Chính trị gia

Tôi luôn nghĩ là Tiểu Lý Phi Đao Lý Tầm Hoan Lý Thám Hoa trong những quãng thời gian muôn một hãn hữu ít nhiều tạm thời không bị trực tiếp liên quan đến một mối ân oán giang hồ nào, thể nào cũng có lúc lôi từ trên giá sách xuống một tập "Thần Điêu Đại Hiệp" để tìm hiểu về đời hoạt động của Dương Quá, hay Hoàng Dược Sư... Cho nên tôi chẳng hề ngạc nhiên một chút nào khi biết là có một chính trị gia thuộc cỡ to... — nói là rất to cũng được — đang chăm chỉ tìm hiểu về Bác Hồ.


Tôi từng tìm hiểu được là Bác Hồ ngày xưa đã tự học tiếng Nga để đọc trước tác của Lê-nin. Tôi cũng suy luận được là chắc Bác học để đọc cả Lép Tôn-xtôi nữa, mà Lép Tôn-xtôi còn là chính cũng chưa biết chừng, vì tôi thấy Bác từng bảo: "Tôi là đứa học trò nhỏ của đại văn hào Lép Tôn-xtôi."


Bản thân Lép Tôn-xtôi ngày xưa cũng loay hoay tự học tiếng Hy Lạp để đọc trước tác của Hô-me.


Chắc là những người thông minh nhất trong chúng ta, mỗi khi tìm hiểu một vấn đề, thường có cùng một mong ước sâu xa muốn hình dung cho được những gì chân chính là bản chất nhất của nó.


Tôi chỉ là người thông minh ở mức học phổ thông và đại học không vất vả lắm, vẫn có thể dành thời gian để ve vãn các bạn gái, mà vẫn tốt nghiệp xuất sắc, nhưng tôi cũng từng tự mày mò học tiếng tàu để đọc Luận Ngữ của Khổng lão nhị, và tôi ít nhiều có hiểu được chuyện tôi vừa nói trên đây.


Ông thì không tự học tiếng Việt, nhưng ông cũng đọc nguyên bản.


Ở trường tổng hợp Lô-mô-nô-xốp có chuyên ngành hình như là "Tiếng Việt và Văn học Việt Nam", hay đại khái như thế, tóm lại ở đó có dạy tiếng Việt rất tử tế; hồi sinh viên thậm chí tôi còn biết ở trường đấy có những nghiên cứu sinh giỏi tiếng Việt đến nỗi nếu họ ngồi nói chuyện với một đám người Việt mà mình chỉ nghe thôi chứ không nhìn, thì sẽ không biết là trong đám đấy có người nước ngoài; cho nên ông đã liên hệ với chỗ đấy.


Nhưng nói tiếng Việt hầu như không có khẩu ngữ nước ngoài là một chuyện, — nó là vấn đề kỹ năng; — còn đọc sách tiếng Việt lại là chuyện khác, — đây là vấn đề tri thức.


Cho nên loanh quanh một hồi, thì người ta nói với ông về tôi.


Tôi thì chưa từng được học bất kỳ một ngôn ngữ nào một cách bài bản như các sinh viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành ở trường đại học tổng hợp quốc gia, nhưng tôi lại có cơ duyên ít nhiều có thể coi là đặc biệt đối với cả hai thứ tiếng mà ông đang cần. Hơn nữa, tìm hiểu về Bác Hồ... thì có một phần nội dung rất sâu sắc sẽ liên quan đến... ví dụ như "Ngục trung nhật ký", cho nên vốn hán văn không nhiều, nhưng cũng từng được quan tâm một cách chi tiết để đọc thơ Bác Hồ — giống như đã đọc Khổng Tử — của tôi, một cách ngẫu nhiên lại trở nên thật hữu dụng.


Cho nên được vài buổi, thì ông bảo rất may là ông đã gặp được tôi.


Tôi bắt đầu đến nhà ông từ khoảng trung tuần tháng Năm. Còn bây giờ là đầu tháng Sáu. Buổi sáng tôi đến, ông đang hai tay buông thõng, tay trái cầm một xấp giấy A4 lộn xộn — ông nghe tôi đọc, giải thích, và thường vẫn gạch đầu dòng tóm tắt vào đấy, — đứng đối diện với chiếc bể cá to được chiếu sáng bằng ánh sáng huỳnh quang màu xanh hơi tim tím ở trong phòng khách và chăm chú nhìn những con cá nhỏ thôi, nhưng có hình dạng giống như cá mập, đang bơi lội không vội vàng và đĩnh đạc giữa một bố cục san hô và rong biển theo tôi thì hơi dày đặc quá.


Ông ra hiệu bằng tay, là biết tôi đến, rồi lại thõng ngay tay xuống, đứng im lặng như cũ, tiếp tục chăm chú nhìn những con cá đang bơi.


Những hôm khác, tôi luôn gặp ông ngồi ở đi-văng, đang xem xét lại những ghi chép của mình và chờ tôi.


Ngày hôm nay... phải rồi, trí nhớ của tôi đã tự động làm việc...


"Hòa bình "ban phát sự sung túc và sự công bằng, những thứ tạo nên hạnh phúc của các dân tộc"; hòa bình, mà "chỉ là sự nghỉ ngơi giữa các cuộc chiến tranh", thì "không xứng với tên gọi của nó"; hòa bình phải hướng tới "một thế gian chung". Những lời này đã được viết từ gần 200 năm trước và thuộc về Va-xi-li Phê-đô-rô-vích Ma-lin-nốp-xki — hiệu trưởng chính ngôi trường nơi Pút-skin vĩ đại đã từng học tập.


"Tất nhiên, kể từ thời điểm đó, lịch sử đã bổ sung nhiều vào nội dung chi tiết của khái niệm "hòa bình". Trong thời đại hạt nhân của chúng ta, cả điều kiện sống sót của nhân loại cũng cần phải tính vào đấy. Nhưng bản chất cốt lõi, đã được đặt cơ sở bằng sự thông thái và trong những tư tưởng xã hội tiên tiến của nhân loại, thì vẫn y nguyên như vậy.


"Hòa bình ngày hôm nay phải đi lên từ sự cùng tồn tại đơn giản, tới sự cộng tác và đồng sáng tạo của các quốc gia và các dân tộc.


"Hòa bình — đó là sự vận động tới một sự phổ quát chung, tới tính toàn thể của nền văn minh. Từ trước tới nay, chưa bao giờ chân lý về một thế giới không thể chia cắt lại trở nên đúng đắn như bây giờ.


"Hòa bình — đó không phải là sự đồng dạng hóa, mà là sự thống nhất trong sự đa dạng, đối chiếu so sánh, và tán thành những sự khác biệt.


"Và hòa bình một cách lý tưởng — đó là không có bạo lực, đó là giá trị luân lý...


"Lúc đó, tôi đã hiểu rằng: không thể tiếp tục sống như vậy, và tôi sẽ không thể cho phép mình ngồi ở vị trí đó, nếu như không được ủng hộ trong việc tiến hành những thay đổi căn bản và quan trọng nhất. Tôi hiểu, là sẽ phải đi rất xa. Nhưng toàn bộ mức độ rộng lớn của các vấn đề, của những khó khăn, thì tôi, tất nhiên, cũng chưa thể hình dung được. Mà cũng không có ai, tôi nghĩ vậy, đã có thể nhìn thấy trước, đoán trước, vào lúc đó..."


Chính là ông đã nói những lời này, ngày hôm nay, vào rất nhiều năm trước.


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...