Tiếng vĩ

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà nội
Những phố dài xao xác hơi may.


Đúng đang là mùa thu, nhưng ngoài trời đã tối, phố đã lên đèn, và mùa thu dạo này có vẻ như càng ngày càng nóng lên. Chiếc quán rộng có những cửa sổ to mở bị hơi chếch một ít qua bên phải so với hướng nhìn thẳng ra một quảng trường mênh mông, mênh mông theo nghĩa lợi thế cạnh tranh, vì thành phố chật chội. Mặc dù bị hơi chếch, nhưng phố ở đây cũng khá to, cho nên chung cuộc thì ngồi đây vẫn thấy mênh mông, theo nghĩa trên.

Quán đang khá đông nhưng trông không có cảm giác đông, không phải vì giỏi thiết kế hay giỏi bố trí chỗ ngồi, mà vì nhiều người ở trong này trông na ná như nhau: cùng một loại tương đối phổ biến bây giờ.

Con trai theo mẫu phổ biến này hay mặc âu phục, như mùa này thì là quần âu sẫm hoặc hơi sẫm, áo sơ mi sáng hoặc hơi sáng, xơ vin; nhưng vì đa phần con trai ở khu vực địa lý này đều có vóc người không mấy to cao, và bây giờ nói chung họ đều hơi đẫy đà và đều có mỡ thừa, ít nhiều phúng phính, cho nên âu phục, dù nhìn thế nào, cũng không mang lại một cảm giác Âu cho lắm. Họ bây giờ hay cắt tóc rất ngắn, nên dù cắt cẩn thận nhưng trông vẫn lởm chởm, hở rõ chân tóc với thịt đầu, và vì có mỡ thừa, cho nên nếu nhìn từ phía sau, gáy và phần da đầu ở gần đấy thường hay đùn lên rõ nét những nếp da thịt nhăn nheo. Rất nhiều người đeo kính trắng. Bây giờ nói chung ai cũng cận, cận từ khoảng hai rưỡi trở lên thì nên đeo kính, đấy là chuyện toàn cầu và bình thường. Chỉ có điều nếu thân thể đẫy đà và có mỡ thừa, gáy đùn lên, và tóc ngắn quá khiến đầu trông càng múp, thì dù mắt có thế nào ở bên trong kính thì cũng vẫn dễ gây cảm giác là “mắt một mí”, và dù có cận nhẹ thì cũng vẫn dễ gây cảm giác “cận lòi”.

Con gái theo mẫu phổ biến này ở chỗ như thế này hay mặc váy ngắn hơn hoặc bằng đầu gối. Con gái ở khu vực địa lý này đa phần đều có chân cong. Chân cong mặc váy thì chân sẽ thẳng ra. Tưởng như là một nghịch lý nhưng cũng không phải là không có lý. Váy ở đây ngoài chuyện là váy thì còn giống như tiếng chuông reo ở trong thí nghiệm. Có chuông thì chó chảy dãi, có váy thì chân cong khép lại. Không tự nhiên. Nhưng cũng không ai bắt “thẳng” phải là trạng thái tự nhiên.

Con trai và con gái theo mẫu phổ biến này hay nói tiếng Việt lủng củng: lủng củng về cú pháp, lủng củng về từ vựng, và lủng củng về âm tiết. Một buổi biểu diễn âm nhạc ở nhà hát lớn có thể được diễn đạt là “Một buổi vinh danh âm nhạc”, và trong buổi đó, nhạc sĩ Văn Cao sẽ có thể liên tục bị dự đoán là “phải chăng” ông đã thế này, “phải chăng” ông đã thế kia; còn nếu đang là chủ đề thể thao, thì Hồng Sơn có thể đang bị “đi song song với mặt cỏ ra khỏi sân” vì “đang bị đau ở phần mềm phía trước”, còn Kim Huệ thì “vừa thực hiện xuất sắc một cú đập bóng một chân”. “Huyền nằm” sẽ hay được luyến từ trên xuống; “Sắc đứng” sẽ hay được luyến từ dưới lên; “Hỏi khom lưng đứng” sẽ hay bị xuống sề; “ó” sẽ hay được hát ô-pê-ra.

Họ là tầng lớp lao động chân tay mới.

Điểm chung thứ nhất là họ không có trình độ Đại Học, mặc dù đa phần họ đều có bằng tốt nghiệp Đại Học. Có điều là những chiếc bằng này được cấp tại những cơ sở đào tạo thực sự không có đủ khả năng để đào tạo nên những người có trình độ Đại Học theo những chuẩn mực chung. Những chỗ đấy, thế nào đó, một cách chính quy, cũng vẫn được gọi là những trường Đại Học. “Đại Học” ở đây đơn thuần có lẽ chỉ còn là vấn đề từ vựng. Nhiều người, sau khi tốt nghiệp ở những chỗ đấy, lại trở thành giảng viên Đại Học và tiếp tục công việc đào tạo nên những người được cấp bằng Đại Học các thế hệ sau. Một người tự mình thực sự chưa bao giờ có điều kiện để hiểu được như thế nào là trình độ Đại Học thì nói chung không thể dạy nên những người có trình độ Đại Học. Không thể dạy người khác cái mà chính mình cũng không hiểu. Chuyện này dễ hiểu. Nhưng trước mắt, mặc dù trên quy mô lớn, và chắc chắn sẽ để lại những hậu quả vô cùng sâu sắc và lâu dài cho nhiều thế hệ, có lẽ là vẫn cần phải có những sự đồng thuận chung, thế nào đó, theo kiểu như thế.

Nhưng cho dù là không đại học, thì nói chung vẫn chưa thể khẳng định được gì về chuyện lao động chân tay. Bill Gates cũng là người theo một nghĩa đen nhất thật sự không thật hiểu được như thế nào là trình độ đại học, nhưng nói chung sẽ hoàn toàn không mấy thuyết phục nếu bảo ông ấy thuộc tầng lớp lao động chân tay. Còn nữa, Henry Ford đã tự, theo nghĩa đen nhất, làm ra một cái ô tô để đi; Thomas Edison thì bảo: “Để phát minh, bạn cần một trí tưởng tượng tốt và một đống đồng nát”; còn Steve Jobs thì gần như đã tuyệt đối làm đúng theo lời Edison dặn dò với một đống đồng nát theo đúng nghĩa đen và đã tự đóng vỏ máy tính cá nhân bằng gỗ; nhưng, lại một lần nữa, cũng sẽ hoàn toàn không mấy thuyết phục nếu bảo mấy ông này thuộc tầng lớp lao động chân tay.

“Lao động chân tay” nói chung không được dùng theo nghĩa thật “đen”.

Tầng lớp lao động chân tay mới đa phần đều làm việc bằng đầu. Nhưng bản chất công việc của họ chỉ là sử dụng kỹ năng. Cho dù là kỹ năng đầu óc, thì cũng chỉ là một tổ hợp “nếu - thì” đã được cài đặt sẵn; tổ hợp có thể phức tạp, thậm chí rất phức tạp, nhưng vẫn là có sẵn. Hoàn toàn không có chữ “Trí” ở đây. Cái này cũng tương tự như gái điếm, hay vợ chồng lưu niên, có thể làm tình hoàn toàn chỉ bằng các kỹ năng “nếu - thì”. Các tổ hợp “nếu - thì” có thể rất phức tạp, nhưng hoàn toàn không có chữ “Yêu” ở đây.

Những hiểu biết về bộ não con người từ trước đến giờ hình như vẫn tiếp tục phát triển theo hướng kế thừa và thêm mới, chứ không được mổ xẻ nghiên cứu lại. Mà não người bây giờ, nhiều khả năng là không hoàn toàn giống với não người ngày xưa, cho nên nếu làm như thế, ai biết, có khi những tổ hợp “nếu - thì” trải qua nhiều thế hệ tiến hóa không biết chừng đã kịp biến đổi một phần não người ngày xưa thành cơ bắp thật, cơ bắp vật lý trong não người bây giờ rồi cũng nên. Nghe tiếng chuông reo - chó chảy nước dãi; nghe tiếng sếp vào - lao động chân tay mới chuyển từ Yahoo sang Word.

Nhiều người chắc sẽ bảo là ác ý. Nhưng đây đơn thuần chỉ là những nhận xét. Và những nhận xét, nếu đúng đắn, thì luôn là thiện ý.

Chúng ta sẽ không đi sâu, nhưng có lẽ cũng nên đề cập một chút đến nội dung những câu chuyện xung quanh những chiếc bàn ở trong chiếc quán rộng có những cửa sổ to mở bị hơi chếch một ít qua bên phải so với hướng nhìn thẳng ra một quảng trường mênh mông này. Những câu chuyện nói chung sẽ không thật hay về nội dung cũng như về cách diễn đạt.

Nhận xét như vậy có đúng đắn?

Kể từ khi mạng Internet bắt đầu mang tính phổ biến, thì nhiều thứ có thể tìm hiểu ở trên đó, tìm hiểu thật sự ấy, nếu như có phương pháp, và khoa học một chút. Về chuyện “những câu chuyện” giữa một nhóm người, thì các diễn đàn đúng là những chỗ để quan sát rất tốt.

Thực tế, đã có những diễn đàn từng có rất nhiều nội dung trao đổi thú vị, với những người tham gia thông minh, sinh động, sáng tạo, giàu kiến thức đa dạng, và có bề dày học thuật. Nếu tìm hiểu thêm một chút, sẽ không khó nhận ra đa phần những mem-bờ này là những người đều đã có may mắn hiểu được như thế nào là trình độ Đại Học - với nhiều người là trên Đại Học - thật sự.

Nếu chịu khó quan sát thêm, cho đến lúc cũng trên những diễn đàn đã từng có nội dung hay đấy không còn nội dung hay nữa, chỉ còn lại những nội dung trao đổi mà nếu không có mạng Internet thì có những người chắc sẽ không có điều kiện để hình dung được là thực tế đang thật sự tồn tại những người khác vẫn thường xuyên trao đổi với nhau những chuyện như thế. Những mem-bờ bây giờ này không giống như những mem-bờ ngày xưa kia, và dễ nhận ra là đa phần họ đều đã không may mắn có được điều kiện để hiểu được như thế nào là trình độ Đại Học.

Những câu chuyện không hay về nội dung cũng như về cách diễn đạt, vì “Đại Học”, “Thạc Sĩ”, “Tiến Sĩ”, những cái đấy không chỉ mang ý nghĩa chuyên ngành, mà còn mang ý nghĩa mức độ biết tư duy.

Mà tư duy thì vốn là một đặc điểm phân biệt quan trọng. Về vấn đề này các bậc Charles Darwin, Ivan Petrovich Pavlov… đã xây dựng nên cả một hệ thống kiến thức khoa học kỳ vĩ, và với chúng ta thì việc chịu khó tìm hiểu, tham khảo, sẽ thật sự mang nhiều ý nghĩa hơn là đi sâu phân tích tiếp ở đây.

Những mái tóc xanh mềm mại, những cặp mắt đen láy, trong trẻo, tươi sáng, những khóe miệng lịch lãm, vui vẻ, duyên dáng, bây giờ quả thực hiếm khi còn gặp, nhất là ở những chỗ như thế này.

Nhưng hiếm tức là vẫn có: thế nào đó, lọt vào giữa khung cảnh đông mà vắng này, bên khuông cửa sổ to nhất, cách ra một khuông về phía bên phải cửa ra vào, bên một cái bàn tròn kê sát vào bậu cửa sổ đang có một khuôn hình quả thật ít nhiều mang những nét như thế.

Có hai mái đầu tóc đen bồng bềnh và hai mái đầu tóc đen mượt mà chỉn chu. Đều là những người quen của chúng ta: Đào Phò và Nhật Linh ngồi đối diện cửa sổ, Nhật Linh ngồi hơi đung đưa, lúc lúc lại va vào Đào Phò; bên phải Nhật Linh là Đim-ma, khuôn mặt trắng xanh, nền nã, với khóe miệng dịu dàng; rồi đến Lan Cải đang mơ màng dựa vào khung cửa, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên, không hiểu là đang suy tư chuyện gì; lần này về nước, cô đang phải hết sức chăm chút đến lời ăn tiếng nói của mình, vì Đào Phò mặc dù không nói cụ thể với ai, nhưng trong những câu chuyện tếu táo thường nhật của mình, thỉnh thoảng đã thấy y vừa cười có vẻ rất khoái chí, vừa vui vui theo một cách vô hại: “Những đứa ở quê tao mà nói đệm tiếng tây, thì nên ăn mười bát cứt.” Cách diễn đạt của y tuy như vậy, nhưng chơi với nhau đã lâu, cô hiểu y đang rất nghiêm túc. Và nhận xét, dù theo cách nào, nếu đúng đắn, thì luôn là thiện ý.

Nhật Linh vừa định bắt đầu một chuyện vui vẻ mới, thì Đào Phò đã khẽ vỗ vào vai cô: “Kia rồi!”

Ở ngoài có một chiếc Uây tàu kẹp ba vừa đỗ sát vào hè đường, cả hai người ngồi sau đều mặc đồ sẫm màu, hầu như đen, và đều không đội mũ bảo hiểm. Cũng là hai mái tóc đen bồng bềnh. Xuống xe, chàng trai dáng vẻ nho nhã đứng chờ cô gái móc túi quần bò lấy tiền trả tiền xe; anh chàng xe ôm cầm tiền, nhìn cô cười toe toét nói gì đấy rồi tè xe đi, cô còn giơ tay kiểu như vẫy vẫy theo anh ta; rồi hai người đi vào quán.

Không có chào hỏi, chỉ có những ánh mắt long lanh và những miệng cười tươi tắn, hai chỗ ngồi vẫn còn để trống chờ họ, cô gái ngồi xuống bên cạnh cửa sổ. Nhật Linh vừa tò mò ngắm nghía hai người mới đến, vừa nghĩ: “Sao lại không yêu nhau nhỉ? Chim Xanh bảo là giống như anh em, còn có vẻ rất hài lòng về chuyện đấy. Như anh em thì liệu có…”

Đào Phò, suốt từ lúc ngồi đây vẫn không chủ động gợi chuyện, giờ Phi Long đến, có vẻ giống như đã chủ ý để dành, chờ các cô gái chăm sóc danh sách mồi uống mồi ăn xong, mới nhìn liếc liếc những người mới đến, tủm tỉm:


- Chính ra, như thế này, thì bác Phi Long nên làm một ông huyện, rồi lấy Lan Cải.


Đã quen kiểu gợi chuyện này của Đào Phò - mặc dù chàng ta có nhiều những kiểu gợi chuyện khác nhau, - nên mọi người, cả Lan Cải và Phi Long, đều không ai nói gì, chỉ vui vui nhìn chàng chờ đợi, thì thấy chàng ta bỗng ngâm nga:


“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.”


Rồi Đào Phò vừa nhìn Đim-ma đang phì cười vừa thủng thẳng: “Đấy! Quan trọng là thơ hay. Chúng ta đều nhớ thơ hay, chứ quan trọng cái chó gì là bà huyện với ông huyện có yêu nhau hay không?”

“Đúng rồi, quan trọng là thơ hay…”

“Thế nhỡ thơ không hay…”

“Hờ hờ… phải gọi là địa ngục trần gian!”

“Này, thế huyện với tổng với phủ cái nào to hơn? Lan Cải chắc giống Hương hơn…”

“…

Điện bị mất giữa lúc câu chuyện đang vui và cũng không làm ảnh hưởng gì đến nó cả, dù chung quanh mọi người đều hơi ồ lên. Điện trước đấy cũng được thiết kế không sáng lắm, và trên bàn vẫn có nến. Mặc dầu vậy, tối hơn, cái đấy một cách tự nhiên tác động ngay vào thị giác, và theo một cơ chế liên quan đến thị giác, sẽ có một chất gì đấy được tiết thêm vào máu, và chất này gây ra một tác dụng làm cho thần kinh trở nên tĩnh hơn, và nếu không tĩnh đến mức ngủ, hay là mơ màng quá, thì khi ở bên trong tĩnh hơn, những thứ xảy ra ở bên ngoài sẽ dễ được nhận biết một cách rõ ràng hơn.

Cho nên khi tiếng vĩ cầm vang lên, thì hầu như tất cả mọi người đã đều chú ý ngay đến nó.


(Còn tiếp)

Đã có 7 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Phi Long bi bô...

Dịch thơ khó quá lại chuyển sang viết?

Viết hay, nhưng đừng bỏ "I loved you", pls.

Yến Lan bi bô...

Thực tế, đã có những diễn đàn từng có rất nhiều nội dung trao đổi thú vị, với những người tham gia thông minh, sinh động, sáng tạo, giàu kiến thức đa dạng, và có bề dày học thuật. Nếu tìm hiểu thêm một chút, sẽ không khó nhận ra đa phần những mem-bờ này là những người đều đã có may mắn hiểu được như thế nào là trình độ Đại Học - với nhiều người là trên Đại Học - thật sự.

Nếu chịu khó quan sát thêm, cho đến lúc cũng trên những diễn đàn đã từng có nội dung hay đấy không còn nội dung hay nữa, chỉ còn lại những nội dung trao đổi mà nếu không có mạng Internet thì có những người chắc sẽ không có điều kiện để hình dung được là thực tế đang thật sự tồn tại những người khác vẫn thường xuyên trao đổi với nhau những chuyện như thế. Những mem-bờ bây giờ này không giống như những mem-bờ ngày xưa kia, và dễ nhận ra là đa phần họ đều đã không may mắn có được điều kiện để hiểu được như thế nào là trình độ Đại Học.

Những câu chuyện không hay về nội dung cũng như về cách diễn đạt, vì “Đại Học”, “Thạc Sĩ”, “Tiến Sĩ”, những cái đấy không chỉ mang ý nghĩa chuyên ngành, mà còn mang ý nghĩa mức độ biết tư duy.


As a matter of fact, there were some forums with many interesting contents, members are there clever, lively, creative, rich of various knowledge, and they're with the academic deepness. If carefully to consider a little more, it's not difficult to learn that the majority of them once, in some happy case, just already had possibility to understand what university level - with some it's even higher - actually is.

If you have found time to observe more and more, until then at forums where already were interesting contents are not present more that same, there remains only such contents that if without Internet then some people will not have possibility to know there actually really exists other people regularly to communicate with each other that way. Members now are not the same as earlier, and it's the easiest to define, that they in general have not any more carried to have possibility to understand what the university is.

These stories are not interesting, in contents, and in how to interpret, for "University", "Master", "Doctor", those not only have value of limited specialities, but also a level on which the person is able to think.

Phân tích hay quá, nhưng mà hơi ... , nhở bác nhở. =))

Anonymous bi bô...

Con mụ Cải này càng ngày thì lại càng đáo để. Có phải là thích anh quá không?

Yến Lan bi bô...

:) Ấy mà ấy thế thì ấy còn ấy lâu lắm ấy làm tớ cũng ấy lắm ấy ấy ạ.

Đim-ma bi bô...

Ấy Đào Phò ơi, ấy thụt đầu paragraph bằng cách nào đấy?

Anonymous bi bô...

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa,
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại.


Đúng có khác. Sơn công chúa chắc không bán độ đi tù hay giả vờ đánh mất hộ chiếu. Biết rồi, nhà nó giàu... nhưng chắc không chỉ thế.

dao_hoa_daochu bi bô...

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...