàu giật dây chuông, nhưng cái dây thừng, treo lơ lửng một cách không sinh khí, không thể hiện bất kì sự phản ứng nào. Quẳng những thứ ăn cướp được vào chiếc túi vải bạt chắc chắn, “Cá mập” Đốt-xơn và Bốp Tít-bôn nhảy xuống đất và chạy về phía đầu máy, chân vấp lia lịa trong những đôi giày gót cao.


Bác lái tàu, tuy hằm hằm nhưng vẫn ngoan ngoãn tuân theo lệnh của chúng, đã cho đầu máy chạy xa khỏi đám toa xe bất động. Nhưng trước đó viên trưởng toa thư, như bừng tỉnh khỏi cơn thôi miên, đã nhảy bổ đến một mô đất với khẩu súng trường Uyn-chét-xtơ trong tay và tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu. Giôn Đại Cẩu đã đi sai một nước cờ là ngồi trên toa than: hắn để lộ mình dưới luồng đạn và viên trưởng toa đã cho hắn ăn kẹo đồng ngay lập tức. Tên lục lâm cướp đường ngã lăn xuống đất vì bị viên đạn đúng giữa hai bả vai, và như vậy là phần ăn cướp được của mỗi tên đồng bọn của hắn đã tăng lên một phần sáu.


Cách trạm bơm nước hai dặm, bác lái tàu được lệnh dừng lại. Bọn cướp phẩy tay chào bác ta một cách khiêu khích và nhảy xuống theo một sườn dốc dựng đứng, rồi mất hút trong đám bụi cây rậm dày đặc bao quanh con đường. Năm phút sau, đi xuyên qua các bụi cây choparan làm cành cây gãy răng rắc, chúng đã có mặt ở chỗ rừng thưa, ở đó có ba con ngựa đã được buộc sẵn vào những cành cây thấp. Một con trong số đó đang đợi Giôn Đại Cẩu mà bây giờ bất kể ngày cũng như đêm, không bao giờ hắn còn được cưỡi trên mình nó nữa. Sau khi tháo yên cương của con ngựa này, bọn cướp thả nó ra. Quẳng chiếc túi lên mỏ yên, chúng cưỡi lên hai con còn lại và phi vút đi, nhưng mắt vẫn láo liên nhìn quanh. Thoạt tiên chúng phóng qua một khu rừng, rồi sau đó qua một hẻm vực hoang dại, vắng ngắt. Đến đây con ngựa của Bốp Tít-bôn bị trượt trên một hòn đá bám đầy rêu và gãy một chân trước. Ngay tức khắc chúng bắn chết nó và ngồi xuống họp bàn. Đã đi được một đoạn đường dài, quanh co nên tạm thời chúng vẫn còn được an toàn, không cần phải vội vã. Những dặm đường và khoảng thời gian lớn đã ngăn cách chúng với ngay cả cuộc truy đuổi nhanh nhất. Lê sợi dây cương trên mặt đất và lắc lư mạng sườn, con ngựa của “Cá mập” Đốt-xơn ngoan ngoãn gặm cỏ bên bờ suối. Bốp Tít-bôn mở cái túi, và vừa cười như một đứa bé con, hắn vừa móc ra những cọc tín phiếu mới toanh được dán cẩn thận và một túi vàng con duy nhất.


— Hãy nghe đây, tên cướp già đời kia, — hắn vui vẻ gọi Đốt-xơn, — thế mà hoá ra mày có lí, công việc vậy là rất suôn sẻ. Chà, cái đầu của mày, đúng là đầu bộ trưởng tài chính. Với bất cứ ai ở A-ri-den này cũng có thể chấp cả một trăm điểm được đấy.


— Chúng ta làm gì với con ngựa bây giờ hả Bốp? Không nên ngồi lâu ở đây. Trước lúc rạng đông bọn họ sẽ đuổi theo chúng ta.


— Hừm, con Bô-li-va của mày tạm thời cũng mang được cả hai đứa. — Bốp vui vẻ trả lời. — Chúng ta sẽ chiếm lấy con ngựa nào bắt gặp đầu tiên. Mẹ kiếp, mẻ này cũng khá đấy chứ, phải không mày? Nếu tin vào dòng chữ được in trên giấy thì chỗ này là ba mươi ngàn, mỗi thằng mười lăm ngàn.


— Tao nghĩ sẽ hơn thế cơ đấy, — dùng mũi giày khẽ đá vào bọc tiền, “Cá mập” Đốt-xơn nói. Và hắn trầm ngâm nhìn hai bên sườn ướt đẫm của con ngựa mệt mỏi của hắn.


— Con Bô-li-va già nua gần kiệt sức rồi. — Hắn nói rành rọt từng chữ. — Tiếc là con ngựa hồng của mày gãy mất một chân.


— Còn phải nói, — Bốp hồn nhiên đáp lời, — nhưng làm gì được với nó bây giờ. Con Bô-li-va của mày còn khoẻ. Nó sẽ đưa chúng ta đến nơi cần thiết, và ở đó ta sẽ thay ngựa. Mẹ kiếp, mà kể cũng buồn cười, mày từ miền đông tới, xa lạ với vùng này, còn chúng tao ở miền tây, ngay tại quê nhà, thế mà chúng tao không đáng đi xách dép cho mày. Mày từ bang nào nhỉ?


— Bang Niu Oóc, — ngồi xuống tảng đá tròn và nhai một cành cây, “Cá mập” Đốt-xơn đáp lại. — Tao sinh ra tại một điền trang vùng On-xtơ. Năm mười bảy tuổi tao bỏ nhà ra đi. Và tình cờ tao đã lọt đến miền tây. Với gói hành lí trong tay tao đi trên đường, những mong tới được Niu Oóc. Tao nghĩ rằng tới được đó tao sẽ bắt đầu đi kiếm tiền. Tao luôn có cảm tưởng rằng tao sinh ra là để làm việc đó. Tao tới một ngã ba đường và không biết nên đi theo ngả nào. Suốt nửa giờ tao nghĩ ngợi quẩn quanh, rồi sau đó tao ngoặt sang bên trái. Đến tối thì tao đuổi kịp một gánh xiếc rong và thế là đi cùng với họ về miền tây. Tao vẫn thường nghĩ, cái gì sẽ xảy ra với tao nếu như lúc ấy tao chọn con đường khác?


— Theo tao, cũng sẽ như vậy thôi. — Bốp Tít-bôn trả lời một cách triết lí. — Vấn đề không phải ở con đường chúng ta chọn, mà là ở chính cái nằm trong lòng chúng ta dẫn tới việc chọn con đường.



Lút-giờ-nhích-ki đấy

Đốt-xơn đứng dậy và tựa vào một thân cây.


— Tao rất tiếc là con ngựa hồng của mày bị què cẳng, Bốp ạ. — Hắn nhắc lại với vẻ thông cảm.


— Tao cũng vậy, — Bốp đồng ý — con ngựa tuyệt thật. Thôi được, con Bô-li-va sẽ mang chúng ta đi. Có lẽ, cũng đến lúc khởi hành rồi đấy, “Cá mập” ạ. Bây giờ tao sẽ xếp hết tất cả những cái này vào túi và lên đường. Con cá đi tìm chỗ nước sâu, còn con người thì tìm chỗ nào tốt hơn.


Bốp Tít-bôn bỏ những thứ ăn cướp vào túi và buộc chặt lại bằng sợi dây thừng. Vừa ngước mắt lên, hắn nhìn thấy ngay nòng khẩu côn 45 mà cánh tay không hề run rẩy của “Cá mập” Đốt-xơn đang chĩa vào hắn.


— Bỏ cái trò đùa ấy đi. — Bốp vừa cười gằn vừa nói. — Đến lúc phải đi rồi.


— Ngồi im tại chỗ! — “Cá mập” nói. — Bốp, mày sẽ không đi khỏi nơi này. Tao rất phiền lòng phải nói ra điều đó, nhưng chỉ có chỗ cho một người. Con Bô-li-va kiệt sức rồi, nó không thể mang nổi hai đứa.


— Tao với mày là chiến hữu của nhau đã ba năm nay, “Cá mập” Đốt-xơn ạ. — Bốp bình tĩnh trả lời. — Chúng ta đã cùng nhau liều mạng không phải chỉ một lần. Tao luôn thành thật với mày, nghĩ rằng mày là một con người. Tao đã nghe đôi điều không tốt về mày, hình như mày đã giết oan hai người chẳng có tội tình gì, nhưng tao không tin. Nếu mày đùa, “Cá mập” ạ, thì hãy cất ngay khẩu côn và chúng ta chạy cho mau. Còn nếu mày muốn bắn, thì bắn đi, đồ đểu, đồ nhện độc!


Bộ mặt của “Cá mập” Đốt-xơn lộ vẻ buồn sâu sắc.


— Chắc mày không tin đâu, Bốp ạ, — hắn thở dài, — tao thật lòng tiếc là con ngựa hồng của mày bị gãy chân.


Và bộ mặt của hắn đột nhiên thay đổi — giờ đây nó biểu lộ sự tàn bạo lạnh lùng và lòng tham vô đáy. Trong một phút, tâm hồn của con người này đã lộ ra, giống như đôi khi, bộ mặt của một kẻ ác độc ló ra ngoài cửa sổ một ngôi nhà tư sản đáng kính.


Trong thực tế, số phận đã không cho Bốp rời khỏi chỗ này được nữa. Tiếng súng của thằng bạn phản trắc đã vang lên và các vách đá của hẻm vực đã đáp lại bằng những hồi âm phẫn nộ. Còn kẻ tình cờ đồng loã với tên giết người — con Bô-li-va đã nhanh chóng mang đi tên cuối cùng trong bọn cướp chuyến tàu nhanh buổi chiều — con ngựa đỡ phải mang tải trọng gấp đôi.


Nhưng khi “Cá mập” Đốt-xơn phi ngựa trong rừng, cây cối phía trước hắn dường như bị sương mù che khuất, khẩu súng lục trong tay bỗng biến thành cái tay vịn cong cong của chiếc ghế bành làm bằng gỗ sồi, miếng vải bọc yên thật là kì lạ, và mở mắt ra, hắn nhìn thấy chân hắn đang tì vào không phải là bàn đạp mà là chiếc bàn làm việc bằng gỗ sồi.


Vậy xin nói rằng, Đốt-xơn — chủ văn phòng chứng khoán “Đốt-xơn và Đê-cơ”, phố Uôn đã mở mắt ra. Pi-bô-đi, viên thư kí tin cẩn đang đứng bên chiếc ghế bành, ngập ngừng muốn nói. Dưới cửa sổ tiếng bánh xe lăn ầm ầm, chiếc quạt máy kêu vo vo như ru ngủ.


— Hừm! Pi-bô-đi, — chớp chớp mắt, Đốt-xơn nói. — Hình như tôi đã thiếp đi. Tôi đã thấy một giấc mơ cực kì lạ lùng. Có chuyện gì thế, Pi-bô-đi?


— Dạ, thưa ông, ông Uy-li-am ở hãng “Tờ-rê-xi và Uy-li-am” đang đợi ông. Ông ta tới để thanh toán mấy cái X, Y, Z. Ông ta bị mắc kẹt với chúng, thưa ông, nếu ông nhớ ra.


— Phải, tôi có nhớ. Thế giá của chúng hôm nay là bao nhiêu?


— Thưa ông, một đô-la tám mươi nhăm xu.


— Vậy hãy thanh toán cho ông ta theo giá đó!


— Xin ông tha lỗi, — Pi-bô-đi hồi hộp nói, — tôi đã nói với ông Uy-li-am. Ông ấy là bạn cũ của ông, thưa ông Đốt-xơn, mà ông là người đã mua tất cả X, Y, Z. Tôi thiết tưởng giá ông, nghĩa là… Có lẽ, ông nhớ là ông ấy đã bán chúng cho ông với giá là chín mươi tám xu. Nếu ông ấy phải thanh toán theo giá hiện nay, ông ấy sẽ mất hết cả vốn liếng và đến phải bán cả ngôi nhà của mình.


Bộ mặt của Đốt-xơn đột nhiên thay đổi — giờ đây nó biểu lộ sự tàn bạo lạnh lùng và lòng tham vô đáy. Trong một phút, tâm hồn của con người này đã lộ ra, giống như đôi khi, bộ mặt của một kẻ ác độc ló ra ngoài cửa sổ một ngôi nhà tư sản đáng kính.


— Kệ cho ông ta trả với giá một đô-la tám mươi nhăm xu. — Đốt-xơn nói. — Con Bô-li-va không thể mang được hai người.

Wikileaks: Vụ Khodorkovskiy là có động cơ chính trị

8 ý kiến, và ý kiến từ facebook






Wikileaks: US Embassy Diplomatic Cables

1. XXX đã xác nhận là trường hợp chống lại XXX là có động cơ chính trị và bắt nguồn từ Kremlin, và không thấy trước bất kỳ sự thay đổi nào cho tình trạng của Khodorkovskiy khi Chính Phủ Putin còn tại vị.


Phương tây chỉ trích Nga...
Cựu tỷ phú bị buộc thêm tội...
Khodorkovsky sẽ tiếp tục ngồi tù...

11. Trong những sự lưu ý cuối cùng của ông ấy, XXX cho rằng những sự buộc tội mới chống lại Khodorkovskiy là có động cơ chính trị và nói rằng vụ việc đã được dàn dựng hoàn toàn bởi Kremlin. Mặc dù ông ấy đã tuyên bố chắc chắn là các cáo buộc là không có bằng chứng hợp pháp hoặc đã được chứng minh rõ ràng, ông ấy đã kết luận, nói là Khodorkovskiy chắc sẽ ở lại trong tù chừng nào Chính Phủ Putin còn nắm quyền.

Xem phim

2 ý kiến, và ý kiến từ facebook










Hôm trước em với Nhật Linh rủ nhau xem lại phim Twilight, biết có người chưa xem phim này, nhưng rủ mãi mới chịu xem cùng.

Xem chăm chú và trật tự. Xem xong hỏi hay không, thì tủm tỉm nhún vai bộ điệu rất... gây phản cảm.

Nhưng Nhật Linh lại không có vẻ khó chịu (em thì xã giao nên không biểu hiện gì), chỉ bảo "Chờ tí đi...", rồi vào bếp mang thêm rượu và đồ ăn ngon ra, lựa lại chỗ ngồi thoải mái, rồi mặt mũi vui vẻ, bảo: "Bắt đầu đê!"

Thế là phim được tua lại từ đầu, dừng lại chỉ trỏ, giải thích từng chỗ. Kết luận: "Phim này làm ẩu, nhiều lỗi quá, tiếc thật!"

Nhật Linh quen rồi. Em thì lạ. Hỏi: "Như thế xem có bị ảnh hưởng không?" Đáp: "Nó tự nhiên, như nghe nhạc thấy có nốt bị phô, nên biết nếu không phô thì sẽ hay hơn."

Rảnh rỗi, em ngồi lọc lại những chỗ "chỉ trỏ" mà em còn nhớ.

LẬP TRÌNH VIÊN (20)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






VIII






Nếu như để một sự vận động liên tục, hơi túi bụi một chút, với một thời lượng đủ dài, vào trong một khung cảnh nhàn nhã, thong thả, rồi quan sát, trước sau gì cũng sẽ ít nhiều có cảm giác về sự phát triển, kèm theo đó là một cảm giác về sự bất công. Những cảm giác đó sẽ còn rõ hơn nếu chính là người tham gia vào sự vận động kia, và chúng nó sẽ làm cho tinh thần những người này bị nhấp nhổm, khó tĩnh tại, và người ta sẽ hay đột ngột gọi to, đột ngột vỗ mạnh vai, đột ngột có những biểu tình đột ngột trước những thứ mà bình thường là bình thường.


Hai người mặt mũi sáng sủa ăn mặc sạch sẽ đi trong phòng đọc thư viện trường đại học, dù là vào kỳ nghỉ hè của sinh viên nhưng thư viện vẫn làm việc, thì bình thường là bình thường. Nhưng nếu đặt ngay cạnh phòng đọc mùa này vắng vẻ đấy một phòng máy tính phải làm việc liên tục cả ngày, nhiều lúc là cả đêm, trong suốt cả vụ hè, thì việc đi qua của hai người kia đối với những người ở trong phòng máy tính này có vẻ lại là rất đặc biệt.


Vừa nhìn thấy A-nhi-a đang đi với một người cao dong dỏng, mặc một bộ đồng bộ đen tuyền áo bẻ cổ có hai túi ngực kiểu túi hộp có nắp to, tay áo sắn cao quá khuỷu, áo cho trong quần, thắt lưng đen, quần hơi rộng rộng cùng chất liệu áo có hai túi hộp to có nắp ở hai bên cạnh đùi, A-li-ô-sa vỗ bộp vai bạn:


— Vĩnh biệt Phi Long!


Xéc-giô và Kốt-xchi-a đang ngồi ở phía trong cũng quay hết cả ra, trố mắt tò mò...






"Ô-ka" liên quan đến gốc từ La Tinh "aqua", từ này có nghĩa là "sông" hoặc "nước". Hình như không có cô gái nào tên là "Gái" hay là "Cái", nhưng "Ô-ka" thì đúng là tên của một dòng sông.


Ô-ka là nhánh bên phải lớn nhất của sông Vôn-ga, dài hơn một ngàn rưỡi cây số, chảy qua năm hay sáu thành phố, có thể là bảy, có một nhánh của nó chảy cả qua thủ đô, nhánh này có lẽ vì chảy cả qua thủ đô nên đến lượt mình lại được coi như một con sông riêng, được đặt một tên riêng.


Thành phố Xờ-tu-pin-nơ nằm cách bờ sông Ô-ka độ bảy cây số về phía bắc, cũng là cách thủ đô khoảng một trăm cây số — "gần hai tiếng tàu điện ngoại ô, từ ga Pa-ven-lét" theo kinh nghiệm rong chơi phong phú của Xéc-giô — về hướng Nam Đông-Nam.


Đoàn "ngoại ô muôn năm" của Xéc-giô xuống tàu ở ga Xờ-tu-pin-nơ rồi chờ xe buýt đi theo đường nhựa theo hướng ngược trở lại với hướng tàu vừa đi đến. Việc "đi ngược" này làm Xéc-giô càu nhàu là nếu chịu xuống tàu từ ga trước thì chỉ cần đi bộ thêm ba cây số nữa là đến, sẽ không phải vừa đi ngược vừa đi xa như thế này.


Tất nhiên A-nhi-a không chịu đi bộ. Ngồi tàu, rồi ngồi xe buýt, mới đi bộ một đoạn từ bến xe, tiểu thư đã bắt đầu có triệu chứng nhăn nhó, thì may là đã tươi tỉnh lại ngay khi Xéc-giô chỉ tay về phía trước:


— Kia rồi...






Mấy chiếc ghế bành đan bằng mây rộng rãi, dầy dặn có tay ghế và lưng ghế liền một phiến, lưng ghế vòng hình quả trứng cao vồng lên một chút so với tay ghế, tất cả đều sơn màu trắng, nệm vải trắng trắng sọc đo đỏ mận chín ở dưới mông. Một chiếc đôn vuông bốn chân cũng sơn toàn trắng, cao gần bằng tay ghế, đặt ở khoảng chính giữa, gần hàng lan can trông ra cổng, trên có một chậu trồng hoa bằng đất nung màu đỏ gạch, hình trụ đáy to hơn miệng, trong trồng một khóm cây rậm rậm có những lá xanh giống như lá dương xỉ chĩa lên và nhiều hoa trắng nho nhỏ chi chít. Dọc theo, lơ lửng ngay phía trên, hàng lan can này, được treo giãn cách đều bằng dây xích sắt đen đen, nho nhỏ, là ba chậu hoa cỡ khoảng bằng cái bô nhựa của trẻ con, thấp hơn một tí và rộng hơn một tí, không biết làm bằng chất liệu gì nhưng cũng màu trắng, trong trồng cùng một loại cây gì đấy cũng lá xanh sẫm, nhiều hoa đỏ hồng thắm nho nhỏ như cây hoa giấy, nhưng lại xòe ra bờm xờm, rủ xuống như là chậu phong lan.


Lúc ban ngày thì thế, còn bây giờ trời đã tối, những chiếc ghế mây với đôn trồng hoa đã được Xéc-giô dẹp gọn hết vào một góc phía lan can bên tay phải. Phi Long và Kốt-xchi-a, dưới sự chỉ đạo của A-li-ô-sa đã khuân hết bàn ghế ăn từ nhà bếp ra đây. Ánh đèn vàng dịu dàng hắt xuống từ ba hình thủy tinh mờ mờ hình bầu dục hơi phồng lên ở trên trần, theo một hàng dọc. Mồi khai vị đang được bày ra tấp nập.


Có nhiều loài khác nhau sống cùng nhau ở trên quả đất. Có loài hễ cứ lên sân khấu là lại hát. Có loài hễ cứ vào họp là lại phát biểu. Có loài hễ cứ vào đêm trăng mật là lại hét vang trời. Có loài thì vào đêm nào cũng lèm bèm không biết mệt mỏi. Có loài hễ cứ có mồi ngon là lại lăm lăm rót rượu.


Có một số loài áp chót đang ở ngoài vườn. Có một số loài cuối cùng thì đang hỉ hả vây quanh bàn ăn ở ngoài hiên nhà với một tâm trạng sảng khoái.


Trăng nhè nhẹ. Gió rì rào, xào xạc, mơn man lùa qua khu vườn.


— Rư rư... rư rư... rư rư... — Chắc là dế.


— Ngon quá, chị Ti-na, tự nướng bánh mì đen này có khó không? — Chắc là A-nhi-a.


— ríp ríp... ríp ríp... ríp ríp... — Chắc là sâu.


— Phải có men khô với một ít xi-rô ngô. — Chắc là chị Ti-na.


— U u ... ù ú... u u... — Chắc là cú.


— Lúc nào cho em công thức.


— Phạch phạch... — Chắc là chim khác.


— Xuống Ki-ép ở với chị, chị chân truyền hết bí kíp nhà bếp cho.


— Nghễn... nghễn nghễn... — Chắc là sâu khác.


— Đi luôn đi, đi luôn đi. — Chắc là mấy chàng sinh viên đồng thanh.


Chắc là không phải là trêu bạn. Chắc là chúng đang hoàn toàn nghiêm túc.


Hai cái đĩa thủy tinh trong suốt to nhất ở trên bàn có nội dung giống nhau, mỗi đĩa bày ba vệt cân đối một cách lượng giác từ tâm ra đến rìa, như cái cánh quạt ba cánh, mỗi vệt gồm những lát thịt nguội lát mỏng, cuộn tròn gần bằng cái nem ở quê Phi Long, dài hơn một chút, xếp ngang liên tục từ trong ra ngoài, ba vệt là ba loại thịt nguội khác nhau, một loại hơi hồng hồng, trăng trắng, một loại đỏ tươi, trong trong, một loại màu đất, nâu nâu nhạt. Ở chỗ hình tam giác hổng ở giữa và ba góc hở giữa các “cánh quạt” — vệt thịt cuộn — là lộn xộn dưa chuột muối, cắt thành từng khoanh dày độ gần một phân, rồi mỗi khoanh đấy lại cắt làm tư, bày vun lên, màu vàng trong, rêu rêu...






Hôm nay A-nhi-a bị cuốn hút vào nhà bếp tíu tít phong phú và uyên thâm của chị Ti-na, nhưng cũng để ý thấy mấy anh chàng ít nhiều đều có vẻ khang khác. Gần như chỉ có Xéc-giô là vẫn vui vẻ nhiệt tình giống như vẫn thế. Kốt-xchi-a lẳng lặng hơn, thủng thẳng hơn, có vẻ triết lý nhiều, tự nói tự nghe nhiều hơn. A-li-ô-sa với Phi Long thì tự nhiên đều ít nói hẳn.


Đến lúc Xéc-giô khệ nệ bưng cái ấm Xa-mô-va ra, thì A-li-ô-sa nhìn Phi Long, rồi quay sang anh Gờ-ri-sa, chăm chú:


— Anh Gờ-ri-sa ơi, có phải cái kia..?


Anh Gờ-ri-sa ngồi im, đẩy đẩy mắt kính trắng, nhìn mấy chàng sinh viên một lượt, rồi đứng dậy đi vào nhà, một lát mang ra một tập giấy lộn xộn.


Anh vừa ngồi xuống thì mấy anh chàng kia chẳng ai bảo ai đều đã xúm hết cả lại. Phi Long bên trái, A-li-ô-sa bên phải, Kốt-xchi-a và Xéc-giô thì đứng đằng sau, thò đầu vào.


— Lần trước anh với Phi Long đã làm đến chỗ dãy chữ cái, dãy đọc ngược có vẻ giống với đáp án hơn, Phi Long đã...


— Em kể rồi.


— Dãy đấy đây — anh chỉ đầu bút bi vào chỗ được đóng khung "tyqeakifaxiialoeilyrki" ở trên tờ giấy. — Anh đã viết một cái chương trình theo cách đã trao đổi với Phi Long...


— Em cũng kể rồi.


— Hiệu chỉnh cái chương trình này hóa ra cũng mất công ra phết, và nó chạy chậm kinh khủng, dữ liệu nhiều, phương án cũng quá nhiều, nhưng... anh cũng chả nghĩ ra được cái gì khác khả dĩ hơn...


— ...


— Mãi về sau, trong cái đống tương đối to nó cứ đều đều ủn dần ra, có một cái kết quả.


— ...


— Đến cái lốc. Cái lốc phức tạp lắm. Anh cũng phải mất tương đối thời gian, cũng phải tự suy luận thêm, mới phần nào có vẻ đoán ra những gì nó đã làm.


— ...


— Đầu tiên nó phân tích cấu âm rồi "phiên âm" cái dãy "tyqeakifaxiialoeilyrki" sang tiếng mình, được phương án: "тыqеакифаcииалоеилырки". Chữ "q" không giống âm nào cả, nó để nguyên.


— "ты — qеакифаcииалоеи — лырки"... — A-li-ô-sa thò tay vào tờ giấy, lẩm bẩm thử tách từ.


— "ты — qеакифаcииа — лоеи — лырки" — Kốt-xchi-a phân tích tiếp — "лоеи" chắc là "моей".


— Chắc là, chắc là... "q" với "ф" đ'.. vào đâu cả!.. — Phi Long lẩm bẩm, có vẻ cáu. Môn đoán chữ kiểu này anh chàng không kiểu gì bằng các bạn tiếng mẹ đẻ được.


— Đúng là người với máy nói gì nói kiểu suy nghĩ vẫn khác nhau. — Anh Gờ-ri-sa tiếp. — Nó không nghĩ được như Kốt-xchi-a. Không tìm thấy gì "na ná" trong từ điển, nó bỏ cấu âm, chuyển sang so sánh thứ tự bảng chữ cái, thì từ "tyqeakifaxiialoeilyrki" thu được phương án khác: "ушрдакиеачииалодилшски".


— "уш...", ki-a-tri-an-lô... — A-li-ô-sa đọc rõ thành tiếng — tri-an-lô... đ'.. gì như tiếng Ý, cái này còn tù mù hơn.


— Cũng không tìm được gì gần giống, nó bắt đầu lục đến các bảng chữ cái khác nhau. So sánh hình dạng ký tự, nó xếp bảng chữ hoa Hy-lạp lên thứ tự ưu tiên hàng đầu: "ΑΒΓΔΕΖΗΘΙΚΛΜΝΞΟΠΡΣΤΥΦΧΨΩ".


— ...


— Lại dùng thứ tự bảng chữ cái, nó thu được phương án: "Υ?ΡΕΑΛΙΖΑΩΙΙΑΜΟΕΙΜ?ΣΛΙ"


— "Υ? — ΡΕΑΛΙΖΑΩΙΙΑ — ΜΟΕΙ — Μ?ΣΛΙ" — A-li-ô-sa đang tách từ thì Kốt-xchi-a với Phi Long cùng gào lên: "Ra rồi...






Trăng nhè nhẹ. Gió rì rào, xào xạc, mơn man lùa qua khu vườn... Vũ trụ vẫn thế, nhưng dường như không thế.


— Từ lúc thấy cái này, người anh cũng cứ sao sao, không... bình thường được. — Anh Gờ-ri-sa thở dài.


Ai đã ngồi về chỗ nấy, hơi nước xịt xịt ra từ ấm Xa-mô-va, trên bàn có mứt dâu đỏ quánh, mứt cam màu hổ phách, chanh tươi vỏ vàng rộm thái lát, táo tươi vỏ đỏ thắm bổ sáu, bổ tám. Một lúc, anh Gờ-ri-sa hỏi:


— Phi Long, Phật thế nào? Có giống Chúa ở đây?


— Như những gì anh kể với em về Chúa thì không.


— ...


— Chúa, như anh kể thì không phải người. Chúa tồn tại trong một không gian khác. Từ không gian đấy sinh ra chúng ta và không gian của chúng ta. Em hiểu thế đúng không?


— Đúng.


— Phật thì cũng là người như chúng ta, sống trong không gian của chúng ta, nhưng người đấy luyện được bí kíp gì đấy, và khai mở được một kênh thông tin khác, đến một không gian khác, là không gian mà từ đấy Phật và chúng ta đã sinh ra. Nối kết một cách lô-gíc thì đấy hoàn toàn có thể chính là không gian của Chúa.


— Khai mở thông tin... — Kốt-xchi-a khẽ lẩm nhẩm, rồi hỏi — có giống như Einstein?..






Phi Long từ đầu chỉ ngồi im lặng ngắm đường, cô đưa cái bản đồ, trỏ trỏ đường đi, anh cũng chỉ ngồi im, nhòm nhòm. Một mình một đường, cô chạy hẳn xe sang luồng bên kia hẳn một đoạn dài, cũng không thấy anh có ý kiến gì. Đến một đoạn, con đường uốn cong rất thơ qua phía bên tay phải, rồi tiếp tục chạy hơi lắt léo một ít trước khi ổn định lại theo hướng dọc triền sông Ô-ka.


Dòng sông trong vắt

Bờ bến tuổi thơ

Còn hát trong mơ

Tiếng đàn ắc-coóc

Cô cho xe vào bãi rồi kéo tay anh theo, lúc thì trên một lối đi nhỏ, lúc thì băng qua bãi cỏ buổi sớm, chỗ chỗ lại giẫm lên những vệt nắng tinh tươm có xu hướng dẻ quạt hội tụ về cùng một chỗ nào đấy ở tít đằng xa, hắt ngang, dọc qua các khe hở giữa những thân cây có vỏ nứt nẻ, không to nhưng cao vút và cứng cáp, ở trên đồi cây thưa. Lẫn trong cây, gần, xa, có những túp nhà gỗ xinh xinh, tường vàng ong, cửa sổ kính, mái lợp chéo chéo màu gạch non bàng bạc, có sống ở giữa, chỗ thì có mấy nhà xếp thẳng hàng, chỗ thì nhà nằm hơi lộn xộn, đây là khu nhà nghỉ.


Gần đến chỗ bờ đồi chuẩn bị thoải xuống phía dưới, những cây cao cũng chỉ mọc đến đấy, thì nhìn thấy dòng nước sông Ô-ka ở phía trước, dường như vẫn còn hơi mơ màng, mờ mờ. Triền đồi dốc xuống, đến chân rồi thì nối tiếp tục một bãi bằng phẳng, rộng rãi kéo ra đến tít bờ sông. Cả chỗ phía dưới đấy cỏ mọc tốt um, cũng có nhiều cây, nhưng mọc thưa trên bãi rộng, và là những loại cây thấp hơn, nhiều cành, có tán lá rộng, bản thân lá cũng rộng hơn, không giống như những cây ở trên đồi. Nếu từ đây nhìn không nhầm thì ở đằng đấy, viền theo mép bờ sông có một con đường với hai vệt bánh xe trụi cỏ, kiểu đường đất đi nhiều mà thành.


Ở chỗ mép bãi cây cao, cô kéo tay anh ngoẹo qua phải, song hành với dòng sông, — hoặc là ngược dòng với nó. Chỗ này thoáng đãng, mặt trời đang lên, không khí buổi sáng thật là mát mẻ, sực nức mùi đất, mùi cây cỏ, mùi hơi nước tươi mới. Đi ngang qua một con nai — tự nhiên có một cái tượng con nai màu xám trắng, mốc, đứng trơ trọi giữa bãi cỏ, cách mép cây cao một đoạn, — thêm một quãng dài nữa, thì gặp một con đường bậc thang gỗ đi từ trên này xuống, đến chỗ phẳng ở dưới thì thành một lối đi bằng đất chạy thẳng tiếp một đoạn, rồi hơi vênh sang trái, vòng vèo trong cỏ ra đến tận bờ sông. Có một thân cây vừa vừa mọc ở giữa đoạn bờ đồi thoai thoải xuống, ngay sát bên thanh vịn bên trái bậc thang, tán cành lá rộng và thưa thớt của nó lác đác ngăn vào giữa tầm nhìn ra mặt nước sông Ô-ka và cả khung cảnh về phía đấy, gây cảm giác như là đang ngồi trong vòm lá cây thưa mà nhìn ra sông.


Đoạn bậc thang được hàn bằng khung sắt, mỗi bậc là một phiến gỗ dày dặn, được đóng trong khung sắt. Thang đã cũ, nhưng hai bên tay vịn được hàn bằng những ống sắt tròn chắc là vừa mới được sơn lại, trông tinh tươm, màu ngọc lam sáng. Chỗ này chắc ít người đi qua, các bậc thang trông sạch sẽ không có đất bụi, chỗ khô chỗ ướt sương đêm còn chưa bốc hết hơi.


Cô bỏ tay anh, chạy đến ngồi xuống đầu thang, chỗ bậc gỗ trên cùng. Anh không chạy theo, cứ thong thả đến ngồi xuống bên cạnh. Anh vừa định khoác tay thì cô nhổm dậy, loay hoay chuyển xuống ngồi ở bậc gỗ bên dưới, chỗ trước mặt anh, anh vòng hai tay ôm cô từ đằng sau, cô xo hai đầu gối, tựa đầu vào vai anh, giụi giụi...






— Em nhớ cái này chứ, — giọng anh bỗng trở nên thân thiết, như nói thầm có giai điệu — "Hãy lôi anh chàng lên núi, mạo hiểm một chút..."


Chắc là không nhớ hết lời, anh khe khẽ huýt sáo tiếp chầm chậm, chờ cô, cô bắt được vào ở đoạn tiếp theo, anh chỗ nhớ chỗ không:


"Nếu anh chàng ở trên núi không phấn khích,

Ngay lập tức ì ạch và tụt xuống,

Dẫm phải băng trơn và ngã,

Trượt chân và hét ầm lên,

Tức là bên cạnh bạn là một người lạ,

Đừng mắng mỏ, hãy đuổi anh ta đi,

Không ai đem người như thế lên cao,

Và không ai hát về họ ở đây.


Nếu anh ta không ca cẩm, không cằn nhằn,

Dù anh ta không nhiệt tình và nổi cáu, nhưng đã đi cùng,

Và khi bạn bị ngã từ những tảng đá,

Anh ta lầm bầm chửi, nhưng đã đỡ bạn..."


Lúc cô vào nhà thì thấy có một đĩa tướng thịt cá Vốp-bla đã xé sẵn để trên giá cao đến gần ngực ở cạnh tường, mọi người đang mỗi người một chai bia, vây quanh bàn bi-a. Cả chị Ti-na cũng áo phông quần soọc, đang cầm cục lơ đứng mài mài đầu cơ. Phi Long đang bật chai bia, tuyên bố:


— Chơi tá lả, em chấp tất, một lỗ mười, hai lỗ tít...






Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (20)" đầy đủ:

http://www.mediafire.com/?ynpqswuc5b4ot3x

http://www.megaupload.com/?d=9RERY62B


Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN":

http://philong58.blogspot.com/2010/08/lap-trinh-vien-2.html

Ai đã giết ông Mút-đờ-rốp (V)

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

"Tương truyền, lúc đấy ở trong rừng sâu núi thẳm, đâu đó gần Tây Tạng, có một địa điểm gọi là Lũng Sương. Ở đó thường có những hiện tượng lạ lùng, những hiện tượng không thể giải thích được nhưng mang nhiều triệu chứng chịu ảnh hưởng của những thay đổi mất cân đối về thời gian và không gian.


"Đào Phi, do tính chất công việc của y, khi đã để ý đến thì có điều kiện và khả năng tìm hiểu về những hiện tượng này trội hơn nhiều so với nhiều người khác.


"Khu vực ấy không có bản đồ. Ảnh vệ tinh cũng không bao giờ nhìn được rõ. Nhưng sau khi thiết kế được một mô hình tính toán hóc búa và thực hiện những tính toán phức tạp dựa trên hệ thống siêu máy tính ở Tiểu Thành Sao Trời, sử dụng những dữ liệu mà một cách tối đa y có thể khai thác được, cuối cùng Đào Phi quả quyết là ở Lũng Sương, sâu xuống dưới lòng đất, phải có một cấu trúc vòng cung — gương lõm — khổng lồ bằng đá.


"Tương tự như Kim tự tháp ở Ai-cập, một cấu trúc vật lý với kích thước khổng lồ như vậy có thể đủ để gây được ra những sự mất cân đối đến mức có thể nhận biết được, về không gian và thời gian, ở lân cận nó.


"Chắc mẩm rồi, y bắt đầu thận trọng tính toán thật kỹ lưỡng, tính đi tính lại, cố xác định cho thật đúng những số liệu mà y có chủ ý nhất.


"Rồi khi đã đủ chừng mực để tự tin được vào kết quả tính toán, y mới đi đến một quyết định cuối cùng.


"Có thể nói, nếu như không có đủ tư chất, không có đủ phát triển định lượng và định tính về học vấn khoa học, không có đủ hoàn cảnh cực điểm, chỉ cần thiếu đi bất kỳ một tí chút trong những thứ đó thôi, thì không ai, em dám nghĩ là không ai có thể đi đến một quyết định tự thủy chí chung duy hữu kỳ tuyệt như thế.


"Chưa nói, cho dù đấy là quyết định gì đi nữa, thì nội một chuyện có thể làm được những gì đã làm cho đến bước ấy, cũng chân chính có thể coi là kỳ tuyệt rồi.


"Nhưng tất cả công quả kỳ tuyệt ấy lại hoàn toàn chỉ mới là một sự tột đỉnh nhọc nhằn về tâm lực, ở về khía cạnh năng lực lao động của một nhà khoa học, một người làm việc trí óc.


"Trong khi chuyện kỳ quái này còn đòi hỏi không thể thiếu được những năng lực khác, những năng lực mà một nhà khoa học, một người làm việc trí óc, cho dù có là loại ngổ ngáo, phá cách đến đâu đi nữa, thì có nằm mơ cũng chẳng bao giờ có thể mường tượng được ra là có một lúc nào đó nó lại có thể liên quan gì đến mình được.


"Nhưng người như thế, vả lại chuyện đã đến thế, nên y cũng chẳng đắn đo chút nào, chỉ một cách tự nhiên, đơn giản chấp nhận dấn thân. Chuyện này hoàn toàn cũng không có gì khó hiểu.


"Cho nên đến một ngày, Đào Phi lẩm bẩm gì đó qua kẽ răng, khoác túi lên vai, bước chân ra cửa, cũng là từ ánh đèn man mát tĩnh lặng trong "tháp ngà — phòng nghiên cứu", một bước rơi vào giữa những bụi bặm và cơ bắp, từ môi trường trí năng nhận thức và sáng tạo, một bước rơi vào giữa môi trường trí năng đối phó với con người và cảnh huống.


"Với người có xuất xứ như Đào Phi mà nói, đây ít nhiều chẳng qua chỉ là một cuộc lội ngược dòng mà thôi. Nhưng bởi thế lại càng là một cuộc dấn thân.


"Huống hồ...


"Đến được chỗ ấy thì sao? Chỗ ấy có đúng được thế thì sao?


"Cũng chỉ là mới chưa hết phân nửa khó khăn.


"Còn phải về nhà. Còn phải biến đổi hệ thống tính toán. Còn phải tính lại cho thật tỉ mỉ. Còn phải đặc chế cho được những thứ chưa bao giờ từng được chế ra. Rồi lại ra đi. Không phải một mình. Lần này phải đưa đến đấy, không được để chết, một người quá nửa thực vật.


"Sức người, thì đã hẳn. Nếu chỉ có thế, thì người đến giờ đã quen, — hơn nữa, còn đang có đà. Nhưng như thế không đủ.


"Tất cả chuyện này, không thể thiếu tiền. Nhiều tiền.


"Tiền, tất tần tật, đều đã để lại để chăm sóc một người thực vật, cũng đã gần hết sạch...


Đêm mùa đông

Ngày mùa hạ

Sau trăm năm

Trở về nhà...

"Con người đã xuất hiện trở lại ở Tiểu Thành Sao Trời lần ấy trước mắt tất cả mọi người từng biết, đã là một con người khác. Người ấy giờ đây luôn như ở bên trong một không gian tinh thần riêng, bên trong một luồng suy tư vô tiền khoáng hậu của mình mình.


"Như vậy thì không phải là một người cởi mở. Nhưng cái không gian riêng tách biệt đó theo cách của mình thực chất lại đã gây được nhiều sự cảm thông ở những người khác.


"Mình có gì bán được, y bán hết. Bạn bè có gì xin được, y xin hết.


"Chỉ là xin không. Chỉ là cho không. Rất nhiều người đã cho không.


"Nhưng bạn bè, cũng như y, đều không phải loại người giàu có. Nên rốt lại tiền vẫn thiếu nhiều...


"Nhưng còn làm gì được nữa? Còn nghĩ gì được nữa?.. Nên cũng chỉ đành có bao nhiêu thì đi bấy nhiêu...


"Cho nên đến một ngày, Đào Phi đưa Trường Văn, hai người bọn họ biến mất khỏi Tiểu Thành Sao Trời, cũng là biến mất hẳn, thật sự biến mất đối với tất cả những người còn lại. Đào Phi và Trường Văn, kể từ đó chính xác là họ không còn ở trên đời nữa.


"Đã xảy ra chuyện gì?


"Dường như họ đã dùng một thiết bị giống như một cánh diều khổng lồ, với những cơ chế cảm ứng tự ngắt, tự bung dù, vô cùng phức tạp khác nhau.


"Phải rất phức tạp và theo nhiều cách khác nhau đồng thời như vậy vì Đào Phi định đưa Trường Văn (cũng là đưa chính mình) bay cao lên đến một điểm, — hay một khoảng, — là tâm điểm (chắc chỉ là tâm điểm tương đối, được xác định bằng một thuật toán phức tạp nào đó, vì một cấu trúc vòng cung, gương cầu khổng lồ bằng đá tự nhiên, thì khó có thể sẽ là một hình cầu nào đó hoàn hảo được) của cấu trúc vòng cung đá khổng lồ kia.


"Đào Phi tính rằng ở cấu trúc tự nhiên này, đó sẽ là chỗ mà không gian và thời gian bị uốn cong, bị bóp méo đến mức tối đa.


"Còn ở chỗ méo tối đa đó, — nếu đúng thế thật, — binh tình sự kiện liệu sẽ ra sao?


"Tất nhiên, hẳn là y đã có những dự đoán, dự tính, dự cảm nhất định. Nhưng có thể khẳng định là chẳng có gì có thể khẳng định được về những chuyện gì sẽ có thể xảy ra nơi đó.


"Các thiết bị, nhất là những thiết bị cảm ứng, do vậy, cũng chỉ là cố gắng phỏng đoán, tính toán, và chế tạo đến hết mức có thể, tập trung tận lực vào các năng lực khẩn cấp ứng biến, để cứu nguy, — cứu người.


"Vì ở giữa không gian và thời gian đó, hầu như làm sao xác định cho đúng được, làm sao lường cho hết được, có những chuyện gì sẽ xảy ra với tri giác của con người?


"Với vật chất hữu cơ của thân thể con người cũng vậy?


"Với vật chất vô cơ của thiết bị cũng vậy?


"Cho nên. Nếu bảo hình dung được, thì chắc không hình dung được.


"Nếu phải hình dung được mới dám, thì không dám.


"Bảo là mạo hiểm, chắc cũng không hẳn đã là mạo hiểm.


"Đây, dường như sẽ đúng hơn, là một cuộc kết hợp, kết hợp nỗi khổ với nỗi tuyệt vọng, với nỗi mặc dầu vậy không chịu cam lòng buông xuôi, và với một niềm tò mò, một niềm tò mò phát sinh dở chừng và mỗi lúc càng tăng, với đầy những đặc trưng mang tính khoa học."


Ánh sáng nhợt nhạt.


Người ngồi, như quên bẵng, đã không còn hút thuốc, chỉ ngồi im, mắt đăm đăm nhìn vào một điểm nào đó đằng trước.


Người đứng, biết câu chuyện rồi, nhưng vì là người kể, nên cơ chế ảnh hưởng của chuyện lại nặng cảnh huống nhập vai hơn, cho nên người bây giờ cũng trầm mặc hẳn. Kể đến đây, y dừng lời, cũng đứng im, thở phì phò nặng nề, — người kia cũng không giục.


"Tất cả những chuyện này," rốt lại y tiếp tục, "chỉ là dữ liệu được tìm tòi, chắp nối, suy luận, lý giải... về sau.


"Đào Phi và Trường Văn cũng đều chỉ là những danh xưng sau này.


"Còn trong suốt tình tiết cho đến đây, ở trong hồ sơ quản lý cán bộ nghiên cứu ở Tiểu Thành Sao Trời, tên của Đào Phi là Đặng Phi Vũ, còn Trường Văn là Phạm Bảo Tiến Long.


"Thực sự không một ai biết chuyện gì đã xảy ra với họ.


"Chỉ sau đó rất lâu, do một sơ suất của Trường Văn, — có lẽ đó cũng là một sơ suất mà y không thể không sơ suất, — có người vốn từng biết họ trước đây, đã tình cờ nhận thấy... Những người làm khoa học ấy, họ cũng có điểm ít nhiều giống như... cớm các anh, là họ rất hay để ý ra những chỗ không hợp lý trong một cấu trúc hệ thống nào đó.


"Vậy là có người đã nhận thấy có điểm bất hợp lý, vả lại còn xảo hợp, đầu tiên là từ số liệu ngày tháng ghi trên bia mộ của bố mẹ Trường Văn. Nên họ mới cố công dần dà tìm kiếm thông tin, chắp nối, gắng hình dung lại toàn bộ câu chuyện.


"Ở vào thời điểm ấy, nếu theo tuổi trời, thì Đặng Phi Vũ phải là một ông già đã quá tuổi cổ lai hi, còn Phạm Bảo Tiến Long, như đã nói, kém y chừng sáu, bảy tuổi.


"Nhưng Trường Văn — Phạm Bảo Tiến Long — mà họ gặp khi đó, chỉ trạc trên năm mươi.


"Còn Đào Phi — Đặng Phi Vũ, — cho đến gần lúc ấy, đang là một thanh niên chừng hai lăm, hai bảy tuổi.


"Nên họ gọi nhau là chú, cháu.


"Nhưng để ý rồi, thì để ý kỹ người ta mới nhận ra là những đường nét "ngày xưa" cũng không thật đã thay đổi nhiều.


"Nhưng đến lúc ấy thì Đào Phi một lần nữa lại đã hoàn toàn thất tung.


"Về sau người ta cũng cố tìm hiểu được, là y đã đi cùng với một cô gái, và những dấu vết cuối cùng trên lộ trình của họ được xác định tại một khu vực chiến sự ở Áp-ga-nít-xtăng. Thậm chí những người bạn thân cũ còn quả quyết là đã nhận ra Đào Phi... tức là nhận ra Đặng Phi Vũ trong một đoạn phim vi-đi-ô đen trắng được quay từ máy bay trực thăng chiến đấu, vốn là dữ liệu mật của quân đội Mĩ, nhưng bị rò rỉ và phát tán khắp nơi trên Internet.


"Cảm thấy có thể vững tin vào tính lô-gích của câu chuyện chắp nối, những người thân thiết nhất ngày xưa rốt lại cũng không thể kìm được, đã quyết định đến "gặp lại" Phạm Bảo Tiến Long.


"Nhưng người, không gặp. Chờ, không thấy. Thông tin hỏi han được, không nhiều.


"Nên cuối cùng họ đành phỏng đoán là có lẽ phần vì thấy lộ chuyện, phần lại có tin tức gì về Đào Phi, nên Trường Văn đã lập tức lên đường đi tìm y.


"Rất có thể cho đến thời điểm này, câu chuyện lạ lùng này đã có thêm các tình tiết mới, vì như em hiểu thì những người kia, và những người tiếp sau họ, vẫn tiếp tục rất quan tâm đến chuyện này, vả lại họ đều là những người rất có khả năng và phương tiện để tìm hiểu và suy luận.


"Nhưng em thì hiện cũng chỉ biết được đến đây..."


— ...


— Em diễn đạt lủng củng à?..


— Không... cậu kể hay lắm, cả những chi tiết... khoa học, anh hình dung cũng rõ. Chỉ có điều...


— À, vâng. Như người ta kể... những người, cũng là giới có đầu óc, và đã từng tiếp xúc với Đào Phi... lúc sau, lúc y... đã trẻ lại... thì Đào Phi lúc ấy quả thật ít nhiều... đặc biệt.


— ...


— Họ bảo ở y có một cơ chế kiểu như... họ gọi là "nhìn thấy cấu trúc ý nghĩ của mình". Thỉnh thoảng khi nói chuyện, y có thể kể về những thứ... vô cùng chi tiết, đến mức trực quan, những thứ, ví dụ như từ lúc y còn bé tí, sơ sinh, những thứ mà như anh với em, thì mình không thể nhớ gì cả. Y dường như hiểu, hiểu trực quan về tiềm thức, về ý thức, thậm chí về cấu trúc và cơ chế của những giấc mơ. Thỉnh thoảng, — chuyện này hình như không thường xuyên và không chủ động, — bất chợt, y còn nhìn thấy một số khoảnh khắc, hình ảnh ngắn, khung cảnh ngắn... sẽ xảy ra trong tương lai. Chuyện y mất tích về sau người ta cho rằng chính là vì vậy. Y cơ hồ đã nhìn thấy có gì đó không hay sẽ xảy ra với cô gái trong chuyến đi của cô ấy, và cũng có thể y thích cô gái ấy, hoặc cũng có thể chỉ là y vẫn làm như vậy, nên y đã đi cùng cô.


— ...


— Và, vâng, và đặc biệt. Anh biết, chuyện như vậy, cho dù có không muốn bộc lộ đi nữa, cũng rất dễ bị nhận ra. Tốc độ vận động và sức mạnh thể chất của y hơn hẳn người thường. Chuyện như... con dao này. Chính... đúng là những thứ kiểu như thế... mà em đã được nghe.


— Còn cậu... còn anh Trường Văn thì sao?


— Dường như... Bình thường. Chỉ thấy bảo là rất giỏi máy tính. Và... ít giao thiệp, sống khép kín. À... và vô bệnh! Hoàn toàn là một người khỏe mạnh!


— ...


— Anh có phải..?


— Hm...


Người kia giờ cũng đang thở phì phò, thả điếu thuốc cháy tận đót vào lon bia méo trên bàn, lại vớ ngay lấy bao thuốc nhàu nát màu vàng be cạnh đấy, đưa lên miệng định cắn một điếu, nhưng tay lại lóng ngóng, nghĩ thế nào lại quẳng bao thuốc về chỗ cũ, thò tay véo cằm và gãi má một lúc, rồi nhướng mắt nhìn người vừa kể chuyện.


— Cậu... thật sự cậu có tin chuyện này?


— Anh... — Người kể chuyện lại đang uể oải ngước mắt lên trần nhà, nhưng trái với bộ dạng mỏi mệt, trong giọng nói của y lại như có tiếng cười. — Giả sử bây giờ em với anh, cả cu Vô-va, cả... tất cả bọn đàn ông ở riêng ra một chỗ. Rồi một hôm, bỗng có một đàn ông khác, chả hiểu đến từ chỗ mẹ nào, và kể cho mình nghe về một giống trông cũng có phần na ná như mình, nhưng bị giời đày, cả đời cứ phải đeo hai quả mướp lủng lẳng ở ngực, lúc đầu để nghịch thì cũng hay hay, về sau thì chả hiểu để làm quái gì, đơn giản là phải đeo lủng lẳng, rồi còn kể thêm, là giống ấy hoàn toàn không đứng đái được... — Y phì cười. — Thì anh có tin không?


— ...


— Chuyện Đào Phi em thấy còn dễ tin hơn... Không, em nghiêm túc... Hoàn toàn nghiêm túc đấy! — Nói vậy, nhưng y lại đang ngoác mồm cười toe toét.


— Trẻ con ít định kiến... — Người kia lại không cười, còn có chiều nghĩ ngợi. — Anh phải kể chuyện này cho cu Vô-...


Lời nói kịp ngắt giữa chừng. Người đang đứng, vừa đang cười, đã thoắt ngưng trọng, hai mắt chăm chú, giống như nhìn người đối thoại, lại giống như không nhìn gì cả, ngón trỏ bàn tay trái đã kê dọc vào trước bờ môi mình, bờ môi đẹp như vẽ...


— Người đã đến rồi, còn không lộ diện đi! — Giọng y đều đều, lành lạnh, không trọng âm.


Không có gì xảy ra.


Vài tích tắc...


Rồi có một thân ảnh sâm sẫm màu tím than lướt ra rất nhanh từ khoảng tối giữa những giá để đồ ở phía bên trong, băng qua cánh cửa lưới sắt đang để mở, thoắt cái đến bên chiếc bàn rộng, vụt bốc lên cao, rồi lăng không nhẹ nhàng đáp xuống...


Lập tức vang lên lộn xộn những âm thanh rơi đổ của sắt và gỗ, có tiếng người ngã, mường tượng như đã thúc rất mạnh một chỗ cứng, có thể là cùi tay, hay đầu gối... xuống sàn bê tông.


Rồi lập tức im phăng phắc.


Một người đứng sững, cao lớn, nhìn sững xuống sàn nhà.


Ở đó có một người đang nửa quỳ nửa ngồi, bất động.


Và đã có một sự bấn loạn mênh mang...


(Còn nữa)

Ai đã giết ông Mút-đờ-rốp (IV)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Ánh sáng nhợt nhạt.


Hai người ngồi bên chiếc bàn gỗ rộng kê sát vào tường.


Chiếc bàn rộng nói chung, và chiều dài lại lớn hơn chiều rộng nhiều. Hai người cùng ngồi phía một cạnh rộng — đối diện với tường.


Một người — giày đen bóng lộn nhưng lem luốc, quần âu đen, sơ mi trắng, chắc đã xơ-vin cẩn thận, nhưng giờ bị rút dở ra ngoài một cách vô tổ chức, cà vạt cơi ra xốc xếch để hở cổ áo sơ mi cáu bẩn bên trong — ngồi phưỡn ra tựa ghế, nhưng cằm lại gằm xuống, nắm tay phải ấn vào mồm, răng cắn cắn vào khớp ngón tay cái.


Người kia — giày đen xỉn, quần bò đen, áo sơ mi đen đuôi tôm, vải thô, bỏ ngoài quần, mái tóc hung vừa cợp gáy vừa rậm vừa xoăn vừa rối bù — ngồi ngửa mặt nhìn trần nhà, mũi và miệng liên tục phun khói mù mịt, mùi thuốc lá Camel khét lẹt đậm đặc.


Chỗ này rất rộng rãi. Rộng như một văn phòng mở, theo lối hiện đại. Theo như mật độ đèn trên trần mà nói, nếu bật hết lên, sẽ là một chỗ rất sáng sủa. Nhưng có sáng sủa thế, chứ sáng sủa nữa, thì cũng không kiểu gì giống với một văn phòng. Vì cả sàn, tường, trần ở đây hình như đều là mặt bê tông cứ để nguyên, thô tháp.


Huống hồ ở đây còn có song sắt.


Thực ra chỉ là lưới sắt, nhưng sắt to, ô lưới hình chữ nhật nằm ngang đều đặn. Một tấm lưới sắt to màu xỉn xỉn cắt ngang hết phòng, ngăn cách chỗ hai người đang ngồi — cũng tương đối rộng — với phía bên trong. Gần khoảng giữa bức tường lưới sắt này có một cánh cửa lùa, đang để mở. Phía bên trong rộng mênh mông, hun hút nhiều dãy nửa giống tủ nửa giống giá sách to, bằng sắt, trên các ngăn chất đầy những hộp các tông to đều nhau, ngoài vỏ hộp đều dán mảnh giấy trắng, có ghi số.


Vả lại đèn bật thưa thớt, lại đều chỉ bật những đèn điện dây tóc có chụp tròn, ánh sáng vàng yếu, — trên trần còn có nhiều đèn tuýp. Phía trên cánh cửa ra vào — cửa ở trên bức tường kê chiếc bàn, cách ra một quãng về phía bên phải từ chỗ hai người ngồi — còn có một chiếc đèn tròn, giống như đèn hiệu, màu đỏ, hắt ra ánh sáng đỏ nhờ nhờ. Đều làm một việc như nhau, công suất chắc cũng không khác nhau mấy, nhưng do màu sắc và bộ vị, nên tự nhiên trông chiếc đèn đỏ này có một vẻ cần mẫn hẳn hơn những đèn trên trần kia.


Chiếu sáng ảm đạm như thế, nếu muốn tìm đồ hay đọc chữ, đều sẽ rất không tiện.


Nhưng nếu để tập trung nghĩ ngợi, thì dường như lại có phần hợp cảnh.


Hợp cảnh, nhưng vị tất đã hỗ trợ được mấy phần?


"Roạt!"


Một cánh tay sơ mi trắng xắn một nếp cẩu thả đang để trên bàn vung lên, lưng mấy ngón tay lần lượt tát nhanh vào vỏ chiếc hộp các tông — cùng loại với những hộp trên các ngăn để bằng sắt — để trên mặt bàn, người cũng theo đà đứng dựng lên.


— Chìm hẳn!


— ...


— Không còn cọc mà vớ nữa! — Y ngửa hai bàn tay, rồi thọc cả hai vào túi quần, đi đi lại lại, biên độ đi cứ rộng dần ra, rồi dừng lại giữa chừng, bước mấy bước, xoay người đổ lưng vào "bức tường" lưới sắt. Lưng gần chạm lưới, người chợt rướn một cái, đã đứng thẳng lại ngay, mắt không nhìn, chỉ quài tay lại, mấy ngón tay trắng trẻo sờ sờ những song sắt nhỏ, rồi mới đổ lưng lại vào lưới sắt, ngước mắt mệt mỏi nhìn lên trần nhà.


Người kia đang ngồi im, bỗng như giật mình, vội rít một hơi thuốc thật sâu, phun ra một đám khói mù mịt, lắc lắc đầu:


— Thật ra... cái cọc rất rõ. Nhưng đơn giản quá, đơn giản kỳ cục, đến không thể bấu víu được.


— ...


— Tất cả những gì anh biết, trong nghề. Cộng với tất cả những gì anh đang tìm hiểu được, bới ra. Tuyệt đối không có bất kỳ cái gì giống như... một sức lực... không phải của con người cả.


Người đứng, đầu đang dựa vào tấm lưới sắt, nhìn lên trần nhà, cứ cố định thế, nhưng hai tròng mắt dướn lên, đảo về phía người đang nói, toàn bộ dáng vẻ đấy vừa giống như chăm chú, lại vừa giống như hài hước. Nhưng vừa nghe nói thế, y chợt nhíu mày, mắt chớp chớp, hàng mi dài lim dim, nhằn nhằn môi dưới, trầm ngâm một tí, rồi thở dài một cái, cất giọng mệt mỏi, nói như nói sang chuyện khác, chả liên quan gì:


— Thật ra, nếu bài toán chỉ là phải tìm ra một người có thể đâm một con dao với một lực không phải của con người, thì cũng không phải là không có lời giải đâu...


— Không phải?


— Anh đã nói thế, thì hồ sơ trong nghề chắc không có. Cũng đúng thôi, khởi điểm, y là một nhà khoa học. Vả lại chuyện này cũng rất lâu rồi...


— ...


— Cũng hơi dài. Mà... đằng nào cũng chả biết làm gì nữa, anh muốn nghe, em kể cho nghe.


Người đang ngồi gật đầu, những bóng điện trên trần chợt xỉu đi, có tiếng "tít" — có thể là vài tiếng đồng loạt — phát ra ở đâu đó, rồi đèn lại sáng lại ngay như cũ.


— Y là một đồng hương của em. Y tên Đào Phi.


Người kia cau trán lại, nên y dừng lời, có ý chờ. Đến lúc người kia búng tàn thuốc, lắc đầu, y mới tiếp:


"Y nghiên cứu vật lý thiên văn. Y ở trong số những người đầu tiên làm việc ở Tiểu Thành Sao Trời, những người liên quan nhiều nhất đến mấy vụ bắn người đầu tiên vào không gian ngày xưa.


"Y có một người em... thân như em, có thể họ đã kết nghĩa anh em, cũng là một đồng nghiệp, lứa sau, kém y sáu, bảy tuổi gì đấy, tên Trường Văn.


"Họ cùng làm việc ở đấy. Và cùng yêu một cô gái. Một cô nhà báo. Cô ấy là người ở đây. Họ thường gọi cô ấy là Vũ... gì đấy. Đấy là cách gọi theo kiểu... giống như anh gọi em là Đào Tam Tuyệt. Có thể tên cô ấy đã là Va-lê-ri-a, Vê-ra, Vê-rô-ních-ca, Vích-tô-ri-a, hay Vi-ô-lét-ta... một cái gì đấy bắt đầu bằng chữ "vê".


"Cũng là một chuyện tình tay... em cũng không hiểu đấy có đúng là công thức chuyện tình tay ba không. Thực ra cô Vũ với Đào Phi đã yêu nhau. Nhưng còn chưa kịp kể với ai, thì Đào Phi biết được là Trường Văn cũng đem lòng yêu thương cô Vũ, vả lại còn tương tư rất nặng, theo kiểu của một người trí thức ngây thơ, ít nhiều thiếu thực tế. Nên cô Vũ với Đào Phi, hai người họ đã nghĩ rằng tạm thời tốt nhất cứ "âm thầm" thế đã, hy vọng sau một thời gian, mọi chuyện sẽ êm ả và dễ cởi mở hơn.


"Nhưng Trường Văn đã đắm đuối rất lâu. Y đã thổ lộ tình yêu với cô Vũ. Cô đã khéo léo từ chối theo cách nhẹ nhàng nhất có thể. Cũng có thể như vậy đã không phải là một cách hay. Em không biết. Nhưng Đào Phi vốn là một người rất thông minh, và chắc là y hiểu rõ Trường Văn. Chỉ biết Trường Văn sau khi tỏ tình không thành, thì lại càng trở nên si mê — giờ thêm cả đau khổ — hơn.


"Tình trạng đó cứ tiếp tục kéo dài và không có triệu chứng thuyên giảm, cơ hồ còn tăng. Cho nên đến một lúc, rốt lại họ phải quyết định sẽ nói chuyện với Trường Văn. Họ đã nói chuyện điện thoại, và hẹn nhau như vậy, vì lúc ấy cô Vũ đang ở Đu-san-be. Họ định chờ đến lúc cô về.


"Nhưng cô Vũ không về. Trong chuyến công tác ấy, cô và các đồng nghiệp gặp một tai nạn ô tô. Chiếc xe văng xuống vực, bảy người trong xe đều chết cả.


"Họ đã yêu nhau lắm. Đào Phi gần như chết đi sống lại. Nếu có thể chết được, không chắc y đã phân vân. Nhưng y không thể chết.


"Vì Trường Văn thì chết.


"Không chết hết. Chỉ gần hết.


"Tin về, y bị một cơn đột quỵ nặng. Rồi cứ nằm im. Hình như chưa gọi là thực vật, nhưng chắc cũng gần như thế.


"Đào Phi không chết được. Một cách vật lý không chết được. Y nước mắt chảy ra ngoài, rồi chảy vào trong, rồi chắc cũng chả còn nước mắt để chảy nữa, ngày ngày lặng lẽ vào ra, như một cái xác không hồn, luẩn quẩn bên cạnh chăm sóc Trường Văn.


"Quê em hoàn cảnh lúc ấy khó khăn thế, mà y lại đang làm việc ở Tiểu Thành Sao Trời như thế, dễ hình dung y phải là một người thông minh và cứng cỏi. Y còn là người luôn tin vào cách giải quyết mọi sự việc dựa vào đầu óc và kiến thức. Hơn một tháng trôi qua, thì đầu óc y bắt đầu lấy lại khả năng làm việc bình thường.


"Về y học mà nói, thì tình trạng của Trường Văn là vô phương cứu chữa.


"Về sinh mệnh mà nói, thì sống như vậy chẳng khác gì chết.


"Nhưng Đào Phi không cam chịu.


"Vả lại khi một người ở trong một bối cảnh tâm lý chân chính là tan tác như vậy, chỉ cần lờ mờ định hình được một hướng để đi, thì mức độ tập trung ắt hẳn cũng sẽ phải rất cao hơn bình thường.


"Cho nên muốn nói là ngoại thân thì là ngoại thân. Nói là thể xác thì là thể xác. Nói là tinh thần thì là tinh thần. Tất tần tật có cái gì, thì Đào Phi đem ném hết vào một cuộc tìm tòi phải gọi là vô tiền khoáng hậu.


"Đã ném như vậy thì phải có kết quả thôi.


"Cho dù là kết quả gì.


"Thành công, thì sẽ ra một thứ sáng sủa, đủ sở cứ, chứng minh được.


"Thất bại, thì tất nhiên... hì... không phải là mẹ thành công. Không đẻ, thì không phải mẹ. Thất bại ở đây, chỉ có đúng một cách thôi.


"Nhưng không thành công, thì cũng không nhất thiết phải là thất bại. Cái đó còn phụ thuộc vào đề bài vào lúc ban đầu. Mà cuộc tìm tòi này về bản chất vốn là vô tiền khoáng hậu.


"Cho nên rốt lại cũng chưa hẳn đã là thất bại, nếu còn có thể chọn được một thứ mặc dù không đủ sở cứ, không chứng minh được, nhưng khả dĩ hy vọng được.


"Còn như có được thật không, được bao nhiêu, được như thế nào, thì phải làm thật mới biết.


"Nhưng nếu làm thật trên người sống, thì không được.


"Khoa học cấm làm thí nghiệm trên người sống. Ngay cả người sống là bản thân nhà khoa học, cũng không được.


"Nhưng thực tế là có một số khoa học vẫn làm được.


"Hôn nhân chẳng hạn. Hì... em xin lỗi. Gọi là một môn khoa học — ví dụ "Hôn Nhân Học" — cũng tuyệt đối không có gì sai. Hì... Nếu theo đường lối đấy, thì trước tiên phải cho thỏ, chuột bạch, lợn, trâu, bò, nhất là ngựa và chó lấy nhau và sống với nhau thử xem, để các nhà khoa học — người — ngồi xem, xem thế nào đã, rồi hẵng áp dụng cho người.


"Cho nên Đào Phi cuối cùng đã đi đến một quyết định mặc dù không biết có nên gọi là khoa học hay không, nhưng nếu bảo là kỳ quái, thì chắc chắn là bất kỳ ai biết được cũng nhất định sẽ phải tắc lưỡi mà rằng thật sự là khó có gì có thể kỳ quái hơn được nữa.


"Tương truyền, lúc đấy ở trong rừng sâu núi thẳm, đâu đó gần Tây Tạng, có một địa điểm gọi là Lũng Sương...


(Còn nữa)

Wikileaks: Đại ca được tại ngoại

2 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Đại ca Julian Assange đã được tại ngoại với 240,000 bảng tiền bảo lãnh sau khi toà án tối cao Anh Quốc vào hôm Thứ Năm tán thành phán quyết của tòa án quận Westminster.


Thẩm phán Duncan Ounsley đã giữ quan điểm là người đã làm cho chính sách ngoại giao của nước Mĩ chính thức phải bị nhục như chó, bằng cách phát hành hàng ngàn thông tin bí mật đã bị rò rỉ, hoàn toàn không ở trong tình trạng muốn mạo hiểm trốn tránh pháp luật, — thậm chí chính anh đã tự nộp mình cho nhà chức trách.


Được ra khỏi tù sau khi những người bạn của anh đã nộp tiền bảo lãnh, đại ca sẽ bị theo dõi bằng thiết bị điện tử và hàng ngày sẽ phải trình diện ở đồn công an gần nhất. Hộ chiếu của anh cũng bị tịch thu.



Đại ca giờ đây sẽ phải sống trong một căn nhà 10 buồng ngủ được xây theo kiến trúc gioóc-giơ thế kỷ 18 trên một mảnh đất 650 mẫu Anh (khoảng 2,6 ki-lô-mét vuông) của người bạn anh, anh Smith Vaughan (đang uống rượu, - trong ảnh), người sáng lập Câu lạc bộ "Frontline" ở Luân-đôn. Điều kiện bảo lãnh là đại ca đêm nào cũng phải ngủ ở đấy.

Nhiều người ủng hộ đại ca đã tập hợp ở bên ngoài tòa án vào một buổi sáng đầy mưa. Một cổ động viên, thuộc hàng tai mắt trong xã hội, Jemima Khan (đang ị bô, - trong ảnh), tự lượng sức mình không thể đợi chờ trong cơn mưa, đã ngồi ấm áp ở nhà và lên Twitter bi bô:


"Mình thật sự thất vọng quá cơ, vì không thể nào mà đến được tòa án hôm nay!''


Các nhà chức trách thụy điển muốn đại ca được dẫn độ về thụy điển để chất vấn anh vì đã hiếp 2 con thụy điển 4 lần (mỗi con 2 lần) (@Đào Phò). (Xem chi tiết: Lẹo phò Thụy Điển).


Đại ca đã bác bỏ việc hiếp 2 con 4 lần. Anh cho rằng quá trình pháp luật đã được thúc đẩy từ phương diện chính trị và đã được tìm cách bố trí để gây áp lực với anh để anh dừng xuất bản những tư liệu nhạy cảm trên trang oép Wikileaks vĩ đại của mình.


Sau khi được tại ngoại, đại ca cũng tuyên bố là sẽ sẵn sàng đối mặt với âm mưu thấp hèn của chính phủ Mĩ gốc Phi định kết tội anh là đã hoạt động gián điệp.






Âm mưu kết tội "HOẠT ĐỘNG GIÁN ĐIỆP" của chính phủ Mĩ gốc Phi


Các nhà chức trách Mĩ đang điên cuồng nỗ lực để khởi tố đại ca Julian Assange bằng cách đề xuất với Binh nhì Bradley Manning, — người lính Mỹ đang bị cho là phải chịu trách nhiệm về việc đã làm rò rỉ hàng trăm ngàn tài liệu của chính phủ, — triển vọng về một sự mặc cả biện hộ, nếu anh ấy sẽ khai người sáng lập Wikileaks là một kẻ âm mưu đồng bọn.


Những người ủng hộ của đại ca Assange còn cho biết là một ban bồi thẩm một cách bí mật đã được đưa vào danh sách ở phía bắc Virginia để xem xét việc truy tố lãnh tụ của Wikileaks. Nhưng Sở Tư Pháp Mĩ đã từ chối bình luận về hoạt động của một ban bồi thẩm.


Các quan chức Mĩ đang tìm cách thuyết phục Binh nhì Manning cung cấp bằng chứng là đại ca Assange đã khuyến khích anh ấy phát tán những tài liệu mật của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại Giao, như một sở cứ cốt yếu cho triển vọng thành công của việc dẫn độ đại ca Assange về Mĩ. Để tạo điều kiện cho việc này, Binh nhì Manning có thể sẽ được chuyển từ nhà giam quân đội qua nhà giam dân sự, họ nói.



Bị buộc tội từ Tháng Bảy về việc phát tán một vi-đi-ô của quân đội Mĩ quay cảnh một cuộc bắn giết vào năm 2007 bằng máy bay lên thẳng Apache, — cuộc bắn giết đã giết chết 17 thường dân ở I-rắc, trong đó có hai phóng viên Reuters, — người lính này đã bị giam giữ tại căn cứ hải quân Quantico ở Virginia. Nhưng những người tham gia mạng lưới ủng hộ Binh nhì Manning khẳng định là anh hoàn toàn không cộng tác với các nhà chức trách kể từ khi bị bắt vào Tháng Năm.






Sở Tư Pháp Mĩ đang thấy các cơ hội khởi tố đang teo tóp đi nếu đại ca Assange, người đã được tại ngoại từ hôm qua, chỉ đơn thuần là người tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Nhưng Adrian Lamo (đeo tai nghe, — trong ảnh), một cựu hắc-cơ, người đã tiếp xúc với Binh nhì Manning và cuối cùng đã nộp anh cho chính phủ, đã mách với FBI là đại ca Assange đã cung cấp cho người lính trẻ một dịch vụ trao đổi trên Internet đã được mã hóa khi anh ấy đang download những tài liệu của chính phủ, và một máy chủ chỉ dành riêng cho việc upload chúng lên Wikileaks.


Nếu đại ca Assange bị buộc tội Hoạt động Gián điệp hoặc Lừa đảo Máy tính mà không có bằng chứng là anh đã xúi giục những hành động của Binh nhì Manning, thì sẽ dẫn tới việc "The New York Times", tờ thời báo đã công bố thông tin ở Mĩ, có thể cũng sẽ phải đối mặt với việc khởi tố — một chuyện mà giới chức cho rằng Sở Tư Pháp đơn giản là sẽ không chấp nhận.


Wikileaks có vẻ cũng nhận thức được mối nguy hiểm nếu nó bị chứng minh là đã tham gia trong một âm mưu làm rò rỉ thông tin mật. Nó đã gạch đi từ trang oép nội dung "Việc đưa thông tin mật lên Wikileaks là an toàn, dễ dàng và được luật pháp bảo vệ." Thay vào đó: "Việc cung cấp tài liệu cho các nhà báo của chúng tôi được luật pháp bảo vệ trong những nền dân chủ tốt hơn." Và: "Wikileaks chấp nhận mọi loại dữ liệu, nhưng chúng tôi không gạ gẫm để có chúng." Hơn nữa, nó không còn nói là nó hoan nghênh dữ liệu "mật".


Tại phiên điều trần đầu tiên về sự vụ Wikileaks trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện ở Washington, ông John Conyers, đảng Dân chủ, đã tuyên bố chống lại mọi sự nỗ lực nhằm khởi tố đại ca Assange. Đấy có thể là một giọng nói đơn độc chống lại cả dàn đồng ca đang hú hét đòi trừng trị tội đồ Assange, nhưng đấy là một giọng nói đáng để kính trọng.


Ông đã nói: "Nhiều cảm nhận là xuất phẩm Wikileaks đã là chướng tai gai mắt. Nhưng việc không được chúng ta ưa chuộng không phải là phạm tội và việc phát hành thông tin chướng tai gai mắt cũng không phải là phạm tội.


"Và những lời kêu gọi được lặp đi lặp lại từ các chính trị gia, các nhà báo và cái gọi là các chuyên gia ra rả đòi khởi tố tội phạm hoặc dùng các biện pháp quá khích khác làm cho tôi cảm thấy rất khó chịu."


Những người khác, đáng chú ý là Joe Lieberman ở Thượng Viện và Peter King ở Hạ Viện đã thúc giục làm ra luật mới để thuận tiện hơn cho việc khởi tố đại ca Assange trong trường hợp luật hiện hành tỏ ra là không đủ.


"Assange và đồng bọn của y... không chỉ làm tổn hại an ninh nước Mĩ... mà còn đặt không biết bao nhiêu sinh mạng vào sự nguy hiểm, trong đó có những người đang làm gián điệp cho chúng ta," con Peter King sủa.