Lập Trình Viên II (58)

Bối cảnh, thành phần, và số lượng như vậy, không khó hình dung tính chất quyết liệt và mức độ gay gắt của cuộc bầu cử. Cuối cùng, đại hội bầu được Sa Hoàng mới là Mi-khai-in Phê-đô-rô-vích, lấy hiệu là Mi-khai-in I, một người mặt mũi giống hệt như I-van Khủng Khiếp, được cái đỡ quạu hơn.
Đấy là Sa Hoàng đầu tiên của triều đại Ra-man-nốp, triều đại có thể nói là huy hoàng nhất trong lịch sử nước Nga.

Từ Mi-khai-in I, triều đại Ra-man-nốp cha truyền con nối thêm được hai đời, đến vị Sa Hoàng thứ ba, Sa Hoàng Phê-ô-đo A-lếch-xây-ê-vích, hiệu là Phê-ô-đo III, là một người yếu ớt và ốm đau oặt oẹo, như tất cả những người con trai mà mẹ ông sinh ra, — bố ông còn có những người vợ khác.
Sa Hoàng bị mắc chứng bệnh thiếu hụt vi-ta-min C từ nhỏ, ông chỉ sống được hai mươi mốt năm, ở ngôi sáu năm, có hai người vợ, vợ cả sinh được một người con trai là I-li-a, Hoàng Tử I-li-a có mặt ở trên đời mười ngày.
Hai em trai Sa Hoàng, — I-van, khi đó mười lăm tuổi, là em cùng cha mẹ; và Pi-ốt, mới mười tuổi, là em cùng cha khác mẹ, — một người cũng yếu ớt và đau ốm, còn một người thì bé quá, cho nên cuộc tranh giành vương miện mặc dù diễn ra rất quyết liệt, nhưng không phải giữa hai anh em bọn họ, mà là giữa dòng tộc Min-la-xláp-xki bên ngoại I-van, và dòng tộc Na-rư-skin bên ngoại Pi-ốt.
Nhưng quyết định cuối cùng phải là do Hội đồng Quý tộc đưa ra. Hội đồng và Giáo Chủ I-ơ-a-kim — cứ mặc định coi như I-van kiểu gì rồi cũng chết sớm, và vương miện trước sau cũng thuộc về Pi-ốt — đã đưa Pi-ốt lên ngôi, lấy hiệu là Pi-ốt I.
Bấy giờ lính Bộ binh Súng dài, một lực lượng quan trọng của quân đội, đang chất chứa nhiều bất mãn từ suốt thời Sa Hoàng Phê-ô-đo III, vì sự chậm chễ cũng như thiếu hụt lương bổng, cộng thêm những hành vi ăn chặn và lộng quyền phổ biến trong hàng ngũ sĩ quan chỉ huy. Công Chúa Xô-phi-a A-lếch-xây-ép-na, hai mươi lăm tuổi, chị cùng cha mẹ với I-van A-lếch-xây-ê-vích, dựa vào dòng tộc Min-la-xláp-xki, đã tìm cách lợi dụng chuyện này, xúi giục lính Bộ binh Súng dài làm binh biến, vây chặt Điện Krem-linh, và đòi Sa Hoàng phải truy trả lương bổng, theo con số mà họ tự đưa ra.
Ngân khố khi đó rỗng không, và tiền đã phải cố tìm cách huy động từ khắp trong cả nước, ngay đến những đồ vàng bạc trong nhà bếp hoàng cung cũng đã phải đem nấu chảy ra để đúc thêm tiền.
Mấy ngày sau Bộ binh lại yêu cầu phải đưa cả I-van A-lếch-xây-ê-vích lên ngôi, lấy hiệu là I-van V. Được vài hôm, họ lại đòi phải đưa nốt Công Chúa Xô-phi-a A-lếch-xây-ép-na lên làm Nhiếp Chính, — vì các Sa Hoàng đều còn nhỏ. Không những thế, ngừa trước những hậu quả cho mình, Bộ binh còn buộc Sa Hoàng phải làm cam kết, xác nhận tất cả những hành động binh biến mới đây thôi của họ là hợp pháp, đúng theo thẩm quyền, và vì lợi ích của quốc gia.
Triều đình không còn cách nào khác là phải đáp ứng mọi yêu sách. Được đằng chân lân đằng đầu, từ đó lính Bộ binh Súng dài càng lúc càng lộng quyền, và luôn tìm cách gây áp lực với triều đình, cho đến khi Nhiếp Chính Xô-phi-a A-lếch-xây-ép-na, dựa vào lực lượng Vệ binh của triều đình, tìm cách bắt được Công Tước Kha-van-xki, là chỉ huy Bộ binh Súng dài, và khống chế lại được đám kiêu binh này.
Kiểm soát được Bộ binh Súng dài, thì hai Sa Hoàng I-van V và Pi-ốt I dù vẫn tiếp tục cầm quyền, nhưng chỉ còn trên danh nghĩa, — thực chất quyền bính đều đã nằm hết trong tay Nhiếp Chính Xô-phi-a A-lếch-xây-ép-na. Hồi ấy trong cung điện kê một cái ngai vàng "kẹp đôi", có hai chỗ ngồi cân đối "vai kề vai", trên lưng tựa có một ô cửa nho nhỏ, — những lúc thiết triều thì hai Sa Hoàng ngồi ngai, còn Nhiếp Chính ngồi sau ô cửa.
Sa Hoàng Pi-ốt A-lếch-xây-ê-vích càng lớn càng tỏ ra ham thích các hoạt động có tính chất quân sự. Ông cùng đám trẻ con đồng trang lứa lập ra một đội quân của mình, gọi là "Đội quân Khôi hài", và rủ nhau tập trận, đắp pháo đài, tổ chức đánh trống diễu binh... Nhưng có điều khác so với nhiều trẻ con cũng thích chơi "bắn bùm" khác, tất cả những thứ "quân sự" mà Sa Hoàng chơi khi còn bé, về sau đều thành ra hoàn toàn không phải là "đồ chơi" nữa: Sa Hoàng mười sáu tuổi, thì Đội quân Khôi hài đã thành hai trung đoàn đầy đủ quân phục và súng ống đạn dược, thậm chí có cả pháo binh; pháo đài đắp để đánh trận giả thì khó tìm ra được điểm còn khác biệt so với một pháo đài thực thụ; ngay cả chiếc tàu kiểu Anh bị hỏng, trước đây được lính "Khôi hài" dùng giả làm tàu chiến, giờ cũng đã được hạ thủy suống sông I-a-u-da và bơi đến hồ Plê-sê-e-vơ, nơi Sa Hoàng đã chọn để đặt xưởng đóng tàu đầu tiên của nước Nga.
Không tìm được những người Nga khả dĩ dạy được mình cách tổ chức quân đội và những kiến thức về khoa học quân sự, Sa Hoàng tìm đến chơi với những người Đức tại khu định cư của họ ở Mát-xcơ-va. Giao du với những người nước ngoài ở đây, Sa Hoàng tỏ ra rất hợp với tác phong dân dã thoải mái của họ. Mẹ ông, Nữ Hoàng Na-ta-li-a Ki-rin-lốp-na, không mấy hài lòng với chuyện này, và để tu tỉnh con trai, bà bèn cưới vợ cho ông.
Tháng Một năm 1689 Sa Hoàng Pi-ốt lấy vợ — con gái một vị cận thần, — vài tháng sau thì ông tròn mười bảy tuổi. Sa Hoàng I-van cũng đã lập gia đình từ trước đấy, cho nên thực tế đã không còn bất kỳ một sở cứ nào cho "trách nhiệm" nhiếp chính của Công Chúa Xô-phi-a A-lếch-xây-ép-na, — bản thân Nhiếp Chính, hơn ai hết, hẳn nhiên cũng đã hình dung được tình thế, lại vẫn luôn lo ngại trước những hành vi nặng thiên hướng "chiến sự" của Sa Hoàng Pi-ốt, nên bà càng nỗ lực hơn để nắm giữ lấy quyền hành; những người ủng hộ Nhiếp Chính thậm chí còn đã ấp ủ cả một kế hoạch để đưa bà lên ngai vàng, nhưng bị Giáo Chủ I-ơ-a-kim nhất quyết phản đối.
Sa Hoàng Pi-ốt cũng nhiều lần công khai tỏ thái độ về những quyền chính đáng của mình, nhưng không ăn thua, — các chỉ huy Bộ binh Súng dài và các đại thần vẫn tiếp tục chỉ tuân theo ý chỉ của Xô-phi-a A-lếch-xây-ép-na. Giữa Điện Krem-linh, tổng dinh của Nhiếp Chính, và làng Prê-áp-bra-gien-xkơi-e, tổng dinh của Sa Hoàng Pi-ốt, luôn lơ lửng nặng nề một bầu không khí thù địch và ngờ vực căng thẳng, — bên nào cũng nghi đối thủ đang ngấm ngầm âm mưu giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực.
Trong đêm mùng bảy rạng ngày mùng tám tháng Tám năm 1689, nhiều người dân làng Prê-áp-bra-gien-xkơi-e bỗng bị đánh thức bởi những tiếng chân chạy ngoài đường. Có những lính Bộ binh Súng dài vội vã tới đây, — thuộc nhóm trung thành với Sa Hoàng, họ mang theo tin tức đang được lan truyền nhanh ở Mát-xcơ-va: "Nhiếp Chính Xô-phi-a đang tập trung quân sĩ về Krem-linh, chuẩn bị tấn công Prê-áp-bra-gien-xkơi-e, tiêu diệt Sa Hoàng."
Chỉ kịp dẫn theo một toán tùy tùng con con, Sa Hoàng Pi-ốt vội vàng lên ngựa, hối hả trong đêm, gấp gáp chạy ngay đến Tu viện Tờ-rôi-ít-xe Xe-rghi-ép. Phải sáng hôm sau, Đội quân Khôi hài — lúc này kỳ vọng là khả dĩ đủ sức tổ chức phòng ngự dài ngày sau những bức tường của tu viện — mới hộ tống Mẫu Hậu và Hoàng Hậu tới Tờ-rôi-ít-xa.
Tin Sa Hoàng "Nhỏ" chạy khỏi Prê-áp-bra-gien-xkơi-e làm cho Mát-xcơ-va rung động, — ai cũng hình dung ngay, cuộc thư đệ tương tàn vậy là đã bắt đầu, và hẳn khó có thể kém phần khốc liệt.
Nhiếp Chính Xô-phi-a yêu cầu Giáo Chủ I-ơ-a-kim đến Tờ-rôi-ít-xa để tìm cách xoa dịu vị Sa Hoàng "Nhỏ"; nhưng khi đến nơi, Giáo Chủ, quyết ủng hộ Sa Hoàng của mình, đã không quay trở về Mát-xcơ-va nữa.
Ngày mười sáu tháng Tám, Sa Hoàng Pi-ốt gửi một sắc lệnh cho quân đội, yêu cầu các chỉ huy trung đoàn mỗi người mang theo mười lính tùy tùng tới ngay Tu viện Tờ-rôi-ít-xe Xe-rghi-ép để hội kiến. Nhiếp Chính Xô-phi-a lập tức nghiêm khắc ngăn cấm quân đội, đe dọa xử tử những ai nghe theo lệnh Sa Hoàng; và quân đội chỉ gửi cho Sa Hoàng một thông báo, cho biết họ không tài nào tuân lệnh được.
Đến ngày hai mươi bảy tháng Tám, Sa Hoàng hạ tiếp một lệnh nữa, lần này yêu cầu tất cả các trung đoàn đưa hết quân đến Tờ-rôi-ít-xa.
Toàn quân, công khai hoặc âm thầm — nhiều sĩ quan và binh lính đã lén bỏ chạy tới Tờ-rôi-ít-xa, — đa phần đều ngả theo chiều hướng phục tòng Sa Hoàng của mình, vị Sa Hoàng hợp hiến với những biểu hiện tướng soái thiên bẩm rõ nét. Hiểu là gió đã xoay chiều, Nhiếp Chính Xô-phi-a bèn tự mình dẫn theo một đoàn tùy tùng đến Tờ-rôi-ít-xa, hy vọng vớt vát được một thỏa thuận riêng, với người em trai Sa Hoàng. Cả đoàn này bị một đơn vị Bộ binh Súng dài chặn lại ở làng Vát-dờ-đvi-gien-xkơi-e, thông báo là Sa Hoàng không tiếp Nhiếp Chính, và ra lệnh cho bà phải lập tức quay về Mát-xcơ-va.
Mười ngày sau, quân của Sa Hoàng bắt và chém đầu chỉ huy Bộ binh Súng dài Mát-xcơ-va — lực lượng Bộ binh Súng dài đồn trú ở Mát-xcơ-va, ủng hộ Nhiếp Chính, — đày biệt xứ vài đại thần trung thành với Nhiếp Chính, lệnh cho Nhiếp Chính Xô-phi-a phải vào nhà tu kín, và bị canh giữ ở đó.
Gặp lại em giai ở Krem-linh, Sa Hoàng I-van V vui vẻ trao tất cả quyền bính cho em, — ông chỉ sống thêm được bảy năm, vẫn tiếp tục là Sa Hoàng "Lớn", nhưng thực tế không còn tham chính nữa.
Nhưng ngay cả sau mọi chuyện này, Sa Hoàng Pi-ốt I cũng vẫn chưa phải là đã thực sự trị vì được vương quốc của mình, — hạ bệ xong Nhiếp Chính Xô-phi-a, thì quyền lực trong triều đình gần như lại chuyển hết vào trong tay những trọng thần phía bên họ ngoại của Sa Hoàng, mà đứng đầu, không ai khác, lại chính là mẹ ông, Nữ Hoàng Na-ta-li-a Ki-rin-lốp-na. Có nhiều quyết định quan trọng đã được triều đình chuẩn y hầu như không cần đếm xỉa gì đến ý kiến của vị Sa Hoàng trẻ. Tình cảnh này đã gây ra nhiều mâu thuẫn rất công khai và bẽ bàng. Nhưng cũng phải đến khi Nữ Hoàng Na-ta-li-a Ki-rin-lốp-na hưởng thọ 42 tuổi, qua đời vào năm 1694, và nội các do bà dựng lên, dù không bị giải tán nhưng buộc phải tuyệt đối phục tùng Sa Hoàng, thì Vương Quốc Nga mới thật sự bắt đầu đi theo con đường của Pi-ốt I.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991 Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết chính thức sụp đổ, thì một nước tan tác thành mười lăm nước. Trong lúc các anh tôi, A-li-ô-sa, Kốt-xchi-a (nhất là Kốt-xchi-a), Xéc-giô, đang ngơ ngẩn về tư tưởng, — tôi thì vẫn thấy bình thường, chắc tại tôi còn bé, chưa có tư tưởng gì cả, — thì Phi Long nhăn mũi bảo các bạn:
— Phật bảo vô thường, Lê-nin chả cãi được đâu!.. Căn bản chúng mày được sinh ra ở cái chỗ mà mọi thứ nền tảng cơ bản đã được lão tiền bối Xta-lin dựng lên sẵn cho hết cả, quá ngon, quá ổn đi rồi... nên chúng mày mặc định... đến ý nghĩ là nó có thể khác, cũng chưa bao giờ nảy sinh. Chứ lịch sử đấy... Đế Quốc của Kỵ Sĩ Đồng còn kỳ vĩ với lâu dài hơn nhiều, mà Lê-nin vẫn làm sập được, thế thì Liên Bang Xô Viết phỏng đã là gì?! — Anh vỗ vai anh Kốt-xchi-a. — Biện chứng duy vật lịch sử tí đi em, sống cho nó dễ!
Kỵ Sĩ Đồng — Sa Hoàng Pi-ốt — hẳn phải có tổ tiên là ngư dân, nên ông dường như có một niềm yêu thích hết sức đặc biệt đối với các mép lục địa, — nói công việc mà ông mê say nhất, là tìm cách đẩy đường ranh giới lãnh thổ về phía các bờ biển có thể (theo nghĩa trực quan vẽ trên bản đồ), chắc cũng không sai.
Về phía nam nước Nga, có Biển Đen và Biển A-dốp.
Sa Hoàng bèn đánh nhau với Đế Quốc Át-xman, chiếm được đến Pháo đài A-dốp của Thổ Nhĩ Kỳ (Thổ khi đó là một phần của Át-xman) trên bờ biển A-dốp, ngay chỗ cửa sông Đông, và cho xây dựng luôn Cảng biển Ta-gan-rớc tại đó, — từ cảng này có thể đưa quân đến đánh vào phía đông bán đảo Krưm, từ phía biển; đánh được Krưm, thì sẽ đẩy được biên giới nước Nga tới Biển Đen.
Nhưng Át-xman khỏe quá, còn Sa Hoàng lại chưa đủ sức xây dựng một hạm đội cho ra trò, nên việc này rốt cuộc không thể mà làm được.
Thất bại, Sa Hoàng liền lập ra một phái đoàn ngoại giao, và bắt đầu đi khắp các nước Tây Âu, mục đích là tìm thêm đồng bọn, muốn lập một liên minh, để đánh nhau với Đế Quốc Át-xman. Nhưng chuyến đi này cuối cùng cũng không đem lại kết quả gì.
Bí đường nam tiến; về phía tây muốn tới được biển thì nghĩa là phải vượt ngang qua cả Châu Âu, chuyện này khó khả thi về mọi nhẽ; Sa Hoàng bèn nhắm lên phía tây bắc, ở đó có biển Ban-tích; và sang phương đông, dù bờ biển Thái Bình Dương ở mạn này xa lắc xa lơ.
Đường lên Ban-tích tuy không đến nỗi khó nhằn như phía tây, và không quá xa xôi như phương đông, nhưng cũng không đơn giản một chút nào. Tháng Tám năm 1700, Sa Hoàng tuyên chiến với Thụy Điển, bắt đầu một cuộc đánh nhau liên miên mà có những lúc sẽ tưởng như bất tuyệt.
Đối phó Thụy Điển, Sa Hoàng vẫn chia quân đông chinh; được cái hướng này dù xa nhưng đánh nhau dễ hơn, nên trong lúc chiến trường Thụy Điển hẵn còn ngổn ngang, thì đội quân đông chinh (thực ra thuận theo đường đất, đã kéo hơi chếch lên phía đông bắc) đã đặt được chân lên bán đảo Kam-trát-ka, bên bờ Thái Bình Dương, — Sa Hoàng thậm chí còn đã lên cả kế hoạch cho một cuộc thám hiểm vượt Thái Bình Dương đến Châu Mĩ để chiếm thuộc địa ở đây, nhưng về sau ông không kịp hiện thực hóa kế hoạch này. Có được lãnh thổ mới ở phương đông, Sa Hoàng tiếp tục lệnh cho cánh quân này tiến xuống miền nam, muốn đến tận biên giới — và nhòm ngó — Ấn Độ; nhưng quân lực của nước Nga dàn được đến đây thì mỏng quá, nên giữa đường đã bị thua.
Về phần trận chiến Thụy Điển, sau cùng thì đội quân Nga cũng có được cơ hội để biết vị mặn nước biển Ban-tích, nhưng chặng đường già năm trăm dặm tới đó, họ đã phải đi mất hai mươi mốt năm.
Năm 1721, nước Nga, với lãnh thổ bành trướng mới, đã thực sự thành một đại cường quốc ở Châu Âu. Ngày hai mươi hai tháng Mười năm đó, Sa Hoàng Pi-ốt I A-lếch-xây-ê-vích lên ngôi Hoàng Đế, gọi là Pi-ốt Đại Đế, và bắt đầu thời đại của Đế Quốc Nga.
Đất đai Đế Quốc Nga, giăng ngang được đáng kể về phía đông, to bè ra, thì ở miền nam lại ló thêm ra một bờ biển nữa, là biển Kát-xpi. Tháng Bảy năm 1722, súng Nga lại nổ, mở màn cuộc chiến với Ba Tư, và đến tháng Chín năm sau, biên giới của Đế Quốc Nga lại được đẩy tới bờ tây và bờ nam của biển Kát-xpi.
Kỵ Sĩ Đồng Pi-ốt A-lếch-xây-ê-vích Ra-man-nốp mười tuổi lên ngôi Sa Hoàng, mười ba năm sau thực sự nắm quyền, hai sáu năm nữa thì biến Vương Quốc Nga thành Đế Quốc Nga.
Đế Quốc Nga tồn tại được ngót hai thế kỷ, — một trăm chín mươi sáu năm, — qua mười bốn đời, bốn Nữ Hoàng và mười Hoàng Đế, vị Hoàng Đế cuối cùng là Nhi-ka-lai II, dù là rất đẹp trai và có hàm râu, nhất là bộ ria, được nhiều người khác bắt chước theo, nhưng lại bị một người nhỏ thó, đầu hói bóng và có chiếc cằm nhọn, theo đặc điểm nhận dạng ghi trong hồ sơ mật thám thì nói tiếng Nga hơi ngọng, tên là Vla-đi-mia I-lích U-li-a-nốp, bí danh "Lê-nin", ghét cay ghét đắng, nên đã lật đổ mất ngai vàng vào năm 1917, — bố ông Nhi-ka-lai có hàm râu đẹp này, Hoàng Đế A-lếch-xan-đrơ III, hồi trước đã treo cổ một người khác cũng có tên là A-lếch-xan-đrơ, là anh trai của Lê-nin, đây quả thật có thể coi là một trong những hành động dại dột nhất trong suốt cả lịch sử loài người.
Ngai vàng đổ, thì nội chiến bắt đầu: trên lãnh thổ của Đế Quốc Nga cũ, Hồng Quân và Bạch Vệ đuổi đánh nhau liền tù tì năm năm có lẻ, — cha đẻ của Hồng Quân là Lép Đa-vi-đô-vích Tờ-rốt-xki, một đàn em của Lê-nin. Cuối cùng Lê-nin thắng, và đã lập nên Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết vào năm 1922.
Từ đây Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết là nước to nhất trần gian, — tất thảy chiếm phải tới một phần sáu diện tích đất liền mà con người có thể sống được, trên cả quả đất, — nhưng nếu so với lãnh thổ cũ của Đế Quốc Nga, thì vẫn còn thiếu Phần Lan, Ba Lan, và một số phần đất đai khác nữa.
Lập ra Liên Bang được khoảng hơn một năm thì Lê-nin bệnh nặng qua đời. Lê-nin mới ngã bệnh, và bệnh có vẻ nặng, thì trọng quyền quốc gia đã bắt đầu chia làm bốn phần ngang ngửa: Di-nô-vép, Ka-men-nhép, Xta-lin, và Tờ-rốt-xki, — trừ Xta-lin, thì toàn người Do Thái cả, (bản thân Lê-nin cũng có ông ngoại là người Do Thái).
Lúc đầu Tờ-rốt-xki là khỏe nhất, và vẫn được coi — và cũng tự cho rằng mình — là người kế tục đúng đắn nhất của Lê-nin, nên ba người kia đã bàn cách công khai liên thủ để đánh nhau. Lê-nin mất được vài tháng, thì Tờ-rốt-xki bắt đầu thất thế nặng. Xta-lin, lúc này đã tự xác định được một đường lối riêng rất là rành mạch và quả quyết, lại quay sang tẩn một lúc cả Di-nô-vép lẫn Ka-men-nhép, đến nỗi hai người này và Tờ-rốt-xki lại phải liên thủ để đối phó, vậy mà cũng không ăn thua, — tiếp sau cả ba người đều bị khai trừ Đảng, bị kết tội, tống đi đày; rồi Di-nô-vép và Ka-men-nhép xin lỗi nhận sai, thì được phục hồi Đảng, rồi lại nâng lên, đặt xuống, rồi lại kết tội, vài lần, cuối cùng tuy không được sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng đã bị xử bắn cùng nhau; còn Tờ-rốt-xki thì dứt khoát không nhận sai, nên bị đuổi khỏi Liên Xô, đã phải sống lưu vong ở nhiều nước, sau cùng vẫn bị Xta-lin điều điệp viên Mê-rka-đê đến hạ sát tại Mê-hi-cô. Kể thêm, thì còn một người nữa là Bu-kha-rin, kể từ sau khi Lê-nin chết, đã luôn cùng một hội với Xta-lin, nhưng sau đó mâu thuẫn nhau về chính sách tập thể hóa, cuối cùng Bu-kha-rin cũng bị xử bắn.
Vậy là trong cuộc phân tranh ác liệt, có thể nói là sinh tử một cách công khai này, một người tuy không được to cao nhưng rất đẹp trai và đầy chất giang hồ, để ria uy nghi và hút tẩu, tay trái khó gập ở khuỷu và hơi ngắn hơi tay phải vì hồi bé sáu tuổi bị xe ngựa đâm, nói tiếng Nga thậm chí ngọng hơn Lê-nin vì là người Gru-di-a, rất đậm trường phái Lê-nin, đến nỗi từng được gọi là "Lê-nin của Káp-ka-dơ", từng vào tù ra tội như là đi công tác (sáu lần bị Hoàng Đế bắt đi tù, rồi đày biệt sứ, thì năm lần trốn thoát), tên là I-ô-xíp Vi-xa-ri-ôn-nô-vích Đgiu-gát-svin-li, bí danh "Xta-lin", bằng những biện pháp tương đối độc đoán, cuối cùng đã thâu gồm hết quyền lực vào hai bàn tay sắt.
Sau khi nước Nga trở thành Đế Quốc được khoảng một thế kỷ, nhà thơ Nhi-ka-lai Mi-khai-lô-vích I-a-dức-kốp, một đại diện ưu tú Thời kỳ Hoàng kim của Thi ca Nga (giai đoạn Pút-skin), đã nói về nước Nga trong bài thơ "An-la":

Một nước Nga đã được biến cải
Bằng ý chí sắt thép của Pi-ốt.

Pi-ốt Đại Đế đã biến nước Nga từ một cái làng to, thành một Đế Quốc đĩnh đạc, còn Xta-lin đã biến Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp tiên tiến. Trong hai thập kỷ rưỡi, buộc phải tuân theo những mệnh lệnh cứng rắn của Xta-lin, Liên Xô đã công nghiệp hóa với một tốc độ tương đối lạ lùng (mới dở chừng, đã đủ sức đánh thắng Phát xít Đức, cứu cả nhân loại), thiết lập nên cả một khung hạ tầng kỳ vĩ cho một vùng đất đai bát ngát, và làm ra vô khối những của cải thặng dư, — người Xô Viết dưới thời Xta-lin làm ra rất nhiều, và ăn hết thật ít so với những gì họ làm. Như trường hợp cá nhân tôi, tôi nghĩ hoàn toàn có thể tự xếp mình vào số những người đã được hưởng lợi nhất từ chuyện này, — nếu chuyện không vậy, hẳn Phi Long không kiểu gì lại có thể có được cái xuất đại học "hữu nghị" toàn phần như thế.
Pi-ốt Đại Đế mất năm 1725, làm Hoàng Đế được hơn ba năm, con cháu họ tộc nối dòng gìn giữ cơ nghiệp như thế là được mười chín thập kỷ. Xta-lin mất năm 1953, những người Xô Viết "hậu Xta-lin", nói toẹt, thì làm ra ít, và ăn rất nhiều, vậy mà cũng phải tới bốn thập kỷ sau, họ mới ăn tàn phá hại hết cả cơ nghiệp mà thế hệ trước đã để lại, cuối cùng ôm nhau lê la đến một kết cục be bét như bây giờ.
Hóa ra Phi Long nắm lịch sử nước tôi còn rõ hơn tôi và anh Xéc-giô, thậm chí nhiều chỗ còn cãi nhau cả với anh Kốt-xchi-a. Nhưng khi tôi hào hứng bảo anh kể tôi nghe lịch sử Việt Nam "theo kiểu như thế", thì anh gãi đầu, nhăn mũi, và — hình như còn — hơi đỏ mặt:
— Sử đấy... ở trường họ dạy chán lắm. Sử liệu... thì lại nghèo nàn, thiếu thốn. Nên anh thực ra... ngay cả Lạc Long Quân là người, hay đầu người mình rắn, hay trông giống người, nhưng lại có sừng như sừng bò, anh cũng hoàn toàn lơ mơ.
Tuy nhiên, cũng vì nhân chuyện này, mà A-nhi-a đã rỉ tai tôi, là chuyện học lịch sử của Phi Long chắc ít nhiều cũng có yếu tố di truyền khá tốt, — trong các tiền bối nhà anh, có một vị giáo viên dạy lịch sử phải nói là vô cùng hiển hách.
Liên Xô vừa đổ, nhưng đến kỳ nghỉ đông, A-nhi-a vẫn sắp xếp cho tôi đi nghỉ ở trại Rô-bin Hút, trong lúc anh chị tôi tập trung chuẩn bị cho một cuộc đấu "Cái gì? Ở đâu? Lúc nào?" có thể nói là vô tiền khoáng hậu ở trên đài truyền hình.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...