Nhiều người đều biết rằng ngã ngửa thì nguy hiểm hơn ngã sấp.
Đa số người đó biết rằng sở dĩ như vậy là do ở phía đằng sau, nhất là sau đầu, có nhiều huyệt đạo nguy hiểm hơn so với phía đằng trước.
Biết về huyệt đạo như vậy có thể không sai, nhưng vị tất đã đúng.
Vả lại cho dù là sai hay đúng, thì nguyên nhân thực thụ cũng không phải ở chỗ ấy.
Cũng như nhiều người đều biết rằng giới võ học vốn coi trọng những gì đường đường chính chính, và phỉ nhổ, khinh bỉ những gì lén lút. Nhưng nhiều người không biết bản chất thực thụ sâu xa của thái độ này. Ngay cả nhiều người thuộc giới võ học cũng vậy: không phải chỉ là chuyện dài lưng tốn vải công việc chính là ngày lại ngày mê say mài đít quần, — võ cũng có thể học vẹt.
Còn căn bản, cơ thể con người ta trời sinh vốn có một thứ vệ khí.
Khi một phản xạ phòng vệ xuất hiện, thì vệ khí đó sẽ tự động kích phát.
Vẫn là gân cơ ấy, thịt xương ấy, huyệt chủ huyệt kỳ ấy, nhưng khi vệ khí đã kích phát, thì gân cơ sẽ dẻo dai hơn, thịt xương sẽ khó nát gãy hơn, huyệt chủ huyệt kỳ sẽ khó thấu lực hơn.
Cho nên chủ động nhảy từ trên cao xuống, kể cả trói gà không chặt không biết nhảy, cũng khó gãy chân tay hơn nhiều so với thình lình bị rớt xuống.
Còn đánh trộm, đánh lén, thừa lúc không ngờ mà đánh, ngoài chuyện đạo đức nhân cách xấu đẹp thông thường, còn bị coi là một chuyện hèn hạ, xấu xa, đáng phỉ nhổ nhất trong xuất thủ giao chiến, vì đấy là lối đánh dễ sát thương, thập phần nguy hiểm hơn so với đánh đường đường chính chính.
Ngã ngửa ngã sấp cũng vậy.
Các giác quan của con người, nhất là mắt, được định hướng phản xạ tốt hơn với những gì xảy ra ở phía trước mặt. Cho nên ngã ngửa thì vệ khí thường không thể kịp kích phát nhanh như ngã sấp.
Tệ hơn nữa là người ngã còn hiểu rõ chuyện sâu xa ấy.
Hiểu rõ như vậy, đúng lý phải tốt hơn. Nhưng nếu người hiểu biết như thế, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thì chưa chắc. Nhiều thứ không biết thì thôi, biết, chỉ càng thêm bấn loạn. "Điếc không sợ súng" cũng là cùng một đạo lý này.
Và quả nhiên đã có một sự bấn loạn mênh mang.
Bấn loạn đến nỗi máu tựa hồ đã rút hết khỏi mặt.
Vì ngã là ngã ngửa.
Cùi tay đã thúc mạnh xuống sàn.
Đầu cũng đập mạnh xuống sàn...
Nhưng, có một bàn tay mềm mại và cứng cáp đã nhẹ nhàng ngay tức khắc đỡ vào khoảng cách hạn hẹp giữa Ngọc Chẩm và sàn bê tông.
Cho nên sự bấn loạn giờ đây đã nhường chỗ cho một nỗi ngượng ngập vô biên.
— Sao... chú biết cháu?!... — Máu lại lẳng lặng quay về mặt, vả lại còn nhanh và nhiều hẳn hơn lúc đã bỏ đi.
— Cậu mải nghe chuyện, thở phì phò... chỗ "đái đứng" còn cười...
— ...
— Để ý rồi thì... mùi của cậu... Vẫn là cô bé ấy à? Hì... — Trong tiếng nói lại có tiếng cười. — Giỏ ai quai nấy, con bố Ác-tua lại là kẻ chung tình!..
Theo dự định thì lẽ ra đã phải có một màn đề-mô thật ấn tượng để gỡ lại thể diện "bị lộ". Chỉ tiếc, là mông đáp xuống ghế lại hơi "già" quá. Nên cả ghế và người bị ngã bổ chửng rất mạnh ra đằng sau. May mà chú Đào — không hiểu làm sao nhanh thế — đã đỡ kịp, nên đầu mới không bị táng tận lực xuống sàn bê tông.
Còn bố Ác-tua chỉ cau mày đứng nhìn.
Rất cau mày. Không nói gì cả, nhưng đương nhiên chuyện như vậy thì chưa thể đơn giản mà xong như thế được.
Chỉ là bố không muốn mắng cậu ngay trước mặt "thần tượng" đấy thôi. Còn đến lúc mà bố nổi nóng... Cơ mà một miếng khi đói bằng một gói khi no, dù sao, trong lòng cậu cũng đang âm thầm rất biết ơn bố.
Mặt Vô-va bất giác lại đỏ dừ. Cậu nhìn bố, vừa sượng sùng, vừa — được cái — đầy một vẻ biết lỗi. Thật ra thì chuyện mà bố cậu và chú Đào hiện đang mất ăn mất ngủ ngày đêm lo lắng, tất nhiên cũng làm cậu bất an, thật sự bất an, nhưng cậu cũng không rõ nữa, là do cậu lo lắng thật, hay chỉ là một cách chữa thẹn, lúc mà cậu vội vàng ngồi nhổm dậy, rồi ngoái cổ lại hỏi chú Đào:
— Chú ơi... Vậy chuyện chú Đim-ma...
Miệng cậu cứ để nguyên dở chừng ở chỗ đấy, vì cậu nhìn thấy chú Đào đang hoàn toàn không nghe cậu nói...
Hình như lúc lăn đùng ra, chân tay cậu đã loạng quạng bấu víu theo phản xạ chống cự, hoặc là vô tình quệt phải chiếc bàn, hoặc những thứ trên mặt bàn, hoặc đã đá vào chiếc bàn...
Bây giờ mắt chú Đào đang chăm chú nhìn như thất thần vào một vật đang nằm chỏng chơ trên sàn bê tông, chắc là nó vừa bị rơi xuống từ trên bàn trong lúc lộn xộn vừa xong.
Im lặng, — bố cậu cũng nhận thấy bộ điệu của chú Đào, — rồi cậu nghe chú Đào lẩm bẩm, là nói với bố cậu, nhưng thực ra là tự nói với chính mình thì đúng hơn:
— Anh ơi... em tìm thấy hung thủ rồi.
Từ trong thâm tâm, thằng bé Sam-ma rất không ưa khách du lịch.
Họ làm sao, không có việc gì làm hay sao, cứ sục sạo khắp mọi xó xỉnh, nhìn cái nọ, ngó cái kia, cười cười nói nói, hỏi hỏi han han, rồi "à", "á", "ố"... ngây nga ngây ngô. Tệ hơn nữa là mang theo máy ảnh, rồi bạ cái gì cũng giơ máy lên ngắm nghía, bạ ai cũng chụp.
Còn khó chịu nữa là bọn trẻ con, gần như tất cả bọn chúng, lại không như thằng Sam-ma. Chúng nó, hễ thấy khách du lịch là đông đỏ xúm lại, ai hỏi gì cũng tranh nhau hớn ha hớn hở chỉ trỏ, giải thích, nhăn nhở nói cười đầy một vẻ vụ lợi. Lại còn thích được chụp ảnh nữa chứ.
Thật là một lũ khỉ!
Chân thực mà nói, nếu bảo thằng Sam-ma không ưa khách du lịch thì cũng không hẳn đúng. Nó cũng ưa họ, nhưng theo một cách hoàn toàn khác.
Trời nắng. Nó đang đứng dựa vào một bờ tường, khuất trong bóng râm, một chỗ râm không phải râm theo hướng nắng mà luôn râm, vì vô cùng mát mẻ. Nó lớn lên từ những ngõ ngách bụi bặm ở đây, nó biết những người khách du lịch ẽo ợt kia không biết, không hiểu những cảm giác như vậy.
Bên kia đường, hai anh em thằng Ai-đa-mia đang chơi với cái lồng sáo.
Sáo vẹt gì lũ con nhà tiểu thương này? Rõ ràng, chúng đang làm công việc tiếp thị. Thằng Ai-đa-mia vừa giả bộ nhòm nhòm con sáo, lấy ngón tay đùa đùa nan lồng, vừa liên tục đánh mắt bao quát con phố...
Đây rồi.
Có một mụ du lịch trẻ, tóc vàng, hơi hoe đỏ, cắt ngắn cỡn, áo sơ mi màu cháo lòng không cài cúc, mặc lôi thôi bên ngoài áo phông lẽo nhẽo, cổ quấn một cái khăn dài lòng thòng, quần ngố màu be dài đến đầu gối, chân đi dép tông, vai khoác một chiếc túi to màu đen, trông như đeo cái thùng vuông nhỏ... — đúng thứ mà thằng Sam-ma ghét nhất.
Hai thằng bé kháu khỉnh và một chiếc lồng chim... Du lịch quá!
— Xin chào! Hai cháu đang làm gì nào? — Chiếc máy ảnh có nòng dài như khúc giò nâng lên. — Chích chích! OK?
Thằng Ai-đa-mia cười cầu tài, còn mụ kia lập tức dùng tay ra hiệu, phân phó. Thằng em vội vàng mở cửa lồng thò tay vào tóm lấy con sáo, rồi sán tới bên cạnh thằng anh, hai thằng khỉ đứng cười hớn hở, hãnh diện dứ dứ con sáo trước mặt, để cho mụ kia chụp ảnh.
Roạch! — "Nữa nào..." — Roạch!
Mụ kia vẻ thỏa mãn, tụt quai đeo cái máy ảnh khỏi đầu, nhét cái máy vào chiếc túi "hòm" đen, thằng em thằng Ai-đa-mia một tay vẫn bóp con sáo, vội vàng cười y như thằng anh, sán tới. Bọn này hẳn đã phân công phân nhiệm rõ ràng.
Nhưng mụ kia chỉ thở thành tiếng một cái, lẳng lặng tụt cái túi khỏi vai, đặt xuống bên chân tường, rồi cởi cái khăn đang quấn cổ, bước lại chỗ cái vòi nước thò ra ngay trên bờ tường ấy, dẫm một chân lên mép bồn nước, mở vòi, dấp sũng nước cái khăn, rồi ấp lên mặt...
Thằng Sam-ma ngay lập tức đã ở đấy. Chiếc quai túi ngay lập tức đã nặng trong tay. Con đường đầy ánh nắng vùn vụt trôi dưới chân.
Có thách kẹo hai thằng tiểu thương cũng không dám khai ngay. Cho nên một lát nó mới nghe tiếng hô hoán đằng sau:
— Ê, này!.. Chạy đi đâu!.. Đứng lại!..
Chỉ là những tiếng hô đơn độc. Ở đây làm gì có ai bắt cướp hộ khách du lịch? Chú Ka-si, đầu mới gội, chải đen mướt, mặc chiếc áo sơ mi lụa màu cánh chả diêm dúa đang đứng hút thuốc ở cổng nhà, thấy nó chạy qua còn cười rạng rỡ, giơ tay chào nó, hai thằng cu con nhà chú ở trong nhà vội vội vàng vàng chạy ra, rộn ràng vỗ tay reo hò cổ vũ anh Sam-ma.
Nó cắm cổ chạy. Mụ kia một mình đuổi theo, hô hoán như gần đứt hơi, yếu dần, xa dần...
Nó chạy ngoằng ngoèo, liên tục rẽ trái, rẽ phải. Chỗ này với nó thì hệt như lòng bàn tay, còn với bọn du lịch thì là mê cung. Yên tâm là đã cắt được đuôi, nó căn đường chạy nhanh tới đẩy mạnh vào hai cánh cổng sắt to khép hờ, cổng mở ngay, nó cắt chéo qua sân, rồi lao lên theo những bậc thang hẹp.
Cầu thang dẫn lên một cái sân trời rộng, có lan can nhìn xuống sân và cổng vừa bị đẩy ra phía dưới, ba phía còn lại là căn hộ. Xóm trên tầng này toàn quân mình. Giờ chỉ cần quẳng cái túi vào nhà một chiến hữu là xong. Người lớn cũng chẳng ai cấm, ngược lại còn hoan nghênh.
Nó đập tay vào cánh cửa thứ nhất. Cửa không mở, có thể vẫn có người ở trong, và đã nghe thấy, nhưng nó cũng chẳng chờ, chạy ngay sang đập cánh cửa thứ hai. Cũng thế. Tay nó vừa giơ lên sắp đập xuống cánh cửa thứ ba, thì nghe có tiếng huýt sáo nho nhỏ đằng sau lưng.
Nó quay phắt lại.
Lẽ ra phải sợ. Nhưng thay vào đó lại dâng lên một niềm uất ức.
Không hiểu sao với tất cả cảm giác thân thuộc với mỗi con ngõ, mỗi bờ tường, mỗi cánh cửa ở đây, mà nó lại không hề nhận ra người này đã theo phía sau?
Y dong dỏng, người lớn, mặc áo sơ mi màu thanh thiên nhạt phơn phớt, cúc cài chưa đến nửa ngực, vạt áo đuểnh đoảng bỏ ra ngoài chiếc quần vải thô sáng màu bẩn lem luốc, chân tùy tùy tiện tiện xỏ trong một đôi giày lười màu trắng, không tất, trên đầu y quấn vô tổ chức một chiếc khăn quàng bông to, đốm trắng đốm đen.
Y cũng là một khách du lịch. Loại khách du lịch mà bọn Sam-mi sẽ không tìm cách để giật đồ. Đấy sẽ là hy vọng tốt nhất... nếu y chỉ là một thằng sĩ gái.
Thằng Sa-mi nặn ra một biểu hiện chán nản và thất vọng, chuội tay thả cái túi hình hộp xuống mặt sân, rồi — lấy một vẻ — buồn bã, cúi đầu cun cút bỏ đi.
Nhưng ngay trước mắt nó đã xuất hiện hai chiếc giày lười màu trắng. Xuất hiện ngay lập tức! Đến nỗi nó giật mình sửng sốt.
Căng rồi... thằng khùng này "hiệp sĩ đường phố"!..
Một bàn tay đã nằng nặng đặt trên vai nó. Nó còn chưa kịp phản ứng thì thằng "hiệp sĩ đường phố" lại thò tay kia móc túi ngực, tùy tiện giúi vào tay nó một kẹp tiền mỏng, gập đôi.
Nó khẽ giật mình tiếp: là tiền đô!
Chơi thế này là đẹp. Thế mà chẳng nói ngay. Chưa bao giờ mà nó lại có một phi vụ giao dịch ngay tắp lự nhanh nhẹn như thế! Chỉ hơi lạ là nó chưa hề biết thằng lớn này.
Thằng Sa-mi vui vẻ nháy mắt với thằng lớn kia, rồi lao xuống cầu thang.
Nó đã phóng ra đến cửa thì nghe có tiếng gió phần phật khẽ, rồi lại có ngay một bàn tay nằng nặng đặt lên vai, giữ nó lại.
Gì nữa thế này?!
Bàn tay ấy có phần thô bạo giúi nó vào bên cột cửa, rồi mở toang cánh cửa. Vậy là nó bị nhốt vào xó.
— Chúa ạ, đây rồi!.. Máy ảnh đây rồi.
— ... — Có tiếng bước chân thất thểu, tiếng thở hổn hển.
— Cô nương kiểm tra lại xem có thiếu gì không?.. À... nó chạy rồi, nó hoảng quá vứt đồ lại mà bỏ chạy rồi. Hì hì... trông cô kìa... Ấy, cẩn thận... À... tên tôi là Đào...
(Còn nữa)