Sản phụ (1)

SẢN PHỤ






Tôi tên Phú. Tôi có tóc mai dài, giống Lý Hùng. Nhưng nếu tôi cũng để ria và mặc võ phục, và đứng cạnh Lý Hùng, thì Lý Hùng sẽ trông không khác gì Đàm Vĩnh Hưng; — khác chăng chỉ là chưa bị xịt tương ớt vào mũi mà thôi. Chuyện này chính đáng, vì Lý Hùng tuy con nhà võ, nhưng võ đấy là mại võ, — không phải mại dâm, nhưng cũng là mại; còn tôi tuy không hoàn toàn là con nhà võ theo nghĩa đấy, nhưng là võ xịn, võ đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi hẳn hoi.


Vợ bạn tôi đẻ, bạn tôi công tác xa, tôi đưa vợ bạn tôi đến bệnh viện để — như trong truyện "Bố già" — trải nệm.


Bác sĩ khám, bà bầu chắc đang sướng vì sắp được "hóa rồng", còn tôi ngồi trên một chiếc trong hàng ghế tựa bằng nhựa xanh Windows XP chạy dọc sát tường, theo hành lang, và đợi chờ.


Hành lang chạy gần đến chỗ tôi đang ngồi thì tràn vào một khoảng trống rộng mở ra về phía trước mặt tôi; bên trái — bên trái tôi — khoảng này là một cửa toa-lét và một cửa thang máy; bên phải là một dãy ghế y như dãy tôi đang ngồi, dọc theo chân tường bên ấy. Giờ này, — và với phí điều trị gấp mấy chục lần chỗ khác này, — bệnh viện vắng tanh. Lúc tôi đến ngồi đây, cả hàng ghế bên kia chả có ai. Những lúc phải ngồi ở những chỗ như thế này và đợi chờ như tôi đây, người nào chắc cũng sẽ có lúc chống hai cùi tay lên gối, chắp hai bàn tay lại, và ngồi khom người xuống, cúi đầu, tì trán vào đấy. Tôi cũng làm như vậy. Và lúc tôi ngẩng lên, thì, hãy nhìn xem, hệt như vừa từ trên trời rơi xuống, hay vừa từ dưới đất mọc lên, bụp phát, không cần quá trình, trên hàng ghế bên kia, trước mặt tôi và đối diện với cửa toa-lét, một sản phụ mặc quần áo bệnh nhân nội trú màu trắng tinh tang đang ngồi bất động, bất động và bất ngờ đến nỗi tôi chợt thấy mình đang phân vân với giả thiết là lúc tôi đến ngồi đây, nàng đã ngồi sẵn ở đấy rồi, nhưng bất động đến nỗi tôi không nhận ra.


Tôi không hiểu trí nhớ của chúng ta làm việc như thế nào, cũng không hiểu trí nhớ của tôi liệu có khác gì của những người khác không, nhưng đối với tôi, thỉnh thoảng, rất thỉnh thoảng thôi, có những hình ảnh không biết từ tận đẩu tận đâu nữa, lại vượt qua một bề dày thời gian bị lấp đầy bằng rất nhiều vỏ chai, lon bia, mà ập đến rất nhanh, vô cùng nhanh, giống như bị một mãnh lực đặc biệt hút đến, đến nỗi lúc nó đến và dừng lại, thì nó làm tôi có cảm giác như bị nó đập mạnh vào, xô đẩy vật lý, đến nhao cả người đi.


Lần này cũng vậy, tôi mới phân vân thì đầu đã đập mạnh vào mặt tường cứng phía sau đánh cộp một cái, — chắc tường khá dày và đặc, vì tôi nghe thấy cộp to, còn nàng vẫn ngồi rất yên, — đau điếng, và hoa cả mắt.


Vậy là... Cũng phải lâu lắm rồi, "once upon a time", "ngày xửa ngày xưa", như văn vở cổ tích vẫn thường nói. Hồi đấy tôi lên mạng chơi...


Trước đấy, cuộc đời tôi off-line. Thực ra nếu được chọn lại giữa cuộc đời off-line êm ấm trước đây và cuộc đời online đầy kích động và bức xúc bây giờ, chắc tôi sẽ chọn off-line; — "chắc" thôi, vì tôi cũng không chắc. Lúc off-line tôi sống yên tâm hơn. Online phát, ở trên đấy rất nhiều người, và việc đầu tiên khiến tôi bị tác động mạnh nhất là có những người biết, và biết chơi, rất nhiều thứ. Thêm một chút, thì tôi cũng biết nữa là trong số đấy, thực ra có nhiều người chỉ bốc phét thôi. Nhưng, mặc dù không nhiều như lúc đầu, vẫn có những người biết, và biết chơi, rất nhiều thứ thật.


Tôi không ghen tị, tôi thề!


Tôi không tủi thân, tôi thề!


Nhưng tôi bị kích thích.


Cầm Kỳ Thi Họa có vẻ như đều quá sức tôi, và người ta luôn viết và đọc theo thứ tự đúng như thế, nên một cách tự nhiên tôi nghĩ "họa" là dễ nhất, và ngay cả dễ nhất, thì cũng vẫn cứ quá.


Tôi không ghen tị, tôi thề!


Tôi không tủi thân, tôi thề!


Nhưng tôi quyết định mua máy ảnh xịn.


Tôi nghĩ nó ở vào khoảng giữa "họa" và "không biết chơi gì cả".


Các bạn tôi — cả bạn mới quen trên mạng — đã tận tình tư vấn. Một cái thân hơn hai ngàn đô. Một cái ống hơn sáu ngàn. Vị chi là hơn tám ngàn, — cả một tài sản, — đựng vừa vặn trong một cái hộp đen có nắp, khóa, chống sốc, và quai sách. Lúc còn chưa trả tiền, tôi đã có cảm giác vô cùng khó chịu thấy thằng bán hàng cứ sờ mó vào thân và ống của tôi. Buổi tối, tôi vào phòng riêng, khóa trái cửa lại, rồi lắp ống vào thân. Thân máy này có nhiều nút bấm bố trí ở khắp nơi, có thể tiện tay chỗ nào nhất thì bấm chỗ ấy. Bấm phát — "kịch", bấm phát — "kịch", "kịch kịch kịch", "kịch kịch"... cái ống cứ thế giật giật, dum vào, dum ra... Cảm giác lúc ấy thật là không gì sướng bằng! Có lúc tôi đã phải dùng sức mạnh lý trí để ngừng "kịch kịch" vì thấy mình sắp hét lên. Hôm ấy tôi đi ngủ muộn.


Và tôi trằn trọc suốt đêm. Tôi vừa chợp mắt, thì trời đổ mưa như trút. Mưa sầm sập. Một tiếng sấm cực kỳ dữ dội nổ vang! Tôi giật mình sực tỉnh, hốt hoảng, mồ hôi đầy người. Nhưng đêm vẫn yên ắng, tôi thở phào, — chỉ là mơ thôi, — nhắm mắt, mỉm cười tóp tép, thiếp đi. Nhưng mây đen ở đâu bỗng kéo về rất nhiều và nhanh, nhưng mọi người vẫn đi đi lại lại ai làm việc nấy, vui vẻ, lao xao, không để ý, tức là không mưa, nhưng... thiếu sáng!.. Giấc ngủ của tôi cứ thảng thốt bật tắt nhiều lần như vậy, — có một lần tôi đến bên cửa sổ và kéo hết rèm ra.


Thức giấc, tôi không nhìn thấy cửa sổ, không nhìn thấy rèm, không nhìn thấy trần, không nhìn thấy giường tủ bàn ghế đồ đạc, không nhìn thấy gì cả, — duy nhất một thứ đã choán hết thị giác và tâm trí tôi:


Nắng!


Sài Gòn quê tôi, điện thiếu, nước thiếu, lối đi thiếu... Nếu có cái gì dư dả, thì trước hết là Nắng. "Tôi nhớ khôn nguôi ánh nắng màu vàng" — nghe thì dễ tưởng là lưu luyến sâu nặng, còn tôi biết chắc: muốn quên đi cũng không thể quên được! Nắng suốt ngày, nắng suốt tuần, nắng suốt tháng, nắng suốt quý, nắng suốt năm; nắng suốt từ năm này sang năm khác; chiều sâu lịch sử, thì người quê tôi cũng là người Bắc Kỳ tràn vào, là cùng một giống cả, nhưng bị nắng phơi liên tục không ngừng nghỉ nhiều năm, nên thành chúng tôi bây giờ, — cá khô thì khác cá tươi, và tóp hơn, nhưng cá khô mà vẫn sống nhăn, thì lại mập hơn cá tươi. Gái quê tôi bị nắng phơi, da nổi mụn, răng sún nham nhở vì nhai nước đá. Giai quê tôi bị nắng phơi, ăn rau như ăn cỏ, mặt anh nào cũng như ngái ngủ.


Nhưng, hãy nhìn xem, mặt tôi bây giờ, nó hào hứng, phấn khởi, hai mắt nó long lanh, làm gì mà ngái ngủ?!


Nắng ám ảnh! Nắng ăn vào người.


Nhưng, Nắng hôm nay là Nắng khác, Nắng của tôi, của riêng một mình tôi thôi!


Tôi ăn sáng chập chuội, nháo nhào, rồi vội vàng vác thân của tôi, ống của tôi, và băng mình vào Nắng, — "Tôi ôm thân, ôm ống vào lòng, Nắng nồng ấm ôm tôi vào dạ", dù tôi tên Phú, chứ không phải tên Hanh.


Nắng của riêng tôi!


Trong ánh Nắng rực rỡ ngày hôm nay, tôi nhìn cái gì cũng không còn giống như hôm qua. Nhìn vào cái gì tôi cũng thấy nhấp nhoáng, bàng bạc, man mác những nét đẹp nghệ thuật thật riêng, và cái gì cũng hàm chứa, trĩu nặng những xúc cảm nhân văn, thấm thía, gợi mở, sâu xa.


Sao trước đây tôi không hề thấy gì hết cả, thế nhỉ?!


Tôi vội vàng ghi lại tất cả những khoảnh khắc đời thường quý giá ấy.


Một dãy xe máy, dẫn đầu là một con uây tàu, dựng xếp nếp trên vỉa hè, — có phải một đàn thiên nga đang xoãi cánh bên hồ?! Mô-da — hay Bết-tô-ven?.. chắc Mô-da — thì đã có thể viết thành nhạc kịch. Còn tôi, — trước mắt, — thì cứ phện lại đã!


Một ông già xe ôm có ria và nụ cười mãn nguyện như Quan Âm, — hay Tuyết Sơn?.. hay Di Lặc?.. chắc Quan Âm! Nếu là Van-gốc — hay Ra-pa-en?.. chắc Van-gốc — thì đã có thể khắc họa một bức chân dung để đời xuyên thế kỷ treo ở phòng tranh — gì mà chi... a-cốp ấy — ờ... cái phòng tranh ấy, ở Liên Xô. Còn tôi, — trước mắt, — thì cứ phện lại đã! Hai phát: một phát cận cảnh, một phát cùng xe đờ-dim — cố ý treo cái mũ bảo hiểm lòi ra trên ghi đông phía gần ống kính, để làm điểm nhấn, để khắc họa sâu sắc một ấn tượng xe ôm.


Lẵng hoa, đồ ăn bày bừa trong quầy, xe rác, bà già ngồi xe lăn bán vé số dạo, bà nội trợ mặc quần ngủ hoa và áo com-lê đen đang bước mải miết qua hàng la-vi (Bà có quan tâm đến ngoại cảnh hay không? Hay bà đã thu mình vào một tiểu vũ trụ rất riêng? Bà đang vội vã đi đâu vậy?!)... — Tôi phện liên tục!


Kỳ lạ?! Nghệ thuật là ngay đây, quanh mình, ngay trên mỗi bước chân, chứ xa xôi gì?! Trước giờ, sao tôi sống cục mịch đến như thế được nhỉ?!


"Kịch kịch"...


Thân và ống của tôi suốt cả buổi sáng hôm ấy, rồi suốt cả buổi chiều, — trưa tôi làm vội hai bát phở pát-xtơ với mấy cái quảy; ông trời dường như cũng ủng hộ tôi, cả ngày không hề có một gợn mây, — đã được một bữa phện liên tục, dồn dập, thỏa thích, chất ngất, như say, như hét lên, như lịm đi được!


Tắt nắng... à, thiếu sáng hẳn, tôi mới về nhà.


Tôi ăn ù cho xong bữa tối...


(Còn nữa)

Đã có 2 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Anonymous bi bô...

Đợi coi tả sản phụ hoá rồng thế nào mà toàn kịch kịch rồi dum vào dum ra hoài, :)
Thích cái khúc tả về nắng vàng!

Anonymous bi bô...

Tộ sư, Đào fò viết buồn cười đ' tả =))

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...