Bánh Trung Thu

BÁNH TRUNG THU


Bánh nướng vỏ mỏng, nhân dày,

Bánh dẻo, ngược lại, phải đầy vỏ thơm.

Bánh dẻo tròn — bánh nướng vuông,

Trên trời — dưới đất, ngát hương lá cành:

Bánh nướng cục tác: "Lá chanh!"

Bánh dẻo: "Hoa bưởi, phải dành cho tôi!"

Cảnh thu đã nửa đêm rồi,

Trời cao trăng sáng gấp đôi hằng ngày.

Lầu nam phá cỗ mê say,

Tiếng tơ, tiếng trúc, vui vầy, thanh tao.



Bạn tôi làm quan. Hồi mới tìm cách đi làm quan, anh bảo tôi:


— Tao có muốn làm quan đ' đâu, nhưng ở đây... tao làm đ' còn cách nào khác?!


— Đến ở nhà tao, mà nghĩ.


— Nhưng ở đây... tam thập nhi lập, ở mãi với mày thế đ' nào được..?


— Chữ "lập" không phải thế.


— ...


Chuyện đấy lâu rồi. Còn bây giờ, anh đang sốt ruột vừa bấm chuông, vừa bấm còi, ở trước cửa nhà tôi.


— Tao vội, không vào đâu, Trung Thu đây.


— Bánh sang quá. — Tôi khen.


— Nhưng ở đây... biếu mà, ê chề... à đ' phải, ê hề, lấy nữa không? — Anh hỏi, câng câng, thò tay bẹo má tôi, — Trung Thu đến. — Rồi anh đi.


Bạn thân, nên chúng tôi chẳng ai bảo ai vẫn cùng yêu quý một số nền nếp. Trung Thu anh sẽ ở đây, chúng tôi sẽ uống trà, sẽ trò chuyện, sẽ ăn những thức Trung Thu khác, cả bánh Trung Thu, tất nhiên, nhưng cũng là bánh khác.


Còn bánh này, năm nào anh cũng mang đến cho tôi để tôi "ăn cho vui".


Hộp bánh là hộp cứng, — chắc bằng gỗ mỏng tang, — vuông vắn, màu đỏ thắm, trên nắp có hình trăng và rồng — cả hai đều vàng óng ánh trang kim, — bên trong có hai chiếc bánh dẻo, hai chiếc bánh nướng, gói trong những hộp giấy cũng trang kim vàng óng ánh với họa tiết theo phong cách cổ, để so le nhau, trong những khuông được lót chung một tấm lụa vàng tơ mềm mại. — Bánh này không phải (và đắt hơn nhiều so với) loại bánh "phổ thông".


Chuyện đấy không lâu bằng. Anh lần đầu mang bánh "quan lộc" đến cho tôi, sốt ruột vừa bấm chuông, vừa bấm còi, ở trước cửa nhà tôi.


— Tao vội, không vào đâu, Trung Thu đây.


— Bánh sang quá. — Tôi khen.


— Được biếu mà. — Anh câng câng, thò tay bẹo má tôi, — Trung Thu đến. — Rồi anh đi.


Bạn thân, nên chúng tôi chẳng ai bảo ai vẫn cùng yêu quý một số nền nếp. Trung Thu anh ở đây, chúng tôi uống trà, trò chuyện, ăn những thức Trung Thu khác, cả bánh Trung thu, tất nhiên, nhưng là bánh khác.


— Bánh tao mang... — Anh nhướng mắt nhòm tôi.


— Tao để dành trong tủ bánh kẹo. — Tôi có một cái tủ như vậy, được thiết kế riêng, còn to hơn tủ rượu và giá sách; anh là một trong những đứa vẫn mặc định là mình có quyền thoải mái lục lọi chỗ ấy.


— Nhưng ở đây... Hôm nay... — Thân nhau, nhưng không hiểu sao anh cứ luôn coi tôi là loại người "nhiều ý tứ", nên có lúc có những thứ muốn hỏi, anh lại không hỏi hết, cứ lúng túng như ngại.


Tôi bảo "Chờ tao", rồi tôi vào lục tủ bánh kẹo bửu bối (tự dưng tôi lại bị nhiễm cái từ "bửu bối" này ở đâu không biết nữa), mang bánh ra.


— Còn hộp này..? — Anh lại nhòm tôi, thấy tôi đặt xuống hai cái hộp.


— Bánh đại lục đấy.


Bánh đại lục không phải bánh Việt Nam.


Bánh "quan lộc" không phải (và đắt hơn nhiều so với) loại bánh "phổ thông".


— Hì... ăn... mùi vị chả khác đ' gì nhau! — Anh toét miệng cười... chợt ngó nghiêng, rồi bỗng gọi to, — Tít Tít!..


— Tít cái gì?! Không ăn để tao ăn dần. — Tít là tên con chó nhà tôi.


— Không phải ăn... tự nhiên tao muốn vung tay vung chân... ném nó phát cho vui.


Bạn thân, nên chúng tôi chẳng ai bảo ai vẫn cùng yêu quý một số nền nếp. Trung Thu anh sẽ ở đây, chúng tôi sẽ uống trà, sẽ trò chuyện, sẽ ăn những thức Trung Thu khác, cả bánh Trung Thu, tất nhiên, nhưng cũng là bánh khác.


Còn bánh này, năm nào anh cũng mang đến cho tôi để tôi "ăn cho vui".


Vì ừ, anh với tôi, hai chúng tôi có phải là người Tàu, như anh nói: "đéo đâu?!"






Chú thích: Bài thơ ở trong bài này tác giả nhờ Đào Phò làm hộ, bốn câu cuối Đào Phò ăn cắp thơ Đỗ Phủ:


秋景今宵半, (Thu cảnh kim tiêu bán,)

天高月倍明. (Thiên cao nguyệt bội minh.)

南樓誰宴賞? (Nam lâu thùy yến thưởng?)

絲竹奏清音. (Ti trúc tấu thanh âm.)


Câu cuối cùng trong nguyên bản "làm hộ" đã bị xuyên tạc thành: "Tiếng đàn, tiếng gái, vui vầy, thanh tao." — Tác giả lại phải sửa lại theo ý trong bài thơ gốc.

Đã có 13 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Thanh thanh ngã khâm bi bô...

Cảnh thu đã nửa đêm rồi,...

"秋景今宵半, (Thu cảnh kim tiêu bán,)..."


Cách hiểu của bác Đào với câu đầu khác biệt so với cách hiểu phổ thông mà em thấy trên Gúc bằng tiếng Việt. Cách hiểu này không hẳn là sai, nhưng không hẳn là hay. Cá nhân em thì thích cách hiểu trước hơn. Em chiển dịch bài thơ này như sau:

Đêm nay thu đã nửa rồi,
Trên giời cao rộng sáng ngời ánh giăng.
Lầu nam thưởng tiệc ai đang,
Tiếng tơ tiếng trúc nhịp nhàng thanh tao.

Hay hơn hẳn, bác Đào nhỉ? :)

Unknown bi bô...

Maybe, nhưng nếu định dịch "tàu - việt" thì ấy nên giữ nguyên THỂ thơ. Mới hay.

PS: Về niêm luật, ngũ ngôn = thất ngôn chặt hai chữ ĐẦU câu.

Thanh khâm bi bô...

À, thể nào em cũng dịch được tất. Bác xem hay không này:

Đêm nay thu còn nửa
Trăng sáng khắp trời cao
Yến tiệc lầu nam vẳng
Tơ trúc nhịp thanh tao

Ps: Bác Đào kiến văn phong phú cho em hỏi là thơ vốn làm theo luật bằng, hay bài thơ “bình thể”, mà dịch theo luật trắc như em thì có sự sai biệt nào đó đáng kể không nhỉ? Em để ý thì thấy một số người khi dịch thường giữ nguyên thể vận, và em cho rằng lý do chỉ là họ dễ chọn từ khi dịch hơn, chứ em chưa nghe ra cái lý nào khác cả!

(Em vừa ký tên lại cho gọn. “Thanh khâm” với “Thanh thanh ngã khâm” là một.)

Thanh khâm bi bô...

@bác Đào: Sorry, em vừa rồi dịch vội nên thất luật tóe tòe loe. Em xin phép dịch lại dưới đây.

Đêm nay thu hết nửa
Trăng sáng trời cao vời
Yến tiệc lầu nam vẳng
Rộn ràng đờn sáo chơi


Em vẫn giữ nguyên câu hỏi tới bác Đào trong phát biểu trước đó.

Thanh khâm bi bô...

Em dịch lại thêm lần nữa:

Thời điểm thu qua nửa,
Trời cao trăng sáng ngời.
Lầu nam ai thưởng tiệc,
Đàn sáo rộn ràng chơi.

Unknown bi bô...

Không nên dịch thơ, trừ phi có lý do đặc biệt nào đó. Vì thơ nói chung không dịch được.

Ví dụ điển hình:

Mọi người vẫn nói rằng Đoàn Thị Điểm dịch Trinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Nói như vậy là rất ngu! Vì thực ra bản đấy không thể gọi là bản dịch được. Đấy là lấy nội dung của một bài thơ, và làm ra một bài thơ khác. Hoàn toàn tương tự như Nguyễn Du lấy nội dung Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và làm ra bài thơ Đoạn Trường Tân Thanh.

Hai cách diễn đạt hoàn toàn khác nhau, nếu gọi đấy là dịch, là rất ngu.

PS: Còn nếu bạn vẫn muốn dịch thơ thật, thì phải cố suy nghĩ để dịch thế nào cho hay, cái gì không hiểu thì hỏi, nếu biết, tớ sẽ giải thích cẩn thận cho.

Ví dụ: Câu đầu bạn đang hiểu sai, nên suy nghĩ để hiểu cho đúng, mới có thể dịch hay được. Chữ "bán" đi với "kim tiêu" chứ không đi với "thu cảnh", ai nói như vậy, bạn cứ mạnh dạn bảo họ là họ rất ngu, nên đi tìm người bản xứ (có học) để hỏi.

Thanh khâm bi bô...

À, bác hẳn đã có lý lẽ nào đó nên mới có thể bảo họ là ngu được, chứ em thì lý gì để bảo họ là ngu đây? Không nhẽ bảo họ là bác Đào bác í bảo em thế à?!

Khả năng hiện tại của em chỉ đủ để thấy là cả hai cách hiểu đều có thể, tức là chữ “bán” hoặc có vai trò “giới từ” như cách bác hiểu, hoặc có vai trò kiểu “động tính từ”. Bác nói thế thì em cũng chỉ thêm phần hồ nghi, chứ đã thấy bác đưa ra cái lý lẽ rõ ràng nào đâu. Nói chung, em sẽ tìm hiểu thêm khi có dịp, còn hiện thời em thấy cách hiểu thứ hai là có lý, và cảm nhận hiện tại em vẫn thích cách hiểu này hơn là cách hiểu như bác. Bác có bảo em ngu, thì em cũng chịu thế vậy!

Unknown bi bô...

"Khả năng hiện tại của em chỉ đủ để thấy là cả hai cách hiểu đều có thể, tức là chữ “bán” hoặc có vai trò “giới từ” như cách bác hiểu, hoặc có vai trò kiểu “động tính từ”."

Sao lại thấy thế?

Thanh khâm bi bô...

Theo cách hiểu của bác, chữ “bán” có thể có vai trò như giới từ trỏ vào “kim tiêu”, và câu thơ “Thu cảnh kim tiêu bán” có nghĩa “cảnh thu vào giữa đêm nay”. Câu thơ tự nó mới chỉ là một ngữ.

Theo cách hiểu của em, chữ “bán” có vai trò như tính từ trỏ vào “thu cảnh”, và như thế “kim tiêu” là phó từ chỉ thời gian, câu thơ có nghĩa “cảnh thu tới đêm nay còn có nửa”. Câu thơ ở đây đã là một cú.

Cả hai cách hiểu đều hợp lý về mặt ngữ pháp của Hán ngữ. Chữ “bán” dùng theo cách đầu thì thấy khá nhiều, còn dùng theo cách sau, như tính từ, thì em không nhớ và cũng chưa tìm được ví dụ nào nữa. Nhưng em chưa thấy có lẽ chỉ bởi kiến văn của em còn hạn hẹp, tính hoạt dụng của từ ngữ Hán cho thấy cách hiểu thứ hai là hoàn toàn có thể. Và việc nhiều người Việt, có thể nói số lượng là áp đảo hoàn toàn trên gúc :), đều hiểu câu thơ theo cách này có lẽ cũng là một lý do nào đó để em cảm thấy an toàn hơn với cách hiểu này.

Hóa ra đây là một bài thơ có trong Thần Đồng thi. Nhưng đến giờ như em đã xem, cả Tàu cả Việt đều không bàn gì đến chữ “bán”, chỉ thấy có mỗi chú giải về “Nam lâu”, và bản dịch tiếng Việt thì cũng hiểu theo cách thứ hai.

Đim-ma bi bô...

Giờ văn, cô Ma-ri-van-na:

- Hãy ghép các từ sau đây thành tổ hợp từ có nghĩa: "người đàn bà", "lúc", "đêm", "nửa".

Vô-va giơ tay.

- Nào, Vô-va.

- Dạ, "Nửa người đàn bà lúc đêm"!

- Vô-va, sao lại "nửa người đàn bà"?

- Thưa cô Ma-ri-van-na, "người đàn bà tới đêm nay chỉ còn có nửa". Câu thơ ở đây đã là một cú.

Thanh khâm bi bô...

Mình không rõ ý của Đim-ma lắm. Nhưng nếu như ý bạn là cách hiểu của mình là phi lý, thì mình cho rằng bạn phải tìm cách khác để diễn giải.

"Người đàn bà" và "thu cảnh" là hai khái niệm không giống nhau.

Đim-ma bi bô...

Ấy chết, em đâu dám tìm cách để diễn giải gì này nọ. Bác cứ hiểu là "thu cảnh" tới cái đêm "nguyệt bội minh" ấy chỉ còn có nửa thì cũng rất hay ho và kịch tính mà.

Ps: Đào Phò có vào bắt bẻ cú pháp hay ngữ nghĩa này nọ, cùng lắm bác cứ bảo y là bác đã "mở rộng cách hiểu ra khỏi ý gốc của tác giả", hoặc hay hơn nữa "cú pháp và ngữ nghĩa là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do", là ổn.

Thanh khâm bi bô...

Đêm Trung Thu ngắm giăng, Vova bảo Natasha:

- Giăng hôm nay cao quá, ấy cho tớ hôn vào má?

- Ừ!

Lúc sau, Vova bảo Natasha tiếp:

- Giăng hôm nay trắng bóc, ấy cho tớ hôn vào tóc?

- Ừ!

Sau nữa, Vova lại bảo:

- Giăng hôm nay cao gướm... Natasha ơi?

- Ứ... ừ!

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...