IV
— Sắp sang xuân rồi, tuyết sẽ tan, nhưng trời vẫn lạnh. Em cứ dùng tiếp cái này.
Hai người ngồi cạnh chiếc bàn to ở dưới hầm máy, A-nhi-a đang cầm tay Mai Phương, đặt vào đấy một cái hộp tròn bèn bẹt màu xanh công nhân, trên nắp có chữ trăng trắng. Cô và Mai Phương cùng với Xéc-giô vừa làm việc suốt buổi chiều, "người mẫu" đã có vẻ thấm mệt.
"Cái lưới" của Phi Long không dùng được, bây giờ mọi người quyết định phải nỗ lực gia tăng phần dữ liệu tĩnh. Mỗi lần Phi Long xuống hầm máy, nhìn thấy phai dữ liệu to lên, là lại đi đi lại lại, vò đầu bứt tai, nhấp nha nhấp nhổm.
"Hơn hai mươi người, làm hơn hai mươi cái mô hình tĩnh." Anh chàng lẩm bẩm nhắc lại "chiến tích" làm láp ngày xưa. "Xéc-giô, sao lần này mình làm đếch được?"
Xéc-giô lúc đấy đang ngồi gõ lọc cọc, cười cười không nói gì; A-li-ô-sa xen vào: "Đại kiện tướng học gạo, cái gì... à sống đúng tuổi của mình đê! Sao càng ngày lại càng lười thế?!"
Phi Long ngồi nhoài khuỷu tay trái ra mặt bàn, tì cằm lên, gãi đầu như khỉ, ngước mắt mệt mỏi: "Là tao ngu, nên làm khổ bọn mày."
— Dạo này Phi Long đi đâu hả chị? — Mai Phương chợt hỏi.
— Chị tưởng... — Cô hơi ngơ ngác.
— Phi Long đã dạy em hết một số nội dung chính ở lớp cuối phổ thông, bảo là đang chuẩn bị cho em một "chuyên ngành" riêng. Mà dạo này mất hút. À... thời gian này "em đang học tiếng của chị". — Cô gái chợt nói rõ ràng như đánh vần, không dùng tiếng Anh.
— Phi Long giờ chỉ đêm mới mò xuống đây. Ban ngày y rúc trong thư viện ở đây, hoặc bên trường tổng hợp, không thì ở văn phòng khoa chỗ thày Đét-lam. Hôm trước y bảo "cái lưới" đấy... — Kốt-xchi-a nghe bập bõm được câu hỏi của Mai Phương, quay sang đang giải thích, thấy cô đặt một ngón tay lên môi, đánh mắt về phía Mai Phương, vội thôi.
Cô đang thuật lại cho Mai Phương hành tung của Phi Long thì Đim-ma nãy giờ vẫn ngồi im lặng, chăm chú ghi ghi chép chép ở bên cạnh chợt hỏi:
— Thi vào trường này có khó không, anh Kốt-xchi-a? — Hôm nay nó vác cả ba lô sách vở xuống dưới này, bày la liệt ra cái bàn to, ngồi học có vẻ rất nghiêm túc.
— Bọn anh thì bình thường, anh Phi Long thì khó. — Kốt-xchi-a, bây giờ râu, tóc, kính giống hệt John Lennon, bảo nó.
— Là sao?
— Miễn là chú đừng dốt hơn... A-li-ô-sa, thì thi vào đây không có vấn đề. Còn Phi Long, y bảo y phải luyện thi y như gà chọi.
— Sao lại... gà chọi? — Cô tò mò.
— Y không kể..? — Kốt-xchi-a có vẻ hơi ngạc nhiên, tiếp. — Có quyển giáo trình vật lý, tất cả các bạn đi thi ở đấy đều phải cố học thuộc lòng cả quyển. Ở quê y ngày xưa có một ông trạng đi ngang qua một cái bia đá đầy chữ dựng ở bãi biển đúng lúc thủy triều đang lên nhanh. Để đọc kịp chữ trên bia, ông này bèn đọc ngược từ dưới lên theo nước thủy triều và nhớ hết nội dung. Phi Long tính toán là ông này vì bị thủy triều ép phải đọc ngược nên sẽ phải huy động thật lực bộ nhớ, nhờ đấy mà nhớ nhanh hơn lúc đọc bình thường. Y bảo bây giờ y vẫn còn có thể đọc ngược cả quyển vật lý kia từ chữ cuối cùng đến chữ đầu tiên. Nếu Phi Long không mải học đánh đàn, chắc y đã đi thi toán quốc tế, và bây giờ đang học bên trường to bên kia, ở trên đồi. Y bảo luyện thi cái đấy thì còn nhục nữa.
— Em tưởng Vê-rôn-na dạy Phi Long đánh đàn?..
Thánh Kinh bảo rằng Chúa Trời đã ngồi nặn đất, nặn xong thì ông bèn hà hơi chín chuối vào để làm ra chúng ta. Sau này, có một chúng ta tên là Darwin lại làm được cho rất nhiều chúng ta khác một lòng tin tưởng rằng chúng ta chính là khỉ đã bị rụng bớt lông rồi bèn đứng thẳng lên bằng hai chân (hoặc là đứng lên trước rồi rụng sau, cũng được).
Thật sự thì cho đến giờ vẫn có người tin thế này, có người tin thế kia, cũng chưa thể mà biết được là ai đúng ai sai, ai tin đúng ai tin sai, cũng chưa thể hiểu là nếu đúng, nếu sai thì vì sao chúng ta lại không bị giống như gốm sứ Bát Tràng, hay là tại sao mà đến tận giờ thì khỉ (chưa rụng lông) vẫn cứ la liệt ra.
Tuy nhiên nói chung thì bao giờ cũng luôn luôn đã phải tồn tại những sự chấp nhận đại khái nào đó của số đông, gọi là những quan niệm chung. Ví dụ như là đa phần chúng ta đều mặc định quan điểm là ở vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy khi mà chúng ta mới có thì chúng ta ngoài chuyện rụng lông và đứng hai chân thì thực chất cũng không khác mấy so với khỉ bây giờ.
Một trong các thứ không khác khỉ mấy đấy là lúc bấy giờ chúng ta chưa hề có tiếng nói. Tiếng nói mà chưa có thì phải nói là chúng ta hiểu không sai ý nhau đã là chuyện điên rồ, sao còn mơ lên tận trời xanh?
May mà vào một chuỗi ngày đẹp trời, tiếng nói đã hình thành.
Tiếng nói lúc đầu còn ít thì chúng ta nói ít, sau thì bắt đầu nói nhiều dần lên. Và đến một thời điểm khi mà sự nói nhiều đã đạt đến một cấp độ đáng nể nào đó thì chúng ta bắt đầu bị tiến hóa theo hai hướng khác nhau. Khoảng non một nửa chúng ta đến lúc đấy tự nhiên thì bắt đầu nói ít dần đi, và nói có chất lượng hơn. Già nửa còn lại, dường như không thể đạt được sự thỏa mãn, thì vẫn tiếp tục nói càng ngày thì lại càng nhiều hơn; ngày nói, đêm đang ngủ bỗng thức dậy nói; nói về đời sống nội tâm, nói về những khát vọng mê say mơ ước của em thời còn trẻ, nói về tất cả những cái mà không cần phải nói thì ai ai cũng đều đã biết cả rồi; não vẫn còn chưa kịp nghĩ xong thì mồm đã bắt đầu tự động nói... — nghĩa là số lượng nói thì ngày càng nhiều không thể tả còn chất lượng thì càng ngày lại càng vô cùng thê thảm.
Và hai xu hướng này đã tiếp tục tay trong tay hai người đồng chí dẫn nhau đi cho đến tận hôm nay và ngày nào cũng vẫn đang tiếp tục tay trong tay không ngừng nghỉ.
Nhưng dù sao thì mặc dầu là nói nhiều hay nói ít thì nói gì nói cũng vẫn hơn là không biết nói. Thông tin bắt đầu trở nên dễ được trao đổi hơn. Hiểu biết của người này bắt đầu trở nên dễ chuyển được sang người khác hơn. Và mỗi chúng ta nhờ đó mà có thể khôn lên nhanh hơn.
Chúng ta dần dần hiểu thêm được nhiều thứ và trong các thứ mà chúng ta hiểu thêm đó có một thứ là chúng ta hiểu là ở chính chúng ta có nhiều sự không ổn định và thiếu tin cậy một cách khó hiểu. Chúng ta nhớ nhớ quên quên, hiểu không hiểu, hiểu tưởng không hiểu, không hiểu tưởng hiểu, hiểu đúng hiểu sai, nói với người khác được đúng cái mình hiểu đúng đúng cái mình hiểu sai, hoặc là lại nói sai chính cái đó... Cái này làm cho thông tin bị loạn xì ngậu theo số lượng những người truyền đạt, và nhược điểm hơn nữa là bị nhố nhăng và thất truyền theo trục thời gian.
Có một đoàn khảo cổ nào đó tìm thấy những ký tự nào đó ở trên vách đá một cái hang xưa cũ nào đó, và không thể nào hiểu nổi ý nghĩa nào đó của chúng, hoặc là tưởng là hiểu được rồi thật là hay quá trên cả tuyệt vời... thì lại hiểu sai. Ví dụ, có những chỗ đã hoàn toàn tin tưởng là cổ nhân tả cảnh chăn bò bèn sắp chuyển sang nghiên cứu về bãi cỏ thời rất xa, hóa ra cái đấy lại là một kiểu kinh thư Kamasutra của các người ngày xưa. Tức là đang có rất nhiều những thứ mà chúng ta ngày xưa biết còn chúng ta bây giờ không biết, tìm thấy xuộc rồi vẫn tiếp tục không biết, hoặc là có khi còn tệ hơn: biết sai.
Cái cơ chế hiệu quả nhất trong việc truyền đạt thông tin theo trục thời gian này, khi đó, vì vậy, hóa ra cuối cùng lại chính là cơ chế mà tự nhiên đã làm sẵn cho chúng ta, thông qua một phân tử có thể nói là phức tạp nhất trong các loại phân tử. Cái phức tạp này đã ra đời cách bây giờ khoảng ba tỉ rưỡi năm và mang tên là Đê-ô-xi-ríp-bon-nu-cờ-lê-íc A-xít.
Tên này quá dài nên thường được gọi ngắn lại là DNA. DNA nằm ở trong mỗi tế bào của mỗi chúng ta.
Phân tử DNA là một cấu trúc có hai dây xoắn kép nếu phóng thật to hoành tráng thì trông sẽ na ná như là một cái cầu thang xoắn ốc. Hai dây của xoắn kép được dính vào nhau bởi các cặp ba-giơ, tương tự như những cái song sắt ở thành cầu thang nối cái tay vịn cầu thang với cái bờ trôn ốc ở phía dưới.
Có vài loại cặp ba-giơ khác nhau, và thứ tự tổ hợp sắp xếp các loại cặp ba-giơ khác nhau này xác định những thông tin di truyền được lưu trữ khác nhau.
Phân tử DNA tự sao chép từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Trong khi sao chép, có thể có lỗi xảy ra làm thay đổi thứ tự tổ hợp sắp xếp các cặp ba-giơ. Đa phần những lỗi kiểu này sẽ tạo ra các phân tử DNA dặt dẹo hơn so với nguyên bản. Bọn dặt dẹo này sẽ tự bị đào thải một cách đau thương.
Nhưng xuân xít thế nào, trong một số ít ỏi trường hợp, lỗi sao chép vô tình lại tạo được ra những phân tử DNA hùng tráng hơn so với DNA gốc. So với bọn hùng tráng này thì bọn gốc lại chính là bọn dặt dẹo. Đấy là cách DNA tiến hóa và thông tin nó mã hóa ở bên trong tăng độ phức tạp.
Chúng ta sẽ chỉ việc sống, học tập, làm việc, và chờ đợi những lỗi may mắn sẽ làm ra chúng ta tốt hơn, Mẹ Thiên Nhiên sẽ an bài cho chúng ta, chúng ta yên ổn và vô can...
Tiếc là có một chút đáng tiếc lớn, đấy là thời gian của chúng ta hoàn toàn không giống như của Mẹ.
Nếu theo thời gian của chúng ta thì Mẹ làm bất kỳ cái gì cũng tột cùng thong thả và cầu kỳ đến quá sức sốt ruột. Ví dụ, Mẹ đã cho hàng ti tỉ ti tỉ ti tỉ... những vi sinh vật sống ký sinh trên một loại cây san hô ngầm ở dưới đáy biển. Bọn vi sinh này ngày nào cũng tổ chức liên hoan cơ man nào là những của ngon vật lạ ở trong nước biển và ị ra đá vôi. Những hòn đảo danh lam thắng cảnh rồng chầu hổ phục xếp loại di sản văn hóa thế giới của chúng ta bây giờ đã dần dần nhô lên từ dưới đáy biển sâu sau một quá trình ị liên tục không biết mệt mỏi tầm khoảng hai trăm ngàn năm gì đó của bọn liên hoan kia.
Hai trăm ngàn năm cũng lâu. Nhưng nếu thi đi xe đạp chậm, thì bọn liên hoan còn phải gọi DNA bằng cụ. Trong khoảng hai tỉ năm đầu DNA cứ sau một trăm năm thì mới tăng thêm được một bít thông tin. Tốc độ liên hoan gọi bằng cụ đó có được cải thiện dần cho đến vài triệu năm trước thì vẫn chỉ tăng thêm được một bít, nhưng trong một năm. Chúng ta bèn sốt ruột. May mà chúng ta đang sốt ruột lắm thì bỗng vào khoảng tám ngàn năm trước đã xảy ra một sự đột phá quan trọng tên là “Chữ Viết”.
Biết viết, chúng ta đã có một kênh thông tin với băng thông vô cùng hoành tráng để truyền thông tin từ thế hệ tới thế hệ.
Kể từ đây, một cuốn truyện bìa mềm diễn tả sinh động chuyện tình gái ngẫn, hay thể hiện sâu sắc nội tâm chã ngọng... cũng chứa được một lượng thông tin nhiều bằng sự khác nhau trong DNA giữa một con khỉ to và một nhà văn. Nếu bây giờ viết tất cả thông tin từ DNA của bất kỳ một trong số chúng ta ra giấy, đại khái sẽ không thể dài hơn được, cùng lắm là bằng, tất cả truyện chưởng của võ lâm tiền bối Kim Dung.
Còn tốt hơn nữa, là ngoài chuyện băng thông hoành tráng, kênh thông tin này còn cực dồi dào về tốc độ cập nhật. DNA sẽ miệt mài đá vôi gọi bằng cụ để thêm được một bít dễ thương nào đó trong một năm, còn cũng trong năm đó, sẽ có khoảng hai trăm ngàn cuốn sách mới được xuất bản, tức là vào khoảng trên một triệu bít một giây.
Cũng cần nói thêm là cũng na ná như cái quy luật nói nhiều mà chúng ta đã nói nhiều ở trên thì thông tin nhiều như thế thì đa phần sẽ là vô cùng vô bổ. Mặc dầu vậy, chỉ cần có một bít trong một triệu bít là hữu bổ thì thế đã là nhanh gấp hàng trăm ngàn lần so với DNA đá vôi gọi bằng cụ rồi...
Lúc bắt đầu học ngoại ngữ để chuẩn bị đi học nước ngoài, anh đã học rất chăm chỉ. Không phải tại anh thích học ngoại ngữ, mà lúc đấy anh nghĩ là nếu học thật cẩn thận một cái, thì sẽ dựa vào đấy lập được ra một số công thức chung, và anh có thể dùng những công thức đấy để suy ra nhiều ngoại ngữ khác một cách tương đối nhanh, đơn giản và khỏi mất công.
Kết quả là đã không lập được những công thức chung khả dĩ có thể thỏa mãn được nhu cầu lười, không những thế, từ đấy anh còn càng không thích ngoại ngữ hơn. Có nhiều người cùng tham gia phát triển cái này quá, ai cũng tham gia được, ngôn ngữ, anh kết luận, rốt cuộc đã thành một hệ thống "không được thông minh lắm".
Anh thích những công thức đẹp. Với anh, những thứ có công thức đẹp mới là những thứ thông minh. Nên lúc nhìn thấy "cái lưới", anh bèn mê mẩn lập tức.
Thật tiếc là nó đẹp như vậy, nhưng lại không khả thi.
"Đỏ năm mươi", "Xanh lục tám mươi", "Xanh dương ba mươi". Anh đã giành trọn một buổi chiều đầu mùa đông có nắng, mặc áo da lông sùm sụp cả mũ ngồi trên bậu cửa sổ rộng mở tung, đong đi đong lại, pha phách, thêm bớt, so sánh, nhòm ngó những màu sắc thật được quấy bằng bút lông trên bảng pha màu bằng gỗ dán, cuối cùng tin tưởng được công thức đấy. Năm, Tám, Ba.
— Anh sẽ không bao giờ hình dung sai màu mắt em. — Anh phấn khởi. — Mai có nắng, anh sẽ kiểm tra màu tóc.
— Không!.. Em cấm anh!
"Ừ, màu tóc rồi sẽ thay đổi..."
Chiếc máy bay cứ nhằm thẳng phía trên cao, vừa tự xoay tròn, vừa vun vút lao lên theo một đường thẳng đứng.
"Thiên nga bay thẳng lên những tầng mây,
Gián đoạn bài ca.
Và, bình thản khép chặt đôi cánh,
Rơi xuống đất."
"Lòng chung thủy của thiên nga". Thiên nga cái bị bắn chết. Thiên nga đực hát bài ca buồn bã, rồi bay thẳng lên những tầng mây... Đã có một truyền thuyết như vậy, sau được làm thành bài hát hẳn hoi.
Vẫn chưa có truyền thuyết về lòng chung thủy của máy bay. Bay lên đến điểm cao nhất, máy bay bèn lộn nhào cắm đầu lao thẳng xuống. Nếu cứ lao cắm đầu như thế đến đất, thì thiên nga còn phải gọi máy bay bằng cụ. Nhưng mới cắm được một đoạn, máy bay bèn lượn một vòng điệu nghệ theo đường chu vi phía dưới của một vòng tròn dựng đứng tưởng tượng. Ngóc lên đến gần ngang với tâm của vòng này, nó bèn nghiêng cánh sang phải, vẽ tiếp một đường tròn nằm ngang với cùng bán kính. Được đúng nửa vòng, nó lại nghiêng cánh sang trái, vẽ tiếp một đường tròn nằm ngang nữa, cũng cùng bán kính. Nó đã vẽ được kín vòng này. Bình thường thế, ai cũng sẽ tưởng nó sẽ vẽ tiếp số tám. Nhưng chỉ vừa kín vòng, thì nó bèn bay thẳng. Phía trước đã là một hồ nước dài. Nó bèn hạ nhanh độ cao rồi chúi thẳng xuống hồ. Mặt nước đã ở ngay phía dưới. Không có phao thủy phi cơ. Không có bánh xe. Cũng không thấy càng mở ra. Đến gần mặt nước, tưởng nó sẽ bị đập bụng xuống, thì lại thấy nó ngóc ngay đầu lên. Hình như động cơ bị ngắt, không còn lực đẩy, chỉ còn quán tính, ở tư thế đấy, cặp cánh rộng trông hơi giống cánh F117 của nó đè vào không khí theo hướng đang bay. Nó khựng lại...
Không khí mùa xuân, vào lúc chiều đang xuống chầm chậm, có mùi đất, mùi cỏ, mùi cây, mùi hơi ấm còn vương vấn của nắng. Họ vừa ngồi xuống thì chỗ vỉa hè ngoài mặt phố có một tốp mấy thanh niên đi chơi rong ngang qua, một anh chàng vác cả cái máy cát-xét màu đen to tướng trên vai. Tiếng kèn Sắc-xô-phôn xa vắng, day dứt trên nền trống tay. Nhạc đi theo chân người, — âm thanh lập thể. Cô hát khe khẽ theo tiếng nhạc: "Hãy cầm đàn ban-giô gảy tôi nghe vào phút chia ly..." — Ban nhạc có cái tên bắt đầu bằng tên con tàu nổi tiếng của thuyền trưởng Nê-mô.
Anh nghếch miệng vại bia, phát triển tiếp chủ đề "Nau-ti-lút Pôm-pi-lút": "A-lanh Đờ-lông, A-lanh Đờ-lông không uống A-đê-ca-lôn. A-lanh Đờ-lông, A-lanh Đờ-lông uống bia Giu-gu-li. A-lanh Đờ-lông nói toàn ngoại ngữ..." — Anh xuyên tạc.
— Dạo này học hành thế nào? — Anh hỏi. Thời gian vừa rồi anh ít về ký túc xá.
— Đều đều. Lớp em không có loại... nhố nhăng như anh.
Anh nhâm nhi ngụm bia, ngắm nghía những sợi tóc mềm mượt màu hạt dẻ sáng, vừa chấm vai, những ngọn tóc hơi uốn móc câu về phía trước, ôm lấy khuôn mặt trái xoan, lớn rồi mà trông như mặt trẻ con.
— Con gái lớp em... có bạn nào xinh... có nhiều bạn xinh không?
— Nhiều. Xvét-ka thỉnh thoảng vẫn kể về anh đấy, các bạn thích lắm. Anh có cần em giới thiệu... — Xvét-ka bị sốt cao mãi mới khỏi, đúp mất một năm, giờ đang học lớp cô.
— Anh sống ở ngay cạnh bạn xinh nhất lớp, giới thiệu nữa làm gì?
— Xinh nhất á, xinh nhất thì phải: "Em sẽ không bao giờ quên màu mắt của anh: Không, Không, Không" cơ. — Cô nhại khẩu ngữ châu Á của anh.
— H... — Anh cũng phải tự phì cười, thò tay phải, còng còng ngón tay trỏ định cốc vào đầu cô; tay đến gần, nghĩ thế nào, lại thả ra, vuốt vuốt phần lưng mấy ngón tay xuống tóc cô, cô hơi nghiêng đầu vào tay anh.
— Bọn anh dạo này nhiều việc lắm hả? Cả A-nhi-a cũng không thấy qua.
Anh ậm ừ... Một lúc, anh hỏi:
— Vê-rôn-na, những lúc buồn em hay làm gì?
— Em cố xếp nó nằm yên một chỗ... làm những việc không buồn khác.
— Nếu không có việc không buồn khác?
— Không biết. Em chưa bao giờ bị thế... — Cô nhún vai — Lúc nào chả có những việc không buồn? Lái máy bay, hoặc là ban ngày... — cô cười — tắm truồng giữa công viên.
— Em...
— À, — cô sực nhớ ra — ở khoa ngoại ngữ nhắn là cuối tuần này có văn nghệ gì đấy của sinh viên ngoại quốc khóa anh đấy...
Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (9)" đầy đủ:
http://www.mediafire.com/?i4q1b9429c0u8nb
http://www.megaupload.com/?d=U67YT1GW
Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN" (với những người chưa biết):
http://philong58.blogspot.com/2010/08/lap-trinh-vien-2.html